VUI HỌC THÁNH KINH
LỄ GIÁNG SINH
NĂM B
Tin Mừng thánh Luca 2,1-14
TIN MỪNG
1
Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả
thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô
làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi
thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là
Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó
khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có
thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai
hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì
hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
8
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ
đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung
quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng
sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn
dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít,
Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ
gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ."13 Bỗng có muôn vàn
thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
14
"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình
an dưới thế cho loài người Chúa thương."
1 In
those days a decree went out from Caesar Augustus that the whole world should be enrolled.
2 This was the first enrollment, when
Quirinius was governor of Syria .
3 So all went to be enrolled, each to his
own town.
4 And Joseph too went up from Galilee from
the town of Nazareth to Judea, to the city of David that is called Bethlehem ,
because he was of the house and family of David,5 to be enrolled with Mary, his
betrothed, who was with child.
6 While they were there, the time came for
her to have her child,7 and she gave birth to her firstborn son. She wrapped him in swaddling clothes and laid
him in a manger, because there was no room for them in the inn.
8
Now there were shepherds in that region living in the fields and keeping
the night watch over their flock.
9 The angel of the Lord appeared to them
and the glory of the Lord shone around them, and they were struck with great
fear.
10 The angel said to them, "Do not be
afraid; for behold, I proclaim to you good news of great joy that will be for
all the people.
11 For today in the city of David a savior has been
born for you who is Messiah and Lord.
12 And this will be a sign for you: you
will find an infant wrapped in swaddling clothes and lying in a manger."
13 And suddenly there was a multitude of
the heavenly host with the angel, praising God and saying:14 "Glory to God in the highest and on
earth peace to those on whom his favor rests."
I. HÌNH TÔ MÀU
*
Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu Tin Mừng thánh Luca
2,11
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Hoàng đế nào đã ra chiếu chỉ truyền
kiểm tra dân khắp cả thiên hạ? (Lc 2, 1)
a.
Hoàng đế Âugúttô.
b.
Hoàng đế Pharaô.
c.
Hoàng đế Xêda.
d.
Hoàng đế Nêrô.
02. Ông Giuse phải về miền nào để khai tên
tuổi? (Lc 2, 4)
a. Miền Galilê.
b. Miền Samaria.
c. Miền Giuđê.
d. Miền Thập tỉnh.
03. Những
người nào đã được sứ thần Chúa báo tin: “Hôm nay, 1 Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho
anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa? (Lc 2, 11)
a. Những người chăn heo.
b. Những người chăn chiên.
c. Các đạo sĩ.
d. Các tư tế thành Giêrusalem.
04. Cứ dấu nào
anh em nhận biết Người? (Lc 2, 12)
a. 1 trẻ sơ sinh bọc tã.
b.
Đặt trong máng cỏ.
c. Ở
trong hoàng cung.
d.
Chỉ a và b đúng.
05. Ai đã cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”?
a.
Những người chăn chiên
b.
Dân thành giê rusalem
c.
Mẹ Maria
d.
Các thiên binh với các sứ thần
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Sứ thần loan báo 1 Đấng Cứu Độ đã sinh
ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là gì của Đức Chúa? (Lc 2,11)
02. Hoàng đế nào đã ra chiếu chỉ truyền
kiểm tra dân khắp cả thiên hạ? (Lc 2,1)
03. Tại Bêlem, 2 ông bà không tìm được chỗ
ở đâu? (Lc 2,7)
04. Tổng trấn xứ Xyri thời Đức Giêsu sinh
ra tên là gì? (Lc 2,2)
05. Ai đã loan báo cho những người chăn
chiên biết đấng cứu độ đã sinh ra? (Lc 2,9)
06. Hài Nhi sinh ra được đặt ở đâu? (Lc
2,12)
07. Đấng Cứu Độ sinh ra trong thành của vua
nào? (Lc 2,11)
Hàng
dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
Hôm nay,
một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em
trong thành vua Đavít,
Người là Đấng Kitô Đức Chúa
Tin Mừng thánh Luca 2,11
GB. NGUYỄN THÁI
HÙNG
Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
LỄ GIÁNG SINH
NĂM B
Tin Mừng thánh Luca 2,1-14
I. HÌNH TÔ MÀU
*
Chủ đề :
Đức Giêsu giáng sinh
* Tin Mừng thánh Luca 2,11
Hôm nay,
một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em
trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.
II. Lời giải đáp trắc nghiệm
01. a. Hoàng đế Âugúttô (Lc 2, 1).
02. c. Miền Giuđê (Lc 2, 4).
03. b. Những người chăn chiên (Lc 2,11).
04. d. Chỉ a và b đúng (Lc 2,12).
05. d. Các thiên binh với các sứ thần (Lc
2,14).
III. Lời giải đáp ô chữ
01. Đấng
Kitô (Lc 2,11)
02. Hoàng đế Âugúttô (Lc 2,1)
03. Nhà
trọ (Lc 2,7)
04. Tổng trấn Quiriniô (Lc 2,2)
05. Sứ
Thần Chúa (Lc 2,9)
06. Máng
cỏ (Lc 2,12)
07. Vua Đavít (Lc 2,11)
Hàng
dọc: Ngôi Hai.
GB. NGUYỄN THÁI
HÙNG
Các bài suy niệm LỄ CHÚA GIÁNG SINH - Năm B
Lời Chúa:
* Lễ Đêm: Is
9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14
* Lễ Rạng Đông:
Is 62, 11-12; Tt 3,4-7; Lc 2,15-20
* Lễ Ban Ngày:
Is 52, 7-10; Dt 1, 1-6; Ga 1,1-18
Tài liệu về Lời Chúa
***********************************************
Bệnh Giêsu
Cách đây hơn 20 thế kỷ, một biến cố đã xảy ra và đã
làm cho cuộc sống của nhân loại được phong phú. Đúng thế. Vào một đêm đông, một
hài nhi nhỏ bé đã được sinh ra trong tăm tối. Nhưng rồi ba mươi năm sau, người
ta lại thấy Ngài xuất hiện đi trên các nẻo đường như một ánh lửa khác thường
của nhân loại. Ngài đã mời gọi thay đổi cả thế giới. Ngài đã lật đổ mọi thứ
nặng nề trì trệ của cơ chế cũng như của tôn giáo.
Đối với Ngài, không có những bức hàng rào ngăn cách
những gia đình, dòng tộc, phe nhóm và quốc gia. Ngài khơi dậy nơi mọi người sự
ân cần của tình thương. Ngài đã nói năng thân mật với Thiên Chúa cao cả như một
người con. Nơi nào Ngài đến, thì hệ thống đẳng cấp bị sụp đổ. Người nghèo được
vui mừng. Người bệnh tật và bất hạnh thấy được bảo đảm. Người cuối hết trở
thành kẻ thứ nhất. Ngài đã tái sinh ông nhà giàu dính cứng trong tiền bạc bất
chính, người đàn bà hư hỏng, nhà thông luật nặng hình thức và thậm chí cả viên
sĩ quan của nhà vua. Một sự sống chưa từng có đã bừng lên nơi những con người
này, để nhờ đó, biến đổi cả cuộc sống xã hội và xây dựng một thế giới mới đầy
tình thương.
Và như chúng ta đã biết: Ngọn lửa nhân bản và yêu
thương ấy đã chỉ có một thời. Những kẻ quyền hành của thế giới cũ đã liên minh
chống lại Ngài. Hài nhi sinh ra trong hang đá Bêlem năm nào đã bị đóng đinh
trên thập giá. Ngài đã chết sau ba giờ hấp hối, vì đã muốn biến đổi thế giới,
vì đã muốn khai sinh một nhân loại mới. Dọc theo các thế kỷ, từ đó cho đến nay,
nhiều người đã quên mất Ngài, thậm chí trong số đó có cả những người mang danh
hiệu Kitô hữu.
Thế nhưng, tinh thần của Đức Kitô không ngừng lây
lan trong tâm hồn chúng ta, hay như một người Hồi giáo đã nói: Con người mang
một cái bệnh gọi là bệnh Giêsu, thì không bao giờ có thể lành được. Ngày nay
cũng vậy, Ngài có những người bạn nhiệt tình của mình. Tôi nghĩ đến những người
trong đêm giáng sinh thay vì đi dự một tiệc rượu, đã tới thăm viếng những người
đau yếu, nghèo túng và chia sẻ với họ một phần quà nho nhỏ. Tôi nghĩ đến những
ông bác sĩ sau khi tốt nghiệp, thay vì mở phòng mạch tại thành phố, thì đã đi
phục vụ không công tại những nơi xa xôi heo lánh. Tôi nghĩ đến những người dâng
hiến cả cuộc đời cho những kẻ phong cùi cay cực. Thay vì lãng quên hay chạy
trốn, họ đã tiến lại gần và tự hiến. Họ đã là những phản ánh trong sáng nhất
cho tình thương của Ngài.
Thế nhưng tới đây thì một câu hỏi được đặt ra: Vậy
thì Thiên Chúa ở đâu cho chúng ta tìm kiếm, hay Ngài chỉ còn là một kỷ niệm xa
xưa? Cựu Ước kể lại rằng, đang khi Đavit dự tính xây cất một đền thờ cho Thiên
Chúa, thì Ngài đã viếng thăm tiên tri Nathan và nói với ông: Ta chẳng bao giờ ở
trong nhà kể từ ngày Ta đem con cái Israel ra khỏi Ai Cập. Chính ta sẽ xây cho
Đavit một ngôi nhà. Nhà của Đavit và vương quốc của Đavit hằng tồn tại trước
mặt Ta.
Như thế chúng ta thấy Thiên Chúa không phải chỉ ở
trong các đền thờ mà còn ở trong chính con người. Hay như thánh Gioan đã viết:
Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Vậy thì Ngài đã thực sự hiện diện
nơi bản thân chúng ta hay chưa, và hơn thế nữa chúng ta đã thực sự tìm gặp được
Ngài nơi những người chung quanh, nhất là nơi những người anh em bệnh tật, đau
khổ và nghèo túng hay chưa?
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
ĐTGM Ngô Quang Kiệt
Lc 2,1-14
Đêm nay, tại các nhà thờ trên khắp thế giới vang
lên lời ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh năm xưa:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”
Lời hát của các thiên thần chính là sứ điệp của
Chúa từ trời cao gửi xuống. Lời hát này nối kết đất với trời. Lời hát này ràng
buộc Thiên Chúa với con người.
Tại sao “Vinh danh Thiên Chúa trên
trời” phải đi liền với “Bình an dưới thế cho người Chúa
thương”? Thưa vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa tự ràng buộc
mình với con người.
Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống
thế làm người. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu
ớt. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi
một người phụ nữ. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn trở nên một thành viên
trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.
Thiên Chúa đã tự nguyện làm một người như chúng ta,
Thiên Chúa tự đồng hóa với con người đến nỗi từ nay ai khinh miệt một con người
là khinh miệt chính Chúa, ai bạc đãi một con người là bạc đãi chính Chúa, ai hà
hiếp một con người là hà hiếp chính Chúa. Ai xúc phạm đến con người là xúc phạm
đến Chúa.
Hang đá Bêlem là một lời mời gọi tha thiết và cấp
thiết cho tương lai nhân loại. Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời
gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống. Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để
mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. Thiên Chúa sinh ra
trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ.
Thiên Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ.
Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những
truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình.
Lời mời gọi này có tính chất quyết định không những
cho hạnh phúc chóng qua mà còn cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.
Vì ai tôn trọng con người là tôn trọng chính Chúa.
Ai phục vụ con người là phục vụ chính Chúa. Như lời Chúa dạy: mỗi lần ta cho kẻ
đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù
rạc, là ta làm cho chính Chúa (x. Mt 25).
Như thế, lễ Chúa Giáng Sinh là lễ của phẩm giá con
người. Chúa xuống trần để nâng cao phẩm giá con người. Chúa làm người để con
người được kính trọng. Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên
Chúa.
Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì
con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao
trọng. Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Vì loài người chúng tôi và để
cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”, ta hãy quỳ gối trước tình yêu
thương cao cả của Chúa dành cho ta. Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của con người
vì được Chúa yêu thương.
Vì thế, để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho đúng ý
nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng con
người. Dịp lễ Giáng Sinh, chỉ đến viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến
viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo. Chỉ đến
viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ. Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ
rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá
nghèo nàn thôi chưa đủ. Ta còn phải cảm thương những anh chị em nghèo khổ,
thiếu may mắn ở quanh ta.
Chỉ khi nào tất cả mọi người được yêu thương, ta
mới có thể mừng lễ Giáng Sinh thật sự vui tươi. Chỉ khi nào tất cả mọi người bé
nhỏ, yếu ớt, nghèo hèn được kính trọng, ta mới có thể hát vang lời ca:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”
Trong tâm tình yêu mến và kính trọng, tôi xin gửi
tới tất cả anh chị em lời cầu chúc đầy bình an và ân sủng của Chúa Hài Nhi
Giáng Sinh. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế
cho người Chúa thương. Khi hát câu này bạn có ý thức mối liên hệ chặt chẽ giữa
Thiên Chúa với con người không?
2) Tại sao Chúa Giêsu đòi buộc ta phải yêu mến con
người nếu ta thực sự yêu mến Chúa?
3) Lễ Giáng Sinh này, bạn sẽ làm việc cụ thể nào để
thực sự mừng đón Chúa đến?
Lời ngỏ của Tình Yêu
ĐTGM Ngô Quang Kiệt
Ga 1,1-18
Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa
là tình yêu”. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách
dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được
và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài. Yêu nhiều rồi
cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã
gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa. Con Một
Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá
Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng
âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời
của tình yêu. Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta
sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của
tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.
Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến.
Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh. Chúa Giêsu tự nguyện
trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta. Ngài nằm trong máng cỏ như một lương
thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng. Lương thực đó không phải là lương
thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn.
Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những
cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống
thiêng liêng. Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng
những cơn đói mới của thế giới.
Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường.
Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường. Tình yêu hạ mình vì người yêu.
Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Từ trời xuống đất. Từ địa vị Thiên Chúa xuống
địa vị làm người. Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người. Những
không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người. Chúa chỉ thu mình trong một
góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò. Nhường không gian cho con người ăn nói. Còn
Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.
Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm.
Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước. Yêu con người khi con người
chưa biết yêu Chúa. Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi. Đi tìm
con người trước khi con người quay về. Cuộc đi tìm thật vất vả. Chúa phải bỏ
trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã,
phải chịu chết mới tìm được con người.
Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh.
Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình. Chịu đói nghèo,
chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục. Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói
với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.
Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp.
Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ.
Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con
người. Trở nên một với con người. Chấp nhận hết những gì của con người. Chấp
nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn. Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của
kiếp người.
Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm
trong máng cỏ. Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Hãy
mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Trong bóng tối hận
thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối.
Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh sáng tình
yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa
chiếu soi vào môi trường chung quanh ta. Để cho thế giới bớt tối tăm. Bấy giờ
Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn nghe thấy gì qua tiếng nói thinh lặng của
Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ?
2) Yêu thương, ngỏ lời mà không được lắng nghe và
đáp lại. Bạn cảm thấy thế nào nếu rơi vào tình trạng đó? Bạn có hiểu được lòng
Thiên Chúa khi ngỏ lời yêu thương với bạn không?
3) Còn nhiều người chưa nghe được lời yêu thương
của Chúa. Bạn có sẵn sàng làm sứ giả đem lời tình yêu của Chúa đến với họ
không?
4) Để làm sứ giả tình thương, bạn cần những đức
tính nào?
Đêm Ánh Sáng
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
ĐÊM ÁNH SÁNG
Đêm Giáng sinh chìm trong lớp lớp bóng tối dày đặc.
Bóng tối tự nhiên của một đêm mùa đông ảm đạm. Bóng
tối cay đắng của đêm dài nô lệ khi đất nước chìm trong ách thống trị ngoại
bang. Bóng tối âm thầm nhẫn nhục của những kiếp người nghèo hèn lam lũ. Bóng
tối âm u trong túp lều lúc nhúc súc vật hôi tanh. Bóng tối u mê của tội lỗi nhơ
nhớp.
Giữa màn đêm dày đặc, Hài nhi Giêsu xuất hiện như
một làn ánh sáng rực rỡ.
Đó là ánh sáng tình yêu.
Tình yêu vốn là một ngọn lửa vừa chiếu sáng vừa
sưởi ấm. Hài nhi Giêsu là kết tinh tình yêu của Thiên chúa dành cho nhân loại.
Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất
không gì có thể so sánh được. Trao ban Đức Giêsu là cho tất cả, không còn có
thể cho thêm gì nữa. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên chúa đi tìm con
người. Thiên chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp con người. Thiên chúa đã tìm
thấy con người trong những khốn cùng tột độ của nó. Thật lạ lùng, Thiên chúa
quá yêu thương đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại. Thiên chúa đã
cưới lấy bản tính nhân loại. Bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên
chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Anh sáng Thiên chúa soi
sáng kiếp người tăm tối. Ánh sáng Thiên chúa sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.
Đó là ánh sáng niềm tin.
Anh sáng Giáng sinh chiếu toả trên những tâm hồn
thiện chí. Đêm nhân gian vẫn còn mê đắm. Nhưng vẫn có những tâm hồn thiện chí
tỉnh thức. Đó là những tâm hồn bé nhỏ nghèo hèn. Đó là những cuộc đời khiêm tốn
sống âm thầm trong bóng tối. Đó là những người nghèo của Thiên chúa. Đó là
thánh Giuse, Đức Maria. Đó là Ba Vua. Đó là các mục đồng. Khiêm nhường nên các
ngài sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên chúa. Tỉnh thức nên các ngài nhạy bén đón
nhận những dấu chỉ Thiên chúa gửi đến. Thiện chí nên các ngài hăng hái lên
đường ngay khi nhận được tín hiệu. Đơn sơ nên các ngài nhận được ánh sáng. Hê
rô đê và Giê ru sa lem chìm trong mê đắm nên ngôi sao đã tắt. Trái lại
"vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh các mục đồng". Và ngôi sao
xuất hiện dẫn đường cho Ba Vua. Anh sáng đã bao phủ các ngài. Anh sáng đã dẫn
đưa các ngài đến bên máng cỏ. Anh sáng đã khiến các ngài nhìn thấy "một
trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" và các ngài đã tin.
Đó là ánh sáng hi vọng.
Hài nhi Giêsu là hạt giống bé bỏng Thiên Chúa gieo
vào thế giới. Những tâm hồn thiện chí là mảnh đất phì nhiêu. Những người nghèo
của Thiên chúa âm thầm kiên trì chờ đợi. Những tâm hồn thiện chí như Ba Vua
ngước mắt lên trời tìm kiếm. Niềm khao khát đã được đáp ứng. Đã đến mùa Thiên
chúa gieo hạt. Hạt mầm thần linh gieo vào xác phàm sẽ thần hoá cả nhân loại.
Hạt giống Giêsu sẽ triển nở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ. Mặt
trời bé nhỏ Giêsu sẽ trở thành mặt trời chính ngọ soi chiếu đêm tối nhân gian.
Anh bình minh Giêsu hứa hẹn một ngày mới chan hoà ánh sáng. Với Hài nhi Giêsu,
một thời đại mới khởi đầu: những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo
hèn được kính trọng. Giê su chính là hạt mầm hi vọng Thiên chúa gieo vào thế
giới.
Đó là ánh sáng Tin mừng.
Được thắp lửa, những tâm hồn thiện chí trở thành
những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hi vọng, mà còn
chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh. "Họ kể lại điều đã được nói
với họ về Hài Nhi này". Tin mừng được loan đi. Niềm vui lan tới mọi tâm
hồn. Anh sáng bừng lên phá tan đêm tối.
Hài nhi Giêsu như mầm cây vừa nhú. Mầm cây cần bàn
tay ân cần chăm bón để vươn thành cổ thụ cành lá xum xuê. Hài nhi Giêsu như
ngọn nến đem ánh sáng vào đêm tối. Ngọn nến cần được nhiều bàn tay liên đới
chuyền nhau cho ánh sáng lan rộng.
Xin cho con được trái tim của các mục đồng biết mở
lòng ra đón nhận ánh sáng và biết đem ánh sáng của Chúa đi khắp nơi, để đêm tối
trần gian được ngập tràn ánh sáng huy hoàng của Chúa.
Noel: Lễ nhập
cuộc
ĐGM Vũ Duy
Thống
(NÚT VÒNG XOAY
– Trg. 35)
Đi qua trường Kinh Tế Tài Chính 4 bên cạnh Đại
Chủng Viện hôm qua, tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa mấy cô gái. Có tiếng
hỏi: “Noel, bồ có đi đâu không?”. Có tiếng đáp: “Không, mình ở nhà”. Và khi
tiếng đáp vừa mới dứt đã có tiếng ai đó xen vào: “Noel mà lại ở nhà à? Người ta
phải ra đường chứ!”.
Vâng! Noel người ta ra đường thật. Từ Đại Chủng
Viện tới đây mặc dù đường đi chỉ có mấy bước, nhưng tôi vẫn bị kẹt xe bởi những
con đường lớn đều chật ních những người là người. Dường như cả thành phố đều ở
trên đường. Kẻ đi người lại, đông ơi là đông. Vì thế, tiếp cận với Tin Mừng
Giáng Sinh đêm nay, tôi bỗng thấy thánh Giuse và Đức Maria cũng đang ở trên
đường, đường dong duổi cho cuộc đăng ký hộ khẩu kiểm tra dân số. Những điều tai
nghe mắt thấy ấy đã tự nhiên gợi lên hình ảnh Noel là một lễ nhập
cuộc.
1) Noel là lễ của sự nhập cuộc.
Nếu trong Mùa Vọng, tín hữu đã sống lại niềm trông
mong đợi chờ Chúa của Dân thánh, lấy kinh nghiệm thao thức của họ làm kinh
nghiệm thức tỉnh cho mình, và lấy tâm tình dọn dẹp đường lối của họ làm tâm
tình chuẩn bị cõi lòng của mình, thì hôm nay không còn úp mở nữa, vị Thiên Chúa
được trông chờ ấy chính là Thiên Chúa nhập cuộc.
Khác với lối nhìn của Cựu Ước vốn coi Thiên Chúa
là “Đấng khôn tả”, nên muốn tả về Ngài người ta chỉ dám dùng đường
lối phủ định nghĩa là thêm chữ “vô cùng” vào sau mỗi phẩm tính muốn dành cho
Ngài. Và cũng khác với lối nhìn của ngày xa xưa vốn coi Thiên Chúa là “Đấng
đáng sợ”, nếu lơ mơ đến gần Ngài sẽ phải mất mạng như chơi. Đàng này, vị
Thiên Chúa được chờ mong lại đến thật sát thật gần. Người hóa thân làm người ở
giữa chúng ta.
Người nhập cuộc trong lịch sử chung của toàn thể
nhân loại cũng như trong lịch sử riêng của đời Người. Sự nhập cuộc ấy đã được
lịch sử cắm mốc thời gian rõ ràng là “thời Hoàng đế Cêsarê Augustô” và được cấp
sổ đỏ không thể chối cãi là “thành Bêlem xứ Giuđêa” như Phúc Âm ghi lại. Sự
nhập cuộc ấy đã làm nên lý lịch trích ngang của Đấng Cứu Thế. Người có một gia
đình, đã được cưu mang chín tháng như bất cứ ai để cuối cùng mở lòng mẹ bước ra
chào đời và sống đời như bao người khác.
Thánh Kinh vẫn quen gọi đây là cuộc “Thiên
Chúa viếng thăm Dân mình”, nhưng cuộc viếng thăm này lại rất đặc biệt,
không chỉ diễn ra trong chốc lát, cũng không thể được lặp lại trong lần khác
nữa. Người là vua vinh quang trên trời đã nhận lấy kiếp người giòn mỏng để khởi
đầu sự nhập cuộc. Người là Thiên Chúa thật đã nhập thể trở nên con người thật
với tiểu sử riêng rõ nét. Người là Thiên Chúa thật đã nhập thế giữa lòng thế
giới với lịch sử chung nhân loại rõ ràng. Đó là sự nhập cuộc.
2) Và nhập cuộc là chấp nhận vòng quay nghiệt ngã
của cuộc sống.
Trong bài đọc thứ nhất, qua lăng kính của Isaia,
Thiên Chúa được xưng tụng là “Chúa hùng dũng”, thế mà Người đã hóa
nên con người yếu đuối trong hình hài một thơ nhi bé bỏng.
Dẫu được gọi là “Thủ Lĩnh bình an”,
nhưng chính Người khi xuống thế đã nhập cuộc vào những xáo trộn của cuộc đời,
để chẳng được an thân sinh ra trong nhà của mình. Hoàng đế Rôma chỉ là thụ tạo,
nhưng lại nắm quyền ra lệnh khai sổ nhân danh khiến Thủ Lĩnh đích thực là Người
lại phải chịu sinh ra trên đường đăng cai hộ khẩu. Hộ khẩu dẫn tới “hậu khổ”!
Người ta dòng dõi vua chúa sinh ra được bọc vải điều nơi lầu vàng gác tía giữa
đông đảo kẻ hầu người hạ, còn Người lại tự nguyện sinh ra nghèo khó nơi hang đá
trong máng cỏ bò lừa. Người là “Cha vạn thuở”, bản thân Người là
căn nguyên vạn vật, thân thế Người là cội nguồn nhân sinh, muôn vật muôn loài
đều phải nhờ Người mới có, thế mà hôm nay Người lại chịu sinh ra trong thời
gian bởi một người phụ nữ với tiến trình trưởng thành tuần tự bình thường.
Người là “Cố Vấn kỳ diệu”, nhưng khi sinh ra làm người hôm nay
chẳng thấy Người cố vấn cho ai, mà ngược lại xem ra Người đã “cố mà vấn vào đời
mình” những gì là bình thường nhất nếu không muốn nói là hèn mạt nhất của kiếp
phận nghèo khổ.
Rõ ràng là Người đã nhập cuộc trong quỹ đạo của một
đời người giữa những người đời. Nhập cuộc như thế cũng có nghĩa là ăn đời ở
kiếp giữa đời với những hệ quả muôn thuở của cuộc đời. Nếu cuộc đời luôn bằng
phẳng có lẽ đã không có kiểu nói diễn tả “bụi trần”, và nếu cuộc đời luôn hạnh
phúc có lẽ cũng chẳng phải lắm điều đặt chuyện “đời là bể khổ” làm chi. Chẳng
bi quan cũng thấy cuộc đời không luôn ổn định. Thế mà Chúa đã yêu thương đón
lấy cuộc đời ấy, để chính khi hóa thân làm người là cùng lúc Người dấn thân vào
trong những bấp bênh bồng bềnh bó buộc của cuộc sống.
3) Để cứu độ trần thế và con người.
Nếu nhập cuộc chỉ có nghĩa là hòa vào dòng chảy
cuộc đời thì có lẽ chẳng có lễ Noel. Nhưng sở dĩ có lễ Noel là bởi vì Chúa nhập
cuộc để cứu độ trần thế và con người.
Người nhập thế để làm gì? Thưa để
đem trần thế vào lại “trật tự nguyên thủy” như nét đẹp ban sơ của trần thế ngày
sáng tạo mà tội lỗi đã làm hư đi. Nên Noel còn gọi là “Ngày sáng thế mới”. Đêm
Noel là đêm đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của ơn cứu độ.
Người nhập thể để làm gì? Thưa để
đem con người về với ơn cứu độ. Người là Emmanuel của một Thiên Chúa không đến
rồi đi, không ở rồi về mà là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một Thiên Chúa
đến ăn đời ở kiếp với nhân loại để nâng nhân loại lên ngang tầm với vinh quang
của Người. Thảo nào, các thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Và cũng chính vì thế các Giáo phụ Đông
phương đã bảo: “Thiên Chúa làm người cho người được làm con Thiên Chúa”. Như
vậy, Noel chính là lễ của một sự nhập cuộc tuyệt vời cũng như chữ Noel đến từ
danh xưng Emmanuel đã làm nên Thánh lễ đêm nay.
Thiên Chúa nhập cuộc để đem ơn cứu độ. Đó là Tin
Mừng trọng đại cho toàn dân, nên sứ điệp của đêm nay là hãy nhập cuộc cùng với Noel.
Nhập cuộc tức thời là hãy mở lòng mình ra mà đón
Chúa sinh vào, và nhập cuộc dài hơi là biết sinh Chúa ra bằng một đời sống tín
hữu gương mẫu. Đừng để Noel trở thành dịp phô trương đời sống hoặc phô bày đam
mê như trong báo Công An tuần qua đăng tải về một Việt kiều tổ chức sinh nhật
của mình một cách trụy lạc. Đừng để Noel qua đi mà lòng mình vẫn còn trĩu nặng
ước muốn quyền hành hoặc tình cảm ghét ghen. Và nhập cuộc lớn hơn cả chính là
biết cùng với Chúa mà cưu mang xây dựng, cảm thông nâng đỡ những anh chị em
túng quẫn hoặc đau khổ vốn không thiếu trong đời, cho dẫu chính khi nhập cuộc
như thế mình phải hy sinh đi theo quỹ đạo của nhập cuộc.
Noel nhập cuộc là thế, là Tin Mừng sống động, là
chan hòa sự sống. Nhưng Noel bao giờ cũng là lễ của niềm vui, của bàn tay nắm
lấy bàn tay, của bước chân tiếp nối bước chân dấn thân vào đời phục vụ cho hạnh
phúc con người. Niềm vui và hạnh phúc là điều người ta thường cầu chúc trong
đêm Noel. Chân thành kính chúc cộng đoàn một Noel tràn đầy niềm vui: thứ niềm vui
cứu độ, quên mình, nhập cuộc; và hạnh phúc dẫy đầy: thứ hạnh phúc không phải
chờ đến xa xôi mai hậu, nhưng đã bắt đầu đêm nay bằng cách biết tiếp nhận Chúa
sinh vào và biết sinh Chúa ra trong quyết tâm nhập cuộc của mình.
Suy niệm của R. Gutzwiller - Lc 2, 1-20
NGÀY CHÚA GIÁNG SINH
Việc truyền tin Chúa Giêsu nhập thể đã là lạ lùng
vì tính cách trái ngược giữa vẻ khiêm hạ bên ngoài với sự cao cả bên trong.
Tính cách trái ngược này lại còn lạ lùng và nổi bật hơn nơi việc Người sinh ra.
1. Chúa Giáng sinh.
Việc Giáng sinh không xảy ra tại Nagiarét như
thường tình, nhưng là tại Bêlem, và không phải do một lời nói chính thức của
thiên thần mà bằng mmột biến cố hoàn toàn trần thế, nghĩa là do sắc chỉ của
Hoàng Đế Rôma. Như vậy Chúa Giêsu ngay từ ngày mở mắt chào đời đã tỏ ra phục
luỵ quyền hành thế trần, như một kẻ yếu thế phải chịu khuất phục kẻ mạnh hơn.
Tuy nhiên, đó là công việc của Thiên Chúa, vì người ta sẽ thấy rằng ở đây hành
động của con người không ai ngờ lại phục vụ cho kế hoạch của Thiên Chúa. Hoàng
đế Augustô ra lệnh kiểm tra nhân số trong đế quốc lớn lao của ông để gom thế
giới lại thành một, biết rõ quân số, bảo đảm được sự thu thuế mà ông cần dùng
tới với những chương trình vĩ đại của ông. nhưng thực tế, quyền năng thế tục đó
bên ngoài hình như kìm kẹp Chúa Giêsu, thì chỉ là dụng cụ của quyền năng Thiên
Chúa và qua đó, chương trình Cứu độ được hoàn thành.
Như vậy Chúa Giêsu đã giáng sinh tại Bêlem
trong thành cảu Đavít, như Tin mừng đã nhấn mạnh điều đó. Chính nơi đây, Đavít
khi còn là mục đồng, được gọi về hiến Thánh, thì giờ đây, cũng chính ở đây,
người con đích thực của Đavít lại sinh ra, Đấng chăn chiên thực sẽ chăn dẫn bầy
chiên Thiên Chúa, Ngài là Đấng được ưu tuyển ngay trong bản chất thâm sâu của
Ngài và như Đấng Messia, Đấng Thiên tử, Đấng được xức dầu.
Sắc lệnh của Hoàng đế Augustô còn kéo theo một hậu
quả khác, đó là việc giáng sinh của Chúa Giêsu được tác thành và lồng vào lịch
sử thế giới. Người ta xác định được nơi chốn và thời kỳ xảy ra việc đó. Đây là
một biến cố lịch sử đích thực (chứ không phải là chuyện hoang đường hay thần
thoại) có chỗ đứng trong không gian và thời gian. Bên cạnh Hoàng đế Augustô,
muốn mang lại cho thế giới cơm no áo ấm, với thứ hoà bình của Rôma, thì Chúa
Giêsu đúng là vị Cứu tinh thực sự của vũ hoàn vì đã mang đến bình an của Thiên
Chúa.
Tuy thế, ở Bêlem, không còn chỗ cho Ngài, nên phải
sinh trong chuồng bò lưà. Khi nói Chuá không có chỗ trong quán trọ, điều đó có
thể hiểu là, thực sự thì những người lang thang, không còn chỗ ở trong quán đó.
Nhưng cũng có ý nói, và đúng hơn, quán trọ là nơi những người khách lạ tạm trú,
thì không phải là nơi xứng hợp đối với mầu nhiệm Thánh Chúa sinh ra. Vậy Chúa
sẽ đến thế trần, không mái nhà, trong cảnh đơn côi và nghèo nàn của chuồng bò
lừa. Nôi của Ngài là cái máng khô, đục vào ngay trong tảng đá để cho bò lừa ăn.
Tin mừng đặc biệt nhấn mạnh tới việc Hài nhi được bọc trong khăn. Cho thấy rằng
bên cạnh cảnh nghèo hèn còn có nhân tính hoàn toàn, cùng với tất cả sự yếu đuối
của tính con người.
Con đầu lòng của Thiên Chúa, hay nói cho gọn là Con
Một Thiên Chúa đã đến thế gian này như là một trẻ nhỏ. Khung cảnh thật đơn
giản, thanh bạch, nghèo hèn. Sự đơn giản và nghèo hèn này ai sánh được; tuy
vậy, lại chẳng có biến cố nào đáng kể hơn, và tất cả mọi phú túc sẽ được trao
cho Đấng vừa sinh ra. Trước nhan Chúa, đâu cần vẻ hào nhoáng bên ngoài với tất
cả những gì liên hệ tới nó. Mà phải trái lại, cái vẻ bên ngoài càng lui đi thì
mới càng thấy rõ vẻ lớn lao bên trong. Tất cả những gì phồn vinh, giả tạo, khoa
trương, chỉ có bên ngoài thôi thì đi ngược lại bản tính của Chúa Giêsu ngay từ
giờ đầu tiên của ngày Giáng sinh của Ngài cho tới lúc cuối cùng với cái chế
nghéo hèn và trần trụi trên cây thập tự.
2. Loan báo tin Chúa Giáng sinh.
Các mục đồng là những người đầu tiên nhận được sứ
điệp. Israel là dân của các mục tử và Chúa Giêsu chính là Đấng chăn giữ nhân
loại mới. Những hạng quyền quý sao hiểu được vẻ cao trọng này, người giàu thì
chạy theo của cải, còn người thông thái thì lại hiểu sai về sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Vì thế những người được gọi đầu phải là những người chăn chiên
khiêm hạ, nghèo nàn, và là ít học chốn quê mùa.
Nội dung của sứ điệp là một lời loan tin vui tóm
trong ba danh hiệu: Đấng Cứu Thế, Đấng xức dầu và là Chúa. Ngài là Đấng Cứu
thế, vì Ngài đến giải phóng những người không thể tự giúp mình khỏi cảnh đau
thương. Ngài là Đấng xức dầu vì bản tính nhân loại của Ngài đã được thánh hiến
bằng dầu Thánh của Thiên Chúa: Ngài trở thành Tư tế, tiên tri và Vua cả. Và
Ngài là Chúa vì mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ngài.
Thật là một dấu chỉ lạ lùng: Các ngươi sẽ thấy một
Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. Điều nhỏ bé sẽ biểu thị vẻ lớn lao, yếu hèn –vẻ
quyền năng và nghèo khổ– cảnh giàu sang. Việc Chúa Giêsu sinh ra làm đảo lộn
những cái chúng ta đã biết cho tới khi đó, và làm biến đổi các thực tại thần
thiêng nhờ các phạm trù khác và ứng dụng chúng vào các quy luật khác.
Sứ điệp kết thúc bằng ca khúc của các Thiên thần
gồm hai phần, mà mỗi phần gồm ba yếu tố song song với nhau. Ở phần thứ nhất ta
thấy có trời, vinh danh và Thiên Chúa. Phần hai có thế trần, hoà bình và con
người.
Thiên Chúa ở trên trời sẽ đón nhận danh dự và vinh
quang, vì vinh quang của Ngài vẫn dấu kín, sẽ bộc lộ nhờ Con Ngài. Còn chính
Chúa Giêsu, mà mọi tác động của Ngài đều mang dấu vô biên sẽ có thể thực sự tôn
vinh Thiên Chúa mà không một tạo vật nào có thể làm được. Bây giờ ở dưới thế,
bình an sẽ ngự trị vì trời và đất giao hoà trong ơn thánh. Và tất cả những điều
ấy có được là do lòng từ ái của Thiên Chúa ban cho nhân loại nhờ Thiên Chúa
Nhập Thể.
Như vậy bài ca của các Thiên Thần là điệp ca trang
trọng của Thánh vịnh về đời sống Chúa Giêsu, bài ca mang nặng ý nghĩa của một
biến cố vĩ đại đang được thực hiện trên sân khấu cuộc đời này. Hơn cả một lời
cầu chúc hay lời nguyện xin. Chúc tụng Thiên Chúa đó là một lời loan báo và
cũng là một lời tuyên ngôn vệ một sự kiện: vinh danh dâng lên Thiên Chúa và an
bình ban xuống nhân loại. Giờ cứu độ đã điểm, công việc cứu rỗi đã bắt đầu vì
Chúa hoàn vũ đã sinh ra.
Và đây là kết quả đầu tiên, các mục đồng quyết định
đón nhận lời loan báo trong niềm tin và đi theo lời đó. Sau khi tìm kiếm, họ đã
thấy Đức Maria, Thánh Giuse, và Hài nhi. Sự kiếm tìm đã không bõ công; họ đã
ngạc nhiên, đầy thán phục.
Qua sự im lặng, người Mẹ trẻ đã cho thấy sự hân
hoan được diễn tả trong bài Thánh ca ngợi khen của Mẹ nay nhường chỗ cho một sự
suy niệm đầy an bình, và việc các mục đồng trở về với đời sống thường nhật quen
thuộc giúp chúng ta nhận ra được là việc khám phá ra Chúa không có nghĩa là
phải có sự thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng là sự biến đổi sâu xa trong
lòng.
Vì thế, trong cảnh trí này, nổi bật một sự mâu
thuẫn:
Chúa Giêsu bị che dấu nay lại tỏ hiện, bị hạ xuống,
nhưng rồi được tôn vinh; trao cho hai tạo vật yếu đuối săn sóc, nhưng được các
thiên thần canh giữ; yếu hèn thực đó, nhưng lại là vị cứu tinh nhân loại. Hoàn
toàn là người trong mọi sự, nhưng rạng ngời ánh quang của Thiên Chúa.
Trình thuật Kinh thánh nhấn mạnh trên sự mâu thuẫn
này là giới thần thiêng đã đi sâu vào sự thấp hèn của nhân loại, nhưng qua đó
lại chiếu ngời lên để tôn vinh Thiên Chúa.
Lễ Giáng Sinh
JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu bạn khám phá ra cha bạn - một người rất giàu
có - đã xếp đặt để mẹ bạn sinh bạn ra trong một chuồng bò hay chuồng heo của
nhà ai đó, bạn sẽ nghĩ thế nào về cha của bạn? Bạn lý giải thế nào về việc
Thiên Chúa đã quan phòng để Đức Giê-su, Con Ngài, ra chào đời trong một chuồng
bò?
2. Đặt mình vào địa vị của Đức Ma-ri-a và thánh
Giu-se, bạn sẽ nghĩ và nói thế nào về Thiên Chúa khi hai Ngài phải rời
Na-da-rét vào Bê-lem, không tìm được chỗ trọ, và phải sinh con trong chuồng bò?
3. Tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giê-su phải
chịu đau khổ, nhục nhã từ khi sinh ra đến lúc chết? Thiên Chúa ghét và muốn
hành hạ Con của Ngài chăng? Nếu không, phải lý giải thế nào về sự kiện ấy?
Chia Sẻ
1. Con Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong cảnh
tột hèn kém
Chúng ta thử tưởng tượng xem một vị hoàng đế trần
gian nếu biết trước đứa con mình sinh ra sẽ là vị cứu tinh của trần gian, thì
hoàng đế ấy sẽ chuẩn bị cho người con ấy chào đời như thế nào? Chắc chắn ông sẽ
chuẩn bị cho con mình một nơi thật xứng đáng, với quần áo, tã lót, chăn mền...
thật sang trọng. Và cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người mẹ sẽ
sinh ra con mình. Chính vì tưởng rằng Thiên Chúa trên trời cũng suy nghĩ như
mình, nên người Do Thái thời Đức Giê-su đã tưởng Đấng Cứu Thế sẽ phải sinh ra
trong cung vàng điện ngọc. Nhưng họ không ngờ Thiên Chúa suy nghĩ khác hẳn với
cách nghĩ của họ!
Theo Tin Mừng, Đức Giê-su đã sinh ra trong hang bò
lừa. Đã là chỗ nuôi và chứa sức vật đương nhiên phải hôi tanh và bẩn thỉu. Chắc
chắn Giu-se và Ma-ri-a phải hết sức ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa đối xử với
mình, nhất là với Đấng Cứu Thế hài nhi như vậy! Nhục nhã thay cho Đấng Cứu Thế!
Bất kỳ ai biết mình chào đời trong một chỗ tối tăm và nhục nhã tận cùng như thế
đều không tránh được mặc cảm cho rằng cuộc đời mình cũng sẽ tối tăm và nhục nhã
như thế!? Trước sự thật phũ phàng trước mắt, chắc hẳn phải có lúc hai ông bà
nghi ngờ rằng: liệu lời thiên sứ nói với mình về đứa trẻ mình sinh ra có thật
hay không? Nghi ngờ để rồi lại tự nhủ, tự an ủi, tự tìm lấy lý do để cố mà tin
cho vững hơn! Thực tế thật phũ phàng, nhưng đó lại chính là thánh ý của Thiên
Chúa. Muốn cứu thế giới khỏi những nhơ nhớp của tội lỗi, Con của Ngài cũng phải
nhập thể từ chốn nhơ nhớp nhất của trần thế! Muốn đưa con người lên thật cao,
Thiên Chúa nhập thể phải xuống cho thật thấp, thấp đến tận cùng!
2. Cách xếp đặt của Thiên Chúa… thật hết sức nghịch
lý!
Thật là nghịch lý và không thể hiểu nổi cách Thiên
Chúa đối xử với người Con độc nhất và hết sức yêu quí của Ngài, và với hai
người đặc biệt mà Ngài chọn để hạ sinh, bảo vệ và nuôi dưỡng người Con ấy!
Giu-se và Ma-ri-a đang sống yên lành tại Na-da-rét, những tưởng đứa con trong
bụng nàng sẽ ra đời tại nhà mình ở làng ấy. Chắc hẳn chàng và nàng đã mua sắm
đồ này vật nọ để chuẩn bị cho xứng đáng với chức vị cao cả của đứa bé sắp chào đời!
Nào ngờ chiếu chỉ kiểm tra dân số của Hoàng Đế Rô-ma đã đảo lộn tất cả, đã đẩy
đôi trai gái đức hạnh - chỉ biết nghĩ đến thánh ý Thiên Chúa - vào một cuộc
phiêu lưu bất ngờ đầy gian khổ!
Từ làng Na-da-rét vùng Ga-li-lê thuộc miền Bắc Do
Thái, chàng và nàng phải vượt qua vùng Sa-ma-ri đầy đồi núi của miền Trung để
về tận làng Bêlem vùng Giuđê thuộc miền Nam Do Thái. Đường chim bay đo theo tỷ
lệ xích trên bản đồ cũng phải là 120 cây số, đường ngòng ngoèo trong thực tế
hẳn phải trên 150 cây. Thời ấy có lẽ hai người phải dùng một con la để di
chuyển. Hành trình chắc chắn vất vả! Điều nghịch lý nhất nằm ở chỗ Thiên Chúa
lại quan phòng cho ngày phải di chuyển ấy xảy ra khi Ma-ri-a mang thai đến thời
kỳ sinh nở. Sau một hành trình vất vả như thế, khi tới nơi những tưởng Thiên
Chúa sẽ dành cho Con của Ngài một chỗ để sinh nở tương đối xứng đáng, nhưng
khốn thay... tất cả mọi người mọi nơi đều từ chối! Nếu hai ông bà có tiền, chắc
hẳn không đến nỗi! Chưa sinh ra, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể đã phải đối diện
với sự ích kỷ và tính coi trọng tiền bạc hơn tình nghĩa của con người! Không
kiếm được chỗ để trọ và sinh con, hai ông bà đành trọ và sinh con trong chuồng
súc vật!
Kết quả của những nghịch lý ấy là gì? ai phải khổ
đây? Cả gia đình gồm 3 người Giu-se, Ma-ri-a và Giê-su là khổ nhất. Phải chăng
Thiên Chúa ghét và muốn đày đọa gia đình này? Chắc chắn không phải! - Có thể
nói đây là gia đình quan trọng nhất, được Thiên Chúa quan tâm, ưu ái đặc biệt
nhất! Vì thế, nếu đã xảy ra như vậy - đương nhiên là do sự quan phòng vô cùng
khôn ngoan của Thiên Chúa - thì ắt hẳn đây phải là cách có lợi nhất cho đại
cuộc cứu chuộc nhân loại. Như vậy, vì đại cuộc, Thiên Chúa buộc những “người
của Ngài” phải hy sinh, phải chấp nhận nhục nhã, đau khổ hơn những người khác.
Nhưng bù lại, Ngài sẽ ân thưởng cho “người của Ngài” vinh quang, hạnh phúc cao
quí nhất!
3. Nghịch lý... nhưng lại rất hợp lý và khôn ngoan
Như vậy ta thấy Thiên Chúa coi hạnh phúc hay đau
khổ, vinh quang hay nhục nhã chóng qua trong hiện tại không quan trọng bằng
hạnh phúc hay đau khổ, vinh quang hay nhục nhã lâu dài trong tương lai. Nếu
phải chịu khổ hay chịu nhục một chút trong hiện tại để rồi được hạnh phúc hay
vinh quang lâu dài trong tương lai, thì ai khôn ngoan cũng đều sẵn sàng chấp
nhận. Còn nếu được hưởng hạnh phúc hay vinh quang thật ngắn ngủi trong hiện tại
để rồi phải chịu đau khổ và nhục nhã lâu dài trong tương lai, thì chỉ có người
ngu mới chấp nhận! Những cha mẹ thật sự yêu thương con cái sẵn sàng chọn lựa để
con cái mình phải đau khổ hay chịu nhục nhã một chút hầu về sau chúng được hạnh
phúc và vinh quang lâu dài. Bạn chưa tin ư? Này nhé, giả như bạn phải chọn lựa
cho bạn hoặc cho con cái bạn giữa ba khả thể sau đây, thì bạn chọn khả thể nào:
một là đau khổ hiện tại 1 mà hạnh phúc tương lai 10, hai là đau khổ hiện tại 2
mà hạnh phúc tương lai 100, và ba là đau khổ hiện tại 3 mà hạnh phúc tương lai
1.000? Chắc chắn bạn sẽ chọn khả thể thứ ba. Thiên Chúa cũng chọn lựa cho những
người Ngài đặc biệt yêu thương tương tự như vậy. Chính vì thế, Ngài sẵn sàng để
Đức Giê-su, Người Con độc nhất mà Ngài yêu quý nhất phải chịu đau khổ và nhục
nhã ngay từ khi chào đời đến giây phút cuối cùng của cuộc đời để cứu chuộc nhân
loại, hầu cuối cùng, trong vĩnh cửu, Đức Giê-su trở thành người hạnh phúc và
vinh quang nhất không ai sánh bằng!
Nếu ta biết nhìn bằng con mắt đức tin và khôn ngoan
như thế, thì việc Đức Giê-su phải chịu đau khổ và nhục nhã từ khi sinh ra cho
đến hết cuộc đời sẽ trở thành một sự kiện bảo đảm, một căn cứ để hy vọng, và
một niềm an ủi lớn lao cho ta khi ta gặp phải những đau khổ lớn lao trong cuộc
đời. Khi Thiên Chúa dành cho chúng ta đau khổ hay nhục nhã trong hiện tại, thì
điều đó không có nghĩa là Ngài ghét bỏ ta. Trái lại có thể là Ngài đang dành
cho ta một ưu đãi, một sự yêu thương đặc biệt mà ta có quyền chấp nhận hay từ
chối. Nếu tự nguyện chấp nhận thì hạnh phúc và vinh quang của ta sẽ rất lớn, và
lớn thế nào tùy thuộc vào chất lượng sự tự nguyện của ta và mức độ đau khổ ta
sẵn sàng đón nhận. Nếu từ chối, ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội quí báu mà Thiên Chúa vì
yêu thương đã dành cho ta, vì “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao
được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!” (Rm 8,18).
Vậy, người thường hay kẻ không tin kêu ca về nghịch
cảnh, về đau khổ mình phải chịu thì không có gì là lạ. Nhưng người Ki-tô hữu,
người mang danh theo Chúa, người có lý tưởng tông đồ, người được Chúa chọn,
được mang danh là “người của Ngài”, mà lại than vãn khi gặp nghịch cảnh thì quả
là... vẫn còn sống theo tính xác thịt, như thánh Phao-lô đã phiền trách: “Tôi
không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như
với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức
Ki-tô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa
chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là
những con người sống theo tính xác thịt” (1Cr 3,1-3).
Cầu nguyện
Lạy Cha, Đức Giê-su sinh ra thật nhục nhã và sống
một cuộc đời đầy đau khổ, nhưng đã sống lại trong vinh quang và trở thành Chúa
Tể trời đất. Qua sự việc ấy con mới hiểu được giá trị của đau khổ. Đúng lý ra
khi gặp đau khổ, nhục nhã, trái ý… con phải vui mừng vì biết khi cho phép xảy
ra như vậy là Cha thương con cùng một cách như Cha đã từng thương Đức Giê-su và
bao vị thánh của Cha. Đúng ra con nên nói “con được đau khổ” chứ không phải
“con bị đau khổ”!
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH - A,B,C
Is 9:1-6; Tt
2:11-14; Lc 2:1-14
Sứ Điệp Hòa Bình: Đêm Noel Giữa Thế Chiến Thứ Nhất
LM. Đào Trung, OP
Năm 2005, có một bộ Phim nổi tiếng được thực hiện
tại Pháp mang tên "Đêm Noel Hạnh Phúc" (Joyeux Noel) tái hiện lại một
đêm Noel Thanh Bình hiếm hoi năm 1914, trong cuộc thế chiến thứ nhất.
Hôm ấy, vào lúc gần nửa đêm 24-12-1914. Ngay trong
cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội Đức và phe đồng minh. Bỗng có tiếng chuông
giáo đường từ xa vọng tới, tiếng chuông báo hiệu thánh lễ Nửa Đêm của thánh
đường nào đó. Tiếng chuông khiến đôi bên đều tạm ngưng tiếng súng, một sự thinh
lặng bao trùm cả không gian. Những người lính cố lắng tai theo dõi tiếng chuông
đang ngân nga, và ngước mắt lên trời cầu nguyện. Có lẽ họ đang tưởng nhớ đến
khung cảnh ấm cúng của gia đình mình, nghĩ đến bữa "réveillon" với
người thân bên lò sưởi, và nhớ đến con gà tây truyền thống.
Thế rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Một binh sĩ nào đó
bỗng cất lên tiếng hát từ chiến hào. Anh hát lên bản thánh ca "Đêm Thánh
Vô Cùng".
"Silent night, holy night - All is calm, all
is bright.
Round upon Virgin, Mother And Child.
Holy Infant so tender and mild.
Sleep in heavenly peace - Sleep in heavenly peace".
Và không ai bảo ai, từ khắp các chiến hào khác
những binh sĩ đang là đối thủ của nhau, cùng hòa theo bản thánh ca bất hủ ấy.
Họ là những người Anh, Scotland, Pháp và Đức. Một vài sĩ quan của các bên rời
chiến hào, tiến về phía trước và bắt tay nhau. Họ thống nhất tất cả sẽ tạm
ngưng cuộc chiến.
Sau đó đến lượt các chiến binh khác. Tất cả những
người lính của các bên đều tạm gác súng, giơ cao bàn tay không vũ khí, họ rời
chiến hào tiến ra vành đai trắng. Họ ôm lấy nhau, gửi cho nhau những lời cầu
chúc và những món quà giáng sinh. Họ góp nhau phần nhu yếu phẩm của mình để tổ
chức chung bữa tiệc nhỏ mừng ngày ra đời của Ngôi Lời giáng thế. Họ chuyền tay
nhau điếu xì gà của Anh, uống chung những ly rượu vang của Pháp, và whisky của
Anh. Chưa bao giờ những điếu thuốc và ly rượu lại ấm áp tình người đến thế.
Đạo diễn của bộ phim, ông Christian Carion kể rằng:
"Tôi thực sự xúc động và bất ngờ khi đọc những tài liệu lịch sử viết về
cuộc thế chiến thứ nhất, đề cập đến biến cố có thật này. Nhất là khi được đọc
một vài đoạn trích từ các lá thư của những người lính có mặt trong cuộc chiến.
Họ bị chính phủ cưỡng bách ra chiến trường, vì người ta không cho họ có chọn
lựa khác".
Trong thư có người viết: "Tôi thấy khuôn mặt
của anh ấy cũng giống khuôn mặt của tôi. Chúng tôi tiến đến gần nhau, tay trong
tay, mặt đối mặt, và nhận ra chúng tôi là anh em của nhau". Một người lính
khác đã kể lại trong lá thư gửi người yêu mình rằng: "Anh đã nhìn thấy
những giọt nước mắt trên khuôn mặt đồng đội. Anh nhận ra chính anh trong khuôn
mặt của kẻ thù".
Khi thực hiện bộ phim, ông Christian Carion nói lên
ý muốn của mình, đó là ước muốn cổ động cho hòa bình, cho tình người. Và chia
sẻ một chi tiết khá lý thú trong quá trình làm phim. Để bộ phim có giá trị, ông
đã mời các diễn viên thuộc các quốc tịch khác nhau tham gia. Khi đóng các đoạn
phim cuộc chỉến , các diễn viên ngồi ăn theo quốc tịnh của mình. Người Anh ngồi
riêng, người Pháp ngồi riêng, người Đức ngồi riêng. Thế nhưng sau khi diễn cảnh
"Đêm Noel Hạnh Phúc" rối, các diễn viên ấy ngồi ăn chung với nhau, và
cười đùa với nhau cách vui tươi và thoải mái.
Bộ phim được nhiều người khen ngợi vì đã làm sáng
lên ước vọng hòa bình ngay giữa cảnh chiến tranh, và đề cao tình người được
phát triển giữa những kẻ thù trong các chiến hào.
Với niềm tin, chúng ta nhận ra trong biến cố này,
sứ mệnh của Con Thiên Chúa, vị Hoàng Tử Bình An. Nó gợi cho chúng ta nhớ đến
lời ca của thiên sứ trong ngày giáng sinh "Bình an dưới thế cho người
thiệm tâm". Bởi vì sứ mệnh của Ngôi Hai Thiên Chúa chính là hòa giải đất
với trời, là nối kết các tâm hồn, và làm cho những kẻ xa lạ trở thành bạn hữu
thân quen.
Và như thế, chúng ta nhận ra một lời kêu mời trong
mùa Noel: Hãy phá đổ những hàng rào ngăn cách giữa con người, những bức tuờng
phân cách chúng ta với nhau, hãy đến với nhau trong tình thân ái của những
người anh em một nhà, vì tất cả đều là con một Cha trên trời, và tất cả đã được
Thiên Chúa yêu thương cứu độ.
.
THIÊN CHÚA ĐÃ ĐOÁI THƯƠNG DÂN NGƯỜI
(Thánh lễ nửa đêm)
Fr. Jude Siciliano, op. 2006
Thưa quí vị,
Chuyện kể rằng: Có 2 người uống rượu với nhau. Một
người vốn tính lạc quan, người kia bi quan. Khi đã ngà ngà say, người lạc quan
chỉ chai rượu nói: “Vui vẻ đi anh, chúng ta còn nửa chai nữa.” Người bi quan
buồn rầu đáp: “Vui thế nào được, sắp hết rượu đến nơi rồi.” Chẳng hiểu tôi
thuộc về hạng người nào? Lạc quan hay bi quan? Vì chưa chi đã nhìn thấy Giáng
sinh đi qua. Sự náo nhiệt của ngày lễ sắp hết. Thế là một mùa đáng nhớ nữa rơi
vào kỷ niệm.
Đúng vậy, đêm nay những món quà cuối cùng được thuê
gói giấy, đóng hộp và gửi đi. Các bữa tiệc mừng tại văn phòng, trường học, công
sở đã vãn. Bánh kẹo, thịt khô, rượu mùi, tạp hoá trang hoàng đã được đặt mua
xong và sẵn sàng cho lễ hội ngày mai. Gia đình, bạn bè, khách khứa đã lo liệu
xong quần áo, giày dép, mũ nón để đi thăm hỏi thân nhân, họ hàng, làng xóm,
láng giềng hoặc du ngoại. Sau thánh lễ nửa đêm, ai nấy đều buồn ngủ. Nhưng vẫn
cố gắng hoãn đến chiều ngày lễ lúc đó sẽ làm một giấc ngon, còn bây giờ chưa
thể bỏ rơi cuộc vui mừng lễ, đón tiếp khách khứa. Tuy nhiên, rồi sẽ đế lúc tan
tiệc rã đám. Người ta sẽ thu gom hang đá, cây thông, đồ vật trang hoàng cất đi
cho mùa Noel sang năm, phế thải quăng ra đường cho phu quét rác dọn đi. Chừng
hai ba ngày nữa chạy ra các cửa tiệm mở sớm để mua hàng hoá đại hạ giá dành cho
sang năm. Dĩ nhiên, cũng hai ba ngày nữa các hoá đơn sẽ dồn dập bay tới và
chúng ta méo mặt lo liệu tiền bạc trả các công ty, chậm trễ sẽ chịu lãi suất
cao hơn. Cuối cùng mọi người mệt nhoài, nhưng hài lòng về một lễ Giáng sinh đã
qua. Chúng ta nghỉ ngơi và chờ đợi ngày đi làm như bình thường. Câu chuyện đúng
như vậy không, thưa quí vị?
Nhưng xin nhớ, những hoạt động đó là của thế gian,
những nhà kinh doanh buôn bán, ngân hàng kiếm lời. Còn đối với tín hữu, chúng
ta nhìn Giáng sinh bằng thái độ khác, nghiêm chỉnh hơn. Các lễ hội, sinh hoạt
phụng vụ đối với tâm hồn tín hữu mang ý nghĩa sâu xa, bền vững hơn. Chúng ta
vừa trải qua bốn tuần lễ Mùa Vọng, đón chờ, khao khát Chúa đến thăm. Chẳng lẽ
lại có thái độ hời hợt như vậy sao? Không, Giáng sinh không chấm dứt vào chiều
25 hoặc 26/12 nó chỉ là khởi đầu và kéo dài tới 2 tuần lễ nữa, chứ không phải
một hoặc hai ngày. Nó giúp chúng ta ý thức và đáp trả lòng tốt của Thiên Chúa,
Đấng đã tưới gội ơn lành xuống thế gian. Nó nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng
mỗi tín hữu chứ đâu phải lễ hội mua vui chóng qua? Nó khích lệ đôi mắt chúng ta
nhìn rõ những biểu hiện khác nhau của vinh quang Thiên Chúa trên trần gian.
Do đó, mùa Giáng sinh là thời gian chúng ta ý thức
Thiên Chúa bày tỏ quyền năng và ơn lành cho loài người. Chóp đỉnh của nó là lễ
Chúa chịu phép rửa mà các tín hữu đông phương mừng như lễ sinh nhật mới. Các
bài đọc suốt hai tuần này đồng hành với tâm trí tín hữu, ban khả năng cho họ
chìm sâu vào mầu nhiệm Giáng Sinh và Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Tháng
7/1969 phi hành gia Neil Armstrong và hai người bạn đổ bộ lên mặt trăng. Cả thế
giới nín thở chờ đợi và theo dõi các hoạt động của họ. Khi hoàn thành sứ vụ,
trở về trái đất, lập tức họ được tôn vinh anh hùng nhân loại. Người ta tổ chức
ăn mừng linh đình, diễu hành phố xá, hình ảnh xuất hiện trên mặt báo chí toàn
cầu. Thiên hạ nhảy múa, hò reo. Nhưng chỉ hai tháng sau, chẳng ai còn nhớ tới
họ nữa và chuyến đi “nổi tiếng” của họ cũng rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên, có một trẻ thơ sinh ra trong nghèo đói
tối tăm hơn hai ngàn năm trước, thì nay lại được nhớ đến, ca tụng và ăn mừng
muôn thủa. Niềm vui ngày em sinh ra tràn ngập mọi tâm hồn. Nơi em chào đời,
làng nhỏ Bethlem, đi vào ký ức như một kỷ vật không thể quên. Thử hỏi tại sao ?
Câu trả lời chỉ có thể là lợi ích thiêng liêng em mang đến cho trần gian.
Armstrong và các bạn bất quá đem được mấy kg bụi đất mặt trăng về. Nhưng quà
của Chúa Hài Đồng thật vô giá: Đời sống thần linh. Cho nên nhân loại vui mừng
không kể siết, người ta kỷ niệm năm này qua năm khác mà vẫ chưa no thoả, cơ hồ
như tồn tại vĩnh hằng. Vậy thì hời hợt thế nào được?
Bài đọc một đêm nay, Isaia nói rõ việc này hơn:
“Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người
sống trong vòng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi… Họ mừng vui như
người ta hỷ hoan trong mùa gặt. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai
họ và ngọn roi của kẻ hà hiếp, đều bị Ngài bẻ gẫy, đập tan.” Chúng ta đã từng
ngớ ngẩn cậy dựa vào ánh sáng thế gian và phải thất vọng. Chúng ta đã tin tưởng
vào quyền lực, tiền tài, kỹ thuật, văn minh, tưởng chừng như chúng sẽ đem lại
hạnh phúc nhưng đã nhầm. Thế giới với nạn khủng bố, kỳ thị, ghen ghét, đố kỵ,
thực ra là đúng như lời vị tiên tri: “mảnh đất tối tăm.” Hơn nữa những thứ mà
chúng ta coi như tự do hạnh phúc, thì Isaia nói thực tế chỉ là “ách trên vai,
gậy trên lưng, roi vào mình…” Bởi vì thế gian chẳng bao giờ lắng nghe tiếng êm
dịu của hoà bình. Ngược lại, liên tục gây hấn và chiến tranh hoặc dùng ngôn ngữ
của vị tiên tri: “giày lính nện xuống rần rần, áo choàng đẫm máu”. Nghe kỳ lạ
không quý vị ? Vậy chúng ta chẳng thể bảo vị tiên tri cổ lỗ, lỗi thời. Ong mô
tả điều chúng ta chứng kiến hàng ngày chung quanh mình, cả hai bình diện thế
giới và đời sống cá nhân ! Có ai không phải vật lộn ? Có ai không phải đấu
tranh ? Thiêng liêng, kinh tế, văn hoá, chính trị? Thực ra Isaia tường thuật
những nhiễu nhương của thời ông, trên đất nước ông. Nhưng cũng là của thời
chúng ta, trên thế giới hiện nay. Cho nên chúng ta được nhắc nhớ rằng: đừng tự
cao tự đại. Người ta chẳng có khả năng tháo gỡ những khó khăn ấy mà phải cậy
nhờ vào Hoàng tử hoà bình, Cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mạnh, người Cha muôn
thủa như tuyển dân Dothái ngày xưa vậy. Thiên Chúa đã nhìn thấy những nhọc
nhằn, khổ nhục của chúng ta và đã gửi Đấng “quyền bính bao la, hoà bình vô tận”
đến cứu giúp. Chẳng vì công nghiệp chúng ta nhưng chỉ vì “yêu thương nồng nhiệt
Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện cứu vớt”. Tuy nhiên, không phải bằng đường
lối chúng ta chờ đợi mà bằng đường lối riêng của Ngài, theo thượng trí và khôn
ngoan vô cùng.
Vì vậy nếu không có ánh sáng Chúa soi dẫn, chúng ta
chắc chắn không thể đáp trả chính xác tiếng Ngài mời gọi, lại rơi vào bóng tối
và thảm cảnh lầm lạc thế gian. Thực tế, các kinh sư, tư tế, ký lục Do thái xưa
đã mắc vào con đường ấy. Ngày nay cũng vậy thôi, nếu chúng ta không biết cầu
xin và tỉnh thức. Chè chén vui chơi tối ngày thì làm thế nào tranh thủ được ơn
Chúa? Xin nhắc lại rằng: Ngài không đến trong đường lối rực rỡ vinh quang với
kèn đồng, lửa cháy, sấm sét, binh hùng tướng mạnh mà trái lại, bé nhỏ nghèo
hèn. Hôm qua chúng ta gọi là “quy luật Belem”. Thánh Phaolô viết trong bài đọc
2 rằng: “An sủng dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần
tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” Thánh nhân còn
thêm: “Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính
và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân
hăng say làm việc thiện.”
Thánh Luca rõ ràng hơn khi mô tả Thiên Chúa xuất hiện
giữa nhân loại trong vóc dáng một hài nhi nghèo khổ. Thánh nhân mở mắt cho
chúng ta xem thấy và chiêm ngắm Hoàng tử Hoà bình nằm trong máng cỏ: “Bà sinh
con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà
không tìm được chỗ trong nhà trọ.” Thế đấy, Thiên Chúa đến với nhân loại như
vậy và sẽ còn đến nữa, đến nữa trong đường lối bé nhỏ, khiêm hạ, nghèo hèn.
Chắc chắn chúng ta chẳng gặp Ngài nếu cứ ăn ở huyênh hoang kênh kiệu, đầy kiêu
căng tự mãn.
Phúc Âm đêm nay có nguy cơ nhàm chán. Câu truyện kể
đi thuật lại nhiều lần khiến có người thuộc lòng. Thượng vị La mã ra chiếu chỉ
kiểm tra dân số. Thánh Giuse và Đức Mẹ trở về quê cũ Belem. Đức Mẹ đang mang
thai. Không có chỗ trong quán trọ. Đức Mẹ sinh con tại hang chiên cừu. Đặt con nằm
ở máng cỏ bò lừa… Chuyện quá quen thuộc khiến người ta đọc như cái máy ghi âm
mà chẳng hiểu chi. Thực ra Thiên Chúa đã sử dụng thượng vị La mã làm công cụ để
thực hiện chương trình của mình. Thượng vị kiêu ngạo truyền biến thần dân của
ông thành con số để dễ bề đánh thuế. Ngõ hầu có tiền cung cấp cho các đạo binh
to lớn của Đế quốc và ăn chơi thoả thích. Nhưng Thiên Chúa lại có kế hoạch
khác. Và dùng Caesar để thực hiện. Phúc Âm tả đúng câu châm ngôn cổ xưa:
“Thượng Đế hành động trong những đường lối mầu nhiệm.” Xét trong lịch sử, khi
thời thế trở nên tồi tệ, Thiên Chúa giơ tay can thiệp để cứu vớt dân lành.
Chẳng thế lực nào ngăn cản hay phá vỡ nổi. Luca thuật lại cuộc kiểm tra nữa của
đế quốc Rôma. Thiên Chúa xuống thế làm người và được liệt kê như một con số
trong các con số nô lệ của đế quốc. Ngài cư ngụ giữa nhân loại như vậy đó. Còn
chúng ta tranh giành nhau địa vị, cấp bậc. Thử hỏi có xứng đáng làm môn đệ Chúa
? Xin nhớ các Thiên sứ không về phe với Roma, những kẻ cầm quyền bằng sức mạnh
áp bức. Các vị loan báo Thiên Chúa uy linh đã đến với nhân loại và ngự giữa
loài người. Nhưng ở đâu ? Một tỉnh nhỏ nghèo nàn Palestine, một chấm nhỏ trên
bản đồ đế quốc mà Caesar giữ trong phòng chiến lược. Cố vấn kỳ diệu của Isaia
cư ngụ chỗ nào ? Chiếc ao tù gọi là Bethlem. Ngài sống ở đâu? Miền Galilea mà
các lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem khinh bỉ, coi như nước sôi đỗ, nửa đạo nửa
đời, không đáng lưu tâm. Vậy thì Thiên Chúa dũng mãnh làm chi ở đó ?
Các chuyên viên Kinh Thánh giải thích rằng, khi nói
đến Bethlem người ta gợi nhớ Đavit, ông vua vĩ đại của Israel. Một ông vua mục
tử chăn dắt dân riêng của Thiên Chúa trong hoà bình và công lý. Dưới triều đại
Đavít kẻ què được nâng đỡ, người nghèo được cho ăn, kẻ ngoài lề được trọng
vọng, bà goá, trẻ mồ côi được bênh đỡ. Cho nên khi thiên sứ báo tin, các mục
đồng hiểu ngay Thiên Chúa đã đoái thương dân Ngài. Thượng Đế đã để ý đến kẻ vô
danh tiểu tốt và thân hành xuống chăn dắt họ bằng ánh sáng huy hoàng bao bọc
khắp vùng. Sẽ chẳng còn số phận hẩm hiu trong thế giới được Thiên Chúa cai trị.
Chẳng ai ngoài tầm săn sóc của Chúa. Mọi người được tôn trọng, chứ không riêng
gì giai cấp được ưu đãi của đền thờ hay cung triều Caesar. Thiên sứ không báo
Tin Mừng riêng cho họ nhưng cho mọi kẻ thiện tâm.
Vậy thì đêm nay chúng ta không chỉ cử hành trong
hân hoan ngày Chúa giáng sinh, nhưng tất cả mọi kẻ sinh lại trong Lời Chúa. Lời
đã cưu mang chúng ta theo ý Thiên Chúa và đã hạ sinh chúng ta trên trái đất
này. Đó là Tin Mừng chúng ta đã nghe các Thiên sứ loan báo, cũng là niềm vui cho
toàn dân. Tất cả chúng ta đã từng sống trong bóng đêm tối tăm, hôm nay được
nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Tất cả chúng ta đã từng đi lưu đày trong vùng đất u
sầu. Nhưng Thiên Chúa đã trở thành một con người như chúng ta và sống giữa loài
người để có thể dẫn dắt mọi linh hồn về cùng Chúa Cha. Cuộc đời Chúa Kitô chính
là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa cách cụ thể bằng xương thịt, máu huyết nhân
loại.
Chúng ta đáp trả ra sao ? Liệu chúng ta bằng lòng
sống cuộc đời Thiên Chúa bày tỏ đêm nay ? Tức khước từ ích kỷ, tham lam, quyền
lực, giàu sang để mặc lấy tâm tình trẻ thơ Giêsu? Chúng ta thờ lạy “Cố vấn kỳ
diệu, Thiên Chúa dũng mãnh” nơi Hài nhi mới sinh. Chúng ta noi gương “người Cha
muôn thủa” bằng yêu mến và săn sóc kẻ nghèo khó, đơn côi, goá bụa. Chúng ta dấn
thân phục vụ “Thủ lãnh Hoà bình” bằng tiêu diệt hận thù dưới bất cứ hình thức
nào, lời nói, việc làm. Xin đừng lựa chọn ghi tên vào sổ “kiểm tra” của Caesar,
nhưng vào sổ các con cái Thiên Chúa, công dân Nước Trời hầu được hướng dẫn bằng
ánh sáng huy hoàng đêm nay. Amen.
Ơn cứu độ Thiên Chúa tỏ hiện nơi việc thiện của
chúng ta
Lc 2:1-14
Lm. Jude Siciliano, OP (FX Trọng Yên, OP
chuyển ngữ)
Trong hoạt cảnh Giáng Sinh luôn có cảnh
Thiên Thần ca hát ngoài đồng. Thiếu nhi thuộc lòng lời của Thiên Thần
"Anh em đừng sợ...". Sau khi thiên thần bảo những người chăn
chiên đừng sợ, rồi thiên thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa “Vinh danh
Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”
Anh chị em có thấy sự thay đổi trong câu hát
đó không? Trước kia chúng ta thường hát “… bình an dưới thế cho người
thiện tâm”. Câu này có vẻ nói các mục đồng thuộc về những “người
thiện tâm”. Và như vậy có nghĩa là tin mừng đấng cứu chuộc được sinh
ra là cho những ai đã sẵn sàng đón nhận; nghĩa là “người thiện tâm”
rồi.
Nhưng, lúc Chúa Giêsu sinh ra các mục đồng là
những người không quan trọng mấy. Mục đồng là những người có đời
sống thấp hèn. Dân chúng không ai coi họ là những người đạo đức. Nay
họ ở chỗ này, mai ở chỗ khác, và nếu có gì bị mất mát thì họ
có thể bị nghi là là kẻ cắp.
Vì thế nếu bây giờ chúng ta trình bày
cảnh lễ Giáng Sinh, chúng ta nên hãy dùng câu ca hát mới của thiên
thần “… Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho
loài người Chúa thương.” Vì câu này mới đem lại đúng ý nghĩa trong
phúc âm của thánh Luca. Trong suốt phúc âm thánh Luca, những người bé
nhỏ nhất lại là những người nhận được tin mừng. Các mục đồng có
thể là những người trước tiên nhận được tin mừng về việc Thiên Chúa
đang thực hiện công việc cho loài người. Nhưng lúc họ nghe tin là lúc
họ đang “sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn gia súc”. Họ không
phải là những người đang cầu nguyện, hay đang đọc Kinh Thánh. Dù vậy
thình lình họ trông thấy vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh họ.
Trong phúc âm này, những người bị xã hội ruồng bỏ lại nhận được ơn
cứu rỗi, khi họ nghe biết được đó là tin vui và họ mừng rở hân hoan
đón nhận.
Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự tốt
lành. Ngài yêu thương tất cả chúng ta, như đã nói ở phúc âm trong lễ
Giáng Sinh đêm nay. Một lần nữa, Thiên Chúa đến mời gọi tất cả chúng
ta.
Bài trích sách ngôn sứ Isaia đọc đêm nay là
một bài thơ tuyệt vời. Những lời văn đẹp đẽ ấy không che đậy những
đau khổ bên trong, mà còn nhấn mạnh những đau khổ ấy là khác. Ngôn
sứ đang nói với “đoàn dân lần bước trong tăm tối…” “những kẻ sống
trong bóng tối…” vì cái ách đè trên mình “theo” cây gậy của đốc công
đập xuống trên vai họ. Lời văn thơ này nhấn mạnh những đau khổ của
một dân tộc đang bị tù đày.
Nhưng, hoàn cảnh của họ đang thay đổi, họ
“đã thấy một ánh sáng huy hoàng”. Thiên Chúa đang đến với họ và
“Người đã tặng ban cho họ boa nổi hỷ hoan”. Thật đáng vui mừng khi
được sự cứu rỗi của Thiên Chúa! Nếu Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi sự
đau khổ ngay bây giờ, chúng ta nên nhớ ơn Thiên Chúa để khi nào chúng
ta “đi và sống trong tăm tối” chúng ta được an ủi nhờ sự cứu rỗi
chúng ta đã được hưởng.
Chúng ta đang vui mừng về sự cứu rỗi của
Thiên Chúa trong quá khứ, và trong đêm hôm nay. Mọi sự tăm tối âm u đang
tản mát, vì ánh sáng cứu độ đã đến. Trẻ hài nhi sinh ra là dấu
chỉ Thiên Chúa đang hoạt động cứu rỗi chúng ta. Chúng ta cần phải
nhớ điều này, nhất là những lúc tăm tối âm u trở lại, và chúng ta
cảm thấy chúng ta không đáng được hưởng ơn cứu rỗi ấy. Điều chúng ta
vui mừng đêm nay không phải là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta, hay vì
chúng ta là những người thiện tâm, nhưng chính do bởi Thiên Chúa có
thiện ý đối với chúng ta trong sự giáng sinh của hài nhi mà
ngôn sứ Isaia đã hứa. Những gì là tăm tối âm u đã trở thành hân hoan
vui mừng như lời ca trong thánh vịnh “Hãy hát mừng Đức Chúa một bài
ca mới”.
Những cụm từ “cứu rỗi”, “cứu chuộc”, “Nước
Trời”, “ơn cứu độ” là những cụm từ trừu tượng, khó hiểu khó thấy
được đối với những người không có đức tin và ngay cả với những Kitô
Hữu đạo đức. Cựu Ước là sách nói về ơn cứu độ. Thiên Chúa có
thiện ý đưa tay cứu chúng ta ra khỏi cảnh tù đày, và luôn tha thứ
người tội lỗi. Nhưng, đêm nay chúng ta lại mừng vui thêm tình thương
Thiên Chúa cho chúng ta biết ơn cứu độ ấy sâu đậm chừng nào.
Thánh Phaolo viết vắn tắt về ơn cứu đội
trong thơ gởi cho Titô “quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu
lộ…” Nếu ân sủng cứu độ khó hiểu được thì đây “Chúa Giêsu Kitô”
chính là sự hiện diện của ân sủng đó, Một Thiên Chúa vĩ đại, là
Đấng cứu độ chúng ta… “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc
chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính…” Vậy Chúa Giêsu biểu lộ ơn
cứu độ như thế nào? Những người bị ách nặng nề của tội lỗi sẽ
được “thanh luyện” khiến chúng ta thành dân riêng của Người, “một dân
hăng say làm việc thiện”. Nhờ sự đổi mới đó, chúng ta đã thể hiện
là “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét