Trang

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

VUI HỌC THÁNH KINH LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

VUI HỌC THÁNH KINH
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Mc 1,7-11








TIN MỪNG

7 Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."


7 And this is what he proclaimed: "One mightier than I is coming after me. I am not worthy to stoop and loosen the thongs of his sandals.

8 I have baptized you with water; he will baptize you with the holy Spirit."

9 It happened in those days that Jesus came from Nazareth of Galilee and was baptized in the Jordan by John.

10 On coming up out of the water he saw the heavens being torn open and the Spirit, like a dove, descending upon him. 11 And a voice came from the heavens, "You are my beloved Son; with you I am well pleased."

I. HÌNH TÔ MÀU





* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

* Bạn hãy viết câu Tin Mừng Mc  1,9
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .





II. TRẮC NGHIỆM

01. Ai đã làm phép rửa cho Đức Giêsu? (Mc 1,9)
a. Ông Gioan.
b. Ông Môsê.
c. Ông Phêrô.
d. Ông Khanania.

02. Đức Giêsu được ông Gioan làm phép rửa tại đâu? (Mc 1,9)
a. Hồ Tibêria.
b. Hồ Silôác.
c. Sông Giođan.
d. Thành Giêrusalem.

03. Vừa lên khỏi nước, ai ngự xuống trên Đức Giêsu? (Mc 1,10)
a. Chúa Cha.
b. Thần Khí.
c. Ngôi Hai.
d. Các thiên thần.

04. Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu như hình gì? (Mc 1,10)
a. Lưỡi lửa.
b. Đám mây.
c. Chim bồ câu.
d. Ngôi sao.

05. Có tiếng từ trời phán rằng: “Con là con yêu dấu của Cha, … …” (Mc 1,11)
a. Cha hài lòng về Con.
b. Các ngươi hãy nghe lời Người.
c. Rất đẹp lòng Cha mọi đàng.
d. Ai tin vào Con sẽ được cứu chuộc.

III.
Ô CHỮ

Những gợi ý

01. Đức Giêsu đến với ông Gioan để làm gì? (Mc 1,9)

02. Vừa lên khỏi nước, ai ngự xuống trên Đức Giêsu? (Mc 1,10)

03. Ai đã đến xin ông Gioan làm phép rửa? (Mc 1,9)

04. Ông Gioan đã làm gì cho Đức Giêsu? (Mc 1,9)

05. Đức Giêsu từ đâu đến với ông Gioan? (Mc 1,9)

06. Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu như hình gì? (Mc 1,10)

07. Ai đã làm phép rửa cho Đức Giêsu? (Mc 1,9)

Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?


IV. CÂU THÁNH KINH GHI NHỚ VÀ HỌC THUỘC LÒNG

"Con là Con yêu dấu của Cha,
Cha hài lòng về Con."
Tin Mừng thánh Máccô 1,11

NGUYỄN THÁI HÙNG



Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 1 NĂM B
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề :
Đức Giêsu chịu phép rửa

* Câu Tin Mừng Mc  1,9

Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan.

II.  Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM

01. a. Ông Gioan (Mc 1,9)
02. c. Sông Giođan (Mc 1,9)
03. b. Thần Khí (Mc 1,10)
04. c. Chim bồ câu (Mc 1,10)
05. a. Cha hài lòng về Con (Mc 1,11)

III. Lời giải đápÔ CHỮ

01. Phép rửa (Mc 1,9)
02. Thần Khí (Mc 1,10)
03. Đức Giêsu (Mc 1,9)
04. Phép rửa (Mc 1,9)
05. Nadarét (Mc 1,9)
06. Chim bồ câu (Mc 1,10)
07. Ông Gioan (Mc 1,9)

Hàng dọc : Phép Rửa

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa - B

 Những gợi ý suy niệm của cha I. Hồ Thông cho lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

                                                             Lm. Inhaxiô Hồ Thông

   

 Mc 1: 7-11

Vào Chúa Nhật nầy, chúng ta tưởng niệm sự kiện Đức Giê-su chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả. Phép rửa nầy được nối kết với một cuộc tấn phong bởi Chúa Thánh Thần trong một cuộc Thần Hiện. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Giê-su như một trong ba cuộc Thần Hiện: lễ Hiễn Linh, lễ Đức Giê-su chịu phép rửa và lễ Chúa Biến Hình. Vào chu trình năm phụng vụ, năm B, chúng ta đọc bài tường thuật theo thánh Mác-cô. Hai bài đọc đi trước đoạn Tin Mừng gợi lên những cuộc tấn phong khác bởi Chúa Thánh Thần.

Is 42: 1-7

Trước tiên, cuộc tấn phong của “người Chúa tuyển chọn” mà “Ngài hết lòng quí mến” và cho Thần Khí của Ngài ngự trên người ấy. Đây là một nhân vật mầu nhiệm mà vị ngôn sứ gọi là “Người Tôi Trung của Đức Chúa”.

Cv 10: 34-38

Bài đọc thứ hai, được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, tường thuật bài giảng thuyết của thánh Phê-rô được ngỏ lời với ông Cô-nê-li-ô, viên Bách Quản Rô-ma, và toàn thể gia quyến của ông, họ là những lương dân đầu tiên được chấp nhận vào cộng đoàn Ki tô hữu qua Phép Rửa. Nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki tô, sự tuyển chọn của Thiên Chúa được ban cho muôn dân.

     

BÀI ĐỌC I (Is 42: 1-4, 6-7)

Bản văn nầy gợi lên một nhân vật mà Thiên Chúa gọi là “người tôi trung của Ngài”, Ngài hết lòng yêu quí và cho Thần Trí của Ngài ngự trên người ấy. Nơi nhân vật này, Thiên Chúa trao gởi một sứ mạng thi hành công lý, bày tỏ tấm lòng nhân từ và đức khiêm nhu, nhờ đó nhân vật ấy trở thành ánh sáng chiếu soi muôn dân.

Đây là bài thơ đầu tiên trong bốn bài thơ trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a thời lưu đày (550-540 BC), được gọi I-sai-a đệ nhị (Is 40-55). Bốn bài thơ nầy gợi lên ở nơi “người tôi trung” mầu nhiệm nầy, lúc thì dân Chúa tuyển chọn, hay “nhóm nhỏ còn sót lại”, lúc thì một nhân vật biệt phân với một sứ mạng đặc thù.

Bài thơ nầy được đề nghị vào “Chúa Nhật lễ Đức Giê-su chịu phép rửa” nầy bao gồm hai phần: phần thứ nhất, Đức Chúa giới thiệu người tôi trung của mình; phần thứ hai, Ngài ngỏ lời trực tiếp với ông.

Danh xưng “người tôi trung” xuất hiện nhiều lần trong bộ Kinh Thánh. Đây là danh hiệu cao quí mà Đức Chúa trao tặng cho những ai Ngài trao phó việc hướng dẫn dân Ngài, hay trao gởi một sứ mạng: Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, Mô-sê, Đa-vít, vân vân. Tước hiệu nầy cũng chỉ toàn thể dân Ít-ra-en.

Nhân vật nầy là ai mà vị ngôn sứ nghĩ đến? Thật ra, nhân vật bí ẩn nầy trong suốt nhiều thời đại đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau: một nhân vật lịch sử là vua Ba tư, vua Ky-rô; hoặc dân Ít-ra-en, dân Chúa tuyển chọn; hay Đấng Mê-si-a. Đây là nét đặc thù của các sấm ngôn vừa do những hoàn cảnh chính xác vừa vượt qua những viễn cảnh tức thời.

1. Vua Ky-rô, vị thẩm phán chí công và nhân hậu.

 “Người Tôi Trung” nầy vừa là một vị thẩm phán vừa nhà giải phóng: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ; đây là người Ta tuyển chọn, Ta hết lòng quý mến. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người; Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”.

Người tôi trung này được Thiên Chúa ban nhiều đặc ân, nhờ đó ông có thể phân xử muôn dân, sửa sai những lỗi lầm, vực dậy những kẻ bị áp bức, phóng thích những tù nhân, phục hưng Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài và làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân.

Hoàn cảnh lịch sử chính xác là cảnh giam cầm ở Ba-by-lon. Vị ngôn sứ ngỏ lời với những người lưu đày, họ phải chịu đựng một sự thử thách dài lâu và mong mõi cuộc giải phóng. Ông hứa với họ một nhà giải phóng. Tất cả mạch văn hướng về vị vua Ba tư là Ky-rô, mà quyền lực của ông mỗi ngày mỗi lớn mạnh trên bàn cờ vùng Trung Đông. Chương 41 đi trước ám chỉ rõ nét những chiến công lẫy lừng của vua Ky-rô: “Từ Phương Đông, ai đã cho xuất hiện người hùng đi mỡ đường cho nền công chính? Đao kiếm của ông làm chúng hóa ra như tro bụi, cung nỏ của ông khiến chúng tán loạn tựa cọng rơm. Ông đuổi bắt thù địch, ông tiến bước an toàn…Điều đó, ai đã thực hiện, ai đã làm nên? …Chính là Ta. Ta là Đức Chúa, Ta là khởi nguyên, và giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta” (Is 41: 2-4). Chương 45 còn rõ ràng hơn: “Đức Chúa nói với kẻ Người xức dầu, với vua Ky-rô – Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa…Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọ là Ít-ra-en…Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác” (Is 45: 1-6).

Các biến cố sắp xảy đến sẽ củng cố dự đoán thời cuộc của vị ngôn sứ. Không bao lâu sau, vua Ba tư chiếm kinh thành Ba-by-lon mà không phải gặp bất cứ một kháng cự nào, và cũng không gây bất kỳ thiệt hại nào cho kinh thành. Ông thi hành chính sách cai trị “thu phục lòng dân”. Vua Ky-rô và những người kế vị ông không bao giờ sử dụng bạo lực. Xót thương đối với những người Ít-ra-en bị lưu đày như “cây sậy bị dập nát” và “tim đèn leo lét” nầy, vua Ba tư tạo điều kiện thuận tiện cho họ trở về cố hương là Giê-ru-sa-lem.

Một bản văn ba-by-lon, được chạm trên một hình trụ nổi tiếng được cho là của vua Ky-rô, tường thuật việc chinh phục thành đô Ba-by-lon một cách phi thường, không phải nhọc công chiến đấu nào. Bản văn này rất gần với các bản văn của I-sai-a đệ nhị.

2. Dân Chúa chọn.

Sau nầy, khi quá khứ mờ nhạt trong ký ức, bản văn được đọc lại theo cách khác.

Vị ngôn sứ chủ ý trao tặng danh hiệu “người tôi trung” cho toàn thể dân Ít-ra-en với tư cách là dân Đức Chúa tuyển chọn để là chứng nhân của Ngài. Dung mạo người tôi trung được xem như nhân cách hóa dân Chúa chọn mà Đức Chúa nâng đỡ, hết lòng quí mến và ban Thần Trí của Ngài. Dân nhỏ bé nầy, Ngài đã “nắn nên” họ bằng chính bàn tay của mình. Ở giữa muôn dân, họ phải chu toàn sứ mạng của mình là trở nên ánh sáng muôn dân qua việc khẳng định niềm tin của mình vào Thiên Chúa đích thật.

3. Đấng Mê-si-a.

 “Người tôi trung” nầy được nhận dạng chỉ ở nơi vua Ky-rô không tát cạn sự giàu có của bản văn, và được giải thích là dân Chúa chọn cũng không hoàn toàn thỏa mãn. Quan trọng là đặt sứ điệp nầy vào trong giây phút nghiêm trọng ở đó lời sấm được công bố: vào giữa thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, kinh thành Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm và trở thành hoang phế; một phần lớn dân cư bị lưu đày; Đền Thánh bị phá hủy; vương quyền của nhà Đa-vít đã chìm đắm trong phong ba bảo táp; niềm hy vọng mê-si-a được đặt để vào vương quyền nhà Đa-vít đã sụp đổ. Đây là thời điểm thuận tiện để nâng mặc khải lên đến một giai đoạn mới. Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách bất ngờ: Ngài sẽ sai phái “người tôi trung” đầy tràn Thần Khí của Ngài; nhân vật nầy sẽ thực hiện sứ mạng công lý với tấm lòng khiêm nhu nhân hậu, bên ngoài có vẻ thất bại, chịu nhiều đau khổ (bài thơ thứ tư). Qua trực giác của vị ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa bước một bước tiến nhảy vọt. Những sấm ngôn xưa liên quan đến một hậu duệ của nhà Đa-vít không bị bãi bỏ một chút nào, nhưng những viễn cảnh mới mà sấm ngôn nầy hé mở, đó không là một quyền lực trần thế nhưng một vương quốc tâm linh: “Vì dân các hải đảo xa xăm (nghĩa là cho đến tận cùng cõi đất) đều mong được Người chỉ bảo”.

Trong sách Tin Mừng của mình ở 12: 18-21, thánh Mát-thêu trích dẫn một đoạn văn dài lời sấm I-sai-a nầy để chứng minh rằng lời sấm được ứng nghiệm ở nơi con người của Đức Giê-su, sứ mạng của Ngài tuy được thực hiện một cách kín đáo nhưng “sẽ đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài”.

Khi chịu phép rửa bởi ông Gioan, Đức Giê-su thấy các tầng trời mở tung, Thần Khí ngự xuống trên mình và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Việc mô tả nầy mặc nhiên quy chiếu đến bản văn của I-sai-a. Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng của “Người Tôi Trung”; Ngài sẽ chu toàn sứ mạng nầy khi thực hiện dung mạo “Người Tôi Trung chịu đau khổ” trong cuộc Khổ Nạn của mình.

BÀI ĐỌC II (Cv 10: 34-38)

Đoạn trích của sách Công Vụ Tông Đồ nầy tường thuật một biến cố đánh dấu một khúc quanh quyết định trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi: lần đầu tiên, một lương dân và toàn thể gia quyến của ông được chấp nhận vào trong cộng đoàn Ki tô hữu nhờ bí tích Rửa Tội.

Cho đến lúc đó, các Tông Đồ đã ngỏ lời với người Do thái nhằm chứng minh cho họ biết rằng Đức Giê-su là Đấng cứu độ, ở nơi Ngài mọi lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Ki tô giáo sơ khai được định vị ở nơi sự nối dài của Do thái giáo. Chiều kích hoàn vũ đã được thấu hiểu qua thị kiến của các ngôn sứ: rồi sẽ đến một ngày, muôn dân sẽ lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mừng kính Đức Chúa đích thật. Nhưng các Tông Đồ đã không nghĩ đến một tiến trình đảo ngược: chính họ phải đi đến với muôn dân loan báo Tin Mừng cho họ.

Ấy vậy, nầy đây vị lãnh tụ của Giáo Hội, thánh Phê-rô được Chúa Thánh Thần thúc ép, phải nới như vậy. Một viên Bách Quản của đạo quân Rô-ma, đồn trú ở thành phố Xê-da-rê, sai người đến mời thánh nhân đến tại nhà mình. Lúc đó thánh Phê-rô đang ở Gia-phô cách thành phố Xe-da-rê khoảng năm mươi cây số. Thánh nhân đang thực hiện cuộc kinh lý. Sau cuộc bách hại đã giáng xuống cộng đoàn Giê-ru-sa-lem non trẻ vào mùa hè năm 36 hay mùa xuân năm 37 (thánh Tê-pha-nô, vị tuẩn đạo đầu tiên vào thời gian nầy), một thời gian yên bình đã xảy đến. Thánh Phê-rô lợi dụng thời kỳ yên bình nầy để thăm viếng các cộng đoàn vừa mới được thành lập.

Thánh Phê-rô đến nhà viên Bách Quản. Đây là lần đầu tiên thánh nhân bước qua ngưỡng của của một người chưa được cắt bì, bất chấp những cấm kỵ lâu đời (lệnh cấm không được tiếp xúc với những người chưa chịu cắt bì không được diễn tả trong Lề Luật; nó phát xuất từ tập quán và lời giải thích của các kinh sư nhằm tránh tất cả mọi hình thức lây nhiễm ngoại giáo). Đây là lần đầu tiên thánh nhân đem sứ điệp Tin Mừng đến một người ngoại giáo và toàn thể gia quyến của ông. Đối với thánh nhân, đây thật sự là một kinh nghiệm cảm động và đáng nhớ, thánh nhân đã thấu hiểu ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ hết mọi người. Ngay tức khắc, thánh nhân mặc lấy cho cách hành xử của mình một ý nghĩa thần học. Đây là phần mở đầu bài thuyết giáo của thánh nhân mà Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị cho chúng ta suy niệm vào ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả hôm nay.

1. Chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ.

 “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hể ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Chúa tiếp nhận”. Lời khẳng định về sự bình đẳng giữa dân ngoại và dân Do thái này hình thành nên một thay đổi lớn lao. Quả thật, trước đây, thánh Phê-rô, vốn là một người Ít-ra-en, quen nghĩ đến những đặc quyền đặc lợi mà dân Chúa chọn được hưởng. Vị lãnh tụ Giáo Hội, được Thánh Thần thúc đẩy, chấp nhận và công bố sự thay đổi khôn sánh nầy.

Ông Cô-nê-li-ô, viên Bách Quản Rô-ma, là một “cảm tình viên của Do thái giáo”, cũng được gọi “người kính sợ Chúa”. Đây là một con người “ăn ngay ở lành” như bản văn xác nhận.

Chắc chắn Thiên Chúa đã gửi “lời loan báo Tin Mừng trước tiên cho dân Ít-ra-en”. Thánh nhân muốn giải thích cho gia chủ và đồng thời muốn thanh minh quyền ưu tiên nầy: dân Ít-ra-en đã lãnh nhận một sứ mạng, sứ mạng chuẩn bị bình an, bình an giữa muôn dân, bình an giữa dân Do thái và lương dân. Bình an nầy trở nên có thể nhờ trung gian của Đức Giê-su Ki tô, “Ngài là Chúa Tể muôn dân”.

2. Quyền năng của Phép Rửa Ki tô giáo.

Tiếp đó, thánh Phê-rô vạch lại một cách ngắn gọn những giai đoạn sứ vụ Đức Giê-su. Thánh nhân nhấn mạnh phép rửa mà Đức Giê-su đã đón nhận bởi ông Gioan, sau đó Ngài đầy tràn Thánh Thần. Thánh Tông Đồ mở ra một viễn cảnh giáo thuyết, đó sẽ mãi mãi là viễn cảnh của Giáo Hội: ân ban Thánh Thần không là một sự thủ đắc đơn giản, đây là một sức mạnh bùng nổ, một năng lực giúp hoàn thành một sứ mạng: “làm chứng”, “thi ân giáng phúc” và “chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế”.

TIN MỪNG (Mc 1: 7-11)

Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm có hai phần chính yếu: phép rửa trong nước và phép rửa trong Thánh Thần cùng với cuộc Thần Hiện ở trên trời. Hai giai đoạn nầy tương phản nhau. Giai đoạn thứ nhất là hoạt cảnh về sự khiêm hạ nếu không muốn nói về một sự hạ mình đến tột cùng: Đức Giê-su tự hạ mình xuống đến mức ngang hàng với tội nhân. Giai đoạn thứ hai là một hoạt cảnh hùng vĩ của cuộc tấn phong.

1. Phép rửa trong nước.

Đức Giê-su đến từ làng Na-da-rét miền Ga-li-lê để xin Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình. Như vậy, khi muốn đón nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy giả, Đức Giê-su đã tự đặt mình ngang hàng với các tội nhân. Cách hành xử nầy là yếu tố khởi đầu của sứ mạng Cứu Chuộc. Ngay từ lúc đó, Đức Giê-su muốn đón nhận ở nơi bản thân mình mọi tội lỗi của con người; đây là bước đi đầu tiên sẽ dẫn Ngài đến núi Sọ để chịu một phép rửa khác: phép rửa bằng máu. Chính Đức Giê-su đã sánh ví cuộc Tử Nạn của Ngài với một phép rửa: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất” (Lc 12: 50). Đức Giê-su công bố với ông Gia-cô-bê và ông Gioan: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10: 38). Động từ “rửa” theo nguyên ngữ là “ngụp lặn”, “nhận chìm”. Đức Giê-su muốn nói rằng Ngài sẽ bị nhận chìm vào trong vực thẳm đau khổ.

Từ phép rửa trong nước đến phép rửa bằng máu, đó là tiến trình của cuộc đời Đức Giê-su Ki tô. Ở nơi hoạt cảnh phép rửa trong dòng sông Gio-đan có một hậu cảnh bi thảm…

2. Phép rửa trong Thánh Thần.

Cả bốn thánh ký đều tường thuật hoạt cảnh nầy, điều đó nói lên tầm quan trọng mà các ngài đã ban cho giờ phút quyết định nầy về ơn gọi Đức Giê-su.

Cảnh tượng được mô tả thật hùng vĩ: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời mở tung ra và thấy Thần Khí tựa như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Theo truyền thống Do thái, các tầng trời đóng lại với vị ngôn sứ cuối cùng là Ma-la-khi, nghĩa là sự giao tiếp giữa Thiên Chúa và con người chấm dứt. Như vậy, biến cố “Đức Giê-su chịu phép rửa” đánh dấu một khúc quanh mới: “các tầng trời mở tung ra”, nghĩa là sự tương giao giữa Thiên Chúa và con người lại được nối lại.

Quả thật, Đức Giê-su được thụ thai và sinh hạ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, nhưng trong cuộc sống ẩn dật, Chúa Thánh Thần đã không công khai tỏ mình ra. Ngày Ngài chịu phép rửa bởi ông Gioan, đánh dấu khởi điểm sứ mạng mình, Đức Giê-su cần sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Thần Khí tựa như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài”. Một số người thấy ở nơi hình ảnh “chim bồ câu” con chim hòa bình mà ông Nô-ê thả trên nước Đại Hồng Thủy (St 8: 8-11). Những người khác nghĩ rằng hình ảnh nầy nhắc nhở “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” trong công trình sáng tạo (St 1: 2). Như vậy, việc Thần Khí ngự xuống trên Đức Giê-su khai mào một kỷ nguyên mới của Ơn Cứu Độ. Quả thật, trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy nhiều hình ảnh tiền trưng của phép rửa: từ nước của trận Đại Hồng Thủy xuất hiện một nhân loại mới khởi đi từ ông Nô-ê và con cái của ông; từ nước của biển Đỏ một dân tộc mới và được giải thoát chào đời. Cũng vậy, vừa ra khỏi dòng sông, Đức Giê-su khai mạc nhân loại mà Ngài sẽ tái sinh.

Như vậy, trong biến cố nầy, Đức Giê-su lãnh nhận ba cuộc tấn phong đồng một lúc:

- “Cuộc tấn phong với tư cách Con Thiên Chúa”. Tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha”, đây là cách nói của người Do thái để bày tỏ niềm tôn kính đối với Thiên Chúa mà họ không dám nêu tên Ngài. “Con yêu dấu” gợi lại I-sa-ác, đứa con duy nhất, đứa con yêu quý của ông Áp-ra-ham trong mệnh lệnh của Thiên Chúa (St 22: 2).

Chúng ta cũng vậy, vào lúc chịu phép rửa tội, chúng ta sẽ được Chúa Cha gọi “con yêu quý” ở nơi Người Con duy nhất, Con yêu quý của Ngài là Đức Giê-su Ki tô.

- “Cuộc tấn phong với tư cách vua-mê-si-a”. Thật không ngẫu nhiên một chút nào khi tiếng phán từ trời cất lên bằng những từ ngữ mà xưa kia một vị vua được phong vương: “Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán với tôi rằng: “Con là Con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Tv 2: 7).

Vị vua-mê-si-a mà các ngôn sứ loan báo, hậu duệ của nhà Đa-vít nầy, chính là Đức Giê-su. Nhưng Ngài sẽ công bố mình là vua chỉ khi bị xích xiềng và bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng Do thái (Mc 14: 61-62) và trước tổng trấn Phi-la-tô (Mc 15: 2).

- “Cuộc tấn phong với tư cách người tôi trung”. Những lời “Cha hài lòng về Con” nhắc nhớ sự tuyển chọn của Người Tôi Trung trong bản văn của I-sai-a mà chúng ta gọi “bài ca thứ nhất về Người Tôi Trung phải chịu đau khổ” trong bài đọc thứ nhất (Is 42: 1-7).

3. Phép rửa, cuộc Thần Hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Phụng Vụ Đông Phương cử hành lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa như ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Quả thật, đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh, Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện trong biến cố nầy. Việc Đức Giê-su chịu phép rửa trong dòng sông Gio-đan được đánh dấu bởi cuộc Thần Hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa loan báo phép rửa Ki tô giáo phù hợp với lời dạy của Đức Giê-su Phục Sinh cho các môn đệ Ngài: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành muôn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 18-20).

Việc nhận chìm vào trong nước và bước ra khỏi nước là biểu tượng của sự chết và sự tái sinh. Hy tế của Đức Giê-su đã đem lại cho biểu tượng nầy tất cả giá trị của nó. Thánh Phao-lô giải thích rõ ràng điều nầy: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6: 4).

Thật ý nghĩa biết bao khi nghi thức Rửa Tội được cử hành vào lễ Đêm Vọng Phục Sinh!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét