Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Ngôi Sao Giáng Sinh (Mt 2)

Ngôi Sao Giáng Sinh (Mt 2)



Thời niên thiếu tôi chỉ biết cái tên nôm na của ngày “Lễ Ba Vua” chứ không biết cái tên Hán Việt  “Lễ Hiển Linh” ngày nay. Trong sách Tin Mừng thì chuyện các thánh Anh Hài (các hài nhi bị giết) theo sau chuyện ngôi sao và “Ba Vua”. Hai chuyện này liên quan chặt chẽ với nhau trong chương 2 của sách Tin Mừng Matthêu.

Muốn hiểu các chuyện này ta phải trở lại với các sách Sáng Thế,  Xuất Hành và Dân Số trong Cựu Ước.

Sách Sáng Thế (St 37.39-50) kể chuyện Giuse con ông Gia-cóp bị anh em ganh ghét, bán làm nô lệ bên Ai Cập, nhưng cuối cùng ông đã trở thành nhân vật số hai trong nước  và giữ nhiệm vụ lập kho lương thực dự trữ cho một nạn đói kéo dài 7 năm. Cha ông và cả dòng họ được đón sang Ai Cập để tránh nạn đói.

Trong sách Xuất Hành (Xh 1-3), vua Ai-Cập sợ dân Hip-ri trở nên hùng mạnh và thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia, ra lệnh giết các trẻ nam ngay khi sinh ra bằng  cách quăng xuống sông Nin, con sông nuôi sống cả nước Ai Cập cho tới ngày nay. Một bà mẹ đã hành động khác người: bà bỏ đứa con trai vào một cái “thuyền thúng” nhỏ và thả giữa đám sậy bên bờ sông. Đứa bé được công chúa Ai Cập nhận làm con. Đó là Mô-sê người sẽ đưa dân Hipri ra khỏi Ai Cập theo lệnh của Chúa.

Trong sách Dân Số (Ds 22-24), trên đường vào Đất Hứa, dân Hip-ri xin mượn đường băng qua xứ Mô-ap. Vua Mô-ap là Ba-lác phát sợ, cho đoàn sứ giả đi mời ông Bi-lơ-am (Balaam) ở bờ Sông Cả (Eu-phơ-rat), là người có phép nguyền rủa và chúc lành một cách hiệu quả. Ông thỉnh ý Chúa và ban đêm Chúa bảo ông không được đi, không được nguyền rủa dân này.

 Vua lại phái đoàn sứ giả thứ hai tới mời.

Đêm ấy Chúa bảo Bi-lơ-am cứ đi nhưng chỉ làm những gì Chúa bảo làm.
Trên đường xảy ra chuyện con lừa cái ông đang cỡi không chịu đi, ông đánh nó, nó nói cho ông biết là có sứ thần của Chúa chặn trước mặt. (Xin mời đọc chuyện Lừa Mẹ và Lừa Con).

Bảy lần Bi-lơ-am mở miệng đều phải nói lời chúc phúc theo lệnh Thiên Chúa. Lần thứ bảy, ông nói: “Tôi thấy, không phải cho lúc  này; tôi thấy, không phải gần, một ngôi sao xuất phát từ Gia-cop sẽ làm thủ lãnh, một phủ việt xuất phát từ It-ra-en” (Ds 24,17).

Lời sấm này đã đươc chú ý rất nhiều trong truyền thống Dân của Cựu Ước. Tướng của quân đội Rôma là Pompei khi chiếm lãnh đất Si-rô-Pa-let-tin cũng đã sử dụng lời sấm này để tuyên truyền cho việc ông trở thành Hoàng đế của đế quốc Rôma. Người lãnh đạo cuộc nổi dậy cuối cùng của dân Do Thái chống đế quốc Rôma (132-134) cũng được cải danh là Bar-Kochbah (con của vì sao) để chứng tỏ ông chính là vị cứu tinh được Bi-lơ-am loan báo.

 1/ Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người.

Mt kể: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua Dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông.”

Phản ứng của Hê-rô-đê không có gì khiến chúng ta phải ngạc nhiên, vì ông là người gốc Ê-đôm đã được Rô-ma đặt lên làm vua xứ Giu-đê. Lẽ ra người Do Thái ở Giêrusalem phải vui mừng, nhưng họ lại cũng chung tâm tình với Hêrôđê: “Vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giêrusalem cùng [bối rối] với vua.”

Vua triệu tập các thượng tế và kinh sư để “hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra tại đâu”. Họ tìm ra câu trả lời trong sách ngôn sứ Mi-kha: tại Be-lem, miền Giu-đa.
Chuyện đang công khai, Hê-rô-đê chuyển thành bí mật: “bí mật vời các nhà chiêm tinh, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện, rồi phái các vị ấy đicăn dặn: xin đi dò hỏi tường tận… khi tìm thấy xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy người”. Tất cả những động từ trên đây cho thấy cáo già Hêrôđê [x. Lc 13,32 Chúa Giêsu gọi Hêrôđê con của ông là con cáo!] đang tìm cách biến các nhà chiêm tinh thành gián điệp phục vụ cho âm mưu đen tối của ông.

Nhưng ngôi sao không bỏ họ. Họ ra đi thì ngôi sao lại dẫn đường cho họ, đưa họ đến tận nơi Hài Nhi đang ở. Thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy hài nhi và mẹ. Họ sấp minh bái lạy. Họ dâng vàng, mộc dược, nhũ hương.

“Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi đường khác mà về xứ mình.” Kết thúc này cũng giống kết thúc câu chuyện Bi-lơ-am: “Sau đó ông Bi-lơ-am đứng dạy lên đường về xứ, còn vua Ba-lác cũng đường mình mà đi” (Ds 24,25). Vua Mô-ap là Ba-lác muốn Bi-lơ-am phục vụ kế hoạch của mình, nhưng Thiên Chúa đã can thiệp (phán dạy trong đêm) để ông làm theo kế hoạch của Chúa. Bi-lơ-am và Ba-lác chia tay, mỗi người một hướng.

Cách thức Mt kể tiếp về ngôi sao lại xuất hiện khi họ ra khỏi Giêrusalem và “dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại” làm cho chúng ta nhận ra là bản văn đã chuyển “ngôi sao” sang một ý nghĩa biểu tượng: ánh sáng đức tin. “Trông thấy ngôi sao họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy hài nhi với thân mẫu là Maria, liền sấp mình bái lạy”. Thấy ngôi sao, vào nhà, thấy thân mẫu và Hài Nhi, sấp mình bái lạy: chuỗi động từ này đi liền nhau, đối lại với chuỗi động từ diễn tả thái độ và hành động của Hê-rô-đê. Tất cả là do ánh sáng đức tin.

Một chi tiết khác cũng đáng lưu ý: “nhà”. Trong sách Tin Mừng, Mt sẽ nhấn mạnh đến ngôi nhà. Cuối bài giảng trên núi, Chúa dùng hình ảnh ngôi nhà để nói về đời sống đức tin xây dựng trên Lời Chúa. Ngôi nhà đầu tiên Chúa sẽ vào khi đi giảng dạy là nhà thánh Phêrô (8,14).
Hai người mù gặp Chúa trên đường, xin Chúa chữa. Chúa cứ làm ngơ để cho họ theo sau năn nỉ: “Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót chúng tôi!” “Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Lạy ngài, chúng tôi tin. Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào sẽ được như vậy”. Mắt họ liền mở ra” (9,27-30). Khi tuyên bố thành lập Hội Thánh, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải cho anh. Còn Thầy, Thầy bào anh, anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực âm phủ sẽ không thắng nổi” (16,13-18). Thiên Chúa hứa xây cho Đavit một “nhà tồn tại mãi mãi” (2 Sm 7,5-16). Đức Giêsu, vừa là Con của Đavit, vừa là Con của Thiên Chúa, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta xây ngôi nhà của Người là Hội Thánh, mà quyền lực âm phủ sẽ không thắng nổi.

2/ Trốn sang Ai-Cập

 “Ngay sau khi các nhà chiêm tinh ra về, thiên sứ của Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse.” Thiên sứ bảo ông lên đường ngay trong đêm, “đem hài nhi và mẹ trốn sang Ai Cập và ở lại đó” cho tới khi có lệnh mới. Lý do là Hê-rô-đê sắp tìm giết hài nhi. Cáo già Hê-rô-đê “thính mũi” lắm nên hẳn cũng đoán ra được là các nhà chiêm tinh chẳng ngây thơ tới mức trở lại làm gián điệp không công cho ông, nên ông đã có ngay phương án thứ hai khi “hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện”. Áp dụng sách của Tào Tháo “giết lầm hơn tha lầm”, ông sai lính đi giết hết các con trẻ ở Be-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống”. Hêrôđê tưởng “mẻ lưới vét” của ông hiệu quả 100% nhưng ông không ngờ Thiên Chúa “ra tay” trước!

Đến đây ta không thể không liên tưởng đến thánh vịnh số 2: “Sao chư dân lại ồn ào náo động…vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đâng Chúa đã xức dầu phong vương… Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười, Người chế nhạo bọn chúng”.

Mt đã sử dụng thật tài tình, điêu luyện chuyện vua Ai Cập ra lệnh giết các trẻ nam người Hip-ri và Môsê được cứu thoát, chuyện Bi-lơ-am và thánh vịnh số 2 để làm khung cho chúng ta đọc chuyện thánh gia trốn sang Ai Cập. Bi-lơ-am thấy trong tương lai, còn xa.  Các nhà chiêm tinh (cùng nghề, cùng quê với Bi-lơ-am) “thấy ngôi sao của Người xuất hiện”. Tương lai trong thị kiến của Bi-lơ-am đã trở thành hiện tại. Điều Thiên Chúa dùng Bi-lơ-am loan báo đã được thực hiện.

Thiên Chúa đã cứu Môsê và dùng ông để đưa dòng dõi Ap-ra-ham ra khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Thiên Chúa đã sai Bi-lơ-am loan báo về một vị vua tương lai như một ngôi sao xuất hiện từ Gia-cop. Ngôn sứ Mi-kha loan báo “Belem nơi vị thủ lãnh  chăn dắt It-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. Tất cả kết hợp tuyệt vời nơi hài nhi Giêsu.

Mt còn cho thấy việc trốn sang Ai-cập nhắc lại cuộc lưu đầy Ba-by-lon khi trích dẫn ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Ở Ra-ma vẳng nghe tiếng khóc than rên rỉ” và ngôn sứ Hô-sê: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”. Câu trích dẫn cuối cùng là tổng hợp “các ngôn sứ” nên chẳng ai có thể nói chắc là tìm thấy ở đâu.

Phương pháp “dạy giáo lý” của Mt là cho thấy tất cả những gì xảy ra liên quan tới hài nhi Giêsu đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa đã được loan báo từ thời Ap-ra-ham và suốt lịch sử dòng dõi Ap-ra-ham. Nhưng sự thực hiện vượt quá những gì ngưòi ta có thể mường tượng, vì nơi hài nhi Giêsu Thiên Chúa đã đem vào lịch sử một yếu tố hoàn toàn mới:
- Hài nhi Giêsu xuất thân từ dòng dõi Đa-vit và Ap-ra-ham, nhưng lại sinh ra từ lòng trinh nữ Maria, bởi quyền năng Thánh Thần.

- Chính Thiên Chúa đặt tên cho hài nhi là Giêsu, “vì Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Môsê được Thiên Chúa sai đi giải thoát dân của Thiên Chúa: “Dân của Ta, Con của Ta”, khỏi ách nô lệ Ai-Cập. Hài nhi Giêsu sẽ cứu “dân mình” “khỏi tội”.

- Hài nhi Giêsu là “Con Ta” theo môt nghĩa hoàn toàn mới, vì

- Người là Em-ma-nu-en, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người cứu chúng ta không phải  bằng cách từ trời thò tay xuống kéo ta lên, nhưng đi vào lịch sử, chung thân phận con người, nếm đủ mặn nhạt chua cay của cuộc sống và cái chết như chúng ta, để đem lại cho chính cuộc sống và cái chết ý nghĩa mới. Người không giải thoát chúng ta khỏi đau khổ, khỏi chết, nhưng biến đổi đau khổ và cái chết cũng như cả kiếp người từ bên trong: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trong mọi hoàn cảnh, mọi giây phút. Tổ tiên chúng ta đã muốn đi đường tắt để nên bằng Thiên Chúa, nên như Thiên Chúa. Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta để cho thấy kiếp người thật cao cả và đáng sống, vì nó là con đường để lớn lên mà nên giống như Thiên Chúa.
- Tội phá hủy tất cả. Cứu dân mình khỏi tội, Đức Giêsu Kitô tái tạo tất cả. (xin coi bài “Ngài đến đây làm gì?

- Thánh Phao lô sẽ tổng hợp giáo lý này trong hai bài thánh ca Ep 1,3-14 và Cl 1,15-20: Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch khi tới hồi viên mãn, “đó là quy tụ muôn loài trên trời dưới đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô”. 
———————————————————
Phụ chú

Ba Vua: Kinh Thánh chẳng nói Ba vị mà cũng không nói là Vua.

Dựa trên ba lễ vật, người ta cho là có ba vị mà bản văn Hy Lạp gọi là “magoi” tức là những nhà chiêm tinh trong văn hóa Ba-Tư, tương tự trong truyền thống Trung Hoa: Khổng Minh xem sao để biết số phận của các vị tướng và cả của Lưu Bị. Taị nhà thờ Giáng Sinh ở Belem xây lại vào thế kỷ thứ sáu có vẽ hình các nhà chiêm tinh mặc y phục Ba Tư, nhờ vậy mà khi quân Ba Tư tràn vào Đất Thánh phá hủy hết các nhà thờ, trừ nhà thờ Giáng Sinh ở Belem, vì thấy hình “phe ta”!

Ba của lễ gợi lại Isaia 60,6 và Tv 72,10-11.15: ở đây nói đến các vua và hàng vương giả. Vì thế mà dần dần người ta giải thích là Ba Vua. Thời Trung Cổ người ta còn đặt tên cho  ba vị…

Thương tế và kinh sư là giới lãnh đạo của Dân Do Thái thời Chúa Giêsu. Trong sach Tin Mừng Matthêu họ luôn xuất hiện với bộ mặt thù nghịch với Chúa Giêsu và các môn đệ. Ngay ở chương thứ hai này, họ đã đứng về phía Hêrôđê. Trong cuộc khổ nạn thì sự thù nghịch hiện rõ hơn. Đến cuối, sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh thì họ tỏ ra là “thày dạy sự dối trá”. Chúa Giêsu trao sứ mạng giảng dạy sự thật cho các Tông Đồ: “Hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ: làm phép rửa cho họ và dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.
Điều này phản ảnh sự mâu thuẫn giữa cộng đoàn Kitô Hữu và cộng đoàn Do Thái giáo vào thời sách Tin Mừng này được viết ra. Về điểm này chúng ta phải rất thận trọng để đừng lấy ra khỏi mạch văn và bối cảnh lịch sử mà nói về dân Do Thái. Nên đọc những lời trần tình của thánh Phaolô trong sách Công Vụ (22-23;28), thư Rôma  (9-10) và thư I Côrintô (9).

Giêrusalem, lễ Thánh Gia 2014. 
L.M. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét