Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

RỬA TỘI ÂM HỒN NHẬP XÁC ĐƯỢC KHÔNG ?


 
 
RỬA TỘI ÂM HỒN NHẬP XÁC ĐƯỢC KHÔNG ?
L.m. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR.

Đã từ lâu, được nghe dân chúng bàn tán xôn xao về việc ở vài nơi, Chúa hoặc Đức Mẹ nhập vào người nọ người kia và ban các thông điệp, các lời dạy bảo…, rồi ít lâu nay lại được nghe đồn và được đọc trên sách vở, báo chí một số trường hợp đại khái nói là có những người bị âm hồn bơ vơ, vất vưởng nhập vào trong mình họ (tạm gọi là “nhập xác”), họ sợ hãi chạy đến xin các giáo sĩ, linh mục cứu giúp, các ngài đã ra công trừ tà, và có những lần âm hồn yêu cầu Rửa tội cho chúng ….

Nhiều người thắc mắc và đến hỏi chúng tôi về cách thực hành ấy có đúng giáo lý không, buộc lòng chúng tôi phải giải đáp theo khả năng chúng tôi hiểu biết. Nhân cơ hội, chúng tôi cũng muốn đem những ý kiến đóng góp với mọi người, để làm sáng tỏ câu hỏi đặt ra trên đây. Nếu có gì sai sót, xin vui lòng chỉ bảo.
Để được rõ ràng, chúng tôi chia bài này (*) [i] ra làm 3 phần:

(I)      A/ VẤN ĐỀ “ÂM HỒN NHẬP XÁC”
B/ RỬA TỘI CHO HỌ ?
(II)   VĂN KIỆN CỦA HỘI ĐỒNG GM CAMPANI, Ý.
(III)  PHÁN QUYẾT CỦA CHÚA VÀ HỘI THÁNH.

* * *

PHẦN (I)
A/ :  VẤN ĐỀ “ÂM HỒN NHẬP XÁC”

Theo Giáo lý Công giáo, Thiên Chúa dựng nên mỗi con người là một hữu thể gồm linh hồn và thể xác, thành một nhân vị tự lập, tự chủ, có tự do, và bất khả xâm phạm (inviolabilité) và bất khả thâm nhập(impénétrabilité). Bởi tính bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập này, do Thiên Chúa Tạo Hóa đã qui định, không một nhân vật nào được phép hay có khả năng xâm nhập vào nhân vật kia, nói đơn giản, người này không thể nhập vào người kia được.

Vậy nếu con người không có khả năng cho nên không thể xâm nhập vào người khác, thì chỉ còn có thần linh – những hữu thể thuần túy thiêng liêng, không có thể xác vật chất, vốn là một loài cao cấp hơn, quyền thế hơn loài người – mới có khả năng xâm nhập vào con người được.

Vì không hiểu rõ như thế, cho nên có người sẽ vặn lại : Trên đây bảo rằng con người không thể nhập vào con người khác được, đồng ý, vì đó là người còn đang sống thì đành rằng không thể xâm nhập vào nhau được, vì có thể xác là vật cản trở, nhưng người đã chết, thì không còn thể xác, chỉ còn linh hồn là giống thiêng liêng, có thể nhập vào người khác được chứ ?

Đáp : Linh hồn là giống thiêng liêng, điều này đúng theo quan điểm Kitô giáo, nhưng còn bảo rằng khi chết linh hồn lìa khỏi xác, và vì là giống thiêng liêng nên có thể nhập vào người khác thì sai. Vì dù lìa xác,linh hồn ấy vẫn là linh hồn của loài người, chứ không trở thành thần linh, cho nên vẫn không có khả năng nhập vào người khác, do bởi hai tính bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập là qui định của Thiên Chúa mà ta đã nói ở trên.

Ngay cả Đức Mẹ và các thánh… cũng không có khả năng nhập vào người khác, vì các Đấng không phải là thần linh, song chỉ là những con người thánh đức, đã được Thiên Chúa ân thưởng trên thiên đàng. [ii]

Vả lại, cứ theo Giáo lý Công giáo, như sẽ trích dẫn dưới đây, bất cứ người nào đã chết thì linh hồn, sau khi lìa xác, sẽ bị phán xét riêng vàngay tức khắc sau đó, tùy công hay tội của mình đã lập được khi còn sống ở trần gian, mà phải vào 1 trong 3 nơi đã định (Thiên Đàng, Hỏa ngục, Luyện ngục). Nếu được vào Thiên đàng nơi hạnh phúc vô cùng vô tận và thánh thiện, thì chẳng bao giờ các đấng tốt lành ấy lại xuống trần gian mà quậy phá ; còn nếu sa Hỏa ngục, thì đời nào Satan lại để thả lỏng tù nhân của Nó khỏi hình khổ hỏa hào mà thong dong rong chơi trên trần thế ; còn nếu ở trong Luyện ngục, thì có thể đôi khi – nhưng rất hiếm – họ được Thiên Chúa cho phép tỏ mình ra với người trần, thường chỉ để nhắc nhở người trần giúp đỡ họ bằng cầu nguyện và Thánh lễ, chứ không tùy tiện đi lang thang vất vưởng…, huống chi lại đòi nhập vào người khác mà quậy phá.

Tóm lại, như trên kia đã nói, chỉ có thần linh mới có khả năng nhập vào con người được.
Nhưng xin hỏi : Thần linh nào ?
Thưa : Có hai loại thần linh, thần lành (thiện thần) và thần dữ (ác thần).
1)                        Thần lành là Thiên Chúa, và các Thiên thần.
2)                        Còn thần dữ là Satan và ma quỉ phe nó…

1) Thần lành : a.- Thiên Chúa, là Thần linh thuần túy, Người có nhập vào loài người không ? Thiên Chúa đã dựng nên con người là một nhân vị có tự lập, tự chủ, và tự do, bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập như trên kia đã nói, nên Người tôn trọng những qui luật do chính Người đã lập ra, nếu Người vi phạm thì Người làm sao có thể dạy loài người phải giữ ?

b.-  Các Thiên thần – tuy là thần linh – song đều tuân theo đường lối ấy của Thiên Chúa.

Và xin thêm, Đức Mẹ và các thánh, tuy không phải là thần linh, nhưng nay ở trên Thiên đàng đã trở nên các Đấng thiêng liêng, cũng tuân theo đường lối của Thiên Chúa. [iii]

Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy trong Thánh Kinh, khi nghe các ngôn sứ thường nói: “Thiên Chúa Giavê phán thế này…”. Hoặc “Lời Thiên Chúa đã xảy đến cho ngôn sứ  X… như thế này…” (Giêrêmya 1.2,4; 2.1;3.1; Edêkien 3.16,22; 6.1; Hôsê 1.1,2; v.v…). Tức là Thiên Chúa ban lời Người cho họ, rồi họ nói lại, truyền lại cho dân chúng. Không bao giờ Người nhập vào vị tiên tri rồi dùng miệng vị tiên tri mà tự xưng mình : “Ta là Giavê đây, Ta phán rằng…”.  [iv]

Chúng ta cũng còn có thể thấy rõ điều ấy trong những cuộc hiện ra của Chúa hay Đức Mẹ. Các Ngài nói với họ, tỏ bày, hoặc cho họ thấy thị kiến điều nọ điều kia, rồi xin họ truyền bá ra cho mọi người. Ví dụ: ở Lộ Đức, Đức Mẹ hiện ra và yêu cầu cô bé Bênađêta, vốn là một cô bé nghèo và dốt nát, trong một ít ngày đến hang đá nơi Người đang đứng. Cô bé có quyền nhận hay từ chối lời đề nghị ấy, song thực tế cô đã nhận lời. Ở Fatima cũng vậy, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô và Jacinta (10 và 8-9 tuổi - xem hình bên) và yêu cầu họ đến gặp Mẹ trong vòng 5 tháng, đúng vào ngày 13. Nay ở Medjugorje (Bosnia-Herzegovina, Nam Tư cũ) cũng thế, Đức Mẹ hiện ra với 6 thiếu niên nam nữ (tuổi từ 10 đến 16) và yêu cầu họ đến với Người và nhận loan truyền các sứ điệp của Người.

Chúa và Đức Mẹ luôn tôn trọng quyền tự chủ, tự do của các thị nhân. Các Đấng đối diện với họ như một con người đứng trước một con người khác, và mời họ cộng tác. Không bao giờ có chuyện xâm nhập vào trong mình họ.
Tắt một lời, không bao giờ Chúa hay Thiên thần, Đức Mẹ hay các Thánh nhập vào một người mà tự xưng bằng miệng người ấy rằng : “Ta là Giêsu, Ta dạy thế này…”; “Ta là Đức Maria, Ta khuyên bảo con thế kia….” ; “Ta mặc khải những điều sẽ xảy ra…”

2) Thần dữ : Vậy nếu các thần lành không làm chuyện xâm nhập ấy, thì chỉ còn các ác thần, Satan và ma quỉ mới làm bậy !

Mà Satan và ma quỉ là giống nào ?

Xin trả lời : Quỉ trước đây là thiên thần, những hữu thể thuần túy thiêng liêng – tức là những thần linh – sáng láng quyền uy, là tạo vật Thiên Chúa đã dựng nên cao hơn loài người một bậc ; nhưng đã do phản nghịch cùng Thiên Chúa mà phải trở thành ác quỉ sa Hỏa ngục, sách Khải huyền đã đưa ra một gợi ý về chuyện ấy : “Bấy giờ, có giao chiến trên trời : Thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của Người giao chiến với Con Rồng (đỏ như lửa). Con Rồng cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Rồng bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.”  (12.7-9 ; xem thêm  2 Pr 2.4 ; Gioan 12.31; Luca 10.18)

Sau khi đã phản nghịch với Thiên Chúa, Satan và ác quỉ quyết phá hoại chương trình của Thiên Chúa, và đem lòng ghét ghen tìm mọi cách để giết và hủy diệt hạnh phúc loài người, như Thánh Kinh đã chỉ rõ:
“Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian.” (Khôn ngoan 2.24; Sáng thế 3.1-19).

Nó bất kể qui luật bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập, bất kểtự do, tự chủ của con người, – nghĩa là bất kể họ có muốn hay không muốn – cứ xâm nhập đại, lúc thì tự dưng, lúc thì bằng các phương thế như bùa ngải của thầy bùa, thầy pháp, phù thủy… Nó giống như tên trộm, tên cướp, bất kể luật gia cư bất khả xâm phạm, cứ lẻn vào nhà người khác để lấy trộm đồ nọ vật kia.

Khi xâm nhập vào người ta, nó thường khôn khéo không bao giờ tự nhận mình là Satan hay ma quỉ, song mạo tên người nọ người kia, đức thánh nọ, bà chúa kia…, hay giả làm thiên thần, có khi nó còn dám giả danh Chúa, Đức Mẹ, để cho người đời đừng sợ và dễ tin nó ; nhiều khi nó còn nói ra những lời rất tốt lành, đạo đức, khuyên đọc kinh, lần hạt v.v…, hoặc nó thi ân giáng phúc, làm những dấu thiêng điềm lạ [v] khiến cho người ta nếu thiếu cảnh giác sẽ dễ bị xiêu lòng, bị phỉnh gạt, tưởng nó là ngôn sứ của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô lật mặt nạ nó ra : Lạ gì đâu ! Vì chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng !” (Thư 2 Corintô 11.14). Chúa Giêsu còn cảnh cáo cách mạnh mẽ : “Nó đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, nó là sói dữ tham mồi.” (Matthêu 7.15).

Muốn câu cá, chúng ta cũng thường che lưỡi câu sắc nhọn đen đủi đáng sợ bằng một mồi thơm ngon để dử thính… 

 Linh mục Gabriele Amorth, Nhà Trừ quỉ lừng danh của giáo phận Rôma, là vị Sáng Lập và cũng là vị Chủ Tịch danh dự của Hiệp Hội Quốc Tế của Những Chuyên Gia Trừ Quỷ (International Association of Exorcists), (cha đã thực hiện hơn 20.000 – có nơi còn nói 70.000 – cuộc trừ quỉ trong suốt quãng đời 26 năm thi hành chức vụ đó của cha - … Father Gabriele Amorth has carried out most of his 70,000 exorcisms over the past 26 years), trong cuốn “Nhà Trừ Quỉ Kể Truyện” (trang 38-39) cha dựa vào kinh nghiệm lâu đời lão luyện của cha mà viết cho ta biết rằng :

“Ngoài các thiên thần, không có thần lành nào khác nữa, và thần dữ thì chỉ có quỉ mà thôi. Còn linh hồn những người chết, thì hai Công đồng của Giáo hội (Lyon và Florence) đã nói cho chúng ta rằng ngay sau khi chết, họ đi thẳng vào thiên đàng hoặc vào hỏa ngục hay luyện ngục. Như vậy, hồn người chết hiện diện trong buổi lên đồng, hoặc hồn người chết nhập (xác) vào người sống để hành hạ họ thì không là ai khác ngoài ma quỉ. Rất hiếm khi Thiên Chúa cho phép linh hồn (người chết) trở về trần gian…”

Hiểu như thế rồi, dưới đây xin mô tả đại khái một hình thức láo khoét đó của ma quỉ để chúng ta cảnh giác, đó là :

Hiện tượng “nhập xác” !
Một người, nam, nữ, già, trẻ bất kỳ … khi không lại bị một “ai đó” nhập vào trong mình, dùng miệng mình mà nói, tự xưng khi thì là một âm hồn bơ vơ, vất vưởng, [vi] hoặc bị oan ức gì đó, có tên là T…, khi khác tự xưng là thai nhi bị phá thai, có trường hợp dám tự xưng là những nhân vật lớn hay thánh đức: “Đức thánh nọ”, “Bà chúa kia…”  [vii] (chúng tôi không tiện viết rõ ra đây); có lúc còn cả dám xưng mình: là “Cha”, hoặc “Ta là Đức Trinh Nữ Maria”, “Ta là Thánh Phêrô…”, “là Thiên thần Micae…” v.v…; và nói trước tương lai cùng làm những việc kỳ lạ mà chính đương sự không làm chủ được.

Như thế đương sự trở thành nạn nhân của một sự xâm nhập bất hợp pháp, mất tự chủ và tự do, trong mình có hai người đang sống và hoạt động, nhiều khi ngược ý nhau…

Theo đúng bản chất, việc “nhập xác” đây là một hình thức của “quỷ nhập” (possession diabolique), nhưng thuộc loại nhẹ[viii] và rất tinh khôn, chứ không hung dữ đáng sợ như những trường hợp “quỉ nhập” chính thức, ví dụ như “Người quỷ ám xứ Ghêrasa” trong Tin Mừng Máccô, chương 5.

Thực hành cụ thể :
Dù nó mạo nhận là ai đi chăng nữa, thì hễ “nhập xác” bất hợp pháp, [ix]  thì chắc chắn chỉ Satan và bè lũ ma quỉ bộ hạ của nó – vốn là thần linh hắc ám – mới làm. Nếu theo dõi những gì chúng tôi phân tích ở bài này, thì thấy rõ ngay.
Trong trường hợp này, đừng mắc lừa lời nó van xin mà Rửa tội cho nó, nhưng nếu có khả năng, cứ trừ tà là tốt nhất.  [x]
***
Chỉ vì không hiểu rõ những điều trình bày trên đây, nên mới có chuyện Rửa tội cho âm hồn cần phải bàn giải dưới đây.


(*)     Tất cả các chú thích, được dời xuống cuối hết, và đánh số thứ tự 1, 2, 3…..


[i]    Bài này có trích lược vài đoạn từ cuốn “Tìm hiểu đàng sau cái chết”, phóng tác của H.M.Tuấn, Cssr, theo nguyên tác “Peut on communiquer avec les morts?”, của L.m. Reginald Omez, op., Tủ sách “Ecclesia”, số 12, Arthème Fayard – Paris, 1955.

[ii]    -  Còn các thần mà người Việt chúng ta ngày xưa tôn lên như thần mưa, thần gió, thần sấm sét, thần sông Hà Bá, thần núi, thần cây đa, Nam Tào, Bắc đẩu… ? Đó chỉ là chuyện tưởng tượng của những người sống trong thời đại tiền khoa học, thấy các sức mạnh thiên nhiên quá mạnh mẽ, họ tưởng đó là các vị thần, cho nên họ cúng bái để xin cho được các đấng ấy phù hộ sống yên hàn, mưa thuận gió hòa.

-   Lại còn những vị có công với làng nước cũng được tôn lên làm thần như Thần Hoàng làng, Đức thánh Trần, Liễu Hạnh Công Chúa, Bà Chúa nọ, Bà Chúa kia…. Họ đã được vua hay dân chúng mộ mến và biết ơn mà “phong thần” cho họ, song thực chất họ cũng chỉ là người không phải thần linh.

[iii]    Có người vặn lại: Sẽ không có vi phạm nữa, nếu đương sự tự do bằng lòng chấp nhậnđể Chúa hay Đức Mẹ nhập vào mình mà ban lời dạy dỗ !  - Theo thiển nghĩ của chúng tôi, dù trong trường hợp đương sự tự do chấp nhận, Chúa và Đức Mẹ vẫn tôn trọng các qui luật nói trên, không nhập vào họ. Nói cho cùng, tôn trọng các qui luật ấy thì cũng chỉ vì tôn trọng con người. Bản thân mỗi con người là một bản vị (une personne), vậy chỉ có thể có một chủ mà thôi, mang trách nhiệm về tất cả mọi lời nói và hành động của mình, đó là: Cái “Tôi”, “ngã”, (“ego”, “le moi”), nếu Chúa hay Đức Mẹ xâm nhập, thành ra trong người ấy có hai chủ, “hai ngã”, hai “cái tôi”. Không bao giờ Chúa hay Đức Mẹ lại làm như thế.

       Không nên nhầm lẫn việc nhập xác nói đây với việc Chúa ngự trong lòng ta như khách được mời sẽ nói ở chú thích 6 dưới đây.

[iv]   Thành ngữ : “Thiên Chúa phán qua miệng tiên tri X… rằng…”, đôi khi có vẻ dị nghĩa và có thể làm cho người ta hiểu lầm là: Thiên Chúa nhập vào trong mình tiên tri ấy và phán ra qua miệng ông ấy… Nhưng đó là chỉ vì muốn nói vắn gọn, thực ra thì ý nghĩa vẫn như trên: Thiên Chúa không nhập vào thân mình ngôn sứ, song ban lời cho ngôn sứ, ngôn sứ truyền lại cho người ta.

[v]      Satan và bè lũ có thể làm những phép mầu, dấu thiêng điềm lạ! Đoạn thư 2 Thêxalonica 2.9-11sau đây cho biết: “Việc ‘tên vô đạo, đứa hư khốn’ xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất vì đã không đón nhận lòng yêu mến sự thật để được cứu độ…”

[vi]    Những âm hồn vất vưởng này thoạt nghe có vẻ rất giống với “các cô hồn” mà người lương thường nói, theo họ đó là những kẻ chết đi không có người thân cúng giỗ của ăn áo mặc… ở bên thế giới bên kia, hay ở nơi suối vàng, phải làm ma đói lang thang vất vưởng… Đối với người Công giáo chúng ta, qua những gì chúng ta đã học biết ở trên, thì không tin chuyện đó.

Nhưng cũng không nên lầm “các cô hồn” này với kiểu nói của nhiều người Công giáo: “Các linh hồn mồ côi”, một danh từ không biết do ai tạo nên, nghe kỳ cục, song có lẽ muốn nói: “đó là những linh hồn đang ở nơi luyện tội, song không có người thân còn sống trên dương thế cầu nguyện và xin lễ cho để được giải thoát khỏi chốn luyện hình”.

[vii]    Cũng phải ghép chung vào đây những việc lên đồng, hầu đồng, hầu bóng, cầu cơ, chiêu hồn v.v… nói tóm mọi hình thức gọi âm hồn trở về, nhập vào “đồng cốt”, là một người còn sống ở dương gian, mà nói…

8    Theo linh mục Gabriele Amorth, chuyên gia trừ quỉ chính thức

của Giáo phận Rôma, thì Satan hành động theo 2 cách :

1) Cách thông thường là lúc nó cám dỗ người ta làm sự dữ, làm sự tội. Nó cám dỗ tất cả mọi người, từ khi sinh ra cho đến lúc chết.

2) Cách ngoại thường, bao hàm việc khiêu khích một cách thâm hiểm để gây ra những tai ách khốn khổ, và sẽ không chấm dứt cho tới khi đối tượng phải thuộc quyền sở hữu của nó.

Trong cuốn “Nhà trừ quỉ”, linh mục viết :  Loại hành động thứ hai này có thể mang 6 hình thức khác nhau:

1. Quỉ gây ra đau đớn thể lý bên ngoài. Chúng ta biết về điều này từ nhiều cuộc đời của các thánh. Thánh Phaolô Thánh giá, Thánh Gioan Vianey, cha sở họ Ars, cha thánh Padre Pio, và nhiều vị thánh khác đã bị ma quỷ đánh đập. Hình thức hành hạ bề ngoài này không ảnh hưởng đến linh hồn; do đó, với loại này không bao giờ cần đến việc trừ quỷ, chỉ cần cầu nguyện. 

2. Quỷ nhập (Demonic possession). Đây là hình thức trầm trọng và đáng chú ý nhất trong các tai ách do ma quỷ gây nên. Ma quỉ chiếm hữu và làm chủ bản thân đương sự. Điều này xảy ra khi Satan hoàn toàn chiếm trọn thể xác (không chiếm được linh hồn); nó nói và hành động mà nạn nhân không biết hoặc không đồng ý, do đó nạn nhân không mắc lỗi luân lý.

Theo cuốn Nghi Thức trừ quỷ (của Giáo Hội), một số dấu hiệu bộc lộ việc quỷ nhập, như : nói các thứ ngôn ngữ, có sức mạnh ngoại thường, và tiết lộ điều chưa biết… Trong Phúc Âm (Mác cô 5.1-20), người đàn ông ở Ghêrasa là một thí dụ rõ ràng bị quỷ nhập. Tuy vậy, đừng nhất thiết ấn định một "kiểu mẫu cố định” cho hiện tượng quỷ nhập, nó mặc nhiều triệu chứng khác nhau.

3. Quỷ ức chế (Diabolical oppression). Thường là về thể xác: ví dụ nó gây còng lưng (xem Luca 13.10-17). Nhiều triệu chứng từ rất nặng cho đến cơn bệnh nhẹ. Nạn nhân không bị quỉ ám, không mất ý thức, không nói năng lảm nhảm. Thánh Phaolô đã bị một cơn hành hạ của ma quỷ, khiến ngài phải sầu muộn: "Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.." (2 Corintô 12,7). Như vậy, không còn hồ nghi gì về nguồn gốc xấu xa của những cơn khốn khổ ấy.

4. Quỷ ám ảnh (Diabolic obsession). Thường là trên mặt tinh thần: cứ luôn có những hình ảnh hay ý tưởng xấu xa tội lỗi ám ảnh trong tâm trí. Triệu chứng bao gồm những sự lên cơn đột ngột, trong lúc đó tư tưởng bị ám ảnh, đôi khi trí khôn ra đờ đẫn, và dĩ nhiên là nạn nhân không thể tự giải thoát cho mình được. Do đó, người bị quỷ ám ảnh thường xuyên phải sống trong tình trạng quằn quại tuyệt vọng, và cứ có ý muốn tự sát. Hầu như sự quỷ ám ảnh luôn ảnh hưởng đến những giấc mộng.

Một số người sẽ cho đây chỉ là những trường hợp bị bệnh tâm thần, cần có sự giúp đỡ của các bác sỹ tâm thần hay các nhà tâm lý học. Tuy nhiên, có một số triệu chứng tỏ ra khác hẳn với triệu chứng những cơn bệnh tâm thần, cho nên chắc chắn là có nguồn gốc do ma quỷ. Chỉ có người chuyên môn và có cặp mắt tinh tường mới có thể xác định được những khác biệt giữa đôi bên.

5. Quỷ phá phách (Diabolic infestation). Những sự phá phách ảnh hưởng đến nhà cửa, đồ vật, hoặc súc vật.

 6. Quỷ khống chế (Diabolical subjugation, or dependence). Người ta rơi vào hình thức xấu xa đáng sợ này khi họ tự nguyện thần phục Satan. Hai hình thức thông thường nhất của sự lệ thuộc này là uống máu ăn thề với ma quỷ và bán mình cho Satan. (Xem trên kia trang 34 tt, bè thờ Satan)

                Các biện pháp đề phòng :
1) Sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa.

2) Trung kiên trong cầu nguyện, và siêng năng lãnh các Bí tích, và

3) Đừng làm điều gì để mở cửa lòng mình ra cho ma quỷ, nhất là đừng làm việc gì có tính chất huyền bí cả. Không kể những việc mê tín dị đoan như đi xem bói, xem số Tử vi, cầu cạnh thầy bùa thầy ngải v.v…, có ba việc chính thuộc về công việc có tính chất huyền bí là : ma thuật, thông linh (giao tiếp với âm hồn) và thờ Satan. Người nào tự nguyện làm những việc đó là tự đặt mình vào hành động ngoại thường của ma quỷ.

[ix]      Nói “bất hợp pháp” là để đừng lẫn lộn với việc Chúa đến ngự trong linh hồn chúng ta, như lời Thánh Kinh dạy : “Kẻ ăn thịt và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Gioan 6.56); hay là : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và Chúng Ta sẽ đến và đặt chỗ ở nơi mình nó.” (Gioan 14.23); hay là: “Tôi xin Người (Chúa Cha) ban cho anh em … được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, nhờ bởi đức tin…” (Ephêsô 3.16-17); và nhất là câu này: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Galát 2.20), và những câu giống vậy. Thiên Chúa và Đức Kitô đến ngự trong linh hồn ta là như khách được mời, chứ không xâm chiếm hay xâm nhập bất hợp pháp vào trong talàm ông chủ thứ hai dù ta không muốn, ta vẫn là chủ của con người ta. Vì ta tin và yêu mến Chúa, nên ta mời Người đến ngự cách thiêng liêng trong ta, ban ơn và dạy dỗ, che chở và phù hộ. Ngày nào ta không muốn nữa, ta có thể mời Người đi chỗ khác.

[x]     Câu nói “Trừ tà” này hàm chứa hai việc : Một là cầu nguyện giải thoát (prayer of deliverance), nghĩa là một Kitô hữu (riêng cá nhân hay hợp với một nhóm bạn hữu, một cộng đoàn) cầu nguyện xin Chúa thương giải thoát tà ma ám ảnh khuấy khuất cho đương sự. Cách thức này Kitô hữu nào cũng được phép thi hành, Hai là nghi thức trừ quỉ chính thức (exorcism) trong những trường hợp quỉ nhập rõ ràng và công khai (sau khi đã được y khoa chẩn đoán rõ ràng kẻo lầm bệnh tâm thần với quỉ nhập), thì phải dành cho Giám mục và linh mục nào đủ điều kiện được Giám mục chỉ định thi hành việc đó mà thôi. Vì thi hành quyền này thay mặt cho cả Hội thánh, cho nên đòi hỏi các vị đó phải được chuẩn bị rất kỹ.

Phép trừ quỷ là một nghi thức cầu nguyện, vậy giống như trong việc cầu nguyện, người nào có đức tin mạnh hơn thì nó càng hiệu quả hơn. Đức tin là yếu tố quan trọng chủ yếu. Chính vì thế mà chúng ta thường đọc thấy trong đời sống các Thánh là các ngài đã có thể giải thoát cho người ta khỏi bị ma quỷ chiếm hữu, mà các Ngài đâu có phải là những nhà trừ quỷ chuyên nghiệp.

Đối với những ai sợ không dám thi hành việc trừ tà ma, đuổi quỉ, linh mục G.Amorth cảnh báo : Có nhiều người nghĩ :Nếu ta để ma quỷ yên, thì nó để ta yên. Nếu ta chống lại nó, nó sẽ tấn công ta.” Thật là sai lầm. Chúng ta càng chống lại Satan thì nó lại càng phải sợ ta hơn.”

 http://www.thanhlinh.net/node/77158

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét