Gia đình là ơn lớn lao Thiên Chúa ban cho thế giới
Lễ Giáng Sinh gần tới thắp lên một ánh sáng lớn trên mầu nhiệm ơn gia đình. Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong một gia đình tại Nagiarét. Cũng như Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, mọi gia đình có thể tiếp đón Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói chuyện với Người, giữ gìn Người, che chở Người, lớn lên với Người và như thế cải thiện thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17-12-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa được cử hành đã là chặng đầu tiên của một lộ trình sẽ kết thúc vào tháng 10 năm tới với một Hội nghị về đề tài “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới”. Lời cầu nguyện và suy tư phải đồng hành với lộ trình này liên quan tới toàn Dân Chúa. Tôi cũng muốn rằng các suy tư thường lệ của các buổi tiếp kiến ngày thứ tư được lồng vào trong lộ trình chung này. Vì thế tôi đã quyết định cùng anh chị em trong năm này suy tư về gia đình, về ơn lớn lao mà Chúa đã ban cho thế giới ngay từ đầu, khi trao phó cho Ađam và Evà sứ mệnh sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy trái đất (St 1,28). Ơn đó Chúa Giêsu đã minh xác và đóng ấn trong Tin Mừng của Người. Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:
Lễ Giáng Sinh đến gần thắp lên một ánh sáng lớn trên mầu nhiệm này. Sự nhập thể của Con Thiên Chúa mở ra một khởi đầu mới trong lịch sử đại đồng của người nam và người nữ. Và khởi đầu mới này xảy ra trong một gia đình tại Nagiarét. Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình. Ngài đã có thể đến một cách đặc biệt như một chiến sĩ, một hoàng đế… Nhưng không, Ngài đến như con của một gia đình, trong một gia đình. Đây là điều quan trọng. Hãy nhìn vào hang đá, cảnh này đẹp biết bao!
Thiên Chúa đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thành lập. Người đã thành lập nó trong một làng quê hẻo lánh vùng ngoại biên của đế quốc Roma. Không phải tại Roma, là thủ đô của Đế quốc. không phải trong một thành phố lớn, nhưng trong một vùng ngoại biên, hầu như vô hình, hơn thế nũa còn mang tiếng xấu. Các Phúc Âm cũng nhắc tới điều này, như thể là một kiểu để nói rằng: “Đời nào từ Nagiarét lại có thể phát xuất điều gì tốt lành sao?” (Ga 1,46). Có lẽ trong nhiều phần đất trên thế giới chúng ta cũng còn nói như vậy, khi nghe tên của vùng ngoại ô nào đó của một thành phố lớn. Thế nhưng chính từ đó, từ vùng ngoại biên của Đế quốc vĩ đại, đã khởi đầu lịch sử thánh thiện và tốt lành nhất: lịch sử của Chúa Giêsu giữa loài người! Và ở đó có gia đình Nagiarét.
Chúa Giêsu đã sống trong vùng ngoại biên ấy 30 năm. Thánh sử Luca tóm tắt giai đoạn này như sau: Chúa Giêsu “vâng phục các Ngài” nghĩa là Mẹ Maria và Cha thánh Giuse. Có người có thể hỏi: Vị Thiên Chúa này đến cứu chúng ta mà đã mất đi 30 năm ở dó, trong vùng ngoại biên mang tiếng xấu sao? Người đã mất 30 năm. Và Người đã muốn điều này. Con đường của Chúa Giêsu là trong gia đình ấy.
Và Mẹ giữ gìn mọi sự ấy trong tim, và Chúa Giêsu đã “lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,51-52). Người ta không nói tới các phép lạ hay các chữa lành - Người đã không làm phép lạ nào – người ta không nói tới các giảng dậy và đám đông chạy tới với Người. Tại Nagiarét mọi sự được xem như xảy ra “một cách bình thường” theo các thói quen của một gia đình Do thái đạo hạnh và cần mẫn: làm việc, người mẹ nấu nướng, làm mọi việc nhà, ủi áo, mọi việc mà một bà mẹ làm. Người cha thợ mộc làm việc, dậy con làm việc. Ba mươi năm: chao ơi, uổng phí qúa! Nhưng chúng ta đâu có biết. Các con đưòng của Thiên Chúa nhiệm mầu. Nhưng điều quan trọng ở đó là gia đình! Và đó đã không phải là uổng phí nhé. Các vị đã là các đại thánh: Đức Maria là ngưòi phụ nữ thánh thiện nhất, vô nhiễm nhất, và thánh Giuse là người công chính nhất…gia đình.
Chắc chắn chúng ta sẽ cảm động vì câu chuyện kể lại Chúa Giêsu thiếu niên đương đầu với các buổi hội họp của cộng đoàn tôn giáo và các bổn phận của cuộc sống xã hội; khi biết Người đã làm việc như thế nào với thánh Giuse như là người thợ trẻ; và rồi kiểu Người tham dự việc lắng nghe Thánh Kinh, cầu nguyện với các Thánh vịnh và tham dự biết bao sinh hoạt quen thuộc khác của cuộc sống thường ngày. Các Phúc Âm, trong sự giản dị, đã không kể lại gì về tuổi thanh niên của Chúa Giêsu và để nhiệm vụ đó cho việc suy niệm yêu mến của chúng ta. Chắc chắn không khó tưởng tượng cảnh các bà mẹ có thể học hỏi nơi các quan tâm của Mẹ Maria đối với Người Con ấy! Và các người cha có thể rút tỉa ra từ gương của thánh Giuse, người công chính tận hiến đời mình để nâng đỡ và bảo vệ con trẻ và vợ, bảo vệ gia đình mình trong những giai đoạn khó khăn! Để không nói rằng các người trẻ có thể được khích lệ bởi Chúa Giêsu thanh niên hiểu sự cần thiết và vẻ đẹp của việc vun trồng ơn gọi sâu xa hơn của mình, và mộng ước lớn lao!
Và Chúa Giêsu đã vun trồng trong 30 năm đó ơn gọi của Người mà vì nó Thiên Chúa Cha đã gửi Người xuống thế, đúng không? Thiên Chúa của Cha. Chúa Giêsu đã không bao giờ chán nản trong thời gian ấy, nhưng đã can đảm lớn lên để tiến tới với sứ mệnh của mình.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ như sau:
Mỗi gia đình kitô – như Mẹ Maria và Cha thánh Giuse đã làm – có thể trước hết tiếp đón Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói chuyện với Người, gìn giữ Người, che chở Người, lớn lên với Người, và như thế cải tiến thế giới. Chúng ta hãy dành chỗ trong trái tim và ngày sống cho Chúa. Mẹ Maria và Cha thánh Giuse cũng đã làm như thế, và điều này không dễ: các ngài đã phải vượt thắng biết bao nhiêu khó khăn! Đó đã không phải là một gia đình gỉa tạo, đó đã không phải là một gia đình không thật. Thánh gia Nagiarét khiến cho chúng ta dấn thân tái khám phá ra ơn gọi và sứ mệnh của gia đình, của mỗi gia đình. Và cũng như đã xảy ra tại Nagiarét, có thể xảy ra cho chúng ta: khiến cho tình yêu trở thành bình thường chứ không phải hận thù, làm cho sự trợ giúp nhau trở thành điều chung, chứ không phải sự thờ ơ hay thù nghịch. Như vậy không phải tình cờ mà Nagiarét có nghiã là “Người canh giữ”, như Phúc Âm nói Đức Maria “giữ gìn mọi điều ấy trong tim mình” (Lc 2,19.51) Kể từ đó, mỗi khi có một gia đình giữ gìn mầu nhiệm này, cả khi có ở ngoại biên của thế giới đi nữa, thì mầu nhiệm của Chúa Giêsu đến cứu chúng ta hoạt động. Và Người đến để cứu rỗi thế giới. Và sứ mệnh lớn của gia đình là ở đó: dành chỗ cho Chúa Giêsu đến, tiếp nhận Chúa Giêsu trong gia đình, nơi con cái, chồng vợ, ông bà, Chúa Giêsu ở đó. Tiếp đón Người ở đó để Người lớn lên trong gia đình, trong tinh thần. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn này trong các ngày cuối cùng trước lễ Giáng Sinh.
Đức Thánh Cha đã chào các doàn hành hương đến từ Bắc Mỹ và các nước Âu châu, cũng như từ Mêhicô, Argentina, Brasil và các nước châu Mỹ Latinh khác. Ngài chúc mọi người một lễ Giáng Sinh tươi vui và năm mới 2015 an lành hạnh phúc.
Chào các tín hữu vùng Trung Đông ngài nói: trong lễ Giáng Sinh Thiên Chúa hạ mình xuống trần gian, trở thành bé nhỏ và nghèo nàn. Ngài mời gọi chúng ta nên giống Ngài. Xin Đức Trinh Nữ Marria Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta giúp chúng ta nhận ra gương mặt của Thiên Chúa làm người nơi gương mặt của tha nhân, cách riêng nơi những ngưòi yếu đuối nhất và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội.
Với các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha cầu chúc họ một lễ Giáng Sinh thánh đức và một Năm mới nhiều tươi vui, an lành. Ngài xin Đấng Emmanuel, Hoàng Tử Hòa Bình, chiếu giãi ánh sáng hy vọng và tình yêu của Ngài trên từng người và gia đình họ.
Với các nhóm tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các sinh viên Đại học giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ, cộng đoàn Đạo binh Chúa Kitô với các tân linh mục, các cặp vợ chồng nhảy Tango quy tụ về Roma biểu diễn chúc mừng sinh nhật thứ 78 của Đức Thánh Cha. Ngài khích lệ mọi người dấn thân sống những ngày này trong lời cầu nguyện và làm các việc lành để biến cố Chúa giáng sinh làm cho con tim được tràn ngập niềm vui mà Ngài muốn ban cho mọi người.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn Đức Thánh Cha khích lệ người trẻ tiếp nhận mầu nhiệm Bếtlêhem với cùng niềm tin Mẹ Maria đã tiếp nhận lời truyền tin của thiên thần Gabriel. Ngài khuyên các bệnh nhân kín múc nơi Mẹ niềm vui và sự bình an mà Chúa Giêsu đem đến cho thế giới. Sau cùng ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn hãy biết noi gương Mẹ qua việc cầu nguyện và sống các nhân đức.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Tác giả: Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét