Trang

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

NHỮNG MÂU THUẪN TRONG KINH THÁNH?

NHỮNG MÂU THUẪN TRONG KINH THÁNH?


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên dịch

Sau khi đập vỡ các Bia Lề Luật, có phải chính ông Môisen đã viết Mười Điều Răn trên những bia đá mới? Trong sách Xuất Hành thì ghi là chính ông Môisen (Xh 34, 28: “Ông ở đó với Đức Chúa bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều”) trong khi ở sách Đệ Nhị Luật thì là chính Giavê (Đnl 10, 4: “Người đã viết trên các bia điều đã viết lần trước, là mười lời Đức Chúa đã phán với anh em trên núi, từ trong đám lửa, trong ngày đại hội. Rồi Đức Chúa ban những bia đó cho tôi”). Như vậy, Kinh Thánh có mâu thuẫn không?
Trong Kinh Thánh có những chi tiết mâu thuẫn với nhau và đó là chuyện bình thường. Đừng quên rằng những sách khác nhau trong Kinh Thánh không do một tác giả soạn thảo một mạch từ đầu chí cuối mà phải trải qua gần 1.000 năm do hàng chục tác giả khác nhau thu thập từ những chất liệu rải rác trong vòng nhiều thế kỷ. Một vài cuốn hay một vài đoạn đã được soạn thảo hay tu chỉnh nhiều lần, biên tập lại hay sửa chữa.
Kinh Thánh không phải là một cuốn sách mà là một thư viện, một bộ sưu tập những cuốn sách. Trong đó có sự thống nhất nào đấy cũng như có sự liên kết với nhau trong những cuốn sách lớn. Tuy nhiên, như bất kỳ một thư viện nào, nội dung của tất cả các sách trong đó không ăn khớp với nhau hoàn toàn. Nếu không có mâu thuẫn thì là điều khó chấp nhận!
Có rất nhiều câu thuẫn và rời rạc trong Kinh Thánh. Một số rất phổ biến như trường hợp cái chết của Giuđa : ông ấy chết như thế nào ? Theo Tin Mừng Thánh Matthêu thì Giuđa treo cổ tự vẫn (Mt 27, 5 : «Giuđa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ»), còn theo sách Tông Đồ Công Vụ thì ông bị ngã xuống đất, ruột gan lòi ra (Cv 1, 17-18) : «Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra».  Một ví dụ khác : Thiên Chúa đã truyền cho ông  Nôê đem vào thuyền bao nhiêu cặp thú vật ? Mỗi loài chỉ một cặp (Stk 6, 19 : «Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi; phải có một con đực và một con cái”) hay bảy cặp cho các loài thanh sạch (Stk 7, 2 : «Trong mọi loài vật thanh sạch, ngươi sẽ lấy bảy đôi, con đực và con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, thì một đôi, con đực và con cái”? Hoặc trường hợp này: khi ra khỏi Ai Cập, người Israel được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ với sự đồng ý của Pharaon (Xh 13, 17: “Khi Pharaon thả cho dân đi, Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Philitinh, dù đường đó gần hơn, vì Thiên Chúa nói: "Khi thấy phải chiến đấu, dân có thể hối hận mà quay về Ai Cập”) hay họ trốn thoát (Xh 14, 5): “Có tin báo cho vua Ai Cập là dân đã chạy trốn rồi”. Và ai là cha của Thánh Giuse? Mt 1, 16 thì nói đó là Giacóp: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” còn Lc 3, 23 thì nói là Êli: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse. Giuse là con Êli
Một vài kiểu đọc Kinh Thánh nào đó có khuynh hướng khước từ mọi mâu thuẫn. Theo quan điểm này, vì Kinh Thánh là Lời Chúa nên phải hoàn toàn khớp với nhau đến từng chi tiết, không chỉ trên bình diện tôn giáo và thiêng liêng, nhưng còn ở bình diện thực tế nữa.  Như vậy, theo họ, những mâu thuẫn và rời rạc có liên hệ với nhau. Ví dụ, tại sao Giuđa chết vì treo cổ và té ngã lòi ruột ? Đơn giản thôi: sợi dây treo cổ bị đứt và ông ấy rớt xuống lòi ruột! Đây là phương pháp mà người ta gọi là «phương pháp hài hòa», chủ yếu là bằng mọi giá phải làm sao cho ăn khớp tất cả mọi những đoạn văn chỏi nhau, và như thế không cần biết đến lịch sử lưu truyền của bản văn Kinh Thánh.
Những mâu thuẫn trong Kinh Thánh thật ra là do nhiều yếu tố khác nhau can thiệp vào tiến trình hình thành bản văn Kinh Thánh để cuối cùng có được bản văn mà chúng ta đọc hiện nay. Trước hết, phần lớn các tường thuật trong Kinh Thánh đã được lưu truyền bằng miệng (truyền khẩu) trước khi được ghi chép lại bằng văn bản, do đó nên có nhiều mâu thuẫn. Nhiều nhóm (cộng đoàn) khác nhau đã lưu truyền bằng miệng cùng một trình thuật với nhiều thêm thắt thay đổi, cho nên khi những truyền thống độc lập này được sưu tập lại thì có sự không trùng khớp. Chính vì thế mà theo sách Samuel cuốn thứ nhất, chính vị vua Đavít tương lai đã chạm trán và giết chết gã khổng lồ Goliát bằng chiếc ná (1 Sm 17, 23-50), trong khi đó sách Samuel cuốn thứ hai ghi lại rằng người giết gã khổng lồ Goliát không phải là Đavít mà là ông Elhanan nào đó, và không phải bằng chiếc ná nhưng bằng ngọn giáo (2 Sm 21, 19). Hoặc là tại sao phải thuật lại một bản gia phả dài lê thê của Chúa Giêsu mãi cho đến tận Thánh Giuse (Mt 1,1-16), trong khi chỉ cách đó hai câu người ta nói rằng Thánh Giuse không phải là người cha thật sự của Chúa Giêsu (c. 18)? Có lẽ hai truyền thống về cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu đã được lưu truyền độc lập với nhau: một truyền thống cho rằng Chúa Giêsu là người con cứu thế của Đavít (nghĩa là thuộc dòng dõi Đavít) trong khi một truyền thống khác cho rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được một trinh nữ sinh ra. Mâu thuẫn chỉ xuất hiện khi kết hợp hai truyền thống này lại.
Một vài mâu thuẫn có thể phát sinh do tiến trình tiến hóa của thần học cùng với thời gian. Đây là trường hợp của hai trình thuật về sáng tạo trong sách Sáng Thế Ký. Trong trình thuật ở chương 1, Thiên Chúa sáng tạo các thú vật trước hết rồi mới đến con người; người nam và người nữ được sáng tạo cùng lúc (Stk 1, 25-27). Trình thuật ở chương 2 theo một quan niệm cổ xưa hơn : Thiên Chúa sáng tạo người nam đầu tiên, rồi đến thú vật và cuối cùng là đàn bà (Stk 2, 18-19).
Một ví dụ khác: trong Tin Mừng cổ xưa nhất của Thánh Marcô, Chúa Giêsu không vác thập giá mà một ông Simon thành Cyrênê nào đó vác thay (Mc 15, 21). Nhưng trong Tin Mừng Thánh Gioan được soạn thảo khoảng 30 năm sau đó, Simon thành Cyrênê đã biến mất, bởi vì theo lẽ thường tình thì Chúa Giêsu, Ngôi Lời đã thành xác phàm, chính Ngài phải vác lấy thập giá của mình (Ga 19, 17).
Trọn bộ Kinh Thánh có 31,173 câu và người ta tính ra có đến 143 câu mâu thuẫn với nhau. Nếu cứ lấy một câu bất kỳ và đem so sánh với một câu khác thì khả thể có những 971,750,000 cặp câu mâu thuẫn trong Kinh Thánh!
Vậy thì có một vài nguyên tắc quan trọng cần phải nhớ khi đọc Kinh Thánh:
- Trước hết, nên nhớ rằng Kinh Thánh là bộ sự tập nhiều cuốn sách của nhiều tác giả khác nhau. Mỗi tác giả có một mục đích và điểm nhấn khác nhau. Người thì chú trọng đến sự xét đoán của Thiên Chúa trên sự dữ trong khi người khác nhấn mạnh đến hồng ân của Thiên Chúa. Sách 1 và 2 Các Vua, sách 1 và 2 Sử biên niên được đặt song song và thuật lại cùng một ông vua nhưng các chi tiết lại khác nhau. Như thế chúng ta có thể kết luận rằng hai tác giả mâu thuẫn có với nhau không? Hẳn nhiên là không, bởi vì mỗi tác giả có những điểm nhấn mạnh riêng. Trật tự các sự kiện trong Tin Mừng Luca nhiều khi chỏi với Tin Mừng Matthêu, tuy nhiên nên nhớ là Thánh Matthêu thường xếp đặt các hành động và giáo huấn của Chúa Giêsu theo chủ đề chứ không theo thứ tự thời gian
- Thứ đến, các tác giả Kinh Thánh sử dụng cùng một từ hay một câu nhưng trong những ngữ cảnh khác nhau. Một ví dụ được rút ra từ Thánh Phaolô và Giacôbê. Thánh Phaolô nói trong Rm 3, 28: “người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy”, còn Thánh Giacôbê trong Gc 2, 24: “nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi”. Dường như có mâu thuẫn ở đây. Tuy nhiên, Phaolô và Giacôbê nói với hai đám thính giả khác nhau và hai bối cảnh khác nhau và họ dùng hai cách khác nhau để  nói về sự công chính và việc làm. Từ ngữ thường có một băng tần rất rộng về ý nghĩa.
-  Thứ ba, nên nhớ rằng Kinh Thánh được viết bằng các ngôn ngữ cổ như Hebreu, Aram và Hy Lạp là những thứ tiếng không có dấu chấm câu! Khi dịch sang các ngôn ngữ khác, chỉ cần thêm vào hay đặt dấu chấm câu sai chỗ thì ý nghĩa sẽ khác đi.
- Cuối cùng, cần phải có một kiến thức khá về lịch sử, văn hóa, địa lý và ngôn ngữ để hiểu hết những gì mà chúng ta cho là mâu thuẫn trong Kinh Thánh. Cần phải có lời giải thích của các nhà chuyên môn.
Tóm lại, khi đọc Kinh Thánh, nếu bắt gặp những yếu tố không trùng khớp với nhau thì đơn giản chỉ cần nhớ rằng Kinh Thánh là kết quả của một lịch sử lâu dài và phong phú của con người, và vì thế đương nhiên sẽ có những mâu thuẫn và những chi tiết rời rạc.
Nguồn: http://www.simonhoadalat.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét