Những câu chuyện mùa Giáng Sinh: câu chuyện có ý nghĩa nhất.
Leo Tolstoy, tức là bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy (09 tháng 9 - 1828 - 20 tháng 11 - 1910), là một văn hào vĩ đại nhất của Nga. Ngoài hai bộ trường thiên tiểu thuyết nổi tiếng là 'Chiến Tranh và Hoà Bình' và 'Anna Karenina', ông còn viết nhiều chuyện ngắn, tiểu luận, kịch bản, và phê bình phương pháp giáo khoa. Ông là người có uy tín nhất của giòng tộc Tolstoy.
"Giáng sinh đặc biệt của Lão Panov" (Papa Panov's Special Christmas) là một chuyện ngắn do ông phóng tác lại vở thoại kịch có tựa đề là 'Le père Martin' ra văn xuôi. 'Le père Martin' do văn sĩ người Pháp tên là Ruben Saillens sáng tác, ông cũng là một mục sư Tin Lành nổi tiếng và có tước hiệu là bá tước de Noël de Ruben Saillens(24 Tháng 6 - 1855 – 5 Tháng 1 - 1942). Chủ đề là lời Chuá trong đoạn Kinh Thánh (Matthew 25:35-40) "Ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho ta uống".
Lấy cảm hứng từ hai tác giả trên, ngày nay đã có 'hẳng hà xa số' các mô phỏng cuả câu chuyên trên, bằng thơ, bằng văn, bằng video và nhất là bằng hàng ngàn những vở kịch mà các em nhỏ học sinh thường trình diễn trong muà Giáng Sinh.
Chúng ta sẽ đọc cả hai tác giả, chuyện được biết nhiều hơn là 'Giáng sinh đặc biệt của Lão Panov cuả Leo Tolstoy' và vở kịch nguyên thủy là 'Lão Martin cuả Ruben Saillens'
"Giáng sinh đặc biệt của Lão Panov" (Papa Panov's Special Christmas) là một chuyện ngắn do ông phóng tác lại vở thoại kịch có tựa đề là 'Le père Martin' ra văn xuôi. 'Le père Martin' do văn sĩ người Pháp tên là Ruben Saillens sáng tác, ông cũng là một mục sư Tin Lành nổi tiếng và có tước hiệu là bá tước de Noël de Ruben Saillens(24 Tháng 6 - 1855 – 5 Tháng 1 - 1942). Chủ đề là lời Chuá trong đoạn Kinh Thánh (Matthew 25:35-40) "Ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho ta uống".
Lấy cảm hứng từ hai tác giả trên, ngày nay đã có 'hẳng hà xa số' các mô phỏng cuả câu chuyên trên, bằng thơ, bằng văn, bằng video và nhất là bằng hàng ngàn những vở kịch mà các em nhỏ học sinh thường trình diễn trong muà Giáng Sinh.
Chúng ta sẽ đọc cả hai tác giả, chuyện được biết nhiều hơn là 'Giáng sinh đặc biệt của Lão Panov cuả Leo Tolstoy' và vở kịch nguyên thủy là 'Lão Martin cuả Ruben Saillens'
Giáng sinh đặc biệt của Lão Panov - Leo Tolstoy
Hôm đó là ngày vọng (trước) Giáng sinh, Mặc dù chỉ mới có xế chiều mà đèn đã được thắp lên khắp cả, từ nhà ở cho đến các cửa tiệm trong ngôi làng nhỏ của nước Nga này, bởi vì những ngày mùa đông thì ngắn ngủi và rất chóng tàn. Những đứa bé vốn lúc nào cũng hớn hở đã chạy nhẩy lon ton ở bên trong và bây giờ, thoát ra từ những khung cửa chớp khép kín, là những âm thanh giống như bị bóp nghẹt cuả những cuộc trò chuyện và những tiếng cười đuà.
Lão Panov, ông thợ giày cuả làng, bước ra bên ngoài để có một cái nhìn rảo khắp. Những âm thanh của hạnh phúc, những ánh đèn rực rỡ và mùi vị thoang thoảng cuả những món ăn ngon muà Giáng sinh làm cho ông nhớ tới những muà Giáng sinh đã qua khi người vợ cuả ông vẫn còn sống và những đứa con vẫn còn bé bỏng. Bây giờ thì mọi người đã đi xa rồi. Khuôn mặt tươi vui tự nhiên của ông, thường đi đôi với một cặp mắt xe lại vì nếp cười, ẩn nấp sau cặp kính tròn, bây giờ trông buồn rời tợi. Tuy nhiên, ông đã bước vào trong nhà một cách dứt khoát, kéo cửa chớp xuống và đặt bình cà phê lên bếp than. Sau đó, với một tiếng thở dài, ông ngả người lên chiếc ghế bành lớn.
Lão Panov thường không đọc sách, nhưng tối nay, ông với lấy cuốn sách Kinh Thánh cũ cuả gia đình, và từ từ dùng ngón tay trỏ lân lê theo dòng chữ, ông đọc lại câu chuyện Giáng sinh. Ông đọc tới đoạn Bà Maria và Ông Giuse, mệt mỏi sau cuộc hành trình đi Belem, không tìm được một chỗ nào tại nhà trọ, phải sinh đứa con nhỏ trong một chuồng bò.
"Trời đất ơi, Trời đất ơi!" Lão Panov kêu lên, "nếu mà họ đến đây! Tôi sẽ nhường chiếc giường của tôi cho họ và tôi bảo đảm sẽ lấy tấm chăn bông của tôi để bao bọc cho đưá bé."
Khi ông đọc tiếp tới đoạn các nhà đạo sĩ đến thăm em bé Giêsu, tặng cho em nhiều món quà tuyệt vời. Thì sắc mặt cuả Lão Panov xụ xuống. "Tôi chẳng có món quà nào cho em cả," ông buồn bã nghĩ thế.
Rồi gương mặt cuả ông lại tươi lên. Ông bỏ cuốn Kinh Thánh xuống, đứng dậy và vươn cánh tay dài lên một ngăn tủ ở trên cao trong căn phòng nhỏ. Ông lấy xuống một chiếc hộp nhỏ đã phủ đầy bụi và mở ra. Bên trong là một cặp giày nhỏ bằng da hoàn hảo. Lão Panov mỉm cười hài lòng. Vâng, đôi giầy vẫn còn tốt như trước - đôi giày tốt nhất mà ông từng làm ra. "Tôi phải cho em đôi giầy này" ông định bụng như thế, rồi nhẹ nhàng cất chúng đi và ngồi xuống một lần nữa.
Ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, và càng đọc thì càng buồn ngủ hơn. Những giòng chữ bắt đầu nhảy múa trước mắt cho đến khi ông phải nhắm mắt lại, để nghỉ thêm một phút. Nhưng chẳng bao lâu thì Lão Panov ngủ vùi.
Trong giấc ngủ, ông thấy một giấc mơ. Ông nằm mơ một người nào đó đang ở trong phòng của mình và ông nhận biết, giống như mọi người đều nhận biết khi ở trong những giấc mơ cuả họ, ông nhận ra ngay người đó là ai. Là Chúa Giêsu.
"Panov, nếu con muốn gặp Ta," Chuá nói một cách dịu dàng "thì hãy tìm Ta vào ngày mai. Đúng ngày Giáng Sinh Ta sẽ đến thăm con. Nhưng hãy chú ý cẩn thận, Ta sẽ không tỏ cho con biết rõ Ta là ai."
Cuối cùng thì Lão Panov tỉnh dậy, khi chuông nhà thờ reo vang và một luồng sáng mỏng manh luồn lọc qua khung cửa chớp. "Chao ôi, vui quá là vui!" Lão Panov reo lên. "Đây là ngày Giáng sinh rồi!"
Ông đứng dậy và duỗi mình cho qua cơn nhức mỏi. Rồi thì khuôn mặt cuả ông rực lên một niềm vui hạnh phúc vì hồi tưởng lại giấc mơ vừa qua. Đây sẽ là một ngày Giáng sinh đặc biệt hơn tất cả, vì Chúa Giêsu đến thăm ông. Ngài sẽ trông giống như thế nào nhỉ? sẽ còn là một em bé như lúc Giáng sinh đầu tiên? Hay sẽ là một người trưởng thành, một anh thợ mộc - hay là một vị vua huy hoàng, xứng đáng với danh phận là Con Đức Chúa Trời? Ông tự nghĩ phải cẩn thận canh chừng từng giây phút cuả ngày để có thể nhận ra Ngài khi Ngài ngự đến.
Lão Panov pha một bình cà phê đặc biệt cho bữa ăn sáng Giáng Sinh, kéo cửa chớp cuả cửa sổ lên và nhìn ra ngoài. Đường phố còn vắng tanh, không ai cả. Không ai ngoại trừ ông quét đường. Ông ta có vẻ khổ sở và bẩn thỉu hơn bao giờ hết, và cũng là đáng kiếp! Ai mà đi làm việc vào ngày Giáng sinh bao giờ- và lại làm việc trong cái lạnh cay đắng cuả lớp sương muối trong một buổi sáng như thế này?
Lão Panov mở cửa ra, một làn khí lạnh mỏng luà vào . "Vào đây!" ông hô to qua phiá bên kia đường bằng một giọng vui vẻ. "Vào đây uống một chút cà phê cho ấm bụng!"
Ông quét đường nhìn lên, gần như không tin vào tai mình. Rõ ràng ông ta đã quá sức vui mừng khi được đặt cây chổi xuống và đi vào căn phòng ấm áp. Quần áo của ông bay phất phới nhẹ nhàng trong cái hơi nóng từ bếp lò thoát ra và ông siết chặt cả hai bàn tay đỏ như gấc vì lạnh vào cái ly ấm áp và đầy an ủi.
Lão Panov hài lòng nhìn ông ta , nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt qua khung cửa sổ. Ông không muốn bỏ lỡ người khách đặc biệt của mình.
"Ông đợi ai đó?" ông quét đường sau cùng phải hỏi như thế và Lão Panov kể cho ông ta về giấc mơ của mình.
"Vâng, tôi hy vọng ông ta tới," ông quét đường nói, "ông vừa tặng cho tôi một chút niềm vui Giáng sinh mà tôi đã không bao giờ mong đợi. Tôi cũng muốn nói rằng ông xứng đáng có được một giấc mơ trở thành sự thật." Và ông ta đã mỉm cười một cách thực lòng.
Khi ông ta đi rồi, Lão Panov cắt nhỏ bắp cải đưa vào nồi súp để dọn bữa ăn, sau đó đi ra cửa nữa, quét mắt nhìn quanh đường phố. Ông vẫn không thấy ai. Nhưng thực sự ông đã nhầm. Có người đang đi đến.
Cô gái bước đi rất chậm chạp và lặng lẽ, dựa sát vào bờ tường cuả các cửa hàng và nhà ở, phải mất một thời gian dài trước khi ông nhận ra cô nàng. Cô ta trông thật mệt mỏi và đang mang một cái gì đó. Khi cô gái tiến gần ông hơn, ông nhận ra rằng 'cái gì đó' là một đứa bé, bọc trong một chiếc khăn choàng mỏng. Có một nỗi buồn u uẩn phảng phất trong khuôn mặt của cô gái và trong khuôn mặt bị ép chặt của đứa bé, đến nỗi trái tim của Lão Panov muốn rơi ra vì họ.
"Xin mời vào nhà," ông bước ra ngoài để gặp họ. "Cô và em bé cần có chút lửa ấm và chút nghỉ ngơi."
Bà mẹ trẻ để cho ông ta dẫn cô vào nhà và tới với sự thoải mái của chiếc ghế bành. Cô thở dài nhẹ nhõm.
"Tôi sẽ hâm nóng một chút sữa cho em bé," Lão Panov nói, "Tôi cũng đã có con - tôi có thể cho con bé bú." Ông lấy sữa từ bếp lò và cẩn thận cho đứa con gái nhỏ bú bằng muỗng, đồng thời hơ ấm đôi bàn chân nhỏ của nó lên bếp.
"Con bé cần có giày", ông thợ đóng giày noí.
Nhưng bà mẹ trẻ trả lời: "Tôi không có tiền mua giày đâu, tôi không có chồng để lo chu cấp cho chúng tôi. Tôi phải đi đến làng bên cạnh để tìm việc làm."
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong trí của Lão Panov. Ông nhớ lại đôi giày nhỏ ông đã coi lại đêm qua. Nhưng ông muốn giữ đôi giầy ấy cho Chúa Giêsu. Ông nhìn xuống đôi chân lạnh cuả đưa bé một lần nữa và rồi làm một quyết tâm.
"Thử đôi giầy này cho con bé," ông vừa nói vừa đưa trả đứa bé cùng với đôi giày cho người mẹ. Đôi giày nhỏ xinh đẹp đi vào vừa vặn. Cô gái mỉm cười hạnh phúc và con bé cũng riú rít lên vì vui sướng.
"Ông tốt với chúng tôi quá", cô gái nói, và bế đứa bé lên mà đi ra. "Mong rằng tất cả những ước mơ Giáng sinh của ông trở thành sự thật!"
Nhưng đến lúc này thì Lão Panov đã bắt đầu nghi ngờ cái ước mơ Giáng sinh đặc biệt của mình có thể trở thành sự thật không. Có lẽ ông đã bỏ lỡ người khách của mình? Ông lo lắng nhìn lên các đường phố cả trên lẫn dưới. Vẫn có nhiều người đi qua nhưng toàn là những gương mặt mà ông từng quen biết. Có nhiều người hàng xóm đi gọi người nhà về. Họ gật đầu chào và mỉm cười chúc ông Giáng sinh vui vẻ! Hoặc nhửng tên hành khất - và Lão Panov vội vã gọi họ vào nhà để biếu họ một tô súp nóng và một ổ bánh mì kha khá, rồi cũng vội vã chạy ra cửa để đề phòng ông không bỏ lỡ Ngừơi Lạ Mặt Quan Trọng.
Rồi thì chẳng mấy chốc mà cảnh hoàng hôn cuả mùa đông lại rơi xuống. Khi Lão Panov đi ra cửa một lần nữa và dù có căng đôi mắt của mình ra đến mấy, ông cũng không còn nhìn thấy một ai trên đường. Mọi người đều đã về nhà. Ông chậm rãi đi vào phòng, đóng cửa chớp xuống, và ngồi xuống một cách mệt mỏi trên chiếc ghế bành.
Chỉ là một giấc mơ thôi. Chúa Giêsu nào có đến.
Nhưng bỗng nhiên ông cảm thấy ông không ở một mình trong phòng.
Điều xảy ra không phải là một giấc mơ vì ông hoàn toàn tỉnh táo. Đầu tiên, ông thấy trước mắt một hàng dài những người đã đến với ông ngày hôm đó. Ông già quét đường, người mẹ trẻ và đứa con và những người hành khất mà ông đã cho ăn.
Khi họ đi qua, họ đều thì thầm một câu: "Ông không thấy tôi à, Ông Panov?"
"Bạn là ai?" ông kêu lên, hoang mang.
Lập tức, một giọng nói khác trả lời ông. Đó là giọng nói từ giấc mơ - giọng của Chúa Giêsu.
"Ta đã đói, ngươi đã cho ăn," Chuá nói. "Ta trần chuồng và ngươi đã cho mặc. Ta lạnh và ngươi sưởi ấm cho Ta. Hôm nay Ta đến thăm ngươi qua tất cả những người mà ngươi đã mời vào mà cứu giúp."
Rồi sau đó, là một sự tĩnh mịch. Chỉ còn tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ lớn. Một sự bình an và hạnh phúc lớn lao lấp đầy căn phòng nhỏ, tràn ngập trái tim cuả Lão Panov đến nỗi Lão phải phá lên cười, hát vang và nhảy múa hân hoan.
"Ngài đến thật rồi!" ông chỉ nói được như thế mà thôi.
---------------------
Lão Martin (Le Père Martin) cuả Ruben Saillens
Màn 1: Người kể chuyện / Arthur / René
Người kể chuyện: Câu chuyện sau đây là chuyện của Lão Martin. Xảy ra vào tháng Mười Hai năm 1881. Lão Martin là một ông thợ đóng giày nghèo, ông sống trên tầng trệt của một tòa nhà ở góc đường Lenche và Martégales, ngay giữa khu phố cổ của Marseille. Chỉ có một căn phòng mà dùng cho đủ thứ như xưởng thợ, nhà khách, cửa hàng, nhà bếp và phòng ngủ. Ông ta sống ở đó, không quá giàu và cũng không quá nghèo. Ngồi trên chiếc ghế trong căn xưởng ấm áp của mình, ông từng sửa giày cho toàn bộ khu phố. Bên ngoài, gió bấc thổi lên và luồng gió ấy phủ một làn sương lạnh lên vai những người khách bộ hành đi trên đường.
Arthur: Chào René, ngày hôm nay lạnh quá nhỉ, không biết sẽ ra sao đây.
René: Vâng, bình thường thôi, đã là tháng 12 mà.
Arthur: Ừ nhỉ.
René: Này nhé, anh có thấy rằng Lão Martin không còn đến quán cà phê des Argonautes nữa không à.
Arthur: Vâng, đúng vậy. Hình như bắt đầu từ lúc Lão ta đi tụ tập tại nhà thờ vào những buổi tối, nơi mà anh gọi là nhà cuả 'ông Cha' ấy mà.
René: Đúng thế, Lão ta đi nhà thờ, tôi không bao giờ có thể nghĩ Lão ta sẽ trở thành như thế. Dù sao thì cũng không là quá xấu đâu, chỉ buồn cười hơn một chút nếu so sánh với tình cảnh cuả Lão trước đây.
Arthur: Anh biết không, ông già đáng thương này không có còn có một cơ hội nào nữa cả, vợ ông ta đã chết hơn hai chục năm rồi, đứa con trai thì đi làm thủy thủ trên chiếc tàu buồm Le Phocéen, đã mười năm mà không thấy mặt và đứa con gái, ông ta không bao giờ muốn nhắc đến nó.
René: Ừ nhỉ, ông ta cô độc thật.
Arthur : Thôi ! xin gửi lời chào 'bà nhà' Germaine nhá!
Màn 2: Người kể chuyện / Martin / Tiếng Nói
Người kể chuyện: Ngày hôm qua, Lão Martin đã làm việc rất siêng năng, ông hoàn tất việc sửa giày và guốc với một sự cần mẫn. Vào buổi tối, Lão ngồi trên giường và đọc một cuốn Kinh Thánh cũ của cha mẹ để lại.
Martin: Không có chỗ cho họ trong quán trọ ... Không một chỗ nào cả... Chổ ở cho Ngài à, (ông ta nhìn quanh phòng của mình) sẽ có chỗ cho Ngài ở đây ... Tôi rất ước ao Ngài đến đây. Nếu đấng cứu thế đến tối nay, liệu rằng Ngài sẽ chọn ngôi nhà của tôi không... Ngài cứ đến và tôi sẽ phục vụ Ngài, Ngài đến và tôi sẽ thờ lạy Ngài! Nhưng mà, tại sao Ngài không đến ngay hôm nay nhỉ? Vâng ... (ông bắt đầu đọc) "Một số các nhà đạo sĩ từ phương đông đến để thờ lạy Ngài," ờ, ờ đạo sĩ là gì nhỉ? "Tìm được con trẻ, họ cúi chào và dâng lên vàng, nhũ hương và mộc dược. "Tôi có thể cho Ngài cái gì? (ông ta gãi đầu, bước vào xưởng của mình). Có chứ, tôi sẽ cung cấp cho Ngài hai đôi giày nhỏ này... Nhưng sao tôi lẩn thẩn thế nhỉ ... đấng cứu thế đâu có cần căn nhà nhỏ và đôi giày của tôi đâu. (Martin ngồi xuống và ngủ thiếp đi ... Im lặng)
Tiếng Nói: Martin
Martin: Ai đó? (Giật mình, nhưng không thấy ai).
Tiếng Nói: Martin! con muốn thấy Ta à, tốt, hãy nhìn trên đường phố ngày mai từ sáng cho đến tối, con sẽ không thấy Ta tới nhiều lần đâu. Phải phấn đấu thì mới gặp Ta được, bởi vì Ta không hiện rõ ra cho con.
Martin: (dụi mắt) Đó đúng là Ngài! Ngài hứa sẽ tới! Vậy, tôi sẽ chờ. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy Ngài, chỉ nhìn thấy hình ở nhà thờ, nhưng thôi, tôi sẽ nhận ra Ngài. (đêm Xuống - Sáng lên - Martin đứng dậy và đi ra sau cửa sổ ).
Màn 3: Người kể chuyện / Martin / Người quét đường
Người kể chuyện: Từ sáng sớm, ông ta đứng ngay cửa sổ để tìm những người qua đường đầu tiên, bầu trời sáng lên và Lão Martin đã sớm phát hiện ra một người quét đường; ông chỉ nhìn anh ta với một cái nhìn thoáng qua: ông thực sự có một cái gì khác để làm hơn là nhìn xem một người quét đường! Nhưng bên ngoài thì rất lạnh, Lão Martin tự nghĩ:
Martin: ông này là một người tốt; trời thì lạnh và hôm nay lại là ngày lễ... nhưng anh ta thì làm gì có lễ nghỉ nhỉ? Phải chi ta hãy mời anh ta một tách cà phê! - Vào đi, vào đây cho ấm.
Người quét đường: Xin được vô phép từ chối, cảm ơn ông ... đúng là một thời buổi 'xuống chó'! Lạnh như ở bên Nga vậy.
Martin: Vậy ông uống một tách cà phê nhé?
Người quét đường: Ah! ông đúng là một người tốt bụng! Vậy xin phép ông nhá. Như thể là được ăn bữa Reveillon vậy, ăn Reveillon thì chẳng bao giờ muộn cả. (ông thợ giầy trao vội tách cà phê cho ông khách, sau đó vội vã trở lại cửa sổ và thăm dò đường phố để xem có ai đi qua không).
Người quét đường: ông nhìn ra bên ngoài làm gì vậy?
Martin: Tôi chờ ông chủ của tôi.
Người quét đường: thân chủ? Các thân chủ đến với ông cả trong ngày lễ nghỉ à?
Martin: Không, đây là một bậc thầy khác.
Người quét đường: Ah!
Martin: Một bậc thầy có thể đến bất cứ lúc nào và đã hứa sẽ đến ngày hôm nay. Anh muốn biết tên của Ngài không? ... Đó là Chúa Giêsu.
Người quét đường: Tôi có nghe nói về ông ta, nhưng tôi không biết ông ấy. Ông ấy sống ở đâu?
Người kể chuyện: Lão Martin sau đó kể vắn tắt câu chuyện ngày hôm trước cho người quét đường, thêm bớt một vài chi tiết. Trong khi nói chuyện ông vẫn quay về phía cửa sổ.
Người quét đường: Thì ra Ngài là người mà ông đang đợi! Tôi nghĩ rằng ông sẽ không nhìn thấy Ngài giống như là điều ông tưởng tượng đâu. Nhưng cũng là một việc thường tình mà thôi, ông đã làm cho tôi thấy Ngài qua ông rồi. Ông đâu có muốn cho tôi mượn cuốn sách cuả ông phải không ? Tôi đảm bảo rằng ông sẽ không lãng phí thời gian của ông sáng nay. Tạm biệt.
Martin: Tạm biệt.
Người kể chuyện: Còn lại một mình một lần nữa, Lão Martin lại ép mặt vào cửa kính.
Màn 4: Người kể chuyện / Người phụ nữ / Martin
Người kể chuyện: Một số người say sưa đi chơi về muộn, nhưng ông thợ đóng giày không nhìn vào họ. Sau đó, những thương gia đi qua trên những chiếc xe lộng lẫy. Ông biết họ quá rõ và cũng chẳng chú ý đến họ làm gì. Nhưng sau một hai giờ thì đôi mắt ông nhắm vào một người phụ nữ trẻ, ăn mặc thảm hại và bế trên tay một đứa bé. Cô ấy trông xanh xao gầy gò, trái tim của ông thợ đóng giày đã bị lay chuyển. Có lẽ ông nghĩ đến đứa con gái cuả mình. Ông mở cửa và gọi. Người phụ nữ nghèo quay lại, ngạc nhiên.
Martin: Cô trông yếu ớt quá.
Người phụ nữ: Tôi đang đi đến bệnh viện. Tôi hy vọng họ sẽ nhận tôi và con tôi nữa. Chồng tôi đang đi biển và tôi đã đợi chờ tới ba tháng rồi. Anh ta chưa trở về cho nên tôi hết tiền mà lại bị ốm. Tôi phải đi đến bệnh viện.
Martin: Cô bé xấu số. Cô sẽ phải ăn một miếng bánh mì để cho ấm người lên. Ít nhất là có một cốc sữa cho đứa bé. Xem này, đây là phần ăn cuả tôi, tôi chưa hề đụng vào. Cô cứ tự tiện sưởi cho ấm và hãy đưa đứa bé cho tôi, tôi biết phải làm gì. Chao ôi! Cô không có giày cho thằng bé à ? (Ông tìm những đôi giày ông đã cất giữ đêm trước và sỏ chúng vào chân đưá bé. Ông nén một tiếng thở dài khi phải chia tay với một kiệt tác là đôi giày của ông).
Martin: Tôi xin phép nhá. (ông ta chạy ra cửa sổ và trông nhìn về đường phố).
Người phụ nữ: Ông tìm kiếm cái gì vậy?
Martin: Tôi hy vọng gặp chủ của tôi. Cô có biết Chúa Giêsu không?
Người phụ nữ: Có chứ. Tôi vừa học giáo lý cách đây không bao lâu.
Martin: Đó là người mà tôi chờ đợi.
Người phụ nữ: Và ông nghĩ rằng Ngài sẽ đi qua đây?
Martin: Ngài đã nói với tôi như thế.
Người phụ nữ: Không cách nào! Oh tôi muốn ở lại với ông để xem ... nhưng tôi phải đi bệnh viện.
Martin: Này, giữ lấy quyển sách nhỏ này (ông đưa cho cô ta cuốn phúc âm), đọc nó một cách cẩn thận, và như thế thì sẽ gần giống như là cô đã nhìn thấy Ngài.
Người phụ nữ: Cảm ơn ông. (Ông ta đi đến cửa sổ)
Màn 5: Người kể chuyện / Martin / Đứa bé / Tiếng Nói/ Tất cả mọi người
Người kể chuyện: Nhiều giờ trôi qua, nhưng trong số những người đi ngang, Lão Martin đã không nhìn thấy Thầy: người trẻ, người già, người lao động, các bà nội trợ, các bậc phu nhân, hầu như mọi người đã đi ngang qua đây, kể cả những người ăn xin, vì cái vẻ tốt lành của ông dường như hứa hẹn cho họ một cái gì đó: và họ đã không phải thất vọng ... (ngưng) Nhưng Thầy đã không xuất hiện. Đôi mắt ông mệt mỏi, trái tim ông bắt đầu xịu xuống (ngưng.) Từ từ màn đêm rơi xuống mang theo đám sương mù. Không còn cần thiết để tiếp tục nhìn ra cửa sổ. Đáng buồn thay, ông đi vào chuẩn bị bữa ăn tối cho mình.
Martin: Đó chỉ là một giấc mơ. Dầu sao, tôi đã hy vọng.
Người kể chuyện: Ông mở cuốn sách ra và định đọc với mục đích để mà đọc mà thôi, nhưng nỗi buồn làm ông dừng lại.
Martin: Ngài không đến! Ngài không đến! Ngài không đến!
(ánh sáng bỗng chan hoà và tất cả mọi người hiện ra ).
Tất cả mọi người: Không thấy tôi sao?
Martin: Bạn là ai?
Đứa bé: Bố Martin ơi, đọc đi. (Chỉ vào cuốn sách đã mở trong tay Lão Martin).
Tiếng Nói: Ta đói, ngươi đã cho ăn ... Ta khát, ngươi đã cho uống ... Ta là một người khách lạ và ngươi đã chào đón Ta ... Tất cả mỗi khi ngươi làm việc đó cho người yếu hèn nhất, thì ngươi đã làm cho chính Ta.
Trần Mạnh Trác12/6/2014(vietcatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét