Trang

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

LÀM THẾ NÀO SAU KHI SINH CON, ĐỨC TRINH NỮ VẪN CÒN ĐỒNG TRINH ĐƯỢC ?


SUY TƯ THẦN HỌC

LÀM THẾ NÀO SAU KHI SINH CON, ĐỨC TRINH NỮ VẪN CÒN ĐỒNG TRINH ĐƯỢC ?
 


VẤN: Con đã đọc câu trả lời của cha về vấn đề trọn đời đồng trinh của Đức Mẹ. Cha quả quyết Mẹ Maria vẫn mãi mãi là một trinh nữ bằng cách minh chứng rằng mẹ không bao giờ biết đến những tương giao phu thê với thánh Giuse, trước cũng như sau khi sinh Chúa Giêsu. Nhưng, như thế chưa đủ. Còn phải chứng minh làm sao Đức Maria vẫn còn đồng trinh được, dù đã một lần sinh đẻ, bởi lẽ điều đó sẽ cất đi sự đồng trinh về mặt thể lý của Mẹ vốn có thể còn nguyên vẹn khi thụ thai, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa?


ĐÁP: Đây là một câu hỏi thật tế nhị và thường được đặt ra cách bừa bãi.
 
Ta biết Giáo hội hằng xác tín rằng Mẹ Maria là người nữ đồng trinh tuyệt hảo, là kiểu mẫu và là lý tưởng của các trinh nữ; và sự đồng trinh của Mẹ, cả trước khi, trong khi cũng như sau khi sinh đẻ Chúa Giêsu, không hề bị giảm sút chút nào. Vậy, niềm xác tín ấy giả thiết điều gì?

Các Giáo phụ cũng như các nhà thần học suốt mười lăm thế kỷ qua đều đồng thanh nói rằng (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XX): niềm xác tín ấy giả thiết một cuộc sinh nở không đau đớn và màng trinh không bị sây sát. Nhưng, ta cũng thành thật nói rằng: từ năm 1950, sự đồng thanh đồng tình này không còn nữa. Một nhà thần học người Đức, A. Mitterer, và một thần học gia Bỉ, J. Galot, đã nghi ngờ và thậm chí còn đi đến chỗ phủ nhận những hậu quả sinh lý nói trên.

Bộ Thánh vụ chỉ gởi một văn thư kín để xin các Giám mục và các Bề trên dòng đừng cho xuất bản và phổ biến những gì nghịch lại với ý kiến cổ điển của Truyền Thống. Còn Công đồng thì chỉ phớt qua vấn đề một cách khéo léo và kín đáo, bằng cách lấy lại lối nói của phụng vụ: “Việc Chúa Kitô giáng sinh chẳng những không làm giảm bớt mà còn hiến thánh sự trong sạch vẹn tuyền của Mẹ”. Thật vậy, các Nghị phụ họp Công đồng không muốn xác định một chi tiết sinh lý học nào. Nói chung, có ba điều cần ghi nhớ là:

1)Trước tiên, cần có sự kín đáo và khéo léo trong phạm vi thần học cũng như ở những nơi khác. Về điều này, chắc hẳn có nhiều thần học gia đã đi quá lố sang phía tả hay phía hữu, chỉ vì sự thiếu thận trọng kín đáo cùng thị hiếu bất xứng xui nên.

2) Kế đến, phải biết rằng sự đồng trinh tiên vàn và thiết yếu thuộc về một trật tự luân lý cùng tinh thần. Chính vì hiểu được như thế mà một thánh nữ đồng trinh tử đạo kia đã dám hiên ngang nói với lý hình rằng: “Nếu anh cưỡng hiếp tôi, Thiên Chúa sẽ làm cho sự trong trắng của tôi càng tăng thêm gầp bội”. Tuy nhiên, sự trong trắng cũng bao hàm cả khía cạnh thể lý, và sự đồng trinh trọn vẹn không chỉ có mặt tinh thần thôi mà còn gồm cả mặt thể xác nữa. Nên chi, các nữ tu bị cưỡng hiếp trong một cuộc cách mạng ở Công- gô dạo nọ đã tự cảm thấy sự trong trắng của mình cũng bị thương tổn dù họ không có lỗi gì và về mặt luân lý cũng chẳng mất mát gì.

3) Cuối cùng ta nên nhớ là các Giáo phụ, vốn thấu triệt ý nghĩa mầu nhiệm sinh nở đồng trinh, đã bằng lòng đứng trên bình diện thuần túy thần học, chứ không hề muốn đặt chân sang lãnh vực sinh lý học. Với các ngài, mầu nhiệm này có 2 ý nghĩa:

- Trước tiên và trên hết, các ngài nhận ra đó là một đặc tính của mầu nhiệm Nhập Thể (hơn là một đặc ân của Mẹ Maria). Các ngài không ngừng nhìn thấy trong sự sinh nở đồng trinh này một dấu chỉ mặc khải về sự chào đời từ vĩnh cửu của Ngôi Lời, đồng thời là một dấu chỉ tiên báo sự tái sinh trong phép Rửa: hơn nữa, nó còn là bảo chứng và mầm mống của việc Chúa Kitô sẽ sinh ra trong lòng mỗi tín hữu. Như thế, các ngài hiểu rằng sự sinh nở ấy đã được ghi khắc bằng một biều hiệu tương tự như việc Chúa biến hình trên núi, hay việc Người đi trên mặt nước, hoặc lần người đi ngang qua các cửa đóng kín để vào phòng Tiệc ly. Thường các ngài hay so sánh với sự kiện cuối cùng này, tức việc Chúa vào phòng không cần  mở cửa.

     Nhưng, đồng thời các ngài cũng dạy rằng (và đây là điều quan trọng) Mẹ Maria đã thực sự sinh hạ Đức Kitô cách tích cực và chủ động, bằng những đường lối tự nhiên thông thường, chứ không dị thường kỳ quái. Chính trong một nhãn quan hiện thực của thần học về mầu nhiệm Nhập thể được hiểu cách thấu đáo và chính xác mà các Giáo phụ tuyên dạy điều đó. Như vậy, điều các ngài dạy không giống với ải thân thuyết, vốn chủ trương Chúa Kitô chỉ có một nhân tính giả tạo, chỉ có vẻ là người thôi, và cũng chẳng dính dấp với bất cứ một quan niệm nào khác chủ trương giảm nhẹ nhân tính Chúa Kitô.

-  Thứ đến, các Giáo phụ liên kết mầu nhiệm này lại với sự đồng trinh kiểu mẫu của Đức Ma- ri- a. Thiên Chúa, Đấng đã gìn giữ sự đồng trinh của Mẹ lúc thụ thai cũng sẽ bảo toàn nết đẹp ấy trong khi sinh và sau khi nữa. Như thế, cả tinh thần lẫn thể xác Mẹ vẫ luôn luôn đồng trinh trọn vẹn. Giáo huấn này đáng được tôn trọng và tán đồng. Chính Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã từng dựa vào ấy để minh chứng tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nhưng, sự kín đáo của mầu nhiệm ấy không cho phép ta dệt ra những kết luận chính xác về mặt sinh lý học. Tín điều này ở trong một trường hợp tương tự với tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Cả hai tín điều về thân xác Đức Mẹ ấy qua ngõ Truyền thống lịch sử. Nói cách khác, chúng không do những nhân chứng mục đích sự kiện thuật lai. Chúng được hàm chứa trong các sự kiện khác, nên ta hầu như không biết gì về cái “làm sao” hay “cách nào” của chúng.

Ta không rõ Đức Maria đã được “đưa” (assumpta) lên trời bằng cách nào, mà chỉ biết cả hồn và xác Mẹ hiện đang ở trên trời. Cũng vậy, chúng ta chẳng biết làm thế nào sự đồng trinh của đức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn khi sinh hạ Đức Kitô. Chỉ biết rằng sự đồng trinh ấy không hề bị giảm sút tí nào. Đặc điểm của một khoa thần học lành mạnh và đứng đắn là có được ý thức về mầu nhhiệm và biết được những giới hạn của mình. Và theo lối nói của Cộng đồng, điều ta biết được là: sự sinh nở ra Đức Kitô “không làm giảm sút mà trái lại còn hiến thánh” cả hồn và xác cùng sự trinh trắng vẹn tuyền của Mẹ. Vậy, mỗi toan tính vẽ lại một đồ hình sinh lý học chính xác thiết tưởng đều vượt quá những giới hạn rõ rệt của mạc khải, cũng như không còn tôn trọng yêu cầu chính đáng là phải khéo léo và kín đáo.   

Còn về chuyện “sinh nở không đau đớn” thì, theo Mitterer nhận định, đây là một vấn đề không dính dấp gì đến sự đồng trinh vẹn sạch. Có lẽ, (nhưng không chắc chắn lắm) trong những thế kỷ mà người ta mặc tình bi kịch hóa những nỗi đau đớn của sản phục lúc lâm bồn, thì các Kitô hữu đều đồng thanh tin rằng Đức Trinh Nữ đã không phải trải qua những nỗi đau đớn ấy. Rồi đúng vào lúc y khoa hiện đại cổ xúy, việc sinh đẻ không đau đớn có thể áp dụng cho tất cả mọi sản phụ thì, những “nhà thần học kim thời” lại tung ra một chủ đề về cuộc sinh nở rất đau đớn ở Be-lem. Như thế chẳng phải là giải trừ huyền thoại kiểu lộn ngược sao?
Thời đại chúng ta là thời đại ít sắp sẵn nhất để có thể nhận ra mối liên hệ luân lý sâu xa giữa thể xác và linh hồn, và hơn nữa, mầu nhiệm cùng giá trị của sư đồng trinh. Trong tình cảnh này, ta không nên hấp tấp duyệt lại khoa thần học rất thâm trầm sâu sắc của các Giáo phụ. Hãy cố giữ lấy Truyền thống vững chắc ngàn đời của Kitô giáo, theo đó mầu nhiệm Giáng sinh là mầu nhiệm đầy hoan hỉ, và cũng theo đó, cuộc sinh hạ đau đớn chính là lần qua đó Mẹ đánh đổi Người con yêu dấu của mình đề giang tay ẵm lấy mọi kẻ tội lỗi, tức là lúc Đức Giêsu thốt ra những lời sau đây đang khi hấp hối trên thập giá: “Này là con Bà”.
 

Nguyên tác: số mục (20) quyển II
R. Laurentin

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét