LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH
Theo lịch Phụng vụ, Chúa nhật Truyền Giáo thường nằm trong tháng 10 hàng năm (năm nay nhằm ngày 23/10/2016). Vì thế, ban Mục vụ HĐGM/VN ấn định chủ đề cho tháng 10/2016 là: “Lòng thương xót trong sứ mạng của Hội Thánh” (xc. “Gợi ý Mục vụ Năm Thánh Lòng Thương Xót”). Sứ mạng nhất quán của Giáo hội là “đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15), hay nói ngắn gọn là sứ vụ Truyền Giáo. Nhưng vì sao lại nói “Lòng thương xót trong sứ mạng của Hội Thánh”? Xin cùng tìm hiểu:
I.- Khái niệm về Truyền giáo:
Theo từ nguyên, Truyền giáo có nghĩa “truyền bá tôn giáo cho mọi người”, cụ thể là: “Đem lời dạy của Đấng thiêng liêng đi khắp nơi cho mọi người”. Giáo hội Công giáo đã sử dụng từ truyền giáo để chỉ công cuộc loan báo Tin Mừng như Thư Mục Vụ - 2003 của HĐGM/VN (số 4) cho biết: “Chúa Giê-su đã thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (Mc 16,15; Mt 28,19-20). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Ki-tô. Hội Thánh không hiện hữu cho mình, nhưng cho con người và với con người. Hội Thánh hiện hữu là để loan báo Tin Mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Ki-tô (Mt 28,19), đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (Ga 10, 52).”
Vâng lệnh Chúa Giê-su Ki-tô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh sơ khai hăng hái dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, sẵn sàng hiến mạng sống để làm chứng về hồng ân cứu độ mà Chúa Giê-su đã thực hiện qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người (Cv 2, 37-40; 1Cr 9,16). Sắc lệnh về Truyền Giáo “Ad Gentes” (số 2) đã khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha. Ý định này tuôn trào từ "suối tình yêu" cũng là lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài mà Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần.”
Chính vì thế, nên chân lý “Thiên Chúa Tình Yêu” vừa là xuất phát điểm, vừa là đích điểm của hoạt động truyền giáo. Công cuộc truyền giáo bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, được duy trì và tiếp nối từ khi con người hiện diện trên trái đất. Những Thánh vịnh, Thánh ca, những ngôn từ, sách vở được lưu truyền rộng rãi, hoặc những hình ảnh về một cây nho, một vườn nho đan tử trong Cựu Ước, minh họa sống động cho điều này. Cho đến khi Thiên Chúa Cha sai Con Một xuống thế thực thi sứ mạng cao cả cứu độ nhân loại, thì một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vĩ đại – về truyền giáo được khai sinh: Chính Chúa Giê-su là nhà Truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất. Người đã rao giảng đến cùng, nghĩa là đến mức hoàn hảo (hy sinh cả cuộc sống dương thế của Người cho sứ vụ). Và cũng từ đó, Giáo hội được thiết lập như một tiếp nối hành trình “Con Đường Cứu Rỗi” của Đức Ki-tô.
Căn cứ vào lý giải nêu trên, có thể rút ra khái niệm về Truyền giáo:
1- Truyền giáo là tiếp tục kế hoạch của Thiên Chúa: Như Chúa Cha đã sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các môn đệ như vậy ("Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." – Ga 20, 21). Người phán: ”Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19). Đồng thời, Người còn hứa Người sẽ đồng hành với các môn đệ khi thi hành sứ vụ: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 20).
2- Truyền giáo là loan truyền tình thương của Thiên Chúa đến với con người: Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội cốt yếu là loan truyền tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải và hiện thực hóa cho nhân loại qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Đó chính là việc loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa yêu nhân loại và muốn mọi dân tộc hiệp nhất trong lòng thương xót yêu thương của Người.
3- Truyền giáo là chia sẻ quà tặng hồng ân mà Giáo hội nhận được, đó là Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa: Điều phân biệt Giáo hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là Giáo hội tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, và Giáo hội không thể dấu ánh sáng quí báu đức tin dưới cái thùng (xc “Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” – Mt 5, 13-16), bởi Giáo hội có sứ mạng chia sẻ ánh sáng đó cho mọi người. Giáo hội muốn hiến tặng đời sống mới mà Giáo hội đã nhận được trong Chúa Ki-tô, cho tất cả các dân tộc, khi họ tìm kiếm sự viên mãn của sự sống, để họ có thể hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa Giê-su Ki-tô trong quyền năng Chúa Thánh Thần.
II- Truyền Giáo là sứ mạng của Giáo hội:
Khi thiết lập Giáo hội, nhà Truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất – Đức Giê-su Ki-tô – đã truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15-20); “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 19-20). Ðược Thiên Chúa sai đến muôn dân để tiếp nối hành trình cứu độ, Giáo hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng sáng lập, đã kiên quyết loan báo Tin Mừng cho hết mọi người, coi đây là sứ mạng chủ yếu, là nền tảng hoạt động của Giáo hội.
Vì thế, hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Giáo hội Công giáo. Đó là hoạt động truyền bá đức tin cứu rỗi, hoàn tất sự hiệp nhất công giáo của Giáo hội bằng cách làm bành trướng sự hiệp nhất này, đồng thời làm chứng, truyền bá và thúc đẩy sự thánh thiện của Giáo hội (“Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo. Vì thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung: Dân Chúa được phát triển, Nhiệm Thể được triển nở đến thời hạn viên mãn của Chúa Ki-tô, và đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ lạy trong tinh thần và chân lý, sẽ lớn lên và được xây dựng ‘trên nền móng là các Tông đồ và các Tiên tri mà chính Chúa Giê-su Ki-tô là viên đá góc’ (Ep 2, 20).” – Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 9).
Như vậy, căn tính, chân tính của Giáo hội là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng Cứu Độ, là chia sẻ cho nhau Tình Yêu vô lượng của Thiên Chúa. Rõ ràng Giáo hội là một tập thể, một cộng đồng sống tình huynh đệ chan hòa yêu thương trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Cũng vì tính chất hiệp thông đặc biệt đó, nên có thể khẳng định Giáo hội là một-cộng-đồng-hiệp-thông-và-truyền-giáo, vì ”Chiều kích truyền giáo, là điều thuộc về bản chất của Giáo hội, cũng là tính chất nội tại của mọi dạng thức đời sống thánh hiến, và không thể bỏ qua mà không làm mất đi hay làm biến dạng đặc sủng của đời thánh hiến. Là một nhà truyền giáo không phải là chuyện chiêu mộ tín đồ hay đơn thuần là chuyện chiến lược; truyền giáo là một phần trong “ngữ pháp” của đức tin, là một cái gì đó rất thiết yếu đối với những ai lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh đang thì thầm “Đến đây” và “Hãy đi”. Những người theo Chúa Ki-tô không thể không là các nhà truyền giáo, vì họ biết rằng Chúa Giê-su “đồng hành với họ, nói với họ, và cùng thở với họ. Họ cảm nhận được Chúa Giêsu sống động với họ ở giữa công cuộc truyền giáo.” (Sứ điệp Truyền Giáo 2015). Rõ ràng sứ vụ chủ yếu và duy nhất của Giáo hội là truyền giáo, đó là một chân lý tuyệt đối.
III- “Lòng thương xót trong sứ mạng của Hội Thánh”:
Có thể nói lòng thương xót đích thực là nguồn mạch thâm sâu nhất của đức công bằng. Nếu tự thân đức công bằng thích hợp để “phân xử” giữa những con người với nhau và phân phối cho họ những của cải vật chất công bằng; thì trái lại, tình thương và chỉ riêng tình thương mà thôi (mà chúng ta gọi là “lòng thương xót”), mới có thể trả con người lại cho chính mình. Tình thương đó chính là Lòng thương xót Ki-tô giáo, theo một nghĩa nhất định, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người và người, Như thế, lòng thương xót trở thành một yếu tố cần thiết để nắn đúc những quan hệ giữa con người với nhau, trong một tinh thần rất trân trọng những gì thuộc về con người và tình anh em đối với nhau (Người trong bốn bể thật là anh em – “Tứ hải giai huynh đệ”).
Khi một cá nhân muốn chia sẻ cho người khác một vật thể (quà tặng, của biếu) hay điều gì thuộc lãnh vực tình cảm (tình yêu, tình thương, niềm vui, nỗi buồn), thì tiên vàn cá nhân đó phải sẵn có vật thể hay tình cảm đó, nhiên hậu mới có thể chia sẻ được. “Tôi không thể cho cái mà tôi không có”, đó là điều tất yếu. Hoạt động truyền giáo cũng vậy. Cứ thử nghĩ kỹ mà xem, khi phải nói với ai điều mà trong lòng mình còn hồ nghi, thì liệu tác dụng có đem lại hiệu quả không? Lời dạy của Đức Giê-su: “Lòng có đầy miệng mới nói ra” (Lc 6, 43) cho thấy chỉ khi nào kho kiến thức của bản thân đầy đủ và chắc chắn thì lời nói ra mới có sức thuyết phục. Đồng thời phải có một trái tim nồng cháy tình yêu thương, thì lời nói ấy mới thấm sâu vào tâm hồn đối tượng mà mình muốn chia sẻ.
Trái tim nồng cháy tình yêu thương đó không gì khác hơn là “trái tim đang đập của Tin Mừng” như Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus” (số 12) đã khẳng định: “Giáo hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Ki-tô phải rập khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ. Giáo hội có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, công bố con tim đang sôi sục của Tin Mừng. Nhờ đó, Lòng Thương Xót sẽ đạt tới được con tim và khối óc của con người. Hiền thê của Chúa Ki-tô biến hành động của Con Thiên Chúa thành hành động của mình, và đi đến với tất cả mọi người cũng như không loại trừ bất cứ ai. Trong thời đại chúng ta, mà trong đó Giáo hội đã dành cho việc tái loan báo Tin Mừng, điều này có ý nghĩa như là việc mang đề tài Lòng Thương Xót với niềm hăng hái mới cũng như với một công cuộc mục vụ được canh tân, tiến về phía trước.”
Đó là lý do giải thích tại sao Hội Thánh được ủy thác "công bố chân lý lòng thương xót của Thiên Chúa, được mạc khải trong Đức Ki-tô chịu đóng đinh và đã Phục sinh, và Giáo hội tuyên xưng chân lý ấy bằng nhiều cách khác nhau. Ngoài ra Giáo hội cố gắng thực thi lòng thương xót đối với con người, vì thấy đó là một điều kiện cần thiết cho mối quan tâm của mình về một thế giới tốt đẹp hơn và “có tính nhân bản” hơn cho hôm nay và ngày mai. Chính vì thế Giáo hội phải xem đây như là nghĩa vụ chính của mình - vào mỗi giai đoạn của lịch sử và đặc biệt vào thời đại này - là công bố và đưa vào trong đời sống mầu nhiệm lòng thương xót đã được mạc khải ở tầm cao nhất nơi Đức Giê-su Ki-tô. Chẳng những đối với chính Giáo hội xét như cộng đoàn những kẻ tin mà còn, theo một nghĩa nào đó, đối với tất cả mọi người nữa, mầu nhiệm đó là nguồn mạch một đời sống khác với đời sống mà con người có khả năng xây dựng, con người vốn phải gánh chịu sức ép của ba mối đam mê tác động nơi mình.” (Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives in Misericordia”, số 14-15).
Điều không thể phủ nhận hoặc chối bỏ đó phải là “cuộc sống trở nên vô vị, vô nghĩa nếu thiếu vằng lòng thương xót”. Vâng, “Thiếu vắng chứng tá cho lòng thương xót, cuộc sống trở thành vô ích và vô sinh, như thể bị cô lập trong một sa mạc cằn cỗi. Đã đến lúc Giáo hội phải đón nhận lời mời gọi hân hoan để thương xót lần nữa. Một Giáo hội không có lòng thương xót và không có lòng bác ái, thì Giáo Hội đó không còn là Giáo hội của Chúa Giê-su Ki-tô nữa. Một Ki-tô hữu không có lòng thương xót thì không phải là Ki-tô hữu. Đó là ý tưởng của nhà thần học: Đức Hồng Y Walter Kasper. Chính sự khả tín của Giáo hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo Hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn. Giáo Hội “có một ước muốn bất tận để tỏ lòng thương xót.” (Tông chiếu “Misericordiae Vultus”, số 10).
Kết luận:
Tóm lại, vấn đề Truyền Giáo có một tầm vóc lớn lao và nghiêm trọng, đòi hỏi sự đảm nhận trách nhiệm liên đới giữa các thành phần trong Giáo hội, mới hy vọng có được một giải đáp hiệu quả cho thành công. Ngày nay, Giáo hội phải tiến một bước dài trong công cuộc Phúc-âm-hóa, phải đi vào một giai đoạn lịch sử mới của sự năng động truyền giáo của mình. Cái “giai đoạn lịch sử mới của sự năng động truyền giáo” ấy không gì khác hơn là giai đoạn “Coi sứ mạng đến với muôn dân như là một công việc quan trọng, lớn lao của lòng thương xót, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới này, tất cả chúng ta đều được mời gọi để “đi ra” như là những môn đệ truyền giáo, mỗi người hãy mang lại những tài năng, sự sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình cách đại lượng để mang lại thông điệp của sự dịu dàng và thương cảm của Thiên Chúa cho toàn thể gia đình nhân loại. Ngang qua lệnh truyền truyền giáo, Giáo Hội quan tâm đến những người đang không biết đến Tin Mừng, bởi vì Giáo Hội muốn mọi người được cứu độ và kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Giáo Hội “được uỷ thác để loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang rung nhịp của Tin Mừng” (Misericordiae Vultus, 12) và loan báo lòng thương xót ở mọi nơi của thế giới, chạm tới mọi người, già hay trẻ.” (Sứ điệp Truyền Giáo 2015).
Để đạt được ước nguyện tối ưu trong sứ mạng công bố Lòng Thương Xót cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc, xin hãy chạy đến với “Mẹ Maria Rất Thánh, biểu tượng tối thượng của nhân loại được cứu chuộc, khuôn mẫu của mọi nhà truyền giáo đối với Giáo Hội, dạy cho hết mọi người nam nữ và gia đình, biết nuôi dưỡng và bảo vệ sự hiện diện sống động và mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh ở khắp mọi nơi, Ngài là Đấng canh tân các mối quan hệ cá nhân, các nền văn hoá và các dân tộc, và Đấng sẽ lấp đầy tất cả chúng ta bằng lòng thương xót đầy tràn niềm vui của Ngài. (Sứ điệp Truyền Giáo 2016). Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Mẹ Maria – Mẹ của Lòng Thương Xót. Cúi xin Mẹ thương giúp chúng con biết thưa hai tiếng “xin vâng” trong sự cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết để loan báo Tin Mừng của Đấng Giàu Lòng Thương Xót Giê-su Ki-tô – Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Ôi! Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống – nguồn mạch của niềm vui cho những người bé mọn – khuôn mẫu của mọi nhà truyền giáo; xin cầu cho chúng con. Amen.
JM Lam Thy ĐVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét