THƯ CHUNG
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
Anh chị em thân mến,
1. Chúng tôi, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,
họp Đại Hội tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày
3 đến 7 tháng 10 năm 2016, kính gửi lời chào thân ái đến cộng đồng Dân Chúa tại
Việt Nam. Bình an của Chúa ở cùng anh chị em!
Qua những bản tường trình của các giáo phận
và các uỷ ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục, chúng tôi vui mừng trước những
thành quả mà Năm Thánh Lòng Thương Xót mang lại cho rất nhiều người cũng như
các cộng đoàn qua việc học hỏi giáo lý, cử hành phụng vụ, những cuộc hành
hương, các việc đạo đức và những việc lành thực thi lòng thương xót. Lòng
thương xót là chủ đề được nêu cao trong Năm Thánh 2016, nhưng điều đó không có
nghĩa là chúng ta chỉ sống lòng thương xót trong Năm Thánh mà thôi. Ước mong
anh chị em tiếp tục sống tinh thần đó trong suốt cuộc đời, để xứng đáng là con
cái của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót.
2. Với tâm tình đó, chúng tôi ước mong được
chia sẻ “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” của anh chị em nói riêng và
người dân Việt Nam nói chung trong xã hội ngày nay. Nhìn vào tình hình đất nước
hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có
những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp
nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man,
phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước
sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng
đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn
ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm hoạ môi trường
biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn
và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!
Có những nguyên nhân khách quan và ở tầm vĩ
mô đã dẫn đến tình trạng đáng buồn trên, chẳng hạn nền giáo dục quá chú trọng
đến bằng cấp, nặng hình thức mà không quan tâm đủ đến giáo dục nhân cách và tâm
hồn; chính sách kinh tế quá đề cao lợi nhuận và hiệu năng sản xuất mà không lưu
ý đến môi trường sống của người dân; tình trạng thiếu minh bạch và yếu năng lực
trong việc quản lý kinh tế và điều hành xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho
tham nhũng và nhiều tệ nạn khác; khuynh hướng sử dụng bạo lực dưới nhiều hình
thức để giải quyết vấn đề hơn là lắng nghe và đối thoại… Cách riêng trong những
ngày này, chúng tôi nghĩ đến những đau khổ mà đồng bào bốn tỉnh miền Trung đang
phải gánh chịu vì thảm hoạ môi trường biển. Ước mong nhà cầm quyền lắng nghe
những nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như những góp ý chân thành của
các nhân sĩ, trí thức, để thực sự xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn
minh mà mọi người mong ước.
3. Bên cạnh đó, không thể không nói đến
những nguyên nhân chủ quan và phần trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta.
Mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ bé, đều góp phần tích cực hoặc tiêu cực,
lành mạnh hoá hoặc huỷ hoại môi trường sống. Khi nói đến tình trạng biến đổi
khí hậu qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách thiếu trách nhiệm, các
giám mục Á Châu nhắc nhở người Công giáo những việc rất nhỏ như tiết kiệm nước,
dùng loại đèn ít tiêu hao năng lượng, tắt điện khi không sử dụng, không đốt
hoặc xả rác, không xử lý chất thải bừa bãi, không sử dụng hoá chất độc hại
trong canh tác và sản xuất…Tương tự như thế, chúng ta hãy góp phần vào việc
lành mạnh hoá xã hội bằng những chọn lựa và hành động nhỏ bé trong công việc và
trách nhiệm hằng ngày của mình, cá nhân cũng như gia đình. Với ơn Chúa, anh chị
em hãy can đảm sống theo lương tâm ngay thẳng giữa những cám dỗ, trở thành khí
cụ bình an của Chúa trong mọi hoàn cảnh, thành muối ướp cho nền văn minh tình
thương và văn hoá sự sống thay cho lối sống mang nặng hận thù và chết chóc.
4. Tiếp theo đây, chúng tôi muốn nói với
anh chị em về định hướng mục vụ cho những năm sắp tới. Ngày 8 tháng 4 năm 2016,
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Niềm
Vui của Tình Yêu, là kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Ơn gọi và sứ mạng của gia đình
trong thế giới ngày nay. Tại Châu Á, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng sẽ
tiến hành Đại hội toàn thể, được tổ chức tại Colombo, Sri Lanka, vào cuối năm
2016, với chủ đề Niềm vui của
Tin Mừng và Gia Đình trong ánh sáng của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Hòa với nhịp sống của Hội Thánh toàn
cầu cũng như Hội Thánh Á Châu, chúng tôi đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm
nhấn cho từng năm:
- Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ
bước vào đời sống hôn nhân;
- Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình
trẻ;
- Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia
đình gặp khó khăn.
5. Trong thư này, chúng tôi muốn trình bày
chi tiết hơn về chủ đề năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống
hôn nhân. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đặc biệt đến lãnh vực này. Kết hôn
là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có
thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ
cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn
nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ
lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ
tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương
trình cho chu đáo. Mỗi giáo phận có thể có chương trình riêng tùy theo hoàn
cảnh, tuy nhiên chúng tôi mong muốn các khóa chuẩn bị hôn nhân phải giúp cho
các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình
lâu dài sau này, do đó nên quan tâm những yếu tố sau:
- Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi
hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa và theo giáo huấn của Hội Thánh,
khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, trách
nhiệm xây dựng một gia đình mới.
- Dẫn vào bí tích Hôn Phối,
giúp đôi bạn đón nhận bí tích cách xứng đáng và có khởi đầu vững chắc cho đời
sống gia đình. Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ nhưng là
thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân. Vì thế, phải giúp họ cử hành bí
tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa và trân trọng ý nghĩa của từng
lời nói và dấu chỉ trong cử hành bí tích.
- Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo
luận với nhau: họ mong chờ gì từ hôn nhân và từ người bạn đời; họ hiểu thế nào
về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm xây dựng một gia đình.
- Giúp đôi bạn tìm hiểu trước
những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Trong những lớp chuẩn bị hôn nhân, ngoài sự
hướng dẫn của các linh mục và chuyên viên, thì chứng tá cụ thể của các gia đình
đóng vai trò quan trọng, do đó nên mời những người sống đời gia đình chia sẻ
kinh nghiệm. Ngoài ra, đừng quên rằng “những người được chuẩn bị tốt nhất cho
đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là
hôn nhân Kitô giáo” (Tông huấn Niềm
vui của Tình Yêu, số 208). Vì thế, chính đời sống gia đình hiện nay là môi
trường giáo dục và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái
trong gia đình.
6. Sau Thư Chung này, chúng tôi sẽ gửi Tâm Thư đến các gia đình Công giáo và ước mong
mỗi gia đình đều nhận được một bản. Xin anh em linh mục đang làm việc tại các
giáo xứ giúp chúng tôi thực hiện ước nguyện này. Chúng tôi cũng xin anh em hãy
coi mục vụ gia đình là thành phần chính yếu trong công tác mục vụ của mình, vì
gia đình là con đường Hội Thánh phải đi và mọi chương trình mục vụ của Hội
Thánh phải đi qua gia đình.
Trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia
đình, nhiều tu sĩ nam nữ và nhiều đoàn thể tông đồ gia đình đã góp phần rất
tích cực. Chúng tôi chân thành cảm ơn anh chị em, trong nhiều năm qua, đã tận
tụy đồng hành và giúp đỡ các gia đình Công giáo sống đúng với ơn gọi và sứ mệnh
của mình. Ước mong anh chị em quan tâm đến những định hướng mục vụ của Hội Đồng
Giám Mục và đưa vào chương trình hoạt động của mình.
7. Đại Hội XIII của HĐGMVN kết thúc vào
ngày 7 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Ngày lễ này nhắc nhở chúng ta về sự đồng
hành gần gũi và nâng đỡ ân cần của Mẹ Maria đối với Hội Thánh, đồng thời nêu
cao tấm gương tuyệt hảo của Đức Mẹ, luôn tín thác vào Chúa trong mọi biến cố,
nhất là trong những giờ phút bi thảm của cuộc đời. Vì thế chúng ta hãy “đem Mẹ
về nhà” (Ga 19,27) và yêu mến Mẹ với trọn tình con thảo. Noi gương Mẹ, hãy vững
tin vào Chúa mọi nơi mọi lúc vì “không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1,37).
Cùng với Mẹ, hãy tích cực góp phần thực hiện điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô
gọi là “cuộc cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng” ngay trong gia đình mình,
trong cộng đoàn Hội Thánh và giữa lòng xã hội hôm nay.
Làm tại
Trung tâm mục vụ TGP. TP. HCM, ngày 7 tháng 10 năm 2016
Tổng thư ký
HĐGMVN Chủ tịch HĐGMVN
+Cosma Hoàng Văn
Đạt +Phaolô Bùi Văn Đọc
Giám mục Bắc
Ninh Tổng giám mục TGP. Tp. HCM
TÌM HIỂU
THƯ CHUNG
ĐẠI HỘI
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM LẦN THỨ XIII
(THÁNG
10.2016)
Thật ra Thư Chung (TC) 2016 của Hội đồng Ciám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã
được biên soạn một cách rất đon sơ,
trong sáng, dễ hiểu và dễ nhớ. Nhưng với phần đông giáo dân vẫn cần được giúp
đỡ để TC trở nên dễ hiểu hơn. Cách thông thường nhất là dưới hình thức hỏi
thưa Chúng tôi cố gắng thực hiện điều
ấy.
Hỏi: TC 2016 của HĐGMVN
được soạn thảo và công bố khi nào?
Thưa: TC 2016 của HĐGMVN
được soạn thảo trong khuôn khổ Đại Hội lần thứ XIII được tổ chức tại Trung Tâm
Mục vụ Sài-gòn từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2016 và được công bố vào
ngày bế mạc Đại Hội.
Hỏi: TC 2016 của
HĐGMVN gồm bao nhiêu trang bao nhiêu số?
Thưa: TC 2016 của
HĐGMVN dài 4 trang A4, gồm 7 số.
Hỏi: TC 2016 của
HĐGMVN có thề được chia làm mấy phần? mỗi phần chứa đựng nội dung gì?
Thưa: TC 2016 của
HĐGMVN có thể được chia làm 2 phần, không kể phần mở đâu (số) và phần kết thức
(số 7).
Phần thứ nhất gồm các số 2,3 TC đề cập đến tình trạng xã hội Việt Nam ta
hiên nay với nhiều tệ nạn đáng buồn và đáng báo động. Trong phần này TC 2016
cũng nêu lên các nguyên nhân khách quan va chủ quan của các tệ nạn xã hội
Phần thứ hai gồm các số 4,5 và 6 TC đề cập đến đường hướng mục vụ của
Giáo hội Việt Nam trong 3 năm 2017-2019 và trọng tâm mục vụ của năm 2017.
Hỏi: Trong số 1 là số
mở đầu của TC 2016, HĐGMVN nói gì với cộng đồng dân Chúa Việt Nam?
Thưa: Trong số 1 là số
mở đầu của TC 2016, HĐGMVN:
* gửi lời chào thân ái và lời chúc bình an cho cộng đồng dân Chúa;
* bày tỏ sự vui mừng về những thành quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót ;
* và biểu lộ ước mong mọi người tiếp tục sống tinh thần Năm Thánh Lòng
Thương Xót suốt đời.
Hỏi: Trong số 2 của TC
2016, HĐGMVN nói nhiều về tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay như thế nào?
Thưa: Trong số 2 của TC
2016, HĐGMVN nói nhiều về tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay như sau:
* Trước hết HĐGMVN
nhắc đến tâm trạng băn khoăn lo lắng về tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm
trọng, tội ác gia tăng, phá thai và nghiện ngập tràn lan, tham những không suy
giảm, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại Tây Nguyên, thảm họa môi
trường ở Miền Trung, thực phẩm bẩn và độc hại khắp nơi.
* Kế đến HĐGMVN đề cấp đến các nguyên nhân khách quan và ở tầm vĩ mô như
- nền giáo dục quá chú trọng đến bằng cấp, nặng hình thức, không quan tâm
giáo dục nhân cách và tâm hồn;
- chính sách kinh tế quá đề cao lợi nhuận và hiệu năng sản xuất mà không
lưu ý đến môi trường sống;
- tình trạng thiếu minh bạch và yếu năng lực quản lý kinh tế và điều hành
xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và nhiều tệ nạn khác;
- khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vụ việc không lắng nghe và
đối thoại.
* Và HĐGMVN nêu cách riêng cảnh khổ của đồng bào 4 tỉnh Miền Trung…
* Sau cùng HĐGMVN ước mong “nhà
cầm quyền lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân và góp ý chân thành
của nhân sĩ trí thức.”
Hỏi: Ngoài các nguyên
nhân khách của tình trạng xã hội tồi tệ của Việt Nam hiện nay, trong TC 2016, HĐGMVN nói gì về các nguyên
nhân chủ quan?
Thưa: Trong số 3 của TC
2016, HĐGMVN nói đến những nguyên nhân chủ quan và phần trách nhiệm của mỗi
người. Mỗi hành động đều góp phần tích cực hoặc tiêu cực vào xã hội.
- HĐGMVN kêu gọi mọi người góp phần vào việc lành mạnh hóa xã hội, người
tín hữu can đảm sống theo lương tâm ngay thẳng, trở thành khí cụ bình an của
Chúa…
Hỏi: Trước tình hình
xã hội rối rắm như thế của nước ta, trong TC 2016, HĐGMVN vạch ra đường
hướng mục vụ gì?
Thưa: Trước tình hình
xã hội rối rắm của nước ta như thế, trong số 4 của TC 2016, HĐGMVN vạch ra
đường hướng mục vụ cho 3 năm sắp tới là “mục vụ gia đình”.
Hỏi: Dựa vào đâu mà HĐGMVN chọn “mục vụ gia đình”
làm đường hướng mục vụ cho 3 năm 2016-2019?
Thưa: Khi chọn “mục vụ
gia đình” làm đường hướng mục vụ cho 3 năm 2016-2019
HĐGMVN dựa vào Tông huấn “Niềm Vui của Tình Yêu” của Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô. Tông huấn này cũng là kết quả của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới
về “Ơn gọi và Sứ Mạng của gia đình
trong thế giới ngày nay”. Chọn lựa này cũng phù hợp với tinh thần và
nội dung Đại Hội toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) sắp nhóm họp
tại Colombo (Sti Lanka) với chủ đề “Niềm
Vui của Tin Mừng và Gia đình trong ánh sáng của Thượng Hội Đồng Giám Mục”.
Hỏi: “Mục vụ gia
đình” là đường hướng mục vụ chung cho 3 năm 2017-2019 nhưng mỗi năm HĐGMVN đặt
trọng tâm vào lãnh vực nào?
Thưa: “Mục vụ gia
đình” là đường hướng mục vụ chung cho 3 năm 2016-2019 nhưng HĐGMVN ấn định cụ
thể trọng tâm cho mỗi năm như sau:
2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình;
2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;
2018-2019: Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn.
Hỏi: Trọng tâm của
mục vụ của năm 2016-2017 theo TC 2016 của HĐGMVN là gì?
Thưa: Trọng tâm của
mục vụ của năm 2016-2017 theo TC 2016 của HĐGMVN là “chuẩn bị cho người trẻ
bước vào đời sống gia đình”. Trong số 5 của TC 2016, HĐGMVN trình bày chi
tiết hơn về mục vụ năm 2016-207 này:
* Trước hết HĐGMVN nhắc lại quan điểm của Giáo Hội về tầm quan trọng của
quyết định bước vào đời sống hôn nhân và tầm quan trọng của sự chuẩn bị;
* Kế đến HĐGMVN đế cập đến những khó khăn (khách quan và chủ quan) của
người trẻ trước ngưỡng cửa đời sống hôn nhân gia đình;
* Tiếp theo HĐGMVN nêu lên mục đích yêu cầu của các Khóa chuẩn bị hôn
nhân, gồm những điều sau đây:
- Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi
hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa và theo giáo huấn của Hội Thánh,
khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, trách
nhiệm xây dựng một gia đình mới.
- Dẫn vào bí tích Hôn Phối,
giúp đôi bạn đón nhận bí tích cách xứng đáng và có khởi đầu vững chắc cho đời
sống gia đình. Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ nhưng là
thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân. Vì thế, phải giúp họ cử hành bí
tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa và trân trọng ý nghĩa của từng lời nói và dấu chỉ trong cử
hành bí tích.
- Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo
luận với nhau: họ mong chờ gì từ hôn nhân và từ người bạn
đời; họ hiểu thế nào về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm xây dựng một
gia đình.
- Giúp đôi bạn tìm hiểu trước
những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình.
* Sau cùng HĐGMVN nói đến vai trò của những người hướng dẫn: “Trong những lớp chuẩn bị hôn
nhân, ngoài sự hướng dẫn của các linh mục và chuyên viên, thì chứng tá cụ thể
của các gia đình đóng vai trò quan trọng, do đó nên mời những người sống đời
gia đình chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, đừng quên rằng “những người được chuẩn
bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ
của họ thế nào là hôn nhân Kitô giáo” (Tông huấn Niềm vui của Tình Yêu, số 208). Vì thế, chính đời sống gia đình hiện nay là môi trường giáo dục và
chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái trong gia đình.”
Hỏi: Sau khi nói về
việc chuẩn bị cho nguời trẻ bước vào đời sống hôn nhân TC 2016 của HĐGMVN nói
đến chuyện gì?
Thưa: Sau khi nói về
việc chuẩn bị cho nguời trẻ bước vào đời sống hôn nhân TC 2016 của HĐGMVN nói
đến việc HĐGMVN sẽ gửi cho mỗi gia đình một bức Tâm Thư. HĐGMVN kêu gọi
các linh mục hỗ trợ các ngài trong việc này và ngỏ lời cảm ơn các tu sĩ và đoàn
thể tông đồ đã tích cực chăm sóc mục vụ cho các gia đình và kêu gọi họ quan tâm
đến dường hướng mục vụ của HĐGMVN. Đó là nội dung của số 6 TC 2016.
Hỏi: Trong số 7 là
phần kết của TC 2016, HĐGMVN nói gì?
Thưa: Trong số 7 là
lời kết của TC 2016, HĐGMVN nhắc đến vai trò và tấm gương của Đức Ma-ri-a trong
Hội Thánh và kêu gọi mọi người tin tưởng vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa và tích
cực thực hiện “cuộc cách mạng của tình yêu và của sự dịu dàng” (theo cách nói của Đức Phan-xi-cô). Nguyên
văn như sau:
“Đại
Hội XIII của HĐGMVN kết thúc vào ngày 7 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Ngày lễ
này nhắc nhở chúng ta về sự đồng hành gần gũi và nâng đỡ ân cần của Mẹ Maria
đối với Hội Thánh, đồng thời nêu cao tấm gương tuyệt hảo của Đức Mẹ, luôn tín
thác vào Chúa trong mọi biến cố, nhất là trong những giờ phút bi thảm của cuộc
đời. Vì thế chúng ta hãy “đem Mẹ về nhà” (Ga 19,27) và
yêu mến Mẹ với trọn tình con thảo. Noi gương Mẹ, hãy vững tin vào Chúa mọi nơi
mọi lúc vì “không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1,37). Cùng với Mẹ, hãy tích cực góp phần thực
hiện điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là “cuộc cách mạng của tình yêu và sự
dịu dàng” ngay trong gia đình mình, trong cộng đoàn Hội Thánh và giữa lòng xã
hội hôm nay.”
Giêrônimô Nguyễn
Văn Nội
Sàigòn ngày
11/10/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét