Một hình ảnh đích thực và sống động: thư mục vụ của Đức Tổng Giám Mục Sample về Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương.
Tổng Giám Mục Portland, Oregon, Alexander K. Sample,
Gửi Các Linh Mục, Phó Tế, các Tu Sĩ và Giáo Dân của Tổng Giáo Phận
Gửi Các Linh Mục, Phó Tế, các Tu Sĩ và Giáo Dân của Tổng Giáo Phận
"Các cặp vợ cHồng Yêu thương và hạ sinh sự sống là một hình ảnh đích thực, sống động... có khả năng biểu lộ Thiên Chúa Tạo Dựng và là Đấng Cứu Thế" (1). Với những lời này, Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu hôn nhân là "một biểu tượng cho sự sống bên trong của Thiên Chúa" vì "Thiên Chúa Ba Ngôi là một sự hiệp thông của tình yêu, và gia đình là sự phản ánh sống động của sự hiệp thông này" (2).
Do chính bản chất của nó, hôn nhân hiện hữu cho sự hiệp thông sự sống và tình yêu giữa vợ chồng, được sắp đặt để sinh sản và chăm sóc con cái, trong một dây liên kết độc chiếm và vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ. Trong dây liên kết tự nhiên này, một dây liên kết hiện diện cả ở giữa vợ chồng chưa được rửa tội, chúng ta có được "một hình ảnh để hiểu và mô tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa...." (3) Đức Kitô, Chúa chúng ta, nâng dây liên kết tự nhiên của hôn nhân lên hàng một bí tích, nhờ đó sự kết hợp của người đàn ông và người đàn bà là dấu chỉ của sự “kết hợp của Chúa Kitô và Giáo Hội" (4). Thiên Chúa, Đấng vĩnh cửu và bất biến, ban hôn nhân như một hình ảnh tự nhiên của chính Người; Chúa Kitô nâng hôn nhân lên hàng một bí tích làm dấu chỉ giao ước vĩnh viễn, bất khả phân ly với dân của Người.
Vì gia đình là điều chủ yếu đối với hạnh phúc thế giới, đối với Giáo Hội, và sự loan truyền Tin Mừng, nên các giám mục thế giới đã tụ họp nhau trong các Thượng Hội Đồng năm 2014 và năm 2015 để nhận diện tình hình thực tế của hôn nhân và gia đình trong thế giới ngày nay và để tìm ra các giải pháp mục vụ cho những thách đố này.
Sau khi lắng nghe các giám mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng, Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), để lên sinh lực cho việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, đặc biệt là đối với những người trong các tình huống khó khăn và bị thương tổn.
Bằng cách kiên nhẫn nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội phải thường xuyên hành xử như một bệnh viện dã chiến cho những người bị thương tổn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trung thực đối diện với nỗi đau đớn và sự tan vỡ của nhiều đời sống. Đối với những người đau khổ, "Giáo Hội phải chú ý và quan tâm đồng hành với những đứa con yếu đuối nhất của mình, những đứa con có dấu hiệu của một tình yêu bị thương tổn và đầy khó khăn, bằng cách phục hồi trong họ niềm hy vọng và sự tự tin, giống như đèn chiếu của một ngọn hải đăng ở một hải cảng hoặc một ngọn đuốc người ta mang theo để soi sáng những người lạc lối hoặc những người đang gặp bão tố" (5). Chỉ có một tình yêu kiên nhẫn sẵn sàng đồng hành với những người đau khổ mới có thể hoàn toàn "làm chứng, một cách đáng tin cậy, cho vẻ đẹp của hôn nhân như một điều bất khả phân ly và vĩnh viễn trung thành" (6). Tông Huấn nên kích thích ta biết thương xót.
Dù Tông Huấn không chứa bất cứ sự thay đổi nào trong giáo lý Giáo Hội về hôn nhân và đời sống gia đình, nhưng một số người đã sử dụng Niềm Vui Yêu Thương một cách không tương hợp với truyền thống giáo huấn của Giáo Hội.
Theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta phải đọc văn kiện này "cách kiên nhẫn và cẩn thận" và phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội (7). Thư mục vụ này không có ý định là những lời duy nhất và sau cùng về Niềm Vui Yêu Thương trong Tổng Giáo Phận Portland. Các hướng dẫn mục vụ thêm nữa sẽ được ban hành giúp chúng ta áp dụng Tông Huấn này vào việc hỗ trợ mục vụ cho hôn nhân và đời sống gia đình. Bản văn đang ở trước chúng ta sẽ nói rõ các nguyên tắc để tiếp cận Niềm Vui Yêu Thương, và bàn tới cũng như soi sáng một số lạm dụng gây phiền hà đối với văn kiện này, những lạm dụng vốn được sự chú ý của các phương tiện truyền thông và nhiều người khác. Chỉ khi nào có được sự hiểu biết cơ bản này, chúng ta mới có thể áp dụng một cách thực tiễn các nguyên tắc này vào các Giáo Hội địa phương của chúng ta.
Giảng dậy trong tính liên tục
Vì sự thật của Thiên Chúa là điều cần thiết cho sự cứu rỗi, nên trong "lòng nhân từ nhân hậu của Người, Thiên Chúa đã lo liệu để những gì Người đã mạc khải vì sự cứu rỗi của mọi dân tộc sẽ tồn tại mãi mãi trong sự trọn vẹn của nó và được truyền lại cho mọi thế hệ về sau" (8). Kho tàng đức tin thiêng liêng đã được trao phó cho các tông đồ và được giải thích một cách chân chính bởi thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội (9).
Kho tàng đức tin không thay đổi đến nỗi chính Huấn Quyền "cũng không cao hơn Lời Chúa, nhưng là người phục vụ Lời này. Nó chỉ giảng dạy những gì đã được truyền lại cho nó mà thôi" (10). Tin Mừng mãi luôn toàn vẹn và sống động, “được duy trì bởi một sự kế tục bất tận các nhà truyền giảng cho đến tận cùng thời gian"; các vị là những người "bàn giao những gì bản thân họ đã nhận được, cảnh cáo các tín hữu giữ vững các truyền thống mà họ đã học được ...." (11).
Vì vậy, tín lý không thay đổi, nhưng nó có thể phát triển. Trong thế kỷ thứ 5, Thánh Vincent đệ Lérins cho ta một giải thích đẹp đẽ về sự phát triển của tín lý, một điều đôi khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi. Thánh Vincent cho rằng: tín lý sẽ phát triển, để sự hiểu biết của chúng ta về nó cũng phát triển, giống như sự phát triển của một đứa trẻ vào tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, phát triển không phải là thay đổi, vì "phát triển có nghĩa là mỗi sự vật lớn lên để thành chính mình, trong khi thay đổi có nghĩa là thay đổi từ một điều này sang một điều khác" (12). Sự phát triển chân chính không chấp nhận bất cứ thay đổi nào về yếu tính, không thay đổi nào về hình dạng và giới hạn có tính yếu tính.
Sau này, Chân phước John Henry Newman, người đã trở thành một Hồng Y của Giáo Hội, đã sử dụng Thánh Vincent trong bài giải thích gây ảnh hưởng của ngài về phát triển (13). Như Chân phước Newman đã giải thích, đôi lúc, chỉ các biểu thức bên ngoài hoặc cách lên công thức cho một tín lý phát triển hoặc được minh giải mà thôi, nhất là để đáp ứng các hoàn cảnh và bối cảnh mới, còn các ý tưởng hay sự thật chính được phát biểu không thay đổi. Hơn nữa, mọi phát triển chân chính đều tồn tại trong sự liên tục của nó với quá khứ, cả theo nghĩa phát sinh một cách hợp luận lý hay hợp hữu cơ từ những gì đã có trước đó, lẫn theo nghĩa duy trì quá khứ, duy trì và bảo vệ những gì đã được tin.
Để biện phân sự phát triển chân chính, chúng ta cần đọc các phần dưới ánh sáng toàn bộ, đọc các công thức dưới ánh sáng yếu tính, và đọc điều mới hơn dưới ánh sáng điều cũ hơn. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Truyền Thống quả có phát triển, nhưng Truyền Thống chỉ phát triển trong tính liên tục, không bao giờ trong tính gián đoạn. Thực hành mục vụ và kỷ luật bí tích cũng phát triển, nhưng thực hành và kỷ luật phải hoàn toàn nhất quán với các giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo Hội.
Giáo huấn luân lý của Giáo Hội cũng thế. Vì bối cảnh lịch sử và xã hội thay đổi, nên các vấn đề giải quyết và cách giải quyết chúng cũng thay đổi. Nhưng các sự thật luân lý nền tảng, vốn đặt cơ sở trên bản chất vĩnh cửu của Thiên Chúa, được mạc khải qua Lời của Người, và tương hợp với bản chất không thay đổi của con người và sự phát triển của bản chất này, không thay đổi. Các bối cảnh xã hội không tạo ra bản chất của con người hay sự thiện của con người; thực vậy, chỉ sự thiện bất biến của con người mới giúp chúng ta hiểu được ý niệm phát triển luân lý trong lịch sử nhân loại.
Sự bất khả phân ly của hôn nhân là một giáo huấn quý báu và thiết yếu của Giáo Hội, được Chúa Giêsu mạc khải và được trân quí trong Truyền Thống liên tục của chúng ta. Chúa chúng ta tuyên xưng sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa như đã được phát biểu trong sáng thế: "từ đầu, Đấng Tạo Hóa 'đã dựng nên họ có nam có nữ’ và Người phán: ‘Vì lý do này, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một xương một thịt’. Vì vậy, họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vì vậy, những gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly... ai rẫy vợ mình (trừ khi kết hôn trái pháp luật) và cưới người khác là phạm tội ngoại tình "(Mt 19: 4-9). Những gì Chúa dạy, thiết lập, và ra lệnh đều được trình bày rõ bởi giáo luật cũng như Sách Giáo Lý: "Từ một cuộc hôn nhân thành hiệu, phát sinh giữa hai vợ chồng một dây liên kết mà do bản chất vốn có tính vĩnh viễn và độc quyền" (điều 1134), và “các tính chất chủ yếu của hôn nhân là sự nên một và bất khả tiêu"(điều 1056). Dây liên kết bất khả tiêu này bền vững đến độ một cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp, thì "không thể bị tiêu hủy bởi bất cứ quyền lực nào của con người và bởi bất cứ nguyên nhân nào, ngoại trừ sự chết" (điều 1141). Sự ưng thuận của vợ chồng được xác lập và đóng dấu bởi chính Thiên Chúa, và dây liên kết do đó mà có "là một thực tế, do đó không thể thu hồi .... Giáo Hội không có quyền làm trái với cách bố trí này của sự khôn ngoan Thiên Chúa" (14).
Sự bất khả tiêu của dây hôn phối không chỉ đơn thuần là một quy tắc pháp lý hay đạo đức. Nó là một thực tế đẹp đẽ, có tính bí tích, và thiêng liêng. Trong thiên nhiên sáng thế, dây liên kết này nói lên một cái gì đó về bản chất vĩnh cửu của Thiên Chúa, và trong bí tích hôn nhân giữa những người đã được rửa tội, nó được "tích nhập vào giao ước của Thiên Chúa với con người", một "giao ước được đảm bảo bởi sự trung thành của Thiên Chúa" (15). Dây hôn phối bất khả tiêu, vì bí tích này là dấu chỉ sự kết hợp vĩnh viễn của Chúa Kitô với Giáo Hội của Người.
Chấp nhận giáo huấn về bất khả tiêu tương hợp với lý lẽ vững chắc, với Kinh Thánh, với truyền thống liên tục, và với giáo huấn rõ ràng của Chúa chúng ta. Nó cũng khẳng định Tin Mừng bằng cách nhìn nhận rằng các dấu hiệu và lời hứa trung thành có tính giao ước của Thiên Chúa là đáng tin cậy, rằng Thiên Chúa là Đấng tự hữu và là Đấng Người đã hứa sẽ trở thành. Chấp nhận tính bất khả tiêu là khẳng định chính bản chất và mục đích của Giáo Hội, là công bố và truyền lại Tin Mừng như nó đã được ban cho chúng ta. Luật tối cao của Giáo Hội là sự cứu rỗi các linh hồn, và những gì tăng thêm luật này phải được các tín hữu chấp nhận. Nếu muốn đạt được mục tiêu của nó, lòng thương xót phải bao gồm việc công bố tất cả những gì cần thiết cho sự cứu rỗi. Không công bố tất cả những gì cần thiết cho sự cứu rỗi là không thương xót.
Các lạm dụng đối với Niềm Vui Yêu Thương
Bất chấp giáo huấn rõ ràng của Giáo Hội, một số người đã lạm dụng các yếu tố của Niềm Vui Yêu Thương để hỗ trợ cho các chủ trương không tương hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Điều này đã tạo ra một số hồ đồ và ngỡ ngàng nơi các tín hữu. Do bản chất của việc phát triển tín lý và luân lý, một số chủ trương không tương hợp với tín lý chân chính, thực hành mục vụ, và kỷ luật bí tích. Vì các chủ trương này bất hợp pháp, nên không thể sử dụng cách hợp pháp Niềm Vui Yêu Thương để hỗ trợ chúng. Không thể và không nên lạm dụng bản văn này để hỗ trợ ba sai lầm sau đây.
Lạm dụng một: Lương tâm hợp pháp hóa các hành động đi ngược lại giới răn của Thiên Chúa
"Thẳm sâu trong lương tâm của họ, con người khám phát ra một điều luật mà chính họ không đặt ra cho chính họ nhưng họ phải vâng theo .... lương tâm của họ là cốt lõi thầm kín nhất của con người và là cung thánh của họ. Ở đó, họ ở một mình với Thiên Chúa, Đấng mà tiếng nói vang lên từ thẳm sâu con người họ" (16). Lương tâm chỉ thị cho chúng ta làm điều tốt và tránh điều ác, và lắng nghe cũng như làm theo lương tâm là một đặc điểm của phẩm giá con người và là một trách nhiệm đáng sợ. Khi hành động, chúng ta không chỉ lên khuôn thế giới xung quanh chúng ta mà còn lên khuôn chính cá tính của mình, thậm chí, có lúc, còn ảnh hưởng đến hạnh phúc đời đời của chúng ta nữa. Vì sự nghiêm túc của trách nhiệm này, mỗi người đều có quyền và nghĩa vụ tuân theo lương tâm của mình. Niềm Vui Yêu Thương khẳng định sự kỳ diệu của quyền tự do này, vì "chính nhân phẩm đòi hỏi mỗi người chúng ta ‘hành động theo sự lựa chọn có ý thức và tự do, như được đánh động và lôi cuốn một cách bản vị từ bên trong'" (17). Vì sự khó khăn và phức tạp của nhiều tình huống khác nhau, cũng như trình độ đào tạo, kiến thức, nhân đức của một con người, Tông Huấn nhận định rằng người ta "cũng có thể chân thành và trung thực nhận ra những gì lúc này là đáp ứng quảng đại nhất có thể đáp trả Thiên Chúa, và tiến đến chỗ thấy một cách chắn chắn về phương diện luân lý rằng đây là điều Thiên Chúa đang yêu cầu trong cảnh phức tạp cụ thể của các giới hạn nơi họ, trong khi chưa hoàn toàn là lý tưởng khách quan" (18).
Điều này không hỗ trợ chủ trương cho rằng lương tâm thay thế cho luật luân lý khách quan. Sự thiếu hiểu biết, sự trở thành nô lệ cho các đam mê, sự hiểu biết không chính xác về quyền tự chủ luân lý, hoặc sự vắng mặt của đức hạnh có thể làm giảm tính quy tội chủ quan của một con người khi họ chân thành tuân theo một lương tâm sai lầm, và trong một số trường hợp "sự ác của một người nào đó không thể được quy cho họ" (19). Nhưng không có cách nào khiến điều này làm giảm hoặc phủ nhận tính khách quan của sự ác, hoặc bỏ sót, hoặc vô trật tự phạm phải.
Lương tâm không phải là một luật cho chính nó, cũng không thể làm ngơ lương tâm một cách đúng đắn hoặc thay thế các mệnh lệnh của Thiên Chúa như đã được Giáo Hội giảng dạy. Thánh Gioan Phaolô II từ chối một cách rõ ràng khả thể trong đó, các phán đoán riêng của lương tâm có thể "hợp pháp hóa điều gọi là các giải pháp 'mục vụ' trái ngược với giáo huấn của Huấn Quyền" hoặc cho phép các cá nhân vi phạm các qui luật luân lý tuyệt đối (20).
Giáo Hội không bao giờ mong muốn "thay thế" hoặc đánh lừa lương tâm, khi biết rằng người ta "có khả năng thực hiện sự biện phân của họ trong các tình huống phức tạp" (21). Nhưng lương tâm có thể sai lầm, và "tự do lương tâm không bao giờ là tự do 'thoát khỏi' sự thật nhưng luôn luôn và chỉ có tự do 'trong' sự thật mà thôi" (22). Do đó, Giáo Hội, các bậc cha mẹ, và thẩm quyền hợp pháp luôn được kêu gọi phải" đào tạo các lương tâm" (23). Dù là người luôn biết chân thành đáp ứng một cách đại lượng hết mình trước các giới răn của Thiên Chúa, họ vẫn được kêu gọi "luôn chào đón các giai đoạn phát triển và các quyết định mới có thể giúp thể hiện được lý tưởng một cách đầy đủ hơn" (24).
Nhờ con người có tự do, nên lương tâm có thể phát triển và trưởng thành. Không ai bị mắc kẹt trong một lương tâm sai lầm vĩnh viễn, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa và nền giáo dục luân lý, họ có thể hợp tác trong việc đạt tới một lương tâm được đào tạo tốt. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chẳng hạn, đã lưu ý đến trách nhiệm nặng nề của các bậc cha mẹ trong "việc lên khuôn ý chí của con cái họ, bằng cách phát huy các thói quen tốt và khuynh hướng tự nhiên hướng về điều tốt", và đến việc giáo dục luân lý nhằm "vun trồng tự do" ngõ hầu "giúp phát triển các nguyên tắc nội tâm vững ổn có thể dẫn chúng ta đến chỗ làm điều tốt một cách tự nhiên" (25). Ngài nhắc nhở chúng ta rằng nhân phẩm mời gọi chúng ta hành động một cách có bản vị, từ bên trong, và chính việc huấn luyện về đời sống đạo hạnh đã "xây dựng, củng cố, và lên khuôn tự do" (26).
Lương tâm, hiểu như lề luật bên trong được Thiên Chúa ghi khắc, "làm chứng cho thẩm quyền của sự thật trong tương quan với Sự Thiện tối cao mà con người vốn được lôi cuốn tới, và hoan nghênh các giới răn" (27). Lương tâm là điều nội tại, nhưng lương tâm được Thiên Chúa thông ban một cách đặc biệt đến nỗi các giới răn luân lý, và việc Giáo Hội giải thích các giới răn này một cách có thẩm quyền, không phải là các áp đặt từ bên ngoài lên một con người. Giáo huấn luân lý đào tạo lương tâm, bằng cách soi sáng người ta để họ có thể nhận ra, yêu mến, và sẵn sàng tuân theo sự thật luân lý khách quan, bất kể các phán đoán trước đây của họ không đúng như thế nào. Điều này đặc biệt đúng đối với các người đã được rửa tội, là những người đã được hiệp nhất với Chúa Kitô và có tâm tư và sự sống của Chúa Kitô ở trong họ nhờ ơn thánh (1 Cr 2:16). Chúng ta đừng quên niềm hy vọng được làm con cái của Thiên Chúa, đừng quên rằng trong phép rửa tội, chúng ta đã trở thành các tạo vật mới, tái sinh từ bên trong.
Có một bổn phận nặng nề phải hỗ trợ việc đào tạo lương tâm. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở, một cách hoàn toàn phù hợp với truyền thống Công Giáo, khi người ta tiếp cận Giáo Hội với những câu hỏi và những thách thức của lương tâm họ, thì "câu trả lời của Giáo Hội phải có tiếng nói của Chúa Giêsu Kitô, tiếng nói của sự thật về thiện và ác. Trong lời lẽ của Giáo Hội, phải vang lên, trong thẳm sâu con người, tiếng nói của Thiên Chúa .... " (28). Ở nơi khác, ngài liên kết việc đào tạo luân lý với đức ái của chính Tin Mừng: "sư phạm cụ thể của Giáo Hội phải luôn luôn gắn kết với tín lý của mình và không bao giờ được tách rời khỏi nó. Do đó, với cùng một xác tín như vị tiền nhiệm của tôi, tôi xin lặp lại: ‘Không giảm thiểu bất cứ cách nào giáo huấn cứu rỗi của Chúa Kitô là tạo nên một hình thức bác ái ưu việt đối với các linh hồn'" (29).
Khuyến khích hoặc âm thầm chấp nhận một phán đoán sai lầm của lương tâm không hề là thương xót hay bác ái. Công bố Tin Mừng, kể cả các đòi hỏi luân lý bao hàm trong bản chất hôn nhân, là việc làm của lòng thương xót, và mọi phụ huynh, trường học, mọi định chế Công Giáo, mọi giáo viên, mọi nhà thần học, mọi mục tử, mọi tu sĩ, và mọi giám mục có ‘nghĩa vụ nặng nề' phải đích thân cảnh giác để ‘giáo lý lành mạnh’ (1 Tim 1:10) của đức tin và luân lý được giảng dạy" trong việc đào tạo lương tâm" (30).
Còn 1 kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét