LÀM SAO BIẾT MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
TỪ THUỞ ĐẦU THAI?
TỪ THUỞ ĐẦU THAI?
- VẤN
Ngoài đức tin và truyền thống ra, Cha có thể viện dẫn chứng cớ nào khác về việc Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông truyền ngay từ lúc đầu thai trong lòng thân mẫu không?
- ĐÁP
Đây là một trong những câu hỏi hóc búa nhất và cũng đã từng được bàn cãi sôi nổi nhất.Trước hết, xin bạn hãy nhớ cho rằng: việc Đức Maria vô nhiễm nguyên tội từ thuở đầu thai là một tín điều phải tin, đã được Đức Giáo hoàng Piô IX định tín vào năm 1854, và như thế, trong đạo Công giáo, đây không còn phải là vấn đề để tranh biện.
Nhưng, một tín điều là một chân lý được mạc khải. Thế thì, làm sao tín điều vô nhiễm thai lại nằm trong kho tàng mạc khải được, vì đã không hề có một yếu tố mới nào được thêm vào kho tàng ấy kể từ sau cái chết của các tông đồ? Đó là điểm khó khăn và là điều đã gây ra nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi.
Tôi xin được khởi hành từ 3 điểm khó khăn thực sự mà bạn đã nêu ra:
1. Trước hết, quả đúng như thế, Đức Maria được thụ thai cách bình thường chứ không phải là một cuộc thụ thai đồng trinh như quyển ngụy thư cổ (thế kỷ II) tựa là “Tin Mừng khởi nguyên” của Giacôbê đã tưởng. Nhưng, ta hãy xếp qua chuyện này, vì nguyên một việc được thụ thai đồng trinh không mà thôi chưa đủ để bảo đảm cho sự vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria. Thật vậy, tội nguyên tổ được thông truyền ngay trong việc thông ban bản tính nhân loại, chứ không do một vết nhơ nào đó làm hoen ố động tác sinh sản. Vậy, vấn đề không phải ở đây.
2. Thứ đến, đúng như bạn nói, những dấu chỉ cùng chứng cớ về việc Đức Maria vô nhiễm thai lại rất tế vi và mù mờ. Tuy nhiên, có chứ chẳng phải không. Và phải đọc Thánh Kinh dưới ánh sáng của truyền thống ta mới có thể khám phá cùng nhận ra chúng. Điểm này đưa chúng ta đến điểm thứ 3 sau đây:
3. Quả đúng là Thánh Kinh không nói minh nhiên về sự vô nhiễm của Đức Trinh Nữ. Có hai văn liệu chính được trưng dẫn là:
Văn liệu thứ nhất: đoạn 3, câu 15 trong sách Sáng Thế:
“Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người phụ nữ, giữa dòng dõi ngươi và miêu duệ của người nữ, nàng sẽ tấn công đầu ngươi, còn ngươi sẽ tấn công chân nàng”. Đoạn văn trên tiên báo rằng cuộc chiến toàn cầu với ma quỷ và nhân loại hàm ẩn một niềm hy vọng chiến thắng. Hơn nữa, nó còn ám chỉ đến Đấng Mêssia và Mẹ Người. Nhưng, đó chỉ là một sự ám chỉ suông, và chủ đề chiến thắng cũng không phải là một trong những chủ đề rõ ràng nhất. Bản Phổ Thông (Vulgata) khi dịch câu này đã minh giải như sau:
“Nàng sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ chỉ rình cắn gót chân nàng”. Nhưng, thật ra, theo ngôn ngữ Do Thái chỉ có một động từ duy nhất dùng cho cả hai bên, đó là động từ “Shouf” mà bản phổ thông dịch bằng hai động từ khác nhau là “đạp nát” (écraser) và “rình cắn” (pieger). Vậy, như ta thấy đó, trong nguyên bản Do Thái, ý nghĩa còn hàm hồ và mù mờ. Khó khăn đến từ chỗ người ta không biết rõ động từ “Shouf” muốn nói gì. Trong Cựu Ước, nó chỉ được dùng có hai lần nữa thôi, và luôn luôn nằm trong một văn mạch bí nhiệm. Vì ít gặp quá nên Dhorme đã giả thiết rằng trong câu 15 đoạn 3 của sách Sáng Thế, Thánh Kinh đã dùng hai tiếng đồng âm: tiếng “Shouf” đầu tiên có nghĩa là “đạp nát”, “tiêu diệt”, dựa theo nghĩa ngữ căn tiếng ấy bên ngôn ngữ At-sy-ri; và tiếng thứ hai có nghĩa là “nhắm”, dựa vào nghĩa ngữ căn tiếng ấy bên ngôn ngữ Ả-rập. Nhưng, đây chỉ là một sự phỏng đoán mà thôi. Vả lại, dù trong giả thiết có vẻ thuận lợi hơn cả, tức giả thiết theo đó người ta giải thích lời tiên báo đầu tiên như là một sấm ngôn về sự chiến thắng và về Đấng Messia do một phụ nữ sinh hạ, ta vẫn không bắt gặp được lời khẳng định minh nhiên nào về việc Mẹ Đấng Cứu Thế sẽ được đặc ân vô nhiểm nguyên tội từ thuở đầu thai.
Văn liệu thứ hai: đó là câu 28, đoạn 1 trong Tin mừng theo thánh Luca mà bản phổ thông dịch là “đầy ân sủng”. Theo đúng nguyên ngữ Hy lạp, Kêkharitomenê phải được dịch là “đối tượng của ân sủng Thiên Chúa”. Lối dịch sau này hàm ngụ những ý nghĩa rất phong phú sâu xa:
- Trước tiên, theo mạch văn, lời xưng tụng ấy là danh hiệu hồng ân của Đức Maria. Danh hiệu này do chính Thiên Chúa từ trời cao ban tặng Mẹ. Vậy, Mẹ là đối tượng đệ nhất tuyệt hảo của ân sủng Thiên Chúa.
- Động từ Kêkharitomenê này được dùng ở thì “parfait”: điều đó chỉ một ân huệ bền vững và thường xuyên. Bởi đó, cha Osty, một tay sành về Hy văn, đã dịch câu này như sau: “Bà đã là, đang là và vẫn mãi mãi là đối tượng của hồng ân Thiên Chúa”.
- Ân sủng của Thiên Chúa tạo nên vẽ mỹ lệ, nét tốt lành nơi đối tượng Người yêu. Vì thế, gọi Mẹ là “đối tượng đệ nhất của ân sủng Thiên Chúa” không làm giảm đi chút gì so với lối nói Mẹ “đầy ân sủng”, ngược lại còn nói nhiều, nói phong phú hơn rất mực, vì dựa vào chính Thiên Chúa.
Vậy, Luca 1,28 hàm ngụ rằng Mẹ Maria là tạo vật được biệt sủng giữa mọi tạo vật, nơi Mẹ ân sủng của Thiên Chúa đã toàn thắng: điều đó hàm ý rằng Mẹ không bị nhiễm vương tội lỗi, dù là tội nguyên tổ.
Tuy nhiên, câu này cũng như câu khác tương tự (“Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Con lòng bà tràn phúc lạ”, “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả”, “muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc”) không hề nói rõ ràng minh bạch về mầu nhiệm vô nhiễm thai của Mẹ. Thế thì, làm sao Giáo Hội có được niềm xác tín ấy khiến Đức Thánh Cha Piô IX đã định tín thành tín điều vào năm 1854?
Không có gì phải dấu diếm: ngược dòng lịch sử phải nhận rằng đây quả là một vấn đề khó khăn, vì các Giáo phụ và các thánh Tiến sĩ là những kẻ được Chúa Thánh Thần soi sáng đặc biệt hơn cả, cũng đã rất dè dặt đối với chân lý này. Mãi đến thế kỷ thứ VIII cũng vậy, hầu hết các thánh Tiến sĩ, kể cả thánh Tôma Aquinô, đều nghĩ rằng Đức Maria cũng đã bị vết nhơ nguyên tội vấy bẩn cách nào đó. Chỉ bắt đầu vào cuối thế kỷ VIII, sự khám phá mới được thực hiện dần dần do những lời biện hộ kín đáo nhưng hữu hiệu của Dun Scot.
Làm thế nào khám phá ra điều đó?
Các thần học gia giải thích bằng nhiều cách khác nhau:
Có vài kẻ nghĩ đến một tiến trình luân lý dưới hình thức tam đoạn luận như sau: Đức Maria xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa; mà, nếu vương nhiễm nguyên tội thì Mẹ sẽ không còn xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa; vậy….
Với tôi, dường như tiến trình ấy phức tạp hơn nhiều, nó khởi đi từ cái nhìn chung đối với những gì Mạc khải cho ta biết về chỗ đứng của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ. Những gì ta biết được về phẩm tính Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cũng như về ân sủng của Người đã cho phép Giáo Hội tích hợp lại thành một cái nhìn tổng quát nào đó về định mệnh của Mẹ, tức kéo dài những dữ kiện Thánh Kinh ra trước và ra sau. Vậy, đàng sau mầu nhiệm Truyền tin, Giáo Hội đã bắt gặp sự trắng trong trọn vẹn từ nguyên thuỷ của Mẹ: đó chính là mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai. Và bên kia lễ Hiện Xuống, Giáo Hội đã thấy được vinh quang trọn vẹn Chúa Kitô sẽ ban cho mẹ ở cuối quãng đường dương thế của Mẹ: đó chính là mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Như thế, sự khám phá ra mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai không khởi phát từ những gì Mạc Khải cho ta biết về Đức Maria, nhưng đi từ một khung cảnh rộng lớn hơn, tức thành hình từ những gì chúng ta được Mạc Khải cho biết về toàn thể mầu nhiệm Cứu độ. Các tiên tri thường mô tả mầu nhiệm Cứu độ này như là một cuộc tạo dựng mới: một hành động của Thiên Chúa làm cho thế gian đổi mới, thoát khỏi vòng tội lỗi. Và Vô Nhiễm Thai là điểm khởi hành của cuộc tạo dựng mới ấy. Bernanos đã thấu suốt điều đó nên đã gọi Đức Maria là “ Đức Nữ Trinh trẻ hơn tội lỗi”.
Đồng thời, các ngôn sứ cũng đã từng loan báo cách bí nhiệm rằng: trong thời sau hết, Israel, một dân tộc bất tín bất trung, một người vợ ngoại tình, sẽ lại trở thành vị hôn thê tinh tuyền trong trắng không chút bợn nhơ. Đó chính là mầu nhiệm mà câu 7 đoạn 4 trong sách Diễm ca nói đến: “Nàng tuyệt mỹ vô song, không một chút tì vết vấn vương nơi nàng”. Mầu nhiệm ấy đã được hiện thực nơi Đức Trinh nữ Maria, và nơi Giáo Hội, trong đó Dân Thiên Chúa được đổi mới.
Tóm lại, những đại lộ thênh thang của mầu nhiệm Ơn Cứu Độ đều đồng qui về mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Thai. Và Giáo Hội, với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, đã nhận ra điểm đồng qui ấy.
Nguyên tác: số mục (18) quyển II
R. Laurentin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét