Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

SUY CỔ NGHIỆM KIM: CHIÊM NIỆM TỬ ĐẠO HÔM QUA VÀ HÔM NAY

SUY CỔ NGHIỆM KIM: CHIÊM NIỆM TỬ ĐẠO HÔM QUA VÀ HÔM NAY

Hội Thánh Công giáo được chính Đức Giêsu thiết lập, Người không ngừng canh tân Hội Thánh – thân thể Người bằng hơi thở Thần Khí và thanh luyện bằng gian nan trường kỳ trong dòng lịch sử. Hành trình dương thế của Công giáo là hành trình đức tin và niềm hy vọng. Thực vậy, Giáo Hội mà chúng ta biết ngày nay là một cộng đoàn đức tin được lớn lên và phát triển qua dòng lịch sử nhờ sức sống từ Thánh Thể Chúa Kitô và trưởng thành bằng máu các thánh tử đạo. Hội Thánh Chúa Kitô có nhiều yếu tố thuộc về cấu trúc hữu hình, nhưng xét về góc độ ân sủng, đó là một dân được xây dựng trên đức tin và lòng tín thác tuyệt đối dù phải trả bằng giá máu vẫn nhất mực trung thành.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được viết bằng máu Đức Kitô – tức bằng sự sống của Người. Tin Mừng ấy được sống, tỏa sáng, ảnh hưởng, cứu thoát hằng hà sa số qua các thời đại cũng nhờ máu các môn đệ trung tín bước theo con đường Thánh Giá Đức Kitô Giêsu. Các vị tử đạo là những liệt sĩ vinh quang của Thiên Chúa, nhờ những thành phần ưu tú này, Hội Thánh Chúa Kitô đã không ngừng tăng trưởng. Tertullian (160 –  220 AD), nhà tư tưởng lớn của Kitô Giáo, khẳng định rằng “semen est sanguis Christianorum” (trong: Apologia 50.13) - Máu của các kitô hữu (tử vì đạo) là hạt giống (của Hội Thánh). Các thánh tử đạo là ân huệ Chúa ban cho Giáo Hội trong tiến trình hình thành, tồn tại, và phát triển như nhận định của thần học đương đại.

Thông thường, khi nói đến những người tuẫn tiết là chúng ta nghĩ đến những người hi sinh mạng sống mình để trung thành với lý tưởng, với tôn chỉ, với chân lý để bảo vệ niềm tin son sắt. Thế giới có nhiều tôn giáo, nhiều ý thức hệ. Đất nước Việt Nam chúng ta cũng có nhiều tôn giáo, nhiều ý thức hệ.  Khi nói đến “tử đạo”, là nói đến sự tự do chọn lựa sống và chết cho tôn giáo hay ý thức hệ mình muốn. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng “tử đạo” chỉ thích hợp cho tôn giáo khi quy chiếu về một Đấng thiêng liêng và chân lý về Đấng ấy. Đang khi ấy, tuẫn tiết, nhục hình vì lý tưởng – chẳng hạn người cộng sản chết cho lý tưởng đấu tranh của giai cấp vô sản là cách hy sinh không hàm ý “tử đạo” nhưng là “hy sinh” cho lý tưởng. Tử đạo mang căn tính, nhân cách, và phẩm giá cao hơn được quyết định bởi niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Kitô hữu trở nên “bạn hữu của Đức Kitô” khi noi gương Người trao cuộc sống mình để tận hiến vì Đức Giêsu Kitô, vì Đạo, vì niềm tin vào Thiên Chúa Cha.

Chúng ta thường để ý đến việc ‘tử đạo’, quan tâm đến những trang sử bi hùng trong Hội Thánh hơn là ‘gương sống đạo’ trong thời hiện đại – khi những cuộc bắt bớ quy mô không còn nữa. Đọc câu chuyện các thánh, trước hết phải công nhận họ là những người ‘sống’ cách thành tâm nhất nên họ biết ‘chết’ – một cái chết tựa Thái Sơn. Câu chuyện cô bé Maria Goretti (người Ý) tử nạn năm 1902 trước chàng trai đầy dục vọng Alexandre để bảo vệ đức đồng trinh; hay như chuyện thời thế chiến II, thánh Maximilian Kolbe (người Ba Lan) lãnh nhận cực hình năm 1941 để thay cho một người còn mang gánh nặng gia đình; thời hiện đại của thế kỷ XX có đức tổng giám mục Oscar Romeo (người El Salvador) hứng lấy viên đạn từ nhóm kháng chiến năm 1980 vì lên tiếng bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền, và công bình xã hội và phản chiến.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, và cách riêng tại Việt Nam, khái niệm tử đạo được hiểu rộng hơn. Tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, cho con người, nhất là những người nghèo khổ đang bị áp bức, cho công lý môi trường. Chết vì “chính đạo” hay vì áp bức tôn giáo thì xem ra quá dễ đối với “đấng trượng phu. Hội Thánh cần những chứng nhân muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống cho chân lý, cho công lý và luân lý. Cha Maximilianô Kolbê, ngài đã tự nguyện chết thay cho một người bạn tù đã có gia đình trong trại tập trung thời Đức Quốc xã. Theo sử sách, Đức Phaolô VI, trước khi tuyên phong thánh, không coi cha là vị tử đạo, chỉ coi Cha là một người chịu đau khổ vì đức tin. Nhưng, khi cha được phong thánh vào năm 1982, thì Đức Gioan Phaolô II đã coi ngài là một vị tử đạo. Trong bài giảng lễ phong thánh cho cha Kolbê, Đức Thánh Cha nói: “Cha đã đón nhận cái chêt vì yêu người đồng loại, cái chết ấy lại không làm cho cha Kolbê giống Đức Kitô sao?. Đức Kitô là mẫu mực của mọi vị tử đạo, là Đấng hiến mạng sống mình cho anh em.” – Công lý Tử đạo thời nay là sống và chết cho anh em mình được sống và sống dồi dào với lẽ công bằng và lòng chính trực.

Những vì tinh tú lấp lánh trên trời tỏa sáng nhờ phản chiếu ánh thái dương. Các vị  ‘tử đạo’ có những hoàn cảnh đặc biệt tựu trung là luôn biết ‘sống đạo’ cách mãnh liệt trong mọi hoàn cảnh. Tinh thần “sống đạo” hay “tử đạo” không hệ tại hơi thở còn hay mất mà là mức độ thẩm nhập tinh thần của thánh Phaolô như chính thánh nhân đã nói trong thư gửi tín hữu Philípphê rằng “đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (x. (Pl 1,21)). Tử đạo hay không tử đạo cũng có thể trở thành bạn hữu Thiên Chúa nếu biết định hướng đời mình theo tinh thần Chúa Kitô Giêsu để sau khi hoàn tất cuộc hành trình trần thế, hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô, là “chân phúc” là “đệ nhất anh hùng tử đạo”, là “đường, sự thật và sự sống” (x. Ga 14,6) của chúng ta và được Người ban thưởng hạnh phúc vĩnh cửu cho ai tin tưởng, yêu mến, và thực thi thánh ý Người (x. 1 Cr 2,9).

Hội Thánh khát vọng và bày tỏ lòng kính trọng sâu xa trong thế kỷ này với những chứng tá âm thầm, có thể đó là “những chiến sĩ vô danh” sống và chết không có tượng đại, không ngày tưởng niệm. Họ là anh chị em của Đức Kitô, vì đại cuộc của Thiên Chúa. Hội Thánh Công giáo không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thầy về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những giám mục, linh mục, các tu sỹ nam nữ, những người phối ngẫu, kẻ góa bụa và trẻ em.

Chính vì thế, tử vì đạo thì không bao giờ là bi đát hay tuyệt vọng. Trái lại, sống đức tin trong bình an, vui tươi và hạnh phúc giữa trăm ngàn nỗi gian khổ truân chuyên là cách gặp gỡ Thiên Chúa của “người nhà Thiên Chúa” vào thiên niên kỷ thứ ba này.

Ai là người dám sống và chết cho niềm tin, cho tình yêu, cho chân lý của Tin Mừng? Bao lâu Kitô nhân tẩy xóa được cái tôi ích kỷ hẹp hòi mới có thể trở nên chứng nhân cho Đấng Hằng Sống. Đó là thánh giá thực tế trong cuộc sống đời thường. Chân lý tử đạo là dám chấp nhận cách bình thản, kiên nhẫn, dịu dàng và trung tín khi bị coi thường, phỉ báng, kết án, ganh ghét. Làm chứng cho Tin mừng thì hiển nhiên cần can đảm hy sinh, chịu đựng, khiêm tốn. Biết đâu khi đón nhận sự đau khổ như là một hình thức tử nạn để chết đi mỗi ngày để triệt diệt dục vọng, tham ái; hay luận rằng sự đau khổ càng cao thì lời chứng Tin Mừng càng có giá trị và đáng tin cậy.

Hội Thánh Công giáo là Giáo hội của các vị tử đạo hôm qua và hôm nay và mãi mãi. Hội Thánh luôn cần chứng tá các vị tử đạo. Trong hơn hai ngàn năm lịch sử của mình Giáo Hội đã không bao giờ cởi bỏ chiếc áo đẫm máu tử đạo của mình. Máu Thánh của Chúa Kitô Giêsu và của bao lớp anh hùng hiển vinh tạo nên hiệu năng phụng sự Thiên Chúa và tác thánh thừa tác viên của Giáo Hội phong phú và kiên cường đức tin. Không được ảo tưởng về một Giáo hội tiện nghi, chức vị và không có thử thách. Hội thánh xác định: ra đi truyền giáo cũng là ra đi gieo Tin Mừng bằng máu: đó là chứng tá cao cả của Chúa Kitô phải phản ánh trên mọi thành phần của thân thể Chúa Kitô. Nhận lấy tước hiệu Kitô hữu nghĩa là luôn sẵn sàng sống mãnh liệt niềm tin, và thậm chí hiến dâng mạng sống mình để bảo vệ lòng tin vào Thiên Chúa và tình yêu cho nhân sinh đúng nghĩa. Đó là điều đã xảy ra và đang xảy ra trong thời đại “hậu Vatican II”.

Đức Kitô “Đấng được Chúa thánh hiến và sai đến thế gian” (x. Ga10,36). Sứ mệnh suốt đời hiến mình cho sứ mạng Cứu Thế và cao điểm là hiến mình trên thập giá. Sự thánh hiến của Chúa Giê-su được thực hiện bằng một đời sống vâng phục thi hành ý Chúa Cha, tự nguyện trở nên tôi tớ khiêm tốn phục vụ trong tình yêu, và nhất là bằng việc tự hiến để làm hy lễ trong Giờ của Người, Giờ Tử Nạn và Vinh Quang. Bàn thờ tử đạo của Người là Thập Giá. Thập giá là biểu tượng tử đạo, là con đường thênh thang mở rộng lối vào Phục Sinh cho bản thân và cho mọi người.

Bao hạt lúa phải chịu nghiền nát để trở thành tấm bánh thơm tho, những chứng nhân của Đức Kitô cũng phải chịu nghiền nát như Thầy Chí Thánh trong hy sinh, tự hiến, trong ân cần phục vụ để trở thành tấm bánh Giêsu dễ ăn và bổ dưỡng cho anh em. Con đường tử đạo là công trình âm thầm nướng tấm bánh đời ta trên lửa của Thánh Thần, lửa tình yêu, để nên tấm bánh không men chuyển hóa bản thể thành chính Đức Kitô Giêsu – tấm bánh thánh thơm tho, bổ dưỡng, dễ ăn, được bẻ ra cho mọi người.

Đứng trước một thế giới đang đói, đang khát sự thật, tình thương, hy vọng và sự sống, chứng tá tử đạo là làm điều gì đó để đáp lại tiếng gọi khẩn thiết của những nhu cầu công lý, chân lý và luân lý hôm nay.

Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi vật chất và không cần đến Thiên Chúa, phải chăng chứng tá phù hợp nhất là sống một đời sống đơn sơ, chia sẻ và phục vụ trong vui tươi? Khi con người hôm nay như bị cuốn hút vào cơn lốc của hưởng thụ, khoái lạc, quyền lực, phải chăng cần những chứng ta có phong thái thanh thoát, trong sáng và vô vụ lợi? Làm chứng bao giờ cũng là đi ngược dòng thế gian. Các Thánh Tử đạo đã làm chứng trong thời bị bách hại. Thời đại hôm nay, tử đạo là làm chứng tá Tin Mừng Chúa Kitô trong thời đất nước chuyển mình với thời cuộc. Tử đạo bằn máu hay bằng nước mắt hy sinh âm thầm, người Kitô hữu cũng phải đặt mình trước Thánh giá, dấu hiệu của một tình yêu hiến thân, một sự từ bỏ tận căn, một sự khiêm hạ đến tận cùng.

Đặt Chúa lên trên mạng sống của mình, yêu Chúa, phụng sự tha nhân trên hết mọi sự là nhuần đạo và “tử mỗi ngày cho đạo sống và sống quang minh”.
---
Viết tại Nhà Thờ Thới Sơn
Ngày 14 tháng 10, năm 2016
LM. P.X Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét