Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Câu 3. Tại sao Thiên Chúa Ba Ngôi không thực sự là ba chúa?

Câu 3. Tại sao Thiên Chúa Ba Ngôi không thực sự là ba chúa?


Như Do Thái giáo và Hồi giáo, Kitô giáo là độc thần. Điều đó có nghĩa là Kitô giáo theo niềm tin vào một thần duy nhất. Đa thần là tin tưởng vào nhiều thần. Tuy nhiên, không giống như người Do Thái giáo và người Hồi giáo, người Kitô giáo tin vào một Chúa có Ba Ngôi Vị. Không phải là ba thần như đa thần giáo vốn tin tưởng. Đó là niềm tin rằng có một Chúa nhưng có Ba Ngôi Vị trong một Thiên Chúa. Khái niệm đó được hiểu là Thiên Chúa Ba Ngôi. Thông thường, chúng ta nói rằng 1 + 1 + 1= 3, thế nhưng tại sao ba Ngôi Vị Thiên Chúa lại không được xem là có ba chúa? Vâng, toán học tương tự dạy chúng ta rằng 1x1x1= 1. Ba Ngôi Vị của Ba Ngôi phân biệt chứ không tách biệt. Mỗi ngôi có danh xưng riêng bởi vì mỗi ngôi là một Ngôi Vị riêng biệt: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng chia sẻ một trí tuệ thần linh và ý chí thần linh duy nhất. Điều này có nghĩa rằng những gì Chúa Cha biết thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng biết. Điều gì một Ngôi muốn, thì cả ba đều muốn.
Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm nhất của Kitô giáo. Giáo lý độc thần về Thiên Chúa duy nhất phải được giữ gìn nguyên vẹn nhưng cũng phải tỏ lộ được chân lý mặc khải của Ba Ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất. Một số người có thể nhầm lẫn Thiên Chúa Ba Ngôi với nhiều tính cách hoặc với những biểu lộ hay diễn tả khác nhau của cùng một Thiên Chúa. Như thế là không đúng. Ba Ngôi là một Thiên Chúa, ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Đây là điều tại sao người Kitô hữu cầu khẩn Thiên Chúa Ba Ngôi mọi lúc để Người ban ơn lành cho họ. Chúa Giêsu đã nói khi làm phép rửa “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Trong khi tri thức nhân loại không thể hiểu đầy đủ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, để có được sự hiểu biết về Thiên Chúa như Thiên Chúa biết chính Ngài (và rồi bạn  Thiên Chúa), lý trí nhân loại có thể tiếp cận một số yếu tố của chân lý mặc khải. Thuật ngữ Cha hàm ý có một người con. Nếu Thiên Chúa Cha luôn luôn là Thiên Chúa Cha từ thuở đời đời và không có khi nào Người không là Thiên Chúa Cha, thì ngụ ý rằng Thiên Chúa Con cũng luôn luôn hiện hữu từ thuở đời đời như vậy. Cha của tôi là một người cha, chỉ sau khi tôi là đứa con lớn nhất của ông ra đời. Trong khi cha của tôi đã hiện hữu trước tôi, ông vẫn không là một người “cha” cho đến khi ông có một người con. Cũng tương tự như thế, nếu có một giây phút nào đó không có Chúa Con, thì đồng nghĩa rằng có một thời điểm nào đó không có Chúa Cha. Việc làm cha phụ thuộc vào việc có con cái (cũng như việc làm mẹ). Vì Thiên Chúa Cha và Cha từ thuở đời đời, nên Chúa Con cũng là Con từ thuở đời đời. Việc làm con cũng ngụ ý về cha mẹ. Nó là một từ vốn xác định một mối tương quan. Cha và con là một tương quan. Không có cha nào mà lại không có con và không có người con nào mà lại không có cha.
Hai ngôi vị Cha và Con này thì phân biệt (vì thế có những danh xưng khác nhau) nhưng các ngài không bao giờ tách rời nhau vì các ngài chia sẻ cùng một bản tính và yếu tính thần linh. Cả hai là thần thánh; cả hai đều là Thiên Chúa. Hai Ngôi yêu mến nhau một cách hoàn hảo, vĩnh cửu và vô cùng. Thần Khí – ngôi vị thứ ba là Chúa Thánh Thần. Người là hoa trái của tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Vì cả hai cùng hiện hữu từ thuở đời đời nên cả hai yêu thương nhau từ thuở đời đời. Sự yêu thương lẫn nhau của hai ngôi vị được hiện thân trong Chúa Thánh Thần. Thánh lễ Công giáo bắt đầu và kết thúc bằng dấu thánh giá, linh mục và giáo dân chúc lành cho nhau với tay phải chạm lên trán, ngực, vai trái và vai phải của mình. Trong khi làm như thế, họ nói: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” Linh mục tiếp tục mở đầu thánh lễ với câu: “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Cụm từ này, xuất phát từ Thánh Phao-lô, cho thấy rằng Giáo hội tiên khởi đã tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Kinh Tin Kính các Tông đồ, vốn bắt nguồn từ thời các Thánh Tông đồ (thế kỷ I), và Kinh Tin Kính Công đồng Nicea năm 325, tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 9-10.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét