NGUỒN MẠCH ĐỨC TIN
(CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA)
Bài đọc 2 hôm nay (Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa – 1Ga 5, 1-9) nói về “lời chứng của Thiên Chúa” là nguồn mạch đức tin, đó là: “Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều… đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.” Vì thế, Giáo hội đã dành lễ mừng kỷ niệm Chúa Giê-su chịu Phép Rửa để kết thúc mùa Giáng Sinh và đưa con cái mình vào nhịp sống thường niên, nối dài việc suy niệm và mời gọi các tín hữu sống chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa trong suốt năm Phụng vụ, cũng là năm Sống Đức Tin của mình. Không như ngày nay – ngoại trừ các tân tòng ở tuổi trưởng thành – các tín hữu thường chịu phép rửa vào tháng đầu tiên khi mới sinh ra. Trong khi đó Chúa Giê-su lại chịu phép rửa ở cái tuổi mà người đời thường gọi là “tam thập nhi lập” (30 tuổi tự lập thân). Sự kiện này mang ý nghĩa gì? Tại sao Chúa không chịu phép rửa ngay từ khi Đức Mẹ dâng Chúa trong đền thờ (khi Người mới được 8 ngày tuổi)? Có mấy ý cần suy niệm:
* Đức Ki-tô Thiên Chúa mặc xác phàm đã đến như một người bình thường và đã như mọi người khác chịu phép rửa bởi thánh Gio-an Tẩy Giả. Đây lại một lần nữa Đức Giê-su Ki-tô tỏ mình ra cho mọi người biết, thông qua thánh Gio-an Tẩy Giả là người đã giới thiệu về Chúa: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người, Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.” (Mt 3, 11).
* Thông qua phép rửa ở tuổi trưởng thành mở đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su còn muốn dạy mọi người về đức vâng phục của Người đối với Thiên Chúa Cha. Nếu Chúa Giê-su chịu phép rửa ngay từ khi còn nhỏ (ngày Đức Mẹ dăng Chúa trong Đền thờ, được Si-mê-on ẵm kính và nói tiên tri về Người), lúc đó với thân phận làm người nơi một trẻ sơ sinh, thì ý nghĩa phép rửa chỉ tập trung vào cha mẹ của trẻ sơ sinh đó. Phải đợi tới tuổi tự lập thân (không nhờ cậy vào cha mẹ nữa) có đầy đủ ý thức, tri thức thì việc làm mới thực sự xuất phát và tập trung vào chính bản thân mình. Với loài người là như thế và chỉ có thể như thế mà thôi. Nhưng đây lại là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật mặc lấy xác phàm, thì việc chịu phép rửa không chỉ là tỏ mình ra (cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện xác định chính Đức Giê-su là Con và cũng là Ngôi Hai Thiên Chúa), mà còn chứng tỏ Ngôi Con tuyệt đối vâng phục thánh ý Ngôi Cha, xuống thế làm người chịu khổ hình để cứu chuộc nhân loại.
Từ 2 ý chủ đạo trên, Thánh ý mạc khải của Thiên Chúa nổi bật lên:
1- Mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Đây là lần mạc khải công khai có đủ 3 Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện: Ngôi Hai đang chịu phép rửa thì “Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu (Ngôi Ba) ngự xuống trên mình” (Mc 1, 10); rồi “Lại có tiếng từ trời (Ngôi Thứ Nhất) phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." (Mc 1, 11).
2- Mạc khải Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa: Khi tầng trời mở ra thì chính Thiên Chúa Cha đã xác nhận (“Đây là Con Ta yêu dấu”) và kêu gọi mọi người hãy lắng nghe và vâng theo Lời Người (“các con hãy vâng nghe Lời Người”) để có thể đón nhận hồng phúc vô biên của Thiên Chúa.
3- Mạc khải ý nghĩa và giá trị phép rửa của Chúa Giê-su: Chính thánh Gio-an Tẩy Giả đã khẳng định: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3, 11). Một cách cụ thể, đó chính là hy tế thập giá (”Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất “ – Lc 12, 50 ) Chúa Giê-su sẽ thực hiện để rửa sạch tội lỗi cho mọi người nếu biết ăn năn sám hối.
Thực ra, phép rửa mà thánh Gio-an Tẩy Giả làm trên sông Gio-đan chỉ là một nghi thức tượng trưng (dùng nước để tẩy sạch vết nhơ); phép rửa này chưa phải là một bí tích và thực chất cũng chưa có khả năng tẩy xoá tội lỗi, chưa có năng lực ban ơn thánh hoá. Chính vì thế, thánh nhân mới kêu gọi, thúc giục mọi người phải sám hối ăn năn (“Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối” – Mt 3, 11), cải thiện đời sống để được thực sự thanh tẩy. Do đó nên có thể khẳng định khi Chúa Giê-su chịu phép rửa thì không phải Người đến để nhờ thánh Gio-an Tẩy Giả thanh tẩy, vì Người là Thiên Chúa thì không thể có tì vết trong tâm hồn được. Đức Ki-tô đến chịu phép rửa để một lần nữa tỏ mình ra cho mọi người, đồng thời còn thông qua thánh Gio-an để giới thiệu về một Phép Rửa – một bí tích Thánh Tẩy – do chính Người thực hiện, có đầy đủ khả năng tẩy uế tâm hồn con người, đồng thời còn giúp con người chiến thắng sự chết. Phép Rửa đó đã được thánh Gio-an gọi là “Phép Rửa trong Thánh Thần và Lửa” – Phép Rửa đó là chính hy tế Thập Giá vậy.
Tuy nhiên, dù là phép rửa mang tính nghi thức như thánh Gio-an thực hiện trên sông Gio-đan hay Phép Rửa thật sự mà Đức Giê-su Ki-tô thực hiện, thì hiệu quả đạt được vẫn luôn luôn và mãi mãi là ở đối tượng lãnh nhận. Thực thế, nếu những hài nhi được lãnh phép rửa trong tháng đầu tiên của cuộc đời mình, khi đó chưa ý thức được, và sau này nếu không được sống trong môi trường lành mạnh và nhất là được giáo dục tốt, thì hiệu quả phép rửa cũng là số không. Còn những người lãnh nhận phép rửa ở tuổi trưởng thành, nếu không ý thức được trách nhiệm trước một mầu nhiệm cao cả mà mình đựoc đón nhận, thì rốt cuộc cũng chỉ là “Nước đổ lá khoai” hoặc “nước đổ đầu vịt” mà thôi!
Vì thế, khi thánh Gio-an làm phép rửa cho mọi người thì ngài luôn luôn kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối. Kinh Thánh cũng không ít lần nhắc lại ý nghĩa đó: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần." (Cv 2, 38); ”Khi được rửa tội là anh em được an táng với Đức Ki-tô, và trong phép rửa tội anh em cũng được sống lại với Đức Ki-tô. Anh em đã từng bị chết về mặt tinh thần, nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Ki-tô.“ (Cl 2, 12-13 ). Đến ngay cả Đức Giê-su Ki-tô cũng luôn luôn kêu gọi: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19); “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2).
Chính vì thế, nên khi được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, cùng với việc được chính thức nhận là con cái Thiên Chúa, được gia nhập hàng ngũ đoàn chiên của Chúa là Giáo hội, người tín hữu còn được một vinh dự làm bạn với Đức Giê-su Thiên Chúa trong danh hiệu Ki-tô hữu. Đồng thời với những vinh dự vô cùng cao quý đó, thì người Ki-tô hữu còn phải ý thức trách nhiệm cao cả và nặng nề là làm “muối, men và ánh sàng cho trần gian” (Mt 5, 13-14), làm chứng nhân sống cho “Thập giá Chúa Ki-tô niềm vinh dự của ta, Thập giá Chúa Ki-tô đã khơi nguồn ơn thánh hoá. Nhờ máu nước Tim Ngài từ khổ giá tuôn trào, thành nguồn ơn giải thoát cứu độ ta…” (TCCĐ). Một cách cụ thể thì đó chính là được cùng với Vua Giê-su làm vua (vương giả), làm sứ giả loan báo Lời (ngôn sứ) và sẵn sàng hiến tế đời mình (tư tế) làm của lễ toàn thiêu cho công trình Cừu Chuộc.
Ôi! Lạy Chúa! Xin Chúa ban Thần Khí cho con để con có đủ dũng khí thực hành Lời Chúa dạy: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Trước sóng gió ba đào hoài nghi của cuộc đời, xin Chúa ban cho con lòng can đảm luôn vững niềm tin vào Thiên Chúa Cứu Độ, để con biết đem chính niềm tin của mình chia sẻ cho anh em. Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa).
JM. Lam Thy ĐVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét