Trang

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Tìm hiểu đoạn Kinh Thánh St 22,1-19: “Ông Abraham dâng Isaac làm lễ tế”


Tìm hiểu đoạn Kinh Thánh St 22,1-19: “Ông Abraham dâng Isaac làm lễ tế”






Môn Học: Tìm Hiểu Ngũ ThưGiáo Sư: Phạm Tuấn Nghĩa, SJ.Học Viên: Nguyễn Đức Thắng, SJ.
Câu chuyện Abraham hiến tế Isaac diễn tả sự giằng co giữa niềm tin vào lời hứa và sự vâng phục đối với Thiên Chúa. Nó cũng là điển hình một đời sống bước đi trong đức tin. Tác giả bài viết muốn tìm hiểu và làm sáng tỏ câu chuyện này, dưới cái nhìn chú giải bản văn, hầu hy vọng sẽ tìm thấy nơi đây những bài học bổ ích cho hành trình đức tin của chính mình hay của những ai muốn rảo bước trên hành trình đức tin ấy.
DẪN NHẬP
Đề cập tới gương mẫu của lòng tin, người ta không thể không nhắc đến Tổ Phụ Abraham – người thường được gọi như là cha của kẻ tin. Câu chuyện Thiên Chúa thử thách Abraham trong chương 22 của Sáng Thế là một bằng chứng cụ thể cho thấy rõ đức tin và sự vâng phục của ông đối với Thiên Chúa. Chính vì thế, trong phần dưới đây, người viết muốn tìm hiểu và làm sáng tỏ bản văn Kinh Thánh St 22, 1-19 này, với hy vọng rằng sẽ tìm thấy nơi đây những bài học bổ ích cho hành trình đức tin của chính cá nhân hay ai muốn rảo bước trên hành trình đức tin này. Tuy nhiên, trước khi phân tích bản văn để khám phá ra những bài học từ kinh nghiệm của Abraham, chúng ta hãy quan sát bối cảnh bản văn để hiểu hơn về ý nghĩa của nó.
QUAN SÁT BỐI CẢNH CỦA BẢN VĂN
Từ sáng thế chương 12, khi Thiên Chúa gọi Abraham rời bỏ xứ sở để bước vào cuộc hành trình đức tin, ông đã được hướng dẫn để sống kinh nghiệm tín thác vào Thiên Chúa. Khi rời bỏ quê hương xứ sở, Thiên Chúa đã hứa ban cho ông một đất, một dân và một lời chúc phúc. Tuy nhiên, cho tới chương 22 này, chưa có điều nào trong các lời Thiên Chúa hứa thành hiện thực, ngay cả một chút hy vọng vừa mới le lói trong các lời hứa ấy là “Isaac”-“đứa con của Lời hứa” giờ đây cũng đang bị Thiên Chúa “toan tính dập tắt”.
Câu chuyện chương 22 này khởi đầu bằng cụm từ “sau các sự việc đó” dường như cho thấy sự nối tiếp, liền lạc với chương 21 nói về câu chuyện của Ishmael và câu chuyện lập giao ước với vua Abimelech. Nhưng nếu phân tích nội dung chúng ta thấy rằng ắt hẳn câu chuyện ở chương 22,1-19 này phải xảy ra sau đó ít nhất vài năm so với câu chuyện mẹ con Ismael bị đuổi đi ở chương 21. Như thế, bây giờ Isaac mới đủ lớn để có thể vác củi lên núi (22,6). Tuy nhiên, nếu xem xét bối cảnh bản văn, chúng ta thấy rằng dường như hai câu chuyện này diễn tả một nội dung liền lạc với nhau vì biến cố bà Hagar và Ishmael bị đuổi đi cũng làm cho Abraham đau lòng, buồn bực (22,11-12). Nỗi buồn sầu này giờ đây bị đẩy lển đến cực điểm khi Thiên Chúa ra lệnh sát tế Isaac – Đứa con của lời hứa và lời chúc phúc. Việc Abraham phải xa Ishmael đã là một khó khăn và đau khổ đối với ông. Thế mà bây giờ ông còn bị thử thách lớn lao hơn khi phải tự tay sát tế Isaac. “Trả lại” cho Thiên Chúa đứa con một mà Ngài đã ban cho mình là thử thách lớn nhất của Abraham. Bởi vì đối với Abraham đây không chỉ đơn thuần là sát tế đứa con, nhưng đó cũng là thử thách lớn lao về lòng tin của ông. Nếu đứa con này mất, thì tất các những gì Thiên Chúa hứa với ông cũng không còn ý nghĩa.[1]
Phần cuối câu chuyện ở chương 22 là việc sứ thần ngăn cản Abraham sát tế Isaac và chúc phúc cho ông. Một tương lai mới dường như được mở ra khi phần tiếp nối của câu chuyện này (St 22, 20-24) nói về dòng dõi của ông Nakho, trong đó có đề cập tới bà Rêbeca – người sau này sẽ trở thành vợ Isaac. Các chương tiếp theo sau kể về việc bà Sara qua đời và việc Isaac lấy bà Rêbeca (chương 23- 24). Như thế, “nút thắt” của lời chúc chúc dường như đã được giải gỡ. Lời Thiên Chúa hứa cho dòng dõi Abraham dường như đang bắt đầu trở thành hiện thực, dù còn phải thời gian lâu sau lời hứa ấy mới thành hiện thực hoàn toàn.
PHÂN TÍCH BẢN VĂN:
Cấu Trúc Bản Văn
Câu 1-2: Chúa thử lòng bằng cách ra lệnh cho Apraham sát tế con một
câu 3-10: Abraham mau mắn thực thi lệnh truyền
Câu 11-14: Sự Can Thiệp Của Sứ Thần Đức Chúa
Cấu 15-19: Đức Chúa đã chúc phúc cho Abraham
Từ câu 1-19 chương 22 của sách Sáng Thế Ký, Kinh Thánh kể cho chúng ta câu chuyên Thiên Chúa ra lệnh cho Abraham sát tế con trai yêu dấu của mình là Isaac. Câu chuyện này được trình bày và phác họa nhằm cho thấy sự tín thác của Abraham vào Thiên Chúa tuyệt đối.
Mở đầu câu chuyện, tác giả thánh kể rằng Thiên Chúa muốn thử lòng ông Abraham (câu 1) và do đó ngài truyền lệnh cho Abraham phải  đem người con một yêu dấu của mình đến xứ Môrigia và sát tế dâng cho Người (Câu 2).
Từ câu 3-10 cho thấy sự mau mắn vâng phục của Abraham. Hàng loạt động từ “dậy sớm”, “thắng lừa”, “chẻ củi”, “đem  theo đầy tớ và con trai”…diễn tả ông không do dự chút nào nhưng tuân phục tuyệt đối lệnh truyền của Thiên Chúa (câu 3). Với sự vâng phục này, ông cùng con trai và các đầy tớ lên đường đi tới nơi Thiên Chúa đã định, dù có thể trong lòng rất đau khổ. Ông sắp xếp cho các đầy tớ lưu lại dưới chân núi và cùng với Isaac lên núi để dâng lễ (câu 4-6).[2] Câu trả lời của Abraham về thắc mắc của Isaac phải chăng cho thấy sự tín thác nơi ông: “chiên làm lễ chính Thiên Chúa sẽ liệu” hay đó là cách nói tránh che dấu tình trạng đau khổ bối rối nơi ông lúc này (câu 7-8). Tới nơi tế lễ, tác giả mô tả chi tiết từng việc Abraham làm để chuẩn bị sát tế (“dựng bàn thờ”, xếp củi lên”, “trói Isaac lại và đặt lên bàn thờ, trên đống củi”) (9-10).
Những câu tiếp theo từ câu 11-14 cho thấy sự can thiệp của sứ thần Đức Chúa từ trời ngăn cản Abraham sát tế con. Và Thiên Chúa đã quan phòng cho ông thấy con cừu đang bị mắc sừng trong bụi cây để làm của lễ toàn thiêu thay cho Isaac. Điều này xảy ra đúng như lời ông đã trả lời cho Isaac khi cậu thắc mắc về của lễ dâng (câu 11–14).
Cuối cùng, như là hệ quả của việc vâng phục này, Thiên Chúa đã lặp lại lời thề hứa mà Người đã nói với ông trước đây “ban phúc cho ông, làm cho dòng dõi nên đông đảo, và mọi dân sẽ nhờ ông được phúc lành” (câu 15–19).
So Sánh Với Cấu Trúc Của Các Tác Giả Khác
Theo G. J, Wenham[3] , ông phân chia cấu trúc bản văn theo cách đối xứng như sau như sau
Giới thiệu (1a)     
  1. Lệnh truyền của Đức Chúa “hiến tế con của ngươi” (1b–2)     
  2. Sang ngày hôm sau (3)     
  3. Ngày thứ 3 tại chân núi (4–6b)     
  4. Hành trình lên núi (6c–8)
  5. Chuẩn bị sát tế con (9–10)    
  6. Thiên thần can ngăn sát tế (11–18)     
Phần kết: Trở lại Beersheba (19)
Còn theo Arno Geebelein, [4] ông lại phân chia như sau:
  1. Mệnh lệnh của Đức Chúa ( 1)
  2. Sự vâng phục của Apraham 3–6.
  3. Câu hỏi của Isaac và Apraham trả lời 7–8.
  4. Isaac bị đặt lên bàn thờ 9–10.
  5. Sự can thiệp từ Trời cao 11–12.
  6. Sự quan phòng của Đức Chúa 13–14.
  7. Sứ điệp lần thứ hai và Apraham trở về 15–19.
  8. Một Vài Ý Tưởng Chính Dựa Theo Cấu Trúc
Thiên Chúa thử lòng Abraham
Kinh Thánh nhiều lần đề cập đến từ ngữ נָסָה (nasah)  (thử lòng, thử thách). Từ ngữ này thường mang ý nghĩa là muốn kiểm tra thử xem khả năng, kiến thức hay thái độ… của một người nào đó. Chẳng hạn, nữ hoàng Shaba đặt ra các câu đó để thử tài vua Salomon (1V 10,1). Daniel và các bạn chịu thử thách bằng cách chỉ được ăn rau và uống nước (Dan 1,12;14). Trong Sách Đệ Nhị Luật và Xuất hành, chúng ta cũng có thể thấy nhiều đoạn văn đề cập tới việc Thiên Chúa thử thách Israel trong samạc (Xh 15,25; 16,4; 20,20; Đnl 8,2;16). Thiên Chúa cũng thử thách Israel qua các ngôn sứ giả để xem dân có trung thành với Ngài không (Đnl 13,4) hay Thiên Chúa thử thách bằng cách để cho họ bị ngoại bang áp bức (Tl 2,22; 3,1,14).
Mục đích của các thử thách hay kiểm tra này cách chung là để nhìn xem thái độ và tâm hồn của của Israel thế nào, nghĩa là thử xem họ có trung thành với mệnh lệnh của Thiên Chúa hay không (Đnl 8,2; xh 16,4). Thử thách cũng là để mang lại cho họ một điều gì đó tốt hay hạnh phúc hơn (Đnl 8,16, Dt 12,5-11). Điều này cũng dường như đúng trong trường hợp của Abraham ở đây.[5] Thử thách này đặt ông vào trạng huống khó khăn và đau khổ nhưng giúp ích cho ông.[6] Thiên Chúa muốn thử lòng ông để xem ông có kính sợ người thật hay không.[7]
Ngoài ra chúng ta cũng cần lưu ý rằng từ ngữ thử lòng, thử thách ở đây, nếu xét trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, thì nó thường chỉ được dùng cho theo một chiều. Nghĩa là Chỉ Thiên Chúa có quyền thử thách con người mà thôi. Và con người không được phép thử thách Thiên Chúa (Xh 17,7; Ds 14,22).
Kính sợ Đức Chúa (יָרֵא (yare)
Trong Kinh Thánh chúng ta có thể bắt gặp nhiều lần đề cập đến việc “kính sợ Đức Chúa”. Chúng ta có thể thấy vài ý nghĩa mô tả về sự kính sợ này. Trước hết, trong Kinh Thánh, sự kính sợ này thường được diễn tả như một hành vi tôn giáo. Và nó thường đồng nghĩa với việc đi theo đường lối của Đức Chúa, yêu mến và phụng sự người hết lòng hết dạ (Đnl 10,12; Gv 12,13; St 20,11, Tv 34,11; Cn 1,7; Is 11,2-3; Rm 3,18; Dt 6,13). Như thế, kính sợ Thiên Chúa ở đây cũng có nghĩa việc chê ghét sự dữ, thói kiêu căng, ngạo mạn và lối sống bất lương (Cn 8,13;16,6).
Thứ đến, thái độ kính sợ Đức Chúa này cũng diễn tả sự đáp trả của con người đối với Thiên Chúa. Việc được Thiên Chúa thử lòng và việc kính sợ Ngài thường đi liền với nhau. Thiên Chúa đã sáng kiến thử lòng Abraham để xem ông có kính sợ Ngài hay không. Điều này tương tự với điều Ngài sẽ đòi hỏi đối với dân Israel: Thiên Chúa thử thách và làm cho Israel luôn kính sợ người (Xh 20,20).
Hơn nữa, sự kính sợ này thường diễn tả sự tôn kính Thiên Chúa hơn nỗi sợ bị trừng phạt vì không vâng lời. Do đó “kính sợ Đức Chúa” này diễn tả một sự tự nguyện, vui thích hướng về Thiên Chúa hơn là một thái độ miễn cưỡng (Gs 4,24; 1Sm 12,24; G 6,14; Tv 33,8; 34,9; Cn 23,17; Gv 5,7). [8] Ngoài ra, kính sợ Đức Chúa là đòi hỏi cần thiết đối với một người lãnh đạo, một tư tế (Xh 18,21; 2 Sb 19,9) và đó được coi như là một trong những phẩm tính của Đấng Messiah (Is 11,2-3).
Thiên Chúa sẽ liệu (câu 8 và 14)
Nghĩa phổ biến của động từ רָאָה ra’ah  này trong tiếng Do Thái là “nhìn, xem xét” (xem St 1,4; St 6,2; 1Sa 16,7). Tuy nhiên bối cảnh câu chuyện cho chúng ta thấy rằng “nhìn, xem xét” ở đây không chỉ là một cái nhìn bình bình thường, bàng quan nhưng đúng hơn đó dường như là cái nhìn dẫn đến hành động của Thiên Chúa. Ngài sẽ định liệu mọi sự tốt đẹp nhất cho con người.[9] Vì thế, người ta còn thường dịch động từ רָאָה ra’ah  này là “lo liệu”, “quan phòng”. Ý nghĩa của động từ một lần nữa xuất hiện trong câu 14, “ông Abraham đặt tên cho nơi đó là nơi Đức Chúa sẽ liệu. Bởi đó bây giờ có câu trên núi Đức Chúa sẽ liệu.” trước sự can thiệp của sứ thần Đức Chúa và sự xuất hiện lạ lùng của con cừu bị mắc sừng trong bụi cây như được nói tới trong câu 13, Abraham đã thấy được sự an bài kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngài đã can thiệp và lo liệu sẵn cho ông. Điều ông nói với Isaac “Thiên Chúa sẽ liệu” ở câu 8 giờ đây được ứng nghiệm. Lời này như một sự diễn tả sự tín thác trọn vẹn nơi ông vào Thiên Chúa. Vì thề, ông đặt tên cho nơi ấy là nơi Thiên Chúa sẽ liệu.[10]
Thiên Chúa chúc phúc ( בּרךְ barak ) cho Abraham và lặp lại lời hứa với ông
Nhiều lần trong Kinh Thánh chúng ta có thể thấy đề cập tới việc “chúc phúc”. Trong Kinh Thánh Thiên Chúa được coi như là cội nguồn của lời chúc phúc. Vì thế, trước nhất chúc phúc ở đây có thể là Thiên Chúa chúc phúc cho con người, chẳng hạn như trường hợp của  Noah (St 9,1-3) hay trường hợp của Abraham ở đây. Sự chúc phúc cũng có thể diễn ra giữa con người với nhau khi họ nhân danh Đức Chúa; và lời chúc phúc ấy thường gắn chặt với cầu nguyện, chẳng hạn Ds 6,23-26; St 27,27-29; 1Sb 4,10. Cũng có những trường hợp Thiên Chúa lấy lại lời chúc phúc (chúc dữ) vì họ bất tuân lệnh Ngài, như việc Adam và Eva bất tuân (St 3,16-9).
Trong đoạn Kinh Thánh về Abraham chúng ta đang tìm hiểu ở đây, Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông và xác nhận lại lời hứa Ngài đã phán với ông ở St 12, 2-3. Ngài sẽ ban cho ông một đất, một dân và thành một mối chúc lành. Trong câu chuyện này, sau khi Abraham đã vâng lệnh Ngài (St 22, 16), Thiên Chúa không chỉ xác chuẩn lại lời hứa trên nhưng còn làm cho nó củ thể hơn nữa: “làm cho dòng dõi  ông  nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biểnDòng dõi ông sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ông” (St 22,17-18). Điều kiện để được nhận lãnh lời chúc phúc của Thiên Chúa là vâng phục và kính sợ Ngài (câu 18, và 12).
NỐI KẾT ĐOẠN VĂN VỚI ĐOẠN TIN MỪNG MT 9,1-8
Sách Sáng Thế đã tường thuật cho chúng ta câu chuyện Thiên Chúa thử lòng Abraham. Thiên Chúa là chủ thể hành động, Ngài chủ động đưa Abraham đi vào cuộc thử thách nhằm làm cho ông lớn lên hơn trong tương quan đối với Ngài. Đây là thử thách cam go nhất mà Abraham đã phải trải qua trong hành trình đức tin của mình. Từ khi bước theo tiếng Chúa gọi, ông đã bắt đầu phải học từ bỏ. Trước hết là đó là bỏ quê hương xứ sở, bỏ những gia đình thân tộc, bỏ sự ổn định của đời sống hiện tại để bước vào một tương lai chỉ với các lời hứa của Thiên Chúa. Ngài hứa sẽ làm cho ông thành một dân lớn, sẽ làm cho dòng dõi ông nên đông đúc và sẽ làm cho ông thành một mối chúc lành.
Vâng lời Đức Chúa, Abraham đã bước đi trong sự mông lung và mịt mờ của lời hứa này. Ông đã kiên vững bước đi trong sự mịt mờ ấy nhưng vẫn một lòng tín thác vào Thiên Chúa. Như sách Do Thái nói cho chúng ta : Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu (Dt,11,8). Hôm nay, Thiên Chúa tiếp tục thử thách ông bằng việc ra lệnh cho ông phải sát tế Isaac làm lễ toàn thiêu.
Isaac là đứa con sau bao năm chờ đợi, đứa con mà ông dành trọn vẹn yêu thương, đứa con vén mở cho ông một chút về tương lai của lời hứa mà Đức Chúa đã nói với ông… Ông có thể tự hỏi Tại sao Thiên Chúa lại đòi hỏi một điều có vẻ mâu thuẫn như thế? Tại sao Thiên Chúa không chọn cách khác? Thử thách Abraham đang phải đối diện sâu hơn nhiều so với các cuộc thử thách ông đã trải qua. Mệnh lệnh Thiên Chúa truyền cho ông lúc này đụng chạm tới chỗ sâu thẳm trong con người ông. Mệnh lệnh này thách thức chính niềm tin của ông và nó có thể dập tắt mọi hy vọng trong lòng ông. Cuối cùng Abraham đã chọn lựa ra sao?
Kinh Thánh nói cho ta biết rằng, dầu phải đau khổ dằn vặt, nhưng ông đã hoàn toàn vâng lệnh Đức Chúa. Ông đã dắt Isaac lên núi để sát tế cho Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa Đấng không bao giờ chịu thua lòng quảng đại và sự vâng phục của con người. Ngài chẳng những đã ngăn Abraham sát tế con mình. Hơn thế nữa Thiên Chúa còn chúc phúc và lặp lại lời chúc phúc Ngài đã hứa với ông. Như sách Do Thái nói cho chúng ta: “Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một… Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Dt, 8,7-19).
Một điều quan trong khác mà chúng ta thấy ở đây là: qua lòng tin và sự vâng phục của Abraham, Thiên Chúa đã chúc phúc cho dòng dõi ông, và mọi dân tộc khác trên mặt đất cũng được chúc phúc (St 22,17-18; Cv 3,13). Điều này càng được sáng tỏ hơn khi đọc dưới ánh sáng tin mừng Mt 9:1-8: Đức Giêsu đã ra tay chữa cho người bại liệt nhờ lòng tin của những người mang anh đến. Thấy họ có lòng tin như vậy Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi. Hóa ra niềm tin vào Đức Kitô không chỉ mang lợi ích cho chính bản thân mỗi người nhưng niềm tin ấy còn giúp củng cố, chữa lành những người xung quanh chúng ta.
Mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta phải đối diện với biết bao những khó khăn, vất vả. Thử thách là điều tuyệt đối chúng ta không thể tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn sống được tâm tình của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng. Ngài là Cha yêu thương và sẵn sàng ban ơn cho cho chúng ta và cho tất cả những ai mà chúng ta cầu xin cho họ với lòng tin tưởng.
Hơn nữa, giữa một thế giới đề cao vật chất và chủ nghĩa lợi lộc cá nhân, đức tin của chúng ta đôi khi cũng nhuốm màu thực dụng. Ước gì chúng ta cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của tổ phụ Abraham, sẵn sàng trao cho Thiên Chúa tất cả những gì quý giá nhất của cuộc sống mình trong niềm tin tưởng và hy vọng. Chính Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu và biết rõ tất cả và hằng mong muốn ban cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất. Xin Chúa cho chúng ta biết sống niềm tin, dù cho có gặp nhiều cản trở, nhờ đó chúng ta sẽ nhận được ơn lành của Chúa, và củng cố niềm tin cho nhiều người xung quanh chúng ta.
[1] Theo Wasterman, những thử thách của Abraham đã trải qua trong hành trình đức tin có một sự tăng dần, nghĩa là ngày càng thách đố hơn. Theo đó, câu chuyện đầu tiên (St 12, 1-4) Thiên Chúa thách thức ông phải bỏ đi những gì thuộc về quá khứ của ông. Còn ở đây (St22,1-19), câu chuyện cuối cùng nói về hành trình đức tin của ông Thiên Chúa muốn thử thách ông phải đoạn tuyệt với tương lai.(xem The New Interpreter’s Bible – A Commentary in Twelve Volumes, volume I. (Nashville: Abingdon Press, 1999, tr 495). Cũng vậy, Ross và Oswalt cho rằng thử thách lớn nhất trong đời Abraham chính là việc Thiên Chúa yêu cầu sát tế người con của lời hứa, người con mà ông đã dành nhiều yêu thương và đặt để nhiều niềm hy vọng nơi cậu (A Ross, & J. Oswalt, Cornerstone biblical commentary, Vol.1: Genesis, Exodus, Carol Stream, IL: Tyndale House Publishers, 2008, tr.141.
[2] Theo Martini, Abraham ý thức một điều gì đó không đoán trước được sắp xảy ra giữa ông và Thiên Chúa. Ông không muốn bất kỳ nhân chứng nào, thậm chí con lừa cũng không. Không ai được phép thấy điều sắp xảy ra. (M. Martini, Abraham – cha đức tin của chúng ta, NXb Tôn giáo,2013,tr.119 (bản dịch Tiếng Việt của Vũ Thị Hồng Thủy.)
[3] G.J.Wenham, Word Biblical Commentary : Genesis 16-50, Vol. 2, Dallas: Word, Incorporated, 2002, tr.100.
[4] A. C. Gaebelein, The Annotated Bible, Volume 1: Genesis to Deuteronomy. Bellingham, WA: Logos Research Systems, Inc, 2009, tr.56.
[5] Trong khi có một số lập trường cho rằng Thiên Chúa quá tàn nhẫn và ác độc khi truyền lệnh cho Abraham sát tế con, Ross và Oswalt lý luận rằng vì Abrham không biết Thiên Chúa thử thách mình, ông chỉ biết khi sứ thần Đức Chúa ngăn cản giết Isaac và chuẩn nhận đức tin của ông. Như thế, Đối với Abraham, Thiên Chúa rõ ràng không có ý định bắt ông làm hại, sát tế con của mình và chắc chắn Ngài không bao giờ làm như thế. Ngược lại Ngài còn lên án điều đó, chẳng hạn trong Lv 18,21; Jer 32,35. (A Ross, & J. Oswalt,Cornerstone biblical commentary, Vol.1: Genesis, Exodus, Carol Stream, IL: Tyndale House Publishers, 2008, tr.141. Cũng vậy, theo Jeske, việc đặt Abraham vào thử thách thật ra chẳng có lợi ích gì cho Thiên Chúa, nhưng tất cả chỉ vì lợi về phần thiêng liêng của Abraham. Ông dành tình yêu cho Isaac là hợp lý nhưng dẫu sao tình yêu dành cho Thiên Chúa cũng phải là uy tiên hàng đầu. (J. C. Jeske, Genesis (2nd ed.), Milwaukee, Wis.: Northwestern Public House, 2001, tr.181.
[6] Ở đây tôi đồng ý với Butler khi ông phê bình bản dịch KJV khi dùng từ “tempt”thay cho từ “test” trong bản dịch.  Theo Butler, nếu nói rằng “God did tempt” (St 22,1) thì dường như luôn mang nghĩa tiêu cực và đánh mất đi ý nghĩa tích cực của từ “test – thử thách” là để mang lại ích lợi cho đối tượng được thử thách ấy. (xem J. G. Butler, Analytical Bible Expositor: Genesis, Clinton, IA: LBC Publications, 2008, tr.204.
[7] Jeske nhấn mạnh cho chúng ta rằng: Đừng quên rằng Abraham không hề biết trước đây là thử thách của Thiên Chúa. Trong thâm tâm của ông, Isaac là chính là người con của lời hứa nhưng đó cũng là đứa con mà Thiên Chúa muốn ông sát tế lúc này. (J. C. Jeske,Genesis (2nd ed.), Milwaukee, Wis.: Northwestern Public House, 2001, tr.182.
[8] Ở điểm này, Brueggemann and Wolff cho rằng “kính sợ Đức Chúa ” cơ bản không phải chỉ là một thái độ tôn kính nhưng đúng hơn là một sự vâng phục, không giữ lại bất cứ điều gì ngay cả điều quý giá nhất của mình nhưng hoàn toàn tín thác cho Thiên Chúa tương lai” (E. F. Roop, Genesis– Believers church Bible commentary, Scottdale, Pa.: Herald Press, 1987, tr.148). Trong khi đó, theo Wenham,  “kính sợ Đức Chúa” là một lối nói phổ biến trong Cựu Ước, và thường diễn tả sự tôn kính Thiên Chúa bằng việc thờ phượng và sống một lối sống ngay thẳng. (G. J.Wenham, Word Biblical Commentary : Genesis 16-50, Vol. 2, Dallas: Word, Incorporated, 2002, tr.110). Còn Giáo phụ Origen giải thích việc kính sợ này như sau: “ nếu ta không vâng phục tất cả các mệnh lệnh, ngay cả những mệnh lệnh khó khăn nhất, nếu ta không dâng lễ toàn thiêu và diễn rằng ta coi cha mẹ, con cái hơn Thiên Chúa, chúng ta không kính sợ Thiên Chúa” (M. Sheridan, Genesis 12-50– Ancient Christian Commentary, Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 2002, tr.107).
[9] Theo Karl Barth bình luận: động từ רָאָה ra’ah  ở đây “diễn tả một sự an bài trước và cẩn thận của Thiên Chúa bằng cách đặt sẵn một con cừu ở đó để chịu sát tế thay cho Isaac” (Karl Barth, Church Dogmatics III, Edinburgh, T. & T.Clark, 1961a, tr.35.)
[10] Theo Wenham, Giống như Hagar (St 16,13-14) đã thấy được sự chăm sóc của Đức Chúa,  Abraham ở đây cũng đã thấy sự quan phòng của Thiên Chúa. Hagar cũng đặt tên cho nơi đó để khắc ghi mai việc Thiên Chúa đã làm cho mình. Abraham cũng đặt tên cho nơi Thiên Chúa thi ân cho mình là nơi Đức Đức Chúa sẽ liệu để ghi nhớ sự quan phòng của Ngài. (G.J.Wenham, Word Biblical Commentary : Genesis 16-50, Vol. 2, Dallas: Word, Incorporated, 2002, tr. 110).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét