Trang

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Có quá nhiều đồ chơi làm hại cho óc sáng tạo của các em bé còn nhỏ


fr.aleteia.org, Morgane Macé, 2017-12-18
Theo một nghiên cứu của trường Đại học Toledo ở Mỹ, có quá nhiều đồ chơi ảnh hưởng trên sự sáng tạo của các em bé nhỏ nhất. Nếu chơi là tối quan trọng trong sự phát triển của trẻ con, thì chọn lựa đồ chơi cũng quan trọng không kém. Trò chơi lắp ráp (puzzle) hay máy tính nhỏ, bút chì màu hay súng nước, nên lựa đồ chơi nào cho trẻ con để kích thích óc sáng tạo của chúng?
Có quá nhiều đồ chơi phức tạp và thừa mứa không nhất thiết là tốt cho óc sáng tạo của trẻ con. Đúng vậy, khi các em bé còn rất nhỏ mà đã có quá nhiều chọn lựa, thì sẽ làm cho khả năng chú ý của các em không được phát triển.
Nghiên cứu của trường Đại học Toledo đưa ra những điểm nào và các bác sĩ tâm thần nhi khoa khuyên gì để trẻ con chơi được lành mạnh?
Không phải số lượng là đáng kể
Theo một nghiên cứu sẽ công bố vào tháng 2-2018 của các nhà liệu pháp phục hồi chức năng tay chân của trường Đại học Mỹ Toledo thì trẻ con sẽ chơi tốt hơn khi chúng có ít đồ chơi. Các nhà nghiên cứu làm thử nghiệm trên 36 em, cho các em chơi riêng hai kiểu chơi khác nhau, một với bốn đồ chơi, và một với sáu đồ chơi.
Với các em chơi ít đồ chơi, chúng chơi lâu hơn và đa dạng hơn. Như thế chứng tỏ với một số lượng đồ chơi ít hơn, các em thích thú tìm tòi, phát triển khả năng chú ý và sáng tạo nhiều hơn. Ngược lại, có quá nhiều đồ chơi làm cản trở khả năng chú ý, vì càng có quá nhiều đồ chơi, chúng sẽ thử hết cái này qua cái kia, thêm nữa các em sẽ chơi không lâu, và ít sáng tạo hơn.
Với các trẻ em còn nhỏ, nên chọn đồ chơi đơn giản
Quá nhiều bộ phận trên đồ chơi cũng làm cho trẻ em ít hứng thú hơn. Nên lựa các đồ chơi đơn giản. Một quan điểm được nữ bác sĩ tâm thần nhi khoa Agnès Pargarde chia sẻ: “Đối với các em còn rất nhỏ, nên tránh các đồ chơi phức tạp, vì trẻ em phải thích ứng với đồ chơi và phải để chúng sáng tạo. Nên lựa các đồ chơi truyền thống bằng gỗ hơn là bằng nhựa”.
Bà phân tích: “Không có gì đơn giản bằng quả banh hay sợi dây để nhảy, cũng như không có gì đẹp cho trẻ em bằng tờ giấy, cây bút?”. Đánh thức óc hiếu kỳ của trẻ em với những chuyện đơn giản là điều chúng ta có thể làm được: “Chẳng hạn trò múa rối bằng tay mà gia đình nào cũng có thể làm được, hoặc bóng mờ theo kiểu kịch nghệ Trung hoa, với tờ giấy và một chút ánh sáng là đủ để làm cho con nít ngạc nhiên”.

Còn các em lớn hơn?
Với các em lớn hơn đã đi đến trường, thì giờ chơi ở nhà cũng rất quan trọng để cho các em phát triển. Quả vậy, đến trường là để học thì ở nhà, trẻ con có thì giờ riêng để phát triển sở thích của các em, để giải trí một mình hay với anh chị em: “Sách vở hay các trò chơi xã hội đều tốt, cũng như tất cả các trò chơi kích thích trí nhớ và lô-gic như trò chơi ráp hình puzzle”.
Khi trẻ con mời bạn cùng chơi trò múa rối, làm cô giáo hay bác sĩ thì các em được triển nở và rất thích. Hơn nữa, các trò chơi này giúp các em phát triển khả năng bắt chước, ngẫu hứng và trình diễn.
Các đề nghị để có trò chơi lành mạnh
Bà Agnès Pargarde giải thích: “Nếu sự phức tạp và số lượng đồ chơi là không đáng kể, thì quý vị nên biết, với một đứa bé, không bao giờ chơi là quá đủ đối với nó, trẻ em càng chơi thì nó càng phát triển”. Tuy nhiên cũng không nên xem thường thì giờ chơi chung với gia đình, đó cũng là chuyện quan trọng, hoặc chơi một mình, vì những lúc chơi một mình giúp các em phát triển tính tự lập. Ngoài ra chơi chung các trò chơi của con trai con gái cũng là một chuyện hay, tập cho con trai nấu bếp… chẳng hạn”.
Bà Agnès Pargarde khuyên không nên cho trẻ con chơi các đồ chơi bạo lực như chơi các loại súng bằng nhựa, kiếm laser hay các video đánh đấm. Bà cũng lưu ý cha mẹ không nên để cho trẻ con chơi với các vật dụng riêng của mình: “Phải ấn định giới hạn, mỗi chuyện có chỗ của nó, không cho trẻ con chơi với túi xách của mẹ, chơi thẻ tín dụng hoặc điện thoại cầm tay của mình”. Tốt hơn mua điện thoại giả hoặc máy trò chuyện talkie-walkie.
Còn về mặt kỹ thuật, bà giải thích, trẻ con sẽ có nhiều thì giờ để khám phá sau này. Trong các chuyến đi dài, thường trẻ em dí mắt vào màn hình, tốt nhất là giải trí theo một cách khác: “Trẻ em lớn có thể đố nhau tìm bảng xe thuộc vùng nào, đố mẹo hay hát, còn các em bé nhỏ thì đề nghị những chuyện đơn giản hơn như chờ xem có chiếc xe màu đỏ nào chạy qua, đếm bò, đếm ụ rơm trên đường đi”.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét