Trang

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Trong nghịch lý có đức hạnh




Ronald Rolheiser, 2012-08-05
Có một số câu phương ngôn cổ nói rằng đức hạnh và chân lý nằm ở giữa, giữa hai thái cực. Điều này được gọi là “phương kế hành động vàng (ôn hòa)” và được biểu đạt trong những cụm từ như “Đức hạnh thì ở xa các thái cực – In medio stat virtus” và “Đạo trung dung – Aurea mediocritas.”
Nhưng ý nghĩa của nó có thể bị dễ dàng hiểu sai và cho rằng đức hạnh và chân lý được tìm thấy trong mẫu số chung nhỏ nhất, trong sự tầm thường. Thực ra đó là cách dịch nghĩa thô thiển cho cụm từ aurea mediocritas, nghĩa là sự tầm thường là vàng.
Tuy nhiên, điều mà những câu phương ngôn này thật sự nói tới không phải là một sự tầm thường nào đó để cố gắng tránh những rìa thô thiển của hai thái cực bằng cách khoanh lại trong một trung tâm xói mòn nào đó. Mà đúng hơn, chúng nói với ta rằng đức hạnh và chân lý nằm trong nghịch lý, trong việc mang sự thật của cả hai phía và sống trong lòng mối căng thẳng của tình trạng thiếu rõ ràng đó. Đức hạnh và chân lý không được tìm thấy bằng cách chọn “thế này/thế kia” hoặc chọn một chốn trung dung tẻ nhạt nào đó không có sự sắc sảo để cho hai bên phải khó chịu. Đức hạnh và chân lý nằm trong việc sống trong tình trạng “vừa thế này/vừa thế kia”, nghĩa là chứa đựng và cân bằng cái chân lý nằm trong cả hai thái cực.
Và không ở đâu điều này đúng hơn trong nhận thức tôn giáo, nghĩa là, trong vấn đề làm thế nào chúng ta nhận ra tiếng nói của Chúa trong đời mình. Tiếng Chúa thì thầm hay như sấm dậy? Tiếng Chúa nói trong đau đớn hay chúc lành? Chúa gọi chúng ta ra khỏi thế gian này hay dấn thân hơn vào thế gian? Chúa gọi chúng ta qua những gì thoải mái và thân thuộc hay vào những miền đất xa lạ? Chúa khuấy động hay an ủi chúng ta? Chúa được nhận ra trong những phép màu hay trong sự bất lực? Chúa nói thông qua người giàu hay thông qua kẻ nghèo, thông qua người có giáo dục hay người không có giáo dục? Tiếng Chúa làm chúng ta sợ hãi hay khiến chúng ta hết sợ? Tiếng Chúa nghe được nhiều hơn qua lòng mộ đạo hay đả phá tín ngưỡng? Chúa yêu cầu chúng ta từ bỏ những lạc thú của thế gian này hay hưởng thụ chúng?
Tiếng của Chúa là trong tất cả những điều đó. Nó được nghe thấy trong nghịch lý:
Tiếng Chúa được nhận ra trong tiếng thì thầm và lời êm nhẹ, cũng như nó được nhận ra cả trong sấm chớp. Chúa nói với tiên tri Êlia trong làn gió mát nhẹ nhàng, nhưng nói với vua Pharaô qua các cơn bệnh dịch.
Tiếng Chúa được nhận ra ở bất kỳ nơi nào có sự sống, niềm vui, sức khỏe, sắc màu, và sự hài hước, cũng như nó được nhận ra bất cứ nơi nào ta thấy có cái chết, đau đớn, nghèo nàn, và ngã lòng. Chúa có mặt như nhau vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và ngày Chúa nhật Phục sinh.
Tiếng Chúa được nhận ra trong những gì mời gọi chúng ta đến với điều cao hơn, đến những nơi cắt đặt riêng cho một nhiệm vụ, đến những gì mời gọi chúng ta vào đời sống thiêng liêng, cũng như gọi chúng ta đến với địa vị hèn mọn, mời gọi chúng ta hòa cá thể của mình vào nhân loại, và khước từ tất cả những gì phỉ báng tính nhân bản của chúng ta. Tiếng Chúa gọi ta ra khỏi những gì đơn thuần là con người cũng như mời gọi chúng ta khiêm nhường nhận lấy chỗ của mình giữa loài người.
Tiếng Chúa được nhận ra trong những gì xem ra “xa lạ”, “kẻ lạ” trong đời sống chúng ta, cũng như được nhận ra trong những tiếng nói thân thuộc sâu sắc nhất gọi chúng ta về nhà. Tiếng Chúa đưa ta vượt lên trên bất kỳ thứ ngôn ngữ nào chúng ta biết cũng như khi chúng ta nhận ra nó một cách sâu sắc nhất trong tiếng mẹ đẻ của ta.
Tiếng Chúa là tiếng thách thức chúng ta nhất, cũng như nó là tiếng duy nhất và tối hậu an ủi và xoa dịu chúng ta. Tiếng Chúa khuấy động những người thoải mái và xoa dịu những người đang bị khuấy động, nhưng nó cũng xoa dịu những người thoải mái và khuấy động những kẻ đang bị khuấy động.
Tiếng Chúa bước vào đời chúng ta như thể quyền năng vĩ đại nhất của mọi quyền năng, cũng như nó vĩnh viễn nằm trong tính dễ bị tổn thương, giống như đứa bé yếu ớt nằm trên cọng rơm. Tiếng Chúa tạo ra vũ trụ và giữ cho nó tồn tại, cũng như nó nằm trong thế giới của chúng ta và yếu đuối như một em bé sơ sinh.
Tiếng Chúa được nghe thấy như một đặc ân đối với người nghèo, cũng như nó ra hiệu cho chúng ta qua tiếng nói của người nghệ sĩ và trí thức. Chúa ở trong người nghèo, cũng như ở nơi người nghệ sĩ và trí thức khi họ giúp vén mở những thuộc tính siêu nghiệm của Chúa.
Tiếng Chúa mời gọi chúng ta sống vượt lên trên mọi nỗi sợ hãi, cũng như nó truyền cảm hứng về nỗi sợ hãi thiêng liêng. Khi Chúa xuất hiện trong lịch sử loài người, những lời nói đầu tiên của Người luôn luôn là: “Đừng sợ!” Sự có mặt của Chúa là để xóa tan mọi nỗi sợ hãi, cũng như mời gọi chúng ta sống trong “nỗi sợ hãi thiêng liêng”, trong sự tôn kính và trinh bạch giúp tạo ra một thế giới mà trong đó không ai phải sợ bất cứ điều gì.
Tiếng Chúa được nhận ra trong lòng những món quà của Chúa Thánh thần, cũng như nó mời gọi chúng ta đừng bao giờ phủ nhận những điều phức tạp của thế giới mình và của chính đời sống của mình.
Tiếng Chúa luôn luôn được nghe thấy ở bất kỳ nơi nào có niềm vui và lòng biết ơn đích thực, cũng như khi nó yêu cầu chúng ta khước từ bản thân mình, tự chết đi, và tương đối hóa mọi điều của thế gian này.
Dĩ nhiên, để chấp nhận điều này cũng có nghĩa là chấp nhận sống với sự không rõ ràng, phức tạp, không biết được, và rất nhiều kiên nhẫn. Tiếng Chúa lúc đó sẽ không còn rõ ràng như bản năng nền tảng mà chúng ta mong muốn, nhưng nó sẽ tự do vừa an ủi vừa thách thức chúng ta như chưa bao giờ từng như thế.
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét