Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Quyển sách mới nhìn sâu vào tri thức của Đức Phanxicô và lý do ngài là “giáo hoàng của phân cực”

Quyển sách mới nhìn sâu vào tri thức của Đức Phanxicô và lý do ngài là “giáo hoàng của phân cực”



Crux | Austen Ivereigh | 18-11-2017
Nhiều người đồng lòng với Đức Phanxicô đang trông chờ một quyển sách sắp ra mắt trong tuần này tại Ý, Quyển Jorge Mario Bergoglio: Tiểu sử Tri thức. Biện chứng và Thần nghiệm[Jorge Mario Bergoglio: Una Biografia Intellettuale. Dialectica e Mistica] của Massimo Borghesi được Jaca Book xuất bản ở Ý.
Đây là quyển sách chắc chắn sẽ xóa tan chuyện đồn đại là ngài thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về triết học và thần học để làm giáo hoàng.
Trong cuộc khám phá rất sâu sắc và hấp dẫn về suy tư của Đức Giáo hoàng kể từ những năm 1960, ông Borghesi, giáo sư thần học luân lý tại Đại học Perugia và là tác giả của nhiều nghiên cứu về phép biện chứng của Romano Guardini, đã minh họa Đức Phanxicô là một người thẳng thắn, “với sự đơn giản bao hàm sự phức tạp của một suy tư độc nhất và uyên sâu.”
Tôi thì không thấy lạ về điều này. Khi điểm qua những bài viết phức tạp của ngài lúc soạn quyển sách tiểu sử Đức Phanxicô, tôi đã biết rằng mình đang tiếp cận với một trí tuệ phi thường quá tầm với, một suy tư với những nguồn gốc thần học thâm sâu. Nhưng đến giờ, thật khó để chỉ ra điều đó, bởi không một ai chỉ rõ giá trị chữa lành hệ thống mà suy tư đó mang lại.
Người ta không rõ về sự uyên thâm trong suy tư của Đức Phanxicô, một phần là bởi thế giới học thuật Âu Mỹ hầu như chẳng biết nhiều về các tri thức gia Mỹ La tinh, như triết gia Amelia Podetti, người Argentina, tư tưởng gia Alberto Methol Ferré, người Uruguay.
Và theo Guzmán Carriquiry, thư ký ủy ban Mỹ La Tinh của Vatican và cũng là người bạn lâu năm của Đức Phanxicô, thì một lý do nữa là Đức Phanxicô chưa bao giờ muốn thể hiện mình là một con người hàn lâm, một phần bởi ngài tôn trọng sự trừu tượng của tri thức, và một phần bởi khát khao mãnh liệt trong ngài muốn giao tiếp bằng một ngôn ngữ giản dị.
Vậy nên bất kỳ ai cố tóm lược suy tư của Đức Giáo hoàng thì phải tìm hiểu sâu và rộng, cũng như phải nắm bắt được sự phức tạp của các phép biện chứng. Borghesi là một trong số ít người có khả năng và sự tận tụy để thực hiện công việc này.
Một thách thức đầu tiên ông phải xử lý, là không như Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô không đến Roma với một suy tư thể hiện rõ qua một luận văn hàn lâm đã được công bố. Những gì Đức Phanxicô đã thể hiện hầu như chỉ là những bài viết, bài nói chuyện, bài giảng mà phải một hai năm sau khi ngài được bầu, người ta mới công bố và phổ biến.
Khi tôi đến Argentina, vài tháng sau khi ngài được bầu vào năm 2013, để tìm hiểu viết quyển tiểu sử về ngài, thì các tu sỹ dòng Tên phải phủi một đống bụi, theo nghĩa đen, để cho tôi xem tập các bài viết của ngài trong thời gian thập niên 1970 và 1980.
Dù ngài không có một luận văn tiến sỹ ở đại học, nhưng ngài đã có một luận án, bắt đầu từ tuổi 50 khi rời chức hiệu trưởng Colegio Maximo ở Buenos Aires. Đây là nghiên cứu về các tác phẩm của Guardini về nhân học triết học, bắt đầu từ quyển Der Gegensatz mà cha xuất bản năm 1925 về sự hòa giải giữa các cực đối lập.
Ngài từng chuẩn bị hoàn thành luận văn này vào năm 1986 ở Đức, nhưng đành từ bỏ sau đó vài tháng vì phải trở lại Argentina, dù vậy đây là luận án ngài đã dành nhiều năm chuẩn bị. Nhưng bởi đó cũng là thời gian phân cực giữa các tu sỹ dòng Tên về phong cách lãnh đạo của ngài, nên Đức Bergoglio không bao giờ trình bày và bảo vệ luận văn đó cả đến khi ngài được phong giám mục vào năm 1992, dù cho ngài vô cùng tâm tư với nó.
Borghesi hoàn thành quyển sách này với sự giúp đỡ của Đức Phanxicô, qua bốn đoạn ghi âm phỏng vấn vào tháng 1 và tháng 3 năm nay, và dù ông chưa từng được xem nhưng cũng có thể cho chúng ta biết tựa đề của nó: Đối lập phân cực trong Cơ cấu Suy tư Thường nhật và Tuyên xưng Kitô giáo (Polar opposition as Structure of Daily Thought and Christian Proclamation)
Suy tư biện chứng của Đức Giáo hoàng là cốt lõi của quyển sách này. Borghesi cho chúng ta thấy suy tư của Đức Giáo hoàng như một bức tranh với nhiều nét vẽ, từ các tu sỹ dòng Tên ở Lyon hồi thập niên 1950 như Podetti, Methol Ferré và Guardini, cho đến những nhân vật gần đây như Hans Urs Von Balthasar và Luigi Giussani. Nhưng ông dành phần nhiều trang sách để nói về sự phát triển của phép biện chứng của Đức Bergoglio, mà ông gọi là filo rosso, “sợi chỉ vàng” nối kết tất cả lại và tạo nên một “hạt nhân nhận thức căn bản.”
Borghesi cho thấy “toàn suy tư của Đức Bergoglio là suy tư hòa giải”, không phải theo kiểu chuộng hòa bình, lạc quan chủ nghĩa, hay tư tưởng cấp tiến, mà là theo chủ nghĩa hệ thống. Tâm điểm phương pháp của ngài là khái niệm tổng hợp hay hợp nhất các cực đối lập, trong một tầm mức cao hơn hoặc tầm mức siêu việt.
Nói rõ hơn, phương pháp này không phải theo kiểu của Hegel là có hai tư tưởng đối chọi đấu với nhau và nảy sinh tư tưởng thứ ba tiêu diệt cả hai. Mà phương pháp này dựa theo lời phê bình của học giả Adam Möhler về các phép biện chứng của Hegel, và về sau được Guardini và hai tu sỹ dòng Tên là Erich Przywara và Henri de Lubac phát triển thêm.
Trong phép biện chứng phản Hegel hay phép biện chứng Công giáo, Giáo hội là một coincidentia oppositorum, môt nơi đa dạng hòa hợp mà Thánh Thần thúc đẩy một sự hợp nhất ở tầm mức siêu việt trên những yếu tố đồng sinh đang vận động theo những hướng khác nhau. Sự phân cực đầy động năng đó là cái cố hữu của tạo vật, và phản ánh một chương trình thiêng liêng.
Ví dụ như sự đối lập phân cực giữa nguyên trạng và thay đổi. Tôi vẫn luôn là tôi nhưng tôi không ngừng thay đổi. Nếu không nguyên trạng hay không thay đổi, thì tôi không còn là con người nữa, nhưng kết hợp cả hai, thì chúng ta có một sự tổng hợp mạnh mẽ gọi là sự sống.
Sự say mê của Đức Bergoglio về chủ đề phân cực, bắt đầu từ những năm 1960, khi lần đầu ngài khám phá ra tác phẩm phản Hegel của Gaston Fessard về các biện chứng về ân sủng và tự do trong Linh thao của thánh Inhaxiô thành Loyola. Đức Phanxicô nói với Borghesi rằng, “Fessard cho tôi nhiều yếu tố, mà về sau tôi hòa hợp chúng với nhau.”
Fessard là một người trong nhóm tu sỹ dòng Tên theo cảm hứng của Maurice Blondel ở Lyon, cụ thể là bao gồm Henri de Lubac, Gaston Fessard và Michel de Certeau. Tờ báo Christius của họ, được cha Maurice Guiliani biên tập, đã định hình sự cách tân trong linh đạo Inhaxiô ở Argentina được khởi xướng bởi cha Miguel Angel Fiorito, linh hướng và người nâng đỡ cho Đức Bergoglio trong tỉnh dòng.
Borghesi cho chúng ta thấy Đức Bergoglio hứng thú với sự căng thẳng giữa các cực, là nhờ quyển Linh thao, khi khuyến khích người ta sống đồng thời hai khía cạnh, có đức tin như thể mọi sự tùy vào Chúa nhưng hành động như thể mọi sự tùy vào chúng ta.  Tư tưởng kinh điển này của Dòng Tên bao hàm cả tự nhiên và ân sủng, cho phép các môn đệ Chúa Kitô chìm sâu trong thế giới này nhưng mở lòng với sự siêu việt, hay nói theo cách dễ hiểu của Dòng Tên là “chiêm niệm trong hành động.”
Sự phân cực ở đây (nội tại/siêu việt – hành động/chiêm niệm – trong thế gian/không thuộc về thế gian) vẫn luôn căng thẳng và một sự tổng hợp mới ra đời.
Một ví dụ từ lịch sử Mỹ La Tinh đã gây hứng khởi trong Đức Bergoglio và Methol Ferré, chính là sự gặp nhau giữa người da đỏ bản xứ và người Tây Ban Nha. Đoạn đầu của cuộc chinh phục, đúng thật là xâm lược với bạo lực và mâu thuẫn, bóc lột và tàn bạo. Nhưng đoạn sau, các tu sỹ dòng Tên đã lập một nền văn minh, tạo được một tổng hợp của hai nền văn hóa mà vẫn tôn trọng cả hai.
Để lớn lên trong đời sống thiêng liêng, người ta cần sống trong sự căng thẳng bẩm tại đó hơn là cố gắng giải quyết căng thẳng bằng cách chọn cái này và bỏ cái kia. Ngược lại, những người mang khuynh hướng phân rẽ lại cố dụ dỗ người ta xem sự phân cực là mâu thuẫn, là cuộc chiến giữa hai bên.
Tranh cãi quanh tông thư Amoris Laetitia, là một vụ điển hình về quan điểm sai lầm rằng mâu thuẫn nảy sinh giữa thương xót và công lý, giữa giáo lý và mục vụ. Thật vậy, cả hai đều cần đến nhau, và cần giữ sự căng thẳng với nhau.
Khi sự căng thẳng tiếp tục tồn tại, cũng là dấu chỉ cho sự thật của Giáo hội, bởi sự thật là hợp nhất của những sự đối lập, cũng như dị giáo là chỉ đứng về một cực hay một giá trị và phá vỡ sự hợp nhất đó. G.K. Chesterton từng nói rằng dị giáo là một ý tưởng tốt bị phát rồ.
Sai lầm của phép biện chứng Hegel, cũng như của biện chứng Macxít và chủ nghĩa thực dụng đang thống trị phương Tây đương thời, là xem cái toàn thể loại trừ cái riêng biệt, và sự trừu tượng đè bẹp sự cụ thể. Thế là bạo lực thế chỗ kiên nhẫn.
Trong Giáo hội, cũng có cám dỗ vị luật và khắc nghiệt mà Đức Phanxicô đã không ngừng chỉ ra. Sự khắc nghiệt của phái Jansen là khóa chặt không cho người ta mở ra với ân sủng, là tách rời giáo lý khỏi hiện thực nhân sinh.
Khi cái toàn thể (là chân lý, luật, giáo lý) loại bỏ cái riêng biệt (là hiện thực nhân sinh cụ thể, những tình huống mục vụ phức tạp) thì nó cũng mất đi lòng thương xót, vốn luôn lưu tâm đến những gì thiết thực và cụ thể. Chân lý và lòng thương xót là một hợp nhất trong căng thẳng.
Ở tâm điểm của suy tư “trong căng thẳng” này, giá trị của mỗi cực đều được nhìn nhận và đưa đến với nhau, hơn là nhất quyết rằng chúng mâu thuẫn. Sự tổng hợp rút ra luôn là một cuộc gặp gỡ giữa ân sủng và tự nhiên, và đó là nhờ Chúa Thánh Thần.
“Người Kitô hữu được kêu gọi trở nên một nơi hiệp nhất giữa những chia rẽ của lịch sử, được kêu gọi đem bi kịch của thời đại vào trong Thiên Chúa,” đây là tóm tắt của Borghesi về quan điểm của Đức Phanxicô đối với vai trò của Kitô hữu trong thế giới này.
Đức Phanxicô đã áp dụng nhiều suy tư của Guardini vào lĩnh vực chính trị. Sự hợp nhất có được, bằng cách để Ân sủng hoạt động trong thế gian. Không phải bằng cách tránh xung đột hay bằng cách áp đặt một trật tự, nhưng là bằng cách giữ những cực đối lập gần nhau để nảy sinh một sự tổng hợp nhưng vẫn gìn giữ hai cực đó.
Bốn nguyên tắc nổi tiếng của Đức Phanxicô nằm trong tông huấn Evangelii Gaudium, câu 222-237. Và một nguyên tắc then chốt là: hiện thực thì hơn ý niệm. Không như phép biện chứng Hegel vốn không bao giờ ngoái đầu nhìn lại trong chuyến bay vào trừu tượng, phép biện chứng của Đức Phanxicô về cơ bản là một vòng tròn, trong đó sự tổng hợp phải luôn luôn trở lại với hiện thực cụ thể, để sự tổng hợp mới không bao giờ bị biến thành chủ nghĩa lý tưởng.
Cũng như thế, giáo lý của giáo hội, một tổng hợp của luật và thực hành mục vụ, cũng phải không ngừng lấy lại gốc rễ trong thực tế mục vụ, đừng để nó biến thành một dạng vị đạo đức cực đoan.
Hiểu được suy tư biện chứng của Đức Phanxicô là thật sự nắm bắt được chìa khóa cho gần như mọi chuyện xảy ra trong triều giáo hoàng của ngài, như tầm quan trọng của lòng thương xót, đưa thực tế mục vụ vào trong thần học, bận tâm cho sự thiết thực và gần gũi…
Khi giải mã suy tư của Đức Phanxicô, Borghesi không chỉ cho thấy ngài là một tư tưởng gia độc đáo và minh tuệ, mà còn cho chúng ta thấy rõ tác động của Ơn Chúa lên tư tưởng.
Một quyển sách rất đáng để nghiền ngẫm.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét