Trang

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

SUY NIỆM THÁNH VỊNH 8 VÀ 14 - LM. PHÊRÔ PHẠM NGỌC LÊ

SUY NIỆM THÁNH VỊNH 8 VÀ 14 - LM. PHÊRÔ PHẠM NGỌC LÊ
Suy Niệm Thánh Vịnh 8 
1 Phần nhạc trưởng. Có hoạ đàn thành Gát. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
2          Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
            lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
            Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
3          Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
            cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
            khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
4          Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
            muôn trăng sao Chúa đã an bài,
5          thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
            phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
6          Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
            ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
7          cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
            đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
8          Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
9          nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
10        Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
            lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !

Cùng Đọc Với Dân Ítraen
Bài tụng ca vương quyền của Giavê có lẽ được hát vào một đêm lễ hội, dưới bầu trời trong veo không gợn mây, đầy ánh sao lấp lánh của miền Đông phương. Thánh Vịnh này chỉ làm công việc là dệt thành bài ca, thành kinh nguyện những điều mà  giáo lý sơ đẳng của Do thái giáo đã dạy. Sáng Tạo: Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, trao quyền cho con người, đỉnh cao của mọi vật: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…Hãy thống trị mặt đất…Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ..”
Đáng chú ý là Thánh Vịnh tụng ca sự cao cả của Thiên Chúa lại xoay sang việc ca ngợi sự cao cả của con người. Nhưng chính Thiên Chúa là Đấng làm chủ tất cả, hãy để ý những đại từ như Danh Ngài, uy phong Ngài, tay Ngài, Ngài sáng tạo, Chúa nhớ đến, Ngài bận tâm,... Như thế, trong một bài thơ trong đó con người được coi trọng đến thế, thật là trái ngược khi đọc ta thấy Thiên Chúa lại làm chủ từ tất cả các động từ!
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đức Giêsu hẳn đã sử dụng Thánh Vịnh này, chống lại những người Biệt Phái và Ký Lục để bảo vệ những người bé nhỏ trong đám dân hoan hô Ngài vào ngày Lễ Lá: “Ông có nghe chúng nói gì không? – Đức Giêsu đáp: Có; nhưng còn lời này, các ông chưa bao giờ đọc sao: Ta sẽ cho  miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen” ? (Mat 21,16) Như vậy, đối với Đức Giêsu, sự cao cả của con người là ở bên những kẻ bé nhỏ, những người đón mở lòng đón nhận tất cả  trong  sự đơn thành.  Và Đức Giêsu cũng còn nhấn mạnh thái độ cần thiết của lòng khiêm tốn: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Luc 10,21). Thánh Phaolô đã ba lần trích dẫn Thánh Vịnh này ( Dt 2,6-10 ; Ep 1,22 ; 1Co 15,25-17): “Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô”. Mỗi lần trích dẫn, Thánh Phaolô đều muốn qua đó diễn tả điều kỳ diệu của việc Đức Giêsu sống lại, chiến thắng dứt khoát trên sự chết. Cha Martelet giải thích: lời Thiên Chúa hứa đặt muôn loài dưới chân con người chỉ là một sự lừa bịp nếu con người bị đánh bại bởi sự chết… vì lúc đó, chính con người đang nằm dài dưới chân muôn vật. Nhưng, duy chỉ Ađam thứ hai mới thực hiện hoàn hảo lời hứa dành cho Ađam thứ nhất: Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người, là Đức Kitô. “Này là Người”, Philatô nói mà không hề hiểu thấu ý nghĩa sâu thẳm câu nói của mình.

Để trả lời cho câu hỏi căn bản mà bất cứ ai đặt ra: “Con người là gì? Sự mỏng giòn của con người trước sự vĩ đại kinh khủng của vũ trụ, có ý nghĩa gì? …ta chỉ có thể nói như thế này: con người chính là thân phận mà Con Thiên Chúa đã muốn mặc lấy.. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm…Thiên Chúa làm người”.
 
Cùng Đọc Với Người Thời Nay

Khen ngợi. Khoa học càng cho ta khám phá những kỳ diệu trong vũ trụ, chúng ta càng chân thành hát lên Thánh Vịnh này “ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo…” Ngày nay ta biết rằng vũ trụ rất bao la, phải tính bằng hằng triệu năm ánh sáng, vậy tại sao ta lại không biết ngợi khen Thiên Chúa?

Trẻ Thơ. Đây là một trong những chủ đề của văn chương hiện đại. Người ta tái khám phá vẻ tươi mát và chân thật của những tiếng tại sao của con trẻ: Ba ơi, tại sao mặt trời chiếu sáng? –Vì nó đang bốc cháy – Tại sao nó cháy? …Có một vài người lớn có vẻ tự kiêu cứ cho mình tài giỏi, cuối cùng cũng đầu hàng trước những câu tại sao đơn sơ của con trẻ.

Bầu trời, Tinh Tú. Thật đẹp! Bạn hãy nằm dài trên thảm cỏ, ngước mắt nhìn lên trời vào một đêm hè đẹp trời. Điều hiển nhiên: không phải con người làm ra những cái kỳ diệu trên đó. Một đứa trẻ có khả năng hiểu được điều mà những kẻ kiêu căng không bao giờ hiểu được: bầu trời là ‘thành lũy’, rào cản ngăn kẻ thù địch của Thiên Chúa. Thiên Chúa Ngài không cần tự vệ.. không một kẻ thù nào chạm được Ngài. Vũ trụ với những định luật hài hòa đủ để khớp miệng những kẻ ranh mãnh dám tự phụ cho mình có khả năng tái tạo lại vũ trụ. Cha ông chúng ta đã hiểu được sự thật đó, họ nghe “các vì sao đang hòa tấu nhịp nhàng” (G 38,7).

Với kỹ thuật, con người thống trị. Không có gì trái ngược. Thiên Chúa đặt tất cả dưới chân người. Lần đầu tiên các phi hành gia đặt chân trên mặt trăng, tượng trưng sự vĩ đại của con người khoa học, làm chủ thiên nhiên. Tuy nhiên, chẳng thấy có thi sĩ nào, chẳng thấy có phóng viên nào, chẳng thấy có tường trình chính thức nào của cơ quan Nasa luôn đánh giá cao các chuyên viên kỹ thuật, đã dám nói lên điều mà từ rất lâu, dân Chúa đã hát lên trong Thánh Vịnh 8: Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo…. Trong thời của tác giả Thánh Vịnh, di chuyển bằng tàu, ngang dọc khắp trùng dương, con người xem như đã tuân lệnh Chúa thống trị trái đất. Ngày nay, với một chiếc phản lực tôi cất cánh và chỉ vài giờ sau tôi đã ở nơi phi trường của một châu lục khác, tôi hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa mà không một chút ý thức. Điều này cũng thật sự xảy ra cho một người nghiên cứu để làm khoa học tiến triển, cho một đứa trẻ đang nhìn bức tranh nó vừa vẽ xong, cho một cụ bà vừa đan xong chiếc áo, tấm thảm, cho người mẹ dạy dỗ con cái, cho người công nhân xây dựng nhà ở…cho mọi người bất cứ ai, bằng nghề nghiệp của mình, đã cộng tác một chút vào công trình sáng tạo.

Con người là gì? Ông Pascal đã lập lại câu hỏi này. Trước cái hùng vĩ của vũ trụ con người cảm thấy mình quá bé nhỏ: “Cái thinh lặng của những khoảng không vô tận làm tôi sợ”; “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong vũ trụ; nhưng lại là một cây sậy biết suy tư… Khi vũ trụ đè ụp xuống con người, con người vẫn cao cả hơn bởi vì nó biết rằng mình chết, trong khi vũ trụ chẳng biết gì cả.

Sự cao cả của con người. Ở giữa vũ trụ bao la hùng vĩ này, con người vẫn vô cùng cao trọng hơn vũ trụ. Con người cao cả và quan trọng hơn mặt trời. Tại sao thế? Bởi vì con người là đối tượng Thiên Chúa không ngừng quan tâm đến, Thánh Vịnh trả lời: thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chỉ một người thôi cũng quan trọng và có giá trị trước mắt Thiên Chúa hơn cả vũ trụ. Thiên Chúa yêu con người. Danh Ngài thật lẫy lừng. “ Lạy Cha, Con đã tỏ cho chúng Danh Của Cha”. Lạy Cha, nguyện Danh Cha cả sáng.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
 
Suy Niệm Thánh Vịnh 14
Thánh Vịnh 14: Ai Được Vào Ngụ Trong Nhà Chúa
1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
            Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
            được ở trên núi thánh của Ngài ?
2          Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
            bụng nghĩ sao nói vậy,
3          miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,
            chẳng làm ai nhục nhã.
4          Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI,
            lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
5          cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
            mà hại đến người ngay.
            Phàm ai làm những điều này
            không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
 
Cùng Đọc Với dân Ítraren

Đây là Thánh Vịnh Hành Hương. Dân Do Thái ở Palestine lên Giêrusalem mỗi năm một lần. Những cuộc hành hương này vẫn đều đặn trong cuộc đời Đức Giêsu: đây là biến cố trong năm, một cơ hội để những người do thái đạo đức thêm sức mạnh cho niềm tin. Khi đến Giêrusalem, người ta sẽ được viếng đền thờ. Thánh vịnh 14 này là thành phần của bài giáo lý ngay tại cửa đền: những khách hành hương từ xa về, có thể đã tiêm nhiễm bởi những tục quán của dân ngoại, chính vì thế mà các Lêvi thuyết giảng bài giáo lý sơ đẳng trước khi cho phép họ vào nơi thánh. Trong Thánh vịnh này, một khách hành hương đã đặt câu hỏi: “Ai được vào nhà Chúa?” Sau đó là phần trả lời của các Lêvi. Một loại thập điều.

Để ý đặc biệt tính nhân bản của các điều kiện được đặt ra. Để đến với Thiên Chúa, những nghi thức bên ngoài không đáng kể, không phải là những chỉ dẫn phụng tự mà là những chỉ dẫn luân lý mới đáng kể: chỉ đơn thuần làm một con người! Làm lành, trung tín, công bình, nói sự thật, không nói quá lời, không giao du với kẻ dữ nhưng thường đến với những người thờ kính Chúa, không dính bén bạc tiền và đi đến chỗ cho vay không mong lợi, không để mình bị hối lộ vì những hủ rượu  nho. Kết cục, điều Thiên Chúa mong chờ nơi con người đó là phẩm tính những mối liên hệ giữa con người với nhau. Điều này thật hợp thời!
 
Cùng Đọc Với Đức Giêsu

Lạy Chúa, ai được vào trong nhà Ngài? Một hôm, một người cũng đặt câu hỏi tương tự cho Đức Giêsu: Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời? Và câu trả lời của Đức Giêsu nêu lên những quy luật đúng đắn của con người (Mc 10,17.19) Điều chuẩn bị cho ta gặp Chúa, chính là tôn trọng bản tính con người đã được Chúa tạo dựng. Những lời khuyên của Tin mừng cũng gần giống với những điều trong Thánh vịnh: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính Người trước hết. (Mt 6,33) “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37) Không thể vừa phục vụ Thiên Chúa vừa phục vụ tiền bạc được (Mt 6,24) Sâu xa hơn nữa, chính Đức Giêsu là người công chính hoàn hảo đã cư ngụ với Thiên Chúa trên núi thánh của Người.

Cùng Đọc Với Người Thời Nay

Gặp Gỡ Chúa. Ở với Chúa. Sống đời đời.Giống như những người do thái hành hương lên Đền Thờ, chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có thể gặp được Thiên Chúa trong đền thờ, trong nơi thờ tự hay trong những nghi lễ phụng tự. Hãy lắng nghe điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Ngài đưa ta về lại với những bổn phận hàng ngày, với những mối liên hệ của con người, như là nơi ưu tiên dành để gặp Thiên Chúa. Hãy ghi nhớ những lời của Đức Giêsu: “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà chợt nhớ có người anh em bất hòa với ngươi, hãy để của lễ lại đó, về làm hòa với người anh em ngươi trước đã.” (Mt 5,23)

Luân thường đạo lý. Ngày nay người ta không thích nghe đến từ luân lý. Tuy nhiên, chẳng có một xã hội bình thường nào, chẳng có một nhóm người nào có thể chung sống mà lại không có những nguyên tắc tối thiểu, những qui ước sơ đẳng về sự thiện, sự ác. Dầu ở bất cứ đâu, những giá trị làm thành con người vẫn luôn trường tồn: trung tín, thanh sạch, công bình, chia sẻ, vô vị lợi. Làm sao có thể nghĩ ra một xã hội đi ngược lại với những điều mà Thánh vịnh nêu lên… Sẽ là luật rừng: một xã hội đầy dẫy bất công, tha hồ trộm cướp, gian dối nhau theo tư lợi, một xã hội nơi đó kẻ mạnh luôn có lý, tiền bạc là giá trị tối hậu và người ta có thể mua tất cả… Cầu nguyện bằng Thánh vịnh này chính là cầu nguyện để con người là con người đích thực.

Ơn cứu rỗi phổ quát.Trước một số đông những người chưa rửa tội, hay những người đã rửa tội nhưng không thực hành… người ta đặt câu hỏi về cuộc sống đời đời: làm thế nào ta đạt được cuộc sống với Thiên Chúa? Làm thế nào người ta thoát khỏi án phạt?  Lời của Thánh vịnh thật đáng sợ khi nói về những kẻ dữ. Não trạng của nguời thời nay không thích chút nào về cách xếp loại như thế: làm sao ta có thể biết tận tâm tư của người khác để có thể phán đoán họ là kẻ dữ? Suốt cuộc đời dương thế của Đức Giêsu là nhằm để nói cho ta biết rằng Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người (1Tm 2,4). Không phải chính Thiên Chúa lên án con người nhưng là chính con người hoàn toàn tự do chối từ những biểu tỏ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Và ta nhận thấy, trong Thánh vịnh này, những điều kiện để đến với Thiên Chúa hoàn toàn trong tầm tay của mọi nguời, tin hay không tin, vô thần hay ngoại đạo chân tâm: cần sống theo đúng lương tâm con người. Cái lý tưởng được đề ra ở đây chẳng phải là điều gì riêng biệt, nhưng chính tự thâm tâm mọi người xuất phát sự kính trọng đối với anh em mình. 
 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét