Câu 26: Đức Giêsu là thần thánh hay là người phàm?
Câu hỏi về thiên tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô đã từng là một trong những câu hỏi quan trọng nhất cho Kitô giáo. Do Thái giáo và Hồi giáo có thể quả quyết nhân tính của Ngài nhưng chỉ có Kitô giáo tuyên xưng thiên tính của Ngài. Nếu chỉ là một con người, làm sao Ngài có thể làm những phép lạ và sau khi chết ba ngày, chính Ngài đã sống lại từ trong mồ? Nếu chỉ là Chúa, liệu Ngài có phải chịu đau khổ và chịu chết hay không vì Chúa thì bất tử và không cảm thấy đau đớn?
Kitô Giáo Công Giáo cũng như Chính Thông Giáo Đông Phương và Tin Lành, tin tưởng một cách chắc chắn rằng Đức Giêsu Kitô là “Chúa thật và người thật” như được phát biểu trong Kinh Tin Kính Công Đồng Nicea năm 325. Điều đó không dạy rằng Đức Giêsu chỉ là nửa người và nửa chúa. Ngài không là người lai và Ngài không là con của hai loài. Ngài không giống như Mr. Spock trong phim Star Trek. Trong khi mẹ của Ngài là chính con người, Ngài lại không có cha về mặt sinh học theo phương diện nhân loại bởi vì đó là quyền năng của Chúa Thánh Thần, vốn làm cho Ngài được thụ thai trong cung lòng [của Mẹ] (Lc 1,35). Chín tháng sau cuộc nhập thể của Ngài, Đức Giêsu được sinh ra và “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
Giáo Hội tin tưởng rằng trong bản tính nhân loại của Ngài, Đức Giêsu đã có một thân xác con người trọn vẹn với ngũ quan. Ngài giận dữ, ăn uống, ngủ nghỉ, cười đùa, khóc than, thấy đau, và có thể chết giống như bất cứ ai. Đức Giêsu không giống như Siêu nhân với thân xác siêu phàm, đến từ hành tinh khác. Bản tính nhân loại của Ngài không chỉ có một thân xác con người nhưng còn có một linh hồn vốn sở hữu cả tri thức nhân loại và ý chí nhân loại.
Docetism là một lạc giáo trong thời Giáo Hội sơ khai. Lạc giáo này đã từ chối nhân tính và bản tính nhân loại của Đức Kitô. Nó nhất quyết rằng Đức Giêsu chỉ giả vờ làm người- rằng thiên tính của Người là thật nhưng nhân tính và một sự ảo tưởng hay vẻ bề ngoài. Cùng thời gian này, lạc thuyết của Arius cũng được đẩy lên cao. Thuyết của Arius từ chối thiên tính và nhân tính của Đức Kitô. Lạc thuyết này khẳng quyết rằng Đức Giêsu là “con nuôi” của Thiên Chúa nhưng Người chỉ có bản tính tương tự với Thiên Chúa Cha, chứ không đồng bản tính.
Công đồng Nicéa năm 325 đã kết án lạc thuyết của Arius và đã định nghĩa một cách long trọng rằng Đức Kitô đồng bản tính với Chúa Cha trong thiên tính của Người xét như là Chúa Con. Thuật ngữ được Công đồng sử dụng là homoousios (cùng bản tính) khi phản đối thuật ngữ homoiousios (bản tính tương tự) của phái Arius. Quan niệm Homoousios (đồng bản thể) đã giải thích được phương thức Đức Giêsu có thể thực hiện những phép lạ qua việc sử dụng bản tính thần linh của Ngài; và cách mà Ngài đã có thể chịu đau khổ và chết vì tội lỗi của chúng ta do bởi việc dùng bản tính nhân loại của Ngài.
Đức Giêsu có những cảm xúc cũng như có DNA, nhiễm sắc thể, máu thịt, hóc-môn, các cơ phận của con người, v.v. Chỉ trong thiên tính Ngài mới có những năng lực thần linh, như khả năng đi trên nước, hóa nước thành rượu; cho người mù sáng mắt; cứu chữa người chết, kẻ câm, người què quặt, đui mù; xua trừ ma quỷ; và làm cho kẻ chết sống lại.
Vì Ađam và Evà đã phạm tội nguyên tổ, nên bản tính nhân loại đã bị thương tổn. Bản tính ấy bị thương tổn chứ không bị phá hủy. Cái gì hoặc điều gì bị thương tổn thì có thể được chữa lành, có thể được cứu chuộc và cứu độ. Cái gì bị đồi bại và chết chóc thì không thể sữa chữa được. Bản tính nhân loại đơn độc không thể chuộc tội vì sự xúc phạm chống lại Thiên Chúa được đo lường bằng phẩm giá của người bị xúc phạm. Chỉ thần tính mới có thể cứu độ và cứu chuộc nhân loại, nhưng cũng chỉ nhân tính mới có thể chịu đau khổ, chịu chết và thực hiện việc hiến tế. Chỉ có Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người mới có thể vừa dâng tiến hy lễ (linh mục) vừa là hiến lễ (vật hiến tế).
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 43-44.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét