Mùi tất yếu của tiền bạc
Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).
Về phần mình, Đức Phanxicô thích trích câu của Léon Bloy: “Ai không cầu nguyện với Chúa thì cầu nguyện với quỷ.” Từ đó người ta suy ra Đức Phanxicô quỷ hóa (ngài nhắc lại, tiền bạc là ngẫu tượng đầu tiên khi con người quên Chúa và ngài so sánh, như Basile de Césarée đã so sánh từ thế kỷ thứ 4, tiền bạc là “phân của quỷ”). Hay ít nhất ngài cũng không quan tâm đến vì “Thánh Phêrô không có tài khoản ngân hàng, và khi phải trả thuế thì Chúa gởi ông ra biển câu cá, ở đó ông tìm được tiền (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 14-6-2013). Nhưng phân tích này thì quá giảm thiểu hóa, vì Đức Phanxicô không chống lại việc “tôn giáo cần tiền cho các công việc của mình”. Và chúng ta biết, một trong các công việc đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài là chỉnh đốn các tài khoản Tòa Thánh để Giáo hội có thể tiếp tục công việc của mình, các tài khoản này thường bị thâm hụt nặng. Ngoài ra, ngài không nói một người giàu thì cứ phải xấu, vì họ dùng tiền của mình cho lợi ích chung, họ tôn trọng giáo huấn của Giáo hội.
Ngài cũng xin phong chân phước cho ông Ernesto Enrique Shaw (1921-1962), người Argentina, đứng đầu một hãng giàu có, năm 1952 ông thành lập Hiệp hội Kitô của các giám đốc hãng xưởng, bị bắt năm 1955 dưới chế độ của Perón khi nhà độc tài Perón bắt bớ người công giáo, ngắn gọn, đây là một người đã không để sự an toàn của mình trong của cải, người biết “quỷ đi vào qua túi tiền”.
Nhưng ngài cực ghét hai chuyện: tiền bạc lãng phí và tiền bạc che giấu. Phê phán chủ nghĩa tư bản không phải chỉ phê phán việc tích tụ của cải trong mục đích làm giàu cá nhân. Ngài cũng lên án loại tư bản huênh hoang, có nghĩa tiền bạc được dùng cho những chi tiêu “vô ích” để phô trương uy thế, để đánh bóng hình ảnh cá nhân. Trên quan điểm kinh tế, người ta có thể nói ngài phê phán sâu xa sự vô nhân của lối tiêu thụ phô trương (conspicuous consumption), thành ngữ của nhà xã hội, kinh tế học Mỹ Thorstein Veblen đặt ra năm 1899, khi lần đầu tiên ông trình bày lý thuyết này trong tác phẩm Lý thuyết sắp hạng giải trí. Theo ông, trong các xã hội tự do, người ta có thể thấy những người giàu nhất tiêu cả gia tài cho các vật dụng mà giá trị thực dụng lại rất thấp, nhưng việc chi tiêu này lại đảm bảo cho họ có một vị trí lớn trong xã hội. Với những người bênh vực cho lối tiêu thụ này, triết gia Pháp Rousseau đã bẻ lại trong Câu trả lời cuối cùng cho Bordes (Dernière réponse à Bordes, 1752), rằng, “sự xa hoa nuôi sống một trăm người nghèo trong các thành phố của chúng ta, nhưng lại giết chết cả trăm ngàn người ở các làng quê chúng ta. Lời chỉ trích này được Đức Giáo hoàng dùng lại, một cách rõ ràng khi ngài nói về tiền bạc che giấu.
Vì, một cách nghịch lý, các giàu có phô trương thường lại dựa trên các đầu tư bí ẩn ở nước ngoài, thậm chí ở các thiên đường thuế má. Mà theo Đức Phanxicô, tiền bạc kiếm được là “món nợ xã hội” vì tiền bạc, dù nói thế nào đi chăng nữa, nó cũng có một quốc tịch, và ai đem tiền kiếm được bằng kỹ nghệ của nước mình ra nước ngoài, thì người đó phạm tội. Họ không đúng với nơi đã giúp họ có được của cải, họ cũng không đúng với người dân đã giúp họ chiếm hữu của cải. Ngắn gọn, tiền bạc cũng có “mùi”, như con cừu. Giấu nó đi là muốn giấu khả năng truy nguyên nó, đó là điều luôn đáng nghi ngờ. Như thế có phải Đức Phanxicô không muốn tiền luân lưu? Một lần nữa, phải hiểu tình huống đặc biệt của Argentina để hiểu tầm nhìn về kinh tế của ngài. Chúng ta nhớ, nước Argentina ở dưới sự giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI, trong những năm đầu năm 2000, đất nước này xém lâm vào tình trạng phá sản vì sự mất giá của đồng peso Argentina trước đồng đôla, với việc trốn các nguồn vốn và các “quỹ kền kền nuốt tiền” của người Mỹ đã mua giá rất thấp (20 % giá trị thật) món nợ Argentina. Vì thế nếu Đức Giáo hoàng lên án các vụ trục lợi do đồng tiền bị bứng đi ngoài lãnh thổ, là vì ngài đã chứng kiến tác hại của sự nghèo đi của dân chúng khi họ đến thố lộ với ngài.
Marta An Nguyễn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét