Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Philatô chuyển giao Đức Giêsu cho Hêrôđê (Lc 23,5-7)

Philatô chuyển giao Đức Giêsu cho Hêrôđê (Lc 23,5-7)


Từ đây bắt đầu hồi thứ hai của sự kiện ông Philatô tra xét Đức Giêsu: cuộc tra xét tại dinh vua Hêrôđê (Lc 23,5-16).
herode jesus
Hồi thứ hai này bắt đầu (23,5-7) và chấm dứt (23,13-16) trước toà án Philatô, nhưng trong phần trung tâm, Luca tường thuật lại cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với ông Hêrôđê (28,8-12). Quan tổng trấn Giuđê đã cho dẫn độ bị cáo Giêsu sang để ông Hêrôđê thẩm vấn.
Lc 23 5Họ găng thêm mà nói: “Y thúc dân dấy lên, giảng dạy trong toàn cõi Giuđê, khởi từ Galilê cho đến đây”. 6 Nghe thế, Philatô hỏi xem Người có phải là người Galilê hay không. 7 Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hêrôđê, thì ông cho chuyển tống Người đến với Hêrôđê; cả ông này, trong những ngày ấy, cũng có mặt ở Giêrusalem.
Sở dĩ ông Philatô nảy ra ý định chuyển giao Đức Giêsu cho ông Hêrôđê là vì có một yếu tố mới trong những lời tố cáo chống lại Đức Giêsu. Sự việc, như thế, lại một lần nữa, bắt đầu từ những người chống đối Đức Giêsu.
Những người đó không chấp nhận lời tuyên bố của ông Philatô, trái lại, họ làm găng và cố chấp trong quan điểm của mình. Động từ “khăng khăng” cho thấy tính chất của lần can thiệp thứ hai của những kẻ chống đối Đức Giêsu là một thái độ cố chấp, mạnh mẽ và có tính bạo lực, khăng khăng nhấn mạnh trên lời tố cáo từ trước của họ. Họ quay trở lại với lời tố cáo liên quan đến những hoạt động khích động dân chúng làm loạn mà họ vu cáo là Đức Giêsu đã thực hiện:
23,2: sách động dân tộc chúng tôi
23,5: thúc dân nổi loạn
23,14: kích động dân chúng
Ba động từ diễn tả một số sắc thái đáng chú ý. Trong khi các động từ “diastrephein” (sách động) (c.2) và “apostrephein” (kích động) (c.14) nói đến mối liên hệ của dân chúng với các nhà cầm quyền hợp pháp và diễn tả một hoạt động nghịch với nhiệm vụ phải trung thành với chế độ, thì động từ “anaseiein” (thúc, xúi) (c.5) lại liên quan trước hết đến tâm tình của dân chúng bồn chồn, rúng động, hoảng loạn không yên (x. danh từ “seismos”: cơn động đất, sự chấn động). Ảnh hưởng của Đức Giêsu trên dân chúng, cứ theo những điều được trình bày và giải thích, chính là điều cốt yếu trong tội của Ngài.
Nếu ở 23,2 có hai thí dụ cụ thể được trưng dẫn (là lời dạy liên quan đến vấn đề nộp thuế và đến vấn đề tự xưng là vua), thì bây giờ điều được nói đến là hoạt động giảng dạy của Đức Giêsu và thêm vào đó là phạm vi địa lý của hoạt động giảng dạy. Giảng dạy là phần chính yếu trong hoạt động của Đức Giêsu (thường được tóm tắt, thí dụ, trong 4,15.31; 13,22; 19,47; 21,37). Phạm vi của hoạt động này là toàn cõi Giuđê, từ Galilê cho đến Giêrusalem.
Hạn từ Giuđê chỉ tất cả xứ sở mà người Do Thái sinh sống (Lc 1,5; 4,44; 6,17; 7,17; 23,5), hoặc chỉ riêng phần đất phía nam mà  thôi (Lc 1,65; 2,4; 3,1; 5,17; 21,21).
Đoản ngữ chỉ phạm vi địa lý trong 23,5 “toàn cõi Giuđê” tương ứng với yếu tố chỉ dẫn về phạm vi chủng tộc trong 23,2 “dân tộc chúng tôi”. Cả hai đều nhằm mục đích chứng tỏ mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với trật tự hiện hành, vì cớ ảnh hưởng phổ quát (cả về phương diện địa lý lẫn phương diện chủng tộc) của những hoạt động của Đức Giêsu.
Khi biết Đức Giêsu có nguồn gốc là người Galilê, ông Philatô cho dẫn độ Ngài sang ông Hêrôđê, vị tiểu vương cai trị vùng đất ấy. Trước đây, Luca đã từng đặt ông Philatô và ông Hêrôđê bên cạnh nhau, với những chức vụ và lãnh địa liên hệ:
3,1: Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê,
        và Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê
Hêrôđê Antipa, con trai út của vua Hêrôđê Cả (Lc 1,5), là tiểu vương cai trị Galilê và Perea từ năm 4 tr.CN cho đến năm 39 CN, đặt đại bản doanh ở Tiberiade. Chính ông ta đã cho chặt đầu ông Gioan Tẩy Giả (Lc 3,19t ; 9,7-9). Ông cũng là kẻ tìm giết Đức Giêsu theo như lời cảnh báo của một số người Pharisêu với Đức Giêsu (Lc 13,31). Vậy vào thời điểm xảy ra vụ xử án Đức Giêsu, ông Hêrôđê đã cai trị từ hơn 30 năm trước và đã từng nghe biết về Đức Giêsu.
Tác giả tin mừng đã không nói gì rõ ràng về mục đích của ông Philatô khi ông cho dẫn độ Đức Giêsu sang dinh Hêrôđê. Chúng ta phải dựa trên ngữ cảnh mà tìm hiểu mục đích đó.
Các lời tố cáo của những kẻ chống đối Đức Giêsu và các nỗ lực của ông Philatô để điều tra một cách nghiêm túc vụ án Đức Giêsu, chính là hai thành phần chiếm ưu thế trong đoạn văn 23,2-16. Vấn đề mà Philatô tỏ ra bận tâm truy tầm cách nghiêm túc, đó là: tội trạng của Đức Giêsu chính yếu hệ tại ở điều gì? Ta có thể thấy điều ấy cách đặc biệt rõ ràng, khi cả hai lời tuyên bố của ông Philatô đều chỉ hoàn toàn liên quan đến vấn đề đó mà thôi (23,4.13-15).
Vậy Philatô đã cho dẫn độ Đức Giêsu sang Hêrôđê không phải để ông khỏi phải xử vụ án khó nuốt này, nhưng là để hiểu rõ hơn vụ việc, nhờ ý kiến của một người có vẻ là một chuyên gia thực sự trong lãnh vực liên hệ. Hêrôđê vốn là tiểu vương cai trị miền Galilê, là một người thích hợp nhất và hiểu biết nhất trong những vụ việc liên quan đến hoàn cảnh cụ thể của lãnh địa mà ông ta đang cai trị từ hơn 30 năm nay. Vì thế, Hêrôđê chính là người thích hợp hơn cả, nếu Philatô muốn tìm một người có khả năng và thẩm quyền nhất trong việc giúp ông hiểu biết chân tướng sự thật của lời cáo tội mà những người Do Thái đổ trên đầu Đức Giêsu, tức là lời cáo tội cho rằng Đức Giêsu, bằng hoạt động giảng dạy của mình, đã khích động dân chúng làm loạn, nhất là dân vùng Galilê.
http://dcctvn.org/philato-chuyen-giao-duc-giesu-cho-herode-lc-235-7/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét