MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA MẦU NHIỆM TỬ NẠN - PHỤC SINH
CỦA ĐỨC GIÊSU VỚI CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH
Giuse Nguyễn Văn Dũng, OP.
DẪN NHẬP
Giáo lý của Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: cũng thế, mỗi khi ăn tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến. Do đó chính trong ngày Hiện Xuống, ngày Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian, “những người suy phục lời giảng” của Phêrô, “đều chịu phép Rửa Tội”. Họ kiên tâm theo lời giáo huấn của Tông đồ, thông công trong việc bẻ bánh và cầu nguyện...ngợi khen Thiên Chúa lại được lòng dân”. Kể từ đấy, Giáo hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau quy tụ để cử hành mầu nhiệm Phục sinh: bằng việc đọc “những lời chỉ về Người trong bộ Thánh kinh” (Lc 24,27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hóa “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người”, đồng thời “cảm tạ Thiên Chúa về ân điển khôn tả của Ngài”, trong Chúa Kitô “để ca tụng vinh hiển của Ngài”, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.[1]
HOA TRÁI CỦA BÍ TÍCH ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
Đức Kitô chính là bí tích
Mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh cho chúng ta thấy sống bừng lên từ giữa cảnh chết chóc. Khi sự chết trở thành "bí tích" của sự sống, tất cả những gì là bóng tối đang bao phủ loài người sẽ được soi rạng nhờ ánh sáng của Thiên Chúa. Không thể tách rời "mặt tối" - tức là cuộc Tử nạn - và "mặt sáng" - tức là sự Phục sinh - của mầu nhiệm Vượt Qua ra khỏi nhau được. Chính nhờ các bí tích nâng đỡ mà nhân loại và cả vũ trụ toàn thể nữa - tức là hết thảy mọi sinh vật mang thân phận phải bước qua cảnh chết để đạt đến sự sống - đều đang sống và tiếp tục sống cuộc tái diễn biến cố Tử nạn- Phục sinh của Đức Kitô.
Mỗi khi, trong một cách thức nào đó, mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh được hiện tại hóa, thì chính nhờ mầu nhiệm ấy mà Đức Kitô trở thành "tất cả trong mọi người" và "tất cả trong mọi sự". Đó chính là tình trạng các thực tại phàm trần và cảm tính được tôn vinh. Chính vì thế mà bánh, rượu, nước và lửa, cũng như lao công con người, tất cả đều được tiếp thu vào trong bí tích. Mọi sự đều có thể trở nên dấu chỉ cho mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Đức Giêsu. Nhờ chính mầu nhiệm này mà toàn thể vũ trụ có nhân loại làm tâm điểm, được biến hóa từ tình trạng manh nha của mầm giống và hình bóng, trở thành thân mình của Thiên Chúa. Đấy là thân mình mà Thiên Chúa mặc lấy trong thế giới phàm trần.
Hội Thánh là hiện thân hữu hình của Thiên Chúa
Giáo lý của Công Đồng Vaticanô II số 1131 dạy rằng: "Các bí tích là những dấu hiệu hữu hiệu do Chúa Kitô thiết lập và được trao lại cho Giáo Hội để ban sự sống thần linh cho chúng ta. Các nghi thức hữu hình để cử hành các bí tích thì nói lên và thực hiện những ân sủng riêng của mỗi bí tích. Các bí tích mang lại hoa trái nơi những người lãnh nhận các bí tích với những sự chuẩn bị cần phải có".
Vì là dấu chỉ, nên các bí tích cũng là truyền thông, là ngôn ngữ, là lời nói trao đổi giữa những con người với nhau. Nhiều người tụ họp lại để cử hành bí tích, hay nói cách khác, các bí tích quy tụ các tín hữu lại. Chính nhờ các bí tích mà Giáo hội nhận ra và khẳng định bản sắc của chính mình. Tính cách xã hội ấy của các bí tích mang lại cho chúng ta cơ hội để hướng nhìn về với kế hoạch của Thiên Chúa và xây dựng cộng đoàn Giáo hội, nên bí tích cho thấy trước những tiên triệu về "Đức Kitô toàn diện", về nhân loại hiệp nhất: đó là đích điểm mà hoạt động của Thiên Chúa nhắm tới. Đấy là thân thể của Đức Kitô một khi đã đạt tới tầm vóc viên mãn. Với những cách thức biểu hiện khác nhau, tất cả các bí tích đều là những dấu chỉ cảm nhận được của mối hiệp nhất ở giữa loài người .
Qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Đức Giêsu bí tích được trao ban cho Giáo hội, và bí tích là những dấu hiệu ân sủng Chúa rõ rệt mà các giác quan có thể nhận biết. Qua các bí tích chúng ta được ban cho đời sống thiêng liêng… Các bí tích là những ex opere operato, vì chính Chúa Kitô làm việc qua các bí tích và trao ban các ân sủng của Ngài cho chúng ta. Ơn ích của các bí tích không dựa vào đạo đức cá nhân của người cử hành” (Hiến chế Tín Lý Giáo Hội Công giáo, số 224 và 229).
ÂN SỦNG ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
Đời sống bí tích tiên vàn là một diễn tả sự trao ban ân sủng của Thiên Chúa. Đồng thời đó cũng là một diễn tả khát vọng của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Sự khắc khoải mãnh liệt đó là tính nhân văn đặc thù của con người. Theo quan điểm của K. Rahner, vì tự căn bản là “siêu việt”, là sự mở rộng tới chân trời vô tận, nên con người muốn vượt qua chính mình và tất cả để hy vọng sống lấy tất cả. Chúng ta mong biết đường về cõi sống, cố tìm đến miền đất hứa của nguồn bình an tuyệt đối.[2] Bởi vì được dựng nên để sống cho yêu thương, chúng ta chẳng bao giờ có thể dập tắt được nỗi khát mong được hội ngộ và kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi tình yêu và sự sống vốn bùng lên từ đáy sâu tâm hồn.
Vì thế, ân sủng tiên vàn là kinh nghiệm sâu xa về một tình yêu dâng hiến, mở rộng, phát xuất từ Thiên Chúa, tác động bởi Thiên Chúa, qui hướng về Thiên Chúa. Chính do sự dâng hiến này mà ân sủng đi vào thế giới lịch sử, đưa lịch sử thế giới vào nhiệm cục cứu độ, mở lối đi qua những sa mạc cô đơn của cuộc đời, giải thoát, khẳng định những mong mỏi cơ bản và đích thực nhất của cõi lòng chúng ta. Điều này cũng giống như sự tuần hoàn chuyển lưu của dòng máu để nuôi sống toàn thân, mà Thiên Chúa được ví như là một “Trái Tim” dạt dào ân sủng, đong đầy tình mến, không ngừng hoạt động trong mỗi tâm hồn, hiện diện trong toàn thể lịch sử của nhân loại cũng như của vũ trụ.
Trong cảnh ngữ đó, như Thánh Augustinô quan niệm, ân sủng là ơn “soi sáng của Thiên Chúa” chiếu toả nội tâm, giúp cho con người tìm ra ý nghĩa về tất cả, hạnh phúc lẫn thương đau, cuộc sống lẫn cái chết. Ân sủng tỏ lộ cho chúng ta biết rằng “vì sao” chúng ta sống và đến trong cuộc đời, để rồi cuộc đời có “ra sao” đi nữa chúng ta cũng có thể chịu đựng trong yêu thương hài hòa. [3]
Ân sủng vì thế không phải chỉ là “ân ban” như một tặng vật, một đặc sủng, một nhân đức thiên phú hay một phẩm chất tốt lành nơi con người, nhưng ân sủng tiên vàn là chính Thiên-Chúa-trong-Tình-Yêu-Tự-Hiến của Người mạc khải cho chúng ta. Qua ân sủng chúng ta có thể “nhận biết” và “gặp gỡ” được “Đấng Ban Ơn”, và khi đã nhận biết và gặp gỡ được Người, chúng ta sẽ nhận lãnh tất cả những gì phát xuất từ “Nguồn Ơn” không giới hạn của Người. Như thế, “tất cả là hồng ân”, tất cả “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”, nhờ đó mà tinh thần con người mới có thể được cất lên khỏi “không gian” và “thời gian” trong thế giới hiện tượng để bước vào trật tự siêu nhiên, vào sự sống vĩnh hằng.[4]
BẢN CHẤT CỦA BÍ TÍCH
Giáo hội tin nhận các bí tích là do Chúa Kitô thiết lập, và Giáo hội nhìn nhận mình chỉ được trao quyền quản lý và phân phát kho tàng ân sủng của Thiên Chúa; vì thế các thừa tác viên hay cộng đoàn và ngay cả quyền tối thượng của Giáo hội không tự tiện hay thêm bớt nghi thức bí tích. Hơn thế nữa Giáo hội còn phải nỗ lực bảo vệ tính nguyên vẹn bản chất bí tích. Quả vậy, thánh Phaolô xác tín các Tông đồ biết mình chỉ là người quản lý các mầu nhiệm, vì Chúa Kitô là nền tảng của đời sống bí tích, và không ai có thể sắp đặt nền tảng nào khác hơn.
Quả vậy, Công đồng Trentô tuyên bố rằng: trong việc ban phát các bí tích, Giáo hội vốn luôn luôn có quyền ấn định hay sửa đổi những điều mà giáo hội xét là phù hợp nhất với lợi ích của người nhận hoặc với việc tôn kính các bí tích, tùy theo sự thể, thời gian và nơi chốn khác nhau, miễn là vẫn giữ nguyên bản chất các bí tích.
HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH
Bí tích là những hành vi phụng vụ đích thực đến từ Thiên Chúa, qua Hội Thánh, để ban ơn và thánh hóa con người. Bởi vậy bí tích có thể định nghĩa là những dấu hiệu đem lại ân sủng. Nhưng không chỉ như vậy, một khía cạnh quan trọng của bí tích mà người ta dễ bỏ quên – bí tích còn là những hành vi thờ phượng, qua đó con người dâng lời ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa; bí tích là hành vi thờ phượng chung trong Hội thánh, làm nên sức sống của Hội thánh.
Như thế, bí tích vượt hẳn ra ngoài giới hạn của thời điểm cử hành. Việc cử hành bí tích nói lên, tuyên xưng ra và làm cho thành hiện thực một điều gì đó hiện đang xảy ra trong toàn cuộc đời. Bí tích là dấu chỉ hữu hiệu về tác động thấm nhập của Đức Kitô vào trong toàn bộ cuộc sống loài người. Nhưng đồng thời cũng là một động tác ngược chiều: động tác của thể chất đời này tiến sâu vào trong cung lòng của Thiên Chúa.
Quả vậy, các bí tích làm nên đời sống của Hội thánh, mà nhờ Hội thánh mà bí tích được cử hành; qua đó ơn cứu độ được thông ban cho con người. Hội thánh cử hành các bí tích vì chính sự sống của mình nhờ việc cử hành này huyền nhiệm Hội thánh được tăng trưởng. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 1134 dạy rằng: Các bí tích sinh hiệu quả cho cá nhân cũng như cho Giáo hội, chúng vừa giúp các tín hữu sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, vừa giúp Giáo hội tăng trưởng trong đức mến và trong sứ mạng làm chứng.
Cho nên, khi Giáo hội là tác nhân, là người cử hành bí tích, thì các bí tích là “do” Giáo hội; khi Giáo hội được xây dựng và tiến triển nhờ các bí tích, thì các bí tích là “cho” Giáo hội. Sự sống siêu nhiên của Giáo hội chính là sự sống của Chúa Ba Ngôi: sự sống của Chúa Cha, của Đấng Phục Sinh và của Thánh Thần, sự sống này được thông truyền qua các bí tích. Mọi cử hành của người Kitô hữu phải được đặt trong tương quan và gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Đây chính là nguồn gốc và cội rễ đức tin của người tín hữu. bỏ quên chiều kích Vượt qua của Đức Kitô, thì những bí tích chỉ còn là những dấu chỉ không hồn, chỉ như bao dấu chỉ bình thường trong sinh hoạt thường nhật của con người mà thôi.
KẾT LUẬN
Như vậy, mầu mhiệm Tử nạn - Phục sinh của Đức Kitô là khuôn mẫu toàn diện cho sự hiểu biết về hiện hữu Kitô giáo, để từ đó chúng ta có thể vừa đặt câu hỏi, vừa giải thích về ý nghĩa sâu xa của ân sủng. Ngay trong ý thức tự nhiên muốn sống cho ra lẽ sống, muốn làm người cho ra chất người trong toàn diện cuộc sống, chúng ta có thể khám phá và cảm thức nơi bản thân mình một khát vọng “vượt qua” đến với nguồn mạch của hữu thể, đến với ý nghĩa tròn đầy của hiện hữu. Cho dù nhìn thấy gì trong lịch sử loài người, trong xã hội hôm qua cũng như hôm nay, hay phải đối mặt với những biến cố xảy ra hằng ngày trên thế giới: những thành công, những vất vả nhọc nhằn, những thất bại, những tiêu cực yếu đuối, khổ đau, chết chóc và tội lỗi, thậm chí là vô nghĩa, chúng ta cũng thực sự đang sống trong môi trường được “bao bọc” bởi ân sủng của Thiên Chúa. Từ một cảm thức rất tự nhiên, cuộc sống chung quanh ta đầy những huyền nhiệm như “trong đầm gì đẹp bằng sen”, tươi nở ngay trên bùn đen xình lầy, hay như hạt lúa gieo vào lòng đất, có trải qua quá trình “chết đi” trong bóng tối mới có thể “nẩy sinh” nhiều bông lúa mới cho cánh đồng phì nhiêu. Ngày nay Giáo hội mời gọi mọi bí tích nên được cử hành trong tương quan với thánh lễ, đặc biệt là bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối và Truyền Chức. Như vậy, phụng vụ của Giáo hội không thể đứng ngoài mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Đức Kitô. Chính sự phục sinh của Đức Kitô mang lại cho mỗi người sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì họ trở thành một thụ tạo hoàn toàn mới. Quả vậy, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã minh giải: Điều mà Truyền thống chung bên Đông Phương cũng như bên Tây phương gọi là kế hoạch bí tích, là chính việc truyền thông những hoa trái do mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô mang lại, qua phương thức cử hành phụng vụ bí tích của Giáo hội.[5]
(trích báo Chia sẻ số 62)
[1] Vat. II, Sacrosanctum Concilium, số 6.
[2] Stephen J. Duffy, The Grace Horizon: Nature and Grace in Modern Catholic Thought, Liturgical Press, 1992, p. 67.
[3] Augustine, On Original Sin, in Nicene and Post-Nicene Fathers, 1st series, p. 55.
[4] Nguyên văn mang tựa đề: "Incarnation et Sacrements" đăng trong tạp chí CAHIERS pour croire aujourd'hui, HỢP TUYỂN THẦN HỌC, số 3 (1992), tr.3-11.
[5] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1076.
http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/moi-tuong-quan-giua-cuoc-tu-nan---phuc-sinh-cua-duc-giesu-voi-cac-bi-tich-cua-hoi-thanh-7767.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét