Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Đức Yêsu Phục Sinh - Bằng cứ của Tin Mừng Nhất Lãm

Đức Yêsu Phục Sinh - Bằng cứ của Tin Mừng Nhất Lãm


Truyền thống Tin mừng Nhất lãm xem ra chỉ gán cho cuộc Phục sinh một vai trò mờ nhạt trong sứ vụ của Con Người. Đây là bằng chứng đáng phục về tính cách khách quan lịch sử nơi các vị Thánh sử là những tác giả đã thu thập phần tài liệu nòng cốt cho tác phẩm mình ngay từ các bài giảng tiên khởi của các Tông đồ mà tâm điểm lại chính là cuộc Phục sinh tôn vinh của Chúa Yêsu.
Loan báo Nước Thiên Chúa
Các ông cứ trung thực với ý định của mình: Đối với các ông, sứ điệp phải công bố chính là loan báo Vương quốc sắp đến. Trong thời đầu của sứ vụ Đức Yêsu, tất cả Tin mừng được thâu gọn trong câu: “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin mừng” (Mc 1.15).
Lời rao giảng của Đức Yêsu nối tiếp lời tiên báo của tiền nhân về thời thiên sai, trong đó ý tưởng về Vương quốc nổi bật. Vai trò của Con Người là loan báo về Vương quốc, và dẫn đưa dân chúng vào cái thực tại thiên giới ấy.
Đường vào Vương quốc ấy là lòng thống hối thật tâm, lòng tin vào Vương quốc và vào Đức Yêsu là vị Ngôn sứ. Được vào đó, những kẻ thu thuế và lũ đàng điếm mà lời rao giảng hối thúc của Yoan Tẩy giả và của Đức Yêsu đã đánh động. Cả một thời gian lâu, không thấy nói đến điều kiện nào khác ngoài việc thống hối, lòng tin và tuân giữ Luật mới đã được kiện toàn bởi Bài giảng Trên núi (Mt 5.20).
Vai trò cuộc Tử Nạn
Nhưng rồi dần dần, một yếu tố mới nổi bật và được coi như thành phần cốt yếu của sứ vụ Đức Yêsu: đó là, từ khi Phêrô tuyên tín tại Kaisaria, Đức Yêsu không ngừng bộc lộ cho môn đồ thấy cần thiết Ngài phải chết (Mt 16.1). Lời quả quyết ấy, được nhắc đi nhắc lại, cho phép đoán rằng: Tử nạn là một điểm chủ yếu của chương trình Cứu thế. Đức Yêsu giải thích rõ điều ấy trong lời tuyên bố: “Con Người đến… để thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mt 20.28; Mc 10.45).
Hôm trước ngày Ngài chết, Ngài loan báo cho biết ý nghĩa việc cứu chuộc ấy: Chính là nhờ Máu Ngài, “Máu giao ước đổ ra vì nhiều người” (Mc 14.24) “để nên ơn tha tội cho họ” (Mt 26.28).
Đồng thời Ngài khởi sự đưa ra rõ rệt một yêu sách trước kia có lần đã được nói đến sơ qua (Mt 8.22; 10.38t). Đó là phải khắng khít ràng buộc với Con Người và số phận của Ngài, ngõ hầu khi đã mất mạng sống vì Ngài, người ta sẽ lấy nó lại khi Ngài đến lần thứ hai trong vinh quang của Nước Ngài (Mt 16.24-28).
Từ đó hai chủ đề rao giảng nói trên đi song song với nhau: Lời loan báo Vương quốc sắp đến vẫn giữ địa vị ưu thế. Nhưng Vương quốc chỉ thành tựu tùy vào lời loan báo về cái chết của Ngài (Mt 20.22t).
Vai trò của Phục Sinh
Giữa hai chủ đề có một sự kiện chung nối kết lại: đó là việc Phục sinh, mật thiết liên kết với sứ vụ kép của Con Người là dẫn vào Vương quốc và chết cho muôn người.
Thoạt đầu, chính ở bên phía cái chết mà chúng ta thấy việc Phục sinh được ghi trong chương trình Cứu thế. Rất hiếm thấy báo cái chết mà không báo luôn cả việc Phục sinh ([1]). Trong ba lần tiên báo long trọng về cuộc Tử nạn được các Tin mừng Nhất lãm ghi lại, sự nghiệp Đức Yêsu hoàn tất nơi việc Phục sinh ([2]). Ở đó, Đức Yêsu miêu tả số phận đời Ngài thành ba nhịp:
  1. Con Người bị ruồng bỏ bởi dân chúng và giao nộp cho dân ngoại.
  2. Ngài bị đánh đòn, nhục mạ và bị giết.
  3. Ngày thứ ba, Ngài sống lại.
Loan báo việc sống lại ở cuối cuộc Tử nạn, điều này không chỉ nhằm tô sáng một bức tranh tối tăm ảm đạm. Theo ý Đức Yêsu, Phục sinh là thành phần của sứ vụ Ngài cùng với cái chết. Nó được ghi sẵn trong định mệnh Cứu thế thiên sai của Ngài: Con Người phải chết và sống lại! Cái chết chỉ là một thì trong tiết nhịp TRẦM và THĂNG.
“Ngài phải…. bị giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16.21 và ss)
“Đã viết như thế: Đức Yêsu phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cõi chết” (Lc 24.46).
Đã đành chữ “phải” được nhấn mạnh nhiều lần cốt ý cho môn đề Ngài khỏi bỡ ngỡ và vấp phạm vì cuộc khổ nạn thập giá. Song đồng thời nó cũng gom chung cái chết và sống lại trong chương trình Cứu thế như hai thực tại nối tiếp nhau mà trong ý của Thiên Chúa lại chỉ là một, hai giai đoạn của cùng một vận mạng.
Giá trị Cứu Độ của Tử Nạn và Phục Sinh
Từ những câu nói trên của Đức Yêsu, không thấy gợi ra một ý nghĩa cứu độ nào bởi Tử nạn cũng như Phục sinh, ngoại trừ: chúng phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Nhưng qua những đoạn văn khác, ta được biết cái chết của Đức Yêsu có một giá trị cứu chuộc.
Còn việc sống lại có giá trị gì?
Mối dây nối hai việc ấy quá tế vi! Hai việc ấy nối tiếp nhau, song tương quan của chúng có tính chất nào? Điều ấy hoàn toàn bị che giấu trong mầu nhiệm bí ẩn của chương trình Thiên Chúa.
Chỉ từ đây màn bí mật mới hé lên: Đó là lời Đức Yêsu nói với hai môn đệ làng Emmau đem một sắc thái mớivào công thức cũ:
“Thế thì Đức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?” (Lc 24.26).
Ở đây ta được biết phục sinh không phải là hồi sinh, nhưng là một sự TÔN VINH vào vinh quang. Từ đây, chết và sống lại không chỉ nối tiếp nhau, song tùy thuộc nhau.
Việc bước vào vinh quang cũng ứng nghiệm lời tiên báo y như cái chết, song với một danh nghĩa khác. Chắc chắn các môn đồ đã xác tín rằng: Kinh Thánh đã tiên báo vinh quang của Đức Kitô. Cái mà Đức Yêsu phải minh chứng cho họ thấy là cần thiết Ngài phải chết trước đã, và việc tôn vinh của Đấng Thiên Sai nằm ở cuối cuộc Thương khó. Bản La tinh Phổ thông (Vulgata) đã cắt nghĩa bản chính khi dịch như sau mà không sợ bị gọi là “phản”:
“thế thì Đức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã ‘để’ rồi bước vào vinh quang sao?”.
Quả thật, chết là điều kiện phải có trước còn Vinh quang là mục đíchđến sau.
Tuy việc Phục sinh vào vinh quang được coi như mục đích, song chưa được coi như có hiệu năng cứu rỗi rõ rệt, phải đợi suy tư thần học của thánh Phaolô sau này. Còn ở đây, tư tưởng của các tác giả Tin mừng Nhất lãm đơn giản hơn và ứng đáp những mối bận tâm của các ông: Bước vào vinh quang là khai mạc triều đại thống trị của Thiên Chúa. Hai môn đệ làng Emmau trước kia đã đặt tất cả hy vọng nơi vị Ngôn sứ làng Nadarét (Lc 24.31), hy vọng ấy đã không tan thành mây khói. Cuộc Tử nạn của Đức Yêsu đã cho nó thành tựu tức là đã đưa Đức Yêsu vào trong vinh quang của cái thực tại thời cứu độ.
Như vậy, theo quan điểm của các Tin mừng Nhất lãm, việc Phục sinh được nối kết vào chủ đề Vương quốc Thiên Chúa, đi kèm với việc Phục sinh là cuộc Tử nạn; nhưng vai trò khác biệt nhau: Phục sinh là khai mạc Vương quốc ấy, còn Tử nạn là điều kiện tiên quyết.
Hoạt động hậu Phục Sinh của Chúa Yêsu
Các hoạt động của Chúa Yêsu Phục sinh, như đã tả trong phần cuối của ba Tin mừng Nhất lãm, khai triển theo con đường vừa nêu trên: tức là việc Phục sinh thể hiện trọn vẹn cuộc Giáng lâm Cứu thế của Đức Yêsu. Từ đây, toàn vẹn quyền bính nằm trong tay Đức Yêsu để thiết lập Vương quốc. Ngài sai các Tông đồ đi thâu nạp mọi dân thiên hạ bằng lời rao giảng và ban phép rửa:
“Mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Ta…”.
“Hãy đi khắp thiên hạ rao giang Tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu” (Mt 28.18t; Mc 16.15t).
Trong đoạn cuối của sách Tin mừng, mà Cv 1,3-8 sẽ nối tiếp, thánh Luca coi việc Phục sinh như đích điểm của đời sống dương thế của Đức Yêsu, và khởi điểm cho lịch sử Hội thánh. Nguyên đứng về mặt văn chương, việc khai sáng Kitô giáo được liên kết với trình thuật Phục sinh (x. Lc 24,46-49 và Cv 1.3-8): Suốt 40 ngày, Chúa Yêsu nói về Nước Thiên Chúa (Cv 1.3). Ngài hứa sẽ sai đến trên các Tông đồ “điều Cha đã hứa” cho các tiền bối xưa (Lc 24.45; Cv 1.4) tức là Thần khí. Khi Thần khí được đổ xuống, ấy là hiệu báo thời Đấng Thiên sai đã đến, như các Ngôn sứ báo trước.
Rồi Đức Yêsu sai các môn đồ đi rao giảng cho các dân tộc. Các môn đồ sẽ không sát nhập họ vào một vương quốc nào đang có sẵn, vì khởi điểm của Nước Thiên Chúa đi từ số không. Và lời rao giảng phải bắt đầu từ Giêrusalem là trung tâm của Vương quyền Thiên Chúa trong Cựu ước, và phải đòi cả người Dothái lẫn dân ngoại ăn năn hối cải (Lc 24.47).
Nhận định tóm kết
Như vậy, việc Phục sinh của Đức Yêsu kết hợp hai dòng tư tưởng đã đan kết nên đạo lý và Sứ vụ của Ngài. Nó vừa thuộc đề tài Nước Thiên Chúa, vừa thuộc đề tài cuộc tử nạn cần thiết. Tử nạn chỉ có ý nghĩa vì làm giá cứu chuộc và làm đường đưa đến sống lại. Còn sống lại, chính là để thiết lập Nước Thiên Chúa trong trần gian.
Việc Tử nạn, việc Tôn vinh và Khánh thành Vương quốc: ba sự kiện đó liên hợp với nhau. Nhưng từ Tử nạn đến Phục sinh, phải nói là cái này buộc kế tiếp cái kia (succession nécessaire) hơn là cái này liên kết với cái kia (enchainement), vì giây liên kết với nhau không được giải thích, và tính cách Cứu chuộc của Tử nạn không được khai triển trong việc sống lại. Trái lại, người ta được hiểu rõ hơn về tương quan giữa Nước Thiên Chúa và việc Phục sinh: vì Phục sinh là bước vào vinh quang nên nó gợi đến một cuộc đăng quang trong một vương quốc: Đức Yêsu tuyên bố Ngài nắm trọn vẹn quyền bính và có đủ thẩm quyền để thực hiện lời hứa Cứu độ của Chúa Cha.
Tuy vậy, ngay ở đây, những điểm thần học còn thô sơ chưa được sắp xếp thành hệ thống: việc sai Thần khí đến quyền năng phổ quát, sứ vụ các Tông đồ, và việc ban phép Thánh tẩy nhân danh quyền bính trên: các điều ấy được đặt kề cận với việc Phục sinh mà không có mối giây ràng buộc bên trong.
Cứ dựa theo đoạn kết của ba Tin mừng Nhất lãm, đạo lý nguyên thủy có thể diễn tả như sau:
Đức Yêsu đã chết và sống lại đúng như lời Kinh thánh tiên báo, thời Cứu Thế thiên sai đã tới. Chủ đề cái chết Cứu chuộc được nói đến, việc tha thứ tội lỗi được rao giảng nhân danh Chúa Yêsu, và được bảo đảm cho ai ăn năn hối cải (Lc 24.47). Nhưng đề tài về Nước Thiên Chúa và việc Phục sinh có ưu thế hơn.
Theo F. X. Durrwell, C.Ss.R.
trong “Đức Yêsu Phuïc Sinh – Mầu Nhiệm Cứu Độ”
[1] Báo về cái chết mà thôi: Lc 9.44; Mt 26.2. Trong Lc 17.25, Phục sinh được báo cách tiềm ẩn.
[2] Mt 16.21; 17.22; 20.17tt và ss.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét