Đức Giêsu và người trộm lành (Lc 23,43)
Cái “hôm nay” đối với Đức Giêsu cũng như đối với người gian phi này là cái hôm nay của cái chết nhục nhã, đau thương và thảm khốc trên thập giá, nhưng đồng thời, cũng là cái hôm nay của việc bước vào trong sự sống vĩnh cửu vô biên, trong sự sống hạnh phúc và viên mãn tuyệt đối.
Trên thập giá, Đức Giêsu đã không hề trả lời cho những người nhục mạ, chế giễu và xúc phạm Người. Nhưng với người gian phi thứ hai, Người đã đưa ra một lời hứa hết sức long trọng: “Quả thật, Ta bảo ngươi: hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với Ta!” (Lc 23,43).
Đức Giêsu xác nhận lời tuyên xưng của người gian phi (Lc 23,40-42) và cho thấy những lời chế giễu của những người khác là hư luống hết cả. Người không xuống khỏi thập giá và không cứu lấy mạng sống thế tạm này, nhưng thực ra, Người đi vào trong Vương Quốc của Người, là vương quốc sự sống, đồng thời tỏ mình là Đấng Cứu Độ bằng cách đưa người gian phi vào Vương Quốc đó cùng với mình.
Trong cả 4 sách Tin Mừng, công thức “Quả thật, Ta bảo ngươi” được sử dụng không nhiều, và lần cuối cùng luôn là nói với một cá nhân; trong Mt, Mc, Ga cá nhân cuối cùng được Đức Giêsu ngỏ lời bằng công thức long trọng đó luôn là ông Phêrô (Mt 26,34; Mc 14,20 và Ga 21,18), trong Lc thì là người gian phi trên thập giá.
Còn lời hứa “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với Ta!” thì chỉ có ở Lc 23,43.
Chỉ ở đây, với con người hết sức đặc biệt này, Đức Giêsu mới đưa ra lời tuyên bố có một không hai như vậy. Chính với một con người đang ở trong một hoàn cảnh cụ thể rất thảm khốc – trong đó anh ta bị xác định và nhận diện là một tên tội phạm nguy hiểm, đã phạm tội ác tày đình, đang bị xử tử một cách thích đáng, trên thập giá, cận kề cái chết – nhưng đồng thời cũng là người vừa tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô chịu đóng đinh, mà Đức Giêsu bảo đảm cho anh ta sự hiệp thông tuyệt hảo với Người trên Thiên Đàng.
Cái “hôm nay” đối với Đức Giêsu cũng như đối với người gian phi này là cái hôm nay của cái chết nhục nhã, đau thương và thảm khốc trên thập giá, nhưng đồng thời, cũng là cái hôm nay của việc bước vào trong sự sống vĩnh cửu vô biên, trong sự sống hạnh phúc và viên mãn tuyệt đối.
Điều đang xảy ra giữa Đức Giêsu và người gian phi, xuất hiện như sự thực hiện những gì Đức Giêsu đã nói ở Lc 12,8: “Phàm ai xưng Ta ra trước mặt người đời, thì Con Người cũng xưng kẻ ấy ra trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”. Trước mặt những kẻ nhục mạ Đức Giêsu và trong một tình cảnh hoàn toàn bi đát, người gian phi đã tuyên xưng lòng tin tuyệt vời vào Đức Giêsu chịu đóng đinh. Bây giờ, anh nhận được từ Đức Giêsu lời tuyên bố rằng anh sẽ vào Thiên Đàng làm một với Người ngay hôm nay. Đoạn văn Lc 12,4-9 không chỉ bình luận về thái độ của người gian phi, mà còn cả của chính Đức Giêsu nữa.
Vào Thiên Đàng là vào trong sự hiệp thông viên mãn tuyệt đối với Cha. Hứa Thiên Đàng cho người gian phi cùng chịu đóng đinh, kẻ trong thực tế là một tên tội đồ và đang phải cận kề cái chết, Đức Giêsu thông ban cho anh ta ơn tha thứ, sự nên một không gì có thể chia tách với Thiên Chúa và sự viên mãn của sự sống vĩnh cửu.
Với lời hứa này, Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Đấng Cứu Độ nghĩa là gì. Đức Giêsu không phải là một đấng cứu độ làm cho chính Người và những người khác xuống khỏi thập giá để rồi sẽ lại chết nữa. Người thông ban ơn cứu độ bằng cách ban ơn tha thứ tội lỗi trong sự hiệp thông sự sống viên mãn với Cha.
Tất cả những tên tôi đồ kinh khủng nhất của thế giới này sẽ đều có thể được cứu như người gian phi trong Lc 23, miễn là họ tin vào Đức Giêsu và xin Người “nhớ đến tôi khi Người vào trong Nước của Người”.
Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh
http://dcctvn.org/duc-giesu-va-nguoi-trom-lanh-lc-2343/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét