Từ hy lễ của Đức Ki-tô đến hy lễ của các Ki-tô hữu
Tác giả: Joseph CAILLOT
(“Du sacrifice du Christ à celui des chrétiens”, trích trong Cahiers Évangile số 118 (2001), trang 57-64, Éd. du Cerf).
“Khi thực sự hiến tế trên Thập giá, Người đã kiện toàn các nghi lễ xưa, và khi dâng mình cho Cha để cứu độ chúng con, Người đã trở nên linh mục, thành của lễ và bàn thờ”. (Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật 5 Phục Sinh).
Hy lễ duy nhất và mang tính quyết định
Cả tín lý cũng như phụng vụ đều muốn diễn tả cách trung thực về chứng cứ nền tảng của Kinh Thánh là sự phong phú vô tận và không thể giảm suy trong hy lễ của Đức Ki-tô. Khi hướng niềm tin vào chính con người của Chúa Giêsu, tín lý và phụng vụ luôn đổi số nhiều ra số ít, từ những khác biệt đến sự duy nhất. Nói một cách cụ thể, đối với đức tin ki-tô giáo thì điều này thực ra có nghĩa là người ta không thể nói về “hy lễ” ở số nhiều. Từ đây, hy lễ duy nhất cùng lúc hủy bỏ và hoàn tất mọi hy lễ khác, dù đó là những “hy lễ đền tội”, “hy lễ tạ ơn” hay “hy lễ hiệp thông”. Tất cả những nghi lễ này của Do Thái Giáo, mà ý nghĩa về phụng tự và biểu tượng của chúng, dù có phong phú đến đâu đi nữa, thì từ nay, cũng bị các kitô hữu đầu tiên, – những người được tái sinh bởi sự sống, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su,– coi như những cử chỉ không bao giờ hữu hiệu đầy đủ, bởi vì chúng luôn phải được lặp lại ! Dưới mắt họ, bây giờ chính là “hy lễ vô đối” của Chúa Giêsu, hy lễ phải được loan báo và cử hành vào chính lúc mà cử chỉ cứu độ được đón nhận trong đức tin, như cử chỉ tuyệt đối độc nhất và không thể lặp lại. Một cách khác, dường như người ta có thể nói rằng “một lần là đủ”,– ý tưởng được nhấn mạnh trong văn bản thư gởi tín hữu Híp-ri –, bỗng nhiên ký nhận cả tính triệt để của điều mang tính quyết định, lẫn sự phong phú của việc bất khả hồi, cũng như sự mới mẻ của cái vô tận.
Kể từ những thế hệ ki-tô hữu đầu tiên, chính [phẩm giá] “một lần là đủ” nơi cử chỉ của Đức Ki-tô làm cho việc “mỗi lần” của vô số những cử chỉ phượng tự cũng như đạo đức trong dòng lịch sử trở thành có thể và cần thiết, mà qua đó, các kitô hữu sẽ được mời kết hiệp đời mình với đời sống của Chúa Giê-su. “Có thể và cần thiết” là chúng ta hãy viết cho mình rằng : vâng, bởi vì hy lễ của Đức Ki-tô, ngay cả khi chỉ được dâng hiến một lần thay cho mọi lần, thì cũng mở ra những cánh cửa cho tương lai : vì nó mang nơi chính mình một chiều kích cánh chung.
Chúng ta hãy giải thích : sự chiến thắng được ban tặng, một chiến thắng sẽ không bao giờ qua đi nữa, sẽ giải thoát tất cả, cho đến chính thời gian ; đồng thời, nó làm cho các môn đệ của Chúa Giêsu chịu trách nhiệm về chính lịch sử của mình.
Nghịch lý của sự hoàn tất
Nhiều lần chúng ta được nghe nói rằng : hy lễ của Đức Ki-tô “hoàn tất” những hy lễ của Cựu Ước. Chúng ta hiểu từ ngữ này thế nào ? Chắc hẳn ở đó có một sự “biến đổi tận căn”, hoặc nói cách khác, một sự “lật đổ” tất cả sự xêp`đặt các nghi thức và phượng tự của Giao Ước thứ nhất. Nhưng khái niệm “lật đổ” này hẳn là không được hiểu theo nghĩa xấu của từ ngữ như một sự suy đồi ! Thật ra, nó chỉ một sự đổi chỗ hoàn toàn lớn lao, khiến cho không gì, không bao giờ sẽ còn như trước nữa. Ngoài ra, đó còn là lý do cho nhiều nhà thần học trung thành với Kinh Thánh, sẽ không ngần ngại nói đến biến cố thập giá như một thứ “phản-hy lễ”. Thế là thế nào ? Chúng ta thử làm sáng tỏ ngay từ ngữ này.
Điều chủ chốt của cách nói này là cái chết của Chúa Giêsu buộc chúng ta phải thay đổi hoàn toàn não trạng và những “kiểu cách đạo đức”. Chúng ta có thể trích dẫn lời nhận xét của Joseph Moingt làm ví dụ : “Thập giá là một hy lễ dưới hình thức không phải là duy nhất trong thể loại của nó, mà không gắn liền với cử chỉ tế lễ, một hy lễ được hoàn tất khi thiêu hủy nơi mình lý do hiện hữu và ý nghĩa của những hy lễ đạo đức khác vốn không có hiệu lực và không đẹp lòng Thiên Chúa, một hy lễ biến đổi tận căn thái độ đạo đức của con người, để làm cho nó xứng đáng với mặc khải và việc thờ phượng Thiên Chúa theo cách thức mới được biểu lộ trên Thập Giá” (trích trong Mort pour nos péchés, Bruxelles, Publications Saint-Louis, 1979, trang 167).
Lời khẳng định trên thật mạnh mẽ, gần như là một thách thức. Nếu điều này đòi chúng ta suy nghĩ thì đồng thời nó cũng phải được diễn đạt cách tinh tế hơn. Dĩ nhiên là hơi quá đáng, khi nói rằng những hy lễ “cũ” có trước biến cố Thập Giá không “đẹp lòng Thiên Chúa”, bởi vì từ thời Cựu Ước, các ngôn sứ đã phân biệt cái thật với cái giả, điều chân thực với điều giả dối, chính yếu với thứ yếu, khi hướng đời sống các tín hữu trước hết vào lòng thương xót và những việc tốt lành. Bên cạnh đó, sau khi Đền Thờ bị phá hủy, truyền thống Do Thái đã biết “linh thiêng hóa” ý niệm hy lễ, nhờ việc học kinh Torah, giữ các điều răn, thực hành những việc bác ái, và cầu nguyện. Tuy nhiên, những nhận xét của cha Joseph Moingt (người đã nhắc đến việc “biến đổi tận căn”) cho thấy rằng, đối với thần học công giáo, ý thức mới này nảy sinh từ biến cố xảy đến cho chúng ta nơi Chúa Giêsu.
Vì vậy, người ta không thể nói cách chính xác về hy lễ của Đức Kitô mà không xác quyết một sự đứt đoạn rõ rệt, can đảm, không quay lại với những việc thực hành vốn đã thấm sâu trong Do thái giáo. Dầu vậy, sự đứt đoạn, dù không thể quay lại bằng bất cứ cách nào, cũng chỉ được hiểu, dựa trên nền tảng của sự liên tục. Vậy còn sự đứt đoạn thì sao ? Vâng, xin nói ngay : trong Chúa Giê-su, từ nay có Đấng lớn hơn cả Đền Thờ (như có Đấng lớn hơn Mô-sê, hơn Ê-li-a hay Gio-an Bao-ti-xi-ta). Chúng ta hãy đi xa hơn : thậm chí nơi Người còn có Đấng Hoàn Toàn Khác, lớn hơn cả Đền Thờ ! Nhưng còn là sự liên tục nữa, vâng đúng thế, không ngập ngừng. Nếu không thì sao hiểu được nghi thức Do thái quan trọng của Yom Kippour, đặc biệt trong chiều kích cánh chung của nó, thường được các nhà nghiên cứu Kinh Thánh nhấn mạnh, như phần sâu kín cần thiết để hiểu cho đúng về biến cố Thập Giá ?
Nói cách khác, người ta thấy điều đó : ý niệm hoàn tất là một ý niệm phức tạp, được thêu dệt vừa bằng sự đứt đoạn, vừa bằng sự liên tục. Cả hai khía cạnh của việc hoàn tất này cùng quan trọng như nhau, vì nói đúng ra, chúng cần thiết cho nhau. Vì sao vậy ? Theo ý chúng tôi, chỉ có một cách giải thích khả thi là : nếu nói về lễ tế của Đức Ki-tô dưới dạng thức đứt đoạn và liên tục trong tương quan với Do Thái Giáo, thì đó là vì trong một hy lễ như thế, chính ý niệm giao ước – “giao ước vừa mới mẻ vừa vĩnh cửu”, “giao ước” liên quan đến mọi người” – sẽ tìm thấy sự hoàn tất tròn đầy, một sự thực hiện không thể vượt qua của nó. Tựu trung, tất cả đều phát sinh từ ý niệm giao ước và tất cả đều đưa dẫn về đó. Thiên Chúa chúng ta, từ muôn thuở đến muôn đời, vẫn là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta và cho chúng ta, và biến cố vượt qua đóng dấu vĩnh viễn trong lịch sử, chân lý trung tâm này của Mặc Khải.
Bí mật con thảo :
Hy lễ như “sự vâng phục được đồng hành”
Có lẽ chúng ta đang chạm đến điểm nhạy cảm nhất của vấn đề được nghiên cứu, khi bàn về hy lễ của Chúa Kitô. Tân Ước luôn làm nổi bật sự tự do của một con người hoàn toàn tự hiến chính mình : “Sự sống của tôi, không ai có thể lấy mất được, nhưng là chính tôi ban tặng …”. Bên cạnh những câu nói chúng ta thấy quen thuộc, hoặc ở thể thụ động (Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến, Người bị Giu-đa phản bội, Người bị nộp để cứu độ thế gian), hoặc ở thể chủ động (chính Chúa Giêsu ban tặng Thần Khí cho con người, Người sai các tông đồ ra đi), thì đây là những cách nói nổi trội : Chúa Giê-su hiến thân, hứng chịu, từ bỏ mạng sống chính mình, tự hiến trọn vẹn… Thế nhưng, điều quan trọng ở đây cần được chúng ta lưu ý là một sự tự hiến như vậy, không bao giờ đơn độc. Chúa Giê-su không trao tặng sự sống mình như một anh hùng bị tách ra khỏi lịch sử, rồi dùng sáng kiến cá nhân để khơi lên sự ngưỡng mộ hay dửng dưng của đám đông. Cử chỉ của Người chỉ đạt đến sự thật toàn vẹn khi được cắm rễ sâu trong việc lắng nghe tiếng Chúa Cha và làm đúng như ý Người. Sự lắng nghe và làm đúng như ý Chúa Cha có một tên gọi : sự vâng phục. Và chính sự vâng phục này cũng có một tên gọi : đó là mối tương giao hiếu thảo.
Như vậy, khi nói về Chúa Giê-su, chúng ta khám phá ra bí mật làm sống động tất cả cuộc đời của Người, cho đến tiếng kêu cuối cùng trên thập giá, cho đến hơi thở sau hết của Người, vì không có hy lễ mà không có vâng phục, không có hy lễ mà không phải là tương giao hiếu thảo được sống cho đến cùng. Chúa Giê-su không bao giờ cô độc, ngay cả khi Người chết trong sự bỏ rơi của Chúa Cha, bởi vì sự bỏ rơi này, một cách nghịch lý, lại không xóa bỏ được sự gắn bó chặt chẽ nhất. Chúa Giê-su không bao giờ cô độc, bởi vì từ đầu này cho đến đầu kia cuộc đời của Người, Người trao ban chính mình, khi để cho Thần Khí hướng dẫn, Đấng mà sau này Người sẽ ban cho thế gian. Chúng ta không thể hiểu hy lễ của Đúc Ki-tô mà không đặt Người trong chiều kích Ba Ngôi là chiều kích phong phú nhất. Vậy mà chính bí mật mang chiều kích Ba Ngôi này nơi Chúa Giê-su lại là nguồn mạch của sự tự do cao nhất, tự do của người Con được yêu mến và là người yêu mến tất cả. Khi lắng nghe tiếng của Cha, khi làm theo ý muốn của Người chứ không phải ý riêng mình, khi thuận theo lời mời gọi cho đến cùng, Chúa Giê-su nghiệm thấy rằng chính trong cục điểm của sự tự hiến mà đồng thời Người được trao tặng lại cho chính mình, trong sự tự do đích thực, nhân bản và hiếu thảo. Người tự hiến cho Đấng mà Người hằng luôn kết hiệp. Và càng tự hiến trong sự vâng phục, thì Người càng lớn lên trong sự tự do nội tâm. Hy lễ của Người, trong cùng một động tác vận hành, là chóp đỉnh tặng phẩm của Thiên Chúa và chóp đỉnh của tặng phẩm dâng lên Thiên Chúa.
Từ Đức Ki-tô đến các kitô hữu :
Tặng phẩm của Thiên Chúa và tặng phẩm dâng Thiên Chúa.
Với điều bí mật mang tính quyết định của hy lễ hiếu thảo của sự “vâng phục được đồng hành”, chúng ta có một sự chuyển tiếp thấy ngay trong phần này, phần liên hệ trực tiếp đến chúng ta. Bởi vì từ nay, chúng ta được liên kết với hy lễ của người Con duy nhất, trưởng tử của mọi thụ tạo, trưởng tử giữa những kẻ chết, trưởng tử của một số đông anh em. Chính là qua một con đường như thế, hiếu thảo và huynh đệ mà mọi trang Tân Ước – chỗ nào cũng choáng ngợp bởi hy lễ của Chúa Giêsu, như được ghi khắp nơi bằng dấu ấn của Người – cho phép một khám phá rất đơn giản, nhưng đồng thời cũng rất đòi hỏi, sự khám phá từ nay soi sáng và hướng dẫn đời sống của chúng ta : đối với các ki-tô hữu, “chết và sống lại với Chúa Ki-tô”, đó thực sự là đời sống thường nhật, đời sống theo dòng thời gian, đời sống được trở nên “nơi” thờ phượng và đạo đức đích thực của đời sống tốt lành trong Thần Khí. Nói cách khác, vấn đề không phải là chúng ta tìm thủ đắc những công trạng, tích lũy những hoạt động, dâng tiến những hy lễ (có đổ máu hay không), để xin ơn tha tội, để đạt được sự hòa giải với Thiên Chúa, sự hòa giải không bao giờ được bảo đảm trọn vẹn, nhưng ngược lại, bởi vì tất cả đã được hoàn thành, một lần là đủ, bởi vì ơn tha thứ đã được trao ban, bởi vì sự hòa giải đã được thực hiện, và Thập giá bảo đảm đến mãi mãi như “dấu chỉ không phai mờ của Giao Ước”, nên Giáo Hội và mỗi thành viên sẽ hy sinh không tính toán, tự hiến theo bước Đức Giêsu mà không mong chờ được đáp trả. Đó là không làm cho Thập giá của Chúa Kitô ra “vô hiệu”, bởi vì từ nay, tặng phẩm của Thiên Chúa luôn được trở nên phong phú và sáng tạo trong dòng lịch sử, tặng phẩm mà mỗi người được mời gọi dâng lên Thiên Chúa, dù đó là những việc phục vụ anh chị em hay việc thờ phượng trong tinh thần và chân lý.
Chúng ta hãy làm rõ hơn điều này. Khi chúng ta khẳng định rằng Chúa Giê-su Ki-tô đã sống và đã chết “cho chúng ta”, thì đó là “vì chúng ta” và “nhằm lợi ích của chúng ta”, hơn nữa là “thay cho chúng ta”. Điều này có nghĩa là nhờ ơn của Thần Khí, Chúa Giê-su đã muốn liên kết chúng ta thật sự với cử chỉ yêu thương còn mãi của Người. Người đã tự nộp mình “vì chúng ta”, để như Người, nhờ Người,và trong Người, chúng ta có thể làm cho đời sống của mình trở nên một lối dẫn đến với Chúa Cha và đến với mọi người. Nói về hy lễ như là động lực của đời sống ki-tô hữu, nhằm trình bày cách rõ ràng khái niệm “tham dự” : đây thật là mầu nhiệm, đó là vì chúng ta được liên kết với mầu nhiệm giải thoát của chúng ta !
Thánh Âu-tinh đã nói : “Đấng đã dựng nên bạn không cần có bạn, nhưng Người không thể cứu chuộc bạn mà không có bạn”.
Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu thêm một chút. Chúng ta hãy nghe lại thánh Âu-tinh khi thánh nhân viết rất xác đáng về ý nghĩa đích thực của hy lễ : “Mỗi hy lễ đích thực là một công việc tốt giúp chúng ta kết hợp với Thiên Chúa trong mối liên kết thánh thiện, đó là bất cứ công việc gì đưa ta đến với ân sủng cao cả mà nhờ đó, chúng ta có thể thực sự hạnh phúc.” (Thành đô Thiên Chúa, X, 6).
Như vậy, cả thánh Âu-tinh cũng cho thấy rằng : cử chỉ của việc “tự hiến cho” không tách rời khỏi cử chỉ “kết hiệp với”, nhưng ngài thêm rằng hoạt động này không nhằm mục đích nào khác ngoài hạnh phúc cuối cùng. Điều này không phải là không quan trọng đối với thái độ nội tâm mà chúng ta phải có, để thực hiện hy lễ của chính mình. Chúng ta hãy chú ý tới một số điểm để bổ sung cho những suy tư này.
Trước hết, hy lễ trong chế độ ki-tô giáo không liên quan chút nào với việc duy trì sự đau khổ một cách bệnh hoạn, vì hy lễ có đó để đem lại niềm vui, ngay cả khi hy lễ đồng nghĩa với những thời khắc đặc biệt nặng nề mà mình phải gánh chịu, nhưng chính là như thế. Nếu Đức Giêsu muốn liên kết chúng ta với hy lễ của Người, thì đó cũng là vì Người muốn chúng ta được dự phần vào niềm vui này mà không ai có thể lấy đi được. Nơi đâu hy lễ trở nên nặng nề, thậm chí được thanh tẩy hay chìm ngập trong “lò lửa thử thách”, như thánh Phêrô nói đến trong thư thứ nhất của ngài (1Pr 4, 12), mà không được sống trong niềm vui và vì niềm vui, thì đó không phải là hy lễ ki- tô giáo.
Kế đến, nếu hy lễ luôn là sự vâng phục được đồng hành, thì hy lễ không bao giờ được sống cách đơn độc. Ở đây, chúng ta phải coi chừng với cạm bẫy của sự tự mãn không lành mạnh mà có khi chúng ta cũng đi tìm trong hy lễ, vì không có hy lễ ki-tô giáo, nếu không có sự kiên trì chăm lo đến toàn Thân Thể, cũng như niềm vui đón nhận, xây dựng và gìn giữ sự hiệp thông ấy. Nếu tất cả khơi lên trong chúng ta sự đòi hỏi và niềm vui của tình yêu, thì một sự hiến dâng như thế sẽ chẳng có nghĩa gì, nếu nó tách biệt với nhịp đập mạnh mẽ của trái tim trong Giáo Hội, vì chỉ có hy lễ trong thế tương giao : hãy yêu thương nhau, hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, hãy săn sóc lẫn nhau. Quà tặng của Thiên Chúa luôn trao chúng ta cho nhau.
Cuối cùng, nên coi chừng điều mà Maurice Bellet gọi là một “tai họa khả dĩ của sự tận hiến ”. Vì tặng phẩm mà chúng ta dâng Thiên Chúa chính là hoa trái của tặng phẩm mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, nên nó phải được sống một cách thanh thoát, với sự khiêm nhường mà không tìm cách tăng thêm, không muốn làm cho việc phục vụ mỗi ngày của chúng ta nên một thành tích. Chắc hẳn, nét mới mẻ trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với chúng ta được kể là toàn bộ cuộc sống chúng ta được thấm nhuần bởi mối tương quan đó (điều mà M. Quesnel gọi là hy lễ “phi vật thể”). Nhưng tôi chỉ cho lại người đã cho tôi cái tôi có thể mà không vênh vang, không kiêu ngạo, không thất vọng, cũng không lười biếng.
Trong cuộc sống hàng ngày này được thánh hóa bởi sự hiện diện của Thần Khí, được ghi dấu bằng cường độ cực mạnh của hy lễ của Chúa Giê-su : “Tôi làm điều tôi có thể”, lần này theo nghĩa tích cực của kiểu nói, và như thế đã là nhiều.
Ở đâu, lúc nào và như thế nào ?
Sự viên mãn của Thánh Thể
Vậy, nhưng ở đâu, lúc nào và cách nào để kín múc được sức mạnh dâng hiến đời sống chúng ta theo một thái độ thiêng liêng như thế. Vì không còn nơi thiêng thánh để làm điều đó, cũng như không còn “Đền thờ” hay núi thánh, nên sự dâng hiến đó được thực hiện ở mọi nơi. Lúc nào ? Như người ta đã thấy, không nơi nào khác ngoài cuộc sống mỗi ngày : mỗi giây phút của cuộc sống ấy là nơi thực hiện hy lễ “phi vật thể”, hy lễ không còn dựa vào những lễ vật hay nghi lễ nữa, nhưng không phải vì thế mà vô cùng kém cụ thể.
Cách nào ? Người ta cũng thấy điều đó : bằng một đời sống được hướng dẫn trong Thần Khí và theo Thần Khí, một đời sống thành tựu và vượt quá chính mình, theo sự bí mật tốt đẹp của “lối sống được đồng hành” cho phép chúng ta có thể kết hiệp với Đấng cho chúng ta kết hiệp với Người và với những kẻ khác.
Nhưng, nguồn mạch và đỉnh cao của tất cả đời sống này, chúng ta biết tên nó : đó là bí tích Thánh Thể, nơi tất cả được qui tụ, nơi tất cả lại được phát tán.
Trong một cuốn sách đã cũ, nhưng vẫn là một tham chiếu quan trọng cho lịch sử việc hiểu Thánh Thể trong Truyền Thống Ki-tô Giáo (cuốn Corpus mysticum), cha Henri de Lubac gợi lại điều mà cha gọi là một “thuyết tượng trưng toàn bộ”. Đối với ngài, điều quan trọng cho đức tin công giáo (và cũng chính là điều Công Đồng Tren-tô đã nhấn mạnh đế chống lại sự phản kháng của các Ki-tô Hữu Cải Cách), là không bao giờ được tách biệt Thánh Thể như hy lễ với Thánh Thể như Bí Tích. Tài liệu được soạn thảo cho Đại Hội Thánh Thể ở Lộ Đức năm 1981, “Chúa Giê-su Ki-tô, bánh được bẻ ra cho một thế giới mới” cũng theo đường hướng này khi xác định rằng : “Chiều kích hy tế của Thánh Thể như chiều kích nội tại đối với bí tích : từ nay người ta có thể nói về một sự hiện diện mang tính bí tích của hy tế lịch sử, hay về “một hy tế mang tính bí tích” (Paris Centurion 198, trg 45).
Như thế, ngày qua ngày, chúa nhật này đến chúa nhật kia, Thánh Thể là nơi tối hảo kết hiệp các tín hữu với hy tế của Đức Ki-tô, với vinh quang của Đức Chúa Cha để cứu độ thế giới. Vẫn còn là thánh Âu-tinh quả quyết điều đó trong một công thức gây ấn tượng : “Cái bạn lãnh nhận thì bạn là chính cái đó” : Mình Thánh Đức Ki-tô. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta không thể tách biệt cái Thiên Chúa đã kết hiệp nơi chúng ta, khi ban Con Một của Người. Mỗi một kinh nguyện Thánh Thể của chúng ta đều cử hành giao ước bất khả hồi này, giữa hy lễ độc nhất và cuối cùng của Chúa Con và vô vàn cử chỉ do các thành phần trong thân thể Người thực hiện, như thế là biểu lộ, hôm nay và ngày mai, sự phong phú vô tận của ơn đã nhận được. Chính khi suy niệm về một vài công thức trong Kinh Nguyện Thánh Thể thứ ba mà chúng ta có thể kết thúc câu chuyện bàn luận của chúng ta :
“Cha không ngừng quy tụ một dân riêng, để từ đông sang tây cùng dâng lên Cha một hiến lễ tinh tuyền… Nguyện xin Cha đoái nhìn hiến lễ của Hội Thánh và nhận đây chính là hy lễ Con Cha đã dâng tiến để nhân loại được giao hòa với Cha… Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời dâng hiến Cha… Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, nhờ Người, Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian…”
Chuyển ngữ : Trần Thị Kim Huê, FMSR.
https://sjjs.edu.vn/tu-hy-le-cua-duc-ki-to-den-hy-le-cua-cac-ki-to-huu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét