Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Đức Giêsu lại ra trước toà án Philatô (Lc 23,13-16)

Đức Giêsu lại ra trước toà án Philatô (Lc 23,13-16)



Hồi thứ hai của sự kiện ông Philatô tra xét Đức Giêsu được bắt đầu trước toà án Philatô (23,5-7) và kết thúc cũng ở trước toà án Philatô (23,13-16).
Lc 23 13Philatô cho triệu tập lại các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng, 14và ông nói cùng họ: “Các ông đã nạp người này cho ta, như một kẻ đã xúi dân làm loạn; và này, ta đã tra xét trước mặt các ông, mà đã chẳng tìm ra nơi người ấy tội trạng nào như các ông cáo người ấy. 15Cả Hêrôđê cũng không, vì ông ta đã chuyển tống người ấy lại cho chúng ta. Các ông thấy đó, người ấy không can phạm điều gì đáng phải chết. 16Vậy cho đánh đòn người ấy rồi, ta sẽ tha.
Lời tuyên bố thứ hai của ông Philatô ở đây là bản tóm tắt kết quả của những cuộc tra xét (23,14t) và đề nghị liên quan đến số phận của Đức Giêsu. Bản tóm tắt này của Philatô được công bố cho  “các thượng tế” (x. 23,4.10.13; 24,20), cho “các thủ lãnh” (x. 14,1; 23,13.35; 24,20) và cho “dân” (x. 23,5.13t.27.35). Từ 23,25, đó là những người đứng ra thương nghị với ông Philatô và tham gia vào việc quyết định về số phận của Đức Giêsu. Trong 23,14 ông Philatô tóm kết cuộc tra xét của ông (23,2-5) và trong 23,15 ông công bố kết quả của việc gửi bị cáo sang cho ông Hêrôđê xét hỏi.
Trong đoạn văn ngắn này, có đến hai lần ông Philatô tuyên bố Đức Giêsu vô tội, và phần chính yếu của các lời tuyên bố này làm nên một yếu tố quan trọng, vốn là yếu tố chiếm ưu thế trong đoạn 23,2-25:
23,4:   Ta không tìm ra tội trạng nào
23,14: Ta chẳng tìm ra tội trạng nào… như các người tố cáo
23,15:  Người ấy không phạm điều gì đáng chết
23,22: Ta chẳng tìm ra tội trạng nào
Chịu sức ép của những lời tố cáo cho rằng Đức Giêsu đã phạm những tội ác đáng bị kết án tử hình (23,2.10.14), ông Philatô, dựa trên cả sự giúp đỡ của ông Hêrôđê, đã tra xét một cách kĩ càng vụ án Đức Giêsu. Kết quả là ông Philatô quả thực đã không thể tìm thấy bất cứ điều gì chứng tỏ rằng những gì người ta cáo buộc Đức Giêsu là đúng sự thật và rằng Ngài đáng bị kết án tử hình. Đó là một kết luận rõ ràng và được xác nhận một cách cẩn thận. Như thế, giai đoạn điều tra đã chấm dứt. Giai đoạn này, trong Mt 27,14 và Mc 15,5, kết thúc với sự kinh ngạc của ông Philatô; trái lại, trong Lc 23,14t, giai đoạn điều tra kết thúc với lời tuyên bố rõ ràng của quan tổng trấn về tình trạng vô tội của Đức Giêsu.
pontiusTrong Lc 23,16 ông Philatô rút ra kết luận (“vậy ”) về cách xử lý mà ông sẽ áp đặt trên Đức Giêsu: “ vậy ta sẽ tha cho anh ta sau khi cho đánh đòn” (sẽ được lặp lại trong 23,22). Ông dự định trừng phạt Đức Giêsu, sau đó sẽ tha bổng cho Ngài. Cứ theo kết quả điều tra vừa được công bố, chúng ta có thể hiểu được phần thứ hai của phán quyết, nhưng không thể hiểu được phần thứ nhất. Động từ “apolyein” (nghĩa là “giải thoát, tha bổng”) tương ứng với sự kiện là những lời cáo buộc chống lại Đức Giêsu là những lời cáo buộc không có căn cứ. Chủ đề “apolyein” sẽ là yếu tố chiếm ưu thế trong giai đoạn kế tiếp (23,16.[17].18.20.22.25). Động từ “paideuein” có nghĩa là “dạy dỗ, trừng phạt” (Vulgata: câu 16: emendare; câu 22: corripere), trong thực tế cụ thể, có lẽ muốn nói đến cuộc đánh đòn Đức Giêsu, vốn đã được nói đến trong Lc 18,33 và được đưa ra như một đề nghị trong 23,16.22. Nhưng Luca lại không nói gì đến sự thực hiện việc đánh đòn đó, tức là hoàn toàn khác với Mt 27,26; Mc 15,15; Ga 19,1).
Hình như trong ý định chính yếu của mình, ông Philatô muốn tha bổng Đức Giêsu, nhưng là tha bổng với sự đồng ý của những người tố cáo Đức Giêsu. Những người đó đòi giết Đức Giêsu, nhưng vị tổng trấn Rôma, vì đã thấy rõ là những cáo buộc của họ không tìm được căn cứ và bằng chứng, nên cảm thấy không thể đồng ý với yêu cầu của họ. Vậy ông ta định sẽ cho đánh đòn Đức Giêsu như một hình phạt thay thế, hy vọng sẽ phần nào xoa dịu sự căm tức của họ đối với Đức Giêsu.
Viêc đánh đòn hình như có giá trị thay thế việc thi hành án tử hình trong Ga 19,1-5. Và ở Ga 19,1-5 việc đánh đòn này cũng được nói đến trước khi đưa ra bản án tử hình. Nhưng ở Mt và Mc thì hình phạt này được đề cập đến ở chỗ khác, trong tiến trình thi hành bản án, và có một chức năng khác: việc đánh đòn được thực hiện sau khi Đức Giêsu bị kết án và là một hình phạt thêm vào hình phạt đóng đinh thập tự.
Trong Mt 27,18 và Mc 15,10 ông Philatô áp dụng một phương cách khác: ông tìm cách lôi kéo đám đông dân chúng làm đồng minh để chống lại quyền bính Do Thái. Đang khi ấy, ở Lc 23,16 ông lại muốn dâng cho quyền bính Do Thái một hình phạt nhằm vào Đức Giêsu để xoa dịu sự bực tức chung của cả dân chúng lẫn các đầu mục Do Thái đối nghịch với Đức Giêsu. Tuy nhiên, mục đích của ông Philatô là giống nhau trong cả hai: ông muốn tránh bản án tử hình và muốn người ta đồng ý với ông về việc phóng thích Đức Giêsu.
Thực ra, khi làm như vậy, ông Philatô đã bỏ rơi công lý. Ông đã không hành xử căn cứ theo những kết quả điều tra chứng minh rõ ràng sự vô tội của Đức Giêsu. Trái lại, ông nương theo đòi hỏi của những người tố cáo Đức Giêsu. Những người ấy, theo kết quả điều tra,  đã rơi vào ngõ cụt và không thể kết án tử hình Đức Giêsu được. Nhưng nhờ thái độ không hợp lý của Philatô, họ đã vớ được một ngóc ngách mới để có thể đạt được mục tiêu mà họ đã hoạch định từ trước. Philatô, bất chấp sự vô tội của Đức Giêsu, đã sẵn sàng trừng phạt Người. Những người thù ghét Đức Giêsu không đồng ý với sự thay thế án tử hình bằng một hình phạt xoa dịu mà Philatô đề nghị, nhưng họ cương quyết nắm chắc đường lối mà họ đã quyết ý từ đầu.

http://dcctvn.org/duc-giesu-lai-ra-truoc-toa-an-philato-lc-2313-16/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét