Trang

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Khổ nạn và Phục sinh dưới nhãn quan Phaolô

Khổ nạn và Phục sinh dưới nhãn quan Phaolô


 

 
   
Tử nạn và Phục Sinh là hai sự kiện có sức ảnh hưởng tuyệt vời và chiếu sáng cho niềm tin truyền thống của Giáo hội Công giáo. Thập giá tuy là thất bại, đau khổ nhục nhã lại có sức mạnh lan tỏa và làm nổi bật ngày Phục Sinh hạnh phúc, chiến thắng vinh quang.
Cuộc Tử nạn cho thấy sự tương phản giữa một bên là việc Đức Giêsu hạ mình chịu chết trên thập giá với một bên kia là sự tự phụ của Adong, một con người muốn nâng mình lên ngang bằng Thiên Chúa qua việc muốn “biết điều thiện điều ác” (St 3, 5). Trong khi đó, Con Thiên Chúa đã hạ mình xuống tận thẳm sâu để làm tròn tình yêu thương, lấp đầy vực thẳm kiêu căng, san bằng hố sâu tội lỗi để vực dậy loài người sa ngã. Từ Thiên giới, Thiên Chúa thu hút chúng ta trở về bằng tình yêu thương của Ngài qua vai trò của Đức Kitô, được mệnh danh là ‘Trưởng tử của toàn thể tạo vật’ (Cl 1, 15-20) để làm cho chúng ta được trở nên đàn em đông đúc của Người. Tư tưởng độc đáo này được thánh Phaolô cảm nghiệm và trưng dẫn không chỉ một lần nhưng rất nhiều lần trong các thư gửi các cộng đoàn tín hữu (x. Ep 1, 21-22; 1Cr 12, 27; Cl 1, 18-20) bộc lộ cho chúng ta thấy dự án cứu độ của Thiên Chúa qua việc quy tụ muôn dân muôn nước được thực hiện bởi chính Đức Giêsu Kitô.
Đối với Phaolô, biến cố Phục Sinh không tách biệt với cuộc Tử Nạn.Vì nơi thân thể Đấng Phục Sinh vẫn còn các dấu tích của cuộc Khổ Nạn (x Ga 20, 27). Điều này thánh nhân đã được Chúa Kitô Phục Sinh cho hiểu trên hành trình đi Đa mát. Khi Đấng ấy nói với ông rằng: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9, 4). Ở đây Đấng Phục Sinh đã đồng hóa mình với các Kitô hữu đang bị truy bắt. Hành động bắt đạo và tình trạng mù lòa sau đó Phaolô phải chịu là một sự mù quáng tôn giáo, nhưng chính trong đêm đen của đức tin ấy ông mới hiểu hết ý nghĩa thâm sâu của Thập giá mà dân tộc ông đang coi là một sự điên rồ.
Thật thế, Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh “được tôn vinh hơn mọi danh hiệu”, là qui chuẩn để thẩm định các biến cố và sự vật, là mục đích của hết mọi nỗ lực cho những ai muốn sống lý tưởng loan truyền Phúc Âm. “Tin mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phaolô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng” (Cl 1, 23). Về điều này không ai là chứng nhân sống động và mạnh mẽ cho bằng Phaolô. Thánh nhân đã tuyên xưng rất mạnh mẽ về tình yêu cao cả và sâu thẳm của Đức Kitô khi nói, Ngài là “Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2, 20). Đức Kitô Phục Sinh đã chiếm hữu trọn vẹn và luôn gắn bó mật thiết với vị Tông đồ sinh non.
Nơi Đức Kitô Phục Sinh sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được sáng tỏ. Sự khôn ngoan mà thế quyền muốn loại trừ. “Lẽ khôn ngoan ấy không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá”(1Cor 2, 8). Kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa là trước khi tôn vinh Người Con trong ánh quang Phục Sinh. Ngài phải xuất hiện như một tội nhân. Nhưng cũng chính Thập giá này là hải đăng soi lối cho nhân loại tìm thấy ơn cứu độ. Và cũng chỗ thấp hèn nhất ấy, Đức Giêsu vươn mình trỗi dậy vượt lên trên mọi loài trong buổi sáng Phục Sinh: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. […] muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 9-10).
Gần hai ngàn năm trước, Chúa Kitô đã chịu khổ nạn và sống lại, nhưng biến cố đó vẫn đang là một đề tài nóng hổi mọi thời đại. Vì đây đó trên thế giới vẫn còn những Kitô bị bắt bớ, bị giết hại, bị hành hạ và khinh miệt. Những Kitô của thời đại nơi đầu đường xó chợ, trong trại tị nạn, khu ổ chuột, các trẻ vị thành niên bị ngược đãi, người già bị bỏ rơi… họ đang sống ở các vùng “ngoại vi hiện sinh”. Nơi họ ta thấy hiện lên khuôn mặt của Đức Kitô với lời thổn thức rên siết: “Ta khát” (Ga 19,28). Thiên Chúa khát vì trái tim nhân loại khô héo thiếu vắng tình yêu, vì đôi tai của họ bị điếc nên không nghe được Lời Chúa cũng như tiếng kêu thống thiết của tha nhân, và vì miệng lưỡi họ khép kín bằng sự im lặng đáng sợ.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu
http://gpbuichu.org/news/Dong-Daminh/kho-nan-va-phuc-sinh-duoi-nhan-quan-phaolo-5057.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét