Câu 29: Có thật là Đức Giêsu đã thực hiện những phép lạ không?
Rudolph Bultmann (1884-1976) là một nhà thần học giáo phái Luther, người tán đồng hệ tư tưởng kinh viện được biết đến như một người theo chủ nghĩa Tin Lành Tự Do (không có liên quan gì đến chính trị). Ông được biết đến nhiều nhất vì thuật ngữ giải huyền thoại (demythologization), phương pháp giải thích tất cả những sự kiện siêu nhiên được ghi nhận trong Thánh Kinh qua những giải thích hợp lý và dựa trên lý trí. Ông không tin những phép lạ của Chúa Giêsu đã thực sự xảy ra như Thánh Kinh nói; tuy nhiên, hầu hết các Kitô giáo, gồm cả Giáo Hội Công Giáo, bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi triệt để này. Những phép lạ có tính mấu chốt vì chúng chứng minh thiên tính của Đức Kitô. Bultmann đã đúng một điều — không một người phàm nào có thể chữa lành bệnh tật, cho kẻ mù thấy được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được; hoặc người chết được sống lại. Chỉ có thần thánh có thể trừ quỷ, ra lệnh cho biển và gió, tăng gấp bội năm ổ bánh và hai con cá nuôi ăn năm ngàn người, và đi trên biển.
Trên thực tế, những phép lạ hiếm khi xảy ra và không xảy ra mỗi ngày nên khi xảy ra, chúng mới là phép lạ. Chúng là các sự kiện ngoại lệ tự bản chất, nơi những sự kiện ấy, Thiên Chúa can thiệp vào trong thế giới vật chất. Luật tự nhiên không bị vi phạm hoặc phá vỡ, nhưng đúng hơn những tác động hoặc kết quả tự nhiên bị trì hoãn [khi phép lạ xảy ra]. Khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, Ngài có một thân xác vinh hiển nên Ngài đi xuyên qua những bức tường hoặc cánh cửa, nhưng Ngài không phải là ma vì các tông đồ của Ngài, đặc biệt Tôma đa nghi, được cho phép chạm vào tay của cạnh sườn của Ngài.
Nếu chỉ có một người đã chứng kiến một phép lạ, sẽ không có nhiều người tin vì bất cứ ai cũng có thể hiểu sai hay phán đoán sai lầm. Nhưng khi hàng trăm, hàng ngàn người chứng kiến một phép lạ, thì nó không thể dễ dàng bị gạt bỏ. Đức Giêsu đã cho năm ngàn người ăn (không kể phụ nữ và trẻ con ở đó) một cách kỳ diệu và đám đông muốn tung hô Ngài và tôn Ngài làm vua.
Bultmann và những người hoài nghi khác nói trong phép lạ cụ thể này, Đức Giêsu đã không thực sự hóa bánh ra nhiều từ năm ổ bánh và hai con cá để cho năm ngàn người ăn; đúng hơn, Ngài đã lấy một ít bánh mà các tông đồ có, và Ngài đã truyền cảm hứng cho đám đông chia sẻ thức ăn. Một lần nữa, nếu điều đó là thực, thì tại sao cả một đám đông phản ứng lại với Ngài [tung hô và muốn tôn Ngài làm vua] khi chính họ làm việc ấy? Chỉ với điều kiện Ngài đã thực sự cho một đám đông ăn bằng quyền năng phi thường, họ mới quây quần quanh Ngài, như chúng ta thấy trong Gioan chương 6.
Bởi vì người ta đã tin thực sự việc Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại từ cõi chết sau 3 ngày được mai táng trong mộ, những kẻ thù của Đức Kitô bày mưu để giết Ngài. Họ sợ sự yêu mến dân chúng dành cho Ngài đang lớn lên vì Ngài như một Đấng làm phép lạ. Tuy nhiên, sau cùng là điều mà một người nào đó ở thế kỷ 21 ngày nay tin hoặc không tin những phép lạ của Đức Giêsu như được nói trong Thánh Kinh. Không có bằng chứng thực nghiệm để chứng minh những sự kiện siêu nhiên đã xảy ra, nhưng Tân Ước đã cung cấp những bằng chứng. Đức tin cho phép một người tin vào những điều không thể nhìn thấy hoặc không thể chứng minh được. Bằng chứng vật chất dẫn đến nhận thức, trái lại việc thiếu bằng chứng để lại hai lựa chọn: tin hoặc không tin. Sự kiện là có một tôn giáo dựa trên phép lạ do niềm tin rằng có một người bị đóng đinh vào thập giá, đã chết và sau ba ngày đã sống lại bằng năng lực của chính Ngài, và tôn giáo này đã tồn tại hai nghìn năm và gồm có hàng tỉ tín đồ thực hành tôn giáo ấy.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 46-47.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét