Trang

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Lòng tin của người trộm lành (Lc 23,40-42)

Lòng tin của người trộm lành (Lc 23,40-42)


Sau biết bao sự nhục mạ đổ ngập trên Đức Giêsu đang chịu đóng đinh trên thập giá, một tên gian phi bị xã hội loài người quyết định loại trừ bằng án tử hình đã rõ ràng tuyên bố một lòng tin mạnh mẽ và sâu sắc vào Đức Kitô chịu đóng đinh.
 trom lanh và CG
Cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu là hai người trộm cướp, trong đó, theo Tin Mừng Lc, người thứ nhất tham gia vào việc nhục mạ Chúa, còn người thứ hai thì lên tiếng bênh vực Chúa và tuyên xưng lòng tin vào Chúa.
Ngỏ lời với người gian phi thứ nhất
Trong lời người trộm lành nói với tên đồng bọn, có 4 yếu tố: sự kính sợ Thiên Chúa, sự chịu chung cùng một hình phạt, tội ác họ đã phạm thực sự, và sự vô tội của Đức Giêsu.
Anh nói với người gian phi đồng bọn: “Mày không kính sợ Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cũng mắc đồng một án? Phần ta, thực sự phải lẽ, ta chuốc lấy đáng tội đã làm; nhưng ông này, ông không hề làm điều gì trái!” (Lc 23,40).
Sự kính sợ Thiên Chúa là yếu tố được đặt ở vị trí thứ nhất và đáng chú ý cách đặc biệt, vì đây là yếu tố chi phối tất cả thái độ và cách hành xử, đặc biệt là đối với những ai đang cận kề cái chết và đáng phải chết vì những tội ác đã phạm.
Trong Tin mừng Lc có 3 chỗ khác tác giả nới đến sự kính sợ Thiên Chúa. Ở Lc 1,50, Đức Maria nói trong bài Magnificat: “Lòng thương xót của Ngài suốt đời nọ đến đời kia trên những ai kính sợ Ngài”. Những ai kính sợ Thiên Chúa có thể chắc chắn mình sẽ được hưởng lòng thương xót và nhân lành của Thiên Chúa. Ở Lc 18,2.4, Đức Giêsu định tính một ông thẩm phán rằng ông ta không có lòng kính sợ Thiên Chúa.
Trong Lc 12,4-9 Đức Giêsu dạy các môn đệ phải biết kính sợ Thiên Chúa, Đấng cầm quyền sinh tử không chỉ trên mạng sống thế tạm này, mà còn trên mạng sống đời đời. Những lời giáo huấn này có thể được nghe như lời bình luận về thái độ của người gian phi thứ hai cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu: “Ta bảo các ngươi là bạn hữu của Ta: ‘Đừng sợ những kẻ giết được thân xác, và sau đó không còn có thể làm gì hơn nữa. Ta sẽ chỉ cho các ngươi phải sợ ai: Hãy sợ Đấng, cho chết rồi, lại có quyền tống vào hỏa ngục. Phải, Ta bảo các ngươi, hãy sợ Đấng ấy!” (Lc 12,4-5).
Điều đáng quan tâm đầu tiên không phải là cứu lấy mạng sống thế tạm này, như các thủ lãnh, lính tráng và tên gian phi thứ nhất vừa mới đề cập, mà sự kính sợ Thiên Chúa, như người gian phi thứ hai nói. Kính sợ Thiên Chúa là nhận biết Đức Chúa – Đấng mà số phận đời đời của con người ta hoàn toàn tùy thuộc nơi Người, và do đó, đón nhận và vâng theo thánh ý của Người. Những thứ mà con người có thể gây ra, ngay cả do những kẻ thù tàn độc nhất, đều chỉ là thứ yếu. Cứu được hay bị mất đi sự sống thế tạm này, thực ra, chỉ là những sự kiện tạm thời, tương đối, chóng qua, không mang tính quyết định. Số phận đời đời chỉ tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa mà thôi.
Vì thế, tất cả những gì người ta gây ra cho Đức Giêsu và bắt Người phải chịu, cho dù là cái chết, đều chẳng thể nói gì về thân phận thật sự của Người. Thân phận ấy chỉ tùy thuộc một mình Thiên Chúa mà thôi. Và để lượng giá mối tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa, những đau khổ và ngay cả cái chết do con người gây ra cho Đức Giêsu sẽ không có chút sức nặng nào, nhưng chính sự vô tội của Người mới có giá trị. Và người gian phi thứ hai vừa tuyên bố thừa nhận sự vô tội đó. Điều quan trọng trong thân phận của con người do Thiên Chúa quyết định thì không thuộc về trật tự cuộc sống thế tạm này, mà thuộc về sự sống đời đời. Vì thế, số phận thế tạm của Đức Giêsu không nói được gì về mối tương quan đích thực của Người với Thiên Chúa.
Sau khi nói về sự kính sợ Thiên Chúa, người gian phi thứ hai nhắc cho đồng bạn của mình rằng chính anh ta cũng đang chịu cùng một bản án và cũng bị kết án như Đức Giêsu vậy, tức là anh ta cũng đang bị đóng đinh vào thập giá và chắc chắn sẽ chết trong vài giờ đồng hồ nữa thôi.
Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt lớn lao giữa hai người gian phi với Đức Giêsu: Đức Giêsu vô tội. Lời tuyên xưng về sự vô tội của Đức Giêsu của người gian phi này là sự tiếp nối lời tuyên bố của ông Philato về cũng một thực tại ấy.
Thưa chuyện với Đức Giêsu
Trong những lời nói với người đồng bạn, người gian phi thứ hai đã cho thấy rất rõ thái độ và lập trường của anh ta. Bây giờ, anh quay sang thưa chuyện với Đức Giêsu. Anh xin Đức Giêsu nhớ đến anh khi nào Người vào Nước của Người (Lc 23,42).
Trước hết là cách anh nói với Đức Giêsu. Anh đã không sử dụng bất cứ tước hiệu nào để gọi Đức Giêsu, mà chỉ gọi đơn giản: “Giêsu ơi!”. Những người nói với Đức Giêsu trước anh đã luôn áp cho Đức Giêsu một tước hiệu nào đó. Người gian phi này là người duy nhất trong toàn bộ Tân Ước đã chỉ gọi đơn giản “Giêsu!”. Tất nhiên là vẫn có những trường hợp, tuy rất hiếm hoi, tên gọi Giêsu vẫn được đặt ở hô cách (dùng để gọi) nhưng luôn luôn đi liền với một tước hiệu (x. Mc 1,24; 5,7; 10,47; Lc 4,34; 8,28; 17,13; 18,38; Cv 7,59; Kh 22,20). Ở đây thì khác hẳn.
Một người tử tù đang bị treo trên thập giá ngỏ lời với một người tử tù khác cũng bị treo trên thập giá, bằng cách gọi tên đơn giản – “Giêsu!” – diễn tả một sự gần gũi và tin tưởng hết sức sâu xa. Đặc biệt hơn nữa, sự tin tưởng ấy còn được diễn tả rõ ràng và sâu sắc trong nội dung lời cầu xin. Bình thường, lời cầu xin được nhớ đến sẽ được ngỏ với Thiên Chúa, nại đến quyền năng lớn lao của Người.
Người gian phi đã không hề nghi ngờ chút nào về sự kiện rằng Đức Giêsu, ngang qua cái chết, sẽ đi vào Nước của người, và, bất chấp tất cả những điều bi thảm nhất đang diễn ra, anh vẫn chẳng ngại ngần bày tỏ xác tín mạnh mẽ rằng Đức Giêsu sẽ có thể làm một điều gì đó cho anh. Anh nhận biết Đức Giêsu là Đấng Kitô có thể tự cứu chính bản thân Người và cứu những người khác. Theo xác tín của anh, Đức Giêsu, ngang qua sự chết, bước vào trong Vương Quốc của Người, hiển trị trong tư cách Vua và Kitô (x. 23,35) và nắm quyền lực cứu độ.
Sau biết bao sự nhục mạ đổ ngập trên Đức Giêsu đang chịu đóng đinh trên thập giá, một tên gian phi bị xã hội loài người quyết định loại trừ bằng án tử hình đã rõ ràng tuyên bố một lòng tin mạnh mẽ và sâu sắc vào Đức Kitô chịu đóng đinh.
Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh

http://dcctvn.org/long-tin-cua-nguoi-trom-lanh-lc-2340-42/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét