Chúa Giêsu Kitô – Con người và Mầu nhiệm
Ronald Rolheiser, 2019-09-23
Chúng ta hoàn toàn có xu hướng nghĩ về từ “Chúa Kitô” như tên thứ hai của Chúa Giêsu. Chúng ta nghĩ về tên “Giêsu-Kitô” như tên họ bình thường kiểu Marie Trần hay Joseph Trần. Nhưng đó là sự nhầm lẫn không tốt. Chúa Giêsu không có tên thứ nhì. Từ “Kitô” là một danh hiệu, trong đó bao gồm con người Chúa Giêsu, nói về một cái gì đó rộng lớn hơn là chỉ một mình Giêsu. Có điều gì khác biệt giữa “Giêsu” và “Kitô?”
Giêsu là nói đến một người cụ thể, mặc dù là Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế trong 33 năm và ngày nay vẫn là người mà chúng ta hiểu và liên hệ đến như một con người riêng lẻ. Chúa Kitô quy chiếu đến một cái gì lớn hơn, cụ thể là mầu nhiệm mênh mông của tạo dựng và sự cứu rỗi mà Chúa Giêsu, với tư cách là Chúa Kitô, đóng vai trò nền tảng, bao gồm Bí tích Thánh Thể, cộng đồng kitô giáo, các giáo hội kitô giáo trong lịch sử, cộng đồng của tất cả những người thiện tâm: đi trên hành tinh này, và có hình dáng thể lý tự chính mình. Chúa Giêsu là người mà chúng ta tìm cách có mối quan hệ qua tình bạn và tình mật thiết, trong khi Chúa Kitô là mầu nhiệm mà chúng ta và tất cả tạo vật là một phần và trong đó chúng ta dự phần.
Điều này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ trong cách chúng ta hiểu về mặt tâm linh và giáo hội. Về bản chất, đây là thách thức: Điều gì là trọng tâm của chúng ta, những gì Chúa Giêsu đã làm và xin chúng ta làm hoặc con người của chính Chúa Giêsu? Thật thú vị khi nhìn vào các giáo hội kitô giáo khác nhau dưới góc cạnh của câu hỏi này: chúng ta có tập trung hơn vào lời giảng dạy của Chúa Giêsu hay về con người của Chúa Giêsu? Chúng ta tập trung hơn vào Chúa Giêsu hay Chúa Kitô?
Xét về sự khái quát hóa quá mức, chúng ta có thể nói Công giáo la mã và đạo Tin lành chính gốc thường có khuynh hướng tập trung vào lời dạy của Chúa Giêsu và các đòi hỏi trong tinh thần môn đệ phát xuất từ các lời giảng dạy này hơn là chính con người của Chúa Giêsu. Điều ngược lại cũng đúng với người với theo giáo phái Phúc âm truyền thống, họ nhấn mạnh và tiếp tục nhấn mạnh về con người của Chúa Giêsu và mối quan hệ cá nhân của mỗi người với Ngài. Công bằng mà nói, rõ ràng cả hai truyền thống cũng có các chiều kích khác nhau. Người Công giáo la mã và người theo đạo Tin lành chính gốc không bỏ qua con người của Chúa Giêsu và các người theo giáo phái Phúc âm cũng không bỏ qua các giáo huấn của Chúa Giêsu; nhưng, trong cả hai trường hợp, một bên tập trung cái này nhiều hơn cái kia. Về phần mình, người Công giáo la mã cũng nhấn mạnh chiều kích mật thiết cá nhân với Chúa Giêsu, nhưng đặt điều này trong việc sốt sắng giữ đạo nhiều hơn là trong thần học chính của nó, tập trung nhiều vào mầu nhiệm Chúa Kitô hơn là con người của Chúa Giêsu.
Không ngạc nhiên khi linh đạo có khuynh hướng đi theo mô hình này. Ngược với người theo phái Phúc âm, các người Công giáo la mã và Tin lành chính gốc không đặt sự mật thiết với Chúa Giêsu làm trọng tâm chính linh đạo của mình, dù họ xem đây là lý tưởng tối thượng. Sự nhấn mạnh của họ là về Chúa Kitô. Còn về các người theo phái Phúc âm, họ đặt trọng tâm vào mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, diện đối diện, theo cách mà người Công giáo la mã và Tin lành chính gốc thường tự hỏi chính xác người theo phái Phúc âm muốn gì khi họ hỏi chúng ta: “Bạn đã gặp Chúa Giêsu Kitô chưa? Chúa Giêsu Kitô có phải là Chúa và là Đấng cứu thế của bạn không?” “Bạn có tái sinh không?” Ngược lại, người Công giáo la mã và người Tin lành chính gốc thường có cái nhìn phê phán với anh em phái phúc âm của mình, tự hỏi họ có quá chú trọng đến sự cứu rỗi cá nhân và tình mật thiết riêng tư với Chúa Giêsu mà xao nhãng đi một số giáo huấn trọng tâm của Chúa Giêsu liên quan đến công bằng xã hội và với một đức tin rộng lớn hơn.
Chắc chắn, cả hai ưu tiên này là cần thiết. Chúng ta đã thấy rõ ràng trong lời rao giảng của các giáo hội tiên khởi. Học giả về Sách Thánh nổi tiếng Raymond Brown nói với chúng ta rằng, bắt đầu từ Thánh Phaolô, các nhà rao giảng sớm nhất đã chuyển mục đích chính bài giảng của họ về chính Chúa Giêsu, như thử họ không thể loan báo vương quốc mà không loan báo về người mà với người đó, vương quốc mới hiện diện được.
Tuyên xưng chính người đó (hơn là chỉ nói về sứ điệp của họ) đã là một điều mới đối với các nhà rao giảng đầu tiên của Giáo hội kitô. Lời rao giảng của họ về con người Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác với cách các Sách Thánh Do thái tôn vinh ông Môsê, trong nghĩa này họ tôn vinh sứ điệp của ông mà không bao giờ kéo sự chú ý về con người của ông để yêu cầu bất cứ ai bắt chước ông. Như vậy: có một bài học cần rút tỉa theo cách mà chúng ta thường đối xử với các thánh và những người thánh thiện. Chúng ta tôn vinh họ qua lòng ngưỡng mộ, trong khi thật sự điều chúng ta được yêu cầu là bắt chước hành động của họ.
Rõ ràng người môn đệ kitô giáo đòi hỏi phải có tính mật thiết với Chúa Kitô và quan tâm đến những gì Ngài giảng dạy, đạo đức cá nhân, công bằng xã hội, trung tín với gia đình giáo hội của mình và khả năng ôm lấy người khác với quả tim chân thành của những người trong cùng một gia đình đức tin. Triết gia Soren Kierkegaard đã cho rằng, những gì Chúa Giêsu thực sự muốn, chúng ta là những người đi theo Ngài chứ không phải người ngưỡng mộ Ngài. Đó là người Tin lành chính gốc. Các người thuộc giáo phái Phúc âm sẽ có thể không đồng ý, mà sẽ nói những gì Chúa Giêsu muốn thật sự, đó là chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Chúa. Các nhà rao giảng đầu tiên của Tin Mừng sẽ đồng ý với triết gia Kierkegaard và các người thuộc giáo phái Phúc âm. Chúng ta phải tuyên xưng cả hai, sứ điệp của Chúa Giêsu và chính Chúa Giêsu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét