Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Dâm dục: đồi trụy? Khoái lạc và phủ nhận người khác?



Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019
Như con chiên đi lạc, xin Chúa tìm con và Ngài sẽ thấy con.
Dâm dục: đồi trụy? Khoái lạc và phủ nhận người khác?
Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. (1 Co 6, 13).
 1. “Và điều răn thứ sáu?”
Ngươi không được ngoại tình (Xh 20: 14, Đnl 5:17).
Một chứng từ rụng rời
Linh mục nói trong tòa giải tội: “Còn điều răn thứ sáu thì sao?” Im lặng nặng nề của “người xưng”. “Còn điều răn thứ sáu thì sao đây?” Mọi thứ lung lay trong đầu anh. Điều răn thứ sáu là điều răn nào? Tôi không giết anh tôi, tôi không bỏ túi tiền của công ty… Tôi không nhớ gì…
Người thanh niên trẻ này không biết điều răn thứ sáu là tội gì. Anh cứ tự hỏi hoài. Vì sao không nói thẳng điều răn này là gì? Nếu linh mục không nói ra, thì chúng ta suy nghĩ xem nào… đúng rồi… chỉ có thể liên hệ đến “chuyện đó…” tình dục! Đơn giản như vậy vì sao không nói ra đi? Người mà đã khó khăn lắm mới đi xưng tội cũng phải suy nghĩ vì sao lại như thế.
Một đề tài gây tranh cãi
Bạn đang ở đâu trong quan hệ với người khác, với chính mình và với Chúa trong căn bệnh dâm ô chết người này? Câu hỏi này có thể đặt ra cho bất cứ bệnh nào; tuy nhiên nó có nét đặc biệt trong căn bệnh dâm ô, vì trong trường hợp này, chính yếu là sự phủ nhận một cuộc gặp gỡ, từ chối người khác và từ chối sự khác biệt, quá tập trung vào mình, thậm chí đây là hình thức của một sự giam hãm mà hệ quả của nó lại nguy hiểm và hủy hoại.
Chương này sẽ ngắn hơn các chương khác. Và đây là lý do: chúng ta đã thấy gốc rễ của bệnh tham ăn và keo kiệt thì gốc rễ của bệnh dâm dục cũng giống vậy. Theo các Giáo phụ, bệnh dâm dục có sau bệnh tham ăn. Trong bệnh dâm dục, có thể nói, nó cũng có thói vồ lấy như bệnh tham ăn và keo kiệt, có nghĩa là có cùng mối tương quan với tham lam. Ba sai lệch này có chung một cách vồ lấy, chiếm lấy, giữ cho mình và chiếm đoạt. Đó là lý do chương về bệnh dâm dục sẽ không có nhiều chi tiết vì cách hành động của nó có nhiều điểm giống với tham ăn và keo kiệt.
Nói về bệnh dâm dục là nói về tình dục và đời sống tình dục bị lệch lạc hoặc sai lầm. Là phụ nữ và là nữ tu, đặt câu hỏi về một sự hợp pháp nào đó để có một hình thức tiếp cận và hiểu biết thường chỉ có tính cách lý thuyết liên quan đến bệnh dâm dục.
Là phụ nữ, nói về căn bệnh nặng và nghiêm trọng này là không bình thường. Các lời được nói về sự đồi trụy mà đa số là các ông nói – các nhà thông thái, các thần học gia, các nhà đạo đức và những người khác – họ giải thích và trình bày bệnh dâm ô một cách trí thức, có lập luận và lý trí. Đó là quan trọng và hợp lý. Không có gì đáng lên án về điều này, tuy nhiên, khi mình là phụ nữ, thường chịu những ánh mắt soi mói, xâm phạm và thậm chí là săn mồi, kèm theo những lời lẽ khinh bỉ hoặc mỉa mai, thì bạn chỉ buồn bã cười cho cách mà vấn đề trầm trọng này được bàn đến. Các xung năng tình dục của nam phái và nữ phái không thể ở cùng cấp độ. Che giấu khuôn mặt trên sự thật cơ bản này là gốc rễ của nhiều bài diễn văn đạo đức và nặng nề. Trước các vụ tai tiếng mới nhất về các vụ tấn công và hãm hiếp phụ nữ của các kẻ săn mồi nổi tiếng, thì ngày nay dường như có thể nói về tất cả các vấn đề liên quan đến tình dục mà không bị cho là sách động hay vô lý. Cho dù đó là loạn luân, hãm hiếp, tấn công tình dục hay làm điếm, mọi người đều đồng ý chúng ta đứng trước sự không tôn trọng người khác và xúc phạm nghiêm trọng đến bản chất con người trong lãnh vực dâm ô. Có thể có một mặt sáng nào trong căn bệnh này không? Nếu có, thì đây không phải là dâm dục, mà là sử dụng tình dục bình thường, tôn trọng người khác và hỏi ý kiến họ.
Nói về dâm dục là nói về mối quan hệ tham lam và lạc thú với cơ thể, với chính cơ thể của mình hay cơ thể của người khác mà mình không hỏi ý kiến họ, không có sự đồng ý của họ. Căn bệnh này không những chỉ là vấn đề đạo đức mà  nó còn là một thách thức phủ nhận người khác theo nghĩa mạnh nhất, vì thế nó cũng là vấn đề của pháp luật. Về mặt thiêng liêng, dâm dục là vượt qua “lằn ranh đỏ”, không còn xem trọng người khác, biến người khác thành một đối tượng tiêu thụ thuần túy và người sống theo dục vọng chính mình trở thành con thú, thậm chí là tội phạm trong trường hợp hãm hiếp. 
Sử dụng méo mó tình dục
Anh em hãy tránh xa tội gian dâm  (1 Co 6, 18).
Trong các lời giảng dạy của các Giáo phụ, khái niệm “lạm dụng” thường mang một ý nghĩa nặng về phẩm chất: đây là sự lạm dụng chức năng tình dục bị xem là đồi trụy, và vì thế có thể nói là bệnh hoạn. Chúng ta nói tấn công khi người đàn ông dùng khả năng tình dục của mình để mang lại lạc thú cho bản thân, khi ông xem lạc thú là cùng đích cho hoạt động của mình trong lãnh vực này, và sử dụng cơ thể người khác mà không có sự đồng ý của họ. Chính tình yêu mới là mục đích chính của sự kết hợp tình dục, cũng như các lợi ích tinh thần mà cả nam lẫn nữ có thể có rút tỉa từ đó.Nói cách khác, kết hợp các tâm hồn, đối thoại trong yêu thương và kết hợp thiêng liêng nên đi trước kết hợp tình dục.
Khi kết hợp tình dục không sống trong bối cảnh yêu thương và thiêng liêng, khi chỉ muốn có lạc thú thì nó làm hư hỏng cho người nam cũng như người nữ, phá hoại đạo đức bình thường trong mối quan hệ với người anh em, với Chúa và với chính mình. Đó là lý do vì sao ham muốn chiếm độc quyền để tạo khoái cảm, đặc nét của dâm ô, bạo chúa của ham muốn, quay ngược và thậm chí làm biến dạng người kia và mối tương quan với Chúa. Bị che mờ bởi lạc thú, người đàn ông, đàn bà mất đi niềm vui hưởng Nước Chúa. Đó cũng là lý do vì sao dâm dục có tác động đảo ngược trầm trọng các giá trị, vì nó làm cho người kia và Chúa ở vị trí thứ yếu, xác thịt trước tinh thần. Vì dục vọng làm mờ đục mọi siêu việt, tâm hồn “tụt lại” sau thể xác, và vì thế con người xuống cấp theo cách hoạt động của chức năng sinh dục. Thứ trật các khả năng của con người bị đảo lộn và một sự mất căn bằng sâu đậm được thiết lập trong chừng mực mà trí thông minh, ý chí tình cảm không còn phục vụ cho tâm trí mà chỉ phục vụ cho ham muốn tình dục trong trong việc đi tìm khoái cảm.
Do đó dâm dục bị xem là bệnh hoạn, tình dục bị mất định hướng và bị bóp méo, cái người ta gọi là tình dục ngoài hôn nhân – gian dâm -, khiêu dâm, mại dâm hoặc nghiêm trọng hơn nhiều và lại là tội ác, đó là loạn luân và hãm hiếp. Việc sử dụng tình dục là xấu khi nó tách ra khỏi con người; các quy tắc cơ bản về phẩm giá người khác và chính mình đã biến mất, nó là những gì chúng ta đã nói; một loại “vượt qua lằn ranh đỏ”.
Thần tượng hóa cơ thể
Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em (1 Co 6, 20).
Dâm dục cũng là một hình thức thần tưọng hóa: cơ thể không còn là con đường đến với Chúa, nó trở thành một thần tượng. Lạc thú là cùng đích, nó trở thành tuyệt đối và gạt Chúa ra ngoài để chiếm chỗ của Chúa. Qua bệnh dâm dục, con người xem khoái lạc là thần tượng. Không còn cái gì là hiệp thông, là quan hệ, dâm dục là để (hoặc bị) ảnh hưởng, bị chiếm giữ và bị tiêu thụ.Cơ thể trở nên đối tượng cho mọi ham muốn lệch lạc. Không có gặp gỡ, gặp gỡ trở thành đồi trụy, người kia chỉ là một chuyện, một món đồ hoặc là một con vật. Từ đó, con người không còn là trọng tâm bản thể mình trong hình ảnh của Chúa mà mình có, mà chỉ trong các chức năng tình dục của mình.
Chúng ta có thể nói, dưới tác động của dâm dục, toàn bộ cơ thể con người đi ra khỏi mục đích tự nhiên của mình; thay vì được biến đổi, được thánh hóa bởi sự hiện diện của Thần Khí trong tâm hoan, thì nó lại là con mồi cho tất cả các hình thức xung năng thiếu suy nghĩ, rối loạn và phá hoại, bởi vì dâm dục là nguồn chết của toàn thân. 
Nhìn và lột trần người khác 
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (Mt 5, 27-28).
Phần lớn điểm khởi đầu của căn bệnh này là ở nơi ánh nhìn.
Đây là bằng chứng của một cái nhìn xâm phạm quá mức: một nam tu sĩ khá lớn tuổi, và một hoặc hai nữ tu nói chuyện bình thường với nhau trong nhà bếp của tu viện. Vừa nói chuyện, người tu sĩ vừa nhìn chằm chằm vào ngực của một nữ tu, rất lâu… Không thể nào làm cho ánh mắt người tu sĩ này quay đi chỗ khác. Nữ tu “bị nhìn” cảm thấy khó chịu và càng lúc càng bực mình, sơ tự nhủ: Phải làm gì bây giờ? Làm sao đi ra khỏi tình trạng này?Sơ nảy ra ý thay đổi đề tài nói chuyện, sơ nói với linh mục, bây giờ ai cũng tìm lại được trên Google những trang đã xem. Ngay lập tức, người tu sĩ này quay ánh nhìn lại và đỏ mặt, câu chuyện kết thúc ở chỗ, các cha bề trên tu viện có thể kiểm trên Internet tu sĩ nào trong dòng xem các trang khiêu dâm hay không.
Thật đáng tiếc, cảnh tượng này lại khá quen thuộc và thường xảy ra trong thinh lặng làm chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của cái nhìn. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Các xung năng tình dục nam giới có thể kiểm soát được, chưa ai chết vì tiết dục. Tình dục con người thuộc về tâm hệ trước khi qua thể xác và ham muốn được cơ thể thỏa mãn không đến từ cơ thể, nhưng đến từ một ham muốn trong lòng (xem Mt 7, 21), và được khơi dậy cho đến khi hành động qua thể xác. Chúa Giêsu cố gắng làm cho các môn đệ hiểu “ham muốn trong lòng” chứa đựng mầm mống dâm dục và đã thể hiện đầy đủ (xem Mt 5, 28).Thật vậy, dâm dục có thể thực hiện trong suy nghĩ, qua sự thích thú khi xem các hình ảnh có thể phát sinh ảo giác.Dâm dục làm cho người đó nghĩ rằng mình sống trong một vũ trụ không có thực, có thể làm cho họ ở trong các thế lực đen tối, thậm chí có thể nói là ma quỷ. 
Tò mò cho “mãn nhãn”
Thêm một lần nữa, đôi mắt dẫn chúng ta đến một dạng đồi trụy nguy hiểm, tò mò xấu xa…, loại tò mò này bị cái nhìn thúc đẩy. Con mắt của chúng ta quay về đâu? Theo hướng nào?Sự tò mò tốt là dấu hiệu của một tinh thần cởi mở và thức tỉnh, nhưng ở đây là muốn biết, biết tất cả, nhanh chóng và không kín đáo. Dù ước muốn này được xem như một loại phản ứng, nhưng dường như các mạng xã hội là cánh cửa mở cho loại tò mò không lành mạnh này: tò mò xâm nhập vào cuộc sống của người khác.
Cũng ngạc nhiên khi quan sát các bạn bè của đương sự khi họ vào trang Facebook hay Twitter. Thêm một lần nữa, con mắt – là cửa sổ của tâm hồn – đã lôi kéo họ xem bạn bè mình – có khi không phải bạn bè – ăn gì, uống gì, làm gì. Dĩ nhiên cũng hơi quá khi chúng ta nói đến các trang mạng xã hội. Tuy nhiên số giờ chúng ta dành cho các trang mạng xã hội xem người này người kia làm gì rốt cuộc không tỷ lệ thuận với hạnh phúc của mình, lại còn không tốt cho sức khỏe vừa thể xác vừa tinh thần. Các phương tiện này khơi dậy sự tò mò không lành mạnh.Một loại tò mò làm chúng ta quên nguồn gốc, căn tính và trách nhiệm của mình.Sự thiếu kín đáo này chứng tỏ cho thấy mình không hướng nội, nhưng hoàn toàn hướng ngoại. Những gì chúng ta tìm để thỏa mãn không vì lợi ích thiêng liêng, nhưng để thỏa mãn bản ngã của mình, một hình thức tự đánh giá cao. Tò mò về dâm ô sẽ có các hệ quả tai hại; hoàn toàn hướng về bên ngoài, người đàn ông cũng như đàn bà chỉ tìm thỏa mãn nhu cầu tình dục, ngồi hàng giờ trước màn hình để có lạc thú chết người, làm họ bị biến chất tận sâu xa: những con người sinh ra để yêu và để cho, những con người sinh ra theo hình ảnh và giống như Chúa. 
Sự phủ nhận của người khác
Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? (1 Co 6, 19)
Tình yêu là mở lòng ra với người khác và tự do với chính mình. Người này kết hợp với người kia, trao thân cho nhau. Trong sự hiệp thông này, mỗi người được phong phú và triển nở trong bản thể của mình, thậm chí đến tận vô tận trong mức độ, và phải được như thế, tình yêu được nuôi dưỡng bởi ân sủng và tìm thấy cùng đích của nó trong Nước Chúa. Ngược lại, dâm dục là tình yêu ích kỷ, chỉ thu rút về mình, rút vào cái mình chiếm giữ, hoàn toàn khép kín với người khác, ngăn chặn mọi trao đổi. Người kia đối với đương sự chỉ là trung gian giữa mình và chính mình. Dâm dục giam hãm và khép kín người khác.
Người kia trở nên công cụ của lạc thú và chỉ là một đồ vật. Khi dục vọng là lạc thú trong hình ảnh tưởng tượng của người kia, thì người này không tồn tại như người anh em, nhưng như đối tượng hoang tưởng, được hình thành do sự phóng chiếu các ham muốn đam mê. Có một sự chồng chất tưởng tượng trên thực tế. Người kia không được gặp như một con người, họ cũng không được xem như người có chiều kích thiêng liêng, họ bị hạ xuống để thỏa mãn lạc thú hưởng thụ của người kia; họ trở thành công cụ của khoái lạc, một đồ vật, con người hạnh phúc, nội tâm họ bị phủ nhận, cũng như tự do và ước muốn của họ. Do đó, người kia không được công nhận, không được tôn trọng trong tính khác biệt, trong tính duy nhất của mình. Con người lúc đó chỉ là đồ vật trao qua đổi về. Dưới tác dụng của bệnh dâm dục, người này nhìn người kia không ở con người thật của nhau. Cái nhìn của họ bị méo mó và phán xét của họ bị đen tối, họ không còn khả năng phân định vì bệnh dâm dục đã tác hại rất mạnh trên ai đã để cho bệnh này nhiễm vào người. Thánh Grégoire de Nysse đã nói: “Trong nhiều căn bệnh bủa vây trái tim con người, không có căn bệnh nào chống chúng ta mạnh như căn bệnh điên cuồng của khoái lạc.” Dưới sự khống chế của bệnh dâm dục, thì khó mà đương sự làm được điều tốt vì nó làm phát sinh một hình thức vô cảm, kiêu căng trên người khác và danh vọng hảo. (Các linh mục bị căn bệnh này thường mất kiềm chế trong tòa giải tội. Các vụ tai tiếng gần đây cho thấy sức mạnh và quyền lực của sự đồi trụy này, đã làm ngay cả trong bí tích hòa giải nơi các nữ tu bị sách nhiễu, tấn công và lạm dụng khi họ đến xin Chúa tha tội.)
2. Tiến đến một sự giải thoát khó khăn và lâu dài
Trị liệu cho căn bệnh dâm dục rất khó; nó đòi hỏi phải có rất nhiều sức mạnh, phải  ứng dụng và cần rất nhiều thời gian. Cô tịnh và yên tĩnh là các phương tiện để không đi vào cám dỗ chết người này.Một hình thức rút lui ra khỏi thế giới, thoát được các cơ hội, một cách tập luyện để ở ngoài các dịp có thể đưa đến phạm tội dâm dục.Nếu không cô lập được thì “canh chừng nghiêm nhặt các giác quan” là chuyện quan trọng, đặc biệt là nhìn và sờ, các giác quan dễ gây ra căn bệnh này.
Canh chừng con mắt để chống “bệnh mắt” của tâm hồn
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.(Mt 5, 8).
Cái nhìn là gốc của các hành động, các chuyển động của chúng ta hướng về chuyện tốt cũng như chuyện xấu. Trong tiếng do thái, mắt (ayin) có nghĩa là “gốc”. Những gì chúng ta nhìn với con mắt là nguồn của sức khỏe hay bệnh tật thiêng liêng của chúng ta. Vì đã ở nhiều năm ở khu phố Saint-Denis ở Paris, khu phố đĩ điếm và các cửa tiệm mại dâm, các nữ tu chúng tôi nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng của việc nhìn hay không nhìn bất cứ đâu. Cái nhìn phải là đối tượng của một hình thức tu luyện hay kỷ luật. Không phải là nhìn bất cứ cái gì.Các hình ảnh khiêu dâm ghê tởm, lợm giọng nếu chúng ta thường xuyên nhìn và nhìn lâu thì nó sẽ có tác hại trong tâm hồn. Để mình bị mê hoặc bởi các cảnh thô tục hay xem phim khiêu dâm dứt khoát sẽ có tác động trở lại trên ý chí, trên ký ức, trên trí thông minh và phân định của chúng ta. Để giữ sức khỏe tốt cho thể xác, tâm lý và tinh thần, điều cơ bản là phải giáo dục cái nhìn. Con mắt chúng ta phải học nhìn cái gì đáng nhìn. Chỉ cần nhìn đôi mắt là chúng ta có thể phân biệt được người đó có cái nhìn đen tối hay trong sáng. Đôi mắt chúng ta phản ảnh gì, trong sáng hay không trong sáng? Làm thế nào mà càng ngày càng có nhiều bác sĩ chuyên khoa nghiên cứu đáy con mắt? Trên thực tế, kết quả rất thuyết phục: nếu chúng ta có thể suy luận từ việc kiểm tra mắt cho sức khỏe hay bệnh tật của bệnh nhân, thì chúng ta cũng có thể làm như vậy về mặt thiêng liêng. Chúng ta hãy xem xét đáy nhìn thiêng liêng của chúng ta…
Người bảo vệ thân thể và quả tim
Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh (Cn 4, 23).
Tất cả các Giáo phụ đều nhấn mạnh việc khiết tịnh không phải chỉ bao gồm thể xác, vì sẽ vô ích nếu tâm hồn vẫn ở trong ham muốn và trong trí tưởng tượng không trong sạch.Và đúng vậy, ham muốn được cơ thể thỏa mãn không đến từ thân xác mà đến từ tâm hồn.Vì thế phải làm việc với trọn tâm hồn, là chỗ chính của sự khiết tịnh.Điều này không phải chỉ không có quan hệ tình dục là đủ, nhưng đúng hơn là cư xử một cách vị tha, không vụ lợi và nhưng không.Khiết tịnh là phương thuốc chữa cho mọi hình thức chiếm giữ và tha hóa và cũng là thuốc chữa cho sự giận dữ và kiêu ngạo.
Bởi vì các ham muốn, các suy nghĩ đam mê, các tưởng tượng, các hoang tưởng đều phát sinh từ trái tim, chính nơi trái tim mới có thuốc chữa chính cho bệnh dâm dục. Và đúng vậy, xác thịt tuân theo quyết định và lệnh của trái tim, như thế phải cần đến phân định, cảnh giác và chừng mực. Trong cuộc chiến thiêng liêng, chắc chắn bệnh dâm dục là bệnh có sức lan tỏa mạnh nhất, chính vì vậy mà phải từ chối ngay lập tức hoặc quyết tâm vứt bỏ các suy nghĩ, các tưởng tượng, các kỷ niệm xấu ngay khi nó mới chỉ là các gợi ý. Điều này là để tránh sự thỏa thuận và đừng để bản thân chạy theo thói dâm ô, làm cho cả thể xác lẫn tâm hồn bị giam cầm.
Cầu nguyện với toàn cơ thể là phương thuốc hữu hiệu nhất để thoát khỏi tình trạng giam cầm thiêng liêng này. Vì cơ thể là nơi căn bệnh chết người này hoành hành, nên chính yếu là phải trở về nơi cô tịch, cầu nguyện với cơ thể như cúi mình nhiều lần, đấm ngực, giang tay lên trời hay dang hai tay như Chúa Kitô trên thập giá. Các cử chỉ cầu nguyện này không chỉ là các thái độ đơn thuần, nó là hiện thân cho đức tin sống động và mãnh liệt. Đó là các cử chỉ mạnh nói lên, kêu lên và cầu nguyện với Chúa.
Trong khi cầu nguyện với cơ thể và tâm linh của mình, cũng cần phải hét lên với Chúa để xin Ngài giải thoát mình khỏi căn bệnh dâm dục và sống khiết tịnh. Cũng như đức tính khiêm nhường, khiết tịnh là ơn của Chúa nên chúng ta phải xin ơn. Tất cả đều phải kèm theo các bài đọc về hạnh các thánh và Lời Chúa và đừng quên mở lòng ra với người có kinh nghiệm kết hiệp với Chúa, họ có thể lắng nghe mà không phán xét và dạy cho chúng ta các phương thuốc chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
(…) và vì Cha trên trời đã gởi Con Một của mình xuống thế để giải thoát bạn, bạn cầu nguyện để Chúa đến giúp đỡ bạn; và Ngài sẽ nhận lời bạn:  
Các con mắt này làm Cha hài lòng. (Thánh Hildegarde de Bingen)
Xin nâng con lên khỏi đống hoang tàn của con, con xin ca ngợi danh Ngài!
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét