Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019
Trước cửa nhà Cha, Cha của lòng thương xót, con đây, con gõ cửa.
Từ kiêu ngạo đến khiêm nhường. Từ thông minh đến kênh kiệu
1.“Adong, ngươi ở đâu?” (St 3, 9)
Nhận biết mình trong các điểm kiêu ngạo của mình.
Tái sinh nhờ lòng khiêm nhường.
Khiêm tốn: Một cuộc hẹn với Chúa
Theo các Giáo phụ Cassien và Évagre le Pontique, danh sách các bệnh thiêng liêng bắt đầu bằng bệnh tham lam, có nghĩa là liên quan đến thức ăn thức uống. Ở điểm này các Giáo phụ theo chỉ dạy của câu chuyện trong sách Sáng Thế, bà E-và ăn trái cấm (St 3, 6).
Trong giáo huấn của Thánh Đa Minh, lời cầu nguyện bắt đầu ở cơ thể, nghiêng mình xuống nói lên sự khiêm tốn của quả tim. Dựa trên truyền thống này, chúng ta khai phá các bệnh thiêng liêng qua phương thuốc chính là khiêm nhường để chữa bệnh kiêu ngạo.Nghiêng mình, cúi đầu, vì đời sống thiêng liêng dùng cơ thể để thể hiện.Lòng khiêm nhường là ơn phi thường của tâm hồn, chỉ những người đã kinh qua kinh nghiệm mới biết được.Đó là một phong phú khó tả, một ơn chỉ có thể đến từ Chúa.Chỉ có niềm vui, lòng biết ơn, đức bác ái và lòng khiêm tốn là cánh cửa vào để săn sóc các bệnh thiêng liêng; các đức tính này ở trong Chúa Kitô. Lòng khiêm tốn là điểm chung của Chúa và của con người: nó “đồng bản chất” và chúng ta có điểm chung với tất cả những ai sống trên quả đất, được hình thành bởi đất và rồi sẽ trở về với đất. Đó là nguyên tắc của đời sống thiêng liêng, ngược với kiêu ngạo, nguyên tắc của một tồn tại chết chóc.
Đây là “cửa” con người phải đi qua để trở lại hình ảnh và trở nên giống Chúa, vì với tính kiêu ngạo sẽ làm chúng ta xa Chúa mãi mãi. Khiêm nhường là “chìa khóa” để nói chuyện với Chúa, đặt mình đúng chỗ trước mặt Chúa.Ở trong tinh thần khiêm nhường, con người ở đúng sự thật của mình, có nghĩa là tạo vật chờ Đấng Tạo Dựng mình. Người khiêm nhường ở trong tình trạng tiếp nhận và đón nhận ơn: với đức tin, họ dính mật thiết với sự hiện diện ẩn giấu và mạc khải của Chúa.
Bắt đầu bằng phương thuốc khiêm nhường là nói với Chúa, Chúa là đầu tiên, là tiên khởi, là bắt đầu mọi sự.Chính Chúa là khiêm nhường.Vì thương yêu, Ngài hạ mình khiêm nhường.Khiêm nhường không những chỉ mở ra với Chúa mà còn mặc vào mình Chúa Kitô, Chúa của khiêm nhường.Một cách nào đó, khiêm nhường là ngôn ngữ của Chúa Ba Ngôi. Người kiêu ngạo nói: “Tôi, tôi, tôi!”; Thiên Chúa nói: “Con, con, con!”
Đi xuống với bùn lầy của mình, vùng bùn, vùng đầm lầy của mình
Tôi phải trở nên nhỏ bé và khiêm tốn, tôi từ bỏ là người thống trị, có nghĩa là người biết hết, người nói cho mọi người cái gì họ phải làm (Jean Vanier (1928-2019).
Jean Vanier nói: “Cám dỗ lớn nhất của con người là bị quyến rũ bởi quyền lực, từ chối giao tiếp với sự mong manh và nhỏ bé của mình.” Giống như cái gì sạch nhất, tinh khiết nhất lại nảy sinh từ những gì bị ung thối – rượu từ men, thuốc trụ sinh pénicilline từ hoại thư, đất mùn từ phân, từ lá khô-, thì con đường đến quả tim, đến các ngăn cách nội tâm chúng ta được thực hiện khi chúng ta tiếp nhận, hiệp thông với những gì chúng ta vứt bỏ, những gì làm cho chúng ta sợ. Chấp nhận thật sự của một người là cách duy nhất để tiếp cận với linh đạo kitô và sự cân bằng cảm xúc. Tất cả tâm lý gia cũng như các vị hướng dẫn thiêng liêng đích thực đều nói tất cả bệnh tâm hồn và tinh thần đều bao gồm một sự ruồng bỏ hoặc coi thường thực tế con người. Nền tảng của khiêm nhường trước hết là chấp nhận thực tế.
Đi lên và đi xuống, một cái thang để có đời sống khiêm nhường
Đức tính khiêm nhường làm đi lên… (Thánh Bênêđictô)
Theo Thánh Bênêđictô, có 12 mức độ khiêm nhường, như các bậc thang. Trong luật của ngài, chúng ta có thể đọc:
Thưa anh em, Sách Thánh nói với chúng ta: “ ‘Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.’ Khi nói như vậy, Sách Thánh cho chúng ta thấy, mọi sự nâng lên là một loại kiêu ngạo. Nhà tiên tri cảnh báo: ‘Lạy Chúa, trái tim con không nâng cao và đôi mắt con không nâng cao. Con không đi trên các bước đi cao cả, cũng không trong các điều kỳ diệu ở trên con.’ Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các cảm xúc của tôi không khiêm tốn, nếu tôi tôn cao tâm hồn mình? Như đứa bé cai sữa mẹ, Chúa đối xử với tâm hồn cũng như vậy. Vì thế, xin anh em nếu chúng ta muốn đến đỉnh cảo tối thượng của đức khiêm tốn, và nếu chúng ta muốn đi nhanh lên đỉnh cao thiên đàng này, chúng ta thăng tiến bằng đức khiêm nhường trong đời sống hiện tại, thì chúng ta phải đi lên bằng hành động của mình, dựng lên cái thang trong giấc mộng của ông Giacóp, trên đó chúng ta thấy thiên thần đi lên đi xuống. Theo chúng tôi, việc đi lên đi xuống này chắc chắn không có ý nghĩa nào, chỉ là đi lên để rồi đi xuống và khiêm tốn làm đi lên.Còn chiếc thang được dựng lên, là đời sống chúng ta dưới trần thế. Khi trái tim chúng ta khiêm tốn thì Chúa nâng lên đến trời”.
Khiêm tốn để đứng thẳng
Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây (Ed 2, 1).
Một cách nào đó, khiêm tốn là bước vào cuộc chiến cự lại nọc độc biếng nhác hay buồn bã.Đó cũng là nhận biết chính mình và nhận ra chính mình trong tính “tham ăn, hà tiện, dâm dục” của mình, cự lại với sự giúp đỡ của Chúa. Khiêm tốn là biết một cách sâu sắc mình sẽ bị oằn xuống vì một trong các bệnh này, nhưng được nâng dậy nhờ một cử chỉ, một cú chạm của Chúa Kitô và ánh sáng của Ngài. khiêm tốn không có nghĩa là ở trên hay ở dưới tất cả, ngược với lời giảng dạy của các Giáo phụ, nhưng là tìm vị trí trung dung, vượt lên các cám dỗ để tiếp tục vui vẻ tiến bước về đàng trước.
Khiêm tốn là hành vi đơn giản của nhà tiên tri xin vua Naaman người Syria, xuống tắm dưới dòng sông Jordania bảy lần để được lành (2 R 5, 10-16). Nhà vua thất vọng vì nghĩ mình sẽ bị đòi hỏi một cái gì khó khăn hơn, ông không tin chỉ cần xuống nhúng nước dưới dòng nước này là lành; dù vậy ông cũng nghe lời và được chữa lành. Cũng thế, đức khiêm tốn đòi hỏi chúng ta đơn sơ trong tương quan với chính mình và với người khác. Thường thường chúng ta thích nịnh hót, thích cái gì sáng chói, thích cái gì gây ảo tưởng. Đó là các mục đồng ở Bêlem, những người đầu tiên tin vào Chúa Cứu Thế sinh ra đời (Lc 2, 15-17).Các mục đồng đến đó, nhận biết Chúa, ra về lòng hân hoan. Đôi khi khiêm tốn đòi hỏi chúng ta làm những điều đơn sơ, cởi mở và không hậu ý. Khiêm tốn mềm dẻo, thích ứng với thực tế không chờ đợi, không đòi hỏi, không giả định. Chúng ta cần được khiêm tốn hay cần những người khiêm tốn thu hút (Jean Vanier), vì các tấm gương này sẽ làm cho chúng ta mong muốn được khiêm tốn.
Có một ý thức tốt và đúng về chính mình sẽ giúp chúng ta chịu được sỉ nhục và giúp chúng ta nghe được các lời sỉ nhục mà không làm chúng ta quá đau buồn, tính khiêm tốn làm cho tâm hồn chúng ta mềm mại, dễ tiếp nhận, kể cả các lời chỉ trích.Ai tìm kiếm sự khiêm tốn dịu dàng này sẽ nghe, sẽ thấy và phân định điều gì đó khác với những gì được nói hay được trình bày.Họ thấy ở đó một hình thức dạy học để học cách nhận biết. Một bác sĩ danh tiếng nói, chính kẻ thù dạy cho chúng ta nhiều hơn là bạn bè, vì ông nói “trước kẻ thù, chúng ta phải liên tục cảnh giác với chính mình, với các khuynh hướng của mình”. Sự sỉ nhục làm cho quả tim bị đau và làm cho nó để ý đến các lý luận bên trong bản ngã của nó.
Phải thừa nhận mình bị bệnh trước mặt Chúa, chứ không phải trước bản ngã của mình
Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên (Gc 4, 10).
Một sự hiểu biết lành mạnh về mình chưa hẳn là khiêm tốn nhưng nó làm cho chúng ta biết các điểm yếu của mình. Chúng ta phải chấp nhận chúng ta là những con người cần được biến đổi và Chúa Kitô chữa lành chúng ta. Sự bất lực tự nhiên của chúng ta không được làm chúng ta bị tổn thương, bị thất vọng, bị tha hóa, nhưng đó là ơn để chúng ta đi ra khỏi lỗ rún của mình, để mở lòng ra với anh em và với Chúa.Nhận ra mình bị bệnh, thấy rõ, đó là khiêm tốn trước mặt Chúa, chứ không phải trước bản ngã của mình.Thần Khí ban cho chúng ta tính khiêm nhường, Ngài mở một kẻ hở để chúng ta thấy rõ tình trạng tâm hồn mình, để phân định, để định danh.Lòng khiêm tốn, qua ơn của Chúa Thánh Thần đến từ bước này qua bước khác để thấy rõ cái gì làm chúng ta ngăn cách Chúa. Chính trong sỉ nhục, các dự án không thành công, các nghịch lý, các phản bội mà Chúa Thánh Thần mở một kẻ hở.
Trước hết chúng ta phải để ý đến những gì đang xảy ra trước khi dần dần tháo gỡ các nút thắt của suy nghĩ, của cảm xúc, định danh các cám dỗ, các xung năng, các vi phạm dẫn đến mình bị nuốt chửng trong kiêu ngạo, rồi sau đó theo dõi các xáo trộn, các tai họa xảy ra nơi mình và chung quanh mình. Chính Chúa Thánh Thần soi sáng lương tâm, và chính trước mặt Chúa, chúng ta mới nhận ra sự đau khổ và bất hạnh của mình, là do mình bị giam hãm trong việc tự cho mình là mạnh. Đức khiêm tốn là nhận biết, không có sự giúp đỡ của Chúa thì chúng ta không thể làm gì tốt được, rằng tất cả những gì tốt chúng ta làm đều đến từ Chúa, mọi tiến bộ chúng ta có được cũng nhờ Chúa, không có gì có thể quy cho giá trị hay công trạng riêng của mình, và chúng ta cũng không giữ được gì nếu không có sự giúp đỡ của ngài.
Khiêm tốn, một yếu tố chữa lành tâm linh
Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường (1Pr 5, 5)
Trong chừng mực mà kiêu ngạo xuất hiện như nguyên do đầu tiên của sa ngã, thì đức khiêm tốn có thể xem như nguyên do đầu tiên của cứu rỗi. Không có khiêm tốn thì không thể vượt qua cái xấu. Qua đức khiêm tốn, hơn bất cứ phương tiện nào khác, con người mới có thể chữa lành các bệnh của mình. Khiêm tốn là một trong các phương thuốc chính mà Chúa Kitô cho con người để chữa lành các bệnh thiêng liêng. Đó là lý do vì sao đức khiêm tốn được xem như đức hạnh chính để cứu con người. Chữa lành mọi bệnh cho con người và bao gồm các đức tính khác, đức khiêm tốn làm cho con người trở thành con người đích thực lại.Các hiệu quả của đức khiêm tốn thì rất quan trọng, vì đối với con người, đức khiêm tốn là một trong nguồn cội chính để nhận ơn Chúa, cũng như kiêu ngạo là một trong nguồn cội chính để không có ơn Chúa. Qua đức khiêm tốn, con người thấm nhuần hành động của bàn tay Thiên Chúa, con người không còn chỉ biết có mình, nhưng mở lòng ra với Chúa. Khi con người tưởng mình làm chủ mình thì con người làm biến dạng mình. Ngược lại, khi con người nhận biết mình là sinh vật được tạo ra từ đất thì nó không làm gì phi thường, nhưng nó nói sự thật và sự thật này trở thành liều thuốc giải độc cho căn bệnh kiêu ngạo.Đôi khi cần cả một chuỗi thất bại để nhận ra sự bất lực khi mình muốn làm chủ đời sống và để trở nên hạt giống đang chờ mùa xuân của Chúa Thánh Thần.
Nhận ra sự thật con người mình và nguồn gốc của mình
Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế (Tv 38, 5).
Người kiêu ngạo không biết mình, họ nghĩ họ là họ, nhưng không phải.Khiêm tốn là có một cái nhìn thật về mình, dù (và với) các khả năng, các ơn và các phẩm chất được công nhận của mình. Đó là nhận biết các ơn thể lý hay thiêng liêng là những ơn mà chúng ta chỉ là người được ký gởi, người quản lý hay người mắc nợ. Qua đó, Chúa Kitô giải thích cho chúng ta, chúng ta chỉ làm bổn phận của mình, chúng ta chỉ là “người tôi tớ” bình thường hay vô dụng (Lc17, 10). Vấn đề không phải xem đây là đánh giá thấp hay không thấp các giá trị của chúng ta, nhưng là học để đặt mình vào đúng chỗ của mình dưới cái nhìn của Đấng đã cứu và đã soi sáng chúng ta. Đó chỉ là phần chúng ta với tất cả giá trị và ơn đã được ban cho chúng ta. Ở trong sự thật khiêm nhường này sẽ dạy, để chúng ta không đi vào con đường phù phiếm, danh vọng hảo, nịnh hót, ảo tưởng, nghĩ mình ở trên cao hay dưới thấp. Người khiêm tốn biết mình có khả năng tốt cũng như xấu. Đó là lý do vì sao chung chung đức khiêm tốn giúp con người nhận biết các giới hạn, các yếu kém, sự bất lực và thiếu hiểu biết của mình. Đây là một trong các định nghĩa cơ bản của các giáo phụ: “Một người biết được điểm yếu của mình là họ đã chạm đến sự toàn hảo của đức khiêm nhường.”
Khiêm tốn: Chúa ở trong chúng ta
Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (Pl 2, 5-7).
Thiên Chúa của chúng ta ban ơn khiêm tốn cho người bị sỉ nhục, vì điều vĩ đại nhất nơi con người là hình ảnh của Chúa chứ không phải tội, là sự sống chứ không phải cái chết. Chúng ta không trở nên khiêm tốn bằng một quyết định đơn giản thay đổi cuộc sống, cũng không phải bằng một cuộc sống khổ hạnh. Không phải chỉ ăn chay, bán của cải, canh thức, cầu nguyện nguyên đêm; khiêm tốn không phải là một cách cư xử. Chiều kích của khiêm tốn mang tính nhân học: chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của Chúa. Chúa Kitô không dạy chúng ta khiêm tốn như một đạo đức, Chúa Kitô là nguyên lý, là nguyên mẫu của đức tính này. Đó là lý do vì sao đức tính khiêm tốn được xem là nền tảng, là căn bản, là hòn đá tảng của mọi đời sống thiêng liêng. Theo các Giáo phụ, đức khiêm tốn là đức tính chủ yếu giúp chúng ta quay về với Chúa. Vì kiêu ngạo là nguyên nhân của sa ngã nên khiêm tốn đóng vai trò hàng đầu trong việc quay về với Chúa. Theo Thánh Ambroise, Chúa Kitô là nguyên lý, là nguyên mẫu của đức tính này. Theo Thánh Âugutinô, con người sa ngã vì kiêu ngạo chỉ có thể quay về với Chúa bằng đức khiêm tốn. Khi Thánh Âugutinô nói về đời sống kitô, ngài so sánh đời sống này như một tòa nhà hùng vỹ mà đỉnh chạm trời và móng là đức khiêm tốn. Theo Thánh Âugutinô, Chúa Kitô là người chủ của tính khiêm nhường. Ngài cho thấy, ngài truyền đạt vì khiêm tốn là gốc rễ của mọi chuyện tốt.Tất cả những gì chúng ta có thể học ở Ngài đều đến từ tính khiêm nhường có trong Ngài. Không có gì mật thiết với Chúa Kitô cho bằng tính khiêm nhường: chỉ một mình tính khiêm nhường là có thể kết hợp Ngôi Lời và xác phàm. Sau Thánh Âugutinô, Thánh Bernard viết rằng, Chúa Kitô chỉ dạy lòng khiêm nhường vì chính Ngài là khiêm nhường của Thiên Chúa đang làm việc.
Khiêm tốn là tình yêu, là tha thứ, là phục vụ
Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau (Ep 4, 2).
Nếu Thiên Chúa là Tình yêu, thì đó là vì Ngài là khiêm nhường. Thiên Chúa đã nói với chúng ta “Ta yêu con”, một tình yêu không điều kiện, Ngài cho chúng ta thấy đức khiêm tốn dẫn đến tình yêu nhưng không. Đức tính khiêm tốn là nền tảng để yêu Chúa và yêu người anh em. Nó mở trái tim ra để đến đỉnh cao là tha thứ cho kẻ thù, những người chúng ta không chọn. Là các sỉ nhục mà chúng ta không có trách nhiệm: các thương tổn thể lý, tâm lý và thiêng liêng. Tính khiêm tốn là mảnh đất trên đó phát triển tình yêu cho Chúa và cho người anh em: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người (Mc 9, 35). Tính khiêm tốn nối kết chúng ta với người khác, đánh thức trong chúng ta mối “lo âu” đến các đau khổ, các thiếu sót của họ và vui với niềm vui của họ, và do đó thay đổi các mối quan hệ giữa con người với nhau.Người khiêm nhường không biện minh, không sỉ nhục anh em mình bằng lời nói, bằng tư tưởng hay bằng hành động.Họ không khinh thường, họ không ghen ghét. Chúng ta biện minh cho mình bằng cách lên án người khác, đó là triền dốc đi xuống triền miên của chúng ta, trong đời sống riêng cũng như trong đời sống công. Cao thượng đích thực là đảm nhận trách nhiệm của mình; biết trách nhiệm “trong tất cả và cho tất cả.” Lòng khiêm tốn “nhường chỗ” và tạo trong con người mình một khoảng không gian, một khoảng cách mà chúng ta gọi đó là “trần trụi”, một sự “trần trụi nội tâm” hay một sự “nghèo khó thiêng liêng”. Đó là mảnh đất nội tâm nuôi dưỡng, nó sẽ nuôi dưỡng trong lòng chúng ta những gì tốt đẹp mà chúng ta được gọi phải làm và phải là con người như vậy; nó sẽ nuôi dưỡng tất cả các đức hạnh.
Lòng khiêm tốn của cái nhìn
Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình (Pl 2, 3).
Khi Thánh Phaolô viết câu này, thêm một lần nữa, ngài muốn nói đến cái nhìn.Đây là tự nhìn bản thân mình với lòng khiêm nhường và sự thật để nhìn người khác với tất cả những gì mình không có, không ganh tị, không thèm muốn.Đây là nhìn người khác mà không phóng chiếu, không muốn gì hết, không cố nắm bắt. Nhìn người khác với lòng khiêm tốn là không làm để họ phù với mình, họ như thế nào mình nhìn như thế ấy, với những gì không thấy được trong cái ‘hữu hình’ đó là một cách khác nhìn chính cái đà trong con mắt mình (Lc 6, 41), cái đà này chận năng lực thần thánh, làm cho trái tim trở thành trái tim bằng đá không có khả năng yêu thương. Quý trọng người khác, nhìn họ như là người tốt nhất, khi đó chúng ta vào được trong lòng thương xót Chúa, trong cái nhìn của Chúa.
Cúi xuống nhìn quả tim của mình
Xin hướng lòng chúng ta về với Người, để chúng ta bước đi trên mọi nẻo đường của Người (1 V 8, 58).
Các bản văn Thánh Kinh hướng sự chú ý của chúng ta đến các dân tộc “cứng đầu cứng cổ”. Hàng chục câu trích dẫn nói đến sự cứng lòng của trái tim bằng cách đưa nó đến gần cổ, gần gáy. Vì thế Đức Chúa nói với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ” (Xh 32, 9). Trong sách ông Ba-rúc, sự ám chỉ rất rõ ràng, dân tộc không nghe lời là dân tộc có cái cổ cứng đơ:
“Nếu các ngươi không nghe Ta, thì giữa chư dân, nơi Ta sẽ phân tán chúng, đám dân vĩ đại và đông đảo này chắc chắn sẽ trở thành nhỏ bé. Ta vẫn biết rằng chúng sẽ chẳng nghe Ta đâu, vì đó là một dân cứng cổ. Nhưng trên đất lưu đày, chúng sẽ hồi tâm, và sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng. Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đôi tai biết lắng nghe.32 Trên đất lưu đày, chúng sẽ ca ngợi Ta, và sẽ tưởng nhớ danh Ta. Chúng không còn cứng cổ nữa, cũng sẽ chẳng có những hành động xấu xa, vì chúng sẽ nhớ lại cách ăn nết ở của cha ông chúng, những kẻ đã phạm tội trước nhan Đức Chúa” (Br 2, 29-33).
Tương tự như vậy, Etienne, trong phán xét của mình trước Hội đồng Công tọa đã tuyên bố: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần!” (Cv l, 51)
Cứng cổ hay cứng gáy liên hệ đến sự không vâng lời, từ chối lắng nghe và không làm theo lời của người khác. Nó tượng trưng cho tình trạng nội tâm cứng như thép, ngược với dịu dàng. Một cái cổ cúi xuống là biểu hiện một quả tim biết lắng nghe, ngược với cái cổ cứng, không chịu vâng lời và lắng nghe. Giáo huấn Kinh Thánh dạy chúng ta một trong các cám dỗ lớn nhất của con người là nghĩ mình có thể làm mà không cần đến Thiên Chúa, không lắng nghe Ngài, không tiếp nhận Ngài là Đấng chỉ dẫn con đường thật của Sự Sống. Cái gì là cứng cổ nếu không phải là giữ thái độ cứng nhắc làm cản trở tầm nhìn, xem cái đồ “che mắt” là thật để không thấy các sự thật khoa học, triết lý, tôn giáo, bị “hạn chế” trong các giới hạn của chúng ta? Tìm lại được sự linh hoạt của cái cổ, là tìm lại được khả năng nhìn cao hơn, nhìn sâu hơn những gì làm cho chúng ta sống, chúng ta thở, mang lại cho con người, cho sự vật tầm quan trọng sự hiện diện của họ, bỏ đi các phóng chiếu để tiếp nhận một cái nhìn khác, cá biệt, độc dáo và duy nhất. Đó là nhìn trong tất cả các chiều kích này để cuối cùng ánh sáng có thể lọt vào.
Từ hài hước đến khiêm tốn
Phúc cho ai biết cười chính mình, họ không bao giờ hết cười.
Khiêm tốn đưa chúng ta về mảnh đất nội tâm của mình, về “mùn” của mình, có nghĩa là về các giới hạn của chúng ta.Chúng ta không thể biết tất cả, chúng ta không thể làm tất cả, chúng ta không thể có tất cả mọi sự; trong đức khiêm tốn có một ý thức lớn về thực tế, và về những gì thực tế cho chúng ta.Trong ý thức này là một sự không bám dính mọi sự, và nhất là không bám dính vào chính mình.Và chính ở đây là tính hài hước bước chân vào với khả năng tự trào.Người khiêm tốn là người vui vẻ khi mình được tinh tuyền. Cùng đích của sự vui vẻ này là có một khoảng cách đối với chính mình: không tuyệt vọng, không mỉa mai nhưng có lòng nhân từ, nhân hậu và sự thật về tính cách của mình, đôi khi rất nặng nề và phức tạp. Cách đối xử của người khiêm nhường là cách đối xử không bám dính vào mình trong tất cả mọi sự, không bám vào gì, không xem cái gì là đã có được, vì thế luôn đón chờ Sức thổi của Thần Khí. Điều này được phản ánh trong sự không tin tưởng vào phán xét riêng của mình và áp đặt ý kiến của mình, không nói ngược và ngay cả tranh luận, từ bỏ tranh chấp và chống đối, và thường dẫn đến một thái độ im lặng và lắng nghe. Lòng khiêm tốn đưa chúng ta vào chiều kích nội tâm của một thinh lặng trọn vẹn và hiệp thông sâu đậm với Chúa.
Khiêm tốn: một ơn của Chúa
Anh em hãy hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11, 29).
Lòng khiêm tốn không ngừng cầu xin Chúa; Chúa Giêsu đã nói theo cách của Ngài trong Tin Mừng: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Cầu nguyện là đi vào con đường khiêm tốn, là biểu hiện sự bất lực, sự lệ thuộc của chúng ta để tự mình nhận ra công việc của Chúa. Xin ơn khiêm nhường là nhận mình không thể hoàn tựu việc gì, cũng như giữ được gì mà không có sự trợ giúp của Chúa. Một cách nào đó, cầu nguyện làm cho mình khiêm tốn, và khiêm tốn làm cho mình cầu nguyện, cám ơn không ngừng trong ý thức tất cả những gì nhận được đều không do mình. Trong chúc thư của mình, Thánh Đa Minh đã viết: “Hãy có lòng bác ái, hãy giữ đức khiêm nhường, hãy có đức khó nghèo tự nguyện.”
Trở nên hoa anh túc?
Hoa hồng nở vì nó là không có tại sao. (Angélus Silésius)
Để trở nên như cành hoa anh túc khiêm tốn, quan trọng là nhận biết qua lời giảng dạy của các Giáo phụ một vài phương pháp giúp chúng ta vào đức khiêm nhường.Chẳng hạn đừng chú ý đến lỗi của người khác, đừng phán xét, cố gắng có từ tâm, có lòng nhân hậu trong mọi hoàn cảnh; cố gắng giữ đúng chỗ của mình khi chúng ta ý thức phẩm chất và khả năng của mình. Chúng ta hãy nhìn hoa anh túc: nó hướng tất cả nặng lực của nó về mặt trời và dạy chúng ta cũng vậy, chúng ta hướng về sâu thẳm con người của mình để đến với ánh sáng. Để giữ định hướng này, chúng ta phải đứng thẳng; nó dạy chúng ta giữ cột sống thẳng, thẳng để cảnh giác, thẳng để hướng về ánh sáng nhưng không kiêu ngạo. Hoa anh túc không những dạy chúng ta thẳng thắn mà còn dạy chúng ta mềm dẻo theo ngọn gió với đức khiêm nhường cao cả. Thật vậy, sự dạy dỗ của cây anh túc cũng nằm trong sự mong manh của nó. Hoa nở, hoa tàn như lời thánh vịnh: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình. Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn” (Tv 102, 15-17).
2. Kiêu ngạo
Trong sự cô lập với cuộc hẹn không thành với Chúa
Kiêu ngạo: nguồn gốc của mọi tật xấu và đau khổ
Kiêu ngạo sinh ra nhiều đổ vỡ và bất hoà, và ở dưng đưa tới túng thiếu và nghèo mạt, vì ở dưng là mẹ của đói khát (Tb 4, 13).
Kiêu ngạo có nhiều tác động bệnh lý khác.Theo các Giáo phụ, kiêu ngạo là gốc rễ đầu tiên và nguyên do của nhiều bệnh nặng nhất; nó có thể hủy và thiêu rụi tất cả những gì tốt có trong tâm hồn.Kiêu ngạo là gốc rễ và là nguồn của mọi bệnh thiêng liêng, có thể phá vỡ mọi đức tính, kể cả đức tình khiêm nhường.Đam mê này là nguồn của đau khổ. Người kiêu ngạo đau khổ vì sự cách biệt giữa cái họ nghĩ hay muốn và cái họ cảm nhận thật sự. Người kiêu ngạo cũng có thể đau khổ vì thấy mình bi đe dọa hoặc bị phủ nhận hình ảnh ở thế thuận lợi mà họ có hay muốn có, hoặc sự vượt trội muốn tỏ ra hơn người khác. Họ cũng tỏ ra bất mãn kinh niên, không bao giờ có bình an nội tâm, họ thường xuyên nghĩ mình bị người khác bức bách.Vì thế, tính kiêu ngạo thường là nguồn xung đột, ngăn không cho họ thấy lỗi lầm của mình và xin tha thứ.Tính kiêu ngạo làm cho người kiêu ngạo không nhìn thấy tội lỗi của mình, các khuynh hướng xấu xa, quên chúng, giữ lại chúng, vì thế xa Chúa.
Năng lực tối thượng của tính kiêu ngạo của chúng ta
Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác (Lc 18, 11).
Trong sâu thẳm con người mình ẩn giấu một năng lực tối thượng muốn bỏ thân phận con người để có thể có được một thân phận mà mình không thể có, tự cho mình là Chúa hoặc không cần Chúa. Đó là một ứng xử thường xuyên, không dễ để nhận ra vì, thường thường người kiêu ngạo viện lý do làm điều tốt mà họ ở trong tình trạng tối thượng này.Đa số những người ở trong tình trạng này họ không biết – khái niệm về kiêu ngạo đã trở nên quen thuộc -, và nó xây dựng trên ảo tưởng. Trong số các biểu hiện của sự tối thượng này, chúng ta có thể nêu ra: không chấp nhận trong đời sống của mình và của người khác các sai lầm, các yếu đuối hay tội lỗi, một cách nào đó không chấp nhận tính mong manh của con người. Do đó họ muốn là người hoàn hảo, lúc nào cũng hướng lên cao, không để chỗ cho sự mong manh và các nhu cầu.
Trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa có hai khuynh hướng chính của tính tối thượng – tự cho mình là Chúa hoặc không cần Chúa – trục xuất con người ra khỏi chỗ đứng đúng của nó. Không cần Chúa là không ý thức mình kết nối với nguồn của sự sống, không muốn có luật nào khác hay chỉ dẫn nào khác về đời sống ngoài chỉ dẫn của chính mình tạo ra. Chúng ta lấy ví dụ lời của người biệt phái: “Người biệt phái đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’” (Lc 18, 11-12). Những lời này cho thấy, người biệt phái nghĩ ông ở ngoài thân phận con người, không như những người khác, một cách nào đó ông đứng về phía Chúa, biết điều tốt điều xấu: điều tốt nơi mình, điều xấu nơi người khác. Cám dỗ của sự tối thượng này đến từ các vết thương, nên mới làm cho cám dỗ này được thiết lập. Nếu ba nhu cầu sinh lý căn bản – an toàn và sinh tồn, quyền lực và thẩm quyền, tình cảm và sự công nhận không được thỏa mãn, chúng ta sẽ có cách ứng xử bù trừ và sẽ tạo ra thái độ tối thượng.
Mở mắt về một số điều của kiêu ngạo
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay (Tv 18, 13).
Kiêu ngạo và tất cả các yếu tố của nó che khuất cái nhìn của chúng ta; nó lan ra trên toàn bộ con người mình; nó có thể bị bỏ qua hoặc phủ nhận. Trong chúng ta có một điểm mù quáng liên quan đến hình thức kiêu ngạo đặc biệt mà chúng ta sống, đôi khi chúng ta phải chịu đựng và thường xuyên là duy trì.Danh sách “các điểm kiêu ngạo” này sẽ là một vén mở, một nhận thức các cơ chế sâu đậm bao quanh chúng ta. Đây không phải là các điểm đạo đức, nhưng đúng hơn là triệu chứng của căn bệnh này. Nghiên cứu các điểm kiêu ngạo này không phải để chôn vùi chúng ta, nhưng để chúng ta phản ứng như một loại hành động “giải thoát”: “Đó là như vậy mà lâu nay tôi không thấy!…”
Trước hết chúng ẩn giấu trong chúng ta quyền lực và sự thống trị với nhu cầu muốn kiểm soát, muốn biết, không để gì lọt qua, luôn đi trước, vượt ra khỏi luật đã được quy định vì lợi ích chung. Đó là cách ứng xử của những người luôn muốn vượt “lằn ranh đỏ” trên các bình diện giao thiệp, chính trị, kinh tế hoặc đạo đức. Thái độ này thường thấy trong các hội từ thiện đáng khen ngợi nhất. Người biệt phái của dụ ngôn ở đây: ông ở trên mọi người, ông khác mọi người.
Rồi đến sự quyến rũ kéo con người đi ra khỏi con đường của mình để chỉ nhìn về mình. Vì thế quỷ được gọi là “người quyến rũ”, vì mục đích duy nhất của nó là chuyển hướng, không ca ngợi Chúa mà ca ngợi mình, đây cũng là một cách định nghĩa vinh danh hảo: tự gán cho mình các phẩm chất, các ơn mà quên nguồn gốc của nó. Điều này cũng gọi là “hảo”, có nghĩa là nghĩ mình mạnh, mình tinh tuyền, hợp pháp trong mọi sự.Đó cũng là đặc tính của hình thức kiêu ngạo đạo đức, nghĩ rằng mình là người không ai đạt tới được, bao bọc trong xác tín của mình, thậm chí trong ý thức hệ của mình.
Từ đó tuôn ra quyết tâm tự cứu mình bằng phương tiện của mình, bằng canh thức, bằng ăn chay quá độ, bằng các cố gắng đau khổ; một cách mà chúng ta không thể làm được, không hợp tác với ân sủng trong chúng ta; tích lũy công trạng, công trình để cuối cùng có thể nói: “Khi tôi chết, tôi đến trước mặt Chúa với bao nhiêu công trạng” hoặc “Cuối cùng, may mắn thay tôi đến được đây!” Với một chút khôi hài, chúng ta có thể tóm các chuyện này trong một câu đầy sự thật: “Nghĩa trang đầy cả những người không thể thiếu.” Trong các lệch lạc này, không có chỗ cho nghi ngờ, cho đặt lại vấn đề, cho im lặng sâu đậm để lắng nghe, để ân sủng dạy dỗ. Trong sự từ chối nhìn thẳng vào điều dẫn cái chết này, nhìn và sắp xếp lại, cứ nghĩ như mình là người bất tử, tất cả cũng là ẩn giấu quyết tâm muốn là tối thượng của mình.
Ai không nổi giận khi đang lái xe bị người khác lấn đường một cách không chấp nhận được? Thật thú vị khi nhìn cách mà chúng ta cho mình tuyệt đối có lý. Trong cơn giận mình đi đúng đường này là – “Tôi có quyền” – tôi không nhường vì “tôi đúng luật”. Thêm một lần nữa, người biệt phái gặp chúng ta trong cơn giận, trong tức tối mà chúng ta biện minh bằng mọi giá. Bao nhiêu lần, chúng ta lặp đi lặp lại trên một lỗi lầm, một vụng về mà phát xuất đầu tiên gần như tự động là biện minh: “Tôi không thấy, không phải lỗi tôi, không phải tôi, là người kia!”
Còn đối với sự tuyệt vọng, nó vừa là hậu quả, vừa là chữa lành bệnh kiêu ngạo.Vì vậy chúng ta đang ở trên con đường, chúng ta đang chữa lành.Điều này vượt quá sức của chúng ta, nhưng chúng ta có thể ngừng lại, nghe Lời Chúa và các dấu chỉ của Chúa Thánh Thần.
“Kiêu ngạo: nói cho chúng tôi biết ngươi là ai”
Các dấu hiệu chia rẽ và người anh em, với Chúa và với chính mình
Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ (Lc 4, 5).
Bây giờ chúng ta cố gắng để hiểu sự phức tạp của tính kiêu ngạo và các hình thức tối thượng của chúng ta
Một trong các hình thức kiêu ngạo là không muốn giao tiếp dưới tất cả mọi hình thức. Chẳng hạn nghĩ hoặc tin mình cao hơn người này người kia và đi tìm sự vượt trội này. Đó là hành vi nhấn mạnh đến các điểm mạnh về thể chất, trí thông minh hay thiêng liêng, hành xử như cái gương, có nghĩa là hình thức tự ca ngợi, tự đề cao: hoặc chờ người khác khen, hoặc khen nhau. Người kia thường bị hạ thấp, bị coi thường, bị từ trên cao nhìn xuống. Kết quả là, chúng ta sẽ so sánh, thiết lập một hệ thống phân cấp, dẫn đến phán xét, chỉ trích, vu khống. Một cách nào đó người kiêu ngạo cho mình là chuẩn mực, là điểm quy chiếu, cho mình có quyền phán xét hết, biết hết, nghĩ mình khôn ngoan, có lý, có tham vọng dạy dỗ và không chịu ai nói trái ý. Người kiêu ngạo hạ người khác là để tôn vinh mình, là tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình, tấm gương mà người kiêu ngạo tự tạo ra và chờ người khác gởi lại cho mình. Tính kiêu ngạo cũng thể hiện qua việc từ chối giúp đỡ, trước hết là với người thân, sau là với Chúa. Không thể mở mắt người kiêu ngạo, họ từ chối đặt lại vấn đề, từ chối sửa lỗi trong tình anh em, đôi khi họ còn hung hăng hoặc mỉa mai. Người anh em trở thành “đối thủ”, và do đó người kiêu ngạo là người “chia rẽ”, làm rối loạn các mối quan hệ; là người phủ nhận đức ái.
Chúng ta chỉ cần thay chữ “đức mến” bằng chữ “kiêu ngạo” trong Bài ca đức ái của Thánh Phaolô (1 Cr 13, 4-8) là hiểu: Kiêu ngạo thì không nhẫn nhục, không hiền hậu, kiêu ngạo thì ghen tương, vênh vang, tự đắc, người kiêu ngạo làm điều bất chính, tìm tư lợi, nóng giận, nuôi hận thù, mừng khi thấy sự gian ác, không vui khi thấy điều chân thật. Kiêu ngạo không tha thứ tất cả, không tin tưởng tất cả, không hy vọng tất cả, không chịu đựng tất cả. Kiêu ngạo bao giờ cũng mất.”
Tính kiêu ngạo tạo ra một con người vừa chống với người anh em, vừa chống Chúa. Không thể sống với tính kiêu ngạo mà không có hệ quả đến mối quan hệ với Chúa. Chẳng hạn, xem thường người khác là gán các việc tốt lành là do chính sức mình chứ không do Chúa. Đây cũng là một dấu chỉ từ chối sự khác biệt, mà khác biệt là huyền bí của Chúa, một cách phủ nhận hình ảnh của Chúa nơi người đồng loại, mà mỗi người chúng ta đều là con của Chúa. Chính vì vậy người kiêu ngạo là trống rỗng Chúa và đầy cả cái tôi.
Quên và phớt lờ
Nhưng khi họ lấy mình làm tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh, thì họ không được khôn (2 Cr 10, 12).
Thái độ kiêu ngạo đúng là ảo tưởng và mù quáng, nó xây dựng trên bề ngoài, trên thái độ kênh kiệu và tự mãn. Đây cũng là hành vi của quên lãng, không có khả năng nhìn, khả năng kinh ngạc. Không còn biết người kia có tồn tại, không bao giờ bỏ công ngừng lại để nghe nhạc, xem một bông hoa, không bao giờ biết cám ơn vì xem mọi thứ phải phục vụ mình. Phớt lờ mọi gốc rễ của mầu nhiệm, đó là quên Chúa và tạo dựng của Chúa, không còn biết chấp nhận mình là tạo vật có số phận vô hạn.Đặc tính bệnh lý của tính kiêu ngạo cũng là phớt lờ – “Đây không phải là kiến thức dẫn đến cao điểm của tính khiêm nhường, nhưng là phớt lờ” (Thánh Jean Chrysostome) -, và, đầu tiên hết là phớt lờ Chúa.Sự phớt lờ này làm cho người kiêu ngạo không nhận ra thực tế; họ phóng chiếu những gì họ nghĩ thế giới này phải là, vì thế phán xét bị méo mó. Đây là mất tính khách quan và sáng suốt trong nhận thức, cách biệt với những gì họ nghĩ và thực tế. Tính kiêu ngạo cọng thêm sự phớt lờ sâu đậm là một sự nghèo nàn lớn cả về mặt nhân bản và thiêng liêng.Người kiêu ngạo nghĩ mình là một thứ gì đó, chứng tỏ họ hoàn toàn không biết gì về mình, họ không biết mình và không biết Chúa.Trí thông minh và kiến thức thực về mình, là biết mình chẳng là gì bởi chính mình, nếu không có Chúa. Thánh Phaolô nói theo cách của ngài như sau: “Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Ga 6, 3).
Khi con người làm một cái gì tốt, nó chỉ là người trung gian; điều này cũng đúng với những việc tốt con người hoàn thiện, với tất cả mọi thiện hướng, phẩm chất hay đức hạnh được Chúa ban cho và có thể phát triển trong sự cộng tác với ân sủng. Khi gán cho mình những việc này, người kiêu ngạo tự hào ngầm mình là Chúa.Phớt lờ điều này và nhận thức một cách méo mó thực tế của mình, người kiêu ngạo chỉ có thể có một kiến thức bóp méo về người khác. Thái độ bình thường của con người, làm hoặc ghi nhận nơi mình có một cái gì tốt, đó là quy về Chúa, thấy đó là ơn và tạ ơn Chúa. Chính Chúa Kitô đã cho chúng ta ví dụ khi Ngài nói hãy gọi Ngài là “Thầy nhân lành”: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10, 17-18). Chính trong sức mạnh tổng hợp cố gắng của chúng ta và ân sủng của Chúa, nói cách khác là sự hợp tác với Chúa mà chúng ta được định sẵn và phát triển. Khi đó sự phát triển và trưởng thành thiêng liêng này mới có thể hoàn tựu khi kết hiệp với người đồng loại, kết hiệp với toàn vũ trụ để tất cả cùng kết hiệp với Chúa.
Sử dụng Chúa và không phục vụ Ngài
Anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật (1 Tx 1, 9).
Trong đời sống thiêng liêng, kiêu ngạo là bệnh xấu nhất trong các bệnh, bởi vì nó dùng điều tốt đẹp để biến nó thành vật sở hữu riêng của mình hay công trạng của mình. Trong các giáo xứ hay trong các cộng đoàn, các nhân vật hấp dẫn nhất đều đáng ngờ trong lãnh vực này, bởi vì những chuyện họ làm tốt, thậm chí là rất tốt, họ hoàn hảo và âm thầm xem mình như những “vị thần nhỏ”; họ làm cho mình trở thành người tuyệt đối và chỉ yêu có “mình”. Đó là điều xảy đến cho chúng ta khi chúng ta đi tìm toàn hảo trong mọi sự về mặt thực tế cũng như tinh thần; vì sau đó là không có chỗ cho yếu đuối, mong manh hay do dự.Chứng tỏ và triển khai các khả năng, các phẩm chất to lớn này cho cảm tưởng mình phục vụ, nhưng thực tế không phải vậy.Đó đúng là “khi phục vụ người khác là phục vụ mình”.Thái độ này là một hình thức tự thần thánh hóa mình và tự lực, chúng ta biến mình thành trọng tâm bằng cách cho mình là nhân vật không thể thiếu trong giáo xứ, trong cộng đoàn, trong nhóm cầu nguyện, trong hội từ thiện.
Tất cả thái độ biện minh này thường là vô hình, khó để những người xa xa nhận ra.Một cách vô hình, đó là dùng Chúa cho công việc của mình.Phải bị rất nhiều thất vọng, rất nhiều đau khổ mới đi ra khỏi các cơ chế tối thượng này.
“Hãy làm vua trong lòng mình, ngự trị trong chiều cao của đức tính khiêm nhường, phải ra lệnh cười: hãy đến và nó đến; phải ra lệnh để có những giọt nước mắt dịu dàng: hãy đến và nó đến; và ra lệnh với cơ thể, người phục vụ chứ không phải bạo chúa: hãy làm điều này và nó làm.” (Thánh Jean Climaque)
Như người thu thuế, xin thương xót con và con sống trong ân sủng Ngài!
Marta An Nguyễn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét