Hồi còn ở Việt Nam, thời đệ nhất Cộng Hòa, lúc chủ nghĩa nhân vị được các cán bộ nhà nước coi như quốc sách và được giảng dạy trong các trường đào tạo cán bộ quốc gia mọi ngành, người ta thấy xuất hiện các tác phẩm như “Các Nhà Văn Hóa Mới”, được các học sinh trung học chúng tôi đón nhận nồng nàn. Trong số các nhà văn hóa mới này, chúng tôi đọc được rất nhiều nhân vật trí thức Pháp đi từ các thuyết hoài nghi hoặc bất khả tri, bước sang ánh sáng rạng ngời của Đức Tin Công Giáo.

Cũng gần như cùng một thời gian trên, năm 1964, ở Hoa Kỳ, nhà bình luận Công Giáo Michael Novak viết cuốn A New Generation về những bậc thượng trí của phong trào phục hưng Công Giáo mà đa số cũng bao gồm các nhân vật như trong “Các Nhà Văn Hóa Mới”. Họ là Léon Bloy, Charles Peguy, Jacques và Raissa Maritain, Georges Rouault, Ernest Psichari; rồi Paul Claudel, Gabriel Marcel, François Mauriac, Antoine St Exupery, George Bernanos.


Léon Bloy có lẽ là người vô thần trở lại Đạo Công Giáo đầu tiên trong nhóm trên và là người dẫn dắt vợ chồng Maritain tới đức tin vào năm 1906. Bloy là tác giả mà theo sử gia John Connellly, cuốn “Le Salut par les Juifs” của ông với lối giải thích hết sức triệt để theo nghĩa khải huyền các chương 9 tới 11 của Thư Gửi Tín Hữu Rôma, đã gây ảnh hưởng lớn đối với các thần học gia Công Giáo tại Công Đồng Vatican II có trách nhiệm soạn thảo phần bốn Tuyên Ngôn Nostra Aetate, tạo nền cho một thay đổi đầy tính cách mạng trong thái độ của Giáo Hội Công Giáo đối với Do Thái Giáo. Ông cũng là tác giả được giáo hoàng tân cử Phanxicô, trong bài giảng lễ đầu tiên năm 2013, trích dẫn. Theo catholicnewsagency.com, hôm ấy, Đức Phanxicô nói rằng “Tôi nhớ kiểu nói của Léo Bloy, ‘ai không cầu nguyện cùng Chúa, sẽ cầu nguyện cùng ma quỉ’. Khi người ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, họ sẽ tuyên xưng tính thế gian của ma quỉ”.

Như trên đã nói, ngoài công trình trước tác của ông, đóng góp có ý nghĩa nhất của Léon Bloy là đã dẫn dắt vợ chồng Jacques và Raissa Maritain vào đạo Công Giáo và là cha đỡ đầu đức tin của cặp vợ chồng này, những người quả là bậc thượng trí Công Giáo của thế kỷ 20. Khởi đầu thế kỷ này, tức năm 1907, có biến cố Thánh Giáo Hoàng Piô X lên án lạc giáo Duy Hiện Đại, khiến nhiều người lầm tưởng Giáo Hội Công Giáo sẽ lâm vào một thời khủng hoảng lớn lao. Nhưng thực ra, biến cố trở lại Đạo Công Giáo của vợ chồng Maritain trước đó một năm, tuy là một biến cố tăm tối hơn nhiều, nhưng lại là dấu chỉ buổi khởi đầu một thời kỳ sáng chói nhất trong tư duy Công Giáo hiện đại.

Giáo Sư James Hitchcock, tác giả History of the Catholic Church: From the Apostolic Age to the Third Millennium (Ignatius: San Francisco, 2013), cho rằng việc trở lại của vợ chồng Maritain khởi đầu một hiện tượng trở lại mới kéo dài tới tận năm 1960, một hiện tượng khác hẳn các hiện tượng trở lại trước đây.

Thực thế, điều đáng lưu ý nhất về tư duy Công Giáo trong thế kỷ 20 chính là sự kiện phần lớn các nhân vật nổi bật của nó là các tân tòng. Những người được bú mớm trong một niềm tin đã trở nên cũ mèm hết lôi cuốn, lúc lớn lên, người ta mong họ phát triển nó, bênh vực nó, thì đâu có gì ngạc nhiên. Nhưng những người thông thái hoài nghi mà cuối cùng lại bị lôi cuốn vào niềm tin ấy thì quả là điều đáng ngạc nhiên. Nghịch lý thay, ngay tại Pháp, vốn được mệnh danh là “trưởng nữ của Giáo Hội”, phần lớn những nhà đại trí thức của Công Giáo trong thế kỷ 20, vợ chồng Maritain, Paul Claudel, Léon Bloy, Charles Péguy, Gabriel Marcel, Edith Stein, là tân tòng cả theo nghĩa thực sự trở lại lẫn theo nghĩa sinh ra trong đức tin Công Giáo nhưng sau đó từ bỏ niềm tin tuổi thơ và sau đó say mê trở về Nhà Mẹ. Cũng có những người gần như trở lại kiểu Henri Bergson và Simon Weil.

Nước Anh, nơi dân số Công Giáo rất nhỏ, đương nhiên rất cần các tư tưởng gia tân tòng và quả những người này không thiếu: G. K. Chesterton, Christopher Dawson, Ronald Knox, Graham Greene, và Evelyn Waugh. Ngay Đạo Công Giáo Anh (Anglo-Catholicism) cũng nhận được những ngôi sao sáng chói như T. S. Elliot, W. H. Auden, C. S. Lewis.

Điều cũng lạ lùng là việc lên án thuyết duy hiện đại, một việc bị nhiều coi là đã hủy hoại các cố gắng đầy hứa hẹn muốn làm cho tín lý của Giáo Hội trở thành khả tín hơn đối với đầu óc hiện đại. Ấy thế nhưng, những tân tòng sáng chói trên bị lôi cuốn vào Giáo Hội không những bất chấp việc lên án này mà còn vì sự lên án này nữa. Những điều họ thấy quyến rũ và khả tín trong đó chính là những điều được Đức Piô X tìm cách bảo vệ và họ thấy các lý thuyết đặc trưng của phe duy hiện đại một là sai lầm hai là không đáng lưu ý.

Gần như không một nhà lãnh đạo phong trào phục hưng nào trên đây có bất cứ tranh cãi nào với tín lý nền tảng Công Giáo, cả với thực hành Công Giáo cũng không, một hiện tượng không hoàn toàn do thuyết tân kinh viện mà có. Như Marcel, chẳng hạn, tuy thuộc phái hiện sinh, nhưng đã giảng một giảng khóa ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1960 trong đó, ông đưa ra phương thức thơ mộng, gần như huyền nhiệm để hỗ trợ lý tưởng làm tình phi ngừa thai. Nhà hiện tượng học Dietrich von Hildebrand, một tân tòng khác, đã trở thành một chiến sĩ bảo vệ đức tin chính thống hăng hái nhất. Phần lớn các nhân vật lớn của phong trào phục hưng trên (trừ một mình Graham Greene) tỏ ra nghi ngại trước các thay đổi xẩy ra trong Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II. Điều này cũng đúng đối với phần lớn các thần học gia hàng đầu từng dọn đường cho Công Đồng này như Henri de Lubac, Jean Daniélou, Louis Bouyer, và Hans Urs von Balthasar.

Có nhiều nghịch lý đáng lưu ý trong việc bác bỏ các bậc cha ông diễn ra trong Giáo Hội từ sau Công Đồng. Đạo Công Giáo lúc ấy muốn được coi là có liên hệ với thế giới, chứ không bằng lòng sống yên vị trong một thứ pháo đài khép kín. Ấy thế nhưng, không một tư tưởng gia nào thuộc giai đoạn này chịu thăm dò các thực tại xã hội và chính trị một cách toàn diện và sắc sảo như Maritain hoặc Dawson. Đạo Công Giáo ấy muốn được coi trọng trong các giới trí thức thế tục, ấy thế nhưng không một tư tưởng gia Công Giáo nào có được sự đáng kính nơi các giới ấy như Gilson, Maritain, Dawson, Mauriac, hay Waugh. Đạo Công Giáo ấy công bố thời đại giáo dân, thoát khỏi sự thống trị của giáo sĩ. Thế nhưng hầu hết các ngôi sao sáng hàng đầu của phong trào phục hưng vốn đều là các giáo dân, chỉ có ba giáo sĩ trong số các tư tưởng gia gây ảnh hưởng trong Giáo Hội Công Giáo lúc ấy; cả ba đều là Dòng Tên: Pierre Teilhard de Chardin, Karl Rahner, và Bernard Lonergan. Nhưng các trước tác gần như huyền nhiệm của Teilhard bị giải thích rất khác nhau đến độ tầm quan trọng về lâu về dài của chúng là điều hiện chưa chắc chắn. Rahner và Lonergan tượng trưng cho một ngành của thuyết Thomist bị Gilson và Maritain coi là không chính đáng, vì đã nhằm đối thoại với chủ thuyết Kant hơn là quả quyết rằng nhận thức luận Thomist vượt ra ngoài các phê phán của Kant. Mệnh danh là “chủ thuyết Thomist Siêu Việt” (Transcendental Thomism), phần lớn nó được coi như một phong trào của Dòng Tên.

Phong trào phục hưng trí thức Công Giáo tượng trưng cho một hiện tượng văn hóa độc đáo của thế kỷ 20: đây là một cách tiếp cận sự thật dựa vào giả thuyết coi một số truyền thống là đúng đắn được lấy làm qui phạn, và là một sinh hoạt trí thức chủ yếu nhằm vào việc hiểu thấu đáo hơn và trình bầy sâu sắc hơn các truyền thống này. Trái lại, phong thái tư duy trổi vượt hiện đại là tranh cãi mọi truyền thống, và phần lớn giới trí thức Công Giáo hăng hái tiếp thu phong thái này đến độ coi chính gia tài phong phú của mình là không còn thích đáng.

Ngày nay, chủ nghĩa chiết trung (eclecticism) là chủ nghĩa đang thống trị, không những trong việc chọn lựa các nền triết lý mà còn cả trong các vấn đề tín lý của Giáo Hội. Mối liên hệ của các trí thức Công Giáo hiện nay đối với các truyền thống riêng của họ, nhẹ nhất, cũng là mơ hồ, lưỡng nghĩa. Chủ quan tính, được chủ thuyết tân kinh viện cầm chân rất lâu, nay đã nhẩy xổ ra để trả đũa và người Công Giáo là những người sẵn sàng tiếp thu đủ thứ thuốc tâm lý học lang băm nhất. Trong diễn trình này, các nâng đỡ định chế dành cho sinh hoạt trí thức Công Giáo dần dần bị sói mòn. Nhiều cao đẳng đóng cửa. Những cao đẳng sống sót phần lớn không còn cố gắng đào tạo nơi sinh viên mình một lối suy tư khác biệt về thế giới nữa. Một số tạp chí Công Giáo ngưng xuất bản vì số độc giả giảm dần. Nói theo kiểu thương mại, không thị trường nào được tạo ra cho công trình trí thức Công Giáo nghiêm túc và các đại lý cho các thị trường này nếu có cũng đang chết dần. Phần lớn các sách vở của phong trào phục hưng thế kỷ 20 hết còn được in lại.

Không phải đợi cho tới lúc các nhân vật kia qua đời, ngay lúc còn sống, một số nhà trí thức trên đã bị bác bỏ rồi. Thí dụ, ngay từ năm 1965, nhà Sheed and Ward đã bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt đối với việc xuất bản các sách của Dawson, dù ông này mãi tới năm 1970 mới qua đời. Các tác phẩm cuối đời của Maritain nhằm phê phán thứ “giáo hội mới”, nhất là cuốn Người Nông Dân Miền Garonne (1968), thường bị các nhà điểm sách tấn công không thương tiếc dù mãi năm1973, Maritain mới qua đời. Thế hệ sinh viên Công Giáo ngày nay ít khi biết các tên Gilson, Maritain, Dawson, Mauriac, Waugh, hay Bernanos…

Điều trên thật đáng buồn.

Kỳ tới: 50 Tân tòng Công Giáo: Những Người Đi Nhà thờ Nổi danh của Thế kỷ 20