Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Keo kiệt và ý nghĩa cuộc sống



Keo kiệt và ý nghĩa cuộc sống
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019


Như người kẻ trộm, xin Chúa thương xót cho ác tâm của con và xin nhớ đến con!
Cuộc sống không tùy thuộc vào của cải (Lc 12, 15).
Hai lời chứng
Kẻ trộm!
“Buộc phải” không bám dính
Ba lần, chị tôi bị mất nữ trang và tất cả những gì quý báu, ban đêm kẻ trộm vào lấy, cả chị và cả gia đình không ai biết. Lần thứ ba chị tôi tuyên bố theo kiểu không còn bám dính: “Bây giờ kẻ trộm có thể trở lại, tôi chẳng còn gì quý giá để chúng lấy.” Chị xem giai đoạn bực mình này là một kinh nghiệm thiêng liêng. Một mặt chị không nghĩ đến nó nữa, không còn muốn giữ cái gì khác; một mặt, chị nói, trong mồ chị cũng không mang tất cả nữ trang này đi theo. Tôi thường nghe chị nói, chuyện này làm chị cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái, thậm chí còn giải thoát cho chị.
Cho chị, chị của tôi, hôm nay và mãi mãi
Một cảm hứng “tốt”
Sự kiện này có một tiếng vang sau đó. Một trong các chị tôi, chị Elisabeth, chị là sinh viên, chị vừa về nhà cuối tuần với gia đình, chị nói với tôi, chị thích chiếc áo măng-tô mà bố mẹ vừa mua cho tôi. Tôi 16 tuổi, chị 22. Trước khi chị ra đi, chiều chúa nhật tôi cho chị chiếc áo măng-tô. Thật ra khi đó tự đáy lòng tôi, tôi cảm nhận: “Và nếu chị tôi sắp chết mà tôi không cho chị chiếc áo này…” Hai ngày sau, một cách đột ngột, chị Elisabeth của tôi chết trong một trận hỏa hoạn. Tôi không bao giờ quên chuyện này. Tại sao tôi có linh tính cho chị chiếc áo nếu nhỡ chị sẽ chết, trong khi chẳng có gì báo trước sẽ có tai nạn này? Và nếu tôi không nghe theo linh tính này? Và nếu tôi giữ chiếc măng-tô mới toanh lại? Việc này cũng không ngăn chị tôi không chết, cũng không làm cho tôi bớt đau khổ, nhưng nó mở ra một cánh cửa khác.
Đó là một hành động nền tảng trong đời tôi: nếu tôi không cho chị chiếc áo măng-tô, thì bây giờ ba mươi năm sau, chắc chắn tôi sẽ còn hối tiếc. Cử chỉ này đã làm cho tôi vững mạnh và làm cho tôi được phong phú. Nó dạy cho tôi phải nghe tiếng nói bên trong của Thần Khí dù không hợp lý, nhưng tiếng nói có âm vang và rung cảm. Tôi nhận được sức mạnh để cho không những ở trần gian này, nhưng có thể là ở cả thế giới bên kia. Có phải vì thế, giàu là có thể cho không gò bó không? Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta nghèo vì những gì chúng ta tích lũy không? Hay chúng ta không giàu vì những gì chúng ta cho không có động lực thầm kín nào không?
  1. Keo kiệt và mối quan hệ của chúng ta với mọi thứ, với tiền bạc và với cuộc sống
Ai cũng như ai khi sinh ra và lúc lìa đời. (Kn 7, 6).
Quý vị có quen biết ai keo kiệt không? Keo kiệt “thứ thật?” Người giữ tất cả, không cho ai muợn, cũng không cho ai cái gì cả? Người tính toán chi tiêu từng xu? Người vui vì đi quá giang xe tiết kiệm được một vé xe buýt không? Vì sao chúng ta không nói đùa về tính keo kiệt như nói đùa về tính tham ăn? Đâu là lý do? Bao nhiêu câu hỏi thì bấy nhiêu câu trả lời khác nhau: đúng là nó làm cho chúng ta quan tâm và tự hỏi mối quan hệ của mình với mọi thứ như thế nào.
Dù chúng ta là ai, đôi khi chúng ta cũng keo kiệt, thỉnh thoảng hoặc thường thường. Đối tượng của keo kiệt thì đa dạng: lúc thì thì giờ, lúc thì tiền bạc, hoặc bất cứ gì dù lớn hay nhỏ mà chúng ta gắn bó đến mức không có gì trên quả đất này làm chúng ta để nó ra đi.
Có của cải hay tài sản không phải là chuyện đáng lên án: bởi vì nó giúp chúng ta xây dựng, sáng tạo, giúp đỡ người khác, đoàn kết với người khác, sống xứng đáng trong xã hội. Cái xấu nằm ở cách ít nhiều suy đồi và sai lệch mà chúng ta dùng các của cải vật chất này. Nói cách khác: chúng ta là chủ hay người quản lý của cải này? Tài sản vật chất có là chủ chúng ta không? Chúng ta có là nô lệ, thậm chí là tù nhân của những gì chúng ta chiếm hữu không? Chúng ta có đủ tự do để chia sẻ nó không?
Những câu hỏi này cho thấy sự lệch lạc khủng khiếp của vấn đề này; thật vậy, tính keo kiệt có thể dẫn đến tình trạng dửng dưng và chai cứng tâm hồn. Với căn bệnh này, người keo kiệt không còn giao tiếp, họ lấy, họ tích lũy, họ bất động trong cuộc sống, vì sợ thay đổi, sợ chết là chuyện không tránh được, vì tính keo kiệt làm lệch đi các vấn đề đích thực của đời sống. Đối với họ, mối quan hệ với thức ăn cũng trở thành rắc rối, tính keo kiệt là một lệch lạc phức tạp vì mối quan hệ của chúng ta với mọi chuyện trở nên mơ hồ hoặc hàng hai và phải đi tìm trong các tầng tầng lớp lớp sâu đậm trong chính con người mình may ra mới hiểu được.
Tính tham lam và keo kiệt là những đau khổ cản trở sự phát triển nhân bản và thiêng liêng, làm biến dạng những gì chúng ta hướng tới, để lớn lên trong lòng tốt và biết chia sẻ. Trong sự bám dính vào mọi thứ này, nó có thể tạo một căn tính với những gì chúng ta chiếm giữ: mình là những gì mình chiếm hữu. Chúng ta nhìn mình, chúng ta lượng giá mình, chúng ta coi trọng mình chỉ theo của cải riêng của mình. Chúng ta nghĩ, tôi càng sở hữu, tôi càng tích lũy thì tôi mới tồn tại, mới an toàn. Chúng ta quên đời sống chúng ta có thể chấm dứt đêm hôm nay, như dụ ngôn trong Tin Mừng nói:
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây! Vì còn chỗ đâu mà tích trử hoa màu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trử tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hởi, bây giờ mình ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó về về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 15-21).
Một bám dính chết người
Bạn có gì mà bạn không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (1 Co 4,7)             
Chúng ta thử cố gắng tìm hiểu cách mà các Giáo phụ định nghĩa tính keo kiệt. Theo các ngài, đây là việc bám dính vào tiền bạc và các hình thức khác nhau của giàu có vật chất. Người keo kiệt thích thú khi chiếm giữ, họ không thể cho mượn, lại càng không thể cho. Bo bo giữ của và tích lũy, nét chính của họ là họ buồn bã khi chia sẻ và cho. Người tham lam luôn bị ám ảnh bởi ý muốn hoặc thèm muốn có thêm và chiếm giữ thêm của cải mới.
Ở thế giới phương tây chúng ta, tất cả nỗ lực quảng cáo đều dựa trên khát khao chiếm giữ, vì thế mỗi người chúng ta, trên nhiều bình diện khác nhau dễ bị cám dỗ có thêm một máy này, có thêm một đồ dùng kia mà rốt cuộc thường là vô ích. Khía cạnh keo kiệt của chúng ta thường thể hiện qua hình thức tham lam, ham muốn. Thánh Tôma Aquinô nói, tất cả những gì chúng ta giữ ngoài nhu cầu của mình là một sự tiếm đoạt, thậm chí còn có thể gọi là trộm cắp. Cùng đích của tiền bạc và của cải vật chất là dùng để đáp ứng nhu cầu liên quan đến sự sống của chúng ta. Người hám của và người keo kiệt không tôn trọng cùng đích này và họ đi theo tâm lý bệnh hoạn hoặc suy đồi, cho vật chất một giá trị tự tại thay vì giá trị thực dụng, vui hưởng vì được chiếm giữ chứ không phải vì được dùng. Điều này gây ra lo lắng, thậm chí là bận tâm, vì mối bận tâm liên tục này sẽ là: làm thế nào có được những thứ này, tiền này? Một khi có được thì lại lo lắng để giữ nó. Thêm vào lo lắng là buồn bã và suy thoái tinh thần.
Một bất mãn kinh niên
Vì kho tàng của anh ở đâu, lòng anh ở đó (Mt 6, 21).
Đặc tính căn bản của tính keo kiệt là vô độ; các Giáo phụ thường nêura cho thấy, tính keo kiệt không bao giờ biết mục đích cố định, không bao giờ no với các đồ vật mà họ bám dính. Hơn nữa, người keo kiệt không bao giờ vui với của cải họ chiếm giữ. Họ không có khả năng thích những gì họ yêu. Họ không vui hưởng những gì họ có, họ luôn chờ một vật khác để chiếm giữ. Ám ảnh bám dính, thiếu sự hài lòng bình thường đối với những gì mình có là bằng chứng các lệch lạc của tâm hồn.
Mong muốn tiềm ẩn được thực hiện vô hạn và ngày càng phát triển theo nhịp độ thực hiện, đó là chứng háu ăn bên trong. Sự tham lam vô độ này có ở người nghèo cũng như ở người giàu: người nghèo thì thèm muốn địa vị người giàu, người giàu thì ganh với người giàu hơn mình và cứ thế mà tiếp tục. Người keo kiệt chịu một hình thức độc tài nội tâm, họ là nô lệ của xung năng muốn có thêm, có thêm, họ hoàn toàn bị lệ thuộc, có thể nói họ bị tha hóa bởi ước muốn chiếm giữ và có cho được. Hiện nay sự phổ biến của thẻ tín dụng là kết quả của loại cơ chế này: các chủ ngân hàng, các nhà kinh tế biết khát khao vô độ của người tiêu thụ, để đáp ứng nhu cầu này, họ phải có nhiều thẻ tín dụng. Khi đến giới hạn của thẻ này, họ sẽ dùng thẻ kia cho đến khi mắc nợ, có khi dẫn đến thảm kịch. Cũng vậy với các mua bán trên mạng; chỉ cần xem một trang mạng có vật dụng mình thích, bấm một vài cái là mua được hàng. Các thanh toán mua bán ngay lập tức, không suy nghĩ, không chờ, không có tinh thần phê phán, nuôi dưỡng cho sự vô độ này.
Nên cho hay nên tích lũy? Nên tiếp nhận hay vơ vét?
Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc (1Tm 6, 10).
Điều làm cho tiền bạc có giá trị là chi tiêu, là làm cho nó luân lưu, là dùng một cách khó nghèo, thậm chí là cho đi.Còn với người keo kiệt, tiền bạc phải giữ lại. Trong khi con người là con người tiêu thụ, tiêu thụ những gì mình kiếm được, còn người keo kiệt thì họ tích lũy. Đứng trước sự bấp bênh của cuộc sống đứng trước những gì chúng ta có, có một số loại câu trả lời.Chúng ta có thể hiểu và thừa nhận mọi thứ là tạm thời, chấp nhận mình không còn giữ được, thậm chí còn vui mừng trong đó. Chúng ta có thể chọn bám vào những gì mình có và tạo ra nguyên tắc: người ta sẽ không lấy được những gì tôi có, từ những gì tôi là. Thách thức ở đây là: tôi có là tôi tồn tại, tồn tại và cho của cải của tôi là cho con người của tôi. Khuynh hướng keo kiệt cho ảo tưởng về sự vững chắc gần như một nghĩa vụ qua việc chiếm giữ. Tiền bạc và bản sắc riêng của chúng ta được tích trữ để cho chúng ta cảm giác an toàn giả tạo và che giấu nỗi sợ chết của chúng ta.
Con người là kẻ thù của chính mình trong tính keo kiệt
Bị giam hãm trong ước muốn chiếm giữ, con người trở thành kẻ thù của chính mình.họ dùng sức lực và đời sống của mình để chạy theo của cải phù du. Họ bán víu, họ căng thẳng. Chúng ta phải nhận ra nó: chúng ta có thể cười, nhưng cách siết chặt nắm tay, lúc nào cũng để tay trong túi, nghiến hàm, đến với người khác hai tay khoanh lại, v.v… có thể đây là dấu chỉ để thấy sự hiện diện ngấm ngầm của tính keo kiệt trong chúng ta, sợ cho, sợ người khác biết mình có của. Loại suy đồi này làm cho chúng ta buồn, hung hăng, đố kị, ghen tị, giận dữ, hận thù.
Bị giằng xé bởi nỗi sợ thiếu, bị ám ảnh bởi miếng mồi, bị kích thích vì mong muốn hưởng của cải, người keo kiệt đổ bệnh. Họ tính toán để kiếm thêm, họ phối hợp để không có cái gì lọt ra khỏi tay. Các ham muốn của họ trở nên ám ảnh, các hoang tưởng của họ làm biến mất đi bình an và niềm vui, tâm hồn của họ rơi vào suy thoái. Lo âu thường xuyên của họ là: làm thế nào giữ được và tăng thêm những gì mình đã có được. Ngay khi người keo kiệt chiếm giữ được một món đồ, họ không còn hài lòng nữa, dù họ rất đau khi nghĩ mình bị mất đi một ít. Lo lắng có thêm và giữ rịt của cải vật chất, họ không thể phát triển tiềm năng thiêng liêng và phát triển tự nhiên, họ tự nhốt họ. Họ không dùng của cải, của cải thống trị và bắt họ phải quy phục của cải. Khi họ nghĩ họ làm giàu thật sự, có được tự do và đảm bảo cuộc sống khi gom thu tài sản ở trần gian này, họ mơ và đánh mất con người mình, cuộc sống của mình khỏi thế giới này vì “kho tàng của anh ở đâu, lòng anh ở đó” (Mt 6, 21). Dù họ nghĩ họ có thể tìm thấy hạnh phúc, thú vui họ cảm nhận khi có được, khi chiếm giữ nhưng họ tự giam mình vào bất mãn, và cuối cùng vào bất hạnh vì thú vui này không bền, bất toàn, chóng qua và rồi sớm muộn gì cũng kết thúc. Do đó, rõ ràng với lòng tham, qua nhiều cách, con người là kẻ thù của chính mình.
Người anh em của người keo kiệt sẽ trở nên như thế nào?
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mc 12, 31).
Tính keo kiệt ảnh hưởng đến quan điểm của con người với thực tế và các mối tương quan với thực tế: nó bịt mắt, bịt tai người bị nó chiếm giữ. Kết quả, người keo kiệt có một cái nhìn sai lệch về thực tế, thể hiện qua việc họ đánh giá người anh em. Người anh em không còn được nhìn trong hình ảnh của Chúa nhưng chỉ bị xem qua lăng kính lợi ích. Khi đó người anh em chỉ là một phương tiện để làm giàu, một giá trị kinh tế và cuối cùng như một đồ vật.Không chú ý, không quan tâm đến bất cứ ai.
“Người keo kiệt nói: tôi có làm hại ai đâu khi tôi giữ những gì thuộc về tôi?
– Nhưng cho tôi biết, của cải nào thuộc về anh? Anh lấy nó từ đâu?Anh giống như một người khi lấy chỗ trong nhà hát, ngăn không cho người khác đi vào, chỉ muốn xem một mình trong khi tất cả các người khác đều có quyền xem.”
Thường thường, người làm giàu với những gì không thuộc về họ, họ làm nghèo đi người khác, người anh em mình.Nếu mỗi người chỉ giữ lại những gì cần thiết cho nhu cầu hiện tại của mình, và để lại cho người nghèo của cải thặng dư thì cách biệt giàu nghèo sẽ không còn, các Giáo phụ đã dạy chúng ta như vậy.Theo một cách nào đó, của cải thặng dư sẽ không chiếm giữ anh em.Quá thường xuyên, việc có nhiều của cải là làm giàu trên người khác. Chúng ta có thể nói, người giàu, người keo kiệt là những người ăn cắp theo một loại nào đó không? Thậm chí là những người hôi của và chiếm đoạt không?
Người keo kiệt quên người anh em, người kia không còn tồn tại như chủ thể, họ không còn là người anh em hay người ngang hàng, vì họ có thể là trở ngại để giữ của hay để có thêm tiền của. Và như thế sẽ dẫn đến chia rẽ, tranh cãi, gây nhau và thậm chí còn giết người. Người nào tham lam của cải dần dần có tính coi thường, khinh khỉnh và đạo đức giả, họ công cụ hóa người khác bất kể người đó là ai và phủ nhận người đó trong nhân tính của đương sự. Họ chỉ thấy người đó như một công cụ sản xuất hay làm giàu, đơn thuần là một lao động. Trong tâm hồn chai cứng của họ, chẳng có gì là nhưng không, chẳng có một chữ yêu thương, không một cử chỉ trìu mến, họ vô cảm trước nỗi đau của nhân loại.
Người keo kiệt đóng cửa tâm hồn; họ bám dính vào của cải, bám dính này có hệ quả là của cải nhận được không được xem là “ơn Chúa”. Là tù nhân của của cải vật chất, tâm hồn là nơi ở của Chúa, nơi của các quyết định, của gặp gỡ, của khả năng giải thoát chính mình để tạ ơn, để hiệp thông với các món quà của Chúa trở thành nơi lạnh lùng, khó khăn, cố chấp, tính toán, phản bội, hung bạo. Mà Thánh Phaolô đã nói, “người tham lam sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (l Co 6, 10).
Thờ Chúa hay thờ tiền bạc: thái độ thờ tiền bạc
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được (Mt 6, 24).
Keo kiệt hay tham lam là quay lưng với Chúa, vì của cải thế gian đã chiếm chỗ của Chúa. Người keo kiệt không còn mở lòng ra với các ơn thiêng liêng, họ mê tiền hơn là yêu Chúa Kitô. Một mặt là tình yêu cho Chúa và gắn bó với của cải thiêng liêng, mặt kia là mê tiền bạc và bám dính vào của cải vật chất, cả hai đều xây dựng trên cùng khả năng mong muốn của con người, vì thế nó không tương hợp nhau, cái này loại cái kia, như chính Chúa Kitô đã dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24).
Cách xem tiền bạc là ngẫu tượng thường vô hình và xảo trá.Chúa trở thành người vắng mặt, và những bận tâm vật chất thành ám ảnh.Cách thức này gán cho mọi thứ một tầm quan trọng và một giá trị vượt quá giá trị thật của nó, quá chú tâm vào nó mà nó không xứng đáng hưởng sự chú tâm này.Nó mang lại cho chúng một giá trị thiêng liêng. Lấy ví dụ những người tích trữ những vật vô dụng đến khi dọn nhà chất hàng đống; ai khuyên họ cho hay bán, họ từ chối thẳng tay. Dù đó là những bức tranh, những đồng tiền, con tem, những vật họ để tâm, họ tôn sùng. Thay vì hy sinh đời sống mình cho người anh em, người keo kiệt thiêu rụi tâm hồn mình cho hư không, có nghĩa là cho những vật dễ hư hỏng, mặc kệ người khác.Suy nghĩ của họ bị xâm chiếm bởi ước muốn luôn chiếm giữ nhiều hơn, không nghĩ đến lợi ích người khác.
Tất cả khả năng – thông minh, ý chí và trí nhớ – đều dùng để chiếm giữ của cải và những thứ này trở thành ngẫu tượng.
Đâu là đức tin và hy vọng trong thái độ chiếm giữ bệnh hoạn này? Đức tin và hy vọng dần dần tắt lịm vì miếng mồi chiếm hết chỗ của hy vọng và trở thành “trọn” cho cuộc sống của họ. Ý tưởng về cái chết, về cuối đời không còn lướt qua trong đầu người keo kiệt, họ dựng lên hết dự án này đến dự án khác, ngay cả không nghĩ đến Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình. Tính keo kiệt dập tắt lời cầu nguyện, dập tắt tiếng kêu lên Chúa, dập tắt lời xin giúp đỡ.Người keo kiệt nghĩ chỉ có một mình họ trên cuộc đời và sống trong ảo tưởng mình độc lập, mình kiểm soát được đời mình.Họ nuôi dưỡng ảo tưởng sống và sống còn không cần đến Chúa, không cần sự giúp đỡ của Chúa.Có một sự cắt đứt giao ước.Với của cải bao quanh, người keo kiệt lẫn lộn tương lai với đời đời.Họ chất đầy kho lẫm của cải chóng hư thối để bảo đảm tương lai, họ vét cạn năng lực thiêng liêng dẫn họ đến con đường thánh thiện.
Có phải đôi khi tôi là Giuđa trong đêm tối của mình không?
Tiền là ông thầy khốn khổ, nó làm con người quay lưng với Chúa, do đó quay lưng với điều thiết yếu, nếu không cảnh giác, ngay cả với các tâm hồn được đặt để tốt nhất để theo Chúa cũng quay lưng với Chúa. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cho chúng ta biết, Chúa Cha đi tìm từng người một để cứu và để giải thoát.Ông Giuđa cũng là một phần trong ước muốn của Chúa Giêsu cho toàn nhân loại. Nhưng Giuđa bán Chúa, phản bội Chúa – rõ ràng – vì tiền, các thánh sử kể cho chúng ta, trước khi ông hiểu, không có Chúa Giêsu cuộc đời của ông không có ý nghĩa gì nữa: ông treo cổ. Có phải duy chỉ có tiền bạc đã giết ông Giuđa không? Hay một tình yêu bị biến dạng và bị đổi hướng? Biểu tượng tiền có liên quan đến mọi tình yêu hư hỏng và lệch lạc dẫn con người đến chỗ phản bội Chúa cách này cách khác đó không?
2. Chúng ta đang ở đâu trong mối quan hệ của mình với mọi thứ?
Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã  ban cho, Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1, 21)
“Keo kiệt chết tiệt!
Dồi dào muôn năm!”
Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25, 40).
Tính keo kiệt là một hình thức giam tù, chính vì vậy mà chúng ta phải có các thái độ và hành động thuận lợi để đi trên con đường sinh lợi. Một trong các hành động đầu tiên là bằng lòng với những gì mình có.Tất cả chúng ta đều đã từng nghe những người trở về từ các xứ “nghèo”, họ đều xúc động trước lòng rộng lượng của những người có rất ít để sống.Không vì có ít mà chúng ta không bằng lòng với những gì mình có, không rộng lượng với người khác.Tất cả đều ở thái độ bên trong của chúng ta đối với những gì mình thiếu.
Do đó khi vượt qua các lo lắng thiếu thốn để có thể rộng lượng, chúng ta nhận được gấp trăm lần, niềm vui và quả tim rộng mở lấp đầy chúng ta. Niềm vui này được ban cho chúng ta là niềm vui được tiếp xúc với Chúa. Khi cho một cách nhưng không và nhẹ nhàng, chúng ta cho chính Chúa.Chúng ta biết, Mẹ Têrêxa không có một phân biệt nào giữa người nghèo và Chúa Kitô; cho người nghèo là cho chính Chúa Kitô.Rộng lượng cho thì giờ, cho tiền bạc không phải là để tạo sự khác biệt giữa con người, nhưng là để ý thức về sự bình đẳng và phẩm giá của mọi người.Cho, là cho chính mình, như thử một phần của cùng một cơ thể. Ai rộng lượng cho sẽ nhận dồi dào niềm vui, tự do, tha thứ từ những gì lớn hơn mình. Tâm hồn của họ sẽ được giải thoát khỏi dửng dưng, khỏi vô cảm, khỏi mọi hình thức hung hăng. Người kia là người anh em trong sự tôn trọng; cũng vậy trong ơn gọi cho của chúng ta, đó là những gì làm cho chúng ta được tương tự giống Chúa.
Tôi đã nhận gì từ thời thơ ấu?
Và đừng quên các ơn lành người ban (Tv 102, 2).
Nhớ lại có thể là bước đầu để buông bỏ nhu cầu chiếm giữ của chúng ta.Chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhớ lại các việc tốt lành chúng ta đã nhận từ thời thơ ấu, bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói mình chẳng nhận gì trong thời gian qua.Khó khăn của chúng ta là nhắc mình nhớ lại, nhắc thường xuyên.Cách ghi nhớ này là thuốc bổ thiêng liêng. Nhớ lại gợi lên ký ức: giúp chúng ta ý thức quà đã nhận cũng như những người rộng lượng chung quanh chúng ta. Việc gợi lên ký ức này tạo lên những điều tốt trong tâm hồn: lòng biết ơn và ghi nhận, lòng quảng đại và chia sẻ.
Vun trồng niềm vui cho đi
Chúa yêu thương những người vui vẻ cho (2 Co 9, 7).
Để thoát ra khỏi xung năng chiếm giữ thêm và thêm, chúng ta phải tìm các phương tiện hay các con đường để đi qua một năng lực khác. Trong số các con đường này, có con đường cho đi. Đây cũng là một hình thức trị liệu được các Giáo phụ giảng dạy.Các ngài dạy chúng ta mỗi ngày phải cho một cái gì, dù là thì giờ (với thời buổi này thì quá quý), tiền bạc, hoạt động tài chánh, sách vở hoặc tất cả những gì chúng ta giữ.Điều này có vẻ khó đối với một số người trong chúng ta.Thêm một lần nữa, chúng ta phải lên kế hoạch để giải phóng mình khỏi tính keo kiệt.
Trước hết bắt đầu với những người mà chúng ta có mối liên hệ tình cảm. Cho họ một cử chỉ, một lời nói hay một vật gì để giải thoát chúng ta khỏi lo âu chỉ muốn giữ tất cả. Nếu bước đầu này khó khăn, thì đừng ngần ngại tự nhủ, “ngày mai người yêu thương này của mình có thể chết”, hoặc “trong một giờ nữa, có thể mình sẽ bị tai nạn”.Ý thức cuộc sống của mình hoặc của người khác có thể ngừng bất cứ lúc nào có thể giúp chúng ta có ý muốn chia sẻ, không khăng khăng giữ của. Nếu cha mẹ hoặc ông bà cảm thấy khó khăn khi viết di chúc cho con cái thì đây sẽ là một động lực. Có gì có hại hơn để lại di sản cho con cái để chúng chia nhau mà không để lại chúc thư? Tất cả điều này làm chúng ta phải suy nghĩ đến sự bấp bênh của mọi sự và nhất là của đời sống chúng ta.Đời sống là quà tặng, chúng ta đừng quên điều này. Người kia, dù đó là anh chị em, người láng giềng hay đồng nghiệp, tất cả là quà tặng của cuộc sống. Chúng ta làm gì với món quà đó?
Tách ra, mỗi ngày mỗi không bám dính
Ai mua sắm hãy làm như không có gì cả […] bộ mặt thế gian này đang biến đi (1 Co 7, 30).
Một thách thức khác đang chờ để chúng ta thoát ra khỏi bám dính, đó là tách rời.Hoặc để tách rời mình khỏi mọi thứ, để có một khoảng cách giữa chúng ta và mọi thứ, tạo một hình thức thảnh thơi về tiền bạc. Khi kể câu chuyện tạo dựng, sách Sáng Thế dạy chúng ta Thiên Chúa đã tách ra: Ngài tách ngày và đêm, tách mặt trăng mặt trời, bầu trời khỏi vực thẳm…  Khi Chúa tạo dựng, Ngài tách ra và Ngài tách trên tất cả các chương trình của cuộc sống chúng ta. Không những Ngài tách để tạo dựng, nhưng truyền thống do thái còn dạy chúng ta, ngày thứ bảy Ngài rút lui để chỗ cho chúng ta.
Làm thế nào chúng ta tách ra khỏi các bám dính bệnh hoạn vào mọi sự này? Sự tách ra với các căn bệnh thiêng liêng của chúng ta là kết quả ân sủng của Thần Khí và cũng do ý thức và sự hợp tác “có tham gia” với năng động của Ngài.
Thần Khí cho chúng ta nếm hương vị của những điều tốt lành khác, những điều không trôi qua: nụ cười, tạ ơn, chia sẻ, biết ơn, lòng tốt, học Lời Chúa, đọc hạnh các thánh, Chúng ta đã thấy, có sự mất căn tính trong tính keo kiệt: mình là cái mình có. Tuy nhiên ý thức được sự khó nghèo của mình trong các yếu đuối, hèn nhát sẽ dần dần dẫn đến việc tách ra các của cải vật chất ở thế gian này. Điều này sẽ giúp chúng ta tách ra chính mình, không bám dính vào của cải; đó là một trong các chìa khóa tự do mà sự hợp tác với Thần Khí mang lại cho chúng ta.
Chúa Thánh Thần sẽ nhắc và dạy chúng ta, để chữa lành và để được cứu khỏi căn bệnh này, chúng ta phải nhận căn tính của Đấng nói với chúng ta bằng Lời của Ngài trong các sự kiện hay qua người khác. Giàu có vật chất sẽ được đặt lại đàng sau để giúp chúng ta gắn kết sâu đậm với Đấng đi tìm chúng ta và gõ cửa nhà chúng ta.Hơn nữa chúng ta phải quỳ xuống với cả thể xác và tâm hồn để xin Chúa ơn nhận được hương vị của Chúa, hương vị của những chuyện thiêng liêng.Điều này đưa tâm hồn chúng ta lên cao, và có khả năng tách rời những điều thuộc về thế gian.
Vì sao phải làm việc từ thiện?
Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ. Để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ (Tb 4, 7)
Cho hay làm từ thiện mang trọn tất cả giá trị của nó khi chúng ta cho không vụ lợi, không chờ được trả lại, không ở trong một cương vị cấp cao nào. Khi Chúa Giêsu đưa ra tấm gương của bà góa, bà bỏ vào hòm tiền tất cả những gì bà cần để sinh sống, Ngài đã dạy chúng ta cách cho.Cho, không tự mãn, không kèn trống, không để lại danh thiếp.Chúng ta hãy nhớ, chúng ta đã được cho, vậy chúng ta phải cho lại.Không thêm bất cứ gì.Làm như thế là noi gương cách Chúa ban cho, phân phát và chia sẻ thêm và thêm, không ngừng và trong từng giây phút, chính Cuộc sống của Ngài. Đến lượt chúng ta, chúng ta cố gắng cho không tính toán, không bó buộc, không mặc cảm tội lỗi, không xấu hổ giả tạo, với lòng háo hức, với trái tim nhân hậu và với niềm vui.
Ý nghĩa đầu tiên của chữ “từ thiện” là trắc ẩn, thương xót, đáng thương. Thực hành hạnh từ thiện, trước hết không có nghĩa là phải cho người nghèo tiền, nhưng cho với lòng trắc ẩn, thương xót người anh em, sống bác ái, yêu thương, cho một phần con người mình cho người khác. Sống theo đức ái này là sống cuộc sống của chính Chúa. Nơi mà quà tặng là đầu tiên, nơi đó có sự hiện diện của Chúa.Làm từ thiện không phải chỉ làm một loạt các hành động, nhưng hơn thế nữa là có tâm hồn trắc ẩn. Thánh Anrê thành phố Montréal không có gì để cho, ngài chỉ là “người giữ cổng” cho anh em mình theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Nhưng Thánh Anrê đã cho tất cả những gì mình có, về vật chất thì không có gì nhưng về thiêng liêng thì tất cả. Đây là đền thánh dâng hiến Thánh Giuse lớn nhất thế giới do công trình của một người khi còn sống ít ai biết. Ngài đã cho tất cả theo một cách khác và chúng ta là những người được hưởng. Không bao giờ chúng ta có thể biết được sự phong phú của các hành vi nhỏ của chúng ta được làm với lòng thương xótsẽ như thế nào. Chúng làm chúng ta đứng vững và ngẩng cao đầu, chúng giải thoát chúng ta. Chúng giống như các đền thánh hay những tấm bia vô hình vinh danh Chúa Giêsu Kitô, Đức Ái hằng sống. Các hành vi bác ái thực hành trong thinh lặng, kín đáo và nhưng không mang lại cho chúng ta bản thể được dựng theo hình ảnh của Chúa.
Chính vì vậy các Giáo phụ giải thích và nhấn mạnh cùng đích của việc làm từ thiện không phải chỉ để giúp người nghèo, nhưng nhất là biến đổi về mặt thiêng liêng cho người cho.Mặt khác người cho rút tỉa lợi ích lớn hơn là người nhận, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Có thể nói một cách hài hước, người cho sẽ nhận gia tài to lớn vô cùng: “Cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời” (Mt 19, 21). Một cách nào đó, các món quà Giáng Sinh nhắc lại món quà tình yêu Chúa cho nhân loại trong việc hy sinh Con Một mình. Cuối cùng, món quà của chính chúng ta và món quà của anh em chúng ta tạo trong chúng ta một khoảng không gian của ánh sáng, niềm vui và bình an của Chúa.
Đức tin và lòng tin tưởng
 Anh chị em đừng lo gì cho đời sống của mình (Mt 6, 25).
Dựa trên mọi thứ, tìm ở đó sự an toàn, chúng ta giống như các tông đồ của Chúa Giêsu: chúng ta thiếu đức tin và lòng tin tưởng. Các câu Thánh Kinh này vang trong lòng chúng ta:
Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc.,…Cha của anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai; ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6, 25 và tiếp).
Sau khi ý thức không thể tìm nơi của cải vật chất một đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng ta phải đặt lòng tin tưởng và hy vọng của mình vào Chúa, dành tất cả năng lực của mình để có của cải thiêng liêng là của cải lâu bền và chắc chắn và Chúa ban cho những ai hướng về Ngài.
“Ước gì tôi có lòng để cho ngài tất cả những gì tôi có!”
“Tôi đi ăn xin từ nhà này qua nhà kia trên đường làng, khi chiếc xe vàng của ngài xuất hiện từ đàng xa (…). Chiếc xe ngừng ở chỗ của tôi. Ngài nhìn tôi và mỉm cười xuống xe. Cuối cùng tôi nghĩ mình đã gặp vận may. Bỗng khi đó ngài đưa bàn tay mặt ra và nói:
– Anh có gì cho tôi không?
A! Nhà vua lại đưa tay ra xin người ăn mày để ăn xin! Tôi hoang mang và bối rối; cuối cùng tôi lục trong túi xách, tôi chầm chậm lôi ra một hạt lúa mì nhỏ và cho nhà vua.Nhưng tôi quá ngạc nhiên khi cuối ngày tôi đổ túi xách ra, tôi thấy một hạt vàng nhỏ giữa các đống hạt lúa nghèo nàn khác. Tôi cay đắng khóc và nghĩ: Ước gì tôi có lòng để cho ngài tất cả những gì tôi có!”
(Thơ của Rabindranath Tagore)
Tôi sẽ đi đến Chúa, nơi đó tôi được no đầy trong hân hoan.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét