Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

“Trẻ em biến đổi ý tưởng của chúng ta về sự thánh thiện”

croire.la-croix.com, Florence Chatel, 2020-06-22
Ngày 10 tháng 6, các giám mục Pháp tuyên bố đồng ý việc mở án phong thánh cho chân phước Anne-Gabrielle Caron, 8 tuổi qua đời năm 2010 vì căn bệnh ung thư rất hiếm. Trong Giáo hội, các em trẻ nêu lên tấm gương đức tin của mình. Chúng ta nghĩ gì về “sự thánh thiện” của tuổi thơ và tuổi vị thành niên. Quan điểm của linh mục sử gia Dominique-Marie Dauzet, linh mục ở đan viện Mondaye.

Anne-Gabrielle Caron. Hình do gia đình Caron cung cấp.
Một trẻ em hay một trẻ vị thành niên có thể là một gương mẫu không? Và gương mẫu cho ai: người trẻ cùng tuổi hay cho người lớn?
Linh mục Dominique-Marie Dauzet: Đằng sau câu hỏi của bà có một câu hỏi cơ bản hơn, là biết chúng ta tìm gì khi phong chân phước hay phong thánh cho một trẻ em, một người lớn, một tu sĩ thánh hiến, một giáo dân… v.v. Trên thực tế, ngay cả chúng ta hơi lạm dụng khi nói “chính sách phong thánh” của giáo hoàng này, giáo hoàng kia, Giáo hội không công nhận sự thánh thiện của một người được rửa tội chỉ vì: “Đây sẽ là một tấm gương tốt!” Không, Giáo hội đến với các thánh, những người Chúa ban cho Giáo hội: có những người rất trẻ, người trẻ, người già, người giàu người nghèo, người Đen người Trắng. Án phong chân phước không phải là công việc truyền giáo, đó là xác minh nghiêm túc điều mà mọi người đã cảm nhận: chúng ta đứng trước một vị thánh! Dù đó là các em bé rất nhỏ thì cũng vậy: nếu Chúa cho chúng ta em 8 tuổi như em Anne-Gabrielle Caron, cũng như cho chúng ta em 6 tuổi rưỡi như em Nennolina Meo (1930-1937) thì chúng ta cũng không nên bực mình. Có thể đây là món quà Chúa dành cho  các em cùng tuổi, nhưng cũng có thể cho người lớn vì họ cần làm tươi mát tâm hồn với nét đẹp trong sáng của các thánh nhỏ bé này. Tất cả là ở sự thánh thiện, ở ơn sủng chứ không phải ở tuổi.
Có chính đáng để đi tìm gương mẫu không?
Đây là câu hỏi rất hay vì theo đúng nghĩa, với tín hữu kitô, chỉ có một gương mẫu đích thực, đó là chính Chúa Kitô, chính Ngài là Đấng chúng ta phải bắt chước. Trong câu “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em”, chữ quan trọng trong câu này là chữ “như”.
Nhờ Chúa, nhờ gương của Ngài, chúng ta biết phải yêu thương nhau như thế nào, và ngay cả yêu đến đâu. Điều này có nghĩa khi chúng ta nhìn vào cuộc đời các thánh, những người đã đi rất xa trong tình yêu, họ noi gương Chúa Giêsu, về phần chúng ta, chúng ta được khuyến khích để noi gương Chúa theo con đường riêng của mình. Trên thực tế, tôi sẽ không chú trọng quá đến chữ “gương mẫu”, vì bạn không nên bắt chước ai, bạn không đóng vai Thánh Phanxicô cũng không đóng vai Cha Thánh Piô, mình phải là mình như Chúa đã dựng nên chúng ta, người duy nhất, Ngài chờ chúng ta nơi chúng ta ở, chứ không chờ ai khác! Đơn giản tôi sẽ nói, trên con đường của riêng mình, các thánh là người đồng hành, là bạn và là người cầu bàu cho chúng ta. Và nếu chúng ta được đánh động vì thánh này mà không phải thánh kia thì có thể đó là đáp ứng của chúng ta với tình yêu của Chúa, theo cách riêng có thể hơi giống con đường của thánh này.
Có sự thánh thiện riêng với tuổi thơ không? Có vẻ dễ đối diện với căn bệnh của một em bé sống trong hiện tại hơn là với một thiếu niên bắt đầu hướng về tương lai…
Tôi không nghĩ thánh thiện lại khác nhau theo tuổi: Carlo Acutis, luôn vui vẻ tươi cười, trước khi chết ở tuổi 15, em có lý do để nổi giận cũng như sự nổi giận của một em bé 6 tuổi, nhưng Carlo không nổi giận. Trong “nghề” chuẩn bị các vụ phong thánh của tôi, tôi đã đọc hàng trăm, đúng hơn là hàng ngàn cuộc đời các thánh, nhất là các thánh trẻ, đó là câu chuyện giống nhau khắp mọi nơi: dấu ấn của ơn sủng hướng dẫn trọn cuộc đời các em. Lên 6 tuổi, em Nennolina viết cho Chúa Giêsu: “Xin Chúa đến trong cánh tay con, con sẽ ôm Chúa thật mạnh”, vì em là trẻ con, em có ngôn ngữ trẻ con . Nhưng ở tuổi hai mươi, năm mươi, ngôn ngữ có thể thay đổi, cuộc đấu tranh có thể khác, nhưng ước muốn luôn giống nhau. Mạnh mẽ và đẹp đẽ. Bà đưa ra câu hỏi về bệnh tật, đúng là các thánh trẻ (trẻ em và trẻ vị thành niên) có một hành trình chớp nhoáng, các em  đối diện với những thử thách khủng khiếp và đã chống lại một cách tuyệt vời. Tuy nhiên sự thánh thiện của các em là điểm nổi bật nhất đối với chúng ta, không phải chỉ ở lòng dũng cảm “anh hùng” khi đối diện với căn bệnh, mà chỉ là giai đoạn cuối. Đời sống thánh thiện của các em là ở tình yêu các em dành cho Chúa và cho người thân yêu của mình. Và cũng với căn bệnh của các em: với em bé Guy de Fontgalland (qua đời năm 1925 khi em 11 tuổi), nỗi đau của cha mẹ khi thấy em đau đè nặng trên em còn hơn chính nỗi đau của em. Em Anne-Gabrielle phải chích móc-phin nhiều lần trong đêm vì đau không chịu thấu, em đã xin lỗi vì đã làm phiền cha mẹ!
Các tấm gương này dạy chúng ta cách sống trong thử thách? Vì sao chúng ta lại cần sự thánh thiện của trẻ em và người trẻ?
Theo tôi, các người trẻ này dạy chúng ta nhiều nhất về lòng độ lượng của ơn sủng. Đời sống ngắn ngủi của các em thật sự là một của dâng, và theo cách các em, các em mang lại thịt da cho lời của Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu mạng sống của mình thì sẽ mất.” Nhưng chúng ta cần học nhiều hơn về sự thánh thiện của các em bé hay người trẻ vì chúng ta có thể thay đổi quan niệm về sự thánh thiện của mình. Chúng ta thường có ý tưởng sự thánh thiện được liên kết với một đạo đức rất cao hoặc với lối sống không tì vết, nhưng tất cả những điều này chỉ dẫn đến tự cao tự đại, đến đắn đo, đến tự chiêm nghiệm mình, chứ không dẫn đến tình yêu. Trên thực tế, các em nhỏ bé này rất quý giá, vì các em làm, các em nói những chuyện đáng ngưỡng mộ mà không biết mình đáng ngưỡng mộ. Sự thánh thiện của các em là các em không biết mình thánh, các em không nhìn vào chính mình. Mỗi ngày em Nghĩa binh Thánh Thể Edouard (1918-1924) cho người nghèo một miếng sô-cô-la, em gọi đó là “phần của Chúa Giêsu”. Chuyện này có thể làm các bạn cười nhưng em Edouard làm chính xác những gì mà chúng ta không biết làm hàng ngày…
Làm thế nào để nghe lời Tin Mừng của Thánh Mathêu: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời?”
Đây là câu nói cực kỳ nghiêm túc của Chúa Giêsu nói với người lớn chúng ta. Tôi không chắc Chúa Giêsu nghĩ về sự ngây thơ được cho là của trẻ em này, bởi vì trẻ em không phải là Vô nhiễm Nguyên tội: chúng có các lỗi lầm, các tội, các đấu tranh, đôi khi chúng ta thấy các em chiến đấu rất gay go để tiến bộ. Không, tôi nghĩ Chúa Giêsu đang ám chỉ đến việc trẻ con buộc phải tin tưởng vì chúng còn nhỏ. Người lớn chúng ta luôn có yêu sách muốn tự lập, một đòi hỏi khốc liệt muốn vượt các giới hạn của mình. Còn trẻ con thì chúng tin tưởng ở người lớn hơn chúng. Như lời thánh vịnh 131: “Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ”. Đó là nền tảng tiêu biểu của một thái độ thiêng liêng, giao phó hoàn toàn cho Chúa vì mình bé nhỏ. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu không muốn “mình còn nhỏ” : ngài hiểu mình nhỏ và vui mừng. Ngày 6 tháng 8 năm 1897, vài tuần trước khi qua đời, ngài nói với Mẹ Agnès : “Còn nhỏ sao? đó không phải là điểm gán cho các đức hạnh mà mình thực hành (…) đó cũng không phải để nản chí về các lỗi lầm của mình, vì trẻ em thường hay té, nhưng chúng quá nhỏ để bị đau nhiều.”
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét