Trang

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Tham ăn hay háu ăn


Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019 
Như người bại liệt được chữa lành, tôi ca ngợi danh Ngài!
Tham ăn hay háu ăn 
Ăn để sống và tạ ơn hay sống để no bụng, để bù đắp và để quên…
1. Chúng ta đang đói cái gì? Ước muốn của chúng ta là gì?
Chúng ta tiếp tục học về các bệnh thiêng liêng, bằng căn bệnh thực tiễn nhất và hàng ngày nhất: thăm ăn, háu ăn, phàm ăn, căn bệnh liên hệ đến thức ăn và từ đó là liên hệ đến sự sống. Chúng ta là những kẻ đói khát, ham muốn và lệ thuộc. Ngày nay làm thế nào chúng ta còn có thể nói về lệ thuộc thức ăn khi xã hội chuộng tự lập và độc lập? Từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chúng ta ăn vì chúng ta ăn để sống. Có thể nói đang ăn có nghĩa là đang sống không? Chúng ta đang đói cái gì? Có phải vì đói mà chúng ta xem các chương trình nấu ăn trên đài truyền hình không?
Sự thừa mứa trên màn hình chỉ che giấu hay để lộ ra những gì đang xảy ra trong bao tử, nhưng có lẽ nó còn cho thấy cả các cơn đói khát khác.
Một ví dụ: Bữa tiệc của Babette
Cuốn phim Bữa tiệc của Babette (Le Festin de Babette, Gabriel Axel, 1987) mô tả thực tế của con người qua bữa tiệc, qua lễ hội và tình người theo cách chung nhất để sống: cùng ăn với nhau một bữa ăn. Cuốn phim cho thấy các câu chuyện tình yêu ít nhiều thành công của các nhân vật yêu nhau, rồi chia tay, và những người chung quanh cùng gặp nhau trên bàn ăn. Trong cuộc gặp nhau khó có thể xảy ra này, cô Babette nấu một bữa ăn thịnh soạn chỉ vì cô thích, thích được cho. Người phụ nữ này biết, với thức ăn ngon, cùng gặp nhau, cùng chia sẻ thì có thể làm được những chuyện kỳ diệu.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra: mọi người để cho niềm vui tràn ngập, “kẻ thù” cười với nhau, ánh mắt vui vẻ khi mọi người tìm lại nhau, vui được cùng nhau chia sẻ không phải chỉ no bụng, nhưng nhất là thỏa cơn khát ở trong tận sâu thẳm lòng mình: cuộc tìm kiếm không ngừng để yêu, để vui vẻ và để hứng khởi. Cuốn phim cho chúng ta thấy mối quan hệ nồng ấm chung quanh bữa ăn, cũng như sức mạnh của sự hiệp thông thay đổi con người ở đây, và cũng có thể là vĩnh cửu, trong một thực tế được thực hiện: bữa tiệc.
Chúa Giêsu: người “ham ăn?”
Thức ăn là tốt, và ăn là cần thiết, toàn bộ Thánh Kinh đều nói. Bốn Tin Mừng đều kể Chúa Giêsu dự nhiều bữa ăn: với người Lêvi, với ông Simon người biệt phái, với Ladarô và các chị của ông, với ông Giakêu..v.v. khi Chúa Giêsu ăn với các bạn, Ngài thích gần gũi và gặp sự thật chung quanh một nhu cầu cơ bản, đó là ăn. Ngài biết cùng ăn chung là giây phút của món quà tặng nhau, người này cho người kia qua chia sẻ thức ăn. Chúa Giêsu “đóng vai” cả trên hai bình diện, vừa thức ăn trần thế, vừa thức ăn làm no nê vượt ngoài nhu cầu của cơ thể.
Do đó Chúa Giêsu thường xuyên ăn, thậm chí còn là nhiều, vì Ngài bị cho là người “ham ăn”. “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Lc 7, 34). Nhưng chính nhờ sự ngon miệng mà các đồ đệ đã nhận ra Ngài sau khi Ngài sống lại: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: ‘Ở đây anh em có gì ăn không?’ Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông ” (Lc 24, 42-43).
Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn nói lên các ước muốn sâu đậm nhất và quan trọng nhất của chúng ta: đói và khát. Ngài muốn làm điều này qua hình thức dâng hiến của bữa ăn: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy’. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này (…)” (Mt 26, 26-27). Trong bí tích này, chúng ta gặp hai ước muốn: Chúa Giêsu khao khát chúng ta và khao khát sự hiệp thông của chúng ta với Ngài, và chúng ta nhận ra những gì nuôi dưỡng chúng ta sâu đậm không phải chỉ có thức ăn. Ở đây nói lên mối quan hệ hiệp thông mà Chúa muốn thiết lập với chúng ta, bây giờ và trong đời sống vĩnh cửu; điều này thường được trình bày dưới hình thức tiệc cưới (Mt 22, 1 -14 ; Ap 21, 2). Ẩn dụ này gợi cho chúng ta nhớ các kinh nghiệm sâu đậm nhất của tình yêu và hình ảnh của đời sống tình yêu này sẽ là đời sống của chúng ta qua sự tham dự của chúng ta vào sự hiệp thông sung mãn và trọn vẹn với Chúa Ba Ngôi.
Thách thức: chuyển từ ăn uống qua hiệp thông
Ăn uống có ý nghĩa gì với mỗi chúng ta? Có phải chỉ là tuyền ăn uống hay không? Nuốt? No nê? Tiêu hóa? Để bù một cái gì thiếu? Thức ăn nào chúng ta tiêu thụ? Chỉ một trái cây? Một mẫu bánh mì khiêm tốn? Một bữa ăn nấu ngon? Cảm giác nào chúng ta tìm ở thức ăn? Hương vị nào làm chúng ta thỏa mãn khi chúng ta nếm? Tại sao chúng ta ăn? Chúng ta ăn như thế nào? Chúng ta ăn gì? Đâu là khác biệt giữa ăn và nuôi ăn? Chúng ta ăn với ai? Bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là nhận thức chung quanh việc ăn thiết yếu này.
Như thế nói về tính tham ăn là rắc rối. Nó không phải chỉ là ăn và thức ăn. Thật vậy, đó là xem xét mối quan hệ của chúng ta với thức ăn, với những người cho chúng ta ăn từ khi còn nhỏ, nhưng cũng là xem xét vì sao và ý nghĩa của việc ăn và nuôi dưỡng. Nói cách khác, ăn là một chuyện thiết yếu, và cùng ăn đặt chúng ta trong mối tương quan với người khác, đây không phải chỉ là ăn, nhưng còn là được sống, được nuôi dưỡng, không những bằng thức ăn mà còn gặp gỡ với người khác. Chính nhờ thức ăn mà chúng ta sống, chung quanh thức ăn mà lời nói tuôn ra và có đối thoại. Đây là sự tham ăn: xem mối quan hệ thức ăn dưới góc cạnh của khép kín hoặc tù túng, hoặc lặng lẽ xem xét những gì xảy ra khi ăn.
Suy nghĩ về tính tham ăn là đi ra khỏi thói quen, khỏi thành kiến, khỏi các chuyện lặp đi lặp lại đôi khi làm cho chúng ta thành những kẻ lúc nào cũng đói. Thức ăn tự chính nó chẳng có gì là không trong sạch, là xấu vì như Chúa Kitô đã nói: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế.” (Mt 15, 11). Thánh Phaolô cũng đã viết: “Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1 Tm 4, 4).
Do đó, ăn là một hành động rất thiêng liêng. Trong tất cả các nền văn hóa, văn minh chúng ta đều thấy thức ăn và cách ăn quyết định lối sống, cách sống và ở chung với nhau. Đó là lý do vì sao chúng ta phải tìm sự bình yên trong chiều sâu của hành động này: tôi phải làm gì khi ăn? Cái gì đang xảy ra trong sâu thẳm lòng tôi lúc này? Tôi có nuốt những gì đang có trước mặt không? Tôi có nhìn thức ăn và tự hỏi nó từ đâu đến không? Nói cách khác; tôi đang tiêu thụ hay đang liên kết? Một cách tiêu thụ, nhưng đó là tiêu thụ sự sống, là tình trạng của chúng ta để nói lên “bệnh” của căn bệnh thiêng liêng này, bệnh tham ăn và cách nối kết với sự sống qua hành động ăn uống, sống thông qua hành động ăn uống giải thoát chúng ta khỏi chứng tham ăn và làm cho chúng ta có thể sống mọi thứ bằng tâm tình tạ ơn, có nghĩa là trở nên “bí tích Thánh Thể
2. Nguồn gốc của háu ăn: thèm muốn gì?
Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn(St 3, 6)
Trong ánh sáng của tất cả các câu hỏi thần học và nhân chủng học, thoạt nhìn, thói háu ăn có vẻ ít tầm thường như chúng ta nghĩ. Thậm chí một vài Giáo phụ còn cho nó chính là nguồn gốc của tội tổ tông. Khi ăn quả cấm, ông A-dong muốn ăn thức ăn này sau lưng Chúa, món ăn này tượng trưng và đại diện cho toàn thế giới phải lưu tâm. Tham ăn, trong nét khởi nguyên này là cắt đứt hiệp thông giữa con người và Chúa. Căn bệnh này còn được thấy ở một trong ba cám dỗ của Satan: “’Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!’ Nhưng Chúa Giêsu trả lời: ‘Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra’” (Mt 4, 4). Khi cự lại Satan, Chúa Giêsu đã thiết lập lại sự hiệp thông giữa nhân loại và Thiên Chúa, sự hiệp thông mà ông A-dong đã phá vỡ. Và khi chống lại kẻ gây chia rẽ “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”, Chúa Giêsu đã phục hồi lại con người vào chính trọng tâm sự thật này.
Chúa Giêsu cho chúng ta thấy trong sự cám dỗ ở sa mạc, cuộc chiến không chỉ chống với thức ăn nhưng đây là một cuộc chiến khác. Ngài không nói con người không ăn bánh mì, nhưng Ngài cho thấy quan hệ chủ yếu và cần thiết là phải được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Và, do đó, Ngài cho chúng ta thấy, phải thoát ra khỏi sự không kết hợp và thói thờ ngẫu tượng. Theo nghĩa này, tham ăn đúng là một bệnh thiêng liêng.
“Xét cho cùng” tham ăn là gì?
Theo các Giáo phụ, tham ăn thể hiện nơi việc dùng thực phẩm, cách ăn và ý định của nó. Đây là việc xem thái độ của chúng ta đối với thức ăn và dinh dưỡng. Hoặc chúng ta ăn để duy trì sự sống, để gìn giữ cơ thể, để có sức khỏe hoặc chúng ta ở trong tình trạng tham lam, thậm chí là phàm ăn nuốt chửng. Giáo phụ Evagre le Pontique giải thích, háu ăn là để cho bao tử nắm quyền kiểm soát.Các Giáo phụ dạy, háu ăn không hệ tại ở ham muốn thức ăn nhưng trong ham muốn lạc thú khi ăn. Chính vì thế, lạm dụng không phải chỉ là nuôi cơ thể trong cái cơ bản cần thiết nhưng còn là đi tìm một hình thức tự thỏa mãn hay để bù đắp một khoảng trống nào đó, một hình thức lo lắng…
Chính trong tương quan với thức ăn mà chúng ta tìm cách giải quyết một tình trạng bất ổn nào đó…: cần phải tiêu thụ một số lớn thức ăn thức uống để vướng vào chứng tham ăn vô độ, hay ngược lại chẳng muốn ăn gì cho đến chứng chán ăn. Như thế tham ăn là biểu hiện của một ham muốn hay một lạc thú. Cuối cùng thức ăn thay thế tình yêu, mối quan hệ với thức ăn trở thành phương tiện để che giấu đau khổ: tình yêu không đạt đến được, trong khi thức ăn thì ở tầm tay.
Miệng: ở một nơi cao
Chúng ta ăn bằng miệng, và miệng trong cơ thể chúng ta ở một “nơi cao”: nơi để thở, để ăn uống, để nói, để yêu thương. Bằng miệng, chúng ta ăn uống, hít thở, nói năng và hôn nhau. Gần như trọn cuộc sống chúng ta phụ thuộc vào miệng. Mối quan hệ của chúng ta với miệng là cơ bản, thậm chí là tồn tại, đó là mối quan hệ với chính cuộc sống. Nếu Giáo phụ Evagre bắt đầu danh sách các bệnh thiêng liêng qua bệnh tham ăn thì chắc chắn ngài không bắt  chúng ta không ăn sô-cô-la vào Mùa Chay. Do đó, ai cũng cần đi sâu vào mối quan hệ phức tạp liên hệ đến cái miệng của mình.
Thức ăn và các thất vọng của chúng ta
Hành động ăn dính sâu vào việc ham muốn; ăn uống là hành động của sự sống và của sống còn, và là một cách để nhận biết thế giới, bằng chứng là qua kinh nghiệm của đứa bé sơ sinh tìm khoái cảm bằng miệng. Kinh nghiệm về ham muốn được thấy rõ qua quan hệ của đứa bé với mẹ mình, nhất là ở giai đoạn mẹ cho con bú và cai sữa, khi đó em bé và bà mẹ tạo sự gắn chặt hay sự đẩy lui qua cách đứa bé phản ứng. Các hụt hẫng bằng miệng có thể tạo ra cơn đói ngấu nghiến, cũng như thái độ tác hại khi thiếu thức ăn.
Các vết thương tuổi thơ ấu của chúng ta sẽ thức dậy trước các món ăn để khơi dậy trong lòng chúng ta ham muốn được mút, được ăn, được uống. Thiếu thức ăn sẽ tạo lo lắng, cứ ám ảnh các suy nghĩ, tạo cảm giác thèm ăn hoặc các nhu cầu giả tạo của cái đói ngấu nghiến.
Chúng ta thích thú khi nhâm nhi bánh ngọt, sô-cô-la, chúng ta thích ngậm kẹo để làm dịu nỗi sợ thắt bụng, như thế chúng ta ăn để bù đắp việc thiếu tình thương và cho mình cảm giác được an toàn trong chốc lát. Khi chúng ta trải qua kinh nghiệm bị bỏ rơi, thức ăn thay thế cho tình yêu. Chúng ta nghĩ mình không xứng đáng để được thương, chúng ta sợ đau khổ, thậm chí còn sợ chết, vậy thì làm thế nào để xoa dịu? Thức ăn lại ở trong tầm tay. Ăn giấu giếm cũng là một cách để thoát nỗi đau của quá khứ. Đó là lý do vì sao chúng ta đi từ chế độ ăn kiêng này đến chế độ ăn kiêng khác, vì chúng ta ghét mình. Chúng ta bị ám ảnh bởi chiếc cân và chúng ta uống, chúng ta hút để bù đắp khoảng trống do vắng bóng tình yêu.
Đâu là hệ quả?
Dĩ nhiên đam mê ăn uống vẫn kéo dài trong các hình thức khoái cảm bằng miệng khác, mỗi người đều biết và có thể tự nêu ra và đặt tên cho chúng. Khi chúng ta bị mắc kẹt trong căn bệnh này thì các phản xạ bị nhiễm độc, ký ức bị bệnh: một tiếng chuông nhắc đến giờ ăn, nhớ lại hình ảnh hay hương vị một món ăn ngon có thể tạo nhu cầu ăn uống đến mất lý trí. Với một số người, thức ăn có một tiếng nói: “Đến ăn…” Có người ăn đến phát nôn, đến tự lợm mình, thậm chí muốn biến mất. Vì thế, thói háu ăn làm con người xuống cấp, đồng hóa mình với khoái cảm nuốt chửng.
Tất cả điều này chúng ta phải biết châm chế qua nhiều khía cạnh: người có bạn là đầu bếp biết đam mê của bạn mình là pha chế các món ăn, tìm hương vị đặc biệt mới; như vậy họ có mang bệnh tham ăn không? Chúng ta biết, những người đam mê các món ăn mới nấu cho người khác, trong niềm vui thích chia sẻ, thích cùng nhau bên bàn ăn. Những người này có tấm lòng rộng lượng và phong phú mà chúng ta không thể cho họ là người tham ăn hay háu ăn. Họ không thần tượng hóa cái bụng mình, họ chỉ muốn có những giây phút thú vị cùng nếm món ăn ngon bên nhau. Có người nấu nướng từ sáng đến tối để có bữa ăn, đây không phải là trường hợp của bệnh thiêng liêng, nhưng là một đam mê, cũng giống như người mê xe.
Các biểu hiện nào?
Ăn quá độ hay không thích ứng làm chúng ta bị tù túng. Sự giam hãm này tạo một hình thức nặng nề và tạo trọng lực. Đầu óc mê muội trước các sự kiện, thậm chí thờ ơ với những gì chung quanh mình. Sự tương quan lệch lạc này, quá nhiều hoặc quá ít thức ăn có nguy cơ đè bẹp chúng ta và dập tắt đời sống của Thánh Linh trong tâm hồn chúng ta.
Theo các Giáo phụ, thói háu ăn làm cho đầu óc mất năng lực, mất sức sống, làm nặng nề, làm đầu óc rơi vào trạng thái tăm tối, đờ đẫn, mơ mơ ngủ, tác động đến toàn tâm hồn. Nó làm cho con người nhu nhược, không có ý chí, hèn nhát, lười biếng, khó di chuyển, chậm chạp. Về hệ quả thiêng liêng, căn bệnh này làm cho việc cầu nguyện thành khó khăn, bê trễ và làm con người yếu đuối rõ rệt. Đương sự mất khả năng phân định, hoặc phân định không còn sáng suốt và suy yếu. Ngoài ra nó còn ức chế con người, dính con người vào thú ăn uống của mình, làm cho đương sự không còn sẵn sàng với Chúa, xa Ngài, vì thế có nhiều tác dụng không mong muốn cho tâm hồn, cũng như có nguy cơ cho sức khỏe thể xác.3.
3. Một vài phương thuốc chữa trị
Ăn để sống hay ăn để được tự do?
“Vì đã thua ai thì phải làm nô lệ người ấy” (2 Pr 2, 19).
Tự do sâu đậm sẽ thể hiện trong mối tương quan của chúng ta với thức ăn: đâu là ưu tiên của tôi khi tôi ăn? Thật vậy, trước tiên chúng ta phải chứng tỏ mình tự do trước thể xác của mình. Từ bỏ, là biết chờ trước thức ăn, có được kỷ luật trước các nhu cầu này, giúp mình có được tự do trước các xung năng. Thách thức là rất mạnh: tôi rèn cái miệng, có nghĩa là kiểm soát cái gì đi vào, cái gì đi ra. Không những thức ăn mà còn lời nói và yêu thương. Chúng ta cách xa các quy tắc, chúng ta đang ở giai đoạn tập sự để có tự do với những gì lôi cuốn chúng ta cực mạnh, một món ăn ngon cũng như cơn giận dâng trào chực bùng nổ hay trước một tình huống quá bực tức chẳng hạn. Đây là việc học cách để thuần hóa trong nhẹ nhàng.
Ăn trong chánh niệm và luyện tập tính khí
Đây là một khái niệm hiện nay: chánh niệm hay thiền định trong nhận thức trọn vẹn. Là hiện diện với chính mình và với những gì mình làm. Trọn vẹn trong giây phút này, đối với tín hữu kitô là trọn vẹn trước sự hiện diện của Chúa. Có nghĩa là chánh niệm khi ăn, biết mình đang ăn, một cách để thưởng thức hương vị món ăn. Một trong các vấn đề lớn của căn bệnh này, như chúng ta đã nhấn mạnh, đó là ham muốn “tất cả và ngay lập tức”, dẫn đến hình thức căn tính hóa với xung năng thèm muốn. Giữ một cách biệt, hít thở trước khi vồ lấy miếng bánh ngọt lúc năm giờ chiều là một bước giải thoát mình ra khỏi bản năng này. Giữ cách biệt giúp chúng ta chú ý đến thức ăn hơn, một hình thức suy nghĩ, thậm chí được xem là bước đầu đi vào kỷ luật.
Các Giáo phụ đã triển khai bước giữ cách biệt này khi họ nói về điều độ. Sống điều độ với thức ăn sẽ giúp chúng ta nối dài kỷ luật này qua các việc chiếm giữ khác, hoặc ham muốn các chuyện khác như tiền bạc, cũng như đối với cơ thể và dục tính. Đức tính này sẽ tạo điều kiện giúp chúng ta có được tự do với các bệnh thiêng liêng khác. Điều độ giúp chúng ta thưởng thức mà không tham lam, có chừng mực, một cách thanh đạm và cân bằng. Nó sẽ giúp chúng ta giữ được trạng thái tỉnh thức, vui vẻ và chia sẻ. Điều độ giúp giữ khoảng cách, từ đó là hình thức không bám dính: ngay cả khi thức ăn ngon, điều độ giúp chúng ta thưởng thức mà không háu ăn, giữ được khả năng phán đoán và quan sát. Kỷ luật này giúp bụng còn trống, ra khỏi bàn ăn mà bụng vẫn còn thấy đói. Ngày nay các tạp chí khi nói về chế độ kiêng khem đều nói về cách này. Khi các Giáo phụ ca ngợi đức tính này, họ nghĩ rằng con người tìm lại được phẩm giá, tự do, khả năng chọn lựa và phân định của mình để qua thức ăn kết nối với Đấng ban cho chúng ta thức ăn. Mục đích là để con người đứng thẳng và tự do với các ham muốn, nhu cầu và xung năng của mình.
Cám ơn về ơn của sự sống và về thức ăn
Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa (1 Co 10, 31).
Cách tốt nhất để bỏ thói xấu phái ăn ngay lập tức là cám ơn trước khi ăn. Đọc một lời cầu nguyện hay ban phép lành trước khi ăn, ăn một mình hay ăn chung là mang đến cho thức ăn tất cả giá trị của nó. Lòng biết ơn này là để chúng ta liên kết với những người đã làm nên bữa cơm. Cám ơn trước khi ăn làm cho chúng ta xứng đáng là con người, ăn là một hành vi thiêng liêng, sâu đậm và thiết yếu trong tất cả mọi nghĩa của nó. Ăn chung là cùng chia sẻ ân sủng của sự sống với nhau. Chúc lành cho bữa ăn là nhận biết Đấng tạo dựng mọi sự và làm cho Ngài hiện diện. Chúc lành là đặt mình trong hiệp thông với Chúa, với người khác và với chính mình. Trong một vài văn hóa, khi chúc lành cho bữa ăn, mọi người cầm tay nhau, dấu chỉ sâu đậm cho bữa ăn: được ăn trong tình đoàn kết chứ không ăn một mình. Mọi khía cạnh liên hệ với bữa ăn được thực hiện trong các nghi thức này. Lời chúc lành đặt chúng ta hiệp thông với Đấng ban cho chúng ta thức ăn. Qua việc chúc lành, ăn không còn là hành động của thân xác mà còn là hành động của thiêng liêng. Thêm một lần nữa, tất cả đều được quyết định trong lòng chúng ta, trong các lựa chọn, các ưu tiên và trong tâm hồn chúng ta. Chúc lành bữa ăn là để Chúa nuôi dưỡng chúng ta qua thức ăn. Không chúc lành cho bữa ăn, là một cái gì như lấy cắp thức ăn.
Ăn chay?
Đâu là ý nghĩa của ăn chay? Chúng ta đừng có ảo tưởng vì ngày nay, ăn chay là giữ eo, cũng là một hình thức giữ năng lượng và sức khỏe. Với chủ đề các bệnh thiêng liêng, ăn chay ở trong đường hướng giáo dục thiêng liêng và nhân bản. Thật khó để bắt đầu ăn chay. Ăn chay là bài tập tiêu biểu để kềm ham muốn ăn. Chúng ta không ăn chay vì phải ăn chay, ăn chay là phải tự nguyện, tôn trọng chính mình và với thức ăn được ban cho mình.
Ăn chay có các khía cạnh tích cực mà chúng ta vừa nêu ra: bớt thức ăn và sáng suốt thấy các bản năng và trí thông minh của mình. Ăn chay cũng có các khía cạnh tiêu cực: đối với những ai sống trong cộng đồng, ăn chay là hình thức chiến đấu với bản thân, với tính xấu có thể gặp khi bụng đói, khi có thể gây gỗ nhau, giận dữ vì chưa được ăn. Nếu ăn chay làm mình chia rẽ với người thân thì ăn chay là vô ích. Đây là điểm cân bằng: ăn chay là để tìm lại một hình thức tôn trọng, biết ơn thức ăn và Đấng đã ban cho chúng ta thức ăn, hoặc không ăn chay để không làm hại đến tình huynh đệ trong cộng đoàn. Vì mục đích trị liệu của các bệnh thiêng liêng là bác ái, hiệp thông, lòng tốt với anh chị em và với chính mình. Như thế ăn chay tự chính nó không phải là mục đích, mà là phương tiện. Phương tiện này phù hợp với người này, nhưng có thể không phù hợp với người kia; như thế ăn chay tùy thuộc vào tuổi tác và điều kiện sống của từng người. Chúng ta có thể ăn chay dễ dàng ở tuổi hai mươi, nhưng có thể khó hơn ba mươi hay bốn mươi năm sau.
Trở thành Bí tích Thánh Thể
Hãy trở nên những gì mà anh chị em nhận
Bí tích Thánh Thể là bữa ăn của Chúa, là hành vi của lòng biết ơn. Sự tham dự của chúng ta vào Bí tích Thánh Thể là phương tiện cực mạnh để chúng ta ý thức những gì chúng ta nuốt vào, một mong muốn được nuốt vào cho thỏa lòng được rước Mình Thánh Chúa. Như lời của bài hát: “Chúa trao ban của nuôi trong Bí tích Thánh Thể.” Chúa Giêsu hiến mạng sống Ngài cho chúng ta trong hình thức khiêm tốn và kín đáo nhất trong tấm bánh nhỏ bé. Các tương quan bị đảo ngược: trước hết và trên hết là tiếp nhận. Chính Chúa Giêsu là người khao khát được trao ban cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu là Đấng biết ước muốn và nhu cầu của chúng ta, Đấng đến trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta, làm trống rỗng tâm hồn chúng ta để rồi Ngài lấp đầy tâm hồn chúng ta.
Chúa Giêsu không thỏa mãn cơn đói của chúng ta; Ngài dạy chúng ta sống với cái thiếu thốn, cái hụt hẫng của mình. Ngài dạy chúng ta trong mỗi Bí tích Thánh Thể qua Lời của Ngài, tầm quan trọng của những gì ở trên bàn thờ này, biết rằng đời sống của Ngài đã được trao ban và trao ban một lần cho tất cả, để làm cho đời sống của Ngài được sống động và hiện diện với chúng ta trong mỗi Bí tích Thánh Thể. Nếu Bí tích Thánh Thể không nuôi dưỡng chúng ta, thì trước hết không phải do linh mục hay do cộng đoàn mà do chính chúng ta. Tôi có đói Bí tích Thánh Thể không?Tôi có khát Lời Chúa là lời hằng sống không?Bí tích Thánh Thể có đến với tôi khi trong lòng tôi đang hụt hẫng, đang bất mãn, đang muốn bù trừ đây không?Bí tích Thánh Thể có phải là diện đối diện với Chúa Giêsu để nói với Ngài tôi đang đói, đang khát gì không?Bí tích Thánh Thể có là giây phút quan trọng trong ngày hoặc trong tuần của tôi không? Bí tích Thánh Thể có phải là nơi để tôi nhận biết Chúa Giêsu là ai trong đời tôi, tôi là ai và tôi tìm gì, tôi mong muốn gì cho đời tôi? Và trong tận sâu thẳm tâm hồn tôi, tôi mang lại gì cho Bí tích Thánh Thể.
Thánh Âugutinô đã nói với những người sắp nhận Bí tích Thánh Thể: “Anh chị em hãy là những gì anh chị em sắp nhận.” Đó là để mỗi bánh thánh của đời sống Chúa Giêsu đến trong lòng chúng ta, là để Thần Khí giải thoát chúng ta, để biến chúng ta thành “các Kitô”, “các tín hữu kitô”.Trong Bí tích Thánh Thể, tôi là hoặc trở thành những gì tôi ăn.
Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào… Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. (Is 55, 1-3)

Lạy Chúa, xin đừng cắt đứt hy vọng của tôi tớ Ngài vì nó đang chờ Ngài.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét