Tổ phụ Abraham
Lời Chúa kể về ngọn núi Moria, núi của niềm tin. Trên núi cao, Tổ phụ Abraham sẵn sàng hiến tế con trai duy nhất cho Thiên Chúa. Thử thách dữ dội. Đức tin chiến thắng.
Đọc (St 12,1–25,18) để hiểu cuộc đời, ơn gọi và đức tin tuyệt đối của Tổ phụ Abraham.
A. Cuộc đời và ơn gọi.
Abraham là con người của lòng tin thể hiện qua sự vâng phục Thiên Chúa. Nhờ đó, ông được Thiên Chúa ân thưởng ban cho miêu duệ đông như sao trên trời và được Đất Hứa làm sản nghiệp. Abraham trở thành Tổ phụ của Đấng Messia và của mọi kẻ tin thờ Thiên Chúa. Là con cháu của Tera tại thành Ua, Abraham được Chúa kêu gọi đưa gia quyến đến đất Canaan(12,1), khoảng năm 1800tcn. Theo sử liệu khảo cổ thì khoảng năm 2000tcn, đã có nhiều đợt di dân lớn đến lập cư tại những miền đất trù phú. Có thể nói Abraham đã ra đi giữa dòng người di cư, nhưng tiếng Chúa gọi vẫn là động cơ thúc đẩy chính. Đức tin đã khiến Abraham từ giã tất cả để lên đường. Qua biết bao thử thách, vất vả ngược xuôi, Abraham mới tới được Khéprôn trong đất Canaan (23,17-20). Lời Chúa hứa bắt đầu được thành tựu. Khi gọi Abraham, Chúa nhắm xa hơn cá nhân ông để qua ông cả nhân loại được chúc phúc. Ông là cha mọi kẻ tin thờ Chúa (Rm 4,16), chứ không phải chỉ những ai thuộc huyết thống. Đức Giêsu đã từng chỉ trích người Do Thái: “Thiên Chúa có thể lấy các viên đá này mà gầy nên con cái Abraham” (Mt 3,9).
- Thiên Chúa gọi Abraham (12,1-4)
Thiên Chúa gọi Abraham là khởi điểm cho một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ. Lời Thiên Chúa nói cho ông biết gồm một lệnh truyền và một lời hứa.
Lệnh truyền là rời bỏ quê hương mà đi đến một nơi Chúa sẽ xác định. Đối với người du mục, đó là một cắt đứt lớn lao và liều lĩnh.
Lời hứa bao gồm việc Chúa sẽ cho ông một dòng dõi đông đúc, một con trai mặc dầu vợ ông đã già, và được một đất nước cho con cháu. Phúc lành đó không phải riêng cho ông và dòng dõi ông, nhưng nhờ ông mà tràn ra tất cả các dân. Abraham đã vâng lệnh Chúa ra đi với tất cả sự tin tưởng vào Lời Thiên Chúa.
- Thiên Chúa lập giao ước với Abraham (15)
Chúa lặp lại lời hứa ban dòng dõi (ch 1-6). Abraham tin vào Thiên Chúa. Động từ “tin” trong tiếng Hipri có nghĩa là dựa vào một cái gì vững chắc. Tin Chúa nghĩa là gắn chặt vào Chúa, tín nhiệm và chấp nhận ý của Người. Thái độ tin của Abraham được Thiên Chúa kể là sự công chính.
a. Thiên Chúa lặp lại lời hứa ban đất (ch. 7-8)
b. Thiên Chúa lập giao ước (ch. 9-12. 17-18).
Để bảo đảm cho lời Chúa hứa, Chúa bảo Abraham xẻ đôi một số vật, để hai bên (theo tập tục Trung Đông, x.Gr 34,18-19). Hai bên giao ước đi qua giữa, ngụ ý ai không giữ thì sẽ chết như con vật đó. Abraham đi vào cơn hôn mê, chỉ trạng thái bỏ ngỏ sẵn sàng để Thiên Chúa hành động.
Việc thần hiện được mô tả bằng hình ảnh cụ thể theo quan niệm Israel: Lửa và khói là dấu chỉ tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa. Chúa đi qua vì một mình Người cam kết. Hành động đó nói lên Thiên Chúa tự nối kết với con người bằng tình thương giao ước.
3. Lòng tin của Abraham được thể hiện cụ thể qua:
a. Ra đi theo tiếng Chúa gọi (12,1-4)
b. Tin vào lời Chúa hứa.
c. Cao điểm của lòng tin: hiến tế Isaac (ch 22).
4. Tầm quan trọng của Abraham
Cựu ước nhắc đến Abraham dưới các tước hiệu:
a. Tôi Tớ Giavê: là người được Chúa giao cho sứ mệnh đối với dân Thiên Chúa và đã trung thành phục vụ.
b. Bạn của Thiên Chúa: Đây là danh hiệu đặc biệt nói lên mối thân tình của Chúa đối với người được chọn. Sự thân tình bằng hữu được diễn tả ở đây qua cuộc gặp gỡ tại cây sồi Mamrê (ch.18), trong đó Thiên Chúa thân thiện ngồi ăn với ông và tiết lộ cho ông ý định của Người về Sôđôma (ch.17).
c. Abraham bày tỏ lòng hiếu khách, nhất là sự tín nhiệm vào Chúa đến nỗi ông dám nài nỉ mặc cả để xin Chúa tha cho Sôđôma.
d. Cuối cùng Abraham được gọi là Tổ phụ Israel và dân hãnh diện, tự hào vì là dòng dõi ông. Họ nại đến ông khi cầu xin Thiên Chúa.
Tân ước đề cao đức tin của Abraham (Rm 4; Gl 3,6-9), một đức tin sống động sinh hoa kết quả là các việc phúc đức (Gc 2,20-24). Thư Dt 11,8-12 nêu cao gương đức tin của Abraham. Nếu Israel tự hào là con cháu theo huyết thống và được cứu độ, thì Tân ước bảo con cháu theo huyết thống chưa đủ, mà còn phải là con cháu theo tinh thần vâng phục và trung thành (Mt 3,9; Rm 9,7). Dòng dõi đích thực độc nhất của Abraham là Đức Kitô (Mt 1,1; Gal 3,6). Chính Ngài thừa hưởng và thực hiện các lời Chúa hứa xưa cho Tổ phụ rằng muôn dân sẽ được chúc phúc nhờ ông. Do đó, tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều thuộc về Ngài và trở thành một với Ngài, thì cũng thuộc dòng dõi Abraham và được thừa hưởng phúc lành của ông (Gal 3,7-9). Vì thế, Abraham thực sự là cha của những kẻ tin.
B. Niềm tin mãnh liệt
Tổ phụ Abraham có quê hương miền Lưỡng Hà. Chúa gọi ông tại Haran, lúc ông 75 tuổi. Chúa hứa cho ông có một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển (St 12,1-5). Chờ đợi mãi, dài đến 25 năm sau, bà Sara mới sinh cho ông được một người con duy nhất. Abraham bước vào tuổi 100, lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Niềm vui quá lớn ngày con trẻ chào đời (St 21,1-7). Bồng ắm con trẻ, ông thấy một tương lai của cả một dân tộc hùng mạnh. Vợ chồng già hạnh phúc ngập tràn trong tiếng khóc tiếng cười trẻ thơ. Isaac là đứa con của lời hứa, là cây gậy nương tựa tuổi già. Hai ông bà yên tâm an hưởng những ngày còn lại trên trần thế.
Thế rồi vào một ngày kia, Chúa phán với ông: "Abraham, Abraham! Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó, ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi ". Tiếng sét ngang tai làm ông chết lặng. Lệnh truyền sát tế Isaac, vượt quá tầm nghĩ của con người. Lời chúc phúc của Thiên Chúa cho ông làm tổ phụ các dân tộc, sẽ thành mây khói. Lệnh truyền làm ông đau nhói ruột gan. Nhưng với niềm tin mãnh liệt, Abraham thi hành lập tức lệnh truyền ấy. Ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con trai, Thiên Chúa đã ngăn cản bàn tay ông và mạng sống của Isaac được dành lại. Chúa phán: "Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta ".
Thư Do Thái viết: “Bởi tin, Abraham được kêu gọi vâng lời ra đi đến xứ ông sẽ lấy làm cơ nghiệp, ông ra đi mà chẳng biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Tin là sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy, hy vọng Chúa sẽ thực hiện điều Người hứa, dù trước mắt chưa thấy chút gì là hiện thực cả. Vâng lời Chúa, ông đã bỏ quê cha đất tổ lên đường, đã dám dâng Isaac làm lễ tế Thiên Chúa. Đức tin của ông quả là vững chắc, không do dự, không mặc cả. Vì một dạ tín trung với Chúa, Abraham đã nên “bạn thân của Thiên Chúa” (Gc 2,23) và Chúa gọi ông là “Tôi Tớ của Ta” và “Ta ở với ngươi” (St 26,24). Vì Chúa “Chúc lành cho các dân tộc trong dòng giống ông và dòng giống ông sẽ nên đông như cát biển” (Hc 44,21), nên ông là cha chúng ta trong đức tin.
C. Mẫu mực niềm tin.
Đức tin và lòng vâng phục của Abraham trở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta noi theo. Ông luôn đón nhận lời Chúa và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, ngay cả những khi đức tin của ông bị thử thách vượt qua mọi giới hạn.
Như Abraham, chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi lên đường trong hành trình đức tin. Có những hoàn cảnh làm đức tin chao đảo. Có những thử thách mà không thể hiểu và không thể lý giải được. Có những khủng hoảng, như gia đình đổ vỡ, làm ăn thất bại, con cái khó dạy, bệnh tật, cuộc đời u ám, chán nản thất vọng… cần tín thác và vững tin như Tổ phụ Abraham.
Người theo đạo Công giáo là “ Tín hữu” có nghĩa là người tin, còn những người không theo đạo là “ Vô tín”. Điều đó đúng theo nghĩa hẹp, theo nghĩa rộng thì không đúng. Bởi vì ai cũng phải có niềm tin để sống. Có lần tôi đã nói với một người cộng sản : “ Anh và tôi chúng ta đều có học, chúng ta đều có suy nghĩ, lý luận. Đến một mức nào đó mỗi chúng ta là một bước nhảy. Anh nhảy vào hư vô. Tôi nhảy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng cả hai chúng ta đều sống bằng niềm tin. Chỉ có điều niềm tin của tôi gọi là niềm tin hữu thần, niềm tin của anh là niềm tin vô thần. Vấn đề then chốt ở đây là anh tin vào ai ? Tin cái gì ? Lúc ấy ta thấy xuất hiện câu trả lời của người Kitô Giáo : “ Tôi tin vào Thiên Chúa. Tôi tin vì Ngài, với lời Ngài hứa. Ngài là chỗ dựa vững chắc cho tôi nên tôi tin vào Ngài.” Khi tôi tin vào ai thì phải kèm theo hành động và cuộc sống phù hợp với người đó.(Trích suy niệm CN 2 Chay, ĐGM Nguyễn Khảm).
Nét độc đáo nhất của Kitô Giáo là khi tôi tin vào Thiên Chúa thì tôi tin vào lời của Người. Lời của Thiên Chúa không là lời nói hiểu như ngôn từ ở trên môi miệng, nhưng Lời đó đã thành máu thịt, đã mang lấy xác thịt con Người với tên gọi cụ thể là Giêsu Nazarét. Cho nên, nếu tôi tin vào Thiên Chúa thì tôi phải tin vào Đức Giêsu Kitô. Tin vào lời Đức Giêsu Kitô. Đó là trung tâm điểm rất độc đáo của Kitô Giáo. Nếu chúng ta không khám phá ra được thì chưa phải là Kitô hữu. Khi đó chúng ta sẽ hiểu được câu chuyện biến hình của Chúa Giêsu có mục đích. Thiên Chúa muốn nâng đỡ niềm tin của các môn đệ trước khổ nạn. Thiên Chúa nâng đỡ để các môn đệ hiểu rằng chính Chúa Giêsu là người con chí ái của Thiên Chúa. Con đường thương khó bên ngoài là con đường dẫn đến sự chết, nhưng bên trong thực sự là con đường dẫn đến sự sống. Thiên Chúa muốn nâng đỡ chúng ta trước những thử thách của cuộc sống mà đã có những lần chúng ta nao núng, mất niềm tin.
Cùng niềm tin mẫu mực của Tổ phụ Abraham, chúng ta xác tín rằng, trên vạn nẻo đường của cuộc đời mỗi người, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu Thiên Chúa luôn yêu thương, hướng dẫn, nâng đỡ.
Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống? Con người sinh ra trên cõi đời này để làm gì và để đi về đâu? Đó là những câu hỏi lớn mà ngàn đời con người không ngừng đặt ra cho mình khi đứng trước những mâu thuẫn bất trắc của cuộc sống. Nghĩ cho cùng, mỗi người chỉ tìm thấy giải đáp cho câu hỏi ấy nhờ ánh sáng sức mạnh niềm tin Thiên Chúa. Anh sáng niềm tin ấy hướng dẫn chúng ta đến yêu thương và phục vụ tha nhân. Khi con người biết sống cho người khác thì con người sẽ tìm thấy chính mình, thấy lý tưởng, thấy ý nghĩa cuộc sống.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét