SÁCH TÔ-BI-A
Tô-bi-a, nghĩa là “Thiên Chúa tốt lành”. Sách Tô-bi-a là một câu truyện gia đình, đúng hơn nó mang dáng dấp của một tập tiểu thuyết bình dân, do một tác giả vô danh viết ra với những yếu tố bình thường của cuộc sống, pha lẫn một chút huyền thoại, nhằm để chuyển tải một tư tưởng và một bài học giáo lý hơn là những gì mang tính lịch sử về nhân vật, thời gian và địa lý. Thật vậy, các yếu tố lịch sử và địa dư đều rất phóng khoáng đến độ không thể ráp nối với thực tế [1]. Có thể nói đây là một trong những cuốn tiểu thuyết về đạo đức. Cố gắng của tác giả là những bài học đạo đức và luân lý được rút ra từ bản văn: giá trị của bố thí, của đau khổ, người lành bị thử thách không phải do hình phạt tội lỗi, bổn phận đối với kẻ chết. Sau cùng, một số người đã có cảm tưởng rằng cuộc hôn phối giữa Xa-ra và Tô-bi-a loan báo việc phối hợp của vợ chồng Kitô hữu.
Cốt truyện kể về đời sống tôn giáo của hai gia đình Do Thái lưu vong luôn trung thành gắn bó với Luật Môsê: Ở Ninivê[2], có một người tên là Tô-bít, một nguời bị phát lưu, thuộc chi tộc Neptali, có lòng đạo, và bác ái, nhưng bị mù. Tại Ecbatana[3], một người bà con của ông là Ra-gu-ên có một người con gái Xa-ra, người đã phải chứng kiến cái chết liên tiếp của bảy người chồng của cô, bị quỷ Át-mô-đai-ô giết vào đêm tân hôn. Tô-bít và Xa-ra cầu xin Thiên Chúa cất mình khỏi sự sống. Từ hai số phận hẩm hiu và từ hai lời cầu nguyện này, Thiên Chúa đã cho phát sinh ra một nỗi vui mừng; Người sai thiên thần Ra-pha-en dẫn Tô-bi-a, con của Tô-bít tới nhà Ra-gu-ên, cưới Xa-ra và cho ông thuốc chữa cho Tô-bít khỏi mù. Đây là một câu chuyện xây dựng, dành một chỗ khá lớn cho những bổn phận đối với người chết và làm ơn bố thí. Ý nghĩa gia đình được diễn tả một cách có duyên dáng. Và sách đã khai triển một ý niệm rất cao, trong tinh thần Kitô-giáo, về hôn nhân. Thiên thần Ra-pha-en, vừa bộc lộ vừa che giấu hành động Thiên Chúa mà ngài là công cụ. Chính sự quan phòng ấy của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày và sự gần gũi với một Thiên Chúa nhân từ là những điểm mà sách Tô-bi-a muốn người đọc nhìn nhận.
Như vậy, sách Tô-bi-a nhằm đề cao đời sống đạo đức của những người sống xa Đất Hứa. Chỉ cần trung thành giữ Luật Chúa, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức là đẹp lòng Chúa và được chúc phúc.
A. XUẤT XỨ.
Sách được viết vào khoảng năm 200 trước CGS do một tác giả vô danh, phỏng theo những bài tường thuật của Thánh Kinh về các tổ phụ (như hành trình của Ê-li-sa, hôn nhân của Rê-bec-ca và Isaac…) và một số tài liệu ngoại giáo nữa.
Sách lệ thuộc vào một nguyên bản bằng tiếng Sêmit đã mất. Thánh Hiêrônymô, để dịch ra bản Vulgata, đã dùng một bản văn bằng tiếng “Kanđê” (Aram) nay không còn. Nhưng người ta đã tìm thấy trong hang Qumran phần còn lại của bốn thủ bản bằng tiếng Aram và một thủ bản bằng tiếng Híp-ri của sách Tô-bi-a. Nguyên bản bằng tiếng Híp-ri hay Aram có thể đã thất truyền, hiện nay chúng ta đang dùng bản Hy Lạp.
Sách Tô-bi-a được đưa vào quy điển Thánh Kinh khá muộn. Thánh Kinh Híp-ri Tin Lành không nhìn nhận sách Tô-bi-a là Thánh Kinh. Tuy nhiên, bản bằng tiếng Híp-ri cũng vẫn còn được các Rabbi tranh luận trong thế kỷ I của công nguyên, nhưng sau đó rất được người Do Thái ưa chuộng. Sách thuộc quy điển thứ; giáo hội Công giáo chỉ nhìn nhận sau nhiều do dự vào thời các giáo phụ, và sách đã có trong các danh sách chính thức của quy điển, tại Tây phương từ thượng hội đồng Rôma năm 382 và Đông Phương, từ công đồng Constantinople, năm 692.
B. BỐ CỤC.
Có thể chia bố cục thành 3 phần:
I. Kể về gia đình Tô-bít và Ra-gu-ên với những việc đạo đức và những gian truân của hai gia đình (Tb 1-7).
II. Cuộc hôn nhân của Tô-bi-a và Xa-ra (Tb 8-10).
III. Đoàn tụ gia đình, những lời chúc tụng Thiên Chúa và những lời khuyên cuối cùng (Tb 11-14).
Tuy nhiên, sách viết theo lối thuật truyện, kể liên tục về cuộc đời của nhà Tô-bít và nhà Ra-gu-ên, cùng các biến cố trong cuộc hôn nhân của chàng Tô-bi-a và Xa-ra với sự giúp đỡ của thần sứ Ra-pha-en. Vì thế, việc chia bố cục chỉ là gượng ép, nên chỉ đọc và dừng lại ở những giai đoạn quan trọng để tìm ra giáo huấn mà tác giả muốn chuyển đạt, theo nội dung sau đây:
C. NỘI DUNG.
1. Qua câu truyện, tác giả muốn dạy các tín hữu Do Thái một bài học về tôn giáo, giúp họ duy trì được căn tính của mình trong một thế giới ngoại giáo. Khuyến khích họ tôn trọng Luật Môsê, ngay cả trên đất ngoại bang và mối bận tâm hằng ngày của họ phải là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Vì ai trung thành sẽ được Người ân thưởng.
2. Luật Môsê phải được sống trước tiên trong gia đình qua việc người cha dạy cho con cái phải tôn trọng lẫn nhau. Phần được khai triển rộng nhất trong trình thuật là vấn đề hôn nhân, bởi đây là một việc hệ trọng nên phải được diễn ra dưới con mắt của Thiên Chúa (x. Tb 7-9).
3. Các nhân vật trong câu chuyện biết cầu nguyện trong mọi tình huống. Ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa, tin tưởng và phó thác trong mọi hoàn cảnh, chứ không chỉ kêu van trong lúc gặp hoạn nạn mà thôi. Chính tinh thần này giúp các nhân vật luôn đặt mình trước nhan Thiên Chúa và tiếp xúc thân mật với Người, qua thần sứ Ra-pha-en.
4. Sách chỉ ra mẫu gương về thái độ của tín hữu trong lúc gian truân: Đức tin không chỉ dành cho những ngày may mắn thành đạt, và lời cầu nguyện không chỉ có lúc gặp gian truân mà thôi, nhưng trải dài trong hành trình cuộc sống. Thử thách nhiều lần xảy đến bất ngờ và không thể giải thích được, nhưng luôn trong ý định quan phòng của Thiên chúa. Thử thách trở thành cái đòn bẩy để giúp mọi người tiến triển trong đức tin, lòng cậy trông và tình mến đối với tha nhân, cũng như với Thiên Chúa. Tuy nhiên, để hiểu được những ý nghĩa về thử thách này phải đợi đến thời Tân Ước mới hiểu được cách trọn vẹn (x. Tb 12).
5. Sự hiện diện của thế lực thần thiêng: Có lẽ thời này đã chịu ảnh hưởng quan điểm nhị nguyên của Hy Lạp về sự đối nghịch của thần lành và thần dữ. Nhưng ý nghĩa tôn giáo ở đây vẫn chỉ coi tất cả đề phục quyền Thiên Chúa, và thần sứ Ra-pha-en là sứ giả của Thiên Chúa được sai đến giúp đỡ con người. Sự hiện diện của thần sứ Ra-pha-en vừa chủ động lại vừa bí nhiệm, cho thấy niềm tin cổ điển vào sự trợ giúp của thiên thần. Thần sứ Ra-pha-en được trình bày như là người thực thi các kế hoạch của Chúa, đồng thời là người cố vấn khôn ngoan và là vị bảo trợ thành lương y cao tay khi cần. Người kín đáo xuất hiện dưới hình dạng con người trong vai trò bạn đồng hành. Câu chuyện cũng đồng thời cho thấy kẻ dữ là quỷ Át-mô-đai-ô (kẻ sát hại). Nó bị khống chế và bị đuổi xa khi con người biết trung thành nghe theo lời thiên sứ bảo trợ dặn dò. Đặc biệt, lời cầu nguyện của Tô-bi-a và Xa-ra trong đêm cử hành hôn lễ có hiệu năng che chở họ khỏi tên quỷ Át-mô-đai-ô, như một mẫu gương cho các cặp vợ chồng biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa, sẽ tránh được mọi dịch hạch tai ương.
6. Các lời cầu nguyện trong câu chuyện gợi nhớ các bậc tiền bối vĩ đại của Israel và các tổ phụ khác, bao gồm cả những hiền nhân dân ngoại, cùng các ngôn sứ. Điều này cho thấy các nhân vật trong câu chuyện thấm nhuần bầu khí của tin tưởng, mến yêu, hy vọng tích cực. Tối tăm nhưng mắt vẫn mở, bệnh tật nhưng lòng được giải phóng, lưu đày và hành trình để tìm gặp được bình an, được lễ cưới huy hoàng. Đồng thời, khi nhắc tới cả những bậc hiền nhân ngoại giáo như A-khi-ca trong việc khuyên nhủ hậu sinh làm việc thiện, điều này ngụ ý rằng sự khôn ngoan phàm nhân có thể được Thánh Kinh chấp nhận để trở thành ý Thiên Chúa, vì mọi khôn ngoan đều xuất phát từ Người.
7. Sách Tô-bi-a mở ra một con đường hy vọng từ một dĩ vãng thử thách đến một tương lai xán lạn. Trong cuộc lưu đày của Israel, hai tai nạn: tối tăm của người già cả mù loà và những ngày tang chế của goá phụ trẻ (Xa-ra). Hai tai nạn trở thành niềm vui duy nhất, nhờ sự đối ứng của hai lời kinh nguyện hợp nhau trước nhan Thiên Chúa. Và Thiên Chúa phái thần sứ Ra-pha-en (linh dược của Thiên Chúa) đến với hai nhiệm vụ: cứu chữa Xa-ra khỏi thần xấu Át-mô-đai-ô để cô kết hôn với chàng Tô-bi-a và mở mắt cho ông Tô-bít để ông thấy mọi sự trong ánh sáng mới của Giê-ru-sa-lem tương lai và ông là chứng nhân cho thiên Chúa nơi người ngoại.
[1] Ông Tô-bít đã thấy vào thời thiếu thời của ông, vương quốc bị phân chia lúc Salômôn chết (năm – 931) Tb 1 4, ông đã bị đưa đi đày cùng với chi tộc Neptali (năm – 734) Tb 1 5 và 10 và con của ông là Tôbia lại chỉ chết sau khi Ninivê bị sụp đổ (- 612), Tb 14 15.
Sách này đã trình bày Sennakêrib như thể người kế vị trực tiếp của Salmanasar, Tb 1 15, tức là bỏ qua triều đại Sargon. Giữa Raghès, nằm trong miền núi và Ecbatana giữa đồng bằng, chỉ có hai ngày đàng, Tb 5 6, trong khi, thực ra Ecbatana ở độ cao 2.000th, tức cao hơn Raghès nhiều, và khoảng cách giữa hai thành này là 300km.
[2] I-rắc hiện nay.
[3] Thuộc I-ran bây giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét