la-croix.com, Xavier Le Normand, 2020-06-25
Bản Chỉ nam mới về Huấn giáo đã được Tòa Thánh công bố vào ngày thứ năm 25 tháng 6. Ấn bản mới 200 trang này nhấn mạnh huấn giáo dựa trên Tin Mừng giúp mỗi cá nhân khám phá điều nào đáng để tin.
Giáo hội công giáo không những muốn thay đổi về cách dạy giáo lý, nhưng còn là cách cân nhắc giáo lý. Bảy năm sau khi Đức Bênêđictô XVI chuyển thẩm quyền huấn giáo từ Bộ giáo sĩ về Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, ngày thứ năm Bộ này đã công bố Chỉ Nam mới về Huấn giáo, được xuất bản hai mươi ba năm sau ấn bản trước của thời Đức Gioan-Phaolô II.
Bản Chỉ nam viết: “Tiêu chỉ hướng dẫn viết bản Chỉ Nam mới về Giáo huấn đặc trưng bởi mong muốn làm sâu đậm hơn vai trò của huấn giáo trong động lực truyền giáo”.
Tiến sĩ thần học Joël Molinario, giám đốc Viện Mục vụ Giáo lý của Viện Công giáo Paris và là một trong các cộng sự viên của Chỉ nam mới này giải thích: “Mục tiêu của ấn bản mới là dỡ bỏ mô hình giảng dạy, để đưa vào một tổng thể của một Giáo hội mà ơn gọi là rao giảng Tin Mừng.”
Dành thì giờ để chọn đức tin
Trong buổi họp báo được tổ chức ở Vatican, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng lấy làm tiếc: “Đã từ rất lâu, huấn giáo tập trung mọi cố gắng vào việc phổ biến nội dung của đức tin và sư phạm, để qua một bên khoảnh khắc quyết định nhất, đó là hành động chọn đức tin.” Nhưng Chỉ nam khẳng định: “Rao giảng Tin Mừng trước hết không phải là mang đến một giáo điều, nhưng là làm cho Chúa Kitô hiện diện và loan báo Ngài”.
Vì thế với các tác giả của Chỉ nam, điều cần thiết là huấn giáo phải là một “quá trình hoán cải truyền giáo (…), theo hướng phúc âm hóa. Mục đích của ấn bản mới là dỡ bỏ mô hình giảng dạy, để đưa vào một quá trình ưu tiên cho việc phúc âm hóa”. Ngài nhấn mạnh: “Huấn giáo có mục đích nhận biết tình yêu kitô dẫn người đón nhận huấn giáo trở nên đồ đệ rao giảng Tin Mừng”. Ấn bản trước có từ năm 1997, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô đã mang lại các đóng góp cần thiết cho ấn bản mới này, với các biến đổi văn hóa sâu đậm đã xảy ra kể từ đó. Đức Tổng Giám mục khẳng định: “Điều khẩn cấp là phải suy nghĩ lại về công việc truyền giáo với các phạm trù và ngôn ngữ mới để nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc truyền giáo.”
Và đặc biệt đứng trước công nghệ kỹ thuật số, mà một phần lớn của Chỉ nam mới đã dành cho, điều này để cảnh báo, “nếu không đánh giá đúng các thực tế của hiện tượng kỹ thuật số thì chúng ta có nguy cơ bị nhiều người cho là không đáng kể”. Còn với ấn bản mới, “vấn đề thực sự không phải làm thế nào để sử dụng kỹ thuật mới để truyền giáo, nhưng làm sao có sự hiện diện của Tin Mừng trên thế giới kỹ thuật số”.
Chăm sóc mục vụ cho người di dân
Tuy nhiên Internet không phải là điều mới duy nhất của Chỉ nam. Chỉ nam còn lập danh sách các mục vụ dựa theo tuổi, theo tình trạng cuộc sống, nhất là với người di dân, họ cần một “mục vụ đặc biệt.” Cũng vậy, vấn đề môi trường cũng được đặc biệt chú ý. Đức Tổng Giám mục xin: “Huấn giáo phải giúp tín hữu ý thức sự dấn thân cho môi trường, đó là một phần không thể thiếu trong đời sống người tín hữu kitô.”
Ngoài ra Chỉ nam còn mang dấu ấn của Đức Phanxicô, án tử hình bị xem là vô nhân đạo và vì thế huấn giáo phải làm mọi cách có thể để giáo huấn của Giáo hội phải được hiểu về vấn đề này và góp phần tạo một văn hóa mới”. Sự nhấn mạnh này phù hợp với quyết định của Đức Phanxicô trong năm 2018 về bản chất “không thể chấp nhận được” của bản án này trong Giáo huấn của Giáo hội công giáo.
Việc cập nhật tài liệu này được nhìn nhận để tránh mọi lạm dụng – tình dục, quyền lực hay thiêng liêng -, nhưng cũng còn công nhận sự “đóng góp lớn lao của các phụ nữ trong việc dạy giáo lý”.
Ngoài ra Chỉ nam còn dành một phần quan trọng trong việc đào tạo giáo lý viên, bây giờ được xem là “chuyên gia trong nghệ thuật tháp tùng và nhân bản”. Nhất là cân nhắc với thực tế các gia đình không đồng nhất với các điểm tích cực và tiêu cực của họ để tháp tùng họ một cách đầy đủ”.
Tóm lại, tài liệu nêu lên, điều quan trọng là qua giáo lý, mỗi người khám phá cái gì xứng đáng để tin. Theo ông Joël Molinario, cách tiếp cận mới này sẽ thay đổi cách dạy giáo lý.
Bây giờ chỉ còn tùy thuộc vào các hội đồng giám mục, các giáo phận và giáo xứ tìm các mô hình mới để áp dụng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét