Trang

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

TÌNH BẠN TRONG KINH THÁNH

TÌNH BẠN TRONG KINH THÁNH

Hầu như ai cũng có bạn. Người giỏi ngoại giao có thể khoe rằng mình có hàng chục người bạn. Nhưng cũng có người kén bạn, họ chỉ có một hay hai người bạn. Về mặt từ ngữ, “bạn là người quen biết và có tình cảm với nhau nhưng không phải là họ hàng.”(1) Bạn cũng có nhiều loại: bạn học, bạn nối khố, bạn cọc chèo, bạn đường, bạn đời, bạn hàng, bạn lòng, bạn rượu, bạn nhậu, bạn đồng nghiệp, bạn cùng sở làm, bạn tình, bạn trăm năm, bạn vàng … Thế nhưng, tùy theo mức độ tình cảm giữa chủ thể và đối tượng mà ta có những cấp độ của tình bạn, có thể tạm phân loại là: rất thân, thân, và quen sơ. Với bạn rất thân, ta có thể trút hết tâm tình, đặt trọn tin tưởng, và lắm khi sống chết cho nhau. Riêng với bạn thân, ta cũng tin tưởng họ, giao du quan hệ thường xuyên, nhưng có những khoảng cách nào đó trong mối liên hệ giữa hai người. Còn về bạn quen sơ, họ có thể là những người bạn ta mới giao kết hay cho dù đã quen lâu, mối liên hệ tình cảm giữa hai bên chỉ là ngoài mặt, không có chiều sâu. Có rất nhiều những câu chuyện về tình bạn, nhưng câu chuyện hay nhất, tuyệt vời nhất là chuyện Chúa Giêsu đã chịu khổ hình và chết vì bạn hữu. Qua đó, Ngài muốn chứng tỏ rằng “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13) Đọc Kinh Thánh, ta sẽ tìm thấy thêm nhiều câu chuyện hay về tình bạn, cũng như những nét đẹp của một tình bạn cao quý.

Kinh Thánh Nói Gì Về Tình Bạn?

Kinh Thánh không cho ta một định nghĩa rõ ràng chính xác về “tình bạn”, hay “bạn”, nhưng Cựu Ước và Tân Ước nói về tình bạn với nhiều khía cạnh. Đơn giản mà nói, tình bạn là mối liên hệ yêu thương tín cẩn và gần gũi giữa hai người (2). Tình bạn đó không giới hạn nơi người trần thế, nhưng còn bao hàm mối liên hệ bạn hữu giữa Thiên Chúa và con người. Trong sách Xuất Hành, ta biết được “ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau.” (Xh 33, 11) Nơi sách Biên Niên Sử (2Bn 20.7) và sách tiên tri Isaia (Is 41, 8) tổ phụ Abraham cũng được coi là “bạn” của Chúa. Riêng với tác giả sách Huấn Ca, những người bạn trung thành là vô giá và họ chính là món quà Chúa trao ban cho chúng ta (Hc 6, 14-17) (3). Qua thời Tân Ước, tình bạn giữa Chúa và con người tỏ hiện rõ ràng hơn. Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ là bạn hữu của Ngài (Lc 12, 4). Tình bạn đó thật cao cả vì Chúa đã hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống để cứu thoát bạn hữu mình. (4)

Chúa Giêsu đã nói về tình bạn giữa Chúa và con người.

  • “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 12-15)

Thiên Chúa là Người Bạn Vĩ Đại Nhất

  • “Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can.”(Gc 4, 8)

Cách Chọn Bạn Tốt

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn”, hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Trong Kinh Thánh, sách Châm Ngôn cũng dạy ta cách để chọn bạn.
  • “Người công chính dẫn lối cho bạn bè, nhưng đường ác nhân đi khiến chúng bị lạc.” (Cn 12, 26)

  • “Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn, chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy hoạ.” (Cn 13, 20)

  • “Đứa nhạo báng tìm khôn ngoan chẳng thấy, người hiểu biết gặp tri thức dễ dàng. Bạn hãy tránh xa đứa ngu si dại dột, vì biết rằng hắn chẳng có lời lẽ khôn ngoan.” (Cn 14, 6-7)

  • “Đừng bè bạn với người hay nóng giận, chớ giao du với kẻ dễ nổi xung, kẻo con lại học đòi lối sống của chúng, khiến thân con mắc phải bẫy dò.” (Cn 22, 24-25)

  • “Anh em chớ có lầm: Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu.” (1 Cr 15, 33)

Cách Đối Xử Với Bạn

Chúng ta có thể tìm thấy những lời khuyên rõ ràng và chi tiết về cách đối xử với bạn nơi các Phúc Âm và nhất là các thánh thư Tân Ước
  • “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6, 31)

  • “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình.” (Rm 12, 10)

  • “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.” (Eph 4, 29-32)

  • “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3, 12-14)

  • “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 2, 3-5)

Tình Bạn Đáng Quý Trọng

  • “Bè bạn thương nhau mọi thời mọi lúc, vào ngày hoạn nạn chỉ có anh em.” (Cn 17, 17)

  • “Hãy lắng nghe lời khuyên, đón nhận lời nghiêm huấn, để sau này bạn được nên khôn.” (Cn 19, 20)

  • “Người khôn ngoan được nên mạnh mẽ, kẻ hiểu biết làm sức mạnh gia tăng.” (Cn 24, 5)

  • “Sắt bén nhờ sắt, con người nên sắc bén nhờ bạn bè.” (Cn 27, 17)

  • Hai người thì hơn một, vì hai người làm việc cực khổ sẽ thu nhập khá hơn. Người này ngã đã có người kia nâng dậy. Nhưng khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả!" (Gv 4, 9-10)

Những Tình Bạn Đẹp Trong Kinh Thánh

    Cựu Ước
  1. Đa-vít và Jô-na-than: Đa-vít nổi tiếng là người có lắm bạn vì ông sống chân tình và đối đãi tử tế với những người có cơ hội tiếp xúc với ông. Ngoài tình bạn thân với Abiyatar (1Sm 22, 22-23), Nakhash (2Sm 10, 2), và Ittai (2Sm 15:19-21), tình bạn giữa Đa-vít và Jô-na-than được coi là nổi bật. Đa-vít được Chúa chọn làm vua thế cho Sa-ul, người mà lúc đó đang là vua Ít-ra-en. Jô-na-than, con của Sa-ul, kết bạn với Đa-vít và đã cố hết sức che chở Đa-vít, người đang bị vua cha tìm mọi cách để trừ khử. Jô-na-than đã không tìm cách mưu tìm quyền lực, trái lại, ông chỉ muốn hết lòng, hết nghĩa với bạn hiền Đa-vít. Vì thế, khi nghe Jô-na-than chết trận, Đa-vít đã khóc thương: “Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ. “ (1Sm 2, 26)
  2. Những người bạn của ông Gióp: khi nghe tin ông Gióp gặp tai hoạ, ba người bạn của ông (Ê-li-phát, Bin-đát và Xô-pha) từ nơi xa đã kéo đến, “để chia buồn và an ủi ông. Từ xa, họ ngước mắt nhìn, nhưng chẳng nhận ra ông. Họ bật khóc; mỗi người xé áo mình ra và rắc tro lên đầu. Rồi họ ngồi xuống đất, bên cạnh ông, suốt bảy ngày đêm, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn.” (G 2, 13). Trong sự im lặng, họ hiệp thông với ông Gióp. Họ tin rằng, sự hiện diện của họ bên cạnh bạn hiền đáng giá hơn vạn lời nói. Họ quả là những người bạn tri âm của ông Gióp.
  3. Đa-ni-en và những người bạn: Đa-ni-en có ba người bạn học thật thân. Khi các nhà thông thái Babylon giải không được thị kiến của Vua, Đa-ni-en và các bạn có nguy cơ bị xử chết chung với những nhà thông thái. Bốn người đã cùng cầu nguyện xin Chúa giúp và chính Đa-ni-en đã được Chúa mặc khải để giải được thị kiến của Vua. Họ đã tỏ cho vua Nabukôđônôsor thấy rằng Thiên Chúa là Đấng Tối Cao và Duy Nhất. Đa-ni-en sau đó đã cố gắng nâng đỡ hỗ trợ những người bạn tìm được việc làm và địa vị cao. (Đn 2, 49)
    Tân Ước
  1. Tình bạn giữa Chúa Giêsu với Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Thánh sử Gioan đã thuật lại chi tiết việc Chúa cho La-da-rô sống lại (Ga 11, 1-43). Qua trình thuật đó, chúng ta cũng nhận thấy Chúa có tình bạn thân với ba chị em nhà này. Cách họ nói chuyện với Chúa, thẳng thắn và thân tình: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." (Ga 11, 33). Thấy Ma-ri-a, khóc thương em mình là La-da-rô, Ngài cũng khóc. Người Do-thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!” (Ga 11, 37). Thật vậy, Ngài thương bạn đến nỗi đã làm phép lạ để cứu bạn sống lại.
  2. Thánh Phao-lô có những người bạn hỗ trợ và cộng tác với ông trong việc truyền giáo. Trong thư Rôma, chị Pơ-rít-ca và anh A-qui-la đã được nhắc đến như “những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Ki-tô Giê-su; hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi” (Rm 16, 3-4). Trong thư Philipê, thánh Phao-lô viết về Ti-mô-thê và Ê-páp-rô-đi-tô: “Nhờ Chúa Giê-su, tôi hy vọng có thể sớm cử anh Ti-mô-thê đến với anh em, để chính tôi cũng được an tâm vì được biết tin tức về anh em. Chẳng có ai khác cùng chia sẻ một tâm tình với tôi và tận tâm lo lắng cho anh em… Anh ấy đã từng là một người anh em, một cộng sự viên, một chiến hữu của tôi, người mà anh em đã gửi đến giúp tôi trong lúc túng cực.” (Pl 2, 19-26)

Nuôi Dưỡng Tình Bạn


Có được một người bạn đúng nghĩa là ước mơ của mỗi người chúng ta, như sách Huấn Ca diễn tả:


“Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc,
ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng.
Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành,
và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được.
Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời,
những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy.” (Hc 6, 14-16)

Làm sao có được một người bạn, nếu tự thân chúng ta không trở thành một người bạn chân chính trước? (5) Chúa dạy chúng ta: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6, 31)

Chúa là người đi bước trước trong việc kết bạn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Gn 14, 15)

Để có được một tình bạn tốt lành, chúng ta phải nuôi dưỡng mối liên hệ đó bằng tình yêu thương liên lỉ, biết chăm sóc và hy sinh cho nhau như lời Chúa đã nhắn nhủ các môn đệ của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Gn 15,12)

“Hy sinh tính mạng vì bạn hữu” là việc Chúa Giêsu đã làm để thanh tẩy con người và để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng mối quan hệ bạn hữu giữa Thiên Chúa và mỗi người chúng ta thật sâu đậm. Qua đó, Ngài cũng xác định một tiêu chí cho một tình bạn hoàn hảo.

Tình bạn có tính tương tác. Chúng ta làm gì để đáp trả tình bạn cao quý đó?

Luke Quang

Chú thích:
  1. Mục từ “Bạn”, Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, Hà-Nội 1999
  2. Trang 602, Holman Bible Dictionary. Nashville, Tennesse 2004
  3. Herrmann, Jeanette V., OSB. “Relationships in the Book of Sirach”. The Bible Today, Jan/Feb 2014.
  4. Mục từ “Friedship and the New Testament”, The Modern Catholic Encyclopedia, Liturgical Press, Minnesota, 2004.
  5. "The only way to have a friend is to be one." Ralph Waldo Emerso

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét