Thực thi sứ vụ Loan báo Tin mừng trong bối cảnh Hội nhập Văn hóa
Michel Trương
1. Về ngôn từ và định nghĩa
WHĐ -- Việc sử dụng từ ngữ “Văn hóa” trong tiếng Việt, thông thường người ta thấy nó được diễn đạt với 3 nghĩa khá phân biệt:
- Từ Văn hóa trong cụm từ “trình độ văn hóa”, được diễn tả để nói về khả năng học vấn hoặc kiến thức. Ví dụ khi nói “Nhờ kỷ năng văn hóa mà Vị ấy cống hiến được nhiều việc...”; hoặc ở một môi trường gồm đa số trí thức nên nếp sinh hoạt biểu lộ vẻ mỹ quan thì người ta khen ngợi: “Tại văn phòng ấy bầu không khí văn hóa đáng ấn tượng” v.v...
- Văn hóa trong cụm từ “biểu diễn văn hóa”, được dùng để chỉ những hoạt động liên quan đến các sinh hoạt về trình diễn, triển lãm, thi thố tài năng v.v... Ví dụ: Phong trào văn hóa, công viên văn hóa, đoàn văn hóa nghệ thuật v.v...
- Nghĩa thứ ba của Văn hóa chính là nằm trong đề tài mà chúng ta sắp bàn luận tới, Hội nhập văn hóa. Vậy xin được định nghĩa Văn hóa là gì? Theo chiều hướng ý tưởng của lĩnh vực đang quan tâm trình bày:
Văn hóa là di sản thiêng liêng thuộc vật chất và tinh thần của nhóm quần thể con người nơi một dân tộc, trong một quốc gia. Nó được hình thành và tồn tại một cách tiệm tiến từ đời nọ sang đời kia trong quá trình hình thành xã hội, dựng nước, giữ nước và chống chọi với thiên nhiên. Những di sản này tạo nên những nhân tố làm ảnh hưởng và chi phối đến phong tục tập quán, tâm tư suy nghĩ và ngay cả còn là niềm tin khó phai nhạt nơi sinh hoạt con người trong quần thể đó.
Khi nghe một câu phát biểu ví dụ như: “Đó là biểu trưng cho một nền văn hóa phong phú của dân tộc...”, thì chữ Văn hóa ấy vốn được ám chỉ theo ý nghĩa này. Như vậy, chúng ta thấy những hành vi và niềm tin thuộc lĩnh vực Văn hóa thì nó có nguồn gốc xuất xứ từ thực tại trần thế; trong khi mọi biểu hiện trong sinh hoạt tôn giáo thì có căn nguyên từ Đấng thiêng liêng và quá trình Mạc khải. Vài hình ảnh trong thực tế thấy là mang nét sinh hoạt tâm linh nhưng cũng cần phân biệt rõ ràng, ví dụ như ngày 23 tháng Chạp cung tiễn đưa Ông Táo về trời thì không nên gọi đó là một nghi thức tôn giáo; ngược lại người Hồi giáo giữ tháng chay Ramadan thì không thể coi là một thông lệ văn hóa được.
Xin trích thêm ý tưởng khái niệm về văn hóa của Đức Phanxicô đưa ra trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Bởi vì mỗi dân tộc là tác giả của một nền văn hóa riêng của mình và là vai chính trong tiến trình của nó. Văn hóa là một điều gì năng động mà một dân tộc tái tạo liên tục, và mỗi thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau tập hợp của những thái độ và cung cách hành xử phức tạp liên quan đến những hoàn cảnh khác nhau, mà người ta phải tái công thức hóa để giải quyết những thách đố riêng của họ. Là con người có nghĩa ''vừa là con cái vừa là cha sinh của nền văn hóa mà mình chìm vào trong đó'' (số 122)”.
Khéo cho văn nhân ngôn ngữ học nào đầu tiên dùng cụm từ Hội nhập văn hóa trong tiếng Việt, nó nhận được ngay sự nhất trí khi cần đề cập tới mối tương quan giữa Phúc Âm hóa và nền văn hóa, tuy nhiên ở Châu Âu cho đến khi xuất hiện chữ Inculturation thì trước đó đã trải qua nhiều cách dùng từ khác nhau: adaptation, indigenization, enculturation, acculturation v.v... Thuật ngữ Hội nhập văn hóa (inculturation) mới được phổ biến gần đây, tức là sau Hội Nghị về Truyền Giáo tổ chức tại Ðại học Urbaniana (từ ngày 5 đến 12-10-1975, Rôma) và sau Tổng Công Hội Dòng Tên năm 1975. Kể từ khi Đức Gioan Phaolô II ra Thông điệp Redemptoris Missio vào năm 1990 thì ngôn từ cũng như vấn đề này luôn được đem ra bàn thảo một cách rộng rãi.
Theo Thông điệp Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II thì Hội nhập văn hóa được định nghĩa như sau: “Là sự biến đổi hài hòa của các giá trị văn hóa đích thực, trong quá trình hội nhập vào Kitô giáo, và đối lại, việc Giáo hội đâm rễ sâu vào trong các nền văn hóa đa dạng của nhân loại” (số 52). Vậy ở đây, Hội nhập văn hóa là quá trình bản xứ hóa Giáo hội về cả mặt trí thức lẫn thực tiễn, một quá trình sống động trong đó Kitô giáo và sinh hoạt xã hội ảnh hưởng hỗ tương trên nhau. Kitô hữu cũng như cộng đoàn Kitô là thành phần vừa của một dân tộc trần thế vừa của một dân riêng thuộc Nước trời thiêng liêng (sống trong Thần Khí). Văn hóa là cách thể cá biệt qua đó, một con người hoặc một dân tộc sống các quan hệ của mình với thiên nhiên, với đồng bào và với các dân tộc khác, với chính mình và với Thượng Ðế, để nhờ đó họ thành tựu trong bản chất con người (Hiến chế Gaudium et Spes số 53). Văn hóa là một hiện thực rất phức tạp, gồm những yếu tố nhân chủng, tôn giáo, truyền thống, văn chương, tập quán v.v... Ở đây chỉ cần nhận định rằng tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong văn hóa; vì thế, cả thừa sai lẫn người tân tòng đều phải biết mang “tôn giáo” vào trong văn hóa và đưa “văn hóa” vào trong tôn giáo, dù nhiều khi khó mà phân biệt được giữa hai thực thể ấy, chứ đừng nói chi đến chuyện tách biệt, vì cả hai đều có mang tính chất biểu hiện của Niềm tin.
2. Câu chuyện lịch sử khơi nguồn
Công cuộc Truyền giáo của Giáo Hội thuở xưa không hề đặt ra vấn đề Hội nhập văn hóa, vì người ta cứ theo phương thức “Tabula rasa, gọt sạch làm lại từ đầu” để truyền bá niềm tin Kitô giáo cho các dân nước, mà phần lớn những đối tượng thụ truyền đó chưa có nền văn hóa, văn minh gì sáng sủa. Như vậy các Nhà thừa sai lúc ấy vừa truyền đạo vừa đem ánh sáng văn minh cho các bộ tộc mà xã hội họ ở mức phát triển còn kém xa. Mãi đến thế kỷ XVI, khi nhà truyền giáo Alessandro Valignano đến Nhật Bản thì mới ngỡ ngàng, vì rằng ông nhận thức ra sinh hoạt Kitô giáo ở Châu Âu thì cũng lồng trong một nền văn hóa, mà không phải văn hóa ấy lúc nào cũng có những đường nét ưu việt hơn phong cách sinh hoạt, ứng xử, lễ nghi tại xứ Phù Tang này. Ông đi đến kết luận, tại Châu Á phương thức truyền giáo cần phải được bản xứ hóa (Indigenization) cách xử thế mới có thể đem Kitô giáo đến được cho lương dân.
Alessandro Valignano là một giáo sĩ dòng Tên người Ý sinh năm 1539, ông được Bề trên tổng quyền Everard Mercurian, người Bỉ, gởi đi truyền giáo Viễn đông và được xem là người có sáng kiến đầu tiên trong việc khai mở vấn đề Hội nhập văn hóa song song với hoạt động Loan báo Tin mừng. Thời kỳ ấy, công cuộc chinh phục đến miền phương đông xa xôi để truyền giáo còn bị ảnh hưởng bởi Trọng sắc Inter Caetera 1493 của Đức Giáo Hoàng Alexandre VI và theo đó vùng Viễn đông thuộc Quyền tài phán của cường quốc hàng hải Bồ Đào Nha. Vì thế Valignano trước khi lên đường phải đến xứ Bồ để được huấn luyện và làm thủ tục du hành. Ông rời Lisbonne năm 1574 cùng với một nhóm 40 nhà truyền giáo, cuối năm đó họ đến được Goa và ngay lập tức ông bắt đầu một chuyến khảo sát có hệ thống đến tất cả các vị trí truyền giáo trong xứ Ấn Độ. Kế đến Valignano tiến đến Malacca rồi Macau và sau cùng ông tới Nhật Bản năm 1578.
Đến đây chúng ta cũng cần nắm thêm đôi chút về tình hình, vùng Đông Ấn là khu vực truyền giáo thuộc Quyền tài phán Bồ Đào Nha, theo đó Giáo phận Goa đã được thành lập ngày 31-01-1533. Kế đến từ ngày 04-02-1558 thì có sự phân chia nhỏ hơn để xuất hiện Giáo phận Malacca, rồi sau đó ngày 23-01-1576, thêm một Giáo phận mới cũng hình thành tách ra đó là Giáo phận Macau. Cả ba Giáo phận này đều là Chính tòa và mọi công cuộc truyền giáo trong vùng địa lý đó phải lệ thuộc vào qui chế chính sách bảo trợ Bồ Đào Nha. Tiếp theo sự kiện với hiệp ước Saragosse, được ký kết ngày 22-4-1529 giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dưới sự chứng kiến của Đức Giáo hoàng Clêmentê VII, thì Philippines thuộc Quyền tài phán Tây Ban Nha và Nhật Bản thuộc Bồ Đào Nha.
Về phương diện hoạt động ngoại giao trần thế, Valignano đã có công tổ chức được Đại sứ quán Nhật Bản tại Châu Âu (trong những năm 1582-1590). Thời gian ở Nhật với chức vụ làm Kinh lược sứ cho Toàn quyền Ấn độ từ 1590-1594, dù vậy Valignano luôn tỏ ra tận tụy trong vai trò thừa sai của mình đồng thời cũng quan sát hiện trường để rút ra những nguyên tắc nhằm khai phóng cho Sứ vụ truyền giáo được hiệu quả. Ông đã từng có một cuộc phỏng vấn với Sứ quân Toyotomi Hideyoshi vào năm 1591, nhưng giữa họ không đạt được thành công gì, Kitô giáo vẫn bị cấm bách và Kitô hữu phải đối mặt với sự bách hại nghiêm trọng. Valignano đành quay trở lại Macau vào tháng 10 năm 1592. Đã từ trước năm 1578, khi Valignano đến thăm trụ sở truyền giáo ở Macau, ông đã thấy ngay được vấn đề, đó là việc thiếu chuẩn bị về mặt ngôn ngữ và sự hiểu biết văn hóa cho các Thừa sai. Ông liền đòi buộc các Thừa sai phải học ngôn ngữ bản địa thay vì cứ dựa trên các thông ngôn. Một đề nghị gây nên nhiều tranh cãi vì đối với họ, hàng rào ngôn ngữ Trung Hoa gần như không tài nào vượt qua nỗi. Vì thế từ năm 1594 Valignano thành lập trường St. Paul College of Macao, đây chính là trung tâm đào tạo cho các Nhà truyền giáo Dòng Tên về ngôn ngữ và văn hóa Đông phương. Sau cùng ông cũng đã lưu lại Nhật Bản lần cuối từ năm 1598 đến 1603 rồi qua đời tại Macau năm 1606.
Nỗ lực gầy dựng chủ trương Bản xứ hóa và thích nghi văn hóa của Valignano đã phải đối mặt với nhiều chống đối mạnh mẽ, một mặt từ những đồng sự cho rằng ông đã bị biến dạng thành kẻ ngoại đạo Kitô giáo, và mặt khác nơi các lực lượng truyền giáo Bồ Đào Nha liên kết với quyền lực thực dân, họ nghĩ rằng ông đang hành động với một quyền tự do quá lớn đến độ tỏ ra kháng cự với hoàng gia. Rồi còn ngay cả nơi các tu sĩ Dòng Tên của mình, cũng gặp không ít rắc rối khi ông cố gắng giới thiệu vào cộng đồng Dòng Tên những cấu trúc cuộc sống và kỷ luật mượn nề nếp từ các chùa Zen của Nhật Bản.
Một điều nghịch lý là nơi con người vốn ít tài năng về ngôn ngữ (vì Valignano không bao giờ nói tiếng Nhật một cách dễ dàng) mà đã phát động nên một xu hướng để từ đó sản sinh ra những nhân vật Tây phương có kiến thức và kỹ năng ngoạn mục thuộc lĩnh vực Đông phương học như Matteo Ricci, Roberto de Nobili, Alexander de Rhodes và còn thêm nhiều Vị khác. Quan trọng hơn nữa, do chủ xướng của Valignano mà đã khiến thay đổi hoàn toàn quan điểm về Truyền giáo của Giáo Hội: Sẽ không có thành quả cho việc truyền giáo nếu không xem xét đến lịch sử, văn hóa và truyền thống của các dân tộc. Một bằng chứng hiển nhiên là nội dung Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II phần lớn được truyền cảm hứng từ kinh nghiệm của Valignano và những người dõi bước theo ông.
Nếu cần hiểu thêm chuyên đề trong giai đoạn lịch sử này, soạn giả kính mời quý vị tìm tham khảo bổ sung qua bài viết: “Matteo Ricci nhà truyền giáo không mệt mỏi” được đăng trong Website: associazionematteoricci.org. Ngoài ra chúng ta cũng nên tra cứu về một câu chuyện đằng sau các hoạt động của 4 Vị tiên phong Hội nhập văn hóa tài danh: Valignano, Roberto de Nobili, Matteo Ricci, Alexandre de Rhodes, là cuộc tranh luận về nghi lễ Trung Hoa. Không thể kể lại lịch sử công cuộc truyền giáo ở Á Châu mà không đề cập đến vấn đề này. Khó mà lường được những hậu quả khốc hại do vụ tranh cãi “nghi lễ” từng sôi động ở Trung quốc, Việt Nam, Ðại hàn và Nhật bản. Nỗ lực truyền giáo tại các xứ xa xôi ấy đã khó khăn rồi, vậy mà còn gặp phải những khó khăn chồng chất thêm bởi các vụ tranh chấp do bất đồng quan điểm và tranh quyền thế lực. Một thời đấu đá giữa các dòng Thừa sai, các nhà Thần học tiếng tăm và cũng là nỗi âu lo của đến 10 vị Giáo Hoàng. Nếu thuận dịp thì cũng xin theo dõi trong tác phẩm Lịch Sử Giáo Hội của Bùi Đức Sinh ở đề mục: Cuộc tranh luận về Lễ nghi Trung Hoa, tác giả tường thuật lại khá đầy đủ chi tiết.
3. Bài học rút ra từ lịch sử
Trãi qua cuộc đời và kinh nghiệm của các Vị Thừa sai tiên phong đáng kính tại Viễn đông hồi thế kỷ XVI, với mọi nỗ lực để thích nghi văn hóa nhằm thực hiện công cuộc Loan báo Tin mừng cho hiệu quả. Người đời sau điểm ra vài nét cơ bản từ kinh nghiệm các Ngài mà đến nay nó vẫn còn mang giá trị nhất định, khái lược những vấn đề chính có thể được liệt kê ra như sau:
- Trước tiên là việc dùng ngôn ngữ địa phương để truyền bá Tin mừng: Chúng ta không cần bàn luận chi nhiều, chỉ trích câu của Đức Gioan Phaolô II là xem như trọn vẹn ý nghĩa: “Các nhà truyền giáo đến từ Giáo hội khác và từ các quốc gia khác phải thích nghi với thế giới văn hóa xã hội ở những nơi mà họ được gửi đến, bằng cách phải biết vượt qua bối cảnh môi trường gốc của họ. Do đó, họ phải học ngôn ngữ của khu vực nơi họ làm việc, biết những biểu hiện quan trọng nhất về văn hóa của cư dân, bằng cách khám phá ra các giá trị thông qua kinh nghiệm trực tiếp. Chỉ nhờ sự hiểu biết này mà họ mới có thể cung cấp cho các dân nước một kiến thức đáng tin cậy và hiệu quả về các mầu nhiệm huyền bí (cf. Rm 16, 25-27; Eph3, 5). Chắc chắn không phải là họ từ bỏ bản sắc văn hóa của mình, mà là để tìm hiểu, đánh giá cao, thúc đẩy cho công việc truyền giáo trong môi trường mà họ hoạt động và do đó họ mới có thể thực sự giao tiếp được với quần chúng, đồng thời trong việc chấp nhận lối sống đó, họ sẽ trở thành biểu trưng cho chứng nhân truyền giáo và tạo nên mối liên kết mật thiết giữa họ với mọi người” (TĐ Redemptoris Missio, số 53).
Tuy nhiên cùng dựa trên cơ sở này, với hoàn cảnh ngày càng trở nên phức tạp, người ta cũng suy diễn rộng nghĩa hơn trong vấn đề thích nghi ngôn ngữ: ngay cả những Thừa sai đến các Điểm truyền giáo tuy nằm trong cùng quốc gia, chung ngôn ngữ nhưng ở khu vực cách biệt xa xôi, thì họ cũng bị đòi buộc phải nghiên cứu cách diễn đạt ngôn từ, cách phát biểu giao lưu thế nào cho phù hợp với dân chúng địa phương vùng đó. Nhất là khi xưa, Thừa sai được coi như là những anh hùng, nhưng nay họ phải đón chịu hoàn cảnh là kẻ ít được thông cảm, lại còn bị nhiều người khác chế giễu cho là thuộc loại ''bảo thủ, dân tha phương, phản đại kết, chủ trương ngu dân v.v...'', do vậy quá trình hòa nhập của họ phải có tác dụng gầy dựng tình người, hàn gắn hiểu lầm. Cung cách tiếp chuyện sao cho vừa tai người nghe, xem ra không chừng đã đạt được nữa chặng đường của những nỗ lực Hội nhập văn hóa.
- Kinh nghiệm về quy trình các bước Hội nhập văn hóa, được đúc kết lại trong giáo khoa Khái Luận Truyền Giáo Học, tác giả Gomez Ngô Minh: “Bước đầu tiên là hiện diện, Thừa sai đến một nơi, tiếp xúc với người dân, học tiếng của họ và cố gắng hiểu những phong tục tập quán, những giá trị, cách ứng xử v.v... để chia sẻ với họ Đức tin Kitô trong một cách thức phù hợp với tâm lý, ngôn ngữ và văn hóa của họ. Có thể nói đó là giai đoạn ''trình dịch'' Tin Mừng. Bước thứ hai là giai đoạn thích nghi lối suy nghĩ, lối sống và cư xử của cá nhân Thừa sai, cũng như lối tổ chức và quản lý cộng đoàn Giáo Hội cho phù hợp với tinh thần – lẽ tất nhiên là chính đáng – của nền văn hóa địa phương. Khi Giáo Hội đã trở thành một cộng đoàn đáng kể trong xã hội, thì đó là lúc cần phải tìm cách thay đổi những quan niệm sai lầm trong văn hóa của xã hội ấy (như quan niệm về con người, về gia đình, về nhân quyền, về công bằng xã hội, về cơ cấu chính trị, về việc phục vụ tha nhân, v.v.) và cổ võ cho những giá trị tích cực (phù hợp với giáo lý Phúc Âm); mặt khác, thừa sai gia công đưa Giáo Hội đến chỗ mặc lấy văn hóa địa phương trong cách thức quản trị và tổ chức sinh hoạt.”
Chính phương thức này là mấu chốt để giải quyết vấn đề mối tương khắc giữa niềm tin tôn giáo và niềm tin văn hóa trong ý thức đời sống sinh hoạt và nghi thức phượng tự. Các Đấng thừa sai tiên phong trong việc Hội nhập văn hóa khi xưa đã có giải thích rõ các bước của từng giai đoạn nhưng chẳng ai chịu nghe. Phe chống đối cứ nhìn thực tế trước mắt rồi lôi ra thành đề tài để tranh cãi, họ không tin rằng rồi mọi chuyện sẽ dần dà thay đổi, khác biệt giữa sinh hoạt tôn giáo và văn hóa đến một lúc sẽ có tiếng nói chung. Cần ý thức rõ: tiến trình Hội nhập văn hóa là một nỗ lực trường kỳ và không hề dứt điểm, bởi văn hóa không ngừng chuyển biến, còn Kitô giáo thì hằng tiếp tục khám phá những khía cạnh mới của Đức tin.
- Khả năng kiến thức luôn là nhân tố trọng yếu: Qua sự kiện từ Nhật trở về, Cha Valignano cho thiết lập trường St. Paul College of Macao, đó cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta. Thần học là lãnh vực đặc biệt khó nhưng lại quan trọng. Để hoàn tất quá trình trưởng thành trong mối tương quan với nền văn hóa nơi xã hội trần thế thì cần phải thúc đẩy việc suy tư thần học: “Như thế người ta sẽ nhận thấy rõ hơn những phương thức nào có thể giúp Đức tin tìm gặp lý trí, một khi đã dựa vào triết lý hay lẽ khôn ngoan của các dân tộc.” (Sắc lệnh Ad Gentes, số 22). Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25-3-1992), Ðức Gioan Phaolô II cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phải Phúc âm hóa các nền văn hóa và cần chú tâm trong chương trình đào tạo: “Ngày nay, người ta cảm nhận một cách sâu xa nhu cầu phải Phúc âm hóa các nền văn hóa và phải hội nhập Sứ điệp Đức tin vào trong các nền văn hóa, nhu cầu ấy còn khơi dậy một vấn đề khác. Đó là một vấn đề mục vụ có tầm mức rộng lớn cần phải được đề cập một cách rộng rãi và với nhiều chú tâm trong thời gian đào tạo các ứng sinh Linh mục.....” (số 55)
Vì thế, chương trình đào tạo các Linh mục phải lưu ý đặc biệt đến các nguyên tắc về Hội nhập văn hóa và coi đó là một nhân tố chủ yếu. Một đàng phải tránh mọi kiểu hòa lẫn trộn lộn, đàng khác, cần ý thức rõ là nỗ lực thích nghi không thôi thì chưa đủ mà còn phải làm cho Phúc Âm thấm nhập sinh động vào trong các nền văn hóa, và dần dà nó sẽ trở thành nhân tố bình thường nơi xã hội ấy. Đồng thời còn phải dùng những phạm trù bản xứ mà giải thích các mầu nhiệm Kitô giáo. Nếu không có chương trình đào tạo để phổ biến những kiến thức khoa bảng ấy thì làm sao giải quyết thấu đáo vấn đề mà ai cũng cho là quá phức tạp hiện hữu từ nhiều thế kỷ nay.
4. Những thực tại còn vương vấn
Xin được trưng ra 2 hình ảnh thí dụ cụ thể đã từng có thật xảy ra nơi vài Họ đạo để minh dẫn cho những tồn động trong chuyên đề:
- Một vị Linh mục đứng ra tuyên bố trong Nhà thờ: Chúng ta đã có ngày mùng 2 tết và Lễ Các đẳng 2/11 để kính nhớ Ông bà tổ tiên rồi nên xin anh chị em đừng đi viếng mộ vào ngày tiết Thanh minh nữa, đó là tập tục của kẻ ngoại đạo.
- Vào dịp Lễ đêm giao thừa 30 tết, người ta thấy trong Nhà thờ một Linh mục đã mặc Áo lễ cùng với giáo dân bái lạy trước khung bàn thờ bày ảnh biểu tượng tổ tiên, để làm nghi thức Rước Ông bà tổ tiên về Ăn tết, ngay trước khi cử hành Thánh lễ Misa.
Ngoài yêu cầu cấp thiết phải bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về Hội nhập văn hóa đối với nhân sự mang trọng trách, người ta cũng không quên lưu ý đến những điều cần tránh liên quan đến yếu tố tiêu cực bởi tham vọng trần thế, nó đã tác động xấu không ít lên trên tiến trình đầy tế nhị này. Bài học kinh nghiệm Lễ nghi Trung Hoa hẳn còn đó và lời dặn dò của Đức Phaolô VI xin hãy chớ xao lãng: “Người đó không bao giờ được phản bội cũng không che đậy chân lý vì muốn làm vui lòng người nghe, vì muốn gây ngạc nhiên, vì muốn tạo nên giật gân, hay vì muốn lập dị háo danh.” (Evangelii Nuntiandi số 78). Những khía cạnh sinh hoạt văn hóa và việc thi hành bổn phận tôn giáo nếu đã trải qua quá trình phân ranh rõ rệt rồi thì hà tất gì phải lôi kéo trở lại cái phức tạp khi xưa cho nó tái diễn khung cảnh rườm rà, thiếu mỹ quan. Có những Vị chăm sóc đoàn chiên vì muốn tạo thanh thế dị biệt hoặc thi thố tài năng sáng kiến ngoạn mục của mình mà làm phương hại đến tương quan đã được phân định một cách ổn thỏa rồi. Nhà thờ chỉ là nơi để thờ phượng Chúa hoặc cũng để cung nghinh các Đấng Thánh được Giáo Hội công nhận mà thôi. Chúng ta luôn thức tỉnh rằng Quyền lực thần xấu không quá ngây thơ để làm ngơ khai thác những tình cảnh nhạy cảm theo kiểu này, ý thức luôn kháng cự với Cơn cám dỗ là sự đòi hỏi liên tục đối với mọi Kitô hữu (tham khảo trong Tông huấn Evangelii Gaudium, số 77).
Trong khi còn những xung khắc chưa biết giải quyết ra sao, ví dụ chuyện đi xem bói tuổi tác cho con với dâu rể coi có hợp nhau không trước khi quyết định đám cưới, vài Vị chủ chăn đã khôn ngoan nêu lên truyền thống bền vững hôn nhân trong Kitô giáo: Nghi thức tôn giáo long trọng cũng góp phần cho họ giữ mãi kỷ niệm đẹp, Bí tích ban Ơn hỗ trợ chung thủy, v.v... Đúng vậy, những gì đã phân định rồi hoặc giả đã độc lập với tôn giáo thì chúng ta cần truyền tụng vẻ đẹp sinh hoạt văn hóa đó lấn át một chút để bù lại những vướng mắc còn đang tồn động, như thế lương dân không thể cho rằng Kitô giáo cái gì cũng xấu. Ví dụ một người hàng năm đi viếng mộ thân nhân quá cố đến 3 lần thì có gì là không tốt?
Ðức Phaolô VI nhận định về bi kịch trong bối cảnh ngày này rằng: “Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa quả là một thảm trạng của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước” (Evangelii Nuntiandi, số 20). Văn hóa đang biến đổi nhanh chóng theo chiều hướng đa dạng cùng với đà “toàn cầu hóa”; Giáo hội cũng phải thích nghi theo sự chuyển biến ấy. Hơn nữa, do tình hình di dân và tiện nghi đi lại mà các nền văn hóa còn giao thoa trộn lẫn với nhau muôn màu muôn vẻ, và lắm khi từ đấy Giáo hội địa phương cũng chịu mang tính cách đa văn hóa. Trong bối cảnh như thế, việc Hội nhập văn hóa trở thành một tiến trình phải được thường xuyên cập nhật hóa trong toàn thế giới, chứ không riêng gì nơi các “Giáo hội trẻ”.
Dù chỉ thành tựu ở trong văn hóa nhưng con người bao giờ cũng cần vượt lên trên văn hóa, đồng thời cũng là một cá vị siêu việt đối với văn hóa, do vậy không thể trở nên nô lệ của văn hóa được. Cũng vậy, Tin Mừng siêu việt vượt trên văn hóa, phê bình văn hóa và lên án những khía cạnh tội lỗi trong văn hóa. Ðôi lúc văn hóa ngày nay làm như đã trở thành hiện thân của tính kiêu căng loài người; quả vậy, chính các thái độ tôn sùng thần tượng quá khích là những sản phẩm tiêu cực của văn hóa. Vì thế, Đức tin không thể quên đi được chiều kích “sứ ngôn” của mình và lắm khi cần phải tỏ rõ thái độ “phản lại văn hóa” (counterculture). Và bởi không bao giờ Tin Mừng đồng nhất hóa về mình với một nền văn hóa nào, thế nên không thể tránh khỏi cho hết những xung khắc. Ngày nay, Giáo Hội đang liên tục và cấp bách nhắc nhở: Cần phải “Phúc âm hóa văn hoá”. Thời gian gần đây càng lúc số người càng đông đến sống trong các thành thị lớn, họ bị “mất gốc rễ”, ngỡ ngàng, bơ vơ, bước vào trong cuộc sống của một nền văn hóa mới, khác hẳn với nền văn hóa ở chốn cha sinh mẹ đẻ. Chính vì thế việc hội nhập văn hóa ở môi trường đại loại như vậy, quả là một vấn đề đặc biệt gai gốc: đó là thực tại thách đố mà chúng ta gặp phải trong thời đại hiện nay.
Nếu nhìn giữa ngôn từ và bối cảnh thực tế theo cách phân tích hơi chuyên sâu một chút thì xem ra ngay cả nhóm từ “Hội nhập văn hóa” cũng lại có 2 nghĩa:
- Dựa theo bối cảnh những Nhà truyền giáo trong lịch sử, ví dụ hình ảnh Cha Valignano đến Nhật, thì Hội nhập văn hóa là cách thức thích nghi, uốn nắn sao cho việc thể hiện Niềm tin tôn giáo có thể hòa nhập vào một xã hội đã có sinh hoạt truyền thống văn hóa đặc nét từ trước. Và đối lại, nền văn hóa nơi dân tộc đó có thể chấp nhận được một số lý giải tâm linh và hình thái sinh hoạt của tôn giáo có xuất xứ từ nơi xa xôi.
- Nghĩa thứ hai, theo Thông điệp Redemptoris Missio thì, Tôn giáo và Văn hóa phải có mối tương quan tác động biến đổi lẫn nhau về cung cách sống và lối suy nghĩ sau một thời gian chung đụng. Chính quá trình tương tác này mà được gọi là “Hội nhập”. Chúng ta quan sát trong số 52 của Thông điệp để có thể thấy rõ nội dung theo ý này. “Quá trình Giáo Hội đi vào trong các nền văn hóa các dân tộc phải tốn hao nhiều thời gian: bởi vì theo đúng ý nghĩa hội nhập văn hóa, thì không phải chỉ đôi bên thích nghi với nhau đơn giản bề ngoài, mà là sự biến đổi hài hòa của các giá trị văn hóa đích thực trong quá trình hội nhập vào Kitô giáo, và đối lại, việc Giáo hội đâm rễ sâu vào trong các nền văn hóa đa dạng của nhân loại .....”
Do vậy khi đề cập đến chuyên đề Hội nhập văn hóa và Loan báo Tin mừng thì mọi người đều hiểu ngay, đó là một lãnh vực thuộc tầm mức khá bao rộng và phong phú. Vì cả hai tự bản thân không ngừng chuyển hóa, và tất nhiên mối tương quan này cũng sẽ trở nên biến dạng hết sức phức tạp. Từ đó đòi buộc các Vị chuyên trách khi đàm luận đến chuyên đề này cũng như muốn tiên phong áp dụng vài hình thái mới trong sinh hoạt phụng tự và cộng đồng thì cần phải xác định phạm trù mà mình đang tiếp cận một cách thật tỏ tường. Bài tiểu luận này chỉ nhằm cung cấp đôi chút hiểu biết chủ yếu giúp ích cho đối tượng là Tác viên Loan báo Tin mừng, tức những kẻ đang sống Chứng nhân, Truyền giáo trong cương vị là Giáo dân.
Xin tham khảo thêm trong:
- Tông huấn Christifideles Laici số 44
- Thông điệp Redemptoris Missio số 52 & 53
- Giáo trình Khái luận Truyền giáo học, Gomez: Chương VI, Phương pháp Truyền giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét