Lm. Oscar Lukefahr C.M. - Dịch giả: Pt. Giuse Trần Văn Nhật
8 THKT CÁC SÁCH NGÔN SỨ
Nhiều người nghĩ các ngôn sứ Cựu Ước là
những người không làm gì cả ngoài việc tiên đoán tương lai. Họ mường tượng các
ngôn sứ giống như các người bói toán chăm chú nhìn vào trái cầu pha lê để tiên
đoán các chi tiết cuộc đời của Đức Kitô hầu có lợi cho các thế hệ tương lai.
Nhưng chữ “prophet” có nghĩa “ai
đó nói thay cho người khác”. Các ngôn sứ Cựu Ước là những người lên tiếng thay
cho Thiên Chúa để nói với các người cùng thời. Chính yếu, họ lưu tâm đến các
biến cố đang xảy ra trong chính hoàn cảnh của họ.
Các vua và tư tế thường không sống đúng
vai trò của người lãnh đạo tinh thần. Lúc đó, Thiên Chúa linh ứng các ngôn sứ
để lên tiếng nhắc nhở dân chúng về giao ước và kêu gọi họ hãy sám hối. Các ngôn
sứ đe dọa những người lãnh đạo xấu, cảnh cáo kẻ tội lỗi, an ủi người đau khổ,
khuyên bảo người cầm quyền, và giảng dậy luân lý.
Tuy nhiên, các ngôn sứ không hoàn toàn
bỏ qua tương lai. Họ có một cái nhìn về điều gì phải xảy ra, và một số ngôn sứ
báo trước rằng Thiên Chúa sẽ gửi đến một Mêsia (có nghĩa “người được xức dầu”),
người này sẽ cứu độ dân Chúa. Thông thường, dường như họ đặt hy vọng vào người
cứu độ cho tương lai gần ngay trước mặt.
Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa,
các thông điệp của họ về tương lai trước mặt có thể báo trước tương lai xa. Lời
ngôn sứ trong Isaia 40:3-5, “Trong sa mạc, hãy chuẩn bị con đường của Đức
Chúa,” tiên báo rằng Thiên Chúa sẽ đưa dân Ít-ra-en trở về sau khi lưu đầy ở
Babylon. Trong Tân Ước, Luca nói rằng lời ngôn sứ này là hình ảnh báo trước về
sự giáng lâm của Đức Kitô, và Gioan Tẩy Giả là người chuẩn bị con đường của Đức
Chúa (Lc 3:4).
Một số lời ngôn sứ được ứng nghiệm theo
các phương cách mà vị ngôn sứ không bao giờ hình dung được. Thí dụ, lời tiên
báo của Natan rằng nhà Đavít sẽ tồn tại muôn đời (2 Sm 7:16) được nhiều người
Ít-ra-en nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ phục hồi quyền lực trần thế cho dân Ít-ra-en.
Nhưng Thiên Chúa nghĩ đến những điều vĩ đại hơn nhiều. Luca 1:32-33 nhìn đến vương
quốc sẽ tồn tại muôn đời là vương quốc tinh thần của Chúa Giêsu Kitô. Các văn
sĩ Tân Ước, khi nhìn lại, họ có thể thấy những điều trong lời linh ứng của
Thiên Chúa thì không hiển nhiên đối với những người thời Cựu Ước.
Đọc Lời Ngôn Sứ
Khi đọc các lời ngôn sứ, một nguyên tắc
hướng dẫn cần nhớ: các ngôn sứ là những người rao giảng, không phải khoa học
gia, luật gia, hay thần học gia. Mục tiêu của họ là thúc đẩy dân chúng hành
động. Họ dùng mọi phương tiện mà người rao giảng sử dụng. Họ chú trọng đến sự
tưởng tượng. Họ dùng lối nói tượng hình: so sánh, ẩn dụ, dụ ngôn, cường điệu,
và vận dụng từ ngữ. Có lúc họ giảng giải sứ điệp của Thiên Chúa.
Hầu hết các sách ngôn sứ là những tài
liệu sưu tập bao gồm các bài giảng, bài thơ, đối thoại, và những ghi chép lịch sử.
Thời xưa người ta không có kỹ thuật để ghi nhận các tài liệu đó một cách chính
xác. Do đó chúng ta thấy mẩu này ráp với mảnh kia ở những thời điểm và nơi chốn
khác nhau. Một bài khiển trách dân chúng lỗi lầm lại được xếp gần với những lời
an ủi. Những thay đổi đột ngột như thế trong dòng tư tưởng có thể làm độc giả
chưng hửng. Những sách chú giải Kinh Thánh có thể hữu ích vì nó giải thích hoàn
cảnh lịch sử đằng sau mỗi lời ngôn sứ cũng như giải thích những chữ và câu khó
hiểu.
Sách I-sai-a (Isaiah)
Sách Isaia được sáng tác bởi một số tác
giả. Ba mươi chín chương đầu có nguồn gốc từ ngôn sứ Isaia, sứ vụ của ông đặt
trọng tâm ở Giêrusalem trong những năm 742-701 B.C. Isaia 1:1 nói rằng ông lên
tiếng “trong những ngày của Ugia, Giôtam, Aha và Hêgiêkien, các vua của Giuđa.”
“Những ngày” này là thời kỳ bất an, được đánh dấu bởi sự đe dọa tấn công thường
xuyên của người Átxiria. Khi người Átxiria chống với người Samaria năm 734
B.C., Aha liên minh với người Átxiria. Nhưng ông vua kế tiếp của Giuđa, là
Hêgiêkien, nổi lên chống với người Átxiria. Năm 701 B.C. đạo quân Átxiria vây
hãm thành Giêrulaem, nhưng họ phải quay đầu trở về bởi “sứ thần của Đức Chúa”
(Is 37:36), có lẽ là bệnh dịch hạch.
Nhiều bài nói và bài viết của Isaia có
thể truy nguồn từ các biến cố lịch sử này. Tuy nhiên, sự rao giảng của ông được
dựa trên thị kiến của ông về Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các
đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6:3). Trong
mọi hoàn cảnh, Isaia tin rằng chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa chí thánh. “Nếu
các ngươi không vững lòng tin, các ngươi sẽ không thể đứng vững” (Is 7:9).
Isaia không thấy hy vọng trong sự liên minh với Átxiria, Ai Cập, hay bất cứ
quốc gia nào khác. Thật vậy, dường như ông cổ vũ một lối sống đơn giản, tránh
xa chính trị và chiến tranh đương thời. Nhìn lại dĩ vãng, ông đã đúng. Giuđa
càng tìm cách chơi trò chính trị thì sau cùng càng bị lôi cuốn đến việc phải
đương đầu với người Babylon vào năm 587 B.C., rất lâu sau khi Isaia từ trần.
Các chương 24 -- 27 dường như là một sưu
tầm các sấm ngôn (lời tiên đoán) bởi một vài tác giả từ thời hậu lưu đầy. Các
chương 36 -- 39 là một phụ lục lịch sử phần lớn được lấy từ cuốn 2 sách Các Vua
18 -- 20. Các đoạn khác của Isaia 1 -- 39 có thể được sáng tác bởi các văn sĩ khác
nhau.
Hãy đọc Isaia 6:1-8 về
lời kêu gọi làm ngôn sứ. Hãy nhận xét việc nhấn mạnh đến sự thánh thiện và
quyền năng kinh khiếp của Thiên Chúa. Hãy đọc Isaia 7:10-16. Đoạn
này kể lại việc Isaia đảm bảo rằng Giuđa, dưới triều vua Aha, không phải sợ sự liên
minh của Ít-ra-en với Đamát. Nhưng đó là lời ngôn sứ có ý nghĩa sâu xa hơn,
được hiểu trong Phúc Âm Mátthêu là sự sinh hạ tinh tuyền của Đức Giêsu Kitô (Mt
1:22-23). Hãy đọc Isaia 11:1-11, một hình ảnh bình an và công bình
sẽ được đem đến bởi sự giáng lâm của một Mêsia, một trẻ thơ xuất hiện từ Giêsê
(cha của Vua Đavít).
Các chương 40 -- 55 của sách Isaia được
viết bởi một thi sĩ vĩ đại vào gần cuối thời Babylon giam cầm (587-539 B.C.)
Tác giả nhìn thấy Xirút, vua Ba Tư, là một người được xức dầu bởi Thiên Chúa để
giải thoát người Do Thái ở Babylon. Ông tin rằng một Thiên Chúa đích thực đang
điều khiển lịch sử nhân loại và sẽ đưa người Do Thái trở về quê quán: “Trong
hoang địa, hãy dọn đường của Đức Chúa!” (Is 40:3). Ông miêu tả Ít-ra-en như một
tôi tớ mà sự đau khổ của nó sẽ đem lại ơn cứu chuộc cho các dân tộc. Trong
những bài ca “Tôi Tớ Đau Khổ” này, thi sĩ báo trước một thực tại sâu xa hơn, đó
là ơn cứu độ được ban cho thế giới qua sự đau khổ và sự chết của Đức Giêsu
Kitô.
Hãy đọc Isaia 53, bài cuối trong
bốn bài ca Tôi Tớ Đau Khổ. Bạn có thể hiểu các câu này khi nối kết chúng với sự
thống khổ và cái chết của Đức Kitô. Lời tiên báo này chỉ được ứng nghiệm trong
Đức Giêsu.
Các chương 56 -- 66 gồm các bài thơ và
bài viết bởi các ngôn sứ vô danh, họ viết trong tinh thần của Isaia vào thế kỷ
thứ sáu B.C. Những chương này nói lên một hy vọng là mọi dân tộc có thể tìm
thấy ơn cứu độ và bình an trong Thiên Chúa của Ít-ra-en.
Hãy đọc Isaia 65:17-25 về
một thị kiến “trời mới và đất mới”, một hình ảnh bình an và trạng thái an toàn
có thể được thực hiện trọn vẹn trong đời sống mới ở thiên đường.
Các độc giả ngày nay có thể học hỏi được
nhiều từ sách Isaia. Chúng ta được dậy hãy cúi đầu trước sự thánh thiện của
Thiên Chúa. Chúng ta được lôi cuốn đến Đức Giêsu Kitô là Mêsia của chúng ta, là
Tôi Tớ Đau Khổ sẽ cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta được khích lệ hãy nhìn
đến Thiên Chúa như nguồn bình an và hy vọng cho thế giới.
Ngôn Sứ
Isaia - Tranh của Antonio Balestra
Sách Giêrêmia (Jeremiah)
Giêrêmia sinh trong một gia đình tư tế ở
Anathô, một thành phố nhỏ ở phía bắc Giêrusalem, khoảng 650 B.C. Ông được kêu
gọi làm ngôn sứ trong năm thứ mười ba thời Giôsia, 626 B.C. (Gr 1:2). Ông hỗ
trợ những cuộc cải cách tôn giáo dưới thời Giôsia và được hưởng những năm phồn
thịnh của triều vua vĩ đại này. Nhưng người dân Giuđa bị vướng mắc trong cuộc
xung đột giữa Ai Cập và Babylon, và Giôsia bị giết trong cuộc chiến năm 609
B.C. Giêrêmia nhìn thấy sự khờ dại khi đứng về phía các phe và sự tuyệt vọng
khi giao chiến với Babylon. Ông lên tiếng chống đối những người kế vị độc ác
của Giôsia, nhất là Giêhôakim (609-598 B.C.)
Điều này khiến Giêrêmia bị bách hại từ
mọi phía. Bà con của ông âm mưu chống đối ông (Gr 11:18 -- 12:6). Ông bị đánh
đòn và cầm tù (Gr 20:1-2). Ông sống qua giai đoạn Giêrusalem bị Babylon vây hãm
lần đầu tiên năm 597 B.C. Trong thời kỳ vây hãm lần thứ hai, ông bị bắt như một
kẻ phản quốc và bị bỏ vào một cái giếng khô để chết dần. Ông được cứu và, sau
khi Giêrusalem bị phá hủy năm 587 B.C., ông được người Babylon cho ở lại thành
này. Tuy nhiên, về sau ông bị đưa sang Ai Cập bởi những người Do Thái đã ám sát
tổng đốc mà người Babylon để lại. Truyền thuyết nói rằng Giêrêmia bị giết ở Ai
Cập bởi chính dân của mình.
Giêrêmia bị đau khổ nhiều, và ông bày tỏ
sự đau đớn ấy trong những đoạn được gọi là lời tự thú của Giêrêmia (11:18 --
12:6; 15:10-21; 17:14-18; 18:18-23; 20:7-18). Ông cay đắng than trách Thiên
Chúa vì số phận của mình nhưng ông cảm thấy bị thôi thúc phải tiếp tục sứ mệnh
của ông bất kể sự chống đối ông gặp. Trong toàn thể sách này, có nhiều chi tiết
tiểu sử về Giêrêmia, và chúng ta biết nhiều về ông hơn bất cứ ngôn sứ nào khác.
Sách Giêrêmia là một trong những cuốn
dài nhất trong Kinh Thánh. Phần lớn cuốn sách được ngôn sứ này đọc cho người
thư ký, Barúch, chép lại (36:32). Nhưng phần này và các phần khác của sách thì
bị tách rời cách nào đó và được ráp lại bởi các người biên soạn sau thời Lưu
Đầy khá lâu. Các sấm ngôn và lời giảng từ nhiều giai đoạn khác nhau cũng bị lẫn
lộn và được xếp không theo thứ tự. Hậu quả là việc nghiên cứu có thể khó khăn,
và độc giả được khuyên hãy tham khảo sự chú giải hay chú thích Kinh Thánh để có
thể hiểu các bài giảng trong khung cảnh lịch sử thích hợp.
Giêrêmia công bố sự trung tín của Thiên
Chúa với dân Giuđa. Ông tấn công sự bất trung của họ và cảnh cáo họ về hình
phạt khủng khiếp vì tội của họ. Nhưng khi hình phạt xảy ra và Giêrusalem bị phá
hủy, Giêrêmia nói lên hy vọng về một Giao Ước Mới từ Thiên Chúa, đấng đã nói
với dân chúng, “Ta yêu thương ngươi với một tình yêu bất diệt” (31:3).
Hãy đọc Giêrêmia 20:1-18 gồm
cả lời tự thú sau cùng của Giêrêmia. Vị ngôn sứ này gào thét trong đau khổ, và
ông dao động giữa hy vọng và tuyệt vọng, ông muốn giữ im lặng, nhưng lại bị
thôi thúc lên tiếng. Hãy đọc Giêrêmia 32:26-35 về một cảnh cáo
hủy diệt Giêrusalem trước mắt. Hãy đọc Giêrêmia 31:31-34 về
lời hứa tốt đẹp của Giao Ước Mới.
Giêrêmia dậy chúng ta các nhân đức trung
tín và kiên trì. Ông cho thấy một dân tộc vĩ đại có thể cảm nghiệm những giây
phút tuyệt vọng và chia sẻ tâm tình của họ cách thành thật với Thiên Chúa. Cuộc
đời Giêrêmia, với sự đau khổ và bách hại, báo trước cuộc đời của Đức Kitô và
dậy chúng ta hãy chịu đựng đau khổ cách can đảm. Giêrêmia nhắc nhở chúng ta
rằng ngay cả những lúc tệ hại nhất vẫn có niềm hy vọng, vì Thiên Chúa luôn luôn
trung tín.
Ngôn Sứ
Giêrêmia
Sách Ai Ca (Lamentations)
Sách này là một sưu tầm năm bài thơ than
thở về sự phá hủy thành Giêrusalem. Sách được viết trong thời Lưu Đầy ở Babylon
bởi một hay nhiều tác giả vô danh, là người chứng kiến việc phá hủy Giêrusalem.
Năm bài thơ này là những thổ lộ thương tiếc cay đắng nhưng được thận trọng sáng
tác. Bốn bài đầu theo thể thơ chữ đầu: Mỗi câu bắt đầu bằng một chữ nối tiếp
nhau trong mẫu tự tiếng Hebrew.
Sách Ai Ca phản ánh sự hiểu biết thần
học thời bấy giờ, có thể nói, Thiên Chúa gây ra sự phá hủy Giêrusalem như một
hình phạt vì tội lỗi. Ngày nay, chúng ta sẽ nói rằng tội lỗi con người đưa đến
điều không thể tránh là việc phá hủy thành Giêrusalem và Thiên Chúa cho phép
điều này xảy ra. Nhưng sách Ai Ca nhận biết rằng sự thất bại của người Do Thái
không phải là sự thất bại của Thiên Chúa. Sách này đem lại niềm hy vọng cho
những người sống sót bởi vì qua sự sám hối và hy vọng vào Thiên Chúa, Ít-ra-en
có thể tồn tại.
Hãy đọc Ai Ca 2:8-13 để
cảm nhận sự phá hủy khủng khiếp của Giêrusalem. Hãy đọc Ai Ca 3:17-33 để
thấy tia hy vọng giữa hoạn nạn.
Ngày nay chúng ta đọc Ai Ca để thấy hình
ảnh sống động của sự đau khổ gây ra bởi chiến tranh. Chúng ta học được từ các
thi sĩ này sự quan trọng của việc bày tỏ sự đau buồn. Chúng ta tìm thấy lý do
để hy vọng rằng Thiên Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi mọi hoạn nạn.
NHỮNG CÂU TRẮC NGHIỆM
Trả Lời &
Câu Hỏi
Ý nghĩa căn bản của
ngôn sứ trong Cựu Ước là người (a) tiên đoán tương lai; (b) phê bình xã hội;
(c) cầu nguyện; (d) nói thay cho Thiên Chúa.
Một số ngôn sứ Cựu Ước
tiên báo về sự ngự đến của một “Mêsia”, có nghĩa (a) người được xức dầu; (b)
ngôn sứ; (c) người lính; (d) thời đại mới.
Trong hoạch định của
Thiên Chúa, các thông điệp của ngôn sứ về tương lai trước mắt có thể báo trước
một tương lai xa.
Các ngôn sứ, chính yếu
là (a) luật gia; (b) người rao giảng; (c) khoa học gia; (d) thần học gia.
Ba mươi chín chương
đầu của sách Isaia xuất xứ từ ngôn sứ Isaia, mà tác vụ của ông có trọng tâm ở
Giêrusalem trong những năm 742-701 B.C.
Trong thời của
Isaia, đạo quân Babylon xâm chiếm Samaria và bao vây Giêrusalem.
Trong sách Isaia, những
chủ đề sau đây được tìm thấy: (a) sự thánh thiện của Thiên Chúa; (b) Tôi Tớ Đau
Khổ; (c) trời mới và đất mới; (c) a và b; (d) a, b, và c.
Khi Thiên Chúa yêu cầu
ai đó lên tiếng như một đại diện, Isaia, cũng như Môsê, xin Thiên Chúa sai một
người nào khác (Is 6:1-8).
Khi vua Ahaz từ chối
không tin lời Thiên Chúa hứa giải thoát Giuđa khỏi tay người Assyria, Isaia đã
đưa ra một dấu hiệu, đó là (a) cây kiếm; (b) con chiên; (c) ngôi sao; (d) đứa
trẻ (Is 7:10-16).
Suy nghĩ những câu
sau:
1) Hình ảnh biểu tượng
cho hòa bình trong Isaia 11:1-11 bao gồm sự hòa hợp, ngay cả giữa các con thú
như sói và chiên.
2) Bài ca “Tôi Tớ
Đau Khổ” trong Isaia 40 -- 55 tiên báo sự cứu độ ban cho thế giới qua sự đau khổ
và sự chết của Đức Giêsu Kitô.
Trong những câu này:
(a) cả hai đều đúng; (b) cả hai đều sai; (c) câu 1 thì sai; (d) câu 1 đúng, câu
2 sai.
Trong thị kiến “trời
mới và đất mới” trong Isaia 65:17-25, những ai sống đến một trăm tuổi sẽ được
vinh danh là già và khôn ngoan.
Ngôn sứ Giêrêmia là
người cùng thời với Isaia và thi hành sứ vụ trước khi Samarai sụp đổ năm 721
B.C.
Giêrêmia được kính
trọng bởi các vua của Giuđa, nhất là vua Giêhôakim, vì ông là một ngôn sứ đích
thật.
Cuộc sống riêng tư của
Giêrêmia có thể được tóm lược đúng nhất là một người (a) được vinh dự; (b) đau
khổ; (c) chiến thắng; (d) dễ dãi.
Hãy suy nghĩ những
câu sau:
1. Giêrêmia ở
Giêrusalem khi người Babylon chiếm thành này năm 597 B.C. và khi họ tiêu hủy
thành vào năm 587 B.C.
2. Ngay cả khi
Giêrêmia bị đánh đòn và bị bỏ xuống giếng khô, ông vẫn vui vì Thiên Chúa đã gọi
ông là một ngôn sứ (Giêr 20:1-18).
3. Thiên Chúa cho
Giêrêmia biết rằng Giêrusalem sẽ bị xâm lăng và thiêu đốt bởi Nêbuchétnigia,
vua của Babylon (Giêr 32:26-35).
4. Qua Giêrêmia,
Thiên Chúa hứa một giao ước như giao ước được thực hiện sau khi người Hebrew từ
giã Ai Cập (Giêr 31:31-34).
Trong các câu này,
(a) 1 và 2 thì sai; (b) 2 và 3 thì sai; (c) 1 và 3 thì sai; (d) 2 và 4 thì sai;
(e) tất cả đều sai.
Suy nghĩ những câu
sau:
1. Sách Ai Ca nhìn
thấy người Babylon đánh bại Giêrusalem như một sự bại trận của Thiên Chúa và,
vì thế, họ kêu gọi Thiên Chúa hãy trả thù.
2. Vì sự hủy diệt hầu
như hoàn toàn của Giêrusalem, tác giả sách Ai Ca không thể bày tỏ niềm hy vọng
vào tương lai (Ac 2:8-13; Ac 3:17-33).
Trong những câu này,
(a) cả hai đều sai; (b) 1 thì sai, 2 thì đúng; (c) 1 thì đúng, 2 thì sai; (d) cả
hai đều đúng.
Còn tiếp ...
https://www.nguoitinhuu.org/sachtruyen/CatholicGuideBible/ch08.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét