Trang

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

12 KINH THÁNH: MỘT CUỐN SÁCH CHO ĐỜI SỐNG

 

Lm. Oscar Lukefahr C.M. - Dịch giả: Pt. Giuse Trần Văn Nhật

 

12 KINH THÁNH: MỘT CUỐN SÁCH CHO ĐỜI SỐNG

Người tín hữu mỉm cười với Chúa Giêsu và nói, “Con rất thích cuốn sách của Ngài, nhưng có một vài vấn đề con vẫn không hiểu.” Chúa nói, “Con hỏi đi. Con biết là vấn đề thì không bao giờ cùng.”

“Trước hết, tại sao Ngài lại im lặng thật lâu trước khi ngỏ lời với ông Abraham? Người ta đã sống trên mặt đất này cả hàng trăm ngàn năm trước khi có ông ấy. Và tại sao Ngài chỉ nói với dân Do Thái?” Chúa Giêsu nói, “Sự thật thì ta không im lặng cho đến khi có Abraham và ta cũng không chỉ nói với dân Do Thái. Chỉ vì họ đã lắng nghe. Nhiều điều đã có thể tốt đẹp hơn nếu có thêm nhiều người hành động giống như vậy.”

Người tín hữu trầm ngâm suy nghĩ về những lời của Chúa Giêsu trong giây lát, sau đó lại lên tiếng. “Một điều khác con không hiểu là tại sao trong Kinh Thánh có những chỗ thật đẹp -- tỉ như, con yêu thích những gì Ngài nói trong Gioan 17 -- nhưng thật tệ hại ở những chỗ khác… chiến tranh, phản bội, hoang mang, đau lòng. Từ việc Cain giết Aben trong cuốn đầu tiên cho đến sự bách hại trong cuốn sau cùng, có quá nhiều sự dữ.” “Điều đó đúng,” Chúa Giêsu nhìn nhận, “vì đó là tình trạng của con người. Ngay từ đầu, con người đã được ban cho món quà là sự tự do. Ta không bao giờ lấy lại quà tặng ấy. Vì thế ta chỉ có thể mời gọi và yêu thương và giảng dạy trong những phương cách mà nó cho phép con người được tự do nói lời vâng phục hay từ chối sự thiện hảo của Thiên Chúa. Kinh Thánh thuật lại tình yêu và lời mời của ta. Nó cho thấy sự tốt lành và tình yêu chạm đến đời sống con người khi họ vâng phục. Nó cũng cho thấy những hậu quả khủng khiếp khi họ từ chối.”

Người tín hữu cả quyết, “Nhưng quá nhiều sự dữ. Hầu như mọi trang trong Kinh Thánh đều thấy sự dữ. Sao vậy Chúa?” “Tự do, tự do, và tự do,” Chúa Giêsu đáp lại, “Không có sự tự do, người ta không phải là loài người. Thật đúng là không có tự do người ta không thể chọn sự dữ. Nhưng cũng đúng là không có tự do, không ai có thể chọn sự thiện hay tình yêu hay họ vui thích tâm đầu ý hiệp với người khác và với Thiên Chúa, đó là nỗ lực lớn lao nhất của con người. Đúng, có sự dữ, nhưng Kinh Thánh cho thấy sự dữ không thể thắng được sự thiện hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm ra sự dữ, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng liều ban cho con người sự tự do làm sự dữ để họ có thể tự do làm điều thiện. Một hành động thuần túy tình yêu thì vượt trên mọi sự dữ trong vũ trụ. Hãy nhớ những lời Phaolô nói rằng không có gì, ngay cả sự chết, có thể tách biệt con khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và ta nhắc nhở con rằng sự Phục Sinh của ta đã minh chứng điều này từ lâu trước khi Phaolô viết trong Rôma chương 8!”

Người tín hữu chắc phải đỏ mặt nếu điều này có thể xảy ra trong một thân xác có thần khí. Sau một hồi lâu im lặng… “Chúa ơi, một câu hỏi nữa và sau đó con sẽ thinh lặng. Tại sao Kinh Thánh gây ra nhiều tranh luận và quá nhiều mơ hồ? Sao Ngài lại để cho chính những lời của Ngài trong Tân Ước có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau?” “Để ta hỏi con một câu,” Chúa Giêsu nói. “Hiện giờ con có thể thấy vũ trụ trong thân xác mới có thần khí của con, con nghĩ gì về điều đó?” “Thật lộng lẫy,” Người tín hữu  đáp, “hàng tỉ ngôi sao, hàng tỉ ngân hà. Con sẽ cần đời đời để có thể thưởng lãm hết.” “Đúng vậy,” Chúa Giêsu nói, “và ngay cả sức mạnh lớn lao nhất của con người thì cũng không thể làm nổi một ngôi sao nhỏ bé! Sự hiểu biết và tình yêu của Thiên Chúa thì giống như vũ trụ mênh mông vượt quá sức tưởng tượng của con người. Ngay cả sự thông minh nhất của loài người cũng chỉ có thể lĩnh hội được một phần nhỏ bé nhất của sự khôn ngoan của Thiên Chúa, họ chỉ có được chút kiến thức như giọt nước li ti trong đại dương kiến thức của Thiên Chúa. Phải chi người ta có thể ngưỡng mộ chút kiến thức li ti ấy với sự tôn kính và khiêm nhường. Phải chi họ có thể kềm hãm đừng tìm cách tự cho mình là chân lý. Phải chi họ có thể chống lại những cám dỗ ưa xét đoán, chỉ trích, và tấn công người khác. Phải chi họ nhớ rằng ta đã sai Thánh Thần đến để dạy bảo và dẫn dắt họ qua Giáo Hội. Nếu như thế, Kinh Thánh sẽ là một nguồn khôn ngoan và hợp nhất cho mọi người. Như con sẽ khám phá ra, những người sống ở đây đã học được các bài học này. Đó là một trong những lý do nơi đây được gọi là thiên đường!”



 

Kinh Thánh: Lời Chúa cho Thế Gian

Sẽ có một ngày khi mọi thắc mắc sẽ được trả lời. Nhưng bây giờ, chúng ta phải hết sức học hỏi những gì có thể với sự can đảm, nhiệt huyết, và khiêm nhường. Kinh Thánh là cách Thiên Chúa nói với chúng ta là con cái yêu dấu của Người. Nó có tất cả những điều cao quý, khôn ngoan, và tình yêu mà chúng ta có thể dự phần vì nó đến từ Thiên Chúa. Nhưng vì nó đến qua con người, nó cũng có những giới hạn. Tuy nhiên, những điều này không làm chúng ta đui mù không thấy được sự cao quý, khôn ngoan, và tình yêu.

Vì Thiên Chúa muốn, qua Kinh Thánh, toàn thể nhân loại “biết được chân lý” (1 Tim 2:4). Chúng ta đã thấy Kinh Thánh trả lời hầu hết những câu hỏi căn bản mà loài người đang đối diện. Những câu hỏi như:

1.   “Có Thiên Chúa không?” Chắc chắn, không hồ nghi gì! Kinh Thánh giúp chúng ta nhận biết rằng mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, phải xuất phát từ một Tạo Hóa toàn năng, hay từ hư không. Nó cho thấy Thiên Chúa là Nguồn của tất cả những gì hiện hữu. Kinh Thánh mở ra cho chúng ta biết Thiên Chúa là một cộng đồng yêu thương gồm ba Ngôi -- Cha, Con, và Thánh Thần -- Người khao khát thu hút chúng ta vào gia đình tình yêu của Người.

2.   “Đời sống có ý nghĩa và mục đích không?” Chắc chắn có! Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Thiên Chúa ban sự sống cho loài người để chúng ta có thể biết đến Thiên Chúa, bước đi với Thiên Chúa trong khu vườn là trái đất này (St 3:8), để cảm nghiệm được tình yêu, sự hiểu biết, và tình yêu của Thiên Chúa, và để sử dụng sự tự do cách tốt đẹp để khuôn đúc trái đất này theo như ý định của Thiên Chúa. Đời sống ở đây là một hành trình, khởi đầu với sự sinh hạ, và qua sự chết nó dẫn đến sự kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa, vì sự chết lấy đi những giới hạn của chúng ta và đưa chúng ta đến những khả năng trọn vẹn về kiến thức và tình yêu. Sự kết hợp với Thiên Chúa phải là ý định và mục đích của chúng ta.

3.   “Vậy tại sao nhiều khi đời sống quá đau khổ? Tại sao có quá nhiều sự dữ, tội lỗi, và buồn phiền?” Vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta với sự tự do để yêu thương và vì thế tự do để vâng theo hay chối từ. Sự dữ là một trong những vấn đề khó khăn nhất chúng ta đối diện, và vì thế không dễ trả lời. Câu chuyện của Adong và Evà cho thấy loài người đã lạm dụng sự tự do khi phạm tội, khi từ chối Thiên Chúa thay vì chấp nhận định nghĩa của Thiên Chúa về sự thiện và sự dữ. Phần còn lại của Kinh Thánh đề cập đến những hậu quả của tội.

4.   “Tội có làm cho đời sống không thể chịu nổi và sự thất bại là điều không thể tránh?” Không đâu! Trong khi loài người quá thường xuyên chối từ Thiên Chúa, Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ chúng ta. Vì tình yêu, Thiên Chúa tìm đến chúng ta, như được thấy trong từng trang Kinh Thánh, trong sự mỹ miều của thiên nhiên, trong từng sự chúc lành mà mỗi người cảm nghiệm, trong những giây phút cầu nguyện và thờ phượng, trong sự giảng dạy của các vị lãnh đạo tinh thần, và trong đời sống tốt lành của những người sống theo đường lối của Thiên Chúa. Trên hết, Thiên Chúa chấp nhận chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Chúa Giêsu thực sự đã đi vào tình trạng con người và gánh chịu những gì chúng ta phải gánh chịu, ngay cả sự đau khổ và sự chết, để như thế chúng ta không cô đơn. Chúng ta nhìn nhận thực tại của sự dữ, nhưng với Chúa Giêsu ở bên cạnh, chúng ta biết là chúng ta có thể chiến thắng mọi sự dữ, ngay cả sự chết.

5.   “Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc và bình an đích thực?” Bởi chấp nhận Đức Kitô Giêsu, bởi sống theo các hướng dẫn Người đã đưa ra, bởi nhận biết sự hiện diện không ngừng của Người trong Giáo Hội, và bởi trở nên một phần của sự hiện diện đó. Làm thế nào chúng ta thi hành điều này? Dĩ nhiên, điều đó càng rõ hơn khi chúng ta biết Kinh Thánh nhiều hơn và càng trở nên giống Chúa Kitô hơn. Vì qua Kinh Thánh và Giáo Hội mà Chúa Kitô đã dạy chúng ta và chia sẻ với chúng ta đời sống và tình yêu của Người. Sống phúc âm và sống như phần tử của Giáo Hội phải là một nỗ lực cả đời, là thách đố lớn lao nhất mà loài người chúng ta phải đối diện và cũng là công việc cao quý nhất của con người.

6.   “Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?” Chúng ta được sinh vào sự sống mới! Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô Giêsu và sống theo lời Người, chúng ta được kết hợp trong sự sống, sự chết, và sự Phục Sinh của Người theo một phương cách mà sự chết trở nên sự sinh hạ vào sự sống đời đời. Trong tâm hồn, chúng ta khao khát điều gì đó mà thế gian không thể cung cấp. Đó là vì chúng ta được dựng nên cho Thiên Chúa, và tâm hồn chúng ta không ngừng thao thức cho đến khi được nghỉ yên trong Thiên Chúa. Sự nghỉ yên trong Chúa sẽ đưa chúng ta đến Nguồn hiểu biết và tình yêu, và vì thế sự sống đời đời sẽ đem lại mọi sự mà chúng ta khao khát. Chúng ta sẽ có hạnh phúc, an toàn, và bình an mà đó là hy vọng khi ở trái đất này. Chúng ta sẽ có sự hiệp nhất yêu thương với Thiên Chúa và với nhau mà hiện giờ thật khó có được. Từ trang đầu tiên của Kinh Thánh cho đến trang cuối cùng, Thiên Chúa đảm bảo với chúng ta rằng những gì chúng ta cần và ao ước thì sẽ thuộc về chúng ta.

“Từ nguyên thủy khi Thiên Chúa dựng nên trời và đất” (St 1:1). Thiên Chúa hoạch định rằng con người phải được vui hưởng sự hiểu biết và tình yêu của Thiên Chúa. Cuối cùng, những ai vâng lời Thiên Chúa, nhờ sự tốt lành của Thiên Chúa, ơn sủng của Chúa Giêsu Kitô, và tình yêu của Chúa Thánh Thần, sẽ có “trời mới đất mới… căn nhà của Thiên Chúa giữa loài người. Người sẽ cư ngụ với họ như Thiên Chúa của họ; họ sẽ là dân của Người, và chính Người sẽ ở với họ” (Kh 21:1,3).


 

Kinh Thánh, Truyền Thống, và Giáo Hội

Người Công Giáo tin Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Kinh Thánh là một món quà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội để được trân quý và sử dụng. Những câu trả lời cho các câu hỏi căn bản nhất trong đời sống thì có thể tìm thấy trong Kinh Thánh.

Nhưng cũng có nhiều thắc mắc không được trả lời trong Kinh Thánh. Người Công Giáo tin rằng câu trả lời cho những thắc mắc này có thể được tìm thấy trong Truyền Thống của Giáo Hội, vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tiết lộ chân lý qua Truyền Thống thánh cũng như qua Kinh Thánh.

Ở đây, có thể chúng ta bị thách đố bởi những người cho rằng Kitô Hữu phải tin những gì trong Kinh Thánh mà thôi. Tuy nhiên, quả quyết này trái ngược với chính Kinh Thánh, vì Kinh Thánh đưa ra nhiều chứng cớ về sự hiện hữu của Truyền Thống thánh.

Phúc Âm Gioan kết thúc với khẳng định, “Nhưng còn nhiều điều mà Đức Giêsu đã làm; nếu mọi điều được viết xuống, tôi nghĩ rằng cả thế giới không chứa nổi các cuốn sách được viết ra” (Ga 21:25). Hiển nhiên, Kinh Thánh không chứa đựng tất cả những chân lý được Thiên Chúa tiết lộ.

Kinh Thánh nhìn nhận có các truyền thống được truyền lại qua lời giảng dạy cũng như qua Kinh Thánh. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Thêxalônica: “…hãy đứng vững và nắm vững các truyền thống mà chúng tôi dạy bảo anh chị em, bằng lời cửa miệng hay bằng chữ trong thư của chúng tôi” (2 Thê 2:15).

Chúa Giêsu đã hứa sẽ tiếp tục nói qua các môn đệ của Người, “Ai lắng nghe anh em là lắng nghe ta” (Lc 10:16). Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ rao giảng lời của Chúa và bổ nhiệm những người khác để giảng dạy giống như họ. Sách Tân Ước cho biết đây là mệnh lệnh ông Phaolô nói với Timôthê: “Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người cũng có khả năng dạy bảo người khác” (2 Tim 2:2). Truyền Thống thánh là sự giảng dậy của Chúa Kitô qua các vị lãnh đạo Giáo Hội mà Người hướng dẫn và điều khiển.

Chúa Giêsu đã hứa sai Thánh Thần đến để dẫn dắt Giáo Hội đến chân lý: “Khi Thánh Thần sự thật đến, Người sẽ dẫn dắt anh em đến sự thật trọn vẹn” (Ga 16:13). Sự hướng dẫn đó thì cần thiết nếu chúng ta áp dụng các nguyên tắc kinh thánh vào các vấn nạn ngày nay.

Nếu hỏi, “Đâu là trụ cột và tường thành của chân lý?” những ai từ chối Truyền Thống thánh sẽ trả lời, “Dĩ nhiên là Kinh Thánh.” Nhưng đó không phải là điều Kinh Thánh nói! Kinh Thánh tuyên bố rằng Giáo Hội là “trụ cột và tường thành của chân lý” (1 Tim 3:15).

Dĩ nhiên, Giáo Hội có trước Kinh Thánh, và điều này chứng tỏ rằng có sự mặc khải của Thiên Chúa không được tìm thấy trong Kinh Thánh. Các Kitô Hữu tiên khởi không có Tân Ước. Nếu mọi giảng dạy phải rút ra từ Kinh Thánh, Giáo Hội tiên khởi không có gì nhiều để dạy bảo. Hơn nữa, các công đồng trong Giáo Hội quyết định sách nào phải được đưa vào bộ Kinh Thánh. Nếu không có Truyền Thống thánh, không cách chi biết được sách nào thuộc về Kinh Thánh và sách nào không. Không có Truyền Thống thánh, không thể có Kinh Thánh.

Lịch sử đem lại một chứng cớ khác về sự cần thiết của Truyền Thống thánh. Một trong những nguyên tắc được dạy bảo bởi những người tách rời khỏi Giáo Hội trong thế kỷ mười sáu là “chỉ có Kinh Thánh”. Đây là một nhận định rằng Thiên Chúa tiết lộ chân lý cho từng người mà không cần Truyền Thống thánh hay Giáo Hội để dẫn giải hay làm sáng tỏ những gì Kinh Thánh dạy. Nhưng lịch sử cho thấy đây không phải là cách Thiên Chúa hành động, vì nó đưa đến hậu quả là hàng ngàn giáo phái được thành hình, mỗi giáo phái có một loại chân lý riêng. Nếu Thiên Chúa dẫn dắt từng người đến chân lý, mọi người sẽ phải tin cùng một điều. Chúa Giêsu không hứa là mỗi người có thể tìm thấy chân lý mà không cần đến Giáo Hội. Thay vào đó, Chúa Giêsu thiết lập một Giáo Hội và hứa rằng các cửa Hỏa Ngục không thể thắng nổi Giáo Hội ấy (Mt 16). Người Công Giáo ngày nay tin những gì mà Kitô Hữu tiên khởi tin về bí tích Thánh Thể và các giáo lý căn bản khác. Điều này xảy ra vì họ được hướng dẫn bởi sự mặc khải của Thiên Chúa trong Truyền Thống thánh, bởi Giáo Hội của Chúa Kitô, thay vì bởi ý thích của một số người hay bởi trào lưu luôn thay đổi của thế gian.

Sau cùng, không có đoạn nào trong Kinh Thánh nói rằng Kinh Thánh là nguồn mặc khải duy nhất của Thiên Chúa. Vì thế, bất cứ ai cho rằng chúng ta chỉ phải tin những gì tìm thấy trong Kinh Thánh thì họ đang yêu cầu chúng ta hãy tin vào những gì không có trong Kinh Thánh!

Truyền Thống thánh và Kinh Thánh thì không trái ngược nhau. Hầu hết các giáo lý về đức tin của chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh Thánh. Tất cả những tín điều của Công Giáo thì hài hòa với Kinh Thánh. Một số, như giáo lý về Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, được dạy bảo một cách gián tiếp trong Kinh Thánh và được mặc khải rõ hơn bởi Thiên Chúa cho Giáo Hội qua sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Vậy, người Công Giáo chúng ta tùy thuộc vào cả hai: Kinh Thánh và Truyền Thống thánh. Chúng ta thực hành điều này dựa vào thẩm quyền của chính Kinh Thánh!

Giải Thích Kinh Thánh Qua Truyền Thống của Giáo Hội

Truyền Thống thánh của Giáo Hội giúp người Công Giáo hiểu và giải thích Kinh Thánh. Phương cách người Công Giáo tiếp cận Kinh Thánh và Truyền Thống có thể được thấy trong vấn đề “anh chị em” của Đức Giêsu và vấn đề sự trinh khiết trọn đời của Đức Maria.

Tân Ước đề cập đến “anh chị em” của Đức Giêsu (Mt 13:56-57). Nhưng Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Đức Giêsu không có anh chị em ruột và Đức Maria, mẹ của Người, luôn luôn trinh khiết. Các chân lý này có xuất xứ từ Kinh Thánh và từ Truyền Thống thánh.

Trong thời Kinh Thánh, cũng như bây giờ, “anh chị em” có thể được dùng trong nhiều cách. Khi chúng ta nghe diễn giả nói với cử tọa là “anh chị em”, chúng ta cho rằng những chữ này không ám chỉ bà con ruột thịt nhưng bạn hữu hay phần tử của một quốc gia, nhóm, hay sắc tộc. Trong thời Cựu Ước, “anh chị em” có thể ám chỉ các thành viên của cùng một chi tộc (Tl 15:12) hay giống nòi (Tl 23:7), hay các cháu (St 13:8) hay anh em họ (Lv 10:4), hay bà con nói chung (2 Cv 10:13).

Tân Ước không bao giờ nói về những người con khác của Đức Maria, vì thế không thể nào dùng Kinh Thánh để minh chứng rằng Đức Giêsu có anh chị em ruột. Đàng khác, có nhiều đoạn cho thấy Người không có anh chị em ruột.

Hai người được gọi là anh em của Đức Giêsu, là Giacôbê và Giuse (Mt 13:56-57), sau này được biết là các con trai của một phụ nữ khác, có lẽ em của Đức Maria (Mt 27:56). Nếu Đức Maria có những con khác, có lẽ họ đã được nhắc đến trong tường thuật cuộc hành hương lên Đền Thờ khi Đức Giêsu mười hai tuổi. Nếu Đức Maria có các con khác, thật khó để giải thích tại sao, khi trên thập giá, Đức Giêsu lại trao Đức Maria cho người môn đệ chăm sóc. “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà.’ Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:26-27). Giao phó Đức Maria cho người môn đệ sẽ không có ý nghĩa nếu Đức Maria có các con khác.

Chữ anh em để chỉ những người theo Đức Giêsu được dùng trong Tân Ước hơn một trăm lần. Thí dụ, Đức Giêsu phục sinh yêu cầu bà Maria Mácđala hãy “đến gặp anh em của ta.” Bà Maria này “đi và loan báo cho các môn đệ, ‘Tôi đã được thấy Chúa’” (Ga 20:17-18). Đức Giêsu nói rằng những ai thi hành thánh ý của Chúa Cha là anh em của Người (Lc 8:21).

Một số người lý luận rằng Luca 2:7, nói về Đức Giêsu là “con trai đầu lòng” của Đức Maria, có nghĩa Đức Maria phải có những đứa con sau Đức Giêsu. Nhưng “con đầu lòng” là một từ luật pháp đối với người Do Thái: “con đầu lòng” phải được dâng vào Đền Thờ, như Đức Giêsu đã trải qua (Luca 2:22; xem Xuất Hành 13:2). “Con đầu lòng” không ám chỉ các con khác. Một dòng chữ khắc trên mộ của một phụ nữ Do Thái ở Ai Cập nói rằng bà này chết “khi sinh con trai đầu lòng.”

Các văn gia Kitô Hữu tiên khởi đồng ý rằng Đức Giêsu không có anh chị em ruột và Đức Maria vẫn là một trinh nữ. T. Giêrôm (345-420) viết “Inhaxiô, Pôlicáp, Irênê, Justin Tử Đạo và các học giả khác từ thời tông đồ” chứng thực sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria. Các văn gia này không có lý do để khẳng định rằng Đức Giêsu là con duy nhất nếu Người không phải là con duy nhất!

Sự giảng dậy của Công Giáo có từ thời tiên khởi của Giáo Hội và là một niềm tin không thay đổi trong gần hai ngàn năm. Vì Chúa Thánh Thần dẫn dắt Giáo Hội, chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần dẫn dắt tín hữu đến sự kiện là Đức Maria trọn đời trinh khiết.

Sự kiện này hướng đến tính cách độc đáo của Đức Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng Đức Maria là một trinh nữ khi người mang thai Đức Kitô bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (Lc 1:31-35). Truyền thống của Giáo Hội dạy rằng Đức Maria vẫn là một trinh nữ. Tại sao? Vì người và ông Giuse đã chứng kiến sự thụ thai và sinh hạ của Đức Giêsu. Họ nhận ra rằng Thiên Chúa đã giao phó cho họ một kho tàng quý báu nhất trong lịch sử nhân loại, là Con duy nhất của Thiên Chúa. Họ hiểu rằng nhiệm vụ của họ trong đời này là nuôi dưỡng và bảo vệ đấng Cứu Chuộc giống người. Nhiều năm sau, Đức Giêsu nói về những người từ chối hôn nhân “vì nước trời” (Mt 19:12). Không ngạc nhiên là khi Đức Maria và ông Giuse đã từ bỏ quyền có con của mình để tận hiến cuộc đời cho sự chăm sóc Con của Thiên Chúa.

Sự tin tưởng của Giáo Hội vào sự trọn đời trinh khiết của Đức Maria thì quan trọng bởi vì những gì nói về Đức Giêsu và về chúng ta. Sự kiện Đức Giêsu là con độc nhất của Đức Maria nhấn mạnh đến sự độc đáo của Người là Con Thiên Chúa. Sự kiện Đức Giêsu là con độc nhất của Đức Maria đưa đến kết quả là một tương quan đặc biệt giữa Đức Maria và chúng ta. Vì chúng ta là Thân Thể của Chúa Kitô (1 Cr 12:27), Đức Maria là mẹ của chúng ta, và người yêu thương chúng ta với cùng một tình mẫu tử như với Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với chúng ta như với môn đệ yêu dấu, “Đây là mẹ của con.”

Các sự kiện này, có nguồn gốc trong Kinh Thánh và được sáng tỏ bởi Truyền Thống thánh của Giáo Hội, giúp chúng ta nhìn đến Đức Kitô trong ánh sáng rõ ràng nhất có thể. Chúng giúp chúng ta biết Đức Maria là Mẹ Trinh Khiết của Chúa Giêsu và là Mẹ Trinh Khiết của chúng ta. Các tin tưởng này, thật xưa như Tân Ước, đã phong phú hóa bao thế hệ người Công Giáo.

Áp Dụng sự Giảng Dậy Kinh Thánh vào Các Vấn Nạn Thời Đại

Truyền Thống thánh của Giáo Hội và sự giảng dậy chính thức của Giáo Hội còn giúp người Công Giáo áp dụng những giảng dạy Kinh Thánh vào các vấn nạn ngày nay. Một thí du là vấn đề phá thai.

Một số Kitô Hữu lý luận rằng sự phá thai thì được chấp nhận về luân lý và nói rằng sự phá thai là điều không bị cấm trong Kinh Thánh. Người Công Giáo, và nhiều Kitô Hữu khác, tin rằng sự phá thai thì bị cấm bởi điều răn “Ngươi không được giết hại” (Xh 20:13).

Các người giảng dạy chính thức của Giáo Hội, đức giáo hoàng và các giám mục, đi từ sự công bố trong Kinh Thánh “Ngươi không được giết hại.” Họ coi truyền thống của Giáo Hội là cấm không được giết trẻ chưa sinh. Họ cũng nhìn đến những khám phá của y khoa hiện đại, mà hiển nhiên cho thấy rằng trẻ chưa sinh thì không chỉ là mớ tế bào nhưng là một con người. Họ làm sáng tỏ điều Kinh Thánh dạy về một vấn đề quan trọng đối với các tiêu chuẩn luân lý của từng cá nhân và xã hội.

 

“Từ Đây Chúng Ta Đến Đâu?”

 

Như vậy cuốn Một Hướng Dẫn Kinh Thánh của Công Giáo phải kết luận với lời mời hãy tiếp tục đọc Kinh Thánh và nghiên cứu Truyền Thống thánh của Giáo Hội. Cả hai là lời của Chúa, và cùng nhau chúng dẫn dắt chúng ta đến sự sống đời đời.

Bạn là người theo dõi phần giới thiệu Kinh Thánh từ đầu và đã đọc các đoạn từ mọi sách trong Kinh Thánh. Bạn đã nghiên cứu Kinh Thánh trong ánh sáng của sự giảng dạy của Giáo Hội và Truyền Thống. Tôi khuyến khích bạn hãy đọc, nghiên cứu, và cầu nguyện với Kinh Thánh, và hãy tìm kiếm thêm trong các nguồn sẵn có để giúp bạn.

Có lẽ cách tốt nhất là hãy tiếp tục đọc các sách Tân Ước từ đầu đến cuối. Tôi đề nghị bạn hãy đọc Phúc Âm Luca trước, kế đến là Công Vụ Tông Đồ, rồi Thư của T. Phaolô gửi tín hữu Rôma. Sau những sách này, có lẽ bạn muốn trở về với Phúc Âm của Gioan, thư T. Phaolô gửi tín hữu Philípphê, và phần còn lại của Tân Ước. Sau đó có lẽ bạn bắt đầu đọc Cựu Ước. Hãy cầu xin để được hướng dẫn và xin Thiên Chúa mở lòng trí của bạn để hiểu. Kinh Thánh là một tổng hợp các kho tàng đang chờ đợi được khám phá.

Có lẽ những ai có con nhỏ thì nên mua Kinh Thánh dành cho trẻ em và thường xuyên đọc các truyện trong Kinh Thánh cho các em. Nhiều gia đình để cuốn Tân Ước ở bàn ăn và đọc một vài đoạn trước khi ăn tối. Vợ chồng phải nghĩ đến việc cùng nhau đọc Kinh Thánh.

Bạn có thể mua các cuốn băng âm thanh về Tân Ước. Bạn có thể nghe những băng đó khi lái xe, khi làm việc, hay trong lúc cầu nguyện.

Những ai quen thuộc với máy điện toán thì có thể dùng nó để nghiên cứu Kinh Thánh. Máy có thể giúp tìm ra bất cứ đoạn Kinh Thánh nào, hoặc xem các đoạn có chứa cùng một chữ.

Nếu giáo xứ của bạn có nhóm học hỏi Kinh Thánh, hãy nghĩ đến việc tham gia, vì nghiên cứu Kinh Thánh với người khác thì có một giá trị đặc biệt. Nếu không có nhóm như thế, bạn có thể khởi sự một nhóm, dùng cuốn này hay một số hướng dẫn khác. Bạn có thể hỏi ý kiến và sự chỉ dẫn từ cha sở hay các giám đốc chương trình giáo lý.

Hãy cầu nguyện với Kinh Thánh, nhất là trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội. Các đoạn Kinh Thánh được công bố và cầu nguyện trong mọi Thánh Lễ, và những ai tham dự Thánh Lễ hàng ngày thì có cơ hội tốt nhất để được lời Chúa đánh động. Một số giáo xứ có giờ cầu nguyện sáng và chiều dựa trên Phụng Vụ các Giờ Kinh của Giáo Hội. Nhiều người Công Giáo dùng sách cầu nguyện này như một cách để cầu nguyện với Kinh Thánh cùng với toàn thể Giáo Hội trên toàn thế giới. Bạn có thể biết thêm về Phụng Vụ các Giờ Kinh từ cha sở hay ở tiệm sách Công Giáo.

Bạn có thể muốn nhớ những đoạn Kinh Thánh ưa thích để hướng dẫn sự suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Thí dụ, khi bị bối rối bạn có thể an tâm hay vượt qua sự thử thách bởi nghĩ đến câu, “Chúa là mục tử của tôi, tôi còn muốn chi” (Tv 23:1), hay lời hứa của Chúa Giêsu, “Thầy luôn ở với các con” (Mt 28:20). Những đoạn như thế giúp tín hữu sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và nghỉ ngơi bằng yên.

Cách sử dụng Kinh Thánh thì không cùng. Và trong mọi cách quay về với Kinh Thánh, chúng ta phải nhớ đó là lời Chúa, đấng biết chúng ta hơn chúng ta biết chính mình, đấng yêu thương chúng ta hơn những gì chúng ta mường tượng, đấng muốn cùng đi với chúng ta hàng ngày cho đến khi chúng ta đạt được sự hiệp nhất tuyệt hảo với Thiên Chúa trên thiên đường.

Khi chúng ta cầm cuốn Kinh Thánh, chúng ta quay số điện thoại của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa sẵn sàng trả lời.

Câu Hỏi để Thảo Luận và Suy Nghĩ

Đoạn, “Kinh Thánh: Lời Chúa cho Thế Gian”, kể ra sáu câu hỏi căn bản mà trong Kinh Thánh có câu trả lời. Bạn có thể nghĩ về những đoạn mà nó trả lời cho những câu hỏi này không?

Bạn đã dành nhiều thời gian để học hỏi Kinh Thánh. Phương cách học hỏi nào giúp bạn hiểu Kinh Thánh? hiểu đức tin Công Giáo? lớn lên là một tín hữu? để cầu nguyện?

Sinh Hoạt

Hãy đặt mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy kính cẩn cầm cuốn Kinh Thánh lên. Hãy nghĩ đến mọi tín hữu cũng đang cầm cuốn Kinh Thánh. Hãy nghĩ đến các tín hữu mà họ được nhắc đến trong Kinh Thánh. Hãy nghĩ đến thái độ và kiến thức Kinh Thánh của bạn trước khi bắt đầu sự học hỏi này. Hãy so sánh. Hãy nghĩ đến khi bạn sắp từ trần, đoạn Kinh Thánh nào bạn muốn nhớ đến. Hãy cảm ơn Thiên Chúa đã ban cho cuốn Kinh Thánh và cơ hội để biết và yêu quý Kinh Thánh như lời của Thiên Chúa. Hãy kính cẩn hôn Kinh Thánh, và mở ra đoạn ưa thích. Hãy để Thiên Chúa nói với bạn.

 

 

NHỮNG CÂU TRẮC NGHIỆM

Trả Lời   &     Câu Hỏi

 

Trước thời của Đức Kitô, Thiên Chúa chỉ nói với dân Do Thái, vì họ là Tuyển Dân.

Sự dữ đã đến thế gian vì người ta lạm dụng quà tặng tự do của Thiên Chúa ban.

Không có tự do, không ai có thể chọn sự dữ, nhưng không có tự do, không ai có thể chọn sự thiện, hay bác ái, hay vui hưởng sự kết hợp tâm hồn với người khác và với Thiên Chúa, đó là sự gặp gỡ lớn lao nhất mà loài người có thể.

Một hành vi thuần túy bác ái có thể lớn hơn mọi sự dữ trong thế gian.

Loài người có thể lĩnh hội và thấu hiểu mọi sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa.

Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng sách không nói Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần.

Kinh Thánh dạy rằng sự kết hợp với Thiên Chúa là mục đích và tiêu điểm của đời sống con người.

Thiên Chúa làm ra sự dữ cũng như sự thiện để con người có thể ngày càng vững mạnh hơn bởi học cách chịu đựng những thử thách và đau khổ.

Khi người ta từ chối Thiên Chúa, họ có tội.

Tình yêu của Thiên Chúa đến với chúng ta trong sự mỹ miều của thiên nhiên, trong mọi ơn lành từng chạm đến loài người, trong mọi giây phút cầu nguyện và thờ lạy, trong sự giảng dậy của những người lãnh đạo tinh thần, và trong đời sống tốt lành của những ai vâng theo đường lối của Thiên Chúa.

Vì Chúa Giêsu đã đến trong thế giới chúng ta, các tín hữu có thể đảm bảo rằng họ sẽ không phải gánh chịu sự dữ và đau khổ.

Chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc và bình an bởi chấp nhận Đức Giêsu Kitô, sống theo lời chỉ dạy của Người, nhìn nhận sự hiện diện của Người trong Giáo Hội, và tở nên một phần của sự hiện diện đó.

Có thể tìm thấy sự hoàn toàn thành đạt và hạnh phúc tuyệt hảo trong thế giới này.

Với tín hữu, sự chết có thể là sự sinh nở vào đời sống vĩnh cửu.

Câu trả lời cho mọi vấn đề và thắc mắc của đời sống thì được tìm thấy trong Kinh Thánh.

Người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa đã tiết lộ các chân lý cho Giáo Hội mà không rõ rệt được thấy trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh dạy rằng chân lý của Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong Kinh Thánh và cả trong Truyền Thống thánh.

Truyền Thống thánh phải là một thực tại, nếu không, không cách chi xác định được những sách nào thuộc về Kinh Thánh và những sách nào không.

Hầu hết các giáo lý căn bản của đức tin Công Giáo thì có thể được tìm thấy rõ ràng trong Kinh Thánh, và mọi đức tin Công Giáo thì hòa hợp với Kinh Thánh.

Người Công Giáo dựa vào Kinh Thánh và Truyền Thống thánh như các nguồn chân lý mà họ tin, và họ thi hành điều này dựa trên thẩm quyền của chính Kinh Thánh.

Truyền Thống thánh giúp người Công Giáo hiểu và giải thích Kinh Thánh, kể cả những phát biểu như “anh chị em” của Đức Giêsu.

Trong cả Cựu và Tân Ước, “anh chị em” có thể ám chỉ những người không phải là con cùng một cha mẹ.

Tân Ước có đề cập đến các anh chị em của Đức Giêsu và các con khác của bà Maria và ông Giuse.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Đức Giêsu không có anh chị em ruột, nhưng không có chứng cớ là điều tin tưởng này đã có trước thời của T. Giêrôm.

Giáo Hội tin tưởng vào sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria, điều này nhắm đến sự độc đáo của Đức Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Vì chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô, Đức Maria là mẹ của chúng ta, và người yêu thương chúng ta với cùng một tình yêu người dành cho Đức Giêsu.

Truyền Thống thánh giúp người Công Giáo áp dụng những giảng dạy của Kinh Thánh vào các vấn đề hiện tại, tỉ như phá thai.

Người Công Giáo và nhiều Kitô Hữu khác tin rằng giới răn “Cấm giết người” cũng cấm việc giết hại các thai nhi.

Các thầy dạy chính thức của Giáo Hội Công Giáo tra cứu Kinh Thánh, Truyền Thống thánh, và các khám phá mới của y khoa để hình thành lập trường của Công Giáo đối với việc phá thai.

Cả Kinh Thánh và Truyền Thống thánh là lời của Thiên Chúa, và cả hai có thể dẫn đưa chúng ta đến đời sống vĩnh cửu.

Bản văn đề nghị sự tham khảo thêm phải bắt đầu với việc đọc Cựu Ước.

Khi học hỏi Kinh Thánh với người khác, điều đó có một giá trị đặc biệt.

Những ai tham dự Thánh Lễ sẽ được nghe các bài đọc trong Kinh Thánh.

Khi chúng ta cầm cuốn Kinh Thánh lên, chúng ta quay số điện thoại của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa luôn nóng lòng trả lời.

 

https://www.nguoitinhuu.org/sachtruyen/CatholicGuideBible/ch12.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét