Kinh nghiệm của Thánh Phanxicô Assisi
Osservatoreromano.va, Alessandro Gisotti, 2020-09-15
Thánh Phanxicô Assisi đã truyền cảm hứng cho Đức Phanxicô, giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử mang tên Thánh Phanxicô. Cách đây 5 năm, Đức Phanxicô đã lấy cảm hứng cho thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si’ của ngài từ bài Ngợi ca Chúa về sự Sáng tạo, bài Ngợi ca các Tạo vật, năm nay ngài viết chủ đề về tình huynh đệ (và tình bạn xã hội) trong Thông điệp Fratelli tutti mới sẽ được ký vào ngày 4 tháng 10 sắp tới tại Assisi. Nhưng họ là ai, hay đúng hơn ai là “anh em” của Thánh Phanxicô? Câu trả lời thân thiết và được tiết lộ trong phần đầu Di chúc của ngài, khi ngài kể chuyện ngài gặp những người phong cùi – người mà Chúa Kitô đã dẫn dắt ngài gặp họ vì ngài gớm họ – ngài khẳng định: “Và sau khi Chúa đã ban các anh em cho tôi, thì không ai chỉ cho tôi biết tôi phải làm gì, nhưng chính Đấng Tối Cao đã cho tôi biết, tôi phải sống theo Tin Mừng.”
Vì vậy, với Thánh Phanxicô Assisi, các anh chị em trước hết là ơn của Chúa. Một ơn bất ngờ, mang đến cho chúng ta sức mạnh mới để xin Chúa, vì không ai biết phải làm như thế nào. Họ không phải là “cuộc chinh phục“ của chúng ta, những người anh em, họ cũng không phải là người chúng ta mong muốn. Họ là tác phẩm sống của Đấng Tạo Hóa ban tặng nhưng không cho mỗi chúng ta. Và vì thế, trên thực tế, chúng ta không thể chọn hoặc chiếm hữu họ, mà chỉ chào đón và yêu thương họ trong con người thật của họ, với các yếu kém và khác biệt của họ. Các khác biệt này (đôi khi là bất hòa) mà cuối cùng chỉ có Chúa mới có thể tái phục lại được, vì như Đức Phanxicô đã nói, chúng ta không làm nên hòa hợp, mà chính Chúa Thánh Thần làm.
Điều nổi bật rõ ràng nơi Thánh Phanxicô Assisi và được xác nhận trong văn bản nền tảng cuối cùng kết thúc cuộc đời trần thế của ngài, đó là với ngài, tình huynh đệ không phải là một ý tưởng, một lý thuyết trừu tượng, nhưng là một sự việc cụ thể, một kinh nghiệm làm thay đổi cuộc sống. Song song với việc này, thậm chí còn phù hợp hơn, vì đó là nguồn gốc, chúng ta thấy nơi Thánh Phanxicô Assisi, không có tình huynh đệ nếu chúng ta không nhận ra (và chấp nhận) tình huyết thống chung, chúng ta đều là anh chị em với nhau, có cùng một Cha chung trên trời. Chúng ta, tất cả là anh chị em cũng như tất cả là con cái cùng một Cha. Vì thế không ai là người xa lạ của nhau. Một cách mạng về quan điểm, cuộc đời của Thánh Phanxicô dẫn đến các lựa chọn đáng ngạc nhiên được tóm tắt trong chuyến thăm nổi tiếng Nhà vua Ai Cập. Đây là hạt nhân cho sự trở lại của ngài và với ngài, chúng ta có thể nói, mỗi chúng ta, nam cũng như nữ đều đã thực sự gặp Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, nếu chúng ta không chấp nhận kế hoạch tình yêu chung của Chúa Cha thì chúng ta không đủ điều kiện để nhận nhau là anh chị em. Ngay cả về mặt sinh học. Thực tế đã cho thấy, Cain, người anh ruột thịt đã giết em mình. Cain giết em, lòng căm thù đã che mắt Cain, người không còn nhìn thấy tình yêu của Chúa Cha, không nhận ra ngay cả em mình.
Tuy nhiên, theo Thánh Phanxicô, tình huynh đệ không phải là món quà “bất động”. Tình huynh đệ được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức ái. Và điều này luôn mang lại bình an. Mối tương quan với anh chị em vạch một con đường, bắt đầu một quá trình phát triển trong chiều kích cộng đồng. Chính sau khi gặp gỡ với anh em mình, Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết, chúng ta phải sống theo Tin Mừng và còn hơn thế nữa: phải tuân thủ, phải mặc lấy “Tin Mừng.” Vì vậy, chúng ta hãy làm điều này một cách triệt để, “không dùng thuốc an thần”, nhắc lại một hình ảnh rất biểu tượng Đức Phanxicô đã đưa ra .
Theo Thánh Phanxicô Assisi, Thánh bổn mạng của nước Ý thì chăm sóc người khác như chính bản thân mình trở thành một con đường, một nơi chốn hàng đầu để truyền giáo. Do đó không có người anh em nào ở trong tình trạng cô lập. Vì thế sẽ thành mâu thuẫn, sẽ không làm chứng được. Thật vậy, với Thánh Phanxicô, tình yêu cho Chúa Cha cùng lớn lên với tình yêu cho người anh em, nơi họ chúng ta tìm thấy các nét đặc biệt Đấng Tạo Hóa đã ban cho họ. Một tình yêu mà nơi Thánh Phanxicô được mở rộng ra để trở thành vũ trụ bởi vì tình huynh đệ trở thành vòng ôm cho từng tạo vật: ngay cả Mặt trời cũng được gọi là anh, Mặt trăng được gọi là chị. Tám thế kỷ sau, dù tính ích kỷ gia tăng, dù các hàng rào cản đủ loại vẫn còn gia tăng, thế giới vẫn khao khát tình anh em và tình phụ tử. Thế giới không ngừng đi tìm tình yêu. Chứng từ của Thánh Phanxicô Assisi, người muốn biến mình thành “anh em của mọi người” vẫn còn hợp thời và thúc giục chúng ta, cùng với một Phanxicô khác, bước trên con đường của tình huynh đệ.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2020/09/17/anh-chi-em-nhu-mot-mon-qua/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét