Trang

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn và các cộng đoàn giáo hội cơ bản

 

Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn và các cộng đoàn giáo hội cơ bản

 
  •  
  •  


ĐỒNG HÀNH VỚI
CÁC GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN
VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN

Gm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Một thiếu sót quan trọng

Các phúc đáp từ các Giáo hội địa phương chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2014 và 2015 vừa qua đã có nhận xét đau đớn, được Đức Thánh cha Phanxicô xác nhận lại rằng:

“Trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế, cụ thể. Bởi vậy, giờ đây chúng ta nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằng một cái nhìn nhạy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu”[1].

Trong thực tế các gia đình trong những lúc khó khăn, khốn khổ, chênh vênh không cảm thấy được Hội thánh quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy cô đơn, và càng ngày càng rời xa Giáo hội. Đức thánh cha Phanxicô xác định Đồng hành là tiêu chuẩn trọng tâm của Mục vụ gia đình, ngài nói:

“Hội Thánh muốn đến với các gia đình trong sự cảm thông khiêm tốn, và ước muốn của Hội thánh là “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ”[2]. Không phải chỉ đưa vào các kế hoạch mục vụ lớn lao với mối bận tâm chung chung đối với gia đình là đủ. Để các gia đình có thể mỗi lúc một trở nên là chủ thể tích cực của mục vụ gia đình hơn nữa, đòi hỏi ta phải có “một nỗ lực loan báo Tin mừng và huấn giáo hướng vào trong chính gia đình”[3], theo định hướng này”[4].

I. ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN

1. Đồng hành là gì?

Đồng hành là việc Hội thánh khởi đầu đến với con cái mình để thiết lập một mối quan hệ bền vững và ngày càng tiến triển. Đồng hành không nhằm giải quyết tức thời các vấn đề cuộc sống, ngược lại, Hội thánh ý thức cần có thời gian và kiên nhẫn giúp người ta, cách riêng những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn hoặc “trái quy tắc”, được lớn lên đến mức trưởng thành trong tình yêu đích thật. Không để họ cô đơn lạc lõng, dưới ánh sáng Lời Chúa Hội thánh giúp phân định mục vụ để nhận ra sự thật của con người trong hoàn cảnh thực tế hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Chúa muốn. Mục vụ Đồng hành cần giúp nhìn sâu vào hoàn cảnh thực tế, cả trong những trường hợp rất chông chênh, hoặc đã đổ vỡ, và ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. “Vấn đề là một lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn các tín hữu này đi đến ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa”[5]. Chìa khóa của sự phân định này là sự thật của dây hôn phối, như là diễn tả đầu tiên của Lòng Thương Xót, được Tông huấn Amoris laetitia xem như là tiêu chuẩn căn bản[6]. Sau cùng, Hội thánh giúp các cá nhân tín hữu và gia đình họ hội nhập cách hài hòa trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô toàn thể, tức là Gia đình Hội thánh. Hội nhập hoàn toàn, vào mối hiệp thông hội thánh, là mục đích sau cùng của Đồng hành. Hội nhập dựa trên cơ sở của bí tích Rửa tội như ơn huệ khởi đầu chung và hiệp thông Thánh Thể như là mục đích sau cùng của toàn thể tiến trình Đồng hành.

Như vậy, Đồng hành gồm ba bước sau đây:

- Đón tiếp. Bước đầu tiên luôn là đón tiếp người ta làm sao để họ cảm thấy mình bước vào trong lòng Hội thánh ấm áp và thân tình như trong một gia đình. Đây là bước đầu tiên của một tiến trình hội nhập, sống và tăng trưởng trong Hội thánh. Từ đó, tiến tới một bước đồng hành đầu tiên là làm cho đôi bạn muốn tự xem xét lại sự thật tình trạng hiện tại của mình. Mục đích của sự đón tiếp này là nhằm thiết lập một quan hệ để cùng đi trên một lộ trình, không hẳn để giải quyết tức thời một vấn đề, hội nhập dần vào cộng đoàn cho tới lúc được hiệp thông trọn vẹn. Sau cuộc gặp gỡ đối thoại đầu tiên vị mục tử có thể nhận định được bước đầu hoàn cảnh của người ta. Người đồng hành không chỉ chú ý tới tình trạng ‘trái quy tắc’ nhưng đồng thời còn quan tâm xét đến những mỏng manh yếu đuối và thương tổn của con người, và cả những khó khăn cản trở thực thi tình yêu đích thật của Tin mừng.

- Đề nghị một hành trình đức tin qua các giai đoạn khác nhau. Điều quan trọng ở bước thứ hai này là làm sao con người đạt được một đức tin tới mức hoán cải. Phải loan báo cho họ, theo cách thức phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ, chân lí Phúc âm như là ánh sáng soi chiếu vào cuộc đời để đọc lại lịch sử của họ, và sẽ thấy không hề bị bế tắc, trái lại bắt đầu từ Thiên Chúa Ngài sẽ mở ra cho họ con đường cứu thoát. Như vậy lộ trình phải đi bao hàm hai mức độ. Thứ nhất là, tham dự vào hành trình như của một dự tòng dành cho người trưởng thành để đưa họ hội nhập dần vào cộng đoàn Hội thánh và hiểu biết những điều căn bản chủ yếu của đời sống kitô hữu. Thứ đến, cách đặc biệt hơn, là giúp họ hiểu ý nghĩa của dây hôn phối bất khả phân li của hai người đã nên “một xương một thịt” (x. St 2,24): tiêu chuẩn căn bản để giúp phân định, tức là để giúp họ nhận ra sự thật hoàn cảnh cụ thể của họ, và con đường phải đi để vượt qua tội lỗi. “Vấn đề là một lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn các tín hữu này đi đến ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa. Trao đổi với linh mục, ở tòa trong, sẽ góp phần đào luyện một phán đoán đúng đắn về những gì gây cản trở cho khả năng tham dự đầy đủ hơn vào đời sống của Hội thánh, và về các bước có thể xúc tiến và phát triển khả năng đó. Đành rằng trong chính lề luật không có sự tiệm tiến (cf.Familiaris Consortio, 34), nhưng việc phân định này sẽ không bao giờ được phép bỏ qua những yêu sách của sự thật và bác ái theo Tin mừng như Hội thánh đề nghị”[7].

Hoán cải: hành trình trở về với ánh sáng hướng tới việc đón nhận các bí tích. Đứng trước sự thật của mình, người tín hữu thấy những cản trở nào vẫn còn đó trong cuộc sống trước đòi hỏi của việc bước theo Đức Kitô. Chấp nhận nguyên lí này là biết mình phải thay đổi đời sống. Đó là tiến trình hoán cải mà Hội thánh cần đồng hành đúng đắn. Giai đoạn thứ ba này phải bắt đầu khi một trong hai người xin bước vào hành trình đặc biệt hoán cải này, với viễn tượng được tham dự vào các bí tích, Hòa Giải và Thánh Thể, một khi đã thỏa các điều kiện cần thiết. Việc đón nhận này có tính cách cá nhân, cho dẫu đáng khuyến khích cả hai người cùng dấn thân vào hành trình hoán cải hầu cả hai cùng giúp nhau đi qua những thời kì khó khăn. Điều chủ chốt của toàn thể quá trình khai sáng này là vấn đề tha thứ. “Tha thứ cho điều bất công mình phải chịu thì không dễ chút nào, nhưng ân sủng sẽ giúp người ta có thể tha thứ với tiến trình thời gian”[8].

Các linh mục có nhiệm vụ “đồng hành với những người có liên hệ trên con đường phân định dựa theo giáo huấn của Hội thánh và những hướng dẫn của Giám mục. Trong tiến trình này sẽ rất hữu ích nếu ta thực hiện một cuộc xét mình, qua những lúc hồi tâm và thống hối. Những người li dị tái hôn nên tự hỏi xem mình đã sống thế nào đối với con cái khi mối liên kết vợ chồng đi vào khủng hoảng; tự hỏi xem mình đã có những nỗ lực hòa giải hay không; xem người phối ngẫu bị bỏ rơi đang sống thế nào; mối quan hệ mới có những hậu quả gì trên những người khác trong gia đình và cộng đoàn tín hữu; xét xem mẫu gương nào mình đang cống hiến cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Một sự hồi tâm chân thành có thể củng cố niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa vốn không từ chối bất cứ ai”[9].

Khi đã nhận biết sự thật (nhìn nhận sự dữ mình đã gây ra và sẵn sàng đền bù tội lỗi, cùng xin tha thứ) và sám hối thực sự, đồng thời ước muốn sống phù hợp với sự thật của dây hôn phối[10] và trung thành lắng nghe Tin mừng trong hoàn cảnh hiện tại, người tín hữu có thể đón nhận bí tích Thống hối và Thánh Thể, trong bối cảnh thích hợp làm sao để tránh gây cớ vấp phạm.

Dĩ nhiên, một khi đã được hiệp thông trở lại qua việc lãnh nhận các bí tích đồng hành không kết thúc mà bắt đầu một giai đoạn mới. Hội thánh cần gần gũi đặc biệt trong những lúc tín hữu gặp khó khăn sống sự trung tín mình đã cam kết.

2. Đồng hành với những người trong hoàn cảnh khó khăn

Con người rất mỏng dòn, yếu đuối luôn cần được ai đó đồng hành để được đỡ nâng nhất là khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn bị thương tổn nặng nề. Đức thánh cha Phanxicô rất nhạy cảm, ngài mời gọi Giáo hội đáp lại nhu cầu khẩn thiết của những con người này bằng sự đồng hành:

“Hội thánh cũng phải đồng hành bằng sự ân cần chăm sóc những đứa con yếu đuối nhất của mình, vốn ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và lạc lối, bằng cách khôi phục lại cho họ niềm tin và hi vọng, như ánh sáng của một ngọn hải đăng hoặc một ngọn đuốc được đặt giữa mọi người hầu soi sáng cho những người đã lầm đường lạc lối hoặc đang ở giữa bão tố cuộc đời”[11].

Điều quyết định không phải là chăm chú vào tình trạng “trái quy tắc” của họ để tìm giải quyết vấn đề mà là giúp họ sống đức tin kitô giáo của họ. Về phương diện mục vụ, chúng ta quan tâm trước hết làm sao cho các gia đình và những người bị thương tổn ấy cảm nhận sự hiện diện gần gũi của Chúa Kitô trong chính hoàn cảnh đau khổ của họ. “Cần đón tiếp và trân trọng nỗi đau khổ của những người phải gánh chịu li hôn, li dị hoặc bị ruồng bỏ một cách bất công, hoặc buộc phá vỡ cuộc chung sống do sự ngược đãi của người phối ngẫu kia”[12].

Trong mọi trường hợp Hội thánh cần quan tâm đặc biệt những hoàn cảnh chông chênh sau đây:

- Những gia đình di dân. Đó là “những gia đình bị bắt buộc phải di cư, do hoàn cảnh chiến tranh, bách hại, nghèo đói, bất công, vốn gắn liền với những thăng trầm của một cuộc hành trình thường gây nguy hiểm đến tính mạng, thương tổn tinh thần con người và mất ổn định gia đình”[13].

- Những gia đình với hôn nhân hỗn hợp hoặc khác tôn giáo, tín ngưỡng. Những cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa những người phối ngẫu công giáo và kitô hữu khác có thể góp phần cho trào lưu đại kết, nhưng cũng có những vấn đề khó khăn tế nhị về tôn giáo và phượng tự và kỷ luật bí tích cần được lưu ý tôn trọng. Những cuộc hôn nhân khác đạo, giữa người phối ngẫu công giáo và người ngoài kitô giáo, là nơi ưu việt cho công cuộc đối thoại liên tôn[14], nhưng cũng có những khó khăn, cách riêng về căn tính kitô giáo của gia đình và giáo dục đức tin cho con cái.[15]

- Những gia đình khác trong hoàn cảnh khó khăn như có thành viên trong nhà mang xu hướng đồng tính; những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân; gia đình có bạo hành; những gia đình đang than khóc người thân yêu mới qua đời…[16].

- Trường hợp đặc biệt khác ngày nay rất phổ biến cần được quan tâm là các cuộc hôn nhân đã đổ vỡ: li thân, li hôn hay li dị và tái hôn, những người cha/mẹ đơn thân, những người bị bỏ rơi, những bà mẹ trẻ là nạn nhân của nạn phá thai.

Từng trường hợp cần được đối xử cách riêng, và được các gia đình khác đồng hành, đó là điều rất hữu ích và cần thiết. Một cộng đoàn kitô hữu có nhiều cặp làm sứ vụ như thế thì có thể đáp ứng những nhu cầu mục vụ đó, vốn rất nhân bản nhạy cảm, các gia đình khó khăn đó không để bị lãng quên trong cô đơn, vô định, không ai nâng đỡ.

3. Hội nhập: trở về để hiệp thông trọn vẹn

Đồng hành để đi về đâu? Mục đích sau cùng của việc Đồng hành là giúp phân định để rồi hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô. Sự thật được người ta nhận ra trong phân định khi đồng hành là để thay đổi đời sống, thu ngắn khoảng cách hướng về đích hiệp thông trọn vẹn qua các bí tích.

Hội nhập vào cuộc sống viên mãn của Đức Kitô

Tông huấn Amoris laetitia đề nghị một con đường phải đi để hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh đặc biệt cho những ai đang sống xa cách với đời sống hợp với Tin mừng và đang ở trong tình cảnh “trái quy tắc”, nghĩa là những “gia đình” đang chịu khốn khổ vì một “tình yêu lạc lối”. Đó là những người sống chung (không hôn phối), chỉ có hôn nhân dân sự, những người li dị “tái hôn” … Hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh hàm nghĩa hiểu đường lối sư phạm ân sủng của Thiên Chúa trong đời sống và phát triển càng ngày càng đạt đến sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa nơi họ[17], tức là nhận ra hôn nhân là ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa.

Do đó, trong trường hợp những người đã li dị, phải giúp họ sống trung tín với dây hôn phối bí tích họ đã ký kết, dây hôn phối mà Chúa đã kết hợp cuộc sống của họ với người phối ngẫu chính thức. Mỗi bước đồng hành có tốt hay không là do người ta tiến gần hơn hay xa rời mục đích sau cùng[18]. Thế nhưng, trong thực tế nhiều trường hợp người ta không thể tái hợp với người phối ngẫu trước; cho dẫu thế, cũng không bao giờ được nói hoàn cảnh không thể thay đổi: quyết định sống trái nghịch với dây hôn phối thực ra luôn có thể đảo ngược. Khả năng đó đã hàm ẩn ngay từ đầu trong lời hứa hôn, với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, họ nói tiếng xin vâng đến trọn đời “bất chấp tất cả”. Chính ân sủng của bí tích hôn phối hoạt động trong hướng đó, mời gọi họ xây dựng trên nền tảng Chúa đã thiết lập những mối kết hợp duy nhất khả dĩ bảo vệ gia đình. “Sự kết hợp đã là hiện thực và không thể rút lại, được Bí tích Hôn nhân xác nhận và thánh hiến”[19]. Những người trong hoàn cảnh “trái quy tắc” được giúp phân định và được Chúa thúc đẩy bước trên con đường hoán cải và được tái sinh như người con hoang đàng trở về được Cha chạy ra đón nhận: cho “xỏ nhẫn, mặc áo đẹp” hàm nghĩa đối với Chúa vẫn còn phẩm giá của con cái và của người hôn phu/hôn thê. Trở về với đời sống theo kết ước của bí tích Rửa tội và Hôn phối, người tín hữu giờ đây có thể sống một cuộc sống mới. Hành trình ấy đạt đến đỉnh điểm là tham dự vào bàn tiệc Thánh thể.

4. Gia đình là nơi đầu tiên của Đồng hành

Trước hết, cần phải vượt qua cách nghĩ nặng tính giáo sĩ, vì trong thực tế chúng ta rất thường nghĩ rằng các giám mục, linh mục hay tu sĩ mới là người làm nhiệm vụ Đồng hành với con người. Thực ra, không phải như vậy, vì nơi chốn đầu tiên ta được đồng hành là gia đình. Chính mẹ hay cha, và đôi khi là ông/bà, là người đầu tiên đã nắm tay dẫn đưa ta đến nhà thờ dự lễ, dạy ta biết yêu kính Chúa, biết Hội thánh, biết đức tin cho ánh sáng soi dẫn bước chân ta đi vào cuộc đời.

Đức thánh cha Phanxicô nói: “Gia đình không thể khước từ mình chính là nơi nâng đỡ, đồng hành, hướng dẫn con cái, cho dù cần phải tái tạo lại các phương pháp và tìm cho ra các nguồn lực mới. Cha mẹ cần phải dự tính xem mình muốn trao cho con cái những gì”[20]. Tình yêu thương được trao ban và lớn lên trong gia đình, đó là môi sinh tự nhiên cho đức tin được thông truyền và củng cố. “Cha mẹ muốn đồng hành đức tin với con cái mình thì cần chú ý đến những biến chuyển của chúng, vì họ biết kinh nghiệm tâm linh không thể áp đặt nhưng được đề nghị trong tự do”[21]. Nếu không có sự đồng hành tự nhiên cho tình thương yêu triển nở mỗi ngày, ngay cả giữa hai vợ chồng, “cuộc sống gia đình chúng ta sẽ không còn là một nơi của cảm thông, đồng hành và khích lệ thay vào đó sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau”[22].

Với đức thánh cha, chúng ta xác tín rằng gia đình chính là chủ thể của việc loan báo Tin mừng trong mục vụ gia đình[23]. Cụ thể, điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhờ gia đình để đồng hành với các gia đình khác. Đó chính là ơn gọi truyền giáo của gia đình kitô hữu[24]được Chúa kêu gọi đi ra để đồng hành trong đức tin và cuộc sống với những người sống quanh họ qua sự gần gũi giúp đỡ hầu cuộc sống gia đình họ phong phú ngập tràn hiện diện của Thiên Chúa. Không có bước đầu tiên này, mục vụ đồng hành chỉ còn là lí thuyết thiếu sự nâng đỡ thiết yếu từ phía cộng đoàn Hội thánh cụ thể.

Nhiều gia đình đã nhận ra sứ mạng này Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Thế nhưng, Giáo hội địa phương vẫn còn chưa sử dụng đến mạng lưới các gia đình cho đủ khi đối diện với nhiệm vụ đồng hành này. Hơn nữa, cần thiết phải có một sự huấn luyện thích hợp đối với các gia đình chủ thể truyền giáo này để phát huy hữu hiệu và có trách nhiệm. Một điều rất ý nghĩa và quan trọng là các gia đình này sống trong cùng một khu vực cần liên kết với nhau thành cộng đoàn nhỏ, như các liên gia trong các giáo khu của giáo xứ, theo mô hình các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản (CĐGHCB). Bởi lẽ Hội thánh là sự Hiệp thông của các cộng đoàn được thể hiện sẽ là chứng từ và lời loan báo Tin mừng có sức thuyết phục nhất.

II. ĐỒNG HÀNH QUA CÁC CỘNG ĐOÀN NHỎ

1. Đồng hành với Đức Kitô

Trước hết, chính Chúa Giêsu là vị Tôn sư dạy chúng ta nghệ thuật “đồng hành” mà mọi môn đệ cần phải học. Sau khi sống lại Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ đi về Emmau (Lc 24,13-33) đã chỉ cho chúng ta những tham chiếu cho mọi lộ trình chung: Lời Chúa và bí tích, là tất cả sự hiệp thông của Giáo hội, tiêu biểu là Bữa ăn Thánh Thể từ đó hai môn đệ đã quay trở lại Giêrusalem trong đêm. Chúa Kitô Phục sinh “đi trước” các Tông đồ mở ra cho họ các con đường trên đó họ gặp gỡ mọi người. Nước của Người là ở những mối quan hệ cá nhân vốn luôn khởi đầu âm thầm nhưng hàm chứa một sức sống bên trong khả dĩ làm biến đổi thế giới.

Như thế, Đồng hành là một cách thức đặc biệt để loan báo Tin mừng, có nối kết nội tại với việc bước theo Đức Kitô, vị Tôn sư. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói rằng: “nối bước theo Chúa Kitô là nền tảng thiết yếu và nguyên thủy của nền luân lí Kitô giáo: tựa như dân Israel xưa cất bước theo Chúa và đã được Chúa dẫn dắt qua hoang địa tiến về Đất Hứa (x. Xh 13,21), người môn đệ cũng phải nối bước theo Đức Giêsu và được Chúa Cha lôi kéo để đến với Người (x. Ga 6,44)”[25]. Vấn đề ở đây là đời sống gắn bó với một con người, là Giêsu Kitô, từ đó mà người ta hiểu ý nghĩa của lề luật và tư tưởng. Nguyên lí của Đồng hành kitô giáo được Đức thánh cha Phanxicô nhắc lại với lời của Đức Bênêđictô XVI: “Khởi đầu của cuộc đời Kitô hữu không phải là một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đó đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định”[26]Từ cuộc gặp gỡ đó toát lên “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh”[27], một tình yêu thật Đức Kitô hiến trao cho chúng ta với lí lẽ của nó: một khi đã gặp gỡ xin cùng bước đi trên lối đường cuộc đời. Đồng hành để dần nhận ra sự thật về một tình yêu, để tình yêu đó tăng trưởng đến mức trưởng thành, và đáp lại tình yêu của Đấng Mục tử nhân lành: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Đồng hành phải bắt đầu từ cái nhìn của Chúa Giêsu. Người “đã nhìn những người nam và người nữ mà Người gặp gỡ, với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với những bước đi của họ bằng sự thật, lòng kiên nhẫn và tình thương xót, trong khi loan báo những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa” (AL 60). Chúa Giêsu nhìn “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, “như bầy chiên không người chăn dắt”” (Mt 9,36). Mọi bận tâm mục vụ của Hội thánh trước hết phải bắt nguồn từ ánh mắt nhìn này. “Điều quan trọng là đón nhận và đồng hành với họ bằng sự kiên nhẫn và tế nhị. Đó là điều mà Đức Giêsu đã làm với người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-26): Người đề cập đến khát vọng tình yêu đích thật của chị, để giải thoát chị khỏi những gì làm u tối cuộc đời chị và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin mừng”[28]. Bắt đầu từ lòng khát khao một tình yêu đích thật, và khát khao đó là sự thật ghi dấu suốt cuộc hành trình và phải dựa trên đó mà vượt qua những cản ngại để đạt đến viên mãn.

2. Đồng hành với Dân Thiên Chúa, Nhiệm Thể của Đức Kitô

Hội thánh hiệp thông và tham gia

Chúa Giêsu, Đấng phục sinh “ở cùng các môn đệ cho đến tận thế”, vẫn đồng hành với con người, với các gia đình trong Hội thánh, Thân Thể huyền nhiệm của Người. Hội thánh là mầu nhiệm Hiệp thông, là dân mới của Thiên Chúa vì Đức Kitô đã thiết lập một Giao ước mới và vĩnh cửu. Giao ước và lịch sử cho ta biết Thiên Chúa đã chọn một nhóm người làm dân riêng của Ngài. Dân Israel đã ý thức rất rõ họ là một cộng đoàn. Họ có một căn tính chung và ý thức mỗi thành viên liên hệ với Thiên Chúa như một thành phần của cộng đoàn. Và chỉ trong tư cách là một thành phần của cộng đoàn mà mỗi cá nhân tham dự vào lời hứa và nghĩa vụ của Giao ước. Đối với họ, cá nhân và cộng đoàn liên kết với nhau rất mật thiết. Cũng cách thức đó Thiên Chúa kêu gọi chúng ta xây dựng một cộng đồng Hiệp thông tương tự.[29]

Hội thánh Chúa Kitô là một “nơi gặp gỡ ưu việt” giữa Thiên Chúa và dân mới của Người. Mục đích đầu tiên của Hội thánh là trở nên “bí tích của sự kết hợp thâm sâu con người với Thiên Chúa”. Hội thánh cũng là “bí tích của sự hiệp nhất nhân loại”. Điều này có nghĩa là “hiệp thông và sứ vụ kết hợp với nhau không thể tách biệt, chúng thâm nhập và bao hàm lẫn nhau”. Hiệp thông “vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của sứ vụ”.Tóm lại, “Hiệp thông phát sinh sứ vụ và sứ vụ được hoàn thành nơi Hiệp thông”[30].

Sự hiệp thông này thường xuyên được sống trong các cộng đoàn tín hữu địa phương:

“Hội thánh Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các mục tử của mình, và Tân ước cũng gọi đó là các Giáo hội”[31].

Như thế, Chúa phục sinh cũng hiện diện trong mọi cộng đoàn nhỏ, các phong trào, các hiệp hội của Giáo hội. Điều kiện chính yếu và duy nhất đòi hỏi Dân Chúa là họ sống hiệp thông và làm việc hợp tác với Hội thánh phẩm trật. Vậy, khi nhìn thấy Hội thánh hiệp nhất, người ta có thể thực sự nói Hội thánh là Hội thánh tham gia. Người Kitô hữu giáo dân được tham dự vào chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô, gắn bó với các mục tử của mình, tham gia tích cực vào các hoạt động tông đồ và phúc-âm-hóa xây dựng sự hiệp thông Hội thánh. Cách đặc biệt, các gia đình kitô hữu có một vai trò rất quan trọng cho đời sống và sứ mạng của Hội thánh. Người ta có thể nói, so với các cộng đồng khác, gia đình, “Hội thánh tại gia”, là cộng đồng quan trọng và cốt yếu nhất: gia đình lành mạnh sẽ làm cho cộng đồng lành mạnh, giáo xứ lành mạnh.

Hội thánh, là sự Hiệp thông của các Cộng đoàn nhỏ, đồng hành và loan báo Tin mừng

Sức khỏe tinh thần của các gia đình cấu thành sức khỏe của cộng đoàn Hội thánh tại địa phương, đồng thời, ngược lại, gia đình cũng được thêm sức nhờ Cộng đoàn Hội thánh địa phương đồng hành, nhất là qua các Cộng đoàn nhỏ hay các Liên gia. Các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ được Hội thánh chú ý đặc biệt:

“Họ tham dự vào đời sống của Hội thánh, được nuôi dưỡng bởi giáo huấn của Hội thánh và trung thành với các Chủ chăn của mình. Các Cộng đoàn nhỏ cũng được gọi là vườn ươm của công cuộc Loan báo Tin mừng và đó là một nguồn hi vọng cho Giáo hội hoàn vũ”[32].

Các nghị phụ trong Thượng hội đồng Giám mục ngoại thường năm 1985 đã xác nhận:

“Vì Hội thánh là Hiệp thông, ‘các Cộng đoàn cơ bản’ mới, nếu thực sự sống hiệp nhất với Hội thánh, sẽ là một thể hiện sự Hiệp thông đích thực và là phương thế để xây dựng một sự Hiệp thông sâu xa hơn. Thế nên, họ là một chứng cớ của niềm hi vọng lớn lao cho đời sống của Hội thánh”[33].

Cách thế tốt nhất để xây dựng sự hiệp thông là bắt đầu từ gia đình, vì gia đình là Hội thánh tại gia:

“Gia đình là “Hội thánh tại gia”. Gia đình kitô hữu, cũng như Hội thánh toàn thể, phải là nơi chân lí của Tin mừng trở thành luật sống và là quà tặng mà các thành viên gia đình mang đến cho cộng đồng lớn hơn. […] Gia đình là […] tác nhân loan báo Tin mừng hữu hiệu nhất của Hội thánh. […] Gia đình kitô hữu cần phải thực sự là “Hội thánh tại gia””[34].

Nếu gia đình thực sự sống hiệp thông, thì gia đình trở thành là một Hội thánh tham gia. Nếu một gia đình mà sống hiệp thông thì các gia đình lân cận có thể sống một tình hiệp thông sâu xa hơn nữa. Do đó, gia đình kitô hữu có thể góp phần làm cho Hội thánh trở thành sự Hiệp thông rộng lớn hơn. Các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là một cách thức hữu hiệu thăng tiến sự thực hành sống hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ và giáo phận, và như thế trở nên một sức mạnh thực sự cho việc loan báo Tin mừng[35]. Các phong trào, hiệp hội mới cũng có vai trò rất ý nghĩa xây dựng sự hiệp thông trong giáo phận, các giáo xứ, tạo cơ hội cho người ta kinh nghiệm được một Thiên Chúa thân tình gần gũi hơn. “Sự Hiệp thông sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn nữa khi các người đứng đầu ở địa phương của các phong trào này cùng làm việc với các Mục tử trong một tinh thần bác ái vì thiện ích của mọi người”.[36]

Một Cách thức hiện diện mới của Hội thánh tham gia

Các Giám mục Á châu đã nói một lời tuyên bố chung rằng Hội thánh tại Á châu phải là một Hiệp thông của các cộng đoàn, trong đó người giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em. Đó là một Hội thánh tham gia nơi mà đặc sủng của mọi người được nhìn nhận và thể hiện, để Hội thánh và sứ vụ của Hội thánh được hoàn thành.[37] Một trong những cách thức hiện diện mới của Hội thánh là sống sự Hiệp thông của dân Chúa, được thể hiện theo hai cách: một là, bằng cầu nguyện và chia sẻ với nhau Tin mừng Chúa Giêsu Kitô; hai là, nâng đỡ nhau bằng cách cùng hành động trong những chương trình chung. Điều này có thể thực hiện dễ dàng nếu chúng ta luôn “một lòng một ý” như Hội thánh sơ khai. Để thực hiện một cách thức hiện diện mới của Hội thánh tham gia tại châu Á, một phương pháp tiếp cận mục vụ đã được triển khai và chuẩn nhận bởi FABC, kể từ năm 1993, gọi là Phương pháp Tiếp cận Mục vụ Toàn diện (Asian Integral Pastoral Approach hay gọi tắt là AsIPA).

Một cách vắn tắt có thể mô tả Phương pháp mục vụ này như sau, chữ As_I_P_A có nghĩa là:

Asian (châu Á): muốn Tin mừng đâm rễ sâu vào văn hóa địa phương: Tin mừng cần được diễn tả theo ngôn ngữ văn hóa của người dân địa phương và trở thành một lối sống riêng của họ. Kitô giáo sẽ không bị xem là ngoại lai nếu các cộng đoàn quy-tâm-về-Chúa-Kitô kết nối với đời thường của cộng đồng người dân. Asian cũng có nghĩa là các cộng đoàn đối diện và tìm giải quyết các vấn đề của mình trong chính bối cảnh họ đang sống và trong ánh sáng của Tin mừng.

Integral (toàn diện): đối với người môn đệ, đời sống thiêng liêng phải hòa hợp với Thánh Kinh, Cộng đoàn, việc phụng tự và phục vụ sứ mạng. Phải nối kết các Cộng đoàn nhỏ và các sứ vụ và các việc phục vụ của họ với đời sống của giáo xứ, trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Đó là đan kết đức tin của mình với những chọn lựa và hành động hằng ngày. Đó là cố gắng đưa các thế hệ khác nhau, các gia đình khác nhau hội nhập vào Cộng đoàn nhỏ. Nỗ lực hòa hợp sự lãnh đạo của Hội thánh phẩm trật và tinh thần đồng-trách-nhiệm của kitô hữu giáo dân.

Pastoral (Mục vụ): gây ý thức cho người giáo dân về sứ mạng của họ lo chăm sóc những người sống với họ và sống quanh họ, bất kể là ai thuộc sắc tộc hay tôn giáo, giai cấp nào. Vì Dân Chúa tham dự vào mục vụ của các đấng Mục tử của mình. Cách đặc biệt, Cộng đoàn quan tâm đến những người nghèo hèn, yếu kém, những người sống bên lề. Các việc phục vụ và sứ vụ của giáo xứ càng ngày càng được thực hiện qua các Cộng đoàn nhỏ, họ ngày càng ý thức hơn ơn gọi bí tích Rửa tội của Kitô hữu.

Approach (Tiếp cận): làm cho mọi người đều có thể tham gia tùy theo khả năng, đặc sủng Chúa ban cho từng người để làm cho Nước Thiên Chúa mau trị đến; giúp mọi người góp phần xây dựng sự Hiệp thông giữa các Cộng đoàn. Các phương tiện dùng để xây dựng sự Hiệp thông phải làm sao để phát triển tình yêu Chúa Giêsu, sự tin tưởng và các kĩ năng cho mục vụ và loan báo Tin mừng. Đường lối thực hiện là lấy Đức Kitô làm trung tâm (quy-Kitô), lấy Cộng đoàn làm trung tâm (quy-hiệp-thông) và hướng đến sứ vụ (hướng-truyền-giáo).

Mọi chương trình theo phương pháp này nên được nhìn trong ánh sáng của “Ba ánh sao dẫn đường” sau đây để hướng tới xây dựng một Hội thánh tham gia huynh đệ đồng-trách-nhiệm:

• Lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm;

• Xây dựng cộng đoàn hiệp thông;

• Tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô.

Đó là một phương tiện hữu ích để xem xét và đánh giá mọi chương trình mục vụ của chúng ta.

Các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản hay Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là chính Giáo hội sống Hiệp thông theo Phương pháp Mục vụ Toàn diện này. Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là gì?

Một định nghĩa thực tiễn của L. Boff là:

“Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nói chung là một nhóm gồm từ mười lăm đến hai mươi gia đình. Họ họp nhau một hoặc hai tuần một lần nghe Lời Chúa, chia sẻ với nhau các vấn đề của họ và giải quyết các vấn đề ấy nhờ Phúc-âm linh hứng. Họ chia sẻ dựa trên những đoạn Thánh Kinh, cầu nguyện bộc phát và quyết định chung nên làm gì”[38].

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói với chúng ta:

“Các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản… đang cho thấy thực là những trung tâm tốt đào tạo Kitô hữu và cho truyền giáo… Các Cộng đoàn này là một dấu chỉ sống động trong Giáo hội, một phương tiện huấn luyện và loan báo Tin mừng, và là điểm khởi đầu chắc chắn cho một xã hội mới đặt nền trên “nền văn minh tình thương””[39].

Kết luận

Đại hội AsIPA lần VIII 2018 vừa qua xác định rằng “Các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản (Small Christian Communities - SCCs) Phúc-âm-hóa các gia đình hướng tới Hiệp thông và truyền giáo”. Qua đồng hành với các Cộng đoàn nhỏ này, các gia đình, Hội thánh tại gia, sẽ được xây dựng và nâng đỡ trong Cộng đoàn nhỏ, trong giáo xứ của họ. Các mục tử địa phương sẽ đi sát và đồng hành với các gia đình trong mọi giai đoạn phát triển, trong mọi hoàn cảnh thịnh vượng hay gian nan của họ. Các gia đình gặp khó khăn, trong hoàn cảnh khách quan hay điều kiện chủ quan, sẽ được quan tâm cách đặc biệt và không bị bỏ rơi. Cộng đoàn Hội thánh tại gia là cộng đoàn cơ bản nhất có khỏe mạnh, thì Cộng đoàn Hội thánh tại khu vực và giáo xứ sẽ mạnh. Cộng đoàn Hội thánh này cần sống theo mẫu gương các cộng đoàn Hội thánh sơ khai, như sách Công vụ Tông đồ mô tả, nghĩa là một cộng đoàn trong đó mọi người đều một lòng một ý và không ai phải thiếu thốn điều gì. Đó là một cộng đoàn hiệp thông được Lời Chúa và bí tích dưỡng nuôi, và sống kinh nghiệm sâu xa về Đức Kitô, và liên đới với mọi người xung quanh trong cộng đồng khu vực hướng tới truyền giáo. Khi ấy giáo xứ sẽ là Cộng đoàn hiệp thông của các Cộng đoàn này, đàng khác, các gia đình chúng ta sống hiệp nhất với các gia đình khác, kiến tạo các cộng đoàn lành mạnh và hạnh phúc.

Thư Mục

1. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia, 19.03.2016.

2. ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 22.11.1981.

3. Granados J., Kampowski S., Perez-Soba J.-J., Amoris laetitia : Accompagnare, discernere, integrare, Cantagalli, Siena 2016.

4. De Jesus Dias J. Coracao, Small Christian Communities to Small Human Communities, Asian Trading Corporation, Bangalore India 2016.

WHĐ (8.9.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 110 (Tháng 1 & 2 năm 2019)



[1] Phanxicô, Amoris laetitia (AL) 234.

[2] THĐGM, Relatio Finalis (RF) 2015, 56.

[3] RF 2015, 89.

[4] AL 200.

[5] AL 300.

[6] AL 211.

[7] AL 300.

[8] AL 242.

[9] RF 2015, 85. AL 300 trích lại.

[10] Cf. Familiaris Consortio 84: “Khi có những lí do hệ trọng – chẳng hạn để làm gương và giáo dục con cái – người nam và người nữ không thể xa lìa nhau như luật buộc, thì họ có thể quyết tâm sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh hẳn những hành vi dành riêng cho vợ chồng”.

[11] AL 291 trích RS 2014, 28; cf. RF 2015, 55.

[12] AL 242 trích RS 2014, 47.

[13] AL 46.

[14] Cf. AL 247.

[15] Cf. AL 248.

[16] Cf. AL 253-258.

[17] Cf. AL 297.

[18] Cf. AL 293: các Mục tử phải “xác định rõ ràng các yếu tố của đời sống họ khả dĩ giúp họ sống cởi mở hơn với Tin mừng về hôn nhân ở mức trọn vẹn của nó”; AL 294: làm sao “tiến dần tới hôn nhân và gia đình trọn vẹn trong ánh sáng của Tin mừng”; AL 297: “giúp họ đạt đến sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa nơi họ”; AL 307: “không được từ bỏ đề nghị lí tưởng trọn vẹn của hôn nhân”; AL 325: “đừng bao giờ ngưng tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu”.

[19] AL 218.

[20] AL 260.

[21] AL 288.

[22] AL 108.

[23] Cf. AL 200.

[24] Cf. AL 208, 230, 289.

[25] Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, 19.

[26] Phanxicô, Evangelii Gaudium(EG) 7; Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est (DCE) 1.

[27] EG 36.

[28] AL 299.

[29] Cf. Lumen gentium (LG) 9.

[30] Gioan-Phaolô II, Ecclesia in Asia (EA) 24.

[31] LG 26.

[32] Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 58.

[33] Báo cáo cuối cùng của THĐGM ngoại thường 1985, phần C “The Church as communio” n.6.

[34] EA 46.

[35] Cf. EA 25.

[36] EA 25.

[37] Tuyên bố chung của Đại hội FABC lần thứ V tại Bandung, Indonesia, 27.07.1990.

[38] L. Boff, Church: Charism and Power, Crossroad, New York, 1986, 125-126. Trích lại trong Dr. Joseph Coracao De Jesus Dias SVD, Small Christian Communities to Small Chuman Communities, ATC Bangalore 2016.

[39] Redemptoris Missio 51.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/dong-hanh-voi-cac-gia-dinh-gap-kho-khan-va-cac-cong-doan-giao-hoi-co-ban-40569

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét