Trang

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Chúng ta chỉ là một khoảng thời gian ngắn khó tả nên lời

 Chúng ta chỉ là một khoảng thời gian ngắn khó tả nên lời


lavie.fr, Jacques Arènes, 2020-06-10

Chuyên mục của nhà tâm lý và phân tâm Jacques Arènes trả lời độc giả trên tuần báo La Vie về các câu hỏi thuộc lãnh vực thiêng liêng hay hiện sinh.

Tôi thậm chí không biết vì sao tôi đang nói chuyện với ông, vậy mà… Câu hỏi lớn về sự tồn tại: Tôi đang làm gì ở đây? So với thực tại là có hàng hà sa số hành tinh, thiên hà, chòm sao và vũ trụ cũng như có hàng hà sa số hạt cát trên hành tinh, vậy tôi là gì? Mà rồi, tôi chỉ là ‘không là gì’ trong không gian vô tận, sinh bởi cha mẹ cũng ‘không là gì’, những người tưởng mình đến từ một cái gì, thậm chí cũng không là hạt bụi trong vô tận, vượt ra ngoài chúng ta trên tất cả mọi quan điểm. Chúng ta chỉ là một đời sống trong muôn vạn đời sống khác, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi không thể tả, không có gì, chỉ là một phần ngàn giây, một phần tỷ giây của vũ trụ vượt quá chúng ta này. Ông có thấy tôi bi quan không? Thực thể duy nhất gieo rắc hỗn loạn là con người. Chúng ta có trách nhiệm, và dù tôi tưởng tượng mình đang chiến thắng, tôi cũng đang bị đe dọa về sự tuyệt chủng của chính tôi. Chúng ta đang lạm dụng mọi thứ, kể cả cuộc sống của chính chúng ta… Liệu tất cả những điều này có dẫn đến thảm họa, một cuộc nội chiến, hay bất cứ chuyện gì chẳng hạn thảm họa hành tinh, tuyệt chủng, hủy diệt toàn cầu không? Còn chỗ nào để cho tình thương không? Khi nói đến sự sống còn, thì không còn chỗ.

Đó, tôi có thể tiếp tục dài dòng như thế, nhưng tôi sẽ dừng lại ở đó.

Không có lối thoát cho nền văn minh của chúng ta, chỉ là một trận đại hồng thủy hành tinh mà không ai có thể tránh khỏi. Một sự trả thù công bằng giữa những người thiệt thòi nhất và những người có lợi nhất…

Cuộc tranh luận có thể kéo dài, tôi chỉ chạm nhẹ, từ gần, từ xa, đủ gần để để lại một dấu ấn nhẹ, một dấu ấn, một giọt nước mắt, một cái rùng mình, một hiển nhiên…

Tôi sẽ không để lại gì sau lưng tôi, hoặc rất ít, nếu không phải là không có gì sất, một gợi nhớ mà không ai có thể nhớ đến và để lại trong sự lãng quên của những người sẽ không còn có thể nhớ đến tôi.

Và đó là chẳng có gì… 

Nói lên được những chuyện này làm tôi nhẹ người.

Câu trả lời của nhà phân tâm học Jacques Arène

Suy nghĩ tiêu cực của bạn có vẻ ngây thơ, hiển nhiên, đôi khi gây khó chịu vì nó vừa đúng vừa sai. “Đúng” vì thứ trật của mục tiêu, như với chiều kích rất rất bé nhỏ của sự sống trên trái đất so với vũ trụ bao la, và còn hơn nữa là cuộc sống của mỗi chúng ta trong tất cả cuộc sống trải rộng và đòi hỏi tồn tại còn nhiều hơn nữa. Các dấu vết hư vô, dấu ấn, nước mắt, rùng mình, tất cả những chuyện này đều “gần như không có gì”. Tuy nhiên bên cạnh đó bạn vụng về xây dựng các câu đẹp để giải thích cho những điều không có gì, mà chúng thì rất nhiều, ít nhất là trên quy mô của một đời sống.

Vì thế phần thứ hai cho khẳng định ngược lại của tôi là: Suy nghĩ tiêu cực của bạn cũng “sai”, và nó không thuyết phục, bởi vì theo quy chuẩn của bạn, điều đó không đúng. Bạn lo vì những gì sẽ còn lại của bạn – có thể không có gì – nhưng những gì bạn là, những gì bạn cảm thấy, những gì bạn mong muốn đã lấp đầy không gian. Do đó, nghịch lý của nỗi sợ hãi không có gì chiếm quá nhiều không gian trong lòng bạn. Những điều “gần như không có gì” đối với sự sống của thế giới, cũng tạo nên một tổng thể cho bạn. Bạn nói, và điều này làm cho bạn cảm thấy dễ chịu. Bởi vì sự thiếu ý nghĩa này rình rập bạn và xâm chiếm bạn. Các dấu vết của hư vô, dấu ấn, nước mắt, rùng mình, tất cả các yếu tố tinh tuyền này, những thứ không có gì này là các hình ảnh bay trong bạn và xâm chiếm rất mạnh trong lòng bạn.

Sự thiếu ý nghĩa này rình rập bạn và xâm chiếm bạn

Có thực sự cần thiết để lại một dấu ấn lâu dài và nổi bật được khắc trên đá không? Chẳng hạn những người đi trước bạn, ông bà tổ tiên hoặc xa hơn nữa, họ đã để lại gì? Không hò hét trên mái nhà để trao truyền, nhưng qua những gì còn đó, dấu vết, dấu ấn và bụi bám còn đây đó. Và đời sống của những người đã qua đời vẫn còn trong lòng chúng ta, bên cạnh chúng ta là một đời sống rất nhẹ nhàng… như các dấu tích trên cát. Nhưng không vì vậy mà các dấu tích vi tế này không mang một ý nghĩa nào sao?

Một khía cạnh khác của “suy nghĩ tiêu cực” của bạn – tôi luôn dùng lại từ của bạn – gợi lên một thảm họa có thể xảy ra. Chúng ta đã trải qua thời gian cách ly làm cho chúng ta như đứng trước bóng ma của mình, và thảm họa là một phần của các bóng ma này. Các bóng ma này có xâm xâm chiếm chúng ta không? Các sinh vật ngoại lai của ngày tàn thế giới có vẻ như thực hơn là các dấu ấn của những người đi trước hoặc dấu ấn mà bạn sẽ để lại. Có chắc như vậy không? Ngòi bút nhẹ tênh của bạn thật khó đánh giá, nhưng chúng ta hãy thử cân nhắc xem. Liệu thảm họa có thể thấy trước, mà ngày nay nhiều người nói với chúng ta, có nặng nề hơn cuộc sống nhẹ tênh, ấy vậy mà lại sâu đậm khi cuộc sống này nghĩ về chính nó.

Cho các bóng ma một sức nặng chỉ làm nổi bật lên sự hời hợt về thực tế của bạn. Vì thế bạn nên đắm mình vào cuộc sống, trong đời sống này, đời sống của bạn, dù bạn gắn cho nó một điểm yếu nào. Sự hời hợt là khí cụ duy nhất của bạn. Bạn hãy dùng nó thật mạnh, và cùng nó bạn kéo, kéo để thấy các bóng ma của bạn. Vì thế triết gia Wladimir Jankélévitch đã khẳng định, một em bé gái mất tích ở lò thiêu Auschwitz, thế giới loài người không có tên em để tưởng niệm, nhưng không vì thế mà dấu vết vô hình này không để lại một dấu ấn vĩnh viễn. Tôi đã nói về hình ảnh này trước đây, bởi vì hình ảnh này là chính xác. Sự việc là nó vẫn không phai mờ, dù rất nhẹ.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2020/09/09/chung-ta-chi-la-mot-khoang-thoi-gian-ngan-kho-ta-nen-loi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét