Lm. Oscar Lukefahr C.M. - Dịch giả: Pt. Giuse Trần Văn Nhật
7 THKT CÁC SÁCH KHÔN NGOAN
“Sự vội vàng không có kết quả tốt.” “Một
lời khuyên của người khôn ngoan thì cũng đủ.” “Hãy làm cho người khác những gì
bạn muốn họ làm cho bạn.” Những câu châm ngôn như thế là một phần của sự khôn
ngoan để dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống.
Sự khôn ngoan có thể được diễn trả trong
nhiều hình thức khác, tất cả đều giúp chúng ta xác định giá trị và khám phá ra
ý nghĩa. Kịch bản như “A Man for All Season” minh chứng giá trị của sự
can đảm và liêm chính. Bài hát “Amazing Grace” nhắc nhở chúng ta về lòng
thương xót của Thiên Chúa. Những câu cách ngôn giúp chúng ta trong những quyết
định hàng ngày. Bài thơ “How Do I Love Thee?” của Elizabeth Barrett
Browning dậy rằng sự giao tiếp của con người thì quý hơn vàng.
Người dân thời Cựu Ước quý trọng sự khôn
ngoan và duy trì cái nhìn sáng suốt của các hiền nhân trong bảy cuốn sách được
gọi là các Sách Khôn Ngoan. Trong đó chúng ta thấy có kịch bản, sách ông Gióp;
các thánh thi, sách các Thánh Vịnh; một cuốn Châm Ngôn;
sách Giảng Viên; thi ca tình yêu sách Diễm Ca của Sôlômon;
những suy nghĩ về quá khứ, sách Khôn Ngoan của Sôlômon; và một thư
mục các lời nói, sách Huấn Ca.
Nội Dung của Văn Học Khôn Ngoan
Có nhiều truyền thuyết về Khôn Ngoan
trong thế giới cổ. Các hiền triết của Ít-ra-en nghiên cứu các truyền thuyết này
và học hỏi từ đó. Tuy nhiên, sự khôn ngoan của Do Thái thì độc đáo vì nó phản
ánh một niềm tin rõ rệt nơi Thiên Chúa và trong một trật tự luân lý dựa trên
thánh ý của Thiên Chúa.
Văn Học Khôn Ngoan Cựu Ước khác với Ngũ
Kinh và các sách Sử vì các tác giả đối phó với các vấn đề cá nhân thay vì vấn
đề tôn giáo như giao ước. Các tác giả này nhìn đến đời sống từ quan điểm của cá
nhân thay vì dân tộc. Họ thảo luận những điều như tác phong tốt, sống luân lý,
buôn bán, hôn nhân, gia đình, gia tộc, đời sống xã hội, và sự giao tiếp của con
người. Họ nhìn đến các thắc mắc làm cá nhân chúng ta bối rối, về ý nghĩa của sự
đau khổ, sự lành và sự dữ, giầu và nghèo, sự sống và cái chết.
Hình Thức Văn Học Khôn Ngoan
Các Sách Khôn Ngoan theo các khuôn khổ
của thi ca Do Thái, tùy thuộc vào sự cân đối tư tưởng thay vì vần điệu. Các
khuôn khổ thông thường là sự lập đi lập lại, tương phản, và xây dựng.
Trong cách lập đi lập lại,
những ý tưởng tương tự được diễn tả bằng những lời khác nhau:
Lạy CHÚA, xin đừng trách mắng con khi thịnh nộ, đừng sửa trị con lúc nổi trận
lôi đình (Tv 6:2).
Trong cách tương phản, các ý
tưởng khác nhau được so sánh:
Ghét ghen sinh cãi vã, nhưng tình yêu khoả lấp mọi lỗi lầm (Cn 10:12).
Trong cách xây dựng, các ý
tưởng được chồng lên nhau:
Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh,
như chiếc ấn trên cánh tay anh;
vì tình yêu mãnh liệt như tử thần,
cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,
một ngọn lửa hoành hành.
Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp (Dc 8:6-7).
Một khi chúng ta để ý đến các khuôn mẫu
này, chúng ta có thể thích thú với dòng tư tưởng và sự cân đối mà chúng làm
thành thi ca của người Hebrew. Chúng ta có thể sẵn sàng muốn hiểu biết và quý
trọng Văn Học Khôn Ngoan hơn.
Nguồn Gốc và sự Hình Thành Văn Học Khôn Ngoan
Các truyền thuyết khôn ngoan đã có ở Ai
Cập và Mêsôpôtamia trước khi có biến cố Xuất Hành, có lẽ người Ít-ra-en đã biết
đến và dùng các châm ngôn để dậy con trẻ ngay từ thời các Thủ Lãnh. Trong kỷ
nguyên các vua, các luật sĩ là người thu thập các lời nói và thành lập các
trường phái. Truyền thuyết Khôn Ngoan tiếp tục trong lịch sử Cựu Ước, và sách
Khôn Ngoan của Sôlômon là sách sau cùng trong Cựu Ước được viết xuống.
Vua Đavít được cho rằng đã sáng tác
nhiều Thánh Vịnh, và Vua Sôlômon được coi là tác giả của các sách Châm Ngôn,
Giảng Viên, Diễm Ca, và nhiều phần của sách Khôn Ngoan của Sôlômon. Đavít có
thể đã viết một số Thánh Vịnh, và Sômômon có lẽ đã viết một số châm ngôn và các
giáo huấn, nhưng không ai thực sự là tác giả của các sách được gán cho họ. Điều
phổ thông thời xưa là gán tên của một người nổi tiếng là tác giả cho một cuốn
sách nhằm tạo uy tín đặc biệt cho sách này.
Sách Gióp (Job)
Một cụ bà bị bệnh ung thư nằm trong bệnh
viện và than khóc. Vị tuyên úy hỏi điều gì làm cụ mất bình an. Cụ trả lời một
người bạn nói rằng nếu cụ cầu nguyện với đức tin, cụ sẽ được khỏi. Bạn của cụ,
thay vì an ủi thì đã đặt một gánh nặng mặc cảm tội lỗi trên cụ. Cụ lý luận,
“Con không khỏi, vì không có đức tin.”
Người xưa cho rằng Thiên Chúa chỉ chúc
lành cho chúng ta nếu chúng ta tốt lành và mọi đau khổ là hình phạt của Thiên
Chúa vì không tốt lành đủ, quan niệm ấy ngày nay vẫn còn. Và
nó gây nhiều thiệt hại, như đã xảy ra trong thời Cựu Ước.
Sách ông Gióp được viết bởi một thi sĩ
có linh ứng, ông thấy sự sai lầm khi coi sự đau khổ ngang bằng với hình phạt
của Thiên Chúa. Thời điểm sáng tác thì không rõ, nhưng nhiều học giả đặt nó vào
khoảng thời gian Lưu Đầy.
Câu chuyện bắt đầu với một tường thuật
văn xuôi về ông Gióp, một trưởng tộc giầu có, sống không tì ố trước mặt Thiên
Chúa. Nhưng một ngày kia, Satan (không phải là quỷ, nhưng một loại trạng sư của
quỷ) đã thách đố Thiên Chúa là hãy thử thách ông Gióp, nó nói rằng nếu Thiên Chúa
tước đoạt mọi sự giầu có của ông, chắc chắn ông sẽ nguyền rủa Thiên Chúa. Hậu
quả là ông Gióp bị tước đi sự giầu có, gia đình, và sức khỏe, nhưng ông đã kiên
nhẫn chịu đựng.
Sau đó cảnh tượng thay đổi, và sách đổi
từ văn xuôi sang thể thơ khi kể lại ba người bạn của ông Gióp đến an ủi ông, là
Êlipha, Biuđát, và Giôpha. Khi họ đến, ông Gióp trở nên thiếu kiên nhẫn và
phàn nàn về số phận của mình. Sau đó các bạn ông đối thoại kiểu thi ca với ông
Gióp trong ba chu kỳ phát biểu. Mỗi lần họ đều kết tội ông Gióp rằng căn cứ vào
những đau khổ điều đó chứng tỏ ông có tội. Tuy nhiên, ông Gióp từ chối bất cứ
tội nào và yêu cầu Thiên Chúa giải thích tại sao ông phải đau khổ. Sau đó một
thanh niên, Êlihu, xuất hiện để bào chữa cho Thiên Chúa. Bài nói của anh kết
thúc với nhận xét rằng Thiên Chúa “coi thường bất cứ ai cao ngạo tưởng mình
khôn ngoan” (37:24).
Sau đó màn mở ra và Thiên Chúa đứng ngay
giữa sân khấu. Lên tiếng từ “cơn lốc”, Thiên Chúa chất vấn ông Gióp: “Ngươi là
ai mà dám đặt câu hỏi với ta? Ngươi có thể tạo thành vũ trụ này không? Ngươi có
thống trị các tinh tú không? Ngươi là chủ sự sống hay sao? Ngươi có thể chế ngự
sức mạnh của các thú vật bất kham không?”
Ông Gióp chới với, “Con biết Ngài có thể
làm mọi sự,” ông thì thào với Thiên Chúa. “…. Con thốt ra những gì con không
hiểu…. Con chỉ nghe về Ngài với đôi tai, nhưng giờ đây mắt con được thấy Ngài;
bởi thế, con khinh thường chính con, và con sám hối trong bụi tro” (42:2-6).
Câu chuyện trở lại thể văn xuôi, báo
hiệu màn cuối cùng. Thiên Chúa khiển trách ba người bạn của ông Gióp, họ kinh
ngạc và khiếp đảm: “…vì các ngươi không nói đúng về ta, như tôi tớ Gióp của ta
đã nói” (G 42:7). Thiên Chúa ra lệnh cho họ dâng của lễ đền tội và xin ông Gióp
cầu cho họ! Sau đó Thiên Chúa chúc phúc cho ông Gióp bằng cách phục hồi tài sản
của ông gấp hai lần và ban cho ông một gia đình mới.
Hãy đọc Gióp 31:35-37 về
việc ông Gióp nài xin Thiên Chúa trả lời. Hãy đọc Gióp 38:1 -- 42:6,
một bài nói dài của Thiên Chúa có lẽ tượng trưng cho những suy tư của tác giả
về công trình tạo dựng lạ lùng, và qua đó cảm nghiệm được Đấng Tạo Hóa.
Câu chuyện có hai điểm luân lý quan
trọng. Thứ nhất, chúng ta không được toan tính đưa Thiên Chúa xuống ngang bằng
với chúng ta bằng những câu trả lời đơn giản về những vấn đề lớn lao của đời
sống. Một đàng, khi cho rằng sự đau khổ là hình phạt của Thiên Chúa, như các
bạn ông Gióp nghĩ, đó là một xúc phạm đến Thiên Chúa. Đàng khác, như ông Gióp
nghĩ, chúng ta có thể hiểu được tất cả các bí ẩn của đời sống, đó là sự điên
dại. Thứ hai, khi chúng ta bị đau khổ, tất cả những sự hợp lý của đời này sẽ
không giúp được gì. Chỉ có sự gặp gỡ với Thiên Chúa và ý thức rằng Thiên Chúa
thì gần với chúng ta hơn sự đau đớn, điều đó có thể đem cho chúng ta sự bình
an. Khi chúng ta có thể nói với Thiên Chúa, “Giờ đây mắt con thấy Ngài,” có lẽ
chúng ta không hiểu được mọi lý do cho sự đau khổ của chúng ta, nhưng chúng ta
có thể chấp nhận nó.
Sách ông Gióp là một vở tuồng. Nhưng
đằng sau, chắc chắn là một câu chuyện thực về sự đau khổ. Tác giả của nó có lẽ
bị một căn bệnh hiểm nghèo. Các bạn của ông có lẽ đã khuyên ông là nếu ông cầu
nguyện với đức tin, mọi sự sẽ tốt đẹp. Sau đó tác giả cảm được sự hiện diện của
Thiên Chúa một cách mạnh mẽ, có lẽ qua cảm nghiệm gần kề cái chết và sự hiện
diện này đã đem đến cho ông sự bình an.
Những người được chết đi sống lại xác
nhận rằng qua cảm nghiệm đó họ nhận được một sự bình an hơn lòng mong đợi. Các
bạn của họ có lẽ đã hỏi, “Làm thế nào bạn lại nói đời sống thì tốt đẹp khi bạn
bị bệnh gần chết? Làm thế nào bạn nói rằng Thiên Chúa hiện diện khi có quá
nhiều đau khổ trong thế giới này?” Những người ấy đơn giản trả lời rằng, “Tôi
không thể giải thích được. Tôi chỉ biết là Thiên Chúa thật gần
và mọi sự sẽ êm xuôi.” Những cảm nghiệm về Thiên Chúa như thế thì vượt trên mọi
ngôn ngữ. Ngay cả những thi sĩ vĩ đại, như tác giả sách ông Gióp, chỉ có thể
đem lại một hiểu biết sơ sài về Thực Tại Tối Hậu. Nhưng, cũng như một đứa bé sợ
hãi cảm thấy an tâm trong đôi tay của mẹ nó thì những ai gặp gỡ Thiên Chúa cũng
sẽ tìm thấy sự bình an.
Sách ông Gióp khích lệ chúng ta hãy tìm
kiếm Thiên Chúa trong sự cầu nguyện. Nó giúp chúng ta nhận biết rằng trong khi
không dễ để trả lời cho vấn đề đau khổ, ở đó vẫn có một câu trả lời. Đó là sự
nhận biết của đức tin rằng Thiên Chúa thì gần gũi và chúng ta có thể gieo mình
vào vòng tay từ ái của Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện như ông Gióp, “Con
đã thốt lên những gì mà con không hiểu, nhưng giờ đây mắt con được thấy,” chúng
ta đang trên một hành trình mà nó sẽ dẫn đến Chúa Giêsu, “Lậy Chúa, lậy Thiên
Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15:34). “Lậy Cha, con phó thác hồn con
trong tay Cha” (Lc 23:46). Chúng ta đang trên con đường từ sự đau đớn đến bình
an.
Ông Gióp - Tranh của Jusepe de Ribera
NHỮNG CÂU TRẮC NGHIỆM
Trả Lời & Câu Hỏi
Sự khôn ngoan giúp dẫn
dắt chúng ta qua đời sống thì được biểu lộ trong nhiều hình thức, kể cả kịch
nghệ, thơ, và châm ngôn.
Các hiền nhân của
Ít-ra-en học hỏi từ các truyền thống Khôn Ngoan của người Ai Cập và
Mesopotamia, và căn bản Văn Học Khôn Ngoan của Ít-ra-en cũng giống như thế.
Văn Học Khôn Ngoan của Ít-ra-en nhìn đến đời sống từ quan điểm của một dân tộc thay vì của cá nhân.
Các tác giả Văn Học
Khôn Ngoan Cựu Ước thảo luận về những đề tài như tác phong tốt, sống luân lý,
buôn bán, hôn nhân, gia đình, quê hương, đời sống xã hội, và những tương giao
con người.
Văn Học Khôn Ngoan Cựu Ước có khuynh hướng đi theo các khuôn khổ của thơ văn Do Thái, tùy thuộc vào sự quân bình của tư tưởng thay vì trên vần điệu.
Câu “Ghét ghen sinh cãi vã, nhưng tình yêu khoả lấp mọi lỗi lầm” (Cn 10:12) là một thí dụ của cách (a) lập lại; (b) tương phản; (c) xây dựng; (d) Thánh Vịnh.
Truyền thống Khôn
Ngoan của Ít-ra-en bắt đầu từ thời Đavít và tiếp tục trong suốt lịch sử Cựu Ước.
Dường như Đavít và Solomon là tác giả của tất cả Văn Hóa Khôn Ngoan được gán cho họ.
Sách ông Gióp được
viết bởi một thi sĩ được linh ứng, ông này nhìn thấy sự sai lầm khi coi hình phạt
ngang bằng với sự trừng phạt của Thiên Chúa.
Cả hai phần văn xuôi và thơ trong của sách ông Gióp cho thấy ông là người kiên nhẫn chấp nhận sự giải thích truyền thống về sự đau khổ như được các bạn ông giải thích.
Trong sách ông Gióp,
Thiên Chúa khen ngợi ba người bạn của ông Gióp vì giải thích lý do thực sự của
sự đau khổ.
Khi đối diện với ông
Gióp, Thiên Chúa hỏi là ông có sự kiểm soát của Thiên Chúa trên tạo vật, trên
các gia súc và con người, và, sau cùng, trên một thú vật, hiển nhiên là con (a)
cá sấu; (b) chim ưng; (c) chó sói; (d) lạc đà (Gióp 38:1 -- 42:6).
Tác giả sách ông
Gióp hầu như tìm thấy các câu trả lời cho vấn đề đau đớn qua (a) sự cảm nhận được
Thiên Chúa; (b) triết lý; (c) sự hợp lý [logic]; (d) Tân Ước.
Sách ông Gióp dậy
chúng ta rằng không nên đưa ra những câu trả lời đơn giản cho những vấn đề lớn
lao của đời sống và những ai đau khổ có thể tìm thấy sự bình an khi họ nhận thức
rằng Thiên Chúa ở với họ ngay cả trong sự đau đớn.
Sách ông Gióp là một vở kịch, nhưng chắc chắn rằng, đằng sau đó là một câu chuyện thực tế của sự đau đớn và khổ não.
Còn tiếp
https://www.nguoitinhuu.org/sachtruyen/CatholicGuideBible/ch07.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét