Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Những câu hỏi chung quanh Phúc âm Chúa biến hình

 

Những câu hỏi chung quanh Phúc âm Chúa biến hình

   

Phan Tấn Thành

Mỗi năm chúng ta nghe đọc bài Tin mừng Chúa Biến Hình (Hiển Dung) hai lần: vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, và vào lễ Chúa Hiển Dung ngày 6 tháng 8. Vài câu hỏi được nêu lên.

1/ Tại sao đọc bài Tin mừng vào Chúa nhật thứ II Mùa Chay?

Có 2 cách trả lời:

– Tiến trình chuẩn bị dự tòng nhận Bí tích Rửa tội: a/ từ bỏ ma quỷ (Chúa nhật thứ Nhất); b/ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Chúa nhật thứ hai). Đó là nội dung của việc tuyên xưng đức tin trước khi lãnh bí tích khai tâm đêm Vọng Phục sinh.

– Hành trình dân Do thái trong mùa 40 (Quadragesima): từ sa mạc (Chúa nhật thứ Nhất: Chúa chịu cám dỗ trên sa mạc) đến núi Sinai (Chúa nhật thứ Hai): nơi ký kết giao ước.

2/ Tại sao  mừng lễ Chúa Biến Hình vào ngày 6 tháng 8?

Lễ này được mừng trong lịch phụng vụ Đông phương và Tây phương. Bên Đông phương từ lâu, bên Tây phương mới từ năm 1457 (ĐGH Callistô III). Người ta đưa ra hai lý do:

– Có lẽ là kỷ niệm lễ cung hiến đền thờ trên núi Tabor.

– Có lẽ vì muốn mừng 40 ngày trước cuộc thụ nạn (lễ kính Thánh giá, 14 tháng 9), trùng vào lễ Lều của lịch phụng vụ Do thái.

3/ Tại sao biến cố này chỉ được thuật lại trong Tin mừng Nhất lãm?

– Không có trong Gioan, nhưng lại được nói trong Phêrô (2Pr 1,16-18). Theo Gioan, cả cuộc đời của Đức Kitô là một cuộc mặc khải vinh quang rồi: kể từ khi gặp gỡ các môn đệ lần đầu (1,34), đến khi hóa nước thành rượu (2,11), khi thanh tẩy đền thờ (2,19). Thân thể vinh quang là chìa khóa giải thích tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu.

– Trong nhất lãm (Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36), biến cố này được đặt sau lời tuyên xưng của Phêrô và lời tiên báo cuộc tử nạn. Tất cả đều muốn nêu bật ý định của Chúa Giêsu muốn giải thích ý nghĩa cuộc khổ nạn (nhưng các môn đệ chẳng hiểu gì). Tuy nhiên mỗi thánh sử có thần học riêng. Chúng ta sẽ nói riêng về Luca. Luca mở đầu cho hành trình lên Giêrusalem

4/ Ở đâu? Lúc nào?

a) Thời gian: 6 ngày sau (khi Phêrô tuyên xưng). Luca: 8 ngày sau (8= 7+1. Phục sinh. Ngày thứ nhất sau Sabat: 24,1).

– 6 ngày nhắc lại biến cố Xuất hành 24,16 (đám mây phủ núi Sinai 6 ngày; sau đó Chúa gọi ông Môsê lên núi).

– 6 ngày kết thúc lễ Lều theo tục Do thái, và bắt đầu lễ  Yom Kippur (lễ xá tội).

b) Không gian: trên núi. Núi nơi Chúa mặc khải

– Trong Cựu ước. Núi Horeb/ Sinai (Môsê / Elia);  núi Carmel (Êlia);  núi Moria (Abraham)

– Trong cuộc đời Chúa Giêsu: núi bát phúc, núi cầu nguyện, núi Calvariô, núi Cây dầu (Lên trời). Matthêu 28 nói đến núi Chúa Phục sinh.

5/ Tại sao chỉ đưa ba môn đệ mà không đưa các ông khác?

– Đây là 3 môn đệ ưu tuyển: trong phép lạ cho con gái ông Giairo sống lại (chứng nhân sự phục sinh); trong vườn cây dầu (chứng nhân cuộc khổ nạn); lúc biến hình.

– Nhắc lại ông Môsê đưa 3 môn đệ lên núi (Aron, Nadab và Adiu). Chúa Giêsu là Môsê mới. Khác một điều là Môsê cũ chứng kiến sự tỏ hiện của Thiên Chúa, còn ở đây chính Chúa Giêsu tỏ hiện vinh quang.

6/ Biến hình là gì?

– Trong tiếng La-tinh, cuộc Biến Hình được gọi là: transfiguratio (thay đổi dung nhan). Trong Tân ước Hy-lạp gọi là metamorphosis (dịch sang tiếng Latinh là trans-formatio: thay đổi hình thể). Không phải là mặc lấy một căn tính khác, nhưng tỏ lộ điều đã có. Các môn đệ nhận ra ngay điều ấy. Áo trắng: Y phục của loài thiêng (của Chúa Phục sinh).

– Luca nhấn mạnh cách riêng đến tư thế cầu nguyện. Chúa Giêsu lên núi để cầu nguyện, chứ không phải để biến hình! Nhắc lại ông Môsê biến dạng khi hội ngộ với Chúa (hiển dung).

7/ Tại sao có ông Môsê và ông Êlia hiện đến? Họ đàm đạo gì với Chúa?

– Hai ông đã từng gặp Thiên Chúa trên núi Horeb. Tượng trưng Lề luật và Ngôn sứ.

– Theo Luca, họ đàm đạo về cuộc xuất hành “của Đức Giêsu”: việc lên Giêrusalem, được giải thích như cuộc xuất hành mới: giải phóng.

8/ Tại sao các môn đệ ngủ ?

Phải hiều ngủ thần học hơn là ngủ thể lý (làm sao ngủ được trước cảnh tượng hùng vĩ thế này?). Trong vườn Cây dầu, các ông cũng ngủ! U mê dốt nát, chậm hiểu lời Chúa, điều mà  Chúa Phục sinh sẽ trách hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,27).

9/ Tại sao ông Phêrô muốn cất ba lều?

-Lều: lễ lều của người Do thái (Lv 23,33-34). Cũng có thể là lều khi lên hành hương ở Giêrusalem.

– Lều cũng có thể nhắc đến lều hội ngộ thời ông Môsê (Xh 33,7-11).

10/ Có gì khác biệt giữa tiếng phán từ trời lúc Đức Giêsu chịu phép rửa và lúc biến hình không?

– Ở sông Giorđan, tiếng nói hướng tới Đức Giêsu (Con là người con yêu dấu của Ta; Ta hài lòng về Con); ở trên núi, tiếng nói hướng tới các môn đệ (và Hội thánh): “hãy lắng nghe”.

– Ở sông Giordan: có tiếng Chúa Cha, Đức Giêsu, chim bồ câu. Trên núi: tiếng nói, Đức Giêsu, đám mây (đám mây được giải thích là Thánh Linh). Như vậy là mặc khải mầu nhiệm Tam vị. Còn theo thánh Tôma Aquinô, hai lần tiếng phán từ trời tiên báo cho chúng ta: về sự tái sinh (bí tích thanh tẩy) và về sự phục sinh (Summa Theologiae, III, q.45, a.4).

– Tuy nhiên, cũng có thể đọc dưới lăng kính khác: Tiếng trên trời củng cố lời tuyên xưng của Phêrô (Đức Giêsu là Mêsia, nhưng còn phải trải qua đau khổ mới được vào vinh quang).

11/ Cuộc biến hình có ý nghĩa gì cho chúng ta không?

– Hành trình làm môn đệ: trở nên đồng hình đồng dạng với Đúc Kitô (xem Tông huấn Vita consecrata của ĐGH Gioan Phaolô II).

– Con đường làm môn đệ (sequela). Lên núi Tabor, sau đó xuống núi, rồi lại lên núi Calvariô, trước khi lên núi vinh quang. Việc leo núi hàm ngụ sự vất vả (các giáo phụ liên kết ascensio – đi lên – với ascesis – khổ chế).

12/ Cuộc biến hình có liên quan gì đến buổi cử hành Thánh Thể?

Cuộc biến hình: chiếu tỏa ánh sáng mới

– làm  thay đổi quan điểm về thập giá: phải trải qua thập giá mới đến vinh quang.

– Chúng ta được biến đổi nhờ việc tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể (bài đọc II: Pl 3,21), nên giống thân thể tử nạn và phục sinh của Đức Kitô.

 

https://catechesis.net/nhung-cau-hoi-chung-quanh-phuc-am-chua-bien-hinh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét